Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Sóng lớn Canaca

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 629 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sóng lớn Canaca
Jack London

Khi đôi vợ chồng Li Báctơn và Iđa bước ra khỏi phòng thay quần áo, đám phụ nữ Mỹ đang nghỉ ngơi dưới bóng rặng cây "hao" bao quanh bãi tắm của khách sạn Môn đều khẽ thốt lên: "A!" Và họ tiếp tục tỏ thái độ như thế suốt trong lúc đôi vợ chồng Báctơn đi ngang qua chỗ họ, nghỉ để ra phía bờ biển. Anh chồng chắc gì đã tạo cho họ ấn tượng mạnh đến như vậy. Những phụ nữ Mỹ nghỉ ở đây đâu thuộc loại người phải thốt lên "A!" khi nhìn thấy một người đàn ông mặc đồ tắm biển, cho dù đấy là một chàng trai tuyệt diệu, vạm vỡ và rắn rỏi đi nữa. Thật ra một thân thể hoàn chỉnh đến như thế sẽ phải làm cho bất kỳ huấn luyện viên bơi lội nào nhìn thấy cũng phải thở dài một cách hài lòng sâu sắc. Nhưng những huấn luyện viên ấy sẽ không kêu "A" lên như đám phụ nữ trên các bãi tắm, bởi vì những người phụ nữ này đã bị xúc phạm đến những tình cảm tốt đẹp nhất.
Chính chị vợ anh, Iđa Báctơn mới là người làm cho đám phụ nữ kia khó chịu và lo lắng. Họ dè bỉu chị. Họ chê trách một cách dứt khoát, ngay từ khi mới nhìn thấy chị lần đầu. Họ chính là những người có biệt tài tự lừa dối bản thân. Họ tưởng tượng ra rằng, bộ đồ tắm của chị làm họ chướng mắt. Nhưng Phrôidơ đã có lý khi ông quả quyết rằng, mỗi khi đụng đến vấn đề giới tính, con người ta dễ có chiều hướng dùng điều mình tưởng tượng ra thay thế cho điều có thật một cách vô tình, rồi lại đau khổ với cái điều do chính mình tưởng tượng ra, không kém so với trường hợp khi điều ấy là có thật.
Bộ đồ tắm biển của Iđa Báctơn rất hấp dẫn, đan bằng thứ sợi len mầu đen rất mịn, đường viền và thắt lưng mầu trắng, mở cổ không rộng, hai ống tay rất ngắn và váy cũng rất ngắn. Dù cho váy của chị có ngắn đến mấy đi nữa thì đồ lót dệt kim bên trong vẫn cứ còn ngắn hơn. Tuy nhiên, ở bãi tắm cạnh đấy của Câu lạc bộ Thuyền buồm, và ở dải cát sát bờ biển có cả hàng chục phụ nữ ăn mặc còn táo bạo hơn, nhưng có khiến ai chú ý đến một cách đặc biệt như thế đâu. Đồ tắm của họ cũng ngắn cũn cỡn và cũng ôm chặt lấy người như thế, mà lại hoàn toàn không có ống tay, giống như áo tắm đàn ông. Còn cổ, lưng và nách của họ đều mở rất rộng chứng tỏ họ nắm vững thời trang năm 1916.
Như vậy, không phải bộ đồ tắm của Iđa làm đám phụ nữ kia khó chịu, mặc dù họ đinh ninh đúng là như thế. Thật ra cái làm họ thấy chướng mắt lại chính là đôi chân của chị, hay nói cho đúng hơn, là toàn bộ con người Iđa, vẻ đẹp rực rỡ của tính nữ lồ lộ đầy quyến rũ và khiêu khích của chị. Từ những mệnh phụ tuổi tác và đáng kính đến những bà trung niên và những cô gái trẻ đều cảm thấy rõ ràng sự khiêu khích ấy. Họ là những người sợ nắng gió đang cố bảo vệ tấm thân yếu ớt, mềm nhẽo và làn da mặt nhợt nhạt của họ khỏi bị mặt trời chiếu vào. Đúng, nhìn chị người ta thấy sự khiêu khích, sự thách thức lẫn sự khinh miệt đối với tất cả những nữ đối thủ trong cuộc giành giật nhỏ nhen và chính họ tự bầy đặt ra rồi tiến hành với một niềm tin rằng nhất định họ phải thắng.
Nhưng đám phụ nữ kia không nói thẳng ra điều ấy. Thậm chí cả trong ý nghĩ họ cũng không tự cho phép được thú nhận điều ấy. Họ tưởng tượng ra rằng toàn bộ tội lỗi của cô gái kia là nằm trong bộ đồ tắm. Họ lên án nó, làm như thể họ không nhìn thấy hàng chục phụ nữ khác ăn mặc còn táo bạo hơn Iđa, nhưng không đẹp đến mức nguy hiểm như chị.
Nếu có cách nào sàng lọc ý nghĩ của những vị bảo vệ đạo đức ấy được, thì sẽ đọng lại trên mặt sàng cái ý nghĩ ghen ghét thuần tuý phụ nữ: "Không thể cho phép một đứa con gái nào được xinh đẹp đến thế! Không thể cho phép nó tự do khoe khoang toàn bộ sắc đẹp của nó như thế được!" Để một đối thủ nguy hiểm như thế xuất hiện thì liệu còn người đàn ông nào ngó ngàng đến họ nữa?
Họ nghĩ như thế là đúng. Bởi vì khi hai ông bà Páttecxơn tắm xong, nằm nghỉ trên bãi cát bên cạnh con suối, nơi vợ chồng Li Báctơn và Iđa lội ngang qua để sang bãi tắm của Câu lạc bộ Thuyền buồm, thì ông Xtenli Páttecxơn đã nói với vợ như sau:
- Ôi, lạy vị thánh bảo hộ nghệ thuật và bảo hộ các cô gái làm đẹp làm mẫu cho các hoạ sĩ! Bà nhìn kìa, bà đã thấy một cô gái nào có đôi giò tuyệt diệu đến mức kia bao giờ chưa? Thon, chắc và cân đối kỳ lạ! Như hệt chân con trai vậy! Tôi chỉ mới được thấy một đôi giò như thế của một tay võ sĩ hạng nhẹ trên võ đài quyền Anh. Nhưng đây lại là đôi giò thuần tuý của phái nữ! Vì chân phụ nữ có cái dáng khác hẳn chân đàn ông. Kia kìa, đường cong phía trước của bắp đùi và ở phía sau lượn tròn vừa đủ mức cần thiết. Rồi hai đường cong ấy chụm lại chỗ đầu gối. Mà cái đầu gối mới đẹp làm sao! Tiếc mình không có sẵn đất sét ở đây mà nặn.
- Đầu gối của cô ta tuyệt vời thật! - bà vợ cũng thán phục không kém, vì bà ta cũng là một nghệ sĩ điêu khắc. - Mình nhìn kìa, các mỏm xương di động dưới làn da mới nhịp nhàng làm sao! Đầu gối cô ta lại không hề có lớp mỡ bao bọc! Lạ thật! - Bà thở dài, sực nghĩ đến hai đầu gối của bản thân. - Chà! Vừa cân đối, vừa đẹp lại vừa duyên dáng. Đây đúng là sự quyến rũ của da thịt. Cô ta là ai thế nhỉ?
Ông Xtenlin Páttecxơn, mắt không rời chị phụ nữ không quen biết kia, sôi nổi biểu diễn phần của mình trong bản song tấu gia đình:
- Bà thấy không? Chị ta không hề có bắp thịt đệm ở phía bên trong đầu gối, những bắp thịt đệm khiến cho hầu hết các bà các cô đều trở thành cong chân. Chính vì thế đôi giò của chị này y hệt giò con trai: rắn chắc, vững chãi...
- Nhưng lại vẫn là chân phụ nữ: tròn trịa, mềm mại, - bà vợ bổ sung. - Ông thử nhìn cô ta đi kìa. Xtenli! Cô ta đặt mũi chân xuống trước cho nên dáng đi nhẹ như lông chim. Mỗi lần cất bước, cô ta chỉ khẽ nhấc chân lên khỏi mặt đất, tưởng chừng như cô ta bay cao dần lên, và chỉ lát nữa sẽ thoát khỏi mặt đất, bay bổng lên không trung.
Ông Xtenli Páttecxơn và bà vợ thán phục đến như thế. Nhưng họ là nghệ sĩ. Mắt họ không giống như dàn pháo đại bác của những cặp mắt đang chĩa nòng về nơi Iđa đang sắp đặt chân tới, những cặp mắt từ trên hàng hiên của Câu lạc bộ Thuyền buồm, từ dưới rặng cây hao bao quanh khách sạn bờ biển. Trong câu lạc bộ Thuyền buồm đa số không phải khách du lịch mà những vận động viên thể thao và những người dân đã sống lâu năm ở quần đảo Haoai. Nhưng ngay cả những người dân bản địa này cũng phải thốt lên "A".
- Con bé chẳng lịch sự chút nào! - bà Henli Blếch nói với chồng. Bà là một người đẹp đã hết thời chừng bốn chục xuân xanh, vốn sinh trưởng ở Haoai và thậm chí cũng chưa hề nghe thấy nói đến thành phố nghỉ mát Oxtendơ bao giờ.
Ông Henli Blếch đưa cặp mắt suy tư và tàn nhẫn liếc nhìn tấm thân sồ sề đến mức quái gở và bộ đồ tắm cổ lỗ của bà vợ, bộ đồ tắm mà đến các nữ tu sĩ chân chính ở miền Tây Anh quốc cũng chẳng ai buồn chê trách. Hai ông bà lấy nhau từ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi bây giờ ông có thể nói toạc ra mọi điều suy nghĩ của mình mà không phải e dè gì hết.
- Nếu so sánh giữa bà ta và cô ấy thì chính bộ đồ tắm của bà mới không lịch sự. Tưởng chừng như bà quấn những mảnh vải dớ dẩn ấy vào người để che dấu một khuyết tật xấu xí gì bên trong vậy.
- Cô ta đi đứng y hệt một vũ nữ Tây Ban Nha! - bà Páttecxơn nói với chồng. Để khỏi mất hút bóng dáng của cô gái đẹp kia, họ cũng lội qua con suối đi theo.
- Đúng thế, - ông Xtenli Páttecxơn tán thành. - Tôi cũng sực nhớ đến cô vũ nữ Extrêlita. Bộ ngực đầy đặn nhưng không quá to. Eo nhỏ nhưng không nhỏ quá, lại chắc nịch như bụng các nhà võ sĩ quyền Anh vậy. Nếu eo không như thế thì cô ta không thể đi đứng duyên dáng như thế được. Mà bộ ngực với cái eo sao lại cân xứng với các bắp thịt ở lưng đến thế. Bà có thấy đường cong ở sống lưng của cô ta không? Y hệt như lưng vũ nữ Extrêlita vậy.
- Ông đoán cô này cao bao nhiêu? - bà vợ hỏi.
- Khó đoán lắm, - câu đáp có vẻ thận trọng. - Có thể là năm phút một insơ mà cũng có thể hơn thế, đến bốn insơ không biết chừng. Kiểu đi của cô ta dễ làm ta lạc hướng lắm. Kiểu đi như bà vừa nói ấy. Đi mà giống như bay.
- Đúng, đúng. - bà Páttecxơn tán thành. - Trông cô ta lúc nào cũng như kiễng chân. Chứng tỏ cô ta rất nhiều sức sống.
Ông Xtenli không đáp lại ngay.- Bà nói đúng, - mãi sau này ông mới kết luận.
- Chị ta vóc người bé nhỏ. Chỉ đến năm phút hai insơ là cùng. Còn cân nặng, tôi đoán khoảng trăm mười hoặc trăm linh tám, cùng lắm là một trăm mười lăm pao, không thể hơn được.
- Cô ta không nặng đến một trăm mười pao đâu, - bà vợ kiên quyết phản đối.
- Là tôi nói khi chị ta mặc đầy đủ quần áo, - ông Xtenli Páttecxơn nói tiếp. - Với lại nhìn cách chị ta đi đứng (do dồi dào sức sống và mạnh mẽ ý chí) tôi tin rằng chị ta không thuộc loại người nhỏ bé đâu.
- Tôi biết loại con gái này, - bà vợ gật đầu. - Nhìn họ người ta có cảm tưởng họ không to lớn, nhưng dù sao cũng trên trung bình. Ông đoán cô ta bao nhiêu tuổi?
- Về tuổi thì chắc bà đoán giỏi hơn tôi, - ông chồng lảng tránh câu hỏi.
- Có thể hai mươi lăm mà cũng có thể là ba mươi tám.
Nhưng ông Xtenli, quên cả lịch sự, không nghe vợ nói.
- Mà không phải chỉ cặp giò! - ông thét lên vẻ thán phục. - Toàn bộ con người của chị ta là tuyệt vời. Bà nhìn kìa: cánh tay! Từ bàn tay đến khuỷu tay thì thon nhỏ, lên gần vai lại thành tròn trĩnh. Bắp cơ hai đầu mới tuyệt vời làm sao! Tôi đánh cuộc rằng nếu chị ta lên gân, hai cái bắp ấy sẽ phình ra khá lớn cho mà xem!
Bất cứ một phụ nữ nào, nhất đây lại là Iđa Báctơn, không thể không nhận thấy nỗi chấn động do mình gây ra trên bãi biển Vaikiki. Nhưng điều ấy không hề làm chị thấy hãnh diện thêm mà trái lại còn làm chị khó chịu.
- Sao họ đê tiện đến thế nhỉ? - chị cười nói với chồng. - Em vốn là người sinh trưởng ở nơi này, đã sống ở đây suýt soát một phần ba thế kỷ rồi. Ngày đó con người đâu có lố bịch như bây giờ. Phải chăng vì ngày ấy chưa có ai đi du lịch đến đây. Ngày nhỏ em đã học bơi ở đúng chỗ này, ngay trước cái Câu lạc bộ Thuyền buồm kia. Em còn nhớ vào những dịp nghỉ hè hoặc chủ nhật, bố thường đưa em ra đây. Hai bố con nghỉ trong một túp lều lợp cọ. Túp lều ngày ấy nếu còn thì nằm ở đúng chỗ các bà ở Câu lạc bộ Thuyền buồm đang ngồi uống trà kia kìa. Ban đêm lũ cuốn chiếu lao xuống chỗ hai bố con nằm. Bố với em ăn sò huyết, ăn cá sống, suốt ngày bơi lội và đánh cá, không mặc quần áo gì hết. Mà bấy giờ đường xá từ thành phố đến đây có ra cái gì. Những hôm mưa to, đường ngập hết, hai bố con em phải về làng bằng thuyền, luồn lách qua những tảng đá ngầm rồi vào thẳng bến, ngay giữa thành phố Honôlulu ấy.
Li Báctơn tiếp lời vợ:
- Em đừng quên rằng cũng chính vào thời gian ấy, thằng bé mà bây giờ là anh đây này, thằng bé ấy đã từng nằm lại đấy liền mấy tuần lễ trong dịp đi chu du vòng quanh thế giới. Chắc chắn rằng bấy giờ anh đã nhìn thấy em trong đám trẻ con bơi lội ở đây như cá. Đến bây giờ anh còn nhớ, ở đây phụ nữ đã cưỡi ngựa như đàn ông, trong khi ở các xứ sở khác, mãi khá lâu sau này nữ giới mới khắc phục được thói uỷ mị và mới dám ngồi bỏ hai chân sau hai bên lưng ngựa. Bản thân anh cũng đã học bơi ở nơi này. Rất có thể hai chúng mình đã cùng tập cưỡi trên một ngọn sóng, và không biết chừng đã có lúc anh té nước vào mặt em và để cảm ơn, em đã thè lè lưỡi ra với anh...
Vừa lúc ấy, một tiếng "A" rất to, giọng khó chịu cắt lời anh. Tiếng ấy thốt ra từ miệng một mụ gầy đét, có vẻ là một bà cô già, đang phơi nắng trên bãi cát trong bộ đồ tắm dị dạng. Và Li Báctơn cảm thấy vợ mình co rúm người lại như phải bỏng.
- Anh rất hài lòng, - anh nói. - Em như thế cũng là giỏi lắm rồi. Chẳng bao lâu nữa em sẽ trở thành gan lì cho mà xem. Cái thái độ vừa rồi đã làm em hơi khó chịu. Nhưng không sao, càng làm em tự tin hơn mà thôi. Chỉ có điều em phải thật vững.
Bởi vì, rồi bạn đọc sẽ thấy, Li Báctơn là một siêu nhân, và Iđa cũng thế. Ít ra, đấy cũng là cách xếp loại của những phóng viên mới vào nghề, những kẻ chuyên đập gót giầy trên các sàn khách sạn và của những nhà phê bình uyên bác bị thiến mất cơ quan sinh dục. Họ không có khả năng nhìn nhận ra những người hoàn chỉnh hơn họ ở nơi chân trời, đằng sau bình nguyên đơn điệu của cuộc sống bản thân họ. Họ là những sinh vật tẻ nhạt, dư âm của quá khứ đã chết, là những kẻ đào huyệt tự phong của hiện tại và tương lai. Họ sống cuộc sống huyệt tự phong của hiện tại và tương lai. Họ sống cuộc sống của người khác và cũng giống như những hoạn quan, họ phục vụ cho nhục cảm của kẻ khác.
Do bản thân họ cằn cỗi, do môi trường của họ và những cảm xúc tủn mủn của họ què quặt và thô bỉ, họ quả quyết rằng không một anh đàn ông nào, không một chị đàn bà nào vươn được lên trên sự què quặt và thô bỉ.
Trong bản thân con người của họ làm gì có vẻ đẹp và tầm cỡ. Vì vậy họ không công nhận rằng người nào đó lại có những phẩm chất ấy. Do quá hèn nhát, họ không dám làm việc gì táo bạo. Họ khẳng định rằng sự táo bạo đã không còn tồn tại trên cõi đời này, từ thời Trung thế kỷ kia, nếu không phải là từ trước nũa. Bản thân họ chỉ là những ngọn nến leo lắt, và cặp mắt bạc nhược của họ nhìn sao thấy nổi ngọn lửa chói loà trong tâm hồn người khác, và đang chiếu sáng bầu trời của họ. Sức lực trong thân thể họ chỉ vừa bằng sức lực của loài chim chích, và họ không thể biết được rằng lại có người khoẻ mạnh hơn họ. Đúng, thời xa xưa trên trái đất đã từng có những con người khổng lồ. Nhưng trong những cuốn sách cổ cũng lại có nói rằng, đã lâu không còn những người khổng lồ nữa. Bây giờ chỉ còn sót lại xương cốt của họ. Những kẻ nhỏ mọn ấy không bao giờ nhìn thấy núi. Và như thế nghĩa là, đối với họ, chẳng làm gì có núi.
Nấp kín dưới đám bùn trong cái vũng nước đọng của bản thân, họ đinh ninh rằng, những tráng sĩ hiển hách mang vầng trán cao với những bộ giáp trụ sáng loáng chỉ có trong truyện cổ tích, trong lịch sử xa xưa và trong những mê tín hoang đường của dân gian. Họ chưa bao giờ nhìn thấy tinh tú, cho nên họ phủ nhận sự tồn tại của các tinh tú. Mắt họ không thấy được những con đường vinh quang, và cũng không thấy được những con đường bằng xương bằng thịt đi trên những con đường ấy. Vì vậy họ không công nhận có những con đường vinh quang và những con người dũng cảm. Coi cặp mắt mờ của mình là trung tâm vũ trụ, họ tưởng như mọi vật đều được tạo thành theo mẫu của họ, và họ dùng nhân cách thảm hại của họ làm thước để đo những tâm hồn khí phách rồi lên giọng chê trách: "Mọi tâm hồn chỉ bằng ngần này, không lớn hơn. Không thể có ở đâu những tâm hồn lớn hơn chúng tôi, mà các vị thần thánh của chúng tôi đã thừa biết là chúng tôi to lớn".
Nhưng khi Iđa đặt chân xuống nước, tất cả hoặc gần như tất cả những ai đang trên bờ đều tha thứ cho bộ đồ tắm của chị, cho tấm thân tuyệt diệu của chị.
Đôi mắt chị ánh lên một vẻ mời mọc, bàn tay chị khẽ chạm vào tay chồng và họ chạy vài bước theo sát chân nhau, rồi cùng một lúc, đạp mạnh xuống nền cát cứng dưới đáy nước, nhảy lên, tạo thành một đường vòng thấp bên trên mặt nước, rồi đâm đầu xuống nước.
Ở Vaikiki có hai loại sóng: sóng lớn, sóng bạc đầu Canaca tức là sóng ông, lồng lộng tít tận ngoài khơi và sóng nhỏ gọi là sóng Vakhina, nghĩa là sóng bà, vỗ nhẹ vào bờ. Dọc bờ biển là một giải nước nông khá rộng. Ở chỗ này có thể lội ra xa tới một trăm hoặc hai trăm phút vẫn chưa ngập đầu. Tuy nhiên nếu như sóng ông lồng lộng ngoài khơi thì sóng bà cũng cao đến ba - bốn phút, cho nên ngay sát bờ, đáy nước có thể sâu từ ba insơ đến ba phút, nếu tính từ đáy lên đến đỉnh sóng ngầu bọt trắng xoá. Muốn nhảy vào đám bọt trắng ấy, nghĩa là lấy đà rồi đạp mạnh xuống đáy cát, nhảy vọt lên không trung, xoay người cho chân chổng lên trời, lao đầu xuống nước, cần hiểu rõ các đợt sóng và biết cách khéo lựa. Đó là một nghệ thuật phải tập dượt nhiều năm để lao đầu vào cái hiện tượng tự nhiên bất định ấy bằng một động tác dứt khoát và đẹp mắt mà lại không xuống sâu quá trong nước.
Cái tiết mục biểu diễn táo bạo, đẹp mắt và duyên dáng ấy không phải ai muốn làm là cũng làm được ngay. Cần tập luyện khá lâu. Một sự tập luyện kèm theo nhiều trận đập đầu xuống đáy cát, không phải chỉ đau mà có khi còn vỡ sọ hay vẹo xương cổ nữa. Ở ngay chính cái chỗ mà đôi vợ chồng trẻ Báctơn lao đầu xuống nước một cách ngon lành như vậy, trước đây hai ngày, một lực sĩ nói tiếng Mỹ đã bị vẹo cổ. Ông ta không biết ước tính sự dâng lên và hạ xuống của những đợt sóng Vakhina.
- Cô ta là tay bơi lội nhà nghề đấy mà, - bà Henli Blếch thốt lên khi theo dõi Iđa Báctơn.
- Chắc chắn đây là một diễn viên xiếc chuyên nhào lộn. Đám phụ nữ ngồi dưới bóng cây đã dùng những nhận xét như thế và tương tự như thế để an ủi nhau. Họ dùng phương pháp đơn giản là tự lừa dối. Hộ để ra khoảng cách to lớn giữa những người làm nghề để kiếm sống với tầng lớp của họ, những người chẳng phải làm lụng gì mà cũng vẫn được ăn no nê.
Vào ngày hôm ấy, sóng ở Vaikiki rất mạnh. Ngay sóng bà cũng đã làm thoả mãn những tay bơi giỏi. Không có ai định ra đến chỗ sóng ông Canaca. Chẳng phải vì những vận động viên bơi lội tụ tập trên bãi tắm sợ bơi lạc ra xa, mà chỉ vì họ biết rằng, những đợt sóng khổng lồ cuộn xuống dưới đáy, dám nhấn chìm cả những chiếc thuyền lớn nhất của họ, và sẽ lật úp bất cứ một tấm ván nào.
Thật ra đa số trong bọn họ cũng có thể nhảy xuống nước để bơi, vì con người có thể bơi qua được những ngọn sóng mà thuyền mảng không thể theo nổi. Nhưng những chàng trai trẻ từ Honôlulu đến đây đâu phải để làm như thế. Điều thích thú nhất của họ là đùa rỡn trên ngọn sóng rồi đột nhiên rướn cả người lên khỏi mặt nước, bay cùng với đợt sóng vào bờ như một mũi tên.
Thuyền trưởng chiếc thuyền số chín, một trong những sáng lập viên của Câu lạc bộ Thuyền buồm, đồng thời là quán quân nhiều lần về môn bơi cự ly dài, đã không thìn thấy lúc đôi vợ chồng Báctơn xuống nước. Và bây giờ khi ông nhìn thấy họ thì họ đã vượt ra xa ngoài cả sợi dây chăng để đánh dấu, cách tốp người bơi xa bờ nhất một quãng lớn. Từ lúc ấy, đứng trên hàng hiên của Câu lạc bộ, ông không rời mắt khỏi họ. Khi họ vượt qua đập chắn sóng bằng thép, cạnh đó chỉ có một vài vận động viên táo tợn nhất đang lặn hụp, thì người thuyền trưởng bực tức lẩm bẩm: "Đồ malakhini quái quỷ!"
Tiếng Haoai "malakhini" nghĩa là lính mới, tập sự. Nhưng thuyền trưởng thuyền số chín, mặc dù nhìn thấy đôi trai gái kia bơi rất giỏi, biết rằng chỉ những kẻ "tập sự" mới không hiểu gì hết và liều lĩnh dám bơi ra đến dòng nước khủng khiếp sâu thẳm và chảy xiết ở ngoài đập chắn mà thôi. Điều đó làm ông bực tức. Ông bước xuống dưới bãi, khẽ ra lệnh cho một người nào đó trong số những tay chèo khoẻ nhất của ông, rồi quay lên hiên, đem theo chiếc ống nhòm. Sáu thuỷ thủ, cố không để ai chú ý đến họ, lặng lẽ khiêng chiếc thuyền số chín ra sát dìa nước. Họ kiểm tra lại, các mái chèo và cọc chèo, rồi ngồi ngả nghiêng trên bãi cát, làm như kiểu thờ ơ. Nhìn họ không ai nghĩ rằng đang sắp xảy ra chuyện nguy cấp. Còn bản thân họ thì thỉng thoảng ngước mắt lên nhìn người thuyền trưởng, và ông này thì vẫn dán mắt vào chiếc ống nhòm.
Độ sâu khủng khiếp ở bên ngoài đập chắn là do con suối từ trong đất liền chảy ra biển tạo thành. San hô không sống được ở nước ngọt. Còn dòng chảy xiết là do những đợt sóng lao quá mạnh vào bờ. Nước do những đợt sóng Canaca dữ tợn liên tiếp xô vào phía bờ. Trong khi hạ xuống, chúng lại nhảy ngược ra khơi cùng với dòng chảy nói trên, lẩn xuống bên dưới những đợt sóng dữ tợn khác đang xô tiếp đến. Ngay cả ở chỗ này, nơi có dòng chảy, sóng cũng dâng lên rất cao, nhưng vẫn không ghê gớm bằng ở hai bên. Do đó, đúng chỗ dòng chảy, thuyền bè không gặp nguy hiểm gì đáng kể. Nhưng phải là loại thuỷ thủ có tay chèo thật khoẻ mới cưỡng lại được với dòng nước chảy xiết. Chính vì vậy, thuyền trưởng thuyền số chín bám chắc vị trí quan sát, miệng không ngớt càu nhàu. Ông tin chắc rằng hai kẻ "lính mới" kia sẽ bắt ông phải hạ thuỷ con thuyền để bơi ra cứu, khi họ đã kiệt sức. Ngay bản thân ông, vào địa vị của họ, cũng sẽ bơi sang bên trái, về phía mỏm Kim Cương, và phó mặc cho sóng lớn Canaca đánh dạt vào bờ. Nhưng vì ông, chính là ông, một lực sĩ hai mươi hai tuổi với làn da đen cháy do phơi quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới và có mầu như gỗ mun, với tấm thân và các bắp thịt cứng như của Điúc Cahanomốc. Trong những cuộc bơi thì cự ly một trăm phút, người quán quân thế giới kia bao giờ cũng đến đích trước anh cả một giây đồng hồ. Nhưng khi bơi cự ly dài, anh lại bỏ rơi người quán quân kia khá xa.
Trong số mấy trăm người có mặt trên bãi tắm lúc bấy giờ, ngoài người thuyển trưởng và các thuỷ thủ của ông, không một ai biết rằng đôi vợ chồng trẻ Báctơn đã bơi ra khỏi đập chắn. Tất cả những người nhìn thấy họ bơi ra khỏi bờ đều đinh ninh rằng, họ đã cùng với những người khác, nhảy từ trên đập xuống.
Đột nhiên người thuyền trưởng nhảy phốc lên lan can hàng hiên rồi một tay bám chiếc cột, một tay hướng ống nhòm ra phía hai chấm đen phía xa kia. Dự đoán của ông đã chính xác. Hai kẻ ngu ngốc kia, thoát được ra khỏi dòng chảy, đã quay sang, bơi về phía mỏm Kim Cương. Muốn vào đến bờ, họ phải vượt qua những đợt sóng lớn Canaca. Nguy hiểm hơn nữa, có vẻ họ còn định bơi ngang qua những con sóng dữ tợn ấy. Ông liếc nhanh xuống phía dưới. Nhưng đến khi các thuỷ thủ - đang giả vờ lim dim ngủ - đáp lại cái liếc mắt ấy, từ từ đứng dậy và chiếm lĩnh vị trí trên chiếc thuyền, thì người thuyền trưởng lại thay đổi ý kiến. Đôi nam nữ kia chắc chắn sẽ chết trước khi thuyền của ông kịp đến cứu. Thậm chí nếu thuyền cứu có đến kịp thì nó cũng sẽ bị lật chìm ngay lúc rời khỏi dòng chảy bơi vào vùng sóng lớn. Và những thuỷ thủ lành nghề nhất trong đội thuyền của ông chắc gì đã cứu sống được một người đã bị những ngọn sóng bạc đầu khủng khiếp và tàn nhẫn kia quật xuống đáy biển?
Người thuyền trưởng nhìn thấy, ở xa tít ngoài khơi, đằng sau hai chấm nhỏ xxíu kia, ngọn sóng Canaca đầu tiên đang xô tới, ngọn sóng này khá lớn nhưng chưa phải loại lớn nhất. Rồi ông nhìn thấy đôi nam nữ kia bơi trườn bên cạnh nhau, úp mặt xuống nước, vươn dài người, chân đập như chân vịt, tay sải dài về phía trước, cố theo kịp với tốc độ của ngọn sóng đang đuổi theo họ, để khi chạm vào sóng, họ không bị tụt lại phía sau, mà để nó cuốn họ theo. Đến lúc ấy, nếu như họ có đủ bình tĩnh và khôn ngoan để giữ vững mình trên ngọn sóng chứ không để cho nó cuốn đi rồi quật xuống đáy, thì họ cũng sẽ bị nó đẩy vào bờ, bằng sức của nó, chứ không còn bằng sức của bản thân họ nữa.
Và họ đã làm được đúng như thế. "Giỏi đấy!" Viên thuyền trưởng thuyền số chín tự nhủ thầm như vậy. Nhưng ông vẫn không rời mắt khỏi chiếc ống nhòm. Vì tay bơi lội giỏi nhất cũng chỉ có thể bơi trên những ngọn sóng như vậy được vài trăm phút. Còn hai người này? Nếu như họ không đuối sức thì cũng chỉ vượt được một phần ba quãng đường mà họ đã tự ý lựa chọn. Và đúng như thuyền trưởng dự đoán, chị phụ nữ gặp khó khăn trước. Vì phần nổi của cơ thể chị nhỏ hơn. Bơi được khoảng bảy chục phút, người thuyền trưởng thấy chị không giữ vững được nữa và chị biến mất. Cả một khối nước hàng mấy tấn trùm lên người chị. Rồi người đàn ông cũng biến mất.
Nhưng lát sau cả hai lại hiện ra trên mặt nước, đằng sau ngọn sóng một quãng xa, ngọn sóng mà họ để tuột mất.
Đợt sóng tiếp theo, người thuyền trưởng nhìn thấy trước họ. "Nếu như họ định bắt lấy ngọn sóng này nữa thì thế là hết!" - ông rít lên qua kẽ răng. Ông biết rằng bất cứ ai táo tợn dám làm như thế thì sẽ nguy. Ngọn sóng này chiều dài chừng một dặm, chưa có bọt, nhưng nguy hiểm hơn một ngọn sóng bạc đầu. Nó đang dâng dần lên ở khá xa sau lưng họ, cao mãi, cao mãi rồi đến khi biến thành một bức tường lừng lững che lấp cả đường chân trời, mới bắt đầu xuất hiện một đường bọt trắng trên đỉnh, lúc đầu mảnh mai rồi sau mới to rộng.
Nhưng rõ ràng là đôi nam nữ kia rất thông thuộc biển cả. Đáng lẽ tránh ngọn sóng thì họ lại quay mặt về phía nó để đón đợi. Người thuyền trưởng thầm thán phục họ. Một mình ông chứng kiến cảnh tượng này, và nhìn thấy hết sức rõ ràng nhờ chiếc ống nhòm. Bức tường bằng nước dâng cao dần, và ở tít phía trên đỉnh, chỗ nước mỏng hơn, ánh hoàng hôn xuyên qua lớp nước xanh biếc.
Mầu xanh lục sáng dần rồi trở thành mầu xanh lam. Và mầu xanh lam này loé lên dưới ánh mặt trời, thành muôn vàn tia lấp lánh mầu hồng và mầu kim tuyến. Cả một đám mầu sắc dâng lên cao, cao nữa, đến tận đỉnh bạc đầu, lan toả ra mãi cho đến khi toàn thể ngọn sóng biến thành một khối loang loáng những ánh cầu vồng đủ mọi mầu sắc.
Trên cái nền của ngọn sóng, hai cái đầu, một nam, một nữ, biến thành hai chấm đen. Đó cũng là hai cái chấm lọt thỏm giữa sức mạnh mù quáng của thiên nhiên và đang thách thức với mãnh lực vô biên của đại dương. Sức nặng của ngọn sóng cao vút, khi đổ xuống, có thể đè bẹp người đàn ông, bẻ gãy xương cốt của người đàn bà. Viên thuyền trưởng thuyền số chín bỗng nín thở lúc nào chính bản thân ông cũng không để ý thấy. Ông quên mất người đàn ông. Ông chỉ chăm chú vào người đàn bà. Chỉ cần chị ta luống cuống, hay hốt hoảng, hoặc làm một động tác kém chính xác một cái, là lập tức một sức mạnh khủng khiếp sẽ hất chị ra xa một trăm phút, đè bẹp rồi quật cái thân xác dúm dó kia xuống đáy san hô để mặc cho dòng nước dưới sâu cuốn chị ta ra ngoài biển khơi làm mồi cho đàn cá mập háu đói, nhưng nhát gan, không dám tấn công những người đang còn sống.
Tại sao, viên thuyền trưởng tự hỏi, tại sao họ lại không lặn từ trước xuống sâu hơn một chút, mà lại dại dột đón đợi cho cái dây phút an toàn cuối cùng biến thành giây phút đầu tiên của nỗi hiểm nguy chết người kia? Ông nhìn thấy chị phụ nữ vừa cười vừa quay mặt sang phía anh đàn ông và anh chàng này cũng cười vang đáp lại. Ngọn sóng đã đang nâng họ lên trên cao, và phía trên nữa, đỉnh sóng mầu trắng đục như sữa bật lên những đám bọt lấplánh như vàng ngọc. Ngọn gió mát mẻ từ trong bờ thổi ra, hứng lấy những đám bọt trắng ấy, đưa chúng lên cao rồi tạt chúng về phía sau. Đến đúng lúc ấy, vẫn giữ khoảng cách giữa họ sáu phút, đôi nam nữ đột nhiên cùng lặn xuống dưới đay con sóng một lượt. Và cũng chính lúc ấy, ngọn sóng tan ra và hạ xuống. Đôi nam nữ biến mất hút như hai con côn trùng biến đi.
Đôi nam nữ biến mất hút như hai con côn trùng biến đi trong một giò phong lan khổng lồ. Còn ngọn sóng bạc đầu và đám bọt trắng xoá cùng những giót nước bắn lên cao kia, tất cả đều ầm ầm đổ xuống vào đúng chỗ mà đôi nam nữ vừa ngụp xuống.
Cuối cùng, đôi nam nữ kia lại hiện ra ở phía sau lưng ngọn sóng. Họ vẫn giữ khoảng cách sáu phút giữa họ. Họ sải dài hai tay, bơi về phía bờ, luôn luôn sẵn sàng hoặc đón ngọn sóng tiếp theo, hoặc chờ nó đến để ngụp xuống dưới chân nó. Viên thuyền trưởng thuyền số chín vẫy tay ra hiệu cho đội thuỷ thủ, ý nói họ có thể giải tán. Ông ngồi lên hàng lan can, cảm thấy một nỗi mệt mỏi khó tả, nhưng vẫn cầm ống nhòm theo dõi một đôi nam nữ đang bơi.
- Họ là ai thế nhỉ? - ông lẩm bẩm. - Có điều chắc chắn họ không phải là malakhini. Điều ấy thì mình dám khẳng định.
Sóng ở Vaikiki không phải thường xuyên lên đến độ cao. Thậm chí còn rất hiếm khi. Và mặc dù thời gian sau đó hai vợ chồng Báctơn vẫn tiếp tục làm cho các bà các cô đến nghỉ phải chú ý và khó chịu, nhưng các thuyền trưởng trong Câu lạc bộ Thuyền buồm thì thôi không lo lắng gì cho họ nữa. Những người thuyền trưởng này đã nhìn thấy đôi vợ chồng này bơi ra xa bờ, tan biến giữa làn nước xanh biếc rồi sau đấy vài tiếng đồng hồ, họ sẽ nhìn thấy hoặc không nhìn thấy hai người kia quay trở về. Các viên thuyền trưởng không lo lắng gì vì họ biết chắc rằng đôi vợ chồng kia sẽ trở về.
Bởi vì họ không phải là malakhini. Họ là dân bản địa. Nói cách khác, hay nói cho đúng hơn, có thể gọi họ theo tiếng Haoai: đấy là những camaaina. Những người dân địa phương đều còn nhớ cậu bé Li Báctơn, khi cậu đúng còn là một malakhini, mặc dù còn rất nhỏ tuổi. Từ bấy đến nay, do hay đến nơi này và do ở đây lâu, cậu đã vinh dự được mọi người coi là một camaaina.
Còn Iđa Báctơn thì những phụ nữ bản địa trạc tuổi chị, mỗi khi gặp chị đều ôm hôn thắm thiết theo kiểu Haoai (trong bụng thầm ngạc nhiên làm sao chị lại giỏi giữ thân thể trẻ lâu như vậy). Các bà già thường mời chị uống trà và trò chuyện nhắc lại quá khứ trong những góc sân, những ngôi nhà trong ngõ hẻm, nơi khách du lịch không ai nhìn thấy bao giờ. Ngay sau hôm chị về đây, chưa được một tuần lễ, bà hoàng già lụ khụ Liliucalani đã sai người tìm chị để mời đến chơi nhà và đã quở mắng đầy tớ về tội chưa tiếp đãi chị cho thật chu đáo. Còn những cụ già móm mém, ngồi trên những chiếc chiếu mát rượi và thơm phức, thường kể chị nghe về ông nội của chị, thuyền trưởng Uyntơn. Bản thân họ chưa hề được gặp cụ nhưng lại thích gợi lại những kỷ niệm về cuộc đời phóng đãng, về những hành vi điên rồ của cụ, mà họ biết được do cha mẹ họ kể lại. Ông nội chị - thuyền trưởng Uyntơn, - chính là Đêvít Uyntơn, cũng được gọi là "Người bách nghệ" - biệt danh do dân Haoai yêu mến đặt cho cụ thời bấy giờ. Cụ lúc đầu là người buôn bán ở vùng Tây-Bắc hoang dã, về sau trở thành kẻ giang hồ, thuyền trưởng không có thuyền. Cũng chính cụ năm 1820, đứng trên bờ biển Cailoa đã chào đón những nhà truyền giáo đầu tiên đến hòn đảo này trên chiếc thuyền buồm lớn Tađêus", và sau đấy vài năm chính cụ đã quyến rũ được con gái của một trong những nhà truyền giáo kia, cưới cô làm vợ, trở nên người chín chắn rồi phục vụ một cách chăm chỉ và trung thành các vị vua Camêhamêha trong một thời gian dài với chức vụ Thượng thư Bộ tài chính và Giám đốc Nha thuế vụ, đồng thời đóng vai môi giới và hoà giải giữa một bên là những nhà truyền giáo, một bên là đám người phức tạp và luôn thay đổi, gồm những dân du thủ du thực, lái buôn và những tù trưởng Haoai.
Li Báctơn cũng không thể có gì phải phàn nàn về sự lạnh nhạt của mọi người ở đây đối với anh. Mỗi khi nhân một dịp nào đó, dân ở đây tổ chức những cuộc vui chơi ngoài biển, nhảy múa hoặc những bữa ăn uống nhậu nhẹt theo kiểu dân tộc gọi là "luao", các bè bạn cũ đều không quên kéo anh vào dự vui với họ.
Đã có thời họ là những kẻ táo tợn, sống ngày nay không cần biết đến ngày mai. Bây giờ họ phát hiện ra rằng, thiên nhiên đã phú cho họ chức năng tiêu hoá và nhiều chức năng khác của cơ thể, thế là họ trở lại lành hiền, bớt càn quấy, tăng chơi quần ngựa và thường xuyên đến dự những cuộc đấu bóng. Những bè bạn cùng chơi bài pôke với Li Báctơn cũng đã trải qua một cuộc biến hoá tương tự. Bây giờ họ hạ thấp mức tiền đặt cọc xuống rất nhiều, uống toàn nước suối và nước cam, kết thúc canh bạc trước mười hai giờ đêm.
Giữa lúc sôi nổi nhất của cuộc vui chơi, trên sân khấu bỗng xuất hiện Xani Grenđixơn, người gốc rễ và đồng thời cũng là người hùng của quần đảo Haoai. Mới bốn mươi mốt tuổi anh đã có thể từ chối lời đề nghị anh làm chức thống đốc xứ sở này. Trước đây một phần tư thế kỷ, anh đã từng quẳng cô bé Iđa vào con sóng ở bờ biển Vaikiki. Còn trước đó thì trong khi nghỉ vụ hè ở trong trại chăn nuôi to lớn của cha anh trên đảo Lacanai, anh đã long trọng thu nạp cô bé Iđa cùng vài cậu bé nữa từ năm đến bảy tuổi vào "băng" của mình mang tên "Băng thợ săn đầu" hay còn gọi "Bão tố Lacanai". Còn trước đó nữa thì ông của anh và ông của Iđa đã cùng cộng tác với nhau trong những hoạt động chính trị và kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Haoađơ, anh đã vừa chu du rất nhiều nơi, vừa nghiên cứu khoa học. Và đến mỗi nơi anh lại kết thân với những bạn bè mới. Anh đã phục vụ ở Philipin, với tư cách nhà côn trùng học đã tham gia một loạt đoàn khảo sát khoa học ở quần đảo Malaixia châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Năm bốn mươi mốt tuổi anh vẫn còn đứng trong biên chế của Học viện Xmítxơn. Và bè bạn quả quyết với anh rằng, anh hiểu biết về loại sâu đục thân mía còn hơn những chuyên gia côn trùng học ở trạm thực nghiệm do anh cùng những chủ đồn điền mía khác sáng lập nên. Ở quê hương, anh là nhân vật có tiếng tăm và cũng là người đại diện nổi tiếng nhất của dân Haoai ở nước ngoài. Những người Haoai đã du lịch ra nước ngoài đều đồng thanh công nhận rằng, bất cứ đến nơi nào trên trái đất, cứ hễ biết họ là dân Haoai, lập tức người ta hỏi ngay: "Vậy ông (hay bà) có biết Xani Grenđixơn không?"
Tóm lại, anh là con nhà giàu, lại là người đã đạt nhiều thành công lớn trong cuộc đời. Anh đã biến số tiền một triệu đôla thừa hưởng của cha thành mười triệu. Trong khi đó anh vẫn không giảm bớt những món tiền góp vào các hội từ thiện mà thuở sinh thời cụ vẫn thường góp, thậm chí còn tăng thêm.
Nhưng đây chưa phải toàn bộ những gì có thể kể về con người này. Cách đây mười năm, vợ anh đã qua đời. Hai người không có con.Và không một người đàn ông nào trên khắp quần đảo Haoai lại được nhiều phụ nữ mơ ước được kết duyên như anh. Dáng người cao thon, bụng nhỏ như bụng lực sĩ, anh bao giờ cũng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Tóc đen, nét mặt cương nghị, chỗ thái dương có ít sợi bạc, da mặt trẻ trung, nhẵn bóng, mắt sáng và linh hoạt, anh nổi bật lên ở bất cứ nơi đông người nào. Tưởng chừng như toàn bộ thời giờ của anh đều bị cuốn vào những cuộc vui chơi phù phiếm, những cuộc họp của các uỷ ban, các ban quản trị và các hội nghị chính trị. Ngoài ra anh còn làm đội trưởng đội bóng pôlô đã nhiều lần đoạt giải. Và trên hòn đảo Lacana của mình, anh đã nuôi ngựa chuyên phục vụ môn thể thao pôlô. Và công việc kinh doanh này cũng thu lợi không kém gia đình Bonouyn trên đảo Maoi.
Khi trên sân khấu đã có mặt hai nhân vật mạnh mẽ và độc đáo - một đàn ông và một đàn bà - nay lại xuất hiện thêm nhân vật đàn ông thứ hai, cũng mạnh mẽ và độc đáo không kém, thì hầu như tất yếu sẽ phải tạo nên một bộ ba đầy bi kịch. Nếu dùng ngôn ngữ của những kẻ chuyên lê gót giầy ở những nơi công cộng thì một bộ ba như thế có thể gọi là một bộ ba "siêu bi kịch" hoặc bộ ba "kinh thiên động địa". Người đầu tiên nhận ra được tình thế này tất nhiên phải là Grenđixơn bởi vì toàn bộ câu chuyện bắt đầu từ ý định táo tợn của anh. Hơn nữa, chắc gì trí thông minh của anh, cho dù nhạy bén đến mấy đi nữa, có thể vượt được trực giác của một phụ nữ như Iđa Báctơn. Nhưng điều này thì rõ rằng: "Li Báctơn là người cuối cùng nhận ra. Và anh tìm cách biến mọi chuyện thành trò đùa cợt, trong khi chuyện ấy chẳng phải trò đùa chút nào.
Nhưng chẳng bao lâu anh nhận ra rằng, mình biết quá muộn, nghĩa là khi quá nửa số người mà anh đến thăm đã biết hết cả rồi ôn lại thời gian qua, anh nhận thấy rằng, đã từ lâu, bất cứ nơi nào vợ chồng anh được mời đến thì nơi ấy Xani Grenđixơn cũng được mời đến. Vợ chồng anh đi đến đâu cũng có mặt Xani ở đó và là người thứ ba! Đám người vui vẻ kia đi bất cứ đâu, đến Cahuca, Halâyva, Ahnimana, hoặc thăm những khu vườn san hô ở Cannêôhê, hoặc tắm ở mũi Cocô, cũng dẫn đến tình trạng Iđa ngồi trong ôtô của Xani hoặc cả hai cùng ngồi trong xe của một người nào khác. Hai người ấy, Iđa và Xani, gặp nhau trong các cuộc vũ hội, các bữa tiệc, các cuộc thăm qua, trong các "luao", tóm lại, ở khắp mọi nơi.
Nhận xét được ra rồi, Li Báctơn không thể không nhận thấy thêm nữa rằng,khi có mặt Xani Grenđixơn, vợ anh tươi tỉnh hẳn lên. Chị vui lòng ngồi cùng xe ô tô với Xani, nhẩy với anh ta hoặc sẵn lòng bỏ một điệu nhảy để trò chuyện với anh ta. Nhưng lộ liễu nhất là nét mặt của bản thân Xani. Bất chấp tuổi tác, bất chấp tính điềm đạm và kinh nghiệm sống, nét mặt anh ta luôn luôn bộc lộ tình cảm một cách lộ liễu không kém gì một cậu trai hai mươi tuổi. Tuổi đã trên bốn mươi, có nghị lực, từng trải, nhưng Xani Grenđixơn vẫn chưa tập được cách che giấu cảm xúc đằng sau một chiếc mặt nạ lạnh lùng. Vì vậy, Li Báctơn, vốn cùng tuổi, chẳng phải tốn công sức gì cũng nhìn thấy được rõ ràng ruột gan của Xani, như qua một tấm kính trong suốt.
Và không phải chỉ một lần, trong khi Iđa chuyện phiếm với những người phụ nữ khác, và khi câu chuyện đụng đến Xani, Li Báctơn đã nghe thấy vợ mình ca ngợi anh ta, hết lời ca tụng cách Xani chơi pôlô, ca tụng các hoạt động xã hội và mọi ưu điểm khác của anh ta.
Thế là tâm trạng của Xani không còn có gì khó hiểu đối với Li Báctơn nữa. Và không phải chỉ với anh, mà đối với bất cứ ai. Nhưng còn Iđa, người vợ mà anh đã cùng chung sống trong hạnh phúc hoàn toàn suốt mười hai năm trời, không một chút gợn, chị thì thế nào?
Anh thừa biết rằng phụ nữ là loại người khó hiểu. Họ rất biết cách giữ kín tình cảm thật. Thái độ thân mật một cách công khai với Xani Grenđixơn phải chăng chỉ là do tình bạn thuở nhỏ? Hay thái độ ấy chính lại là tấm bình phong để che giấu một mối tình say đắm? Để che giấu một tình cảm đáp lại, biết đâu còn mãnh liệt hơn cả tình cảm lồ lộ trên mặt Xani?
Li Báctơn rất buồn. Mười hai năm sống chung thuỷ và hợp pháp với vợ, anh thấy rõ rằng Iđa là người phụ nữ duy nhất mà anh cần đến, rằng trên trái đất này không có một người phụ nữ nào có thể thay thế được vị trí của Iđa trong tim và óc anh. Anh không thể tưởng tượng được ra một người phụ nữ nào lại có thể làm anh sao lãng được Iđa, chứ chưa nói đến
chuyện có thể vượt được chị trong việc làm vừa lòng anh mọi lúc và mọi nơi.
Anh hoảng hốt thầm tự hỏi mình, phải chăng giống như những người khác của dòng họ Bênêdic, khi đang yêu, đây là "chuyện lãng mạn đầu tiên" của vợ anh chăng? Điều băn khoăn ấy dằn vặt anh không nguôi. Và điều làm cho những bè bạn cùng chơi bài pôke với anh, những con người có tuổi và chín chắn, phải ngạc nhiên, cũng như làm cho những bà những cô theo dõi anh trong các bữa tiệc lấy làm mừng rỡ, là Báctơn bắt đầu dùng cônhắc thay cho nước cam, lớn tiếng tán thành việc tăng số tiền đặt cửa, chiều chiều phóng xe ô tô như điên trên con đường ra mũi Kim Cương và ra bờ vực Pali, và trong bữa ăn, anh dùng nhiều rượu cốctai và Uytki Scốtlen hơn mức dùng cho một người bình thường.
Xưa nay Iđa vẫn thường bỏ qua, không hề trách cứ gì thói say mê cờ bạc của chồng. Qua bao năm chung sống với vợ, anh đã quen với thái độ dễ dãi ấy. Nhưng đến nay, khi mối hiềm nghi đã xuất hiện, anh có cảm giác như vợ anh chỉ mong cho anh đánh bạc thật nhiều. Hơn thế nữa, anh còn nhận xét thấy rằng, đã lâu Xani Grenđixơn thôi không đến những nơi chơi bài pôke và britgiơ nữa. Người ta bảo anh rất bận. Nhưng trong khi Li Báctơn chơi bài thì Xani dùng thời gian ấy làm gì? Không thể lúc nào anh ta cũng họp với các hội đồng, các ban quản trị như thế được. Li Báctơn bèn thử đi điều tra. Chẳng vất vả gì anh cũng kết luận được rằng trong những thời gian ấy, Xani đã tiêu khiển với Iđa. Khi thì thấy ở vũ hội, khi thì dự tiệc, khi thì tắm biển dưới ánh trăng. Và cái hôm mà Xani, viện cớ việc không thể trì hoãn được để không chơi bài britgiơ với Li Báctơn, Lenho Giônxơ và Giếch Hônxtâynơ trong Câu lạc bộ "Thái Bình Dương" thì ra anh ta bận phải chơi bài, cũng là bài britgiơ, nhưng ở nhà bà Dôra Natlơdơ cùng với ba người phụ nữ, trong đó có Iđa.
Một lần, sau khi đi kiểm tra việc xây dựng một ụ để tàu trên cạn, Li Báctơn từ Pioclơ Habo trở về. Anh gài số ba cốt phóng xe thật nhanh để về đến nhà còn kịp thay quần áo trước khi ngồi vào bàn ăn bữa trưa. Hôm ấy xe anh đã vượt xe của Xani, và anh nhìn thấy trong xe của Xani có một người nữa là Iđa. Cách đấy một tuần lễ, mà trong tuần ấy anh không hề ngồi vào chiếu bạc lần nào, sau khi dự bữa ăn độc thân ở Câu lạc bộ Đại học, mười một giờ khuya anh mới về đến nhà, thì liền sau đấy, vợ anh cũng về. Iđa vừa ăn bữa tối và nhảy ở nhà ông bà Anxtơn xong. Người chở xe đưa chị về chính cũng lại là Xani Grenđixơn. Họ nói rằng Xani đã phải đưa cả vợ chồng thiếu tá Phrenclin về Phóoc Sáptơ ở tận đầu kia thành phố, cách trung tâm Vaikiki rất xa.
Li Báctơn cũng chỉ là một con người và anh rất đau khổ trong lòng, mặc dù trước mặt mọi người anh vẫn tỏ ra vô cùng thân ái với Xani. Ngay đến Iđa cũng không biết chồng mình đang đau khổ, và chị vẫn hồn nhiên, vui vẻ không nghi ngờ gì cả, có chăng chị chỉ hơi ngạc nhiên đôi chút thấy gần đây chồng uống quá nhiều rượu trước các bữa ăn mà thôi.
Tưởng mọi sự vẫn y như trước, anh vẫn thổ lộ hết mọi điều với vợ. Nhưng thực ra anh giấu chị điều đau khổ và không cho chị biết chút nào về cuốn "sổ kế toán" mà anh tiến hành ghi trong óc, đêm cũng như ngày, cố mau chóng đạt đến một kết luận rõ ràng. Trong "cuốn sổ" ấy, một cột ghi tất cả những biểu hiện thực sự chân thành tình yêu của chị đối với anh: những sự chăm sóc, những lời an ủi, những lần hỏi ý kiến, và những việc chị đã làm để chiều ý chồng. Một cột khác ghi nhiều hơn, đó là những câu nói và thái độ của chị mà anh cho là khả nghi. Những câu nói và thái độ ấy có thực lòng không? Hay có chứa đựng một chút giả dối, mặc dù giả dối không có dụng ý? Cột thứ ba, dài nhất và cùng quan trọng nhất theo quan điểm tâm hồn con người, ghi những điều có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đến vợ anh và Xani Grenđixơn. Li Báctơn làm cuộc ghi chép đều đặn vào "cuốn sổ" này không định nhằm một mưu đồ gì hết. Chỉ đơn giản là anh không thể không ghi. Nếu như có thể thôi được cái công việc này, thì anh sẽ vui vẻ mà chấm dứt nó ngay. Khốn nỗi anh đã nhiễm thói quen mọi thứ đều phải rành rọt. Và mọi điều anh nhận xét thấy đều cứ như tự chúng xếp vào từng cột một, ngoài ý muốn của anh.




Bây giờ mọi thứ anh đều nhìn một cách méo mó. Mỗi con ruồi anh đều nhìn thành con voi, mặc dù anh biết rõ đấy chỉ là con ruồi. Cuối cùng anh đã tìm đến Mắc Luâynơ, người mà có lần anh đã giúp cho một việc khá lớn. Mắc Luâynơ là Giám đốc Sở cảnh sát điều tra. Li Báctơn hỏi ông ta: "Xani Grenđixơn có phải người đào hoa không?" Người giám đóc cảnh sát không trả lời gì hết. Li Báctơn kết luận: "Nghĩa là có chứ gì?" Nhưng ông ta cũng vẫn im lặng.
Sau đấy ít ngày, Li Báctơn nhận được một tờ giấy mật có chữ ký của Mắc Luâynơ, và đọc xong anh vội huỷ ngay như huỷ một vật nhơ bẩn nguy hiểm. Kết luận tổng quát là: Kể từ khi vợ qua đời đến nay, Xani Grenđixơn đã sống không buông tuồng nhưng cũng không phải hoàn toàn đúng đắn. Cuộc hôn nhân giữa anh và vợ đã một thời từng là đề tài cửa miệng của giới thượng lưu Honôlulu, vì họ yêu nhau say đắm, không phải chỉ trước khi cưới mà cả khi đã chung sống với nhau rồi, cho đến tận khi chị vợ anh chết một cách bi thảm cách đây đã mười năm, cả người lẫn ngựa đều trượt khỏi con đường mòn Nanicu và rơi xuống vực thẳm. Và theo như Mắc Luâynơ, trong một thời gian dài sau đó, Xani không hề chú ý đến người phụ nữ nào. Còn về sau thì nếu anh ta có quan hệ với người phụ nữ nào thì cũng hoàn toàn đúng đắn, không gây nên điều tiếng gì. Vì vậy mọi người cho đến nay vẫn tin rằng Xani Grenđixơn là người chồng thuỷ chung và sẽ không bao giờ lấy ai nữa. Riêng vài cuộc tình thoáng qua mà Mắc Luâynơ kê ra trong mảnh giấy thì theo như ông ta nhận định, chính bản thân Xani cũng đinh ninh rằng chỉ những người trong cuộc biết mà thôi.




Li Báctơn đọc lướt qua rất nhanh, tuồng như thẹn với chính bản thân mình, cái bản kê ngắn ngủi những tên phụ nữ và những ngày tháng. Và chính bản thân anh cũng phải ngạc nhiên trước khi đưa tờ giấy vào ngọn lửa. Đúng! Cái gì thì chưa biết, chứ thận trọng thì Xani có thừa. Nhìn mảnh giấy đã cháy thành than, Li Báctơn bỗng chợt nghĩ rằng, không biết trong số những chuyện tình thuở trẻ của mình, những chuyện nào đã nằm vào hồ sơ mật của ông già Mắc Luâynơ kia. Và đột nhiên anh cảm thấy mặt nóng bừng. Sao anh ngốc thế! Nếu như Mắc Luâynơ đã biết rõ đời tư của bất kỳ người nào trong tầng lớp của họ đến như vậy thì cũng có nghĩa rằng bản thân anh, người chồng, người che chở cho Iđa, đã cung cấp cho ông ta một cái cớ để nghi ngờ vợ mình rồi còn gì.
- Không có chuyện gì lạ chứ? - anh hỏi vợ vào đúng cái buổi tối hôm ấy, khi chị vừa mặc quần áo xong, còn anh thì đứng cạnh, cầm sẵn chiếc áo măngtô.
Câu hỏi hoàn toàn phù hợp với điều đã quy ước giữa hai vợ chồng, là không giấu giếm nhau điều gì hết. Và trong khi chờ đợi Iđa trả lời, Li Báctơn ân hận là đã không hỏi vợ câu ấy từ trước.
- Không, -chị mỉm cười. - Không có chuyện gì lạ hết... Cũng có thể là để rồi lúc nào...
Chị soi gương, thoa phấn vào mũi, rồi lại lấy cái búp phẩy bớt phấn đi. Sau đó chị nói tiếp:
- Anh thừa biết tính em như thế nào rồi. Em cần phải có thời gian để nhìn ra cho rõ. Và sau khi đã rõ rồi thì thế nào em cũng sẽ nói hết với anh. Chỉ có điều là nhiều khi chưa có điều gì đáng nói, cho nên cũng chưa muốn để anh phải nghĩ ngợi làm gì.
Chị giơ hai cánh tay ra phía sau, để anh khoác áo măngtô vào cho. Đôi cánh tay dũng cảm và thông minh, khi vật lộn với sóng biển thì cứng như thép, đồng thời lại vẫn là cánh tay phụ nữ: tròn trĩnh, ấm áp, trắng ngần. Lớp da mịn màng phủ lên những bắp thịt tuyệt vời và ngoan ngoãn, sẵn sàng tuân theo sự điều khiển của chủ nhân.
Li Báctơn ngắm vợ với lòng khâm phục. Anh vừa thoáng buồn lại vừa đau xót. Lúc này sao vợ anh mảnh mai, yếu đuối đến thế. Nhìn chị người ta có thể tưởng như bất cứ một người đàn ông khoẻ mạnh nào cũng có thể chỉ dùng một tay cũng nhấc bổng chị được.
- Nhanh lên, còn đi chứ, anh? - chị kêu lên vì thấy chồng còn chần chừ, chưa khoác chiếc áo măngtô ra ngoài chiếc áo dài tuyệt đẹp và mỏng dính của chị. - Trễ mất đấy. Nếu ở Nuuanu trời mưa thì lại phải lên lầu và vợ chồng mình sẽ không kịp tham gia điệu nhảy thứ hai đâu.
Anh quyết định sẽ phải xem cho kỳ được điệu vũ thứ hai vợ mình sẽ nhảy với ai. Và anh đi theo chị ra cửa, ngắm dáng đi của vợ, cái dáng đi mà anh vẫn thường thầm nhận xét rằng bao giờ cũng bộc lộ toàn bộ bản chất, cả tinh thần lẫn thể xác của chị.
- Em không giận khi thấy anh chơi bài pôke nhiều quá và bỏ mặc em đi một mình đấy chứ? - Lại một câu thăm dò nữa.
- Đấy là quyền của anh! Với lại anh thừa biết rằng em tán thành để anh mê đánh bạc. Vì sự say mê ấy làm cho anh thoải mái hơn. Không những thế, mỗi khi anh đánh bài, anh trở nên rất đáng yêu. Mà hình như có lần anh chơi bài khuya quá, đến sau một giờ sáng thì phải.
Đến Nuuanu trời chưa mưa. Gió nhẹ và trời đầy sao. Họ đến kịp điệu nhảy thứ hai vì Li Báctơn nhìn thấy vợ mình bước vào sàn nhảy cùng với Xani Grenđixơn. Chuyện này chẳng có gì đặc biệt, nhưng anh vẫn thầm ghi nó vào cuốn sổ kế toán nằm trong óc.
Một tiếng đồng hồ sau, bỗng nhiên anh thấy bồn chồn. Anh rời khỏi chiếu bạc Britgiơ, lánh qua mấy người phụ nữ trẻ, bước ra ngoài vườn, đi lững thững. Bên kia ao có một rặng hoa quỳnh. Hoa quỳnh chỉ sống được có một đêm: khuya mới nở, và gần sáng đã tàn. Những bông hoa to, đường kính đến một phút, mầu vàng nhạt, tựa như được làm bằng sáp ong, lấp lánh như những ngọn hải đăng trong đêm tối, toả hương thơm ngào ngạt và chúng đang cố tận hưởng mau kẻo đã sắp phải tàn.




Nhưng trên con đường nhỏ dọc theo rặng hoa quỳnh, người đi dạo rất đông. Họ đi thành từng đôi, vào quãng thời gian giữa hai điệu nhảy, hoặc có khi họ bỏ một vài điệu nhảy để chuyện trò với nhau. Họ nói rất khẽ, mắt như đắm đuối ngắm nghía điều huyền diệu kia: cuộc sống tình ái của một loài hoa. Ban hợp xướng nam hát bài "Hanalây" du dương vẳng từ trên sân nhà vọng xuống vườn. Li Báctơn hơi nhớ lại một truyện ngắn hình như của Ghidơ Môpaxăng nói về một thầy tu. Ông ta tin một cách thành kính, rằng mọi vật trên thế gian này đều do Chúa Trời tạo nên nhằm những mục đích mà chỉ có Ngài mới biết được. Nhưng đến khi phải dùng cái cách nhìn ấy để giải thích sự tồn tại của hiện tượng ban đêm, thì ông thầy tu kia cuối cùng đã hiểu được ra rằng, Chúa Trời sáng tạo ra ban đêm là để nhằm phục vụ cho tình yêu.
Thấy cả hoa lẫn người đều say đắm ban đêm, Li Báctơn thấy đau xót. Anh quay bước, định trở vào nhà theo con đường ngoằn ngoèo dưới bóng những cây xiêm gai và dừa. Đến chỗ con đường ló ra khỏi bóng cây, anh nhìn thấy cách mình vài bước chân, trên một con đường nhỏ khác, một đôi trai gái đang hôn nhau trong bóng tối. Anh phát hiện ra họ, vì nghe thấy giọng thì thào tha thiết của người đàn ông. Nhưng cũng đúng lúc ấy, đôi trai gái nhìn thấy anh. Anh con trai ngừng bặt, không nói nữa. Và cả hai cố giữ bất động hoàn toàn.
Anh bước chân tiếp, trong lòng xót xa với ý nghĩ rằng, bóng tối dưới các lùm cây chính là giai đoạn sẽ phải xảy tới với những người hiện còn đứng ngoài chỗ trống, đang ca ngợi những đoá hoa quỳnh kia. Ôi, anh nhớ rất rõ cái thời mà chỉ cốt để được hưởng một phút yêu đương, anh sẵn sàng dối trá, sẵn sàng mưu mẹo, và chỉ mong được đứng dưới bóng lùm cây càng tối càng tốt. Người ta giống như những bông hoa. Trước khi quay trở về với cuộc sống quen thuộc nhưng giờ đây anh cảm thấy không chịu nổi nữa, anh dừng chân lại một lát ngoài vườn, lơ đãng ngắm nhìn khóm phù dung hoa kép đang rực rỡ dưới luồng ánh sáng từ trên hiên nhà hắt xuống. Và bỗng nhiên tất cả những gì làm anh đau khổ, những gì anh vừa nhìn thấy và nghe thấy: những bông hoa quỳnh chỉ nở có một đêm, những lời thầm thì của những kẻ đang yêu và đôi trai gái hôn nhau vụng trộm như kẻ cắp, tất cả những thứ ấy hoà lẫn vào nhau tạo thành một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đời, được thể hiện trong những đoá phù dung mà anh đang ngắm nghía. Anh cảm thấy cuộc đời và khát vọng của con người cũng giống như những đoá hoa kia: khi nở ra lúc bình minh, chúng trắng như tuyết, gặp ánh nắng mặt trời, chúng chuyển mầu hồng, đến tối, chúng đỏ rực và sau đó thì bắt đầu tàn, không sống nổi cho đến bình minh hôm sau!
Không biết còn những ý nghĩ so sánh nào nảy ra trong óc anh nữa, bởi vì từ phía sau lưng anh, nơi có những rặng xiêm gai và dừa nước, chợt vọng đến một giọng cười quen thuộc, tiếng cười tươi vui và hồn nhiên của Iđa. Sợ phải nhìn thấy vợ mình, anh không dám ngoái đầu lại, bước vội lên hiên nhà. Do luống cuống, chân anh díu lại làm anh suýt ngã. Và mặc dầu anh thừa biết nếu quay lại anh sẽ nhìn thấy gì, nhưng anh cũng vẫn quay đầu lại, và nhìn thấy vợ anh và Xani vừa mới hôn vụngnhau trong bóng tối. Mắt anh hoa lên. Và anh phải vịn vào lan can mới đứng được vững, đôi mắt lờ đờ hướng về phía tốp nam trong dàn hợp xướng đang hát đoạn điệp khúc ngọt ngào "Hani Caua Nikiviki" trong cái đêm cũng ngọt ngào này.
Một lát sau, anh liếm môi, gắng lấy lại bình tĩnh và nói được một câu pha trò với nữ chủ nhân, bà Insơkíp. Nhưng không thể để chậm trễ được - hai kẻ tội lỗi kia đã đang bước lên những bậc lên hiên nhà rồi.
-Tôi khát cháy cả cổ, cứ như vừa vượt qua sa mạc Gôbi ấy, - anh nói. - Phải uống ngay một cốc rượu, kẻo chết khát bây giờ.
Bà Insơkíp mỉm cười đưa tay trỏ về phía góc sân dành cho những người hút thuốc lá. Anh đến nơi thì cũng đúng lúc mọi người tản ra. Anh sôi nổi trò chuyện với mấy ông già về tình trạng sản xuất đường hiện nay.
Có mấy chiếc xe cùng đi về thành phố Vaikiki. Li Báctơn phải nhận chở ông bà Becxtơn và đôi vợ chồng Lexli. Anh cũng vừa nhìn thấy Iđa ngồi vào xe của Xani, ngay bên cạnh anh ta. Chị về đến nhà trước. Khi anh bước vào đã thấy chị đang chải tóc chuẩn bị đi ngủ. Hai vợ chồng tạm biệt nhau để đi nghỉ, như thường lệ. Anh cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng chợt nhớ rằng môi một kẻ khác đã chạm vào môi vợ mình, anh phải gắng hết sức mới không lộ vẻ gì khác thường. Gắng đến nỗi, anh tưởng chừng mình suýt ngất đi.
"Chẳng lẽ bản tính của phụ nữ đúng là vô đạo đức thật, như những triết gia yếm thế, bi quan chủ nghĩa Đức đã quả quyết?" - anh tự hỏi, không làm sao ngủ được, cũng không thể đọc nổi một cuốn sách nào. Trằn trọc khoảng một tiếng đồng hồ, anh đành dậy, tìm trong tủ thuốc một liều thuốc ngủ tác động mạnh. Sau đấy một tiếng vẫn không ngủ được, sợ không dám một mình suy nghĩ vẩn vơ, anh lại uống thêm một liều thuốc ngủ nữa.
Anh còn uống thêm hai lần nữa, mỗi lần cách nhau một tiếng đồng hồ. Nhưng thuốc tác động quá chậm,nên đến khi anh ngủ thiếp đi được, thì bên ngoài trời đã bắt đầu rạng sáng. Đến bảy giờ anh lại thức giấc. Miệng đắng ngắt, mắt vẫn cay xè nhưng anh không làm sao ngủ lại được nữa. Đến khi thấy rõ rằng có cố cũng vô ích, anh gọi người phục vụ đem điểm tâm vào, anh ăn ngay trên giường và đọc báo chí buổi sáng. Nhưng thuốc ngủ tiếp tục tác động và thỉng thoảng anh lại ngủ thiếp đi vài giây, ngay trong lúc đang đọc báo. Anh cứ trong tình trạng nửa thức nửa ngủ như thế cả trong lúc tắm và mặc quần áo. Và anh sung sướng thấy rằng, mặc dù thuốc không làm anh ngủ được ban đêm, nhưng cũng tạo được cho anh một cảm giác lơ mơ dễ chịu vào buổi sáng.
Mãi cho đến khi Iđa trở dậy và bước vào phòng anh, trong chiếc áo choàng duyên dáng, miệng nở một nụ cười hóm hỉnh, và vẫn như mọi khi, tươi vui và tanh thản, anh mới cảm thấy chất thuốc phiện ngấm vào người. Bằng thái độ đơn giản và rõ ràng, chị nói để anh hiểu rằng, tuy hai vợ chồng đã thỏa thuận với nhau từ lâu là phải nói thật và nói hết ra với nhau nhưng hôm nay chị cũng chưa có điều gì để nói với anh. Do thuốc ngủ tác động, Li Báctơn bắt đầu nói dối. Khi Iđa hỏi anh có ngủ ngon giấc không, anh đã trả lời:
- Rất không ngon. Đêm qua anh phải thức dậy hai lần vì bị chuột rút ở chân. Thậm chí có lúc khỏi chuột rút, mãi vẫn không ngủ lại được. May về sau chuột không rút lần nào nữa. Nhưng chân vẫn nhức khiếp lên được.
- Năm ngoái anh cũng bị một lần đúng y như thế, - chị nhắc.
- Bệnh theo mùa ấy mà, - anh mỉm cười. - Không nguy hiểm đâu, nhưng rất bực mình, khi thức dậy cả một cái chân tê buốt. Chắc từ giờ đến tối sẽ không xảy ra chuyện gì nữa đâu. Nhưng anh có cảm giác người đau như dần.
Nhưng ngay hôm ấy, tất nhiên là sau đó một lúc, hai vợ chồng Li Báctơn và Iđa đã lao đầu xuống nước chỗ khu vực nước nông cạnh Câu lạc bộ Thuyền buồm, rồi nhanh chóng vòng qua đập chắn, bơi ra xa, đến tận những ngọn sóng Canaca. Biển lặng đến nỗi khi quay vào phía hướng bờ, sau hai tiếng đồng hồ bơi lội, rồi từ tốn lướt qua những đợt sóng, họ chỉ còn hai người trên mặt nước. Sóng yếu quá chẳng khiến ai thích thú bơi thuyền hay mảng, và mọi người đã lên bờ từ lâu.
Đột nhiên, Li Báctơn xoay người, chuyển sang bơi ngửa.
- Anh làm sao thế? - Iđa gọi chồng. Chị vẫn đang bơi cách anh khoảng hai chục phút.
- Chân lại bị chuột rút! - anh khẽ trả lời, toàn thân co rúm lại một cách khủng khiếp. Chất thuốc phiện tiếp tục hiệu nghiệm khiến anh trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Nhìn vợ sải tay đều đặn, nhịp nhàng tiến về phía mình, anh thán phục sự bình tĩnh của chị. Nhưng lập tức anh thoáng có ý nghĩ nghi ngờ, chị bình thản phải chăng vì không yêu anh, hoặc nói khác đi, không yêu anh bằng yêu Xani Grenđixơn.
- Anh bị chân nào? - chị hỏi, chuyển sang bơi đứng.
- Chân trái... Ôi! bây giờ thì sang cả chân phải nữa.
Anh làm như thể đầu gối bị quặp lại. Anh cố nghển đầu để vươn lên khỏi mặt nước, rồi liền sau đó chìm nghỉm xuống dưới một làn sóng không lớn gì. Vài giây sau anh lại nhô đầu lên, khạc nước trong miệng ra và lại bơi ngửa.
Anh như cố mỉm cười, nhưng nụ cười biến thành một sự nhăn nhó. Chân anh bị chuột rút thật, ít ra thì cũng là một chân và anh cảm thấy đau đớn thật sự.
- Bây giờ thì chân bên phải đau hơn, - anh nói, khi nhìn thấy vợ định xoa nắn cho mình. - Nhưng em đừng lại gần. Thứ này đối với anh là thường. Nếu khó chịu hơn, anh sẽ bám vào em.
Iđa lấy tay nắn những bắp thịt bị chuột rút ở chân chồng và bắt đàu xoa nắn cho anh.
- Em lui ra! Anh tha thiết đề nghị em lui xa ra, - anh rít lên qua kẽ răng. - Để anh nằm yên. Anh co duỗi các khớp xương một lúc là khỏi thôi. Anh biết cách chữa chuột rút mà.
Chị buông chồng ra nhưng vẫn bơi đứng bên cạnh, mắt chăm chú nhìn mặt anh, cố đoán xem cách chữa của chồng có kết quả gì không. Còn anh thì cố tình gập đầu gối lại và căng bắp thịt để tăng thêm tình trạng co thắt. Năm ngoái đã một lần anh bị chuột rút như thế này. Anh đã tập được cách chữa. Anh nằm trên giường, tay cầm sách, buông lỏng các bắp thịt. Và trong khi chữa, anh vẫn không ngừng đọc. Còn bây giờ anh làm ngược lại, thầm thích thú cảm thấy sự co rút tăng thêm và chuyển sang cả bụng chân bên phải. Anh hét lên, làm bộ như hoảng hốt, cố nhoài người lên khỏi mặt nước, rồi lại chìm nghỉm xuống bên dưới một con sóng vừa xô tới.
Anh lại nhô lên, sặc sụa rồi bơi ngửa, duỗi hai tay ra. Lập tức những ngón tay mảnh dẻ nhưng cứng như sắt của Iđa nắm chặt lấy bựng chân của chồng.
- Không sao đâu, - chị nói, tay vẫn tiếp tục xoa nắn. - Kiểu chuột rút như thế này, không bao giờ kéo dài lâu đâu.
- Chưa bao giờ anh bị chuột rút mạnh đến như thế này, - anh rên rỉ. - Chỉ mong nó không lan rộng lên những bắp thịt khác! Anh không thể cử động gì được nữa.
Đột nhiên anh bám cả hai tay vào vai Iđa, như một kẻ chết đuối bám lấy chiếc mái chèo để tìm cách leo lên thuyền. Bị sức nặng của chồng kéo xuống, chị chìm nghỉm. Trong lúc anh ghìm không cho chị ngoi lên, chiếc mũ cao su trên đầu chị tuột ra, mấy chiếc cặp tóc rơi xuống. Và đến lúc chị gắng hết sức mới ngoi lên được trên mặt nước, miệng thở dốc ra, thì những sợi tóc loà xoà bết vào, che kín cả mắt mũi. Anh đoán chắc rằng, do bị bất ngờ, chị đã uống khá nhiều nước mặn.
- Đã bảo em tránh ra kia mà, - anh nhắc chị và lại thõng hai tay xuống, làm ra vẻ tuyệt vọng.
Nhưng những ngón tay của Iđa đã lần được tới bựng chân bị co rút của chồng. Và anh không rõ chị đang trong trạng thái ngập ngừng hay hoảng hốt.
- Chuột rút lan cả lên phía trên nữa rồi, - anh thốt lên như thể không ghìm lại được.
Anh lên gân toàn bộ các bắp thịt bên chân phải, và tình trạng co rút thực sự tăng lên ở bụng chân, cả bắp thịt ở đùi cũng ngoan ngoãn tuân theo và co cứng lại, như thể chúng cũng bị chuột rút.
Chất nha phiến trong thuốc ngủ vẫn chưa tan hết khiến Li Báctơn có thể cùng một lúc vừa tiến hành trò chơi độc ác, vừa thích thú nhận thấy ý chí mạnh mẽ hiện lên trên bộ mặt bơ phờ của vợ, và nỗi sợ hãi mà chị cố nén lại nhưng vẫn lộ ra trong cặp mắt. Và đằng sau tất cả những cái ấy, anh nhận thấy ở chị một tâm hồn vững chắc, không gì lay chuyển nổi và một lòng quyết đoán đầy cương nghị.
Rõ ràng chị không chịu khuất phục với cái chiêu bài rẻ tiền "em sẽ cùng chết với anh". Và Li Báctơn cảm phục vợ vô cùng khi anh nghe thấy chị nói:
- Không sao! Anh cứ thả mình chìm thêm nữa cho khỏi mệt. Chỉ cần giữ miệng ở bên trên mặt nước, đủ để thở là được. Em sẽ đỡ cái đầu cho anh. Chuột rút không thể kéo dài vô cùng tận được đâu. Nếu ở trên cạn, không ai chết vì bị chuột rút bao giờ. Nghĩa là dưới nước, nếu bơi giỏi cũng không thể chết được. Các bắp thịt co rút đến một độ nào đấy sẽ phải ngừng. Cả hai vợ chồng mình đều bơi rất giỏi và lại cùng bình tĩnh.
Anh nhăn mặt làm như thể bị đau đớn đến cao độ, rồi níu vợ, kéo chị chìm xuống dưới nước. Nhưng đến khi ngoi được lên, chị vẫn ở bên cạnh chồng như cũ, vẫn bơi đứng, tay vẫn đỡ lấy đầu anh và miệng vẫn quả quyết:
- Anh cứ bình tĩnh! Tiếp tục buông thả các cơ bắp. Đầu đã có em đỡ cho rồi. Chịu khó một lúc nữa thôi. Sắp hết ngày bây giờ. Anh đừng cố quẫy cựa. Đừng căng thẳng thần kinh thì thân thể sẽ không bị co cứng. Anh quên là chính anh đã từng dạy em cách buông thả mình trên mặt nước rồi à!
Một con sóng nữa, cao vòi vọi so với làn sóng yếu lúc nãy, đang sắp ập tới. Li Báctơn túm lấy vai vợ và kéo chị chìm nghỉm xuống dưới nước vào đúng lúc bọt trắng trên đỉnh con sóng cuộn lên rồi đổ xuống.
- Xin lỗi em! - anh thều thào bằng một giọng đau đớn sau khi hít vội một hơi. - Buông anh ra, - anh nói hổn hển, dằn từng tiếng, giọng đau đớn. - Tội gì để chết cả hai đứa. Anh không còn hy vọng gì nữa rồi. Chuột rút cả tay nữa thì anh sẽ không buông em ra được đâu. Van em, hãy để mặc anh. Hãy để một mình anh chết. Cuộc đời em còn đáng sống lắm.
Chị nhìn anh với cặp mắt đầy oán trách, và không còn chút nào vẻ sợ hãi nữa. Tuy không dùng lời, chị cũng vẫn diễn tả được đầy đủ ý nghĩ hiện lên trong khoé mắt: "Em sống làm gì nếu không phải để vì anh?"
Nghĩa là chị quý chồng hơn Xani! Li Báctơn cảm thấy sung sướng nhưng bỗng anh chợt nhớ lại rằng, Xani đã ôm hôn chị dưới bóng cây xiêm gai, và anh thấy hành hạ vợ như thế vẫn còn chưa đủ. Có thể chất nha phiến trong thuốc ngủ đã đẩy anh sâu thêm vào tội lỗi. Chất nhựa cây quái ác kia như thì thầm: "Mi đã khởi đầu cuộc thử thách này thì phải đẩy nó đến độ cao nhất!"
Anh co chân, ngụp xuống rồi ngoi lên mặt nước, làm ra vẻ như cố duỗi chân nhưng không nổi. Chị vẫn một mực bám sát bên chồng.
- Không - Anh không thể! - anh thét lên, giọng bi thảm. - Thế là hết! Không thoát nổi đâu. Em có cố đến mấy cũng không cứu nổi anh đâu! Em tránh ra. Nhanh lên kẻo chết cả hai bây giờ.
Nhưng chị không tránh. Chị quay đầu anh cho nước biển khỏi trào vào miệng, rồi nói:
- Không sao đâu! Không sao đâu! Anh đừng lo. Chịu khó một lúc nữa là hết thôi.
Li Báctơn thét lên, mặt co rúm lại, rồi túm lấy vợ, kéo tuột xuống dưới nước. Lần này suýt nữa thì anh dìm chị chết. Nghĩa là anh đã diễn lớp kịch này khéo đến quá mức. Vừa ngoi được lên mặt nước chị đã đỡ luôn lấy đầu chồng nâng lên, và trong khi đang còn thở hồng hộc, chị vẫn tiếp tục thì thào vào tai anh những lời động viên:
- Bình tĩnh! Anh hãy bình tĩnh... buông lỏng các cơ bắp... Thấy chưa? Anh đã đỡ đau rồi đấy... Chịu khó một chút nữa thôi... Không sao đâu... Sắp khỏi bây giờ... Anh đã cảm thấy hơi dễ chịu rồi chứ?
Còn anh vẫn tiếp tục nhận chìm và nhận chìm vợ xuống nước, lần sau phũ phàng hơn lần trước, bắt chị uống mãi nước biển. Trong đáy lòng, anh tin chắc rằng làm như thế vẫn chưa đến nỗi nguy hiểm cho tính mạng của chị. Họ thoáng nhô lên trên mặt đại dương vàng nắng rồi lại chìm nghỉm xuống. Và bọt trắng của những ngọn sóng trào qua đầu họ.
Chị vẫn kiên trì phấn đấu, cố thoát khỏi những ngón tay bấu chặt của chồng. Nhưng mỗi khi anh buông chị ra, ngoi lên được mặt nước, chị vẫn không chịu bơi ra xa. Sức chị kiệt dần, óc chị mụ đi nhưng chị vẫn cố giúp đỡ chồng. Cuối cùng, đến khi thấy đã trừng phạt vợ như thế đã đủ, anh trở nên bình tĩnh hơn, thả hai tay ra và trải dài người trên mặt nước.
Anh thở phào, vẻ khoan khoái, rồi nói giọng đứt quãng, vừa nói vừa thở hổn hển:
- Khỏi rồi! May quá. Ôi, anh uống nhiều nước biển quá. Nhưng bây giờ chuột không rút nữa. Anh thấy dễ chịu như đang trên thiên đường vậy!
Chị định đáp lời, nhưng mệt quá, không gắng được.
- Anh dễ chịu rồi, - anh lặp lại. - Ta nghỉ ngơi một chút đã. Em cũng bơi ngửa cho đỡ mệt.
Họ nằm ngửa nửa giờ đồng hồ liền trên mặt sóng Canaca hiền lành. Đã đỡ mệt, Iđa lên tiếng trước:
- Anh cảm thấy trong người thế nào, anh yêu quý? - chị hỏi.
- Như thể một cái xe lu vừa lăn trên người anh vậy. Còn em?
- Em thấy em là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời này. Em sung sướng đến nỗi có thể khóc oà lên được. Nhưng em không muốn khóc. Anh vừa làm em sợ quá. Có một lúc, em tưởng như sắp mất anh của em rồi.
Tim Li Báctơn đập rộn ràng. Vợ anh không hề nói đến chuyện chính chị cũng có thể chết. Thì ra đây chính là tình yêu chân chính, tình yêu đã được thử thách, tình yêu lớn lao khi con người ta quên đi bản thân, chỉ nghĩ đến người mình yêu.
- Còn anh thì là người đáng tự hào nhất trên trần gian, - anh nói, - bởi vì anh có người vợ dũng cảm nhất trên đời.
- Dũng cảm ư? - chị phản đối. - Tại em yêu anh. Khi chưa có nguy cơ mất anh, em vẫn còn chưa biết em yêu anh đến mức nào. Bây giờ thì vợ chồng mình quay vào bờ đi. Em muốn được riêng một mình bên anh, để anh ôm em và em sẽ kể anh nghe, em yêu anh đến mức độ nào và sẽ mãi mãi yêu anh như thế.
Sau đấy nửa tiếng đồng hồ, họ bơi một mạch vào đến bờ rồi bước trên mặt cát rắn và ẩm, tiến vào phòng thay quần áo, giữa đám người ăn không ngồi rồi đang trên bãi tắm.
- Hai anh chị làm cái trò gì ngoài ấy thế? - một trong số thuyền trưởng của Câu lạc bộ hỏi đôi vợ chồng trẻ. - Chỉ đùa thôi chứ gì?
- Vâng, chúng tôi đùa đấy, - Iđa mỉm cười trả lời.
- Các ông thừa biết vợ chồng tôi thích đùa rỡn rồi còn gì, - chồng chị phụ hoạ thêm với vợ.
Tối hôm ấy, bỏ cuộc đi dự tiệc thường lệ, họ ngồi ôm nhau trong chiếc ghế bành đặt trên sân nhà họ.
- Anh Xani sẽ đi khỏi đây ngày mai, lúc mười hai giờ trưa, - Iđa nói, như câu chuyện không liên quan gì với những điều trước đấy. - Anh ấy đi Malaixia, kiểm tra hoạt động của Công ty cao su và Công ty gỗ của anh ấy tại đó.
- Sao anh chưa nghe thấy ai nói gì về chuyện ấy nhỉ? - Li Báctơn thốt lên rất khẽ, như thể ngạc nhiên.
- Em là người đầu tiên biết việc anh ấy đi khỏi đây, - Iđa giải thích. - Anh ấy nói với em tối hôm qua.
- Lúc ở vũ hội?
Iđa gật đầu.
- Anh ấy quyết định hơi đột ngột, có phải thế không?
- Đột ngột quá đi ấy chứ, - Iđa nhích ra xa chồng rồi vươn vai trong chiếc ghế bành. - Em muốn kể anh nghe về anh Xani. Chưa bao giờ em giấu anh điều gì. Chỉ vì em chưa muốn kể anh nghe đấy thôi. Nhưng hôm nay, lúc vật lộn với những đợt sóng Canaca, em thoáng nghĩ, nếu như chúng mình chết, thì giữa hai vợ chồng vẫn còn một điều chưa nói ra được với nhau.
Chị dừng lại và anh linh cảm được điều gì vợ mình sắp nói ra. Anh không giục mà chỉ bóp chặt bàn tay của vợ.
- Anh ấy yêu em, - giọng chị run run. - Chắc hẳn anh cũng đã nhận thấy... Và tối hôm qua anh ấy đã rủ em cùng đi Malaixia với anh ấy... Nhưng em không hề tiếc chút nào...
Li Báctơn lặng lẽ chờ đợi.
- Em chỉ ân hận, - chị nói tiếp. - Là em đã không nghiêm khắc trước mặt anh ấy. Em đã thấy rất buồn và rất thương hại anh ấy. Vì thực ra, ngay bản thân em cũng hơi... nói cho đúng ra, không phải chỉ hơi mà em có mến anh ấy thật. Chính vì thế mà tối hôm qua em đã dễ dãi với anh ấy. Em không ngu đần gì. Em thừa biết chuyện gì có thể xảy ra. Em cũng vẫn là một phụ nữ ưa được chiều chuộng. Thấy một người đàn ông như Xani yêu mình tha thiết, em cũng cảm thấy thích thú. Em đã không ngăn chặn ngay tình cảm của anh ấy. Em đã có lỗi. Nếu như em vững vàng thì sự việc tối hôm qua đã không xẩy ra. Lỗi không phải ở anh ấy mà lỗi do em, trong việc anh ấy đã dám ngỏ lời rủ em đi khỏi đây với anh ấy. Nhưng em đã từ chối. Em chưa đến mức chiều anh ấy như thế được. Tại sao, thì anh thừa hiểu rồi. Em chẳng nhắc lại làm gì. Em đã dịu dàng với anh ấy. Rất dịu dàng nữa kia. Em đã để anh ấy ôm mà không đẩy anh ấy ra. Đấy là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng. Em đã để cho anh ấy hôn, và cũng đã tự cho phép mình nhận cái hôn ấy. Em biết rằng anh sẽ hiểu, vì đó là cái hôn vĩnh biệt. Thực ra em không yêu anh ấy. Trước kia cũng như bây giờ, em chỉ yêu anh, chỉ yêu có mỗi một mình anh.
Chị ngừng bặt. Và ngay lúc ấy, chị cảm thấy bàn tay chồng ôm lấy vai mình và khẽ kéo về phía anh.
- Đúng thế. Em đã làm cho anh nhiều lúc phải lo sợ, - anh thú thật. - Có lần anh đã nghĩ rằng em sẽ bỏ anh. Và anh... - Anh không nói được nữa, rõ ràng anh đang xấu hổ. Sau đó, trấn tĩnh lại được, anh nói tiếp. - Em thừa biết rằng, anh chỉ biết có một mình em. Nhưng thế là đủ.
Iđa móc túi chồng lấy ra bao diêm, rồi bật lửa châm điếu xìgà của anh đã tắt từ bao giờ.
- Đúng, - anh nói qua đám khói thuốc bao bọc lấy họ. - Do quá hiểu rõ em, anh chỉ có thể nói rằng, anh rất thương Xani, rất thương. Anh ấy đã mất mát nhiều. Nhưng anh lại mừng cho anh. Và... còn một điều này nữa... Sau đây năm năm anh sẽ kể em nghe một chuyện rất thú vị, rất nực cười, về bản thân anh và về những điều ngu ngốc nhất mà anh có thể làm được vì em. Năm năm nữa! Em chờ được chứ?
- Năm chục năm em cũng chờ được, - chị thở dài và nép chặt vào người chồng.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 761

Return to top