Kẻ vô tín ngưỡng
Jack London
Lần đầu tiên tôi gặp hắn trong một trận bão và mặc dầu cùng nhau trải qua trận bão đó trên một chiếc thuyền buồm, mãi tới lúc chiếc thuyền ấy bị vỡ tan ra từng mảnh vụn tôi mới chú ý tới hắn. Tất nhiên tôi có trông thấy hắn cùng với đoàn thủy thủ người Kanaka trên thuyền; nhưng lúc ấy tôi không lưu tâm tới hắn vì chiếc Petite Jeanne chở quá đông người. Ngoài số tám hay mười thủy thủ người Kanaka, viên thuyền trưởng người da trắng, viên phó thuyền trưởng và người quản lý hoá vật cùng sáu hành khách hạng nhất, chiếc Petite Jeanne còn lấy thêm tại Rangiroa chừng 85 hành khách chở trên boong - toàn dân bản xứ Paumotus và Tahiti: đàn ông, đàn bà, lẫn trẻ con. Người nào cũng mang theo một cái rương đồ nghề, đó là chưa kể những bọc mùng màn, chăn chiếu và quần áo của họ.
Mùa mò ngọc trai ở Paumotus đã hết, và mọi người đều trở về Tahiti. Sáu hành khách hạng nhất chúng tôi đều là dân buôn ngọc trai cả. Có hai người Mỹ, một người Trung Hoa trắng nhất tôi chưa từng gặp tên là Ah Choon, một người Đức, một người Do Thái Ba lan, và cả tôi là vừa chẵn nửa tá.
Mùa này thật là toàn hảo. Không một ai trong chúng tôi có điều chi phàn nàn, cả 85 hành khách trên boong cũng vậy. Ai ai cũng đều kiếm được khá và mọi người đều mong được về nghỉ ngơi thoả thích tại Papeete.
Tất nhiên chiếc Petite Jeanne đã chở quá nặng. Trọng tải của nó chỉ có 70 tấn, và nó không được phép chở tới một phần mười số người trên boong. Dưới hầm thuyền chất chứa đầy vỏ trai và dừa khô. Ngay trong phòng máy cũng nhét đầy vỏ trai. Thế mà thủy thủ vẫn còn có chỗ làm việc được, kể cũng là một phép lạ. Ở trên boong, không còn cách nào đi lại được. Mọi nguời chỉ qua lại bằng cách trèo men theo các lan can.
Ban đêm, họ dẫm lên cả những người nằm ngủ chồng chất lên nhau khắp boong tàu như một tấm thảm. Tôi xin thề là tôi nói đúng sự thực. Chao ôi, lại có cả gà, vịt, heo, và những túi khoai mỡ, còn chỗ nào thừa có thể gọi là trống thì lại treo đầy những xâu dừa và những buồng chuối. Ở hai bên sườn, khoảng giữa các dây cột buồm có nhiều sào gác ngang, vừa đủ thấp để chiếc cần mắc buồm xoay trở không bị vướng víu thôi. Và cứ mỗi sào lại có treo lủng lẳng ít nhất là 50 buồng chuối.
Quang cảnh hứa hẹn một cuộc hành trình vô trật tự, dù chỉ trong hai ba ngày nếu gió đông nam thổi đều. Nhưng nào gió có thuận gì đâu. Sau năm giờ đồng hồ đầu tiên, gió yếu dần phựt lên chừng chục bận rồi lặng hẳn. Thế rồi biển lặng suốt đêm đó và sang tới ngày hôm sau, mặt biển phẳng lặng như một tấm kính và phản chiếu ánh nắng chói loà, chỉ mới nghĩ đến hé mắt nhìn cũng đủ phát nhức đầu.
Sang ngày thứ nhì có một người chết - một dân bản xứ đảo Phục Sinh - một trong những thợ lặn giỏi nhất mùa đó trong vùng san hô. Người ấy mắc bệnh đậu mùa, đích thị vậy; mà đậu mùa làm sao lại có thể lan lên thuyền này được khi mà không có một trường hợp nào xảy ra ở Rangiroa lúc thuyền rời bến; đó quả là chuyện ngoài sức hiểu biết của tôi. Vậy mà nay bệnh đậu mùa đã phát sinh, đã có một người chết, và thêm ba người nữa đang nằm liệt.
Không có thể làm gì được. Chúng tôi không thể tách những người đau ốm ra một nơi riêng, mà cũng không thể chữa chạy cho họ. Chúng tôi chen chúc nhau như cá hộp. Không thể làm gì được hơn là cứ đợi thối lên rồi chết cả nút - nghĩa là chúng tôi đành bó tay ngay sau đêm có người chết đầu tiên. Đêm hôm ấy, viên phó thuyền trưởng, người quản lý hàng hoá, người Do Thái Ba Lan và bốn người thợ lặn bản xứ lẻn trốn bằng chiếc xuồng đánh cá voi lớn. Sau đó, chúng tôi không bao giờ nghe nói đến họ nữa. Đến sáng, vị thuyền trưởng vội ra lệnh đục thủng hết những chiếc xuồng còn lại, thế là chúng tôi đành phó mặc may rủi.
Hôm ấy có hai người chết, hôm sau có 3 người, rồi 8 người, cách xử trí của chúng tôi trong hoàn cảnh này kể cũng khá lạ kỳ. Những thổ dân chẳng hạn lo sợ quá thành ra lì. Vị thuyền trưởng người Pháp tên là Oudouse, trở nên nóng như lửa, hay la hét. Ông ta đã sinh ra cả chứng giật gân. Chẳng bao lâu, thân hình to lớn mập mạp, cân nặng ít ra tới 200 bảng (ngót 100 ký) của ông biến thành một khối mỡ run rẩy kỳ lạ.
Người Đức, hai người Mỹ và tôi liền mua hết số rượu uyt-ki trên thuyền và bảo nhau uống cho say. Lý luận của chúng tôi là cứ nốc đầy rượu như vậy thì tất cả mầm mống đậu mùa nào lây sang chúng tôi cũng sẽ bị đốt cháy thiêu thành than. Vậy mà chúng tôi thành công đấy; nhưng tôi cũng phải thú nhận rằng cả thuyền trưởng Oudouse lẫn Ah Choon, chẳng người nào bị nhiễm bệnh cả. Vị thuyền trưởng người Pháp không uống chút rượu nào, còn Ah Choon nhất định giới hạn là mỗi ngày chỉ uống một ly thôi.
Thời tiết khá đẹp. Mặt trời đi nghiêng về hướng Bắc, đang đứng bóng ngay trên đỉnh đầu chúng tôi. Gió không thổi đều, mà chỉ thổi từng cơn dữ dội trong khoảng từ năm phút tới nửa giờ, kéo theo một trận mưa trút nước xuống chúng tôi. Sau mỗi cơn như vậy, mặt trời lại hiện ra nóng bỏng làm cho boong tàu ướt đẫm lại bốc hơi ngùn ngụt.
Hơi đó thật chẳng thích thú chút nào cả. Đó là hơi của tử thần mang theo hàng triệu mầm bệnh. Chúng tôi luôn luôn uống thêm một ly mỗi khi trông thấy làn hơi đó bốc lên từ những thây người chết hay những người đang hấp hối, và thường khi chúng tôi lại uống thêm hai ba ly là khác và pha thật mạnh. Chúng tôi còn đặt một lệ nữa là uống thêm vài ly mỗi khi họ xô một thây ma xuống biển làm mồi cho đàn cá mập đang quẩn quanh thuyền.
Qua được một tuần như thế, chúng tôi hết rượu. Cũng vừa hay, vì nếu không, tôi đã chẳng sống đến nay. Phải tỉnh táo, một người mới có thể qua được các biến cố tiếp theo đó, và các bạn sẽ đồng ý với tôi khi tôi nói là chỉ có được hai người đã qua khỏi được cơn tai biến ấy. Người thứ hai là kẻ vô thần - ít ra tôi cũng đã được nghe thuyền trưởng Oudouse mệnh danh hắn như thế khi tôi mới chợt để ý đến hắn. Nhưng thôi, bây giờ tôi xin kể tiếp câu chuyện đó đã.
Hôm đó là ngày cuối tuần, rượu uyt-ki đã cạn mà bọn buôn ngọc trai chúng tôi đã tỉnh rượu. Tôi chợt nhìn lên chiếc phong vũ biểu treo ở lối đi vào ca bin. Thường thường ở Panmotus nó chỉ 29’90; và vẫn lên xuống giữa khoảng 20’85 và 30’00 hoặc 30’05. Nhưng hôm đó tôi thấy nó sụt xuống tới 29’062. Điều đó đủ làm kẻ buôn hạt trai say sưa nhất đã giết vì trùng đậu mùa bằng rượu uyt-ki phải tỉnh lại.
Tôi chỉ cho thuyền trưởng Oudouse coi, nhưng ông ta cho biết là vẫn theo dõi nó sụt xuống từ mấy giờ đồng hồ rồi. Chẳng có thể làm gì để đối phó với sự việc đó, nhưng thuyền trưởng đã cố gắng rất nhiều. Ông ta cho gỡ các cánh buồm nhẹ, hạ nó thấp hẳn xuống thành những vải che bão, căng giây cấp cứu, rồi đợi gió đến. Cái lỗi lầm của ông là việc đó ông đã thi hành sau khi gió nổi lên. Ông cho thuyền ngừng lại khi buồm hạ xuống ở phía trái, một biện pháp thích ứng khi thuyền ở phía dưới đường xích đạo nếu - đây mới là điều rắc rối - nếu ta không ở vào hướng đi trực tiếp của trận bão biển.
Nhưng chúng tôi lại đang ở ngay đúng hướng bão. Tôi biết thế vì nhận thấy gió thổi dữ dội đều đều và chiếc phong vũ biểu cứ sụt xuống đều đều. Tôi muốn bảo ông ta quay thuyền và cho nó chạy theo hướng gió chếch một phần tư hông thuyền về bên tả, cho tới khi phong vũ biểu không còn sụt xuống nữa mới dừng lại. Chúng tôi cãi nhau mãi làm ông ta nổi cơn thịnh nộ điên cuồng, nhưng ông vẫn không chịu nhượng bộ. Cái khổ hơn nữa là tôi không thể làm cho những tay buôn ngọc trai kia hưởng ứng lời đề nghị của tôi. Vì dù sao, tôi là cái gì mà biết về biển cả với cách đi biển rành hơn một viên thuyền trưởng đã tốt nghiệp đàng hoàng, Tôi biết đó là điều họ đang nghĩ trong óc họ.
Tất nhiên sóng biển dâng lên dữ dội theo trận cuồng phong, và tôi không tài nào quên được ba đợt sóng đầu tiên mà chiếc Petite Jeanne phải chịu đựng. Nó ngừng hẳn lại như các tàu bè khác khi phải đi ngược chiều gió, và đợt sóng đầu tiên dâng tràn hẳn lên thuyền. Những dây cấp cứu chỉ có ích cho người khỏe mạnh, nhưng lần này chúng cũng chẳng hiệu nghiệm mấy khi đàn bà, con nít, chuối dừa, heo và các hành lý cùng những người ốm, người đang hấp hối đã bị sóng đánh dạt đi, xô cả vào nhau thành một khối vừa rên la, vừa kêu khóc.
Đợt sóng thứ hai đánh gẫy hết những lan can tàu, quăng chúng nằm bừa bãi trên boong, và khi mạn đuôi tầu chìm xuống, mũi tàu chổng ngược lên trời thì tất cả đám người khốn nạn và hành lý của họ đều bị tuôn xuống phía lái. Thật là một trận bão người. Thôi thì người nằm ngược, kẻ nằm xuôi, người nằm nghiêng, lăn lộn hàng bao nhiêu vòng, xoắn vào nhau lúc nhúc, loi nhoi, và giãy giụa. Thỉnh thoảng có người nắm được cái cột hay vớ được sợi dây thừng, nhưng sức đầy của khối người phía sau quá mạnh làm họ phải tuột tay.
Tôi thấy một người nhào đầu ngay vào trụ cột dây buồm bên mạn. Đầu hắn dập ra như một quả trứng. Tôi biết chuyện gì đang sắp xẩy tới, nên vội nhảy lên nóc ca bin rồi leo lên cánh buồm lớn. Ah Choon và một người Mỹ định chạy theo tôi, nhưng tôi đã nhảy trước họ một bước. Người Mỹ liền bị lớp sóng người quét về phía đuôi và trôi ra khỏi tàu như một cọng rơm. Ah Choon vớ được một cái tay quay của bánh lái và nấp sau đó. Nhưng một người đàn bà to béo - ít ra mụ ta cũng phải cân nặng tới hai trăm năm mươi bảng (hơn trăm ký), lăn xuống đúng vào người hắn rồi ôm ghì cổ hắn. Hắn liền giơ tay kia bám chặt lấy người tài công, và đúng lúc đó, chiếc Petite Jeanne chim nghiêng về bên hữu.
Cái khối người và nước biển lúc nãy bị xô dồn xuống theo lối đi bên tả giữa chiếc ca bin và bao lơn tàu đột nhiên lại đổ tràn về bên hữu mạn. Cả mụ đàn bà to béo, Ah Choon, và người tài công đều bị trôi tuột xuống biển; và tôi xin thề là tôi trông thấy Ah Choon nhe răng cười, nhìn tôi với vẻ chịu đựng của một triết gia khi hắn lọt qua bao lơn và lăn tủm xuống nước.
Đợt sóng thứ ba - đợt lớn nhất - lại không gây nhiều thiệt hại. Lúc nó ập đến, hầu hết mọi người đã chuẩn bị đề phòng rồi. Trên boong còn khoảng độ mươi, mười hai người xấu số, đang thở rốc, nửa bị ngộp nước, nửa bất tỉnh, lăn lộn hoặc bò lết tìm chỗ trốn. Họ bị hắt qua mạn thuyền xuống biển cùng với những mảnh vỡ của hai chiếc xuồng còn sót lại. Những người buôn ngọc trai và tôi, trong thời gian giữa các đợt sóng, đã cố gắng đưa được chừng 15 người vừa đàn bà vừa con nít vào trong cabin và đóng ập cửa xuống. Nhưng rốt cuộc, họ cũng chẳng được yên.
Gió? Theo kinh nghiệm, tôi không thể tưởng tượng được gió lại có thể thổi mạnh đến thế. Không có bút nào tả xiết được. Bạn có thể nào tả được một cơn ác mộng không? Tả trận gió này cũng thế. Gió xé nát, và tước hết quần áo trên người chúng tôi. Tôi nói tước hết là rất đúng. Tôi không đòi hỏi các bạn phải tin tôi. Tôi chỉ kể lại những gì tôi đã được mục kích và cảm thấy thôi. Có những lúc chính tôi cũng không tin đó là gió nữa. Nhưng tôi đã trải qua những sự kiện đó, và thế cũng đủ. Người ta không thể chịu đựng được gió đó mà sống nổi. Đó là một cái gì kinh khủng và cái kinh khủng nhất là nó cứ tăng mạnh và càng tăng mạnh lên mãi.
Xin các bạn thử hình dung ra hàng triệu triệu tấn cát. Và các bạn lại tưởng tượng luồng cát ấy bay vù đi với tốc độ 90, 100, 120 hải lý một giờ, và còn hơn thế nữa. Rồi các bạn lại thử tưởng tượng chỗ cát ấy vô hình, không sờ thấy được, nhưng vẫn giữ nguyên cái trọng lượng và sức nặng của cát. May ra các bạn sẽ có thể có một ý niệm mơ hồ về trận gió ấy mạnh như thế nào.
Nhưng có lẽ vì gió đó với cát cũng chưa đúng. Xin các bạn hãy thử nghĩ đến bùn, thứ bùn vô hình, không sờ thấy được, nhưng nặng như bùn thật. Hơn thế nữa, bạn thử hình dung sự va chạm của hàng hà sa số bùn đặc như thế. Không, tôi không làm sao tả cho đúng được. Ngôn ngữ chỉ có thể đủ để diễn đạt những trạng thái sinh hoạt thông thường, nhưng không thể diễn đạt bất cứ một tình trạng nào của trận gió vĩ đại kinh khủng ấy. Có lẽ tốt hơn tôi nên cứ giữ ý kiến nguyên thủy là đừng cố tả nó ra làm gì.
Tôi chỉ nói thế này cũng đủ: biển thoạt đầu dâng lên cao bây giờ bị gió đè bẹp xuống. Và hình như toàn thể đại dương đã bị trận cuồng phong hút lên và tung ra ngập đầy cả khoảng không gian bên trên, trước đó còn toàn là khí trời.
Tất nhiên, bao nhiêu buồm trên tàu chúng tôi bị cuốn đi mất từ lâu rồi. Nhưng thuyền trưởng Oudouse có mang theo trên chiếc Petite Jeanne một vật tôi chưa từng thấy bao giờ trên các thuyền buồm ở vùng Nam Hải: một cái neo. Đó là cái túi vải hình nón, có một đai sắt lớn căng miệng túi ra. Cái túi hay cái neo đó có buộc dây như một cái diều, và lúc thả xuống nước, nó hứng nước vào y như cái diều hứng gió trên không trung vậy, nhưng khác ở chỗ là cái neo nằm ngay dưới mặt nước theo hình thước thợ. Rồi một sợi dây dài buộc nó vào chiếc thuyền. Nhờ đó chiếc Petite Jeanne quay đầu thẳng về hướng gió, và đối diện với các luồng sóng to hay nhỏ.
Thực ra, tình hình đáng lẽ được khả quan hơn nếu chúng tôi không đi theo đúng hướng tiến của trận bão. Thật vậy, gió đã thổi bay cả buồm, làm đổ cả cột, long cả bánh lái, nhưng lẽ ra chúng tôi vẫn có thể thoát nạn nếu không nhắm ngay chính hướng mà trung tâm trận bão đang tiến tới. Chúng tôi gặp cảnh tuyệt lộ là vì thế. Tôi điếng người như bị tê liệt vì phải chịu đựng sức tàn phá quá mạnh của trận gió. Tôi cảm thấy sắp sửa phải hàng phục và sẵn sàng chịu chết lúc chính trung tâm trận bão giáng xuống chúng tôi, nhưng sức giáng này lại do một sự yên lặng tuyệt đối, sự yên lặng hình như báo trước một cảnh kinh khủng. Trời không một hơi gió. Ảnh hưởng của trạng thái này thật hãi hùng.
Xin các bạn nhớ là đã bao nhiêu tiếng đồng hồ qua chúng tôi phải vận dụng sức lực một cách kinh khủng để chống lại áp lực ghê hồn của trận gió. Thế rồi, cái áp lực ấy bỗng nhiên tan biến mất. Tôi nhớ lúc đó có cảm giác như người tôi sắp sửa nổ tung ra từng mảnh vụn mà bay ra tứ phía. Hình như mỗi nguyên tử cấu tạo nên thân hình tôi đang ra sức đẩy lui sự tràn lấn của một nguyên tử khác và sắp sửa phát tung trong không gian. Nhưng trạng thái đó chỉ lâu trong khoảng khắc, rồi sự Tàn Phá vồ lấy chúng tôi.
Giữa lúc trời không gió và áp lực tự nhiên biến mất, bỗng nhiên biển dâng lên. Nước trào lên, tung lên, phóng thẳng lên tận mây xanh. Xin các bạn nhớ là từ khắp bốn phương tám hướng, cùng những luồng gió phi thường đó thổi dồn về cái trung tâm yên lặng ấy. Kết quả là sóng biển nổi lên tứ tung, không có gió để trấn áp chúng nữa. Các đợt sóng vọt tung lên như những chiếc nút chai nhận chìm dưới đáy thùng nước rồi buông ra. Các đợt sóng nổi lên hỗn loạn, cuồn cuộn như điên cuồng, tung lên cao ít ra đến ngót ba chục thước, không thể còn gọi là sóng được nữa. Chưa ai từng được mục kích những cây nước cao như vậy.
Đó là những khối nước, những khối nước khổng lồ bị hắt tung lên, thế thôi. Hắt lên cao ngót ba chục thước! Không phải chỉ ba chục thước đâu! Có khi cao hơn thế, vượt quá cả những ngọn cột buồm. Chúng rít lên ầm ầm, như say, như điên, đổ xuống khắp mọi chỗ, và vào nhau đổ ụp lên nhau, hoặc tẽ ra và rơi xuống, như hàng ngàn thác nước cùng dội xuống một lúc. Ở trung tâm trận bão lúc đó, không còn ai tưởng tượng nổi đó là đại dương nữa. Trời, nước, là cả một sự đảo lộn hỗn lọan, một thứ biển ngục nổi cơn cuồng điên giận dữ.
Còn chiếc Petite Jeanne ra sao? Tôi không biết nữa. Về sau kẻ vô thần đó có bảo tôi là hắn cũng không biết nốt. Chiếc thuyền bị vỡ tan ra từng mảnh, xé ra từng miếng, nghiền nát ra như cám, chẻ nhỏ ra như củi nhóm bếp, tóm lại, nó hoàn toàn bị hủy diệt. Khi tỉnh lại, tôi thấy tôi trôi ở dưới nước, tay chân vẫn cố bơi mặc dầu tôi đã chết đuối tới hai phần ba rồi. Tôi không còn nhớ sao lại trôi tới đó được. Tôi chỉ còn nhớ trông thấy chiếc Petite Jeanne tung ra từng mảnh đúng lúc tôi bị ngất đi. Nhưng tôi vẫn còn sống và chẳng biết làm gì hơn là cố bơi, tuy chẳng có mấy hy vọng. Gió lại thổi lên, nhưng sóng đánh nhỏ hơn nhiều và điều hoà hơn, và tôi biết là tôi đã qua khỏi nơi trung tâm bão. May thay quanh đó không có cá mập. Trận bão đã đánh tan tác bầy cá háu đói vẫn vây quanh chiếc thuyền của tử thần và ăn no thịt người chết.
Lúc chiếc thuyền Petite Jeanne bị tan tành là vào khoảng giữa trưa, và cũng phải mất tới hai tiếng đồng hồ sau đó tôi mới vớ được một cái nắp hầm tàu. Lúc đó mưa đổ như trút, và cũng may mà trời khiến nắp hầm đó giạt lại gần tôi. Còn một mẩu dây bám vào, sợi dây thừng làm tay nắm, và tôi biết là ít nhất tôi sẽ cầm cự được một ngày nếu đoàn cá không trở lại. Ba tiếng đồng hồ sau, có lẽ lâu hơn thế, trong khi tôi bám chặt lấy cái nắp hầm, nhắm mắt lại để tập trung tinh thần vào công tác hít lấy đủ khí trời cho khỏi chết ngạt, và đồng thời cố tránh nuốt phải quá nhiều nước để không đến nổi phải chết đuối, bỗng hình như tôi nghe thấy có tiếng người. Mưa đã tạnh, sóng gió đã yên. Cách tôi không đầy sáu thước, có một cái nắp hầm tàu nữa đang trôi, có hai người bám vào nó. Đó là thuyền trưởng Oudouse và kẻ vô thần. Hai người đang tranh nhau tấm ván, hay ít ra thuyền trưởng cũng đang cố tranh lấy tấm ván ấy.
“ Đồ mọi đen vô tín ngưỡng!” Tôi nghe thấy ông la lớn, và đồng thời trông thấy ông đạp cho tên Kanaka một cái.
Thuyền trưởng Oudouse mất hết quần áo, chỉ còn đôi giày, loại giày đế đinh nặng. Thật là một cái đạp tàn nhẫn vì nó trúng ngay mồm và cằm kẻ kia, làm y gần ngất lịm đi. Tôi đợi xem y trả miếng như thế nào, nhưng y lại chịu nhẫn nhục, bơi một cách tuyệt vọng ra chừng ba thước. Mỗi khi có đợt sóng nhỏ đưa y lại gần, viên thuyền trưởng, tay vẫn bám lấy tấm ván, lại dùng cả hai chân đạp y ra. Và cứ mỗi cái đạp ông lại gọi hắn là đồ mọi đen vô thần.
“Cứ cho tao hai xu thôi, tao cũng bơi tới dìm chết mày, đồ da trắng man rợ!” Tôi réo lên như vậy.
Lý do độc nhứt của tôi không bơi tới gần hắn vì tôi mệt quá. Nguyên nghĩ đến sự cố bơi lại gần chỗ hai người đó cũng đủ làm tôi nôn mửa rồi. Vì vậy tôi mới gọi tên Kanaka lại phía tôi, và chia sẻ tấm ván với hắn. Hắn xưng tên là Otoo, sanh quản ở Borabora, hòn đảo xa nhất về hướng tây trong quần đảo Société. Về sau hắn cho tôi biết là chính hắn đã vớ được tấm nắp hầm ấy trước tiên, rồi hắn mới gặp thuyền trưởng Oudouse. Hắn đã cho ông ta bám vào với hắn, rồi sau lại bị ông ta đạp đuổi hắn ra.
Otoo và tôi gặp nhau trong trường hợp đó. Hắn không phải là một tay hiếu chiến. Trông hắn hiền lành và rất đáng mến, mặc dầu hắn cao tới gần hai thước và gân guốc như một kẻ giác đấu. Hắn không phải là một tay thích sinh sự, nhưng cũng không phải là một thằng hèn. Hắn rất can đảm, và trong những năm sau này, tôi thấy hắn từng có những cử chỉ liều lĩnh mà chính tôi không hề bao giờ dám mơ tưởng tới. Tôi muốn nói là giả sử hắn không là một kẻ hiếu chiến và hắn luôn luôn tránh sinh sự. thì hắn lại không hề bao giờ trốn tránh nếu có gặp gian nguy. Và một khi hắn đã nhập cuộc thì “Liệu Hồn”, như hắn vẫn hô mỗi khi ra tay. Tôi không tài nào quên được câu chuyện xảy ra giữa hắn và tên Bill King trên đảo Samora thuộc Đức. Bill King vẫn thường được tôn làm quán quân về hạng “nặng cân” trong Hải Quân Mỹ. Gã là một thứ súc vật được làm người, một con đười ươi thực sự, một gã hắc búa có đôi cánh tay rất mau lẹ. Gã gây sự, đá Otoo hai cái và thoi hắn một chùy, trước khi Otoo cảm thấy cần phải chiến đấu. Cuộc đánh lộn có lẽ chỉ diễn ra trong bốn phút mà sau đó Bill King đã phải ôm hận vì bị gãy mất bốn xương sườn, một cánh tay và trẹo mất một xương bả vai. Otoo không biết chút gì về quyền anh, hắn chỉ đấm đá lung tung, vậy mà dường như anh chàng Bill King cũng phải mất toi ba tháng điều trị mấy miếng đòn gã được ăn buổi chiều hôm đó ở bờ biển Apia.
Nhưng tôi kể chuyện nhanh quá rồi. Chúng tôi chia cho nhau cái nắp ấy, cứ lần lượt kẻ này nằm lên nghỉ ngơi thì người kia lại xuống nước ngập tới cổ, tay bíu vào tấm ván. Liền trong hai ngày hai đêm, thay phiên nhau, người này trên ván thì người kia dưới nước, chúng tôi trôi dạt trên đại dương. Cuối cùng, tôi hầu như luôn luôn mê sảng và cũng nhiều lần tôi nghe thấy Otoo mê sảng nói lắp bắp bằng thổ ngữ của hắn. Vì chúng tôi luôn dìm mình dưới nước nên không bị chết khát, mặc dầu nước biển và ánh mặt trời làm cho da thịt chúng tôi vừa đỏ rực vừa cháy nắng vừa bạc phếch vì muối đọng trông kỳ quặc không thể tưởng tượng được.
Sau cùng Otoo đã cứu sống tôi, vì lúc tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên bãi biển cách nước chừng 6,7 thước, được hai cái lá dừa phủ lên người để che nắng. Ngoài Otoo ra còn có ai khác để kéo tôi lên đây và lấy lá che cho tôi? Hắn đang nằm bên cạnh tôi. Tôi lại mê thiếp đi, khi tỉnh lại thấy trời về đêm đầy sao và mát mẻ. Otoo đang dốc nước dừa đổ lên miệng tôi.
Chỉ có chúng tôi là những người trên chiếc Petite Jeanne còn sống sót. Thuyền trưởng Oudouse chắc đã chết vì mệt lả, vì nhiều ngày sau, cái nắp hầm tàu của ông ta trôi dạt vào bờ biển mà tôi không thấy ông ta. Otoo và tôi sống trên đảo với thổ dân được một tuần rồi được một chiến hạm Pháp đến cứu đưa về Tahiti. Tuy nhiên trong thời gian đó, chúng tôi có làm lễ kết nghĩa trao đổi tên họ với nhau thân hơn ruột thịt. Sáng kiến đó của tôi, và Otoo đã vô cùng hoan hỉ khi nghe tôi để nghị.
“Tốt lắm” hắn nói bằng tiếng Tahiti, “vì chúng ta từng trải qua hai ngày với nhau trong tay Tử Thần rồi”
“Nhưng Tử Thần đã run tay!” Tôi mỉm cười.
“Thưa thầy, thầy đã có một cử chỉ cao thượng” hắn trả lời, “và Tử Thần đã không nỡ ra tay”
“Tại sao anh lại gọi tôi là thầy?” Tôi tỏ vẻ phật lòng và hỏi hắn. “Chúng ta đã làm lễ kết nghĩa trao đổi tên họ với nhau. Với anh, tôi là Otoo của anh, và với tôi, anh là Charley của tôi rồi. Giữa anh và tôi cho đến muôn đời, anh sẽ là Charley và tôi sẽ là Otoo. Đó là theo tục lệ. Và khi chết, nếu trên Thiên Đường chúng ta còn được gặp nhau thì với tôi, anh vẫn còn là Charley và với anh, tôi vẫn là Otoo của anh”.
“Thưa thầy, vâng” hắn trả lời, đôi mắt long lanh đầy vẻ hoan hỉ.
“Đấy, anh lại thề rồi.” Tôi gắt.
“Miệng tôi nói thì có nghĩa lý gì” hắn bào chữa. “Đó chỉ là miệng tôi nói, nhưng óc tôi vẫn luôn nghĩ đến Otoo. Mỗi khi tôi nghĩ đến tôi, tôi lại nghĩ đến thầy, Mỗi khi người ta gọi tên tôi, tôi lại nghĩ đến thầy. Và sau này, mãi mãi, dù ở trên trời cao, dù trên các vi tinh đẩu, tôi vẫn luôn nhớ đến thầy là Otoo của tôi. Thầy nghe có được không?”
Tôi dấu một nụ cười và trả lời được.
Chúng tôi chia tay nhau ở Papeete. Tôi nghỉ tại bờ biển để hồi lại sức, còn hắn đáp một chiếc xuồng máy để về Borabora, sanh quán của hắn. Sáu tuần sau, hắn trở lại. Tôi ngạc nhiên vì hắn có kể cho tôi nghe về vợ hắn, và hắn bảo là lần này hắn trở về vui cảnh gia đình không đi biển nữa.
“Thầy đi đâu bây giờ?” hắn hỏi tôi ngay sau khi chào hỏi xong.
Tôi nhún vai. Thật là một câu hỏi hắc búa. “Tôi đi khắp chân trời, góc biển, đến khắp các hòn đảo trên mặt biển này.” Tôi trả lời.
“Tôi sẽ đi với thầy.” hắn thản nhiên nói, “Vợ tôi mất rồi.”
Tôi không có anh, nhưng thấy anh em người ta, tôi không chắc cò người em nào được một người anh tốt với mình bằng Otoo đối với tôi. Hắn đối với tôi như một người anh, một người cha, một người mẹ vậy. Điều này tôi biết lắm, vì có hắn, tôi đã sống thành người ngay thẳng hơn, đức hạnh hơn. Tôi thường ít để ý đến người khác, nhưng đối với Otoo, tôi phải sống cho đúng mực. Vì hắn, tôi phải giữ gìn, không dám làm gì hại đến danh dự tôi cả. Hắn luyện tôi thành con người lý tưởng của hắn, điều hoà tính tình tôi bằng tình thương và lòng ngưỡng mộ của hắn. Có những lúc tôi đã đứng trên bờ vực thẳm và đã sa ngã nếu không có những ý nghĩ về hắn kìm hãm tôi lại. Sự hãnh diện của hắn về tôi như thâm nhập vào tôi cho đến khi ý nghĩ không làm điều gì có thể giảm mất cái hãnh diện của hắn trở thành một điều luật quan trọng trong cách xử thế của tôi.
Dĩ nhiên, tôi không thể biết ngay được hắn đã nghĩ gì về tôi. Hắn không bao giờ chỉ trích, không bao giờ khiển trách tôi cả, và dần dần tôi thông cảm rằng hắn quý trọng tôi, tôi mới bắt đầu hiểu sự phiền muộn mà tôi sẽ gây ra cho hắn nếu tôi làm điều gì hạ nhân phẩm tôi.
Chúng tôi sống với nhau trong 17 năm, và suốt 17 năm ấy, hắn ở bên cạnh tôi, săn sóc tôi từ giấc ngủ, chăm nom tôi những khi đau ốm hay bị thương tích, và lại còn đánh nhau đến nổi bị thương tích vì tôi nữa. Hắn trưng mộ phu lên đi cùng những chuyến tàu với tôi, và chúng tôi cùng ngao du giang hồ với nhau trên Thái Bình Dương, từ Hạ Uy Di xuống tới thành phố Sydney, từ eo biển Torres qua quần đảo Galapazos. Chúng tôi đáp những chuyến tàu chở dân phu da đen đi từ Nouvelle Hebrides đến quần đảo Line ở miền Tây Thái Bình Dương qua dãy Louisiades, New-Britain, New Ireland và New Hanover. Chúng tôi bị ba lần đắm tàu, giữa quần đảo Gilbert, trong vùng Santa Cruz và vùng quần đảo Fijis, và tới chỗ nào thấy kiếm tiền được là hắn lại mua bán ngọc trai, vỏ trai, dừa, hải sản, vỏ đồi mồi, những bộ phận của tàu đắm trôi dạt vào bờ.
Tôi bắt đầu tu tỉnh ngay tại Papeete, sau khi hắn tuyên bố sẽ theo tôi đi khắp chân trời góc biển, đến các quần đảo ở giữa đại dương. Hỏi đó tại Papeete có một hội quán, và thợ mò ngọc trai, lái buôn, những thuyền trưởng và cả bọn giang hồ lưu manh ở Nam Hải thường về tụ lập. Mọi người cờ bạc ăn thua to, rượu chè say sưa bí tỉ và tôi e rằng tôi thường ra về khá trễ lúc những người đàng hoàng tử tế đáng lý về đã lâu rồi. Nhưng mỗi khi tôi rời hội quán là đã có Otoo chực sẵn đó để đưa tôi về nhà yên ổn
Thoạt đầu tôi còn cười, rồi tôi gắt với hắn. Sau tôi nói thẳng với hắn là tôi không cần vú em. Sau đó mỗi khi ra về, tôi không thấy hắn đâu nữa. Rồi tình cờ chừng một tuần lễ sau đó, tôi khám phá ra là hắn vẫn đón tôi về, nhưng âm thầm đứng ở bên kia đường, trong bóng tối của những cây xoài, để canh chừng tôi. Tôi phải làm sao bây giờ? Tôi biết tôi đã làm sao.
Tôi bắt đầu đi về có chừng mực hơn. Vào những đêm mưa gió, giữa cái vui tưng bừng sôi nổi, tôi vẫn cứ nghĩ đến Otoo đang buồn rầu đứng canh chừng tôi, dưới bóng cây xoài. Thật quả hắn đã làm tôi trở thành một người khá. Nhưng chính hắn thì lại không có đạo nghĩa gì cả. Và hắn chẳng biết chút gì về đạo đức thông thường của Thiên Chúa Giáo. Tất cả dân Borabora đều theo đạo Thiên Chúa, nhưng hắn lại là kẻ tà giáo, kẻ vô tín ngưỡng độc nhất trên đảo, một người hết sức duy vật, cho rằng chết là hết. Hắn chỉ tin ở sự đối đãi, ăn ở ngay thẳng với mọi người. Theo hắn những việc tầm thường ở đời cũng quan hệ như một hành động sát nhân, và tôi tin rằng hắn sẽ kính nể một kẻ sát nhân hơn một kẻ có những cử chỉ ti tiện bẩn thỉu.
Còn riêng đối với tôi, hắn phản đối mọi hành động có hại cho tôi. Đánh bạc không sao, Chính hắn đánh bạc rất dữ. Nhưng hắn giải thích là thức khuya có hại cho sức khỏe sau này. Hắn đã thấy có những kẻ vì không giữ mình nên đã chết vì bệnh sốt. Hắn không phải người phản đối tứ dổ tường, và hắn cũng nhấm nháp luôn mỗi khi phải làm việc ướt át trên tàu. Đàng khác, hắn tin vào nguyên tắc điều độ trong việc rượu chè. Hắn đã từng thấy nhiều người chết hay sa đọa vì rượu trắng hoặc uýt ki.
Otoo luôn luôn nghỉ đến lợi ích của tôi. Hắn đi trước các ý tưởng của tôi, cân nhắc, suy tính các chương trình làm việc của tôi và còn lưu tâm đến hơn tôi nữa. Thoạt tiên, khi tôi chưa biết là hắn rất lưu tâm các công việc của tôi, hắn còn phải đoán các ý định của tôi. Ví dụ như lúc ở Papeete, khi tôi dự định công ty với một tên đồng hương gian ngoan trong vụ săn kỳ đà chẳng hạn. Tôi không biết y là một tên gian manh. Cũng chằng một người da trắng nào biết cả. Otoo cũng không. Nhưng hắn thấy chúng tôi quá thân nhau, nên mới tìm hiểu kẻ kia dùm tôi, không cần đợi tôi yêu cầu. Những thủy thủ thổ dân từ khắp bốn phương đổ về Tahiti, và Otoo trà trộn với họ tìm được đủ mọi bằng cớ chứng minh mối hoài nghi của mình. Những đìều người ta kể về tên Randolph Waters đó thật là quái gở. Tôi không thể tin được khi Otoo mới kể cho tôi nghe, nhưng khi tôi hỏi vặn tên Waters, thì gã im thin thít, không hé răng đáp nửa lời và lên ngay chuyến tàu đầu tiên bỏ về Auckland
Thú thực, thoạt tiên, tôi không thể không bực mình vì Otoo cứ xen vào công việc của tôi. Nhưng tôi biết là hắn hoàn toàn vô tư, và sau đó tôi phải công nhận hắn khôn ngoan và kín đáo lắm. Luôn luôn hắn để ý tìm cho tôi những cơ hội tốt, mà hắn lại có cặp mắt tinh đời, nhìn xa thấy rộng. Sau đó, hắn trở thành cố vấn của tôi, cho tới khi hắn biết tỏ tường công việc của tôi hơn chính cả tôi nữa. Quả thật hắn đã để tâm đến quyền lợi của tôi hơn chính tôi. Tôi có tính hoang đàng cẩu thả của tuổi trẻ, vì tôi thích lãng mạn hơn tiền, và thích phiêu lưu mạo hiểm hơn sống cảnh giường êm nệm ấm. Bởi vậy có người lo lắng cho cũng là điều hay. Bây giờ tôi mới biết rằng nếu hồi ấy không có Otoo, tôi chẳng còn ở đây hôm nay.
Tôi xin thuật lại một trong muôn vàn thí dụ. Xưa kia, tôi cũng có chút kinh nghiệm về việc buôn nô lệ da đen trước khi đi buôn ngọc trai ở Paumotus. Tôi và Otoo đang ở trên bờ Samôa - đang lúc chúng tôi không kiếm nổi một việc trên tàu nào cả - thì tôi may mắn được nhận làm người đi mộ phu da đen cho một chiếc thuyền hai buồm đi buôn hắc nô. Otoo đăng tên làm thủy thủ, và trong vòng 6 năm sau đó, luân chuyển trên các tàu, Otoo và tôi đã đặt gót hải hồ khắp vùng Mélanésie hoang dại. Otoo luôn luôn thu xếp để được điều khiển những tay chèo trên thuyền của tôi. Theo tục lệ tuyển lựa nhân công của chúng tôi, người phụ trách việc tuyển mộ được phái lên bờ để giao dịch. Chiếc xuồng hậu vệ thì phải sẵn sàng đợi cách bờ vài chục thước, còn xuồng chở người đi mộ cũng phải sẵn sàng chèo lái chực sẵn ngay trong bờ. Khi tôi buông tay lái xuống để lên bộ, mang theo các thứ hàng hoá để đổi chác, thì Otoo cũng thôi chèo, và chạy về phía sau xuồng, chỗ đặt sẵn khẩu súng Winchester phủ dưới tấm vải dày. Đoàn thủy thủ trên xuồng cũng được võ-trang bằng súng Snider bố trí dưới lằn mép vải căng dọc quanh mạn xuồng, chỗ có lỗ xỏ mài chèo. Trong khi tôi bận bàn cãi và thuyết phục bọn ăn thịt người để chúng đi làm ở các đồn điền tại Queensland, thì Otoo canh chừng cho tôi. Nhiều lần hắn khẽ gọi để báo tôi biết là bọn mọi có những hành động đáng nghi ngờ hay sắp ra tay làm điều gì hiểm độc. Thỉnh thoảng, chính khi phát súng bắn vội của hắn nổ rồi, tôi mới biết là có biến. Và khi tội chạy về xuồng, thì luôn luôn có hắn chia tay kéo tôi lên xuồng. Tôi nhớ có lần đi chiếc tàu Santa Anna, biến cố vừa xảy ra thì chiếc xuồng mắc cạn. Chiếc tàu lớn vội chạy tới yểm hộ chúng tôi, nhưng hàng mấy chục tên mọi có lẽ đã quét sạch chúng tôi trước khi đó, nếu không có Otoo kịp nhảy vút lên bờ, vục cả hai tay vào đống hàng hoá mà vứt tung ra tứ phía nào thuốc lá, rìu, hạt trai, dao và vải vóc.
Bọn mọi đen tóc quăn không cưỡng lại nổi sự thèm muốn. Trong khi chúng đổ xô lại để cướp hàng thì chúng tôi vội vã lên xuống và lẹ làng chuồn ra khỏi bờ hàng mấy chục thước. Bốn tiếng đồng hồ sau, ở chính bờ biển này, tôi lại mộ được ba chục tên hắc nô.
Câu chuyện đặc biệt nhất tôi còn nhớ là ở Malaita, hòn đảo man rợ nhất ở miền đông quần đảo Solomons. Thổ dân ở đây đặc biệt niềm nở, nên chúng tôi làm sao mà biết được rằng cả làng, từ hơn hai năm nay vẫn chung tiền để treo giải mua một cái đầu người da trắng? Bọn ăn xin đó toàn là bọn săn đầu người cả, và chúng đặc biệt đánh giá cao người da trắng. Tên nào lấy được một đầu người da trắng là lãnh trọn số tiền thưởng. Và như tôi đã nói, chúng tỏ ra rất niềm nở. Bữa đó, tôi lên bộ đi cách xa xuồng tới ngót trăm thước Otoo đã dặn dò tôi phải cẩn thận, và như thường lệ, hễ tôi không nghe lời hắn, y như là gặp chuyện rầy rà.
Đầu tiên một loạt giáo mác từ các lùm bụi phóng ra tua tủa về phía tôi. Ít ra cũng có hơn mười mũi găm vào tôi. Tôi bỏ chạy nhưng vấp phải một mũi giáo găm chặt vào bắp chân, và vì thế tôi ngã xoải ra. Bọn tóc xoăn liền hè nhau chạy đến bắt tôi, đứa nào cũng cầm rìu dài cán để chặt đầu tôi. Chúng ham lãnh tiền thưởng đến nổi xô cả vào nhau. Trong lúc lộn xộn ấy, tôi đã tránh được nhiều lưỡi rìu bổ xuống bằng cách lăn sang phải, sang trái trên bãi cát.
Rồi Otoo chạy tới - cái anh chàng đó tay không địch được trăm người. Hắn loay hoay thế nào mà đoạt ngay được một cái trùy nặng; những lúc đánh giáp lá cà, cây trùy lại là thứ võ khí lợi hại hơn cả súng trường. Hắn xông ngay vào giữa đám đông, làm cho chúng không thể dùng dao đâm được, mà sử dụng rìu lại càng khó nữa. Otoo chiến đấu để bảo vệ tôi, và hắn lồng lộn như một con thú dữ. Cách dùng cây trùy của hắn thật là tài tình. Đầu bọn kia cứ vỡ nát như trái cam chín mùi. Đến khi đánh tan bọn chúng, hắn vực tôi lên và cắm đầu chạy về xuồng, hắn mới bị vết thương đầu tiên. Khi về đến xuồng hắn đã bị đâm bốn mũi giáo, nhưng hắn lấy khẩu Winchester ra, và mỗi phát đạn là hạ được một tên. Rồi chúng tôi chèo xuồng về thuyền và được điều trị lành vết thương.
Chúng tôi ở với nhau được 17 năm. Hắn đã đào tạo tôi. Nếu không có hắn, chắc ngày nay, tôi hoặc đang quản đốc hàng hoá trên một tàu nào đó, hoặc vẫn đi mộ phu, hoặc đã chết từ lâu rồi cũng nên.
Một hôm, hắn bảo tôi “Anh cứ làm đến đâu là tiêu đến đó. Bây giờ anh dễ kiếm tiền lắm. Nhưng khi về già, anh tiêu hết tiền rồi, anh không thể đi kiếm được nữa đâu. Tôi biết lắm. Tôi đã quan sát lối sống của người da trắng. Dọc theo các bờ biển, có rất nhiều người già xưa kia đã có một thời thanh xuân kiếm ra tiền như anh bây giờ. Nay họ về già, tay trắng, nên phải ngồi chầu chực bọn trẻ như anh lên bờ để xin vài ly rượu.”
“Người da đen làm nô lệ trong các đồn điền, lương bổng hàng năm có 20 mỹ-kim, mà phải làm việc cực nhọc. Còn bọn chủ nhân thì an nhàn; cưỡi ngựa đi trông coi phu làm việc mà lương hàng năm lại tới 1200 mỹ-kim. Tôi là một thủy thủ trên thuyền buồm, mỗi tháng được 15 đồng. Đấy là tôi thủy thủ hạng giỏi, và tôi làm việc cực nhọc. Còn thuyền trưởng có lều hai mái che khỏi nắng, uống rượu bia trong chai dài ngon lành. Chưa hề bao giờ tôi thấy ông ta cuốn một sợi dây thừng hay sờ tới cái mái chèo cả; vậy mà ông ta ăn những 150 đồng một tháng. Đấy vì tôi chỉ là thủy thủ còn ông ta thì lại là nhà hàng hải. Thầy à, tôi thiết tưởng thầy nên biết thêm về hàng hải thì hơn”.
Otoo thúc giục tôi. Rồi hắn trở thành phụ tá của tôi trên chiếc thuyền buồm đầu tiên của tôi. Hắn còn hãnh diện hơn chính tôi về tài chỉ huy của tôi. Về sau, hắn lại nói:
“Thầy ạ, làm thuyền trưởng lương cao lắm, nhưng thuyển trưởng phải luôn bận rộn trông coi không được rảnh. Làm chủ thuyền lương cao hơn nữa, và chủ thuyền chỉ việc ngồi trên bờ với nhiều người hầu hạ mà thu tiền thôi.”
“Đúng đầy, nhưng một chiếc thuyền buồm giá những 5000 đồng, đó là giá một chiếc cũ,” tôi cãi lại. “Đợi đến già đời tôi mới để dành được số tiền đó.”
“Người da trắng có cách kiếm tiền nhanh hơn.” Hắn vừa nói, vừa chỉ tay về phía dãy dừa mọc dọc theo bờ biển.
Lúc đó chúng tôi đang ở giữa quần đảo Salomons, bận chất lên thuyền một lô hạt ngà ở dọc theo bờ biền phía đông đảo Guadalcanal.
Otoo bảo tôi:” Giải đất giữa vàm sông này và vàm sông kia rộng tới hai dậm, và chạy sâu vào nội địa. Bây giờ nó không có giá trị gì cả, nhưng biết đâu, đến sang năm hay sang năm nữa người ta lại chẳng trả giá cao mà mua. Chỗ này tàu buông neo rất tốt. Các tàu buôn lớn có thể vào gần được. Anh có thể tậu đất của người chủ cũ vào sâu tới 4 dậm với giá mười ngàn điếu xì gà, 10 chai rượu đế, một khẩu Snider, tất cả chỉ đáng trăm bạc. Rồi anh cầm lại cho người mối, và chỉ sang năm hay sang năm nữa, anh bán nó đi là có thể có một chiếc tàu chạy rồi”.
Tôi làm theo lời hắn, và quả hắn tiên đoán rất đúng, tuy phải ba năm sau tôi mới bán được đất. Kế đó là vụ cánh đồng cỏ ở Guadalcanal, một cánh đồng cỏ rộng 20 ngàn mẫu, thuê của chính phủ trong 999 năm bằng một số tiền tượng trưng. Tôi thuê được vừa đúng 90 ngày thì nhượng lại cho một công ty để lấy một số tiền bằng nửa gia tài của người ta. Luôn luôn tôi nhờ có Otoo lo xa và biết nhìn thấy cơ hội cho tôi. Chính hắn đã có công trong vụ mua vớt chiếc tàu Doncaster, mua đấu giá lại được với giá 100 Anh kim, và tới lúc sửa chữa xong thì bán lại còn được lời đến 3000 đồng, sau khi đã trừ mọi chi phí. Hắn chỉ cho tôi tậu đồn điền ở Savaii và đi buôn dừa ở Upolu.
Chúng tôi không đi biển nhiều như xưa nữa. Tôi trở nên giàu có. Tôi lập gia đình, mức sống mỗi ngày lên cao, nhưng Otoo vẫn là Otoo của thuở xưa, ngày ngày quanh quẩn trong nhà hay ra nơi văn phòng, miệng phì phà ống điếu, mình mặc một chiếc áo may ô giá chừng một đồng, và vấn một cái chăn giá chừng bốn đồng.. Tôi không tài nào làm cho hắn tiêu tiền được cả. Không có cách nào để trả ơn hắn, ngoại trừ bằng tình thương mến, và đã có Trời chứng cho là chúng tôi thương yêu hắn đến mức nào. Lũ con của tôi tôn sùng hắn, và giả sử hắn được chiều chuộng quá mà hư hỏng đi được, thì vợ tôi đã làm hư hỏng hắn mất rồi.
Còn về lũ con tôi, hắn mới thực là người đã dạy cho chúng biết bước chân vào đời. Hắn bắt đầu bằng dạy chúng bước đi. Hắn thức sáng đêm khi chúng đau ốm. Khi chúng mới biết chập chững vài bước, hắn đã đem từng đứa một ra vũng dạy chúng bơi và chúng bơi giỏi như nhái. Hắn dạy bảo chúng biết rõ hơn tôi về thói quen của loài cá và cách thức bắt cá. Về rừng rú cũng vậy. Mới lên bảy tuổi, thằng Tom đã biết về rừng rú thạo hơn cả tôi. Lên sáu tuổi, con bé Mary đã biết đi trên Hòn Trượt mà không run, trong khi bao người lớn khỏe mạnh đành chịu thua. Rồi khi thằng Frank mới vừa 6 tuổi, nó đã biết lội xuống nước mò được những đồng tiền ở dưới sâu sáu thước
“Dân tôi ở trên đảo Borabora không ưa những người vô tín ngưỡng. Họ toàn theo đạo cả; mà tôi lại không ưa dân Borabora đi đạo” Một hôm Otoo đã bảo tôi như vậy, đó là bữa tôi muốn cho hắn phải tiêu tiền do chính công hắn làm ra: tôi đã cố thúc giục hắn phải lấy một trong bốn chiếc thuyền buồm của chúng tôi để về thăm quê hương một chuyến, một chuyến đi đặc biệt mà tôi mong sẽ phá kỷ lục về việc tiêu tiền xa xỉ.
Tôi gọi nó là thuyền buồm của chúng tôi, mặc dầu theo pháp lý, lúc đó nó là thuyền của tôi. Tôi đã phải thúc giục mãi, hắn mới chịu đứng ra công ty với tôi.
“Chúng ta đã hùn hạp với nhau kể từ ngày chiếc Petite Jeanne chìm rồi,” Sau hắn nói “nhưng nếu tâm anh muốn thì được, chúng ta sẽ hùn với nhau trên pháp lý. Tôi không làm việc gì mà ăn xài lại nhiều đấy. Tôi ăn uống, hút rất nhiều, tốn lắm, anh cũng biết. Tôi không phải trả tiền chơi bi da vì tôi chơi trên bàn bi da của anh, nhưng vẫn tốn tiền. Câu cá ngoài ghềnh là thú vui của riêng kẻ giàu có. Tiền lưỡi câu và dây câu cũng tốn lắm. Vâng, chúng ta cần phải là những người hùn hạp với nhau trên pháp lý. Khi tôi cần tiền, tôi sẽ bảo viên quản lý đưa tiền.”
Thế là chúng tôi làm giấy tờ. Một năm sau, tôi buộc lòng phải phàn nàn với hắn:
“Anh Charley này, anh thật là một kẻ lường gạt gian ngoan, một anh hà tiện, một con cua đồng khốn khổ nhé - Coi này phần của anh trong năm qua trong công ty chúng ta lên tới hàng ngàn đô la. Viên quản lý đưa cho tôi mảnh giấy này: trong năm qua anh chỉ mới lấy ra có 87 đồng 20 xu!”
“ Vậy tôi còn được bao nhiêu?” “Hắn lo ngại hỏi tôi.
“Hàng ngàn đồng!” tôi đáp
Mặt hắn tươi lên, hắn nói:
“Tốt lắm! anh hãy bảo quản lý cứ làm kế toán cho đúng. Khi nào cần là tôi sẽ đòi, tôi sẽ không cho thiếu một xu nào đâu.”
Giọng đe dọa, hắn nói tiếp:” Hễ thiếu là tôi cứ trừ vào lương lão quản lý!”
Về sau, tôi được biết là hắn đã lập chúc thư để tôi làm kẻ thừa kế duy nhất của hắn, và tờ chúc thư nằm trong tủ sắt của toà lãnh sự Hoa Kỳ.
Nhưng rồi chúng tôi cũng phải ly biệt, vì luật thiên nhiên đã định rằng có tụ phải có tan. Việc xảy ra ở quần đảo Salomons, nơi mọi công việc khó khăn nhất của chúng tôi đã được tiến hành từ những ngày sơ khởi lao khổ, và lần này chúng tôi vô tình lại tới thăm một lần nữa nhân dịp nghỉ hè, để kiểm soát lại đất đai của chúng tôi ở đảo Florida và để xem có thể kiếm được ngọc trai ở eo biển Mboli không. Chúng tôi neo thuyền ở Savu, lên bộ để kiếm ít đồ vật lạ hiếm có.
Biển Savu đầy cá mập. Tục lệ vứt người chết xuống biển của thổ dân ở đây càng làm loại cá này thích ở lẩn quẩn gần bờ. Tôi không may ngồi một chiếc xuồng của thổ dân, vừa nhỏ, vừa chở quá đông người, nên bị lật. Có bốn thổ dân và tôi bám vào xuồng. Chiếc thuyền của chúng tôi còn đậu cách xa một trăm thước. Tôi vừa lên tiếng hò gọi phái xuồng khác tới thì một thổ dân đang bám ở xuồng chợt thét lên một tiếng lớn. Hắn bám vào đuôi xuồng, và cả người hắn lẫn phần đuôi chiếc xuồng bị nhấn chìm xuống dưới nước nhiều lần. Rồi hắn buông tay ra và chìm lỉm: một chú cá mập vừa đớp hắn xong.
Ba thổ dân kia cố leo lên ngồi trên đáy chiếc xuồng còn nổi trên mặt nước. Tôi là hét và nguyền rủa rồi đấm cho tên bên cạnh tôi một cái, nhưng vô ích, chúng khiếp đảm mất rồi. Chiếc xuồng chỉ có thể chịu được một đứa, cả ba đứa leo lên làm nó lật nghiêng, hất cả ba đứa xuống nước lần nữa.
Tôi rời xuồng và cố bơi về thuyền, hy vọng sẽ gặp xuồng tới đón. Một tện thổ dân cố bơi theo tôi và chúng tôi lặng lẽ bơi bên nhau, thỉnh thoảng lại hụp mặt xuống nước nhìn xung quanh xem có cá mập không. Tiếng kêu của người còn ở lại chiếc xuồng báo cho chúng tôi biết là y vừa bị cá mập đớp. Tôi cố nhìn xuống nước và thấy một con to lớn bơi qua ngay bên dưới tôi. Nó dài tới 5 thước. Tôi nhìn thấy rõ mọi sự xảy ra, nó ngoạm một cái ngang người kẻ bơi cạnh tôi, và hắn vùng vẫy; đầu, vai, tay còn cứ ngoi mãi lên mặt nước, tiếng hắn kêu la thảm thiết. Hắn bị con cá cứ thế lôi đi hàng mấy chục thước rồi chìm mất.
Tôi bơi như điên, hy vọng đó là con cá mập cuối cùng chưa có mồi. Nhưng một con khác đã đến. Không biết có phải con này vừa đớp xong mấy tên thổ dân kia không, hay là nó vừa ăn no mồi ở đâu đến. Nó không vội vàng hấp tấp như những con kia. Lúc này tôi không còn bơi nhanh được nữa, vì phải cố gắng theo dõi nó và đề phòng. Nó tấn công lần thứ nhất. May thay cả hai tay tôi nắm được mũi nó, và mặc dầu sức quẫy của nó gần quất tôi nhào xuống bên dưới, tôi cũng đuổi được nó bơi ra xa tôi. Nó vùng ra xa rồi lại trở lại quanh tôi. Lần thứ nhì này, tôi lại thoát nạn nhờ ngón đòn như trước. Lần thứ ba nó hụt, mà tôi cũng hụt. Nó ngoi ngược lên trong khi hai tay tôi suýt nắm được mũi nó, và đa sườn nó ráp như giấy nhám làm trầy xước hẳn da cánh tay tôi, từ vai tới khuỷu (tôi mặc áo sơ mi ngắn tay).
Lúc đó tôi mệt quá và hết hy vọng rồi. Chiếc thuyền còn ở xa đến hơn 50 thước. Tôi lại hụp mặt xuống nước, đang đợi nó tấn công nữa thì chợt thấy một thân hình nâu nâu bơi qua. Đó là Otoo.
“Thầy hãy bơi nhanh về thuyền đi”. Hắn nói và còn tiếp thêm như chuyện chỉ là một trò đùa:” Tôi hiểu cá mập lắm, anh em bà con với tôi đấy.”
Tôi nghe lời hắn, từ từ bơi đi, trong khi hắn bơi quanh tôi, trong khoảng giữa tôi và con cá mập, ngăn không cho nó nhào đến, và khuyến khích tôi.
“Những móc sắt treo xuồng đã bị mang đi chỗ khác, họ đang sửa soạn dây trục rồi đấy.” Một phút sau hắn giải thích cho tôi biết, rồi lặn xuống để ngăn một cuộc tấn công khác của con cá.
Lúc đó, chiếc thuyền còn cách tôi hơn mười thước và tôi đuối sức quá rồi. Tôi gần như không nhúc nhích được nữa. Trên thuyền quăng dây xuống, nhưng dây cứ bị hụt hoài. Con cá mập thấy không ai làm gì nổi nó, nên bạo dạn hơn. Nhiều lần nó xuýt đớp trúng tôi, nhưng lần nào cũng có Otoo cứu tôi thoát trong gang tấc. Lẽ dĩ nhiên, riêng hắn thì hắn có thể thoát đi lúc nào cũng được. Nhưng hắn đeo sát lấy tôi.
“Thôi Charley ơi, ở lại nhé, tôi chết mất thôi!” Tôi cố bảo hắn qua hơi thở hổn hển.
Tôi biết là cái chết đã đến, và chỉ chút xíu nữa là tôi buông tay để chìm nghỉm.
Nhưng Otoo cười với tôi, nói:
“Để tôi cho anh xem một miếng đòn mới. Tôi sẽ làm cho con cá này ốm đòn.”
Hắn bơi về phía sau tôi, chỗ con cá đang lăm le nhào vào tôi.
“Thầy bơi sang bên trái một chút,” hắn lại gọi tôi “có sợi dây ở đó, bên trái đó.”
Tôi đổi chiều bơi và tung tay ra nắm đại. Lúc đó tôi chỉ còn hơi tỉnh. Khi tay tôi nắm được sợi dây, tôi nghe thấy trên thuyền kêu lớn. Tôi quay lại nhìn thì không thấy bóng Otoo đâu cả. Một lát sau, hắn mới ngoi lên, hai bàn tay hắn đã bị cụt lủn, máu me ở cổ tay phun ra.
“Otoo ơi!” hắn khẽ gọi. Tôi nhìn thấy trong khóe mắt của hắn một tia sáng yêu thương, giọng hắn run lên.
Tới lúc đó, và chỉ lúc đó, lúc chấm dứt bao năm gần gũi, hắn mới chịu gọi tôi bằng cái tên này.
“Otoo ơi! Vĩnh biệt nhé!” Hắn gọi tôi.
Rồi hắn chìm lỉm, và tôi được kéo lên thuyền, ngã ngất đi trong tay viên thuyền trưởng.
Thế là Otoo đã qua đời - Otoo, người đã cứu sống tôi, đã luyện cho tôi thành người, rồi đến phút cuối cùng lại cứu sống tôi lần nữa. Chúng tôi gặp nhau trong giây phút hiểm nghèo của một trận phong ba, và lìa nhau trong hàm răng của một con cá mập, sau mười bảy năm chung sống trong tình bạn, một tình bạn mà tôi dám quả quyết không bao giờ có thể có giữa hai người, một đen, một trắng! Nếu Thượng Đế từ trên ngôi chí tôn nhìn xuống mỗi sinh vật tử biệt, thì ít ra Otoo cũng được gọi về hầu nơi Thiên Đàng của người - Otoo, một kẻ vô thần ở Borabora.