Ánh Sáng Ban Ngày đã không thề là sẽ chừa hẳn rượu, mặc dù trong nhiều tháng kể từ ngày anh quyết định để mặc cho việc làm ăn của mình sập tiệm anh không hề đụng đến giọt nào. Bây giờ anh đã tự chứng tỏ anh có thể uống một ly mà không thấy thêm uống thêm ly thứ hai nữa. Mặt khác từ khi về sống ở miền quê, anh không còn thấy rượu là cần thiết với anh nữa. Anh không còn thiết gì đến nó và còn quên hẳn là nó hiện hữu trên cõi đời này. Tuy vậy, anh không sợ rượu, và trong những dịp vào thành phố, nếu được người chủ quán mời uống anh thường đáp:
- Được thôi anh bạn, nếu việc tôi uống sẽ làm bạn vui thì tôi sẽ uống. Rót cho tôi Whisky đi.
Nhưng ly rượu đó không làm cho anh thấy thèm ly thứ hai nữa. Nó chẳng để lại cho anh một ấn tượng nào cả. Một chút rượu đó không ảnh hưởng gì đến một người quá khoẻ mạnh như anh.
Đúng như lời tiên đoán của anh trước kia với Dede, cái anh chàng Ánh Sáng Ban Ngày tài phiệt đã chết ngay khi đến căn trại, và người em trai của anh ta, cái anh chàng Ánh Sáng Ban Ngày vừa từ Alaska đến, đã thế vào chỗ trống đó. Cái khuynh hướng phát phì đã biến mất, và cái vẻ gầy gầy của thổ dân, cùng cái nhạy bén của cơ bắp ngày xưa đã trở lại. Má anh cũng tóp lại như trước, chứng tỏ một thể lực sung mãn. Toàn thể những nông dân vạm vỡ ở Thung lũng Sonoma đều phải công nhận anh là một kẻ có sức lực, có thể nhấc bổng những vật nặng nhất và làm việc không hề biết mệt. Cứ mỗi năm một lần, anh đón mừng sinh nhật của mình như hồi còn ở chốn biên thuỳ bằng cách mời mọi người trong thung lũng lên đồi đến căn trại của anh ở, rồi thách họ thử sức và quật cho họ ngã ngửa ra. Vào những dịp như vậy, một số lớn cư dân ở thung lũng nhận lời mời, và họ đem theo cả vợ con để cắm trại luôn thể.
Lúc đầu, mỗi khi cần tiền, anh theo gương Ferguson đi làm công nhật. Nhưng chẳng bao lâu anh đã chuyển sang làm một công việc hứng thú hơn và cho phép anh có nhiều thời gian rảnh rỗi để ở bên Dede, ở bên căn trại cũng như tha hồ cưỡi ngựa qua các vùng đồi. Có một lần tay thợ rèn vì muốn ghẹo anh chơi nên đã thách anh thuần hoá một con ngựa bất kham. Lần ấy anh thành công vang dội đến độ anh trở nên nổi tiếng là một tay thuần hoá ngựa. Chẳng bao lâu sau, anh đã có thể kiếm đủ tiền để trang trải các thức cần dùng bằng cái nghề mà anh cho là rất thú vị này.
Một ông vua đường có một trại nuôi và huấn luyện ngựa giống ở Caliente cách đó ba dặm đã phải nhờ đến anh, và chưa đầy một năm ông ta đề nghị, Ánh Sáng Ban Ngày chỉ mỉm cười và lắc đầu.
Anh cũng không chịu thuần hoá tất cả số ngựa mà người ta nhờ. Anh thường bảo với Dede:
- Anh không muốn chết vì làm việc quá sức đâu! Anh chỉ nhận làm khi anh cần tiền mà thôi.
Một ít lâu sau, anh dựng hàng rào lập một trường huấn luyện ngựa trên cánh đồng cỏ của mình, và mỗi lần chỉ nhận thuần hoá một số ngựa hạn chế mà thôi. Anh thường nói với vợ:
- Chúng mình đã có căn trại và có nhau. Anh cùng em cưỡi ngựa đến Núi Mũ Trùm Đầu vào bất kỳ ngày nào hơn là kiếm được bốn mươi đô-la. Người ta đâu có thể dùng bốn mươi đô-la mà mua được những buổi hoàng hôn, những bà vợ đáng yêu những vốc nước suối mát lạnh, hoặc những vật dụng nhỏ nhặt như thế. Mà cho dù có bốn mươi triệu đô-la đi chăng nữa thì anh cũng không thể mua lại một ngày anh không cùng em cưỡi ngựa đến Núi Mũ Trùm Đầu được.
Đôi khi gặp lúc đẹp trời mà họ lại tích luỹ được một ít tiền, họ thích lên ngựa, mang theo những thức cần dùng ở hai túi đeo bên mình ngựa, và phi ngựa vượt qua thung lũng màn đêm buông xuống, họ sẽ dừng chân ở một căn trại hoặc một khu làng nào đó thuận tiện để rồi sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình bất định, cứ thế thúc ngựa về phía trước hết ngày này qua ngày khác cho đến khi hết tiền mới chịu trở về. Vào những dịp như thế, họ có thể rong ruổi quãng một tuần, hoặc mười ngày, hoặc hai tuần. Có lần họ đi suốt ba tuần liền.
Hai người còn dự định là một ngày nào đó khi họ khá giả - điều này họ cho là một sự đáng xấu hổ - họ sẽ làm một cuộc hành trình về tận quê nhà tuổi nhỏ Ánh Sáng Ban Ngày ở tận Đông Oregon, và đương nhiên trên đường đi sẽ ghé quê của Dede ở Siskiyou, nơi nàng đã sống hồi còn bé. Họ cảm thấy vui gấp ngàn lần mỗi khi nghĩ về những thú vui nhỏ nhặt trong chuyến lãng du lớn mà họ dự kiến đó.
Một ngày kia, khi họ dừng chân tại bưu điện thung lũng thì nhận được tin của Slosson. Nhân viên bưu điện kể rằng: "Chiếc ô tô chở gã ghé tạt ngang đây trên dường đi Santa Rosa. Gã muốn tìm xem anh có ở đây không, nhưng mấy người bạn cũ của gã vội quá nên gã đành phải lên đường, chỉ nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm, và nhờ tôi nhắn với anh rằng gã đã làm theo lời khuyên của anh và nhờ vậy đã liên tục phá được kỷ lục của chính mình".
Trước kia Ánh Sáng Ban Ngày đã có lần kể cho Dede nghe về chuyện này.
- Slosson à - Ánh Sáng Ban Ngày ngẫm nghĩ - Slosson nào vậy nhỉ? Hẳn phải là cái gã lực sĩ ném búa tạ rồi. Thằng nhãi đó đã đề tay tôi bẹp dí xuống mặt quầy đến những hai lần - Đột nhiên anh quay sang Dede - Này, Santa Rosa chỉ cách đây có mười hai dặm, mà ngựa của mình còn khỏe chán.
Nàng đoán ngay ra điều anh đang nghĩ trong đầu bởi vì cứ nhìn cặp mắt hấp háy, đôi môi mỉm cười bẽn lẽn như một đứa trẻ của anh thì cũng đủ biết rồi. Nàng mỉm cười và gật đầu ưng thuận.
- Chúng mình đi tắt qua Thung lũng Bennet. Như vậy gần hơn, - Ánh Sáng Ban Ngày nói.
Một khi họ đã đến Santa Rosa rồi thì việc tìm kiếm Slosson không có gì là khó cả. Anh ta và các bạn đã đăng ký phòng trọ tại khách sạn Oberln. Khi Ánh Sáng Ban Ngày vào văn phòng của khách sạn, anh gặp đúng Slosson đang ở đó. Sau khi đã giới thiệu Dede, Ánh Sáng Ban Ngày tuyên bố.
- Anh bạn trẻ nghe đây. Tôi đến đây để thử sức với chú em một lần nữa đây. Chỗ này tiện chứ?
Slosson mỉm cười ưng thuận. Hai người đứng đối diện nhau, tay phải của họ tì trên mặt quầy và nắm chặt vào nhau. Ngay lập tức tay của Slosson bị đẩy ra sau và bị đè dí xuống mặt quầy.
- Anh là người đầu tiên làm được chuyện ấy đấy - Slosson nói - Ta thử một lần nữa nào.
- Được thôi, - Ánh Sáng Ban Ngày đáp - Nhưng chú em cũng đừng quên rằng lần đó chú em cũng là người đầu tiên gồng tay ăn tôi đấy. Thế nên bây giờ tôi mới lặn lội đến đây tìm chú em để phục thù.
Tay họ lại nắm chặt lấy nhau, và tay của Slosson lại bị đè dí xuống mặt quầy. Slosson là một kẻ khổng lồ có đôi vai bè bè, bắp thịt mạnh mẽ, cao hơn Ánh Sáng Ban Ngày ít nhất là nửa cái đầu nên khi thấy mình thua Ánh Sáng Ban Ngày anh ta lấy làm bực bội ra mặt và đề nghị thử sức lần thứ ba nữa. Lần này anh ta vận hết sức khiến cho cả người biến thành một khối thép. Trong một lúc hai người bất phân thắng bại. Anh ta nghiến răng, mặt đỏ bừng, cố gắng đương cự lại sức mạnh của địch thủ, nhưng cơ bắp của anh chỉ chực đứt tung. Cuối cùng không thể chịu nổi nữa, anh ta thở hộc ra một hơi và buông tay rớt phịch xuống mặt quầy.
- Tôi chịu thua anh, - anh ta công nhận - Tôi chỉ còn nước mong là anh đừng bao giờ đi thi ném búa tạ thôi.
Ánh Sáng Ban Ngày phá lên cười và lắc đầu.
- Chúng ta có thể thoả thuận với nhau là mỗi người sẽ cứ tiếp tục nghề cũ của mình. Chú em cứ đi mà thi ném búa, còn tôi thì sẽ tiếp tục thi gồng tay mà thôi.
Nhưng Slosson không chịu thua. Khi Ánh Sáng Ban Ngày và Dede đã lên ngựa chuẩn bị đi, anh ta gọi với theo:
- Này, nếu năm sau tôi đến tìm anh thì có phiền gì không? Tôi muốn thử sức với anh một lần nữa.
- Được thôi chú bé ạ. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng gồng tay với chú em. Nhưng tôi phải báo trước cho chú em hay là thắng được tôi cũng gay lắm đấy. Chú em phải rán mà luyện tập thêm, vì lúc này tôi hay cuốc đất, bổ củi và huấn luyện ngựa chứng đấy.
Trên đường về nhà, lúc lúc Dede lại nghe ông chồng trẻ con khổng lồ của mình cười khăng khắc một cách vui vẻ. Khi họ dừng ngựa trên đỉnh vách núi ngăn phía bên kia thung lũng Bennet để ngắm cảnh trời chiều, Ánh Sáng Ban Ngày cho ngựa đứng song song với ngựa của Dede và vòng vay ôm lấy eo nàng.
- Này cô bé, - anh nói, - cũng nhờ cô mà anh được như thế. Tuỳ cô muốn nói gì thì nói, nhưng một cánh tay như vầy mà được ôm ngang eo một người phụ nữ nhỏ nhắn dịu dàng như thế này thì dù có bao nhiêu tiền cũng chẳng sung sướng bằng.
Đối với anh, trong số tất cả những niềm vui trong cuộc sống mái này, Dede là nguồn vui lớn nhất của anh. Anh đã nhiều lần nói với Dede, suốt đời anh lúc nào cũng chỉ sợ tình yêu, vậy mà cuối cùng anh nhận ra tình yêu chính là điều vĩ đại nhất trên cõi đời này. Hai người không những rất xứng đôi vừa lứa mà còn chọn được đất tốt cho tình yêu của họ ngày càng nảy nở khi đến sống trên căn tại này. Mặc dù nàng thích đọc sách và say mê âm nhạc, trong người nàng vẫn có vẻ giản dị lành mạnh và tình yêu thiên nhiên phóng khoáng, còn Ánh Sáng Ban Ngày là người yêu trời rộng trong từng đường gân thớ thịt.
Có một điều ở Dede mà không lúc nào anh hết ngạc nhiên, đó là đôi bàn tay khéo léo của nàng. Đó là đôi tay trước kia đã từng ghi những đoạn tốc ký như bay, đã gõ rào rào trên máy đánh chữ, đôi tay đã đủ sức điều khiển Bob, một con ngựa tuy dữ dằn nhưng thật là cừ; đôi tay ấy đã từng lướt trên những phím đàn dương cầm một cách tuyệt vời, thuần thục trong việc nội trợ, tuyệt vời như phép lạ khi ve vuốt, khi luồn qua mái tóc của anh. Tuy vậy, Ánh Sáng Ban Ngày cũng không mê vợ quá đáng. Anh vẫn sống như một người đàn ông, cũng như Dede sống như một người phụ nữ. Trong các công việc họ làm rõ ràng có sự phân công hợp lý, chỉ có điều là chúng đan quyện với nhau làm một, cả hai cùng quan tâm đến nhau và vì nhau. Anh rất thích xem nàng nấu nướng hoặc chơi đàn, cũng như nàng thích thú theo dõi những lần anh thử nghiệm thứ gì mới trong khu vườn rau. Vì anh tuyệt nhiên không muốn chết lo làm việc quá sức nên anh cũng để ý giúp nàng tranh khỏi điều đó.
Chính vì thế mà sau khi đã suy đi nghĩ lại anh nhất quyết không cho phép nàng bận bịu vì lo cho khách khứa. Suốt trong mùa hè dài và ấm áp họ thường có khách, chủ yếu là khách của Dede từ thành phố đến. Anh để cho họ tự cắm trại, tự lo liệu tự nấu ăn lấy như những người cắm trại thực thụ. Có lẽ chỉ ở California, nơi mà mọi người đều quen với cuộc sống ngoài trời, cách xử sự của anh mới được chấp nhận. Anh nhất quyết không để vợ mình phải thủ vai bồi bếp, hầu bàn, hoặc bồi phòng chỉ vì nàng không có được một đội quân phục dịch trong nhà. Thường thì những vị khách này hay ở lại đêm ăn tối với họ ở trong căn phòng khách rộng lớn, nhưng vào những lúc như vậy Ánh Sáng Ban Ngày thường phân công cho những người khách ấy và buộc họ phải thực hiện phần việc được giao chỉ những người nào ở lại một đêm thôi, hoặc cậu em của Dede lúc này đã ở Đức về và đã có thể ngồi trên lưng ngựa được, thì mới được đối xử khác. Mỗi lần cậu ấy về đây nghỉ dài ngày thì cậu ấy lại trở thành thành viên thứ ba của gia đình và được phân cho những công việc như nhóm lò quét nhà và rửa bát.
Ánh Sáng Ban Ngày luôn tìm cách làm nhẹ bớt công việc của Dede. Chính cậu em của nàng là người khuyến khích anh lợi dụng sức nước tuyệt vời trong căn trại lúc này đang để phí. Ánh Sáng Ban Ngày buộc phải nhận thêm ngựa về thuần hoá để có tiền mua vật liệu. Cậu em của Dede cũng bỏ ra ba tuần lễ để đến giúp và họ đã cùng nhau dựng lên hệ thống bánh xe quay nước kiểu Pelton. Ngoài việc dùng sức nước để cưa củi, chạy máy tiện và máy mài, Ánh Sáng Ban Ngày còn dùng sức nước để quay thùng đánh kem làm bơ. Nhưng thắng lợi lớn nhất của anh là việc anh đưa tay quàng quanh eo Dede để đưa nàng đi xem chiếc máy giặt hoạt động rất tốt nhờ chạy bằng sức nước.
Dede và Ferguson thay phiên nhau cố dạy Ánh Sáng Ban Ngày hiểu được thơ ca. Sau biết bao cố gắng nhẫn nại, họ mới khiến được anh vừa cho ngựa thong thả xuẩn núi xuyên qua những cánh rừng ngập hoa nắng vừa ngâm to bài thơ "Tomlinson của Kipling"(1), hoặc vừa mài rìu bên chiếc đá mài vừa ngâm nga bài "Bài ca thanh kiếm" của Henley(2). Không phải là anh có thể thưởng thức thi ca được như hai người thầy dạy của mình. Ngoài hai bài "Fra Lippo Luppin" và "Caliban và Setebos" của Browning(3) thì anh chẳng còn thấy nhà thơ này có gì hay nữa. Còn George Meredith(4) thì muôn đời anh chẳng hiểu được. Tuy nhiên, chính anh lại tự ý học chơi vĩ cầm và ráo riết tập dượt đến độ cuối cùng anh và Dede hàng đêm có thể hoà nhạc chung với nhau một cách vui vẻ.
Cuộc sống của cặp vợ chồng hoà thuận này cứ thế trôi qua êm ả. Không khi nào họ cảm thấy thời gian kéo lê một cách nặng nề. Đối với họ buổi sáng luôn mới mẻ tuyệt vời, còn buổi hoàng hôn luôn êm đềm dịu mát. Luôn luôn có cả ngàn chuyện Ánh Sáng Ban Ngày vui thích, và Dede cùng chia sẻ sự vui thích với anh. Ánh Sáng Ban Ngày đã hiểu được tính tương đối của mọi vật, mặc dù anh không hoàn toàn tự giác được điều này. Trong cuộc chơi mới này, anh đã tìm được trong những điều nhỏ nhặt tất cả những ham muốn và thoả mãn anh đã cảm thấy trước kia, khi anh còn là một thế lực điên cuồng có thể rung chuyển cả một nửa đại lục bằng những hoạt động bão táp của mình. Đối với anh, việc đem cả chân tay và khối óc, không kể đến an nguy của bản thân, để thuần hoá một con ngựa non bất kham để nó trở nên có ích cho loài người cũng là một thắng lợi to lớn không kém gì các thắng lợi ngày trước. Mà cuộc chơi mới này hoàn toàn trong sạch, không có nói dối, không có lừa đảo, không có đạo đức giả. Cuộc chơi mà trước kia anh đã tham dự chỉ đưa đến rữa nát và huỷ diệt, còn cuộc chơi mới này sẽ dẫn anh đến với sự sống mạnh mẽ trong sạch. Anh rất lấy làm bằng lòng khi được đứng bên Dede trong căn trại chênh vênh trên hẻm núi ngắm nhìn từng ngày, từng ngày trôi qua, hoặc được rong ngựa với nàng vào những buổi sáng giá lạnh dưới ánh nắng hè bóng bỏng, hoặc được ngồi trong căn phòng lớn ấm áp bên ánh lửa bập bùng trong chiếc lò sưởi do chính tay anh xây dựng, trong khi ngoài trời ngọn bão đông nam đang rung chuyển vạn vật.
Có một lần Dede hỏi anh là có bao giờ anh cảm thấy hối hận không. Anh chỉ trả lời bằng cách ôm chặt nàng vào vòng tay mình và phủ kín đôi môi nàng bằng đôi môi mình. Sau đó anh mới trả lời:
- Cô bé ạ, cho dù anh phải trả ba mươi triệu đô-la để có cô bé thì đó vẫn là một cái giá rất hời - Rồi dừng một chút anh nói thêm - Đúng, anh cũng có một điếu hối tiếc, một hối tiếc rất lớn là đằng khác. Anh chỉ muốn được chinh phục em thêm một lần nữa. Anh chỉ ước ao được hồi hộp lang thang trong rừng đồi để ngóng em. Anh ước ao lại được đặt chân vào căn phòng của em ở Berkeley như cái lần đầu tiên ấy. Nói như thế nào cho em hiểu hết đây nhưng anh thực sự tiếc là sẽ chẳng bao giờ được ôm em vào vòng tay như cái lần em dựa đầu vào ngực anh lặng lẽ khóc giữa trời mưa gió ấy.
Chú thích:
(l) Kipling, Rudyard (1865-1936): nhà viết tiểu thuyết và nhà thơ Anh
(2) Henley Willlam Ernest (1849-1903): chủ bút và nhà văn Anh
(3) Browning Robert (1812-1889): nhà thơ Anh
(4) Meredith George (1828-1909): nhà viết tiểu thuyết và nhà thơ Anh