Đánh trống bỏi
Jack London
Trước kia El-Soo đã từng sống trong nhà chung. Nàng mồ côi mẹ ngay từ khi còn thơ ấu; vào một ngày mùa hạ, nàng được Bà Phước Alberrta đón về Tu-Viện Thánh Giá như một kẻ lạc loài trong đám người sa ngã để hiến dâng cho Chúa. Tuy là một cô gái Da Đỏ thuần túy, nhưng El-Soo tỏ ra có nhiều năng khiếu hơn các cô gái khác có giòng máu lai dù nhiều hay ít. Chưa bao giờ các bà phước thấy một cô gái nhỏ có khả năng thích ứng và linh lợi như vậy.
El-Soo lanh lẹn, khéo léo, lại thêm thông-minh, nhưng có điều đáng nói hơn hết là nàng có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt tạo thành một cá tính được hun đúc bằng ý chí, bằng sự dịu dàng và gan dạ. Thần phụ nàng là một tù trưởng và giòng máu của ông chảy trong huyết quản nàng. Đối với El-Soo, sự phục tòng là một vấn đề điều kiện và thỏa thuận. Nàng rất trọng lẽ công bằng hợp lý và có lẽ đó là lý do khiến cho nàng xuất sắc về môn toán học.
Nhưng El-Soo còn xuất sắc về nhiều thứ khác nữa. Nàng học đọc và viết tiếng Anh mau hơn bất cứ cô gái nào từng học từ trước tới nay trong nhà chung. Về hát nàng cũng dẫn đầu và nàng mang cả tinh thần công-bình vào trong bài hát. Nàng có tâm hồn nghệ sĩ và lòng nhiệt thành của nàng hướng về sự sáng tạo; Nếu như từ thuở mới chào đời, được sống giữa một khung cảnh thuận lợi hơn, thì hẳn nàng đã trở thành nhà văn hay nhà soạn nhạc.
Nhưng nàng chỉ là El-Soo, con gái của Klakee-Nah, một vị tù trưởng, và nàng sống trong Tu-Viện Thánh Giá, nơi không có nghệ sĩ mà chỉ toàn những bà phước với tâm hồn tinh trắng, chỉ chú trọng đến sự thanh tịnh ngay thẳng và sự cứu rỗi linh hồn thuộc thế giới bất diệt ở cao vút trên chín tầng mây xanh.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Khi bước chân đến tu-viện, nàng mới lên 8 tuổi; năm 16 tuổi, vừa lúc các bà phước liên lạc với các bề trện về việc gởi nàng qua Hoa-Kỳ để bổ túc công việc giáo dục cho nàng, thì môt nguời đàn ông thuộc bộ lạc của nàng tới tu viện nói chuyện với nàng. Gã đàn ông đó làm cho El-Soo hơi kinh sợ. Trông hắn bẩn thỉu và giống như thằng ngợm, dáng dấp thô bạo, mớ tóc rối bù có lẽ không bao giờ biết đến cái lược. Hắn nhìn nàng với cặp mắt dè bỉu và không chịu ngồi xuống.
Hắn nói cộc lốc:” Anh cô chết rồi!”
El-Soo không lộ vẻ quá xúc động khi hay tin này vì nàng chỉ còn nhớ mang máng tới anh nàng. Gã đàn ông mang tin nói tiếp: “Lúc này, cha cô già yếu, sống trơ trọi một mình trong một căn nhà rộng thênh thang vắng vẻ, cụ muốn cô về chăm sóc cho cụ.”
Nàng nhớ cụ ấy là Klakee-Nah, vị tù trưởng trong làng, người bạn của các nhà truyền giáo và các thương-gia. Vóc người cao lớn, trông ông vạm vỡ như một người khổng lồ với đôi mắt hiền từ và những cử chỉ oai phong, đi đứng bệ vệ như ý thức được cái quyền thế thô sơ của mình.
El-Soo đáp: “Hãy nói với cha tôi là tôi sẽ về”.
Các bà phước rất buồn bực, thực vậy, nay không khác nào khúc củi kéo ra khỏi đống lửa cháy lại trở về đống lửa cháy. Bao nhiêu lời khuyên dụ cũng không sao lay chuyển nổi El-Soo. Hết trình bày điều hơn lẽ thiệt, lại cản ngăn, rồi khóc lóc, Dì Alberta lại còn tiết lộ cả với nàng dự tính gởi nàng sang Hoa-Kỳ. El-Soo đăm đăm nhìn vào con đường dài trong sáng đầy hoa thơm cỏ lạ mở ra trước mắt nàng, nhưng nàng lắc đầu vì trong mắt nàng còn có một con đường khác. Đó là khúc sông Yukon hùng vĩ uốn quanh Trạm Tanana, có nhà chung thánh George ở một bên, về phía bên kia là một thương xã, và nó ở giữa khoảng đường từ làng dân Da Đỏ và một căn nhà gỗ lớn rộng, nơi có một ông già đang sống nhờ sự săn sóc của nhóm nô lệ.
Tất cả dân chúng ở vùng Yukon dẫu cách xa hàng ngàn dặm cũng biết căn nhà lớn rộng ấy, ông già và những người nô lệ ấy. Cả các bà phước cũng biết rõ căn nhà ấy cùng các cuộc vui chơi bất tận, cảnh tiệc tùng hoan lạc diễn ra tại căn nhà ấy. Vì thế các bà phước đã khóc thương khi El-Soo rời bỏ Tu-Viện Thánh Giá.
Có một sự cải tổ quan trọng trong căn nhà lớn rộng này khi El-Soo trở về. Vốn chính mình cũng rất chuyên đoán, Klakee-Nah phản đối sự chuyện quyền củ cô con gái ông, nhưng rồi sau quá thiết tha mơ mộng về huy-hoàng, Klakee-Nah đã nhất quyết tới vay lão giả Porpotuk, tay giàu có nhất vùng Yukon một ngàn Mỹ kim. Klakee-Nah mang số tiền vay được đi sắm sửa; El-Soo trang hoàng lại căn nhà rộng lớn đó. Nàng mang lại cho nó cảnh huy hoàng mới trong khi Klakee-Nah vẫn duy trì những truyền thống hiếu khách và hoan lạc xưa.
Đối với một người dân Da Đỏ ở Yukon mà có tất cả những điều ấy thật là bất thường, nhưng Klakee-Nah là một người da đỏ phi thường. Không những ông ưa chiêu đãi khách quá độ, nhưng phần vì tư cách một vị tù trưởng, phần vì kiếm được nhiều tiền, nên ông làm như vậy. Trong thời buôn bán đầu tiên, ông có một uy quyền đối với dân chúng của ông, và ông đã giao dịch một cách có lợi với các công ty thương mại của người da trắng. Về sau, ông đã cùng Porpotuk khai thác một mỏ vàng trên triền sông Koyokuk. Nhờ giáo dục và nhờ bản chất, Klakee-Nah là một người thuộc phần giai cấp quí tộc. Trong khi đó Porpotuk thuộc thành phần trưởng giả và đã bỏ tiền mua cả mỏ vàng. Porpotuk cần cù làm giàu còn Klakee-Nah trở lại căn nhà lớn rộng và dấn mình vào các cuộc hoan lạc. Nếu Porpotuk được tiếng là người Da Đỏ giàu nhất miền Alaska thì Klakee-Nah được tiếng là người hào hoa nhất vùng. Porpotuk là người chuyên cho vay tiền, một kẻ cho vay nặng lãi. Còn Klakee-Nah là một người bất phùng thời, một tàn tích của thời trung cổ, một tráng sĩ, và một người ưa thích yến tiệc linh đình, vui trong ly rượu và tiếng ca.
El-Soo thích ứng với căn nhà lớn rộng ấy cùng với các lề thói của nó cũng như nàng đã từng sẵn sàng uốn theo nếp sống trong tu viện. Nàng không tìm cách cải tạo thân phụ nàng và hướng ông về với Chúa. Thật thì nàng có trách móc ông rượu chè quá độ nhưng đó là vì nàng muốn bảo vệ sức khỏe cho ông và muốn cho bước chân ông đi đươc vững chắc.
Then cửa căn nhà rộng lớn đó bao giờ cũng mở. Phần vì người ta lui tới tấp nập, nên căn nhà này không bao giờ yên tĩnh cả. Căn phòng khách lớn rộn ràng những lời chúc và tiếng ca. Tân khách gồm những nhân vật từ khắp mọi nơi, nào các vị tù trưởng từ những bộ lạc xa xôi, nào người Anh, nào dân bản xứ, các thương gia Hoa-Kỳ dáng người dong dỏng, cùng những nhân viên người đẫy đà, thuộc những hội lớn các dân chăn bò từ những cảnh đồng cỏ miền Tây, những thủy thủ của trùng dương, những dân săn bắn, những người chuyên đi xe trượt tuyết. Tất cả thuộc tới hai mươi quốc tịch.
El-Soo sống trong bầu không khí tứ chiếng đó. Nàng nói được tiếng Anh thông thạo. Nàng biết rõ những nghi lễ cổ xưa của dân Da Đỏ, cùng những truyền thống nay đã mai một đi rồi. Nàng biết cách phục sức đúng tư cách ái nữ của một vị tù trưởng vào dịp cần đến. Nhưng hầu hết các lúc khác nàng ăn mặc như một phụ nữ da trắng. Công việc kim chỉ tại tu viện và khiếu thẩm mỹ bẩm thụ của nàng không phải là vô ích. Nàng phục sức như một phụ nữ da trắng và nàng may được những tấm áo rất đúng thời trang.
Với nếp sống riêng của nàng, nàng cũng phi thường như thân phụ nàng, và nàng cũng có địa vị độc đáo như ông. Nàng là người phụ nữ Da Đỏ độc nhất; về phương diện xã hội, được đối xử ngang hàng với nhiều phụ nữ da trắng tại trạm Tanana. Nàng là phụ nữ Da Đỏ độc nhất được đàn ông da trắng cầu hôn. Và nàng cũng là phụ nữ da đỏ độc nhất không bị đàn ông da trắng nào nhục mạ bao giờ.
Sở dĩ như vậy vì El-Soo đẹp - không phải cái đẹp thông thường của đàn bà da trắng hoặc của phụ nữ Da Đỏ. Cái đẹp của nàng không tùy thuộc vào khuôn mặt nhưng nó phát xuất từ tính tình thiết tha nồng nàn của nàng. Nếu chỉ xét dáng người thon thon, và khuôn mặt thanh tú, nàng là một phụ nữ Da Đỏ điển hình. Nàng có mái tóc đen, nước da bánh mật, cặp mắt đen lánh và sắc như dao của nàng tỏa ra một niềm tự tin, một ý chí cương quyết. Mũi nàng dọc dừa với đôi cánh mũi phập phồng, lưỡng quyền cao và đôi môi mỏng nhưng không đến nỗi quá mỏng. Nhưng điều đáng nói hơn hết là tất cả đều toát ra cái vẻ nồng nàn linh hoạt của nàng, một cái gì khó diễn tả và phân tích; nó biểu lộ sự nhiệt thành của tâm hồn nàng. Niềm thiết tha nồng thắm ấy phảng phất trên tất cả, từ ánh mắt đến làn môi.
El-Soo lại rất ranh mãnh; nàng ít khi châm biếm mất lòng người ta, nhưng hay tìm ra những khuyết điểm nhỏ để diễu cợt. Tính vui vẻ của nàng như ngọn đuốc sáng bao quanh nàng, và mọi người xung quanh đều chia sẻ niềm vui đó. Tuy vậy, nàng không bao giờ tự cho mình là quan trọng. Nàng không muốn vậy. Căn nhà lớn đó, và tất cả những gì thuộc về nó là của cha nàng, và thân hình oai hùng đó di chuyển khắp căn nhà cho tới ngày cuối cùng của ông. Ông là chủ nhân ông, chủ tọa mọi tiệc hoan lạc và ông là người ban bố lệ luật. Thật vậy, sức mạnh của ông kém đi, thì nàng lại đỡ lấy trách nhiệm từ bàn tay suy yếu của ông. Nhưng bề ngoài, ông vẫn cai quản, có khi ông ngủ gục trên bàn ăn, thật là một thân hình tàn tạ của hoan lạc; tuy vậy, ông vẫn có vẻ chủ nhân ông của tiệc liên hoan.
Và lã Porpotuk đi đi, lại lại trong căn nhà lớn đó, vẻ bi quan, đầu lắc lư tỏ vẻ không tán thành, nhưng vẫn bỏ tiền ra trả tất cả. Không phải lão trả tiền thực sự đâu, lão đủ mánh lới tính lời kép vào số tiền đó, và cứ thế hết năm này qua năm khác, lão thu hút dần cả tài sản của Klakee-Nah. Có lần Porpotuk trách El-Soo về nếp sống lãng phí trong căn nhà lớn ấy - đó là lúc lão gần thâu nốt phần chót của gia sản Klakee-Nah - nhưng lão không bao giờ dám mở miệng trách nàng lần nữa. El-Soo, cũng như cha nàng, là con người quý tộc, coi rẻ tiền như ông cụ vậy, và có ý thức về danh dự y như cha nàng.
Porpotuk tiếp tục ứng tiền ra một cách miễn cưỡng, và tiền của lão vẫn chảy ra như nước. Có một điều El-Soo cương quyết - thân phụ nàng sẽ phải qua đòi như ông đã sống. Đối với ông không có chuyện ở bể vào ngòi, không có vấn đề tiết giảm những cuộc yến tiệc linh đình, giảm bớt những cuộc thù tiếp đôn hậu. Hồi trước khi trời làm đói kém, những người Da Đỏ tới kêu van ở căn nhà rộng đó đều được thỏa mãn khi ra đi. Lúc trời làm đói kém mà tiền đã hết thì phải vay của Porpotuk, nhưng những người Da Đỏ đến kêu xin cũng vẫn được thỏa mãn. El-Soo có thể bắt chước các người quý tộc ở thời đại khác và ở nơi khác, và nói rằng sau này tai họa có tới cũng mặc. Trong trường hợp của nàng, tại họa đó là lão Porpotuk. Cứ mỗi lần nàng xuất tiền ra lão lại nhìn nàng với con mắt ngụ ý là nàng dần dần thuộc về lão và lão cảm thấy lòng xuân lại rào-rạt.
Nhưng El-Soo không để ý gì tới lão. Nàng cũng chẳng để ý gì tới những người da trắng muốn cưới nàng tại nhà chung, nhẫn cưới, linh mục chủ lễ và sách kinh, vì ở trạm Tanana có một chàng trai trẻ tên Akoon, người đồng chủng, đồng hương với nàng. Dưới con mắt nàng, chàng là một tay đi săn lực lưỡng, đẹp trai và rất nghèo vì đã ngao du rất nhiều và rất xa. Chàng đã từng đặt chân tới những vùng hoang vu hẻo lánh, chàng đã tới Sith và Hoa-Kỳ, chàng đã vượt lục địa với Vịnh Hudson rồi trở lại, và trên một chiếc tàu săn hải cẩu, chàng đã tới Tây-Bá-Lợi-Á và Nhật Bản.
Khi từ mỏ vàng tại Klondike trở về, chàng thường tới căn nhà rộng lớn để tường trình cho ông già Klakee-Nah tất cả những điều chàng đã trông thấy và chính tại căn nhà đó, chàng đã gặp El-Soo lần đầu tiên, sau khi nàng đã từ tu viện trở về được ba năm tròn. Chính vì lý do này mà Akoon không còn muốn đi xa nữa. Chàng từ khước số lương hai mươi Mỹ-Kim một ngày để làm hoa tiêu trên các tàu thủy lớn. Chàng đi săn và đi câu chút ít nhưng không bao giờ đi xa khỏi trạm Tanana, nhưng chàng thường hay tới và lưu lại lâu ở căn nhà lớn rộng đó. Còn El-Soo khi so sánh chàng với nhiều đàn ông khác, nàng thấy chàng là người xứng đáng. Chàng ca những bài hát tặng nàng và thiết tha say đắm đến nỗi cả vùng trạm Tanana đều biết chàng yêu nàng. Trong khi đó, Porpotuk chỉ cười nhạt và xuất thêm tiền để duy trì nếp sống của căn nhà lớn rộng đó.
Rồi tới bữa ăn lâm chung của Klakee-Nah. Ông ngồi vào bàn tiệc, nhưng cổ họng nghẹn vì bệnh hoạn, ông không sao uống được nhiều rượu nữa. Trong khi đó tiếng cười đùa, tiếng ca hát vẫn vang lên và Akoon kể chuyện khiến mọi người cười rộ. Không có một giọt nước mắt hay một tiếng thở dài ở bàn tiệc này. Klakee-Nah phải được chết giữa cảnh nhộn nhịp vui vẻ như ông sống vậy, đó là một điều rất hợp lý và không ai hiểu rõ điều này hơn là El-Soo, một cô gái có tâm hồn nghệ sĩ. Như hồi xưa, cả đám người cũ ồn ào đều có mặt ở đó, và lại còn có ba thủy thủ dạn dày băng tuyết vừa vượt trùng dương từ miền Bắc băng trở về. Họ là những người sống sót trong số bảy mươi tư người thuộc thủy thủ đoàn của một chiếc tàu. Đứng phía sau Klakee-Nah là bốn người già, đó là những người còn sót lại trong số những nô lệ đã hầu hạ ông hồi ông còn trẻ. Những người này mắt kèm nhèm chăm chú chăm sóc ông, với bàn tay run run, họ rót rượu vào ly hoặc đấm lưng cho ông khi căn bệnh làm cho ông ho và thở hổn hển.
Đêm hôm đó là một đêm tưng bừng, trong khi giờ phút trôi qua và tiếng cười đùa vang lên, cổ họng Klakee-Nah bị đau đớn liên miên, trong khi Tử thần ra tay.
Tới lúc đó, ông cho kiếm Porpotuk. Từ ngoài giá lạnh bước vào, Porpotuk dè bỉu nhìn thịt và rượu bày trên bàn do chính tiền lão trả. Nhưng khi nhìn hết lượt những bộ mặt đỏ gay tới tận cuối phòng, lão thấy khuôn mặt El-Soo. Mắt lão bỗng sáng lên và nỗi bực dọc trong lòng cũng lắng nguôi đi.
Người ta dẹp chỗ cho lão ngồi cạnh Klakee-Nah và đặt trước mặt lão một cái ly. Chính tay Klakee-Nah đã vồn vã rót rượu vào ly và mời, “Bác xơi đi, rượu có ngon không?”:
Porpotuk gật đầu và chép miệng, rượu nồng làm nước mắt lão trào ra.
Klakee-Nah hỏi: “Khi ở nhà, bác có uống rượu ngon như thế không?”
Porpotuk trả lời ngập ngừng như còn đợi nghĩ cho chính câu nói: “Tôi công nhận là rượu này rất tốt đối với người có tuổi như tôi.”
Klakee-Nah nói lớn để bổ túc thâm ý của Porpotuk: “Nhưng chỉ vì nó đắt quá”.
Porpotuk khó chịu trước tiếng cười của những người ngồi cùng bàn, cặp mắt của lão long lên vì bực bội. Lão nói: “chúng ta đều là chỗ bạn già với nhau. Cổ họng bác đau và thấy tử thần gần tới, chứ tôi vẫn còn khỏe mạnh và cường tráng chán.”
Trong bàn tiệc có tiếng thì thào phản đối; Klakee-Nah ho và nghẹn thở, và mấy người nô lệ già vội đấm lưng cho ông. Nhưng ông lại tỉnh, thở hổn hển và vẫy tay để trấn tĩnh sự xôn xao đe dọa.
Ông kêu lên: “Bác đã hà tiện cả đến việc nhóm lửa tại nhà riêng vì củi quá đắt! Bác đã không dám sống. Cuộc sống quá tốn kém nên bác đã khước từ không chịu tốn kém để sống. Kiếp sống của bác chẳng qua chỉ là căn phòng không lửa ấm, không có cả thảm trải dưới nền”. Rồi ông ra hiệu cho một tên nô lệ rót đầy rượu vào ly và ông nâng cao lên. "Nhưng tôi đã sống một cuộc sống ấm áp có hương vị chứ không như kiếp sống tẻ nhạt của bác. Thật vậy, bác sẽ sống lâu, như những đêm dài nhất là những đêm giá lạnh khi một người rét mướt thao thức không chợp mắt được. Những đêm của tôi không dài, nhưng tôi được ngủ ấm áp”
Ông cạn hết ly rượu. Bàn tay run lẩy bầy của tên nô lệ không cằm kịp chiếc ly nên để rơi xuống sàn bể tan. Klakee-Nah lại ngồi dựa ra thở hổn hển, nhìn những chiếc ly dốc ngược trên môi của những người uống, trên môi ông thoáng một nụ cười trong khi mọi người tán thưởng ông. Nhận được dấu hiệu, hai tên nô lệ định giúp ông lại ngồi ngay người lại nhưng họ yếu sức và thân hình ông lại vạm vỡ. nên bốn người đó đều loạng choạng mãi mới nâng nổi ông ngồi thẳng lên.
Ông nói tiếp: “Nhưng ở đây không phải chỗ nói chuyện về lề lối sống của Porpotuk, đêm nay giữa chúng ta còn nhiều chuyện khác. Công nợ là điều bất hạnh và tôi đây chịu bất hạnh đối với bác. Công nợ của tôi ra sao, và lên tới bao nhiêu rồi?”.
Porpotuk tìm trong túi và lôi ra mấy tấm giấy. Lão nhắp ly rượu, rồi kể lể:” Đây là biên lai tháng tám, năm 1889: ba trăm Mỹ-Kim. Chưa trả được đồng tiền lãi nào. Và biên lai hồi năm kế đó: năm trăm Mỹ-Kim. Biên lai này tính chung với biên lai hai tháng sau một ngàn Mỹ-Kim. Còn đây là biên lai...”
Klakee-Nah sốt ruột kêu lên: “Thôi, nhớ làm gì các biên lai ấy nữa! Nó làm đầu óc tôi rối cả lên. Tôi nợ tất cả bao nhiêu?”
Porpotuk nhìn tấm giấy ghi nợ và đọc một cách cẩn thân: “Mười lăm ngàn chín trăm sáu mươi bảy Mỹ-Kim, bảy mươi lăm xu”.
Klakee-Nah nói một cách khinh bỉ: “Tính chẵn mười sáu ngàn cũng được, cứ tính chẵn mười sáu ngàn. Những con số lẻ chỉ tổ làm cho mệt óc. Và sở dĩ tôi cho mời bác đến là để tính toán công nợ, vậy bây giờ bác biên một giấy nợ mười sáu ngàn và tôi sẽ ký. Tôi không quan tâm gì đến lời lãi. Bác muốn tính bao nhiêu cũng được. và tiền sẽ hoàn trả ở thế giới bên kia khi tôi gặp bác bên đám lửa của Tổ Phụ tất cả các người Da Đỏ. Lúc đó nợ sẽ được hoàn toàn thanh toán. Tôi hứa với bác như vậy. Đó là lời hứa của Klakee-Nah.”
Porpotuk bối rối ra mặt, trong lúc tiếng cười rộ vang động cả căn phòng. Klakee-Nah giơ hai tay lên và nói lớn: “Này, tôi không nói đùa đâu, tôi nói thật đấy. Chính vì thế tôi mời bác tới đây. Hãy viết giấy nợ đi”.
Porpotuk trả lời chậm rãi: “Tôi không giao dịch chuyện tiền nong với thế giới bên kia”.
Klakee-Nah hỏi: “Thế bác không tin là sẽ gặp tôi trước Tổ Phụ sao? Chắc chắn là tôi sẽ có ở đấy mà”.
Porpotuk nhắc lại một cách chua chát: “Tôi không giao dịch gì với thế giới bên kia”.
Con người hấp hối nhìn ông, tỏ vẻ kinh ngạc thật sự.
Porpotuk giải thích: “Tôi không biết gì về thế giới bên kia! Tôi giao dịch làm ăn ở ngay thế giới này.”
Mắt Klakee-Nah sáng lên. Ông cười: “Sở dĩ bác có thái độ như vậy vì bác bị những đêm ngủ lạnh xúi giục”. Ông nghĩ ngợi một lúc rồi tiếp: “Phải thanh toán cho bác ở ngay thế gian này. Vậy tôi chỉ còn có cái nhà này. Bác hãy lấy căn nhà này và đốt các giấy nợ ở ngọn đèn cầy kia”.
Porpotuk trả lời: “Căn nhà này cũ kỹ không xứng với món nợ đó”.
“Còn những mỏ của tôi ở Twisted Salmon”.
“Những mỏ đó không bõ công khai thác”.
“Còn cổ phần của tôi trong chiếc tàu Koyukuk. Tôi là sở hữu chủ một phân nửa chiếc tàu đó”.
“Hiện tàu đó đã chìm sâu dưới đáy sông Yukon”.
Klakee-Nah sửng sốt: “Đúng rồi, tôi quên khuấy đi. Vào mùa xuân vừa rồi khi tuyết băng tan”. Ông suy nghĩ một lúc, trong lúc đó những ly rượu vẫn chưa ai cạn và mọi người có ý đợi chờ ông lên tiếng.
“Vậy ra tôi nợ bác một món tiền mà tôi không thể trả nổi...trên thế giới này?”
Porpotuk gật đầu và liếc nhìn xuống bàn.
Klakee-Nah nói bằng một giọng ranh mãnh: “Này Porpotuk, vậy thì dường như bác là một nhà doanh thương vụng tính”.
Porpotuk trả lời một cách mạnh bạo: “Không, vẫn còn một thứ bảo đảm nguyên vẹn”.
Klakee-Nah kêu lên: “Cái gì? Tôi còn tài sản nào khác chăng? Hãy kể ra và tôi sẽ trả cho bác để trừ cho hết nợ”.
“Kia kìa!” Porpotuk chỉ El-Soo.
Klakee-Nah không hiểu. Ông nhìn chăm chú xuống cuối bàn, dụi mắt rồi lại chăm chú nhìn.
“El-Soo, con gái ông, tôi sẽ lấy nàng và nợ sẽ xí xóa. Tôi sẽ đốt hết giấy nợ ngay ở ngọn đèn này”.
Bộ ngực nở nang vạm vỡ rung lên, Klakee-Nah cười một cách chua chát: “Hô! Hô! Một chuyện khôi hài - Hô! Hô! Hô! với cái giường lạnh giá của ông và những cô con gái ông tuổi đáng bậc mẹ El-Soo ! Ha ! Ha! Ha!” Ông lại bắt đầu ho và nghẹn thở, và mấy tên nô lệ già lại vội đấm lưng cho ông. Ông lại cười: “Hô! Hô!” và phải ngừng vì cơn ho khác.
Porpotuk nhẫn nại đợi chờ, vừa nhấp ly rượu vừa quan sát những nét mặt ở hai bên bàn chạy suốt tới cuối phòng, lão nói: “Không phải chuyện khôi hài. Tôi nói thật đấy!”.
Klakee-Nah nghiêm nét mặt lại, nhìn Porpotuk, rồi với lấy chiếc ly, nhưng ông không với tới. Một tên nô lệ đưa ly rượu cho ông, ông hắt luôn cả ly rượu vào mặt Porpotuk.
“Tống cổ nó ra” Klakee-Nah ra lệnh oang oang cho bọn người vây quanh bàn, nóng nảy chờ đợi như bày chó săn bị hãm: “Vùi nó xuống tuyết”.
Khi đám người hung hăng kia đi ùa qua mặt ông và đã ra khỏi cửa, ông ra hiệu cho bốn tên nô lệ đi khập khễnh đỡ ông đứng dậy để chào những tân khách đang trở lại. Ông đứng thẳng, chiếc ly trên tay mời họ xơi ly rượu mừng đêm ngắn ấy khi con người ta ngủ ấm áp.
Việc thanh toán tài sản của Klakee-Nah không cần nhiều thời giờ. El-Soo cho mời Tommy, một người Anh dáng bé nhỏ, làm thư ký ở thương xã, tới để phụ giúp vào công việc này. Tài sản chỉ gồm toàn khoản tiền nợ, những văn tự nợ quá hạn chưa thanh toán, những tài sản đã cầm cố và những tài sản cầm cho người ta nhưng vô giá trị, văn tự và giấy cầm cố tài sản đó đều do Porpotuk nắm giữ. Khi tính toán tổng kết tiền lời, Tommy đã nhiều lần kêu Porpotuk là một tên ăn cướp.
El-Soo hỏi: “Đó có phải là một món nợ không Tommy?”
Tommy trả lời: “Đây là một sự bóc lột”
El-Soo nhấn mạnh: “dù sao nó cũng là một món nợ”.
Mùa đông trôi qua, mùa xuân lại về mà El-Soo vẫn không trang trải đuợc món nợ của Porpotuk. Porpotuk đến gặp El-Soo luôn và dài giòng giải thích với nàng, như trước kia lão đã từng giải thích với thân phụ nàng, cách xóa công xóa nợ. Lão còn mang theo những thầy phù thủy già để dẫn giải cho nàng rõ là linh hồn cha nàng sẽ bị giam cầm vĩnh viễn nếu không thanh toán món nợ đó. Một hôm, sau một cuộc dẫn giải như vậy, El-Soo nói dứt khoát quyết định của nàng cho Porpotuk hay.
Nàng nói: “tôi nói cho ông biết hai điều: thứ nhất tôi sẽ không bao giờ chịu làm vợ ông, ông nhớ kỹ điều ấy chứ? Thứ hai là tôi sẽ trả ông mười sáu ngàn Mỹ Kim không thiếu một xu nhỏ nào.”
Porpotuk sửa lại “mười lăm ngàn chín trăm sáu mươi bảy Mỹ Kim và bảy mươi lăm xu.”
Nàng đáp: “cha tôi bảo mười sáu ngàn. Tôi sẽ trả hết nợ ông.”
“ Trả bằng cách nào?”
“Tôi không biết, nhưng tôi sẽ tìm ra cách trả. Bây giờ ông đi đi và đứng có quấy rầy tôi thêm nữa. Nếu ông còn quấy rầy,” - nàng ngập ngừng để nghĩ một cách trừng phạt thích đáng - “nếu ông còn quấy rầy, tôi sẽ sai người lại vùi ông xuống tuyết ngay khi có trận tuyết đầu tiên.”
Lúc ấy hãy còn vào đầu xuân, và sau đó ít lâu, El-Soo đã làm cả vùng ngạc nhiên. Tiếng đồn đại khắp vùng Yukon, từ Chilkoot tới Delta, từ trại này đến trại khác, tới những trại hẻo lánh nhất, rằng tới tháng Sáu khi con cá thu đầu tiên bơi ngược dòng để tìm nơi đẻ, thì El-Soo, con gái của Klakee-Nah, sẽ tự bán đấu giá mình để trả nợ Porpotuk. Bao nhiêu lời khuyên can nàng cũng đều vô ích. Vị giáo sĩ ở nhà thờ thánh George hết sức cản ngăn nàng, nhưng nàng trả lời:
“ Chỉ có nợ của chúa mới trả ở thế giới bên kia. Còn nợ của thế nhân thì phải thanh toán ở ngay thế gian này”
Akoon cố van nài, nhưng nàng trả lời: “Anh Akoon, em yêu anh tha thiết, nhưng danh dự còn trọng hơn tình yêu, và em là hạng người gì nếu em để xấu mặt cha em?”
Dì phước Alberta từ tu viện Thánh Giá vội đáp chuyến tầu đầu tiên tới gặp El-Soo để cố tìm lời khuyên răn nhưng cũng không lay chuyển nổi nàng.
El-Soo nói: “Linh hồn cha con đang vất vưởng trong một khu rừng rậm vô tận. Người sẽ vơ vẩn mãi ở đó với các linh hồn lạc lõng, kêu khóc tới khi nào trả xong món nợ đó. Vậy chỉ khi nào thanh toán xong nợ, người mới lên tới được điện Tổ Phụ”.
Dì phước Alberta nhún vai một cách hoài nghi.
El-Soo tiếp: “Ai biết được những điều chúng ta tin tưởng lại sẽ không thành sự thực? Tại sao lại không? Đối với Dì, thế giới bên kia có thể là thiên đường và các thụ cầm...vì Dì tin tưởng vào thiên đường và thụ cầm; đối với cha con, thế giới bên kia có thể là một căn nhà nguy nga, nơi người sẽ mãi mãi ngồi dự tiệc với Thượng Đế”.
Bà phước Alberta hỏi: “Vậy đối với con, thế giới bên kia của con là gì?”
El-Soo ngập ngừng một lúc rồi nói: “con thích mỗi bên một chút. Con thích nhìn lại mặt Dì và cả mặt của Cha con nữa”.
Rồi ngày bán đấu giá tới. Người ta đổ xô đến trạm Tanana. Theo phong tục, các bộ lạc tập họp nhau lại để đợi cá thu xuất hiện và, trong khi chờ đợi, họ nhảy múa, đùa giỡn, mua bán và nói chuyện vẩn vơ. Lẫn lộn trong đám dân bộ lạc có loáng thoáng đôi ba kẻ giang hồ, thương nhân và những người da trắng tìm mỏ. Ngoài ra, còn có một số đông người da trắng khác cũng kéo nhau tới vì tò mò hoặc vì quan tâm tới cuộc đấu giá đó.
Mùa xuân năm ấy thời tiết không thuận lợi và cá thu đẻ muộn. Sự chậm trễ này càng làm tăng hứng thú. Rồi vào ngày đấu giá tình hình trở nên căng thẳng vì Akoon. Chàng đứng lên long trọng loan báo với mọi người rằng bất kì ai mua El-Soo, sẽ bị giết tức khắc. Chàng múa cây súng Winchester trên tay, để ám chỉ cách hành động của chàng. El-Soo rất bất mãn về thái độ của chàng, nhưng chàng không chịu nói tới nàng mà lại tới thương xã đặt mua thêm đạn.
Vào lúc 10 giờ tối, người ta bắt được một con cá thu đầu tiên, và đến nửa đêm thì cuộc bán đấu giá bắt đầu trên một bờ đất cao cạnh sông Yukon. Mặt trời sắp hiện lên phía bắc ngay dưới chân trời và màn trời đỏ rực. Một đám đông bao quanh chiếc bàn và hai chiếc ghế đặt ở mé sông. Ở hàng đầu người ta thấy rất nhiều người da trắng và các tù trưởng. Nhưng đứng sừng sững ở hàng đầu là Akoon, khẩu súng lăm lăm trong tay. Theo lời yêu cầu của El-Soo, Tommy đứng chủ tọa cuộc bán đấu giá, nhưng chính nàng tuyên bố khai mạc và giới thiệu luôn món hàng được đem ra bán. Nàng vận y phục bản xứ, cách trang phục của một ái nữ một vị tù trưởng, trông rực rỡ và man dại. Nàng đứng trên một chiếc ghế để mọi người có thể nhìn thấy nàng dễ hơn.
Nàng hỏi: “ai muốn mua một người vợ? Hãy nhìn tôi. Năm nay tôi hai mươi tuổi, là gái tân. Tôi sẽ là một vợ hiền của người nào mua tôi. Nếu người đó là da trắng, tôi sẽ phục sức theo lối phụ nữ da trắng, nếu người đó là dân Da đỏ, tôi sẽ phục sức như - nàng ngập ngừng một lát - một hiền thê da đỏ. Tôi biết may y phục lấy, khâu vá và giặt giũ. Tôi đã được chỉ dạy làm những việc này trong tám năm trời tại tu viện Thánh Giá. Tôi biết đọc và viết tiếng Anh, và tôi biết sử dụng phong cầm. Tôi cũng biết số học và một ít đại số học. Tôi sẽ bán mình cho người nào trả giá cao nhất, và tôi sẽ tự tay ký giấy bán với người ấy. Tôi còn quên chưa kể hết là tôi hát rất hay và tôi chưa từng ốm đau bao giờ. Tôi cân nặng một trăm ba mươi hai bảng anh (56 ký), cha tôi đã qua đời và tôi không còn ai là thân thích cả. Ai muốn mua tôi?”
Nàng nhìn đám đông một lượt với vẻ hết sức bạo dạn rồi bước xuống ghế. Theo lời yêu cầu của Tommy, nàng lại bước lên ghế, trong khi hắn cũng trèo lên một chiếc ghế thứ hai và khởi sự cuộc đấu giá.
Đứng chung quanh El-Soo là bốn tên nô lệ già của thân phụ nàng. Họ già nua tuổi tác và hầu như không còn sinh lực gì nữa, chỉ biết trung thành với sinh kế, họ thuộc một thế hệ đã và đang chứng kiến một cách bình thản những trò lố lăng của cuộc sống trẻ trung. Ở hàng đầu đám đông có vài vị tiểu vương Eldorado và Bonanza từ miền thượng lưu sông YuKon tới, và bên cạnh các nhân vật này là hai tay đi tìm mỏ đã thất bại, bị bệnh hoại huyết phải chống nạng. Giữa đám đông, một khuôn mặt thiếu phụ Da đỏ có đôi mắt man rợ đã nổi bật lên vì vẻ linh hoạt của nó, đó là người đàn bà từ một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc miền thượng Tanana tới; rồi lại có một người Sitkan lạc lõng từ miền duyên hải đứng cạnh một người Stick ở vùng Hồ Le Barge, và xa hơn nữa là sáu du khách Gia nã đại thuộc khu ảnh hưởng Pháp đứng tụ một chỗ với nhau. Từ đàng xa vang lại những tiếng kêu yếu đuối của từng đàn chim rừng tìm nơi làm tổ. Những con nhạn từ mặt nước phẳng lặng của giòng Yukon bay lướt trên đầu và chim chào mào cất tiếng hót. Ánh nắng chênh chếch của mặt trời đang ẩn sau chân trời rọi qua làn khói từ những đám lửa rừng cách xa hàng ngàn dặm bốc lên và tản mát trên cao, làm cho nền trời biến thành màu đỏ xẫm trong khi mặt đất đỏ rực ánh sáng phản chiếu. Ánh lửa rọi sáng trên mọi khuôn mặt, khiến cho mọi vật có vẻ quái đản và hư ảo.
Cuộc đấu giá khởi sự một cách chậm chạp. Người Sitkan xa lạ đối với vùng này, vừa mới tới đây được nửa giờ, đặt giá một trăm mỹ kim, giọng nói đầy tin tưởng. Hắn tỏ vẻ ngạc nhiên khi Akoon hướng cây súng về phía hắn một cách đe dọa. Cuộc đấu giá có vẻ rời rạc. Một người da đỏ thuộc vùng Tozikakat, cũng là một hoa tiêu, trả giá một trăm năm mươi, và sau đó một lúc, một tay bạc bịp đã từng bị trục xuất khỏi miền thượng, nâng giá lên hai trăm. El-Soo lộ vẻ bi quan, lòng tự ái của nàng bị tổn thương, nhưng hiệu quả duy nhất là nàng lại càng nhìn đám đông với một vẻ thách đố bạo dạn hơn.
Đám đông người đứng nhìn xôn xao khi Porpotuk rẽ lối tiến lên hàng đầu. Lão cao giọng trả giá: “Năm trăm Mỹ kim.” Rồi nhìn những người chung quanh một cách kiêu hãnh để nhận định phản ứng.
Lão ta cậy ở sản nghiệp to tát của mình như một thứ khí giới có tác dụng làm nản chí mọi sự cạnh tranh ngay từ đầu. Nhưng một trong những du khách, nhìn El-Soo với cặp mắt long lanh, đã nâng giá lên thêm một trăm.
Porpotuk trả tiếp ngay: “bảy trăm”
Du khách kia không kém, cũng trả tiếp tức thì “tám trăm”
Lúc đó Porpotuk lại sử dụng vũ khí của lão. Lão trả giá vọt ngay một lúc: “ngàn hai”.
Du khách kia nhìn lão một cách hoàn toàn thất vọng và chịu thua. Không có tiếng nào trả thêm nữa. Tommy cố công khích lệ mọi người, song cũng không thể tìm thấy ai trả giá hơn.
El-Soo nói với Porpotuk: “Porpotuk, tốt hơn ông nên cân nhắc việc trả giá của ông. Ông đã quên điều tôi từng nói với ông, rằng không bao giờ tôi lấy ông hay sao?”
Lão gắt lại: “đây là một cuộc bán đấu giá công cộng. Tôi sẽ mua cô bằng một văn tự đoạn mãi. Tôi đã trả cô ngàn hai mỹ kim, rẻ thật.”
Tommy kêu lên: “rẻ quá! Tôi là người đứng bán đấu giá, nhưng mặc kệ, không phải vì thế mà tôi không được trả giá. Tôi trả: “ngàn ba”
Porpotuk trả “ngàn tư”
Tommy nói thầm với El-Soo: “tôi sẽ mua cô để làm - làm em gái tôi.” Rồi hắn lớn giọng: “ngàn rưởi”
Tới giá hai ngàn, một trong số các vị tiểu vương Eldorado nhảy vào vòng và Tommy rút lui.
Lần thứ ba, Porpotuk lại dùng khí giới của lão, lão nâng cao giá lên thêm năm trăm mỹ kim ngay một tiếng. Nhưng lòng tự ái của vị tiểu vương Eldorado bị xúc phạm. Không ai có thể khuynh loát được ông. Và ông lại trả thêm tiếng nữa năm trăm mỹ kim.
El-Soo được đặt giá ba ngàn. Porpotuk nâng lên ba ngàn rưởi, và giật mình khi thấy tiểu vương Eldorado trả thêm một ngàn mỹ kim. Porpotuk lại tăng thêm năm trăm và lại sửng sốt khi vị tiểu vương nâng thêm một ngàn nữa.
Porpotuk phát cáu. Lòng tự ái của lão bị tổn thương. Lực lượng của lão bị thử thách, đối với lão, lực lượng đó thể hiện dưới hình thức tiền của. Lão sẽ không để bị xấu hổ vì thua kém trước mọi người. El-Soo trở thành một việc phụ. Những tiền tiết kiệm và chắt bóp trong những đêm lạnh lẽo suốt đời lão sẵn sàng được vung qua cửa sổ. El-Soo được đặt giá sáu ngàn. Lão nâng giá ấy lên bảy ngàn. Và từ đấy, mỗi tiếng trả tăng lên hàng ngàn. Liên tiếp, hai bên thi đua nhau trả, nên giá El-Soo tăng lên vòn vọt. Tới giá mười bốn ngàn thì hai người ngừng lại để thở.
Một sự bất ngờ đã xảy ra. Một thủ đoạn cao cường hơn nữa đã được mang ra áp dụng. Trong lúc cuộc trả giá tạm ngưng, tay cờ bạc đã cảm thấy có cơ kiếm chác vội thành lập một nhóm gồm nhiều bạn hữu của hắn để trả giá mười sáu ngàn mỹ kim
Porpotuk nói một cách yếu ớt: “mười bảy ngàn”
Vị tiểu vương nói: “mười tám ngàn”
Porpotuk vận dụng hết sức lực: “hai mươi ngàn”
Nhóm kia phải bỏ cuộc. Tiểu vương Eldorado lại tăng thêm một ngàn và đến lượt Porpotuk lại tố lên, và trong khi hai người mải mê trả giá thì Akoon hết quay về phía người này lại quay sang phía người kia, nửa như đe dọa, nửa như vì tò mò để xem kẻ mà anh sẽ phải giết chết thuộc loại người nào. Khi vị tiểu vương sắp sửa trả thêm một tiếng nữa, Akoon tiến sát tới gần hơn. Vị tiểu vương rút khẩu súng lục ra khỏi hông và nói:
“ Hai mươi ba ngàn.”
Porpotuk nói: “hai mươi bốn ngàn.” Lão cười hằn học và tin tưởng rằng tiếng trả ấy hẳn làm cho vị tiểu vương phải bỏ cuộc. Nhưng vị tiểu vương tới gần El-Soo hơn. Ông quan sát nàng kỹ lưỡng trong một lúc.
Ông nói: “thêm năm trăm”
Rồi Porpotuk tố lên: “hai mươi lăm ngàn”
Vị tiểu vương trố mắt nhìn một lúc và lắc đầu. Ông lại nhìn và nói một cách miễn cưỡng: “thêm năm trăm nữa”
Porpotuk đáp cộc lốc: “hai mươi sáu ngàn”
Vị tiểu vương lắc đầu và từ chối con mắt mời mọc của Tommy. Trong khi đó Akoon đã tới gần Porpotuk. El-Soo nhìn thấy ngay và giữa lúc Tommy khẩn khoản mời tiểu vương Eldorado trả thêm một tiếng nữa thì nàng cúi xuống khẽ nói vào tai một tên nô lệ. Trong lúc tiếng Tommy vang lên: “trả thêm....xin trả thêm...trả thêm” thì tên nô lệ ra chỗ Akoon khẽ thì thầm vào tai chàng. Akoon không biểu lộ dấu hiệu nào chứng tỏ hắn đã nghe ra, mặc dầu El-Soo nhìn hắn một cách băn khoăn chờ đợi.
Tiếng Tommy vang lên: “ngã giá ! Porpotuk mua được với giá hai mươi sáu ngàn.”
Porpotuk liếc nhìn Akoon như e ngại. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Akoon, nhưng chàng không nhúc nhích.
El-Soo nói: “hãy mang bàn cân tới.”
Porpotuk nói: “tôi sẽ thanh toán tại nhà riêng”
El-Soo nhắc lại: “hãy mang bàn cân tới! Việc thanh toán phải được thực hiện ngay tại đây để mọi người có thể chứng kiến.”
Rồi cái cân vàng được mang từ thương xã tới trong khi Porpotuk đi rồi trở lại, dẫn theo một người vác trên vai những cái bị da thú đựng đầy vàng cát. Đi đằng sau Porpotuk còn một người đàn ông khác, mang một cây súng chỉ chuyên theo dõi Akoon.
Porpotuk: “đây là những văn tự nợ và giấy cầm cố gia sản trị giá mười lăm ngàn chín trăm sáu mươi bảy mỹ kim bảy mươi lăm xu.”
El-Soo cầm lấy những giấy ấy và bảo Tommy, “hãy tính tròn mười sáu ngàn.”
Tommy nói: “vậy còn mười ngàn mỹ kim phải trả bằng vàng.”
Porpotuk gật đầu và mở các túi da ra. El-Soo đứng ở mé bờ sông xé vụn các giấy nợ và ném tung trên giòng sông Yukon. Công việc cân vàng đã tiến hành nhưng bỗng ngưng lại.
Porpotuk nói với Tommy khi anh này điều chỉnh cân “dĩ nhiên giá vàng là mười bảy mỹ kim.”
El-Soo nói một cách cương quyết. “giá mười sáu mỹ kim”
Porpotuk trả lời. “thông lệ ở khắp mọi nơi đều tính vàng giá mười bảy mỹ kim một lượng. Đây là một cuộc mậu dịch”
El-Soo cười. Nàng nói “đây là một lệ mới. Nó mới có từ mùa xuân năm nay. Năm ngoái và những năm trước nữa giá vàng là mười sáu mỹ kim một lượng. Khi cha tôi vay nợ thì giá là mười sáu Mỹ kim. Khi người đem tiêu tại tiệm buôn số tiền mà người vay được thì cứ mỗi lượng chỉ được tính có mười sáu mỹ kim bột mì, chứ không phải mười bảy. Vì vậy, ông phải trả tôi mười sáu, chứ không phải mười bảy.”
Porpotuk cằn nhằn và để cho công việc cân vàng tiến hành.
El-Soo nói “Tommy, anh hãy cân thành ba đống, một ngàn Mỹ kim ở đây, ba ngàn ở đây và ở đây sáu ngàn”
Công việc cân vàng mất thì giờ và trong khi đó Akoon được mọi người hết sức theo dõi.
Một người nói: “hắn chỉ chờ đợi đến khi tiền nong được trả xong xuôi.” Người của Porpotuk lăm lăm khẩu súng cũng đợi chờ theo dõi Akoon.
Công việc cân lường đã hoàn tất, và vàng được đặt thành ba đống vàng xẫm trên bàn. El-Soo nói: “đây là số nợ cha tôi nợ thương hội, ba ngàn mỹ kim. Tommy hãy nhận nó cho công ty. Và đây là phần bốn người nô lệ già. Tommy, anh biết họ cả. Đây, một ngàn mỹ kim, anh cầm lấy. Hãy săn sóc mấy người già lão này, đừng để họ phải đói ăn hay thiếu thuốc lá hút”.
Tommy gạt số vàng vào mấy cái túi riêng biệt. Còn lại trên bàn sáu ngàn mỹ kim, El-Soo thọc cái muôi múc vào đống vàng và khuấy mạnh một cái, nàng hất tung số vàng đó xuống sông Yukon như một đám mưa vàng vậy. Porpotuk nắm lấy cổ tay nàng khi nàng múc vàng lần thứ nhì
Nàng nói một cách bình thản, “vàng này là của tôi”. Porpotuk buông tay ra nhưng ông nghiến răng và cằn nhằn tiếc rẻ, nhìn nàng tiếp tục xúc vàng đổ hết xuống sông.
Đám đông chỉ chăm chăm nhìn về phía Akoon và tên tay sai của Porpotuk lăm lăm cây súng trên tay, miệng súng cứ chĩa mãi về phía Akoon cách đó chừng một thước, ngón tay cái của người đó đặt sẵn nơi cò súng. Nhưng Akoon không hành động gì.
Porpotuk nói một cách nghiêm trọng: “hãy viết văn tự bán đi.”
Tommy thảo văn tự đoạn mãi, trong đó mọi quyền lợi về cá nhân El-Soo đều được giao cho Porpotuk. El-Soo ký vào văn tự đó, và Porpotuk gấp tờ giấy rồi cất vào túi áo. Bỗng nhiên mắt lão sáng lên và bất chợt ngỏ lời với El-Soo.
Lão nói: “đây không phải việc thanh toán món nợ của cha cô. Tiền tôi bỏ ra đó là để mua cô. Việc cô bán thân là chuyện ngày hôm nay chứ không phải việc năm ngoái và những năm về trước nữa. Những lượng vàng trả cho cô sẽ mua ở thương xã với giá mười bảy mỹ kim chứ không phải mười sáu. Tôi đã thiệt mỗi lượng một mỹ kim. Tôi đã mất tất cả sáu trăm hai mươi lăm mỹ kim.”
El-Soo nghĩ ngợi một lúc, và thấy rằng mình lầm. Nàng mỉm cười rồi cười lên tiếng.
Nàng nói: “ông có lý, tôi đã lầm. Nhưng bây giờ quá muộn rồi. Ông đã trả tôi và vàng đã được phân tán đi cả. Porpotuk, ông chậm nghĩ thì ông thiệt. Ít lâu nay ông chậm chạp trong việc tính toán. Ông đã già rồi"
Porpotuk không trả lời. Lão liếc mắt nhìn Akoon một cách e ngại nhưng lại vững lòng. Lão mím môi lại và vẻ hung dữ thoáng hiện trên nét mặt lão. Lão nói, “đi, chúng ta về nhà.”
Không nhúc nhích, El-Soo hỏi “ông có nhờ hai điều tôi đã nói với ông hồi xuân không?”:
Porpotuk trả lời: “nếu tôi lưu ý tới những điều đàn bà đã nói với tôi, thì đầu tôi không còn chứa cái gì khác nữa”
El-Soo dõng dạc tiếp lời: “tôi đã nói với ông là nợ ông tôi sẽ trả, và tôi cũng nói là tôi sẽ không bao giờ làm vợ ông”
Porpotuk dùng cái ngón tay làm sột soạt tờ giấy văn tự nằm trong túi áo và nói: “nhưng đó là chuyện xảy ra trước khi có văn tự này. Nay tôi đã mua được cô trước mặt mọi người. Bây giờ cô thuộc về tôi. Cô không thể chối cãi rằng cô thuộc về tôi “
El-Soo nói một cách mạnh dạn: “tôi thuộc về ông.”
“ Tôi là chủ cô”
“ Ông là chủ tôi”
Tiếng nói của Porpotuk hơi cao lên và nhuốm vẻ đắc thắng: “tôi là chủ cô như là chủ một con chó”
El-Soo nói tiếp một cách bình tĩnh: “ông làm chủ tôi như làm chủ một con chó. Nhưng ông quên điều tôi đã nói với ông. Bất cứ một người nào khác mua tôi, tôi sẽ là vợ người đó. Tôi sẽ là vợ hiền của người đó. Đó là ý muốn của tôi. Nhưng đối với ông, ý muốn của tôi là không bao giờ làm vợ ông. Vì thế, bây giờ tôi nhận làm con chó của ông”
Porpotuk biết rằng mình đã chơi với lửa và lão tỏ vẻ cương quyết. Lão nói “vậy tôi nói với cô, không như nói với El-Soo, mà như với một con chó, và tôi bảo cô đi với tôi”. Lão toan nắm lấy tay nàng, nhưng nàng ngăn lão lại.
“Đừng vội thế, Porpotuk. Ông mua một con chó, nếu nó chạy mất thì ông thiệt. Tôi là con chó của ông, nếu tôi chạy mất thì sao?”
“ Với tư cách là sở hữu.chủ của con chó, tôi sẽ đánh cô.”
“ Khi ông bắt được tôi phải không”
“ Khi ta bắt được mi”
“ Vậy bắt tôi đi”
Lão tiến lẹ đến chỗ nàng, nhưng nàng lẩn được. Nàng cười vang khi chạy quanh cái bàn. “Bắt lấy nó”. Porpotuk ra lệnh cho tên da đỏ cầm súng đứng cạnh nàng. Nhưng khi tên da đỏ vừa thò cánh tay ra định bắt nàng thì tiểu vương Eldorado đã đấm ngã nó bằng một trái đấm dưới mang tai. Khẩu súng của nó văng mạnh xuống đất. Đây là cơ hội Akoon có thể ra tay. Mắt chàng sáng lên, nhưng chàng không hành động gì.
Porpotuk đã có tuổi nhưng những đêm lạnh lùng đã giữ cho lão sức hoạt động. Lão không chạy quanh bàn mà bất chợt nhẩy ngang qua bàn. Không kịp đề phòng, El-Soo vội nhảy lùi lại và sợ hãi kêu thét lên. Đáng lẽ Porpotuk đã bắt được nàng nếu không có Tmmy. Anh này ngáng chân ra khiến Porpotuk vấp ngã bổ xoài ra đất và nhờ thế El-Soo chạy thoát được.
Vừa chạy thoát, nàng vừa cười nói: “bắt ta xem nào”
Nàng chạy một cách nhẹ nhàng và dễ dàng, còn Porpotuk chạy nhanh và hung hăng. Lão chạy nhanh hơn nàng. Thuở thiếu thời, trong số những thanh niên, lão là người lanh lẹ nhất. Nhưng El-Soo chạy quanh co và tránh né dẻo dang như một cây liễu. Vì mặc quốc phục nên chân nàng không bị lúng túng vì váy và thân hình mềm mại của nàng có thể tránh dễ dàng được bàn tay của Porpotuk.
Đám đông cười nói ồn ào rồi tản ra để xem cuộc rượt bắt. Cuộc rượt bắt xuyên qua khu cắm trại của dân da đỏ, và khi lẩn tránh, khi chạy vòng quanh và chạy ngược chạy xuôi. El-Soo và Porpotuk lúc ẩn lúc hiện giữa những chiếc lều. Dường như El-Soo lượn và giữ thăng bằng trong không khí với hai cánh tay, lúc né sang bên này lúc tránh sang bên kia, và đôi khi cả thân hình nàng nữa, nghiêng hẳn sang một bên mỗi khi chạy quanh một khúc quanh thật gắt. Còn Porpotuk lúc nào cũng cách nàng một quãng ngắn ở phía sau, hoặc qua bên này, hoặc qua bên kia; lão như một con chó săn ốm đuổi theo sát nàng.
Hai người chạy ngang qua khu đất trống, đàng sau chỗ cắm trại, và khuất dạng trong rừng. Cả dân vùng Trạm Tanana đợi chờ họ xuất hiện nhưng càng đợi càng bặt tin.
Trong khi đó, Akoon ăn, ngủ và đi vơ vẩn hoài tại bến tàu, bỏ ngoài tai những lời trách móc của dân chúng tại Trạm Tanana về việc chàng không chịu hành động gì. Hai mươi bốn giờ sau, Porpotuk trở lại. Lão mệt lử và căm tức. Lão chẳng nói với ai ngoài Akoon và tìm cách sinh sự với hắn. Nhưng Akoon nhún vai và bỏ đi. Porpotuk không bỏ phí thời giờ, lão lựa chọn sáu thanh niên điêu luyện trong nghề săn và đi rừng, trang bị cho họ và chỉ huy họ xuyên rừng tìm kiếm El-Soo.
Ngày hôm sau, tàu Seattle rời bến về ngược dòng sông. Khi thừng được buông ra và tàu bắt đầu chuyển dịch thì Akoon đang ở trong phòng hoa tiêu. Chỉ vài giờ sau đó, khi đến lượt cầm lái, chàng trông thấy một chiếc xuồng gỗ rời khỏi bờ và chỉ có một người trên đó. Chàng quan sát kỹ lưỡng, bẻ bánh lái sang một bên và cho tàu chậm lại.
Vị thuyền trưởng vào phòng hoa tiêu.
Ông hỏi “cái gì vậy? Nước chảy tốt mà?”
Akoon trả lời lầm bầm trong họng. Chàng trông thấy một chiếc xuồng nữa, lớn hơn, rời bờ và ở trên có một số người. Trong khi tàu Seattle chậm lại, chàng bẻ bánh lái thêm nữa.
Vị thuyền trưởng nổi xung. Ông gắt lên: “chỉ có một cô gái da đỏ, cái gì đâu?”
Akoon không đáp lại. Chàng nhìn đăm đăm về phía người con gái da đỏ và chiếc xuồng đuổi theo sau. Trên xuồng đó, sáu mái chèo bơi loang loáng, trong khi người thiếu nữ da dỏ chèo chậm chạp.
Vị thuyền trưởng dằng lấy bánh tay lái và gắt: “anh làm tàu mắc cạn bây giờ.”
Nhưng Akoon giữ chặt lấy bánh tay lái và trừng mắt nhìn ông ta. Vị thuyền trưởng chầm chậm buông tay khỏi bánh lái.
Ông lẩm bẩm một mình: “đồ ăn mày quái dị”
Akoon để tàu Seattle nằm ở gần chỗ nước cạn và chờ dợi tới khi thấy thiếu nữ da đỏ bám tay vào được lan can ở phía trước mũi tàu. Sau đó, hắn ra lệnh mở hết tốc lực và quay bánh lái lại. Chiếc xuồng lớn tới rất gần, nhưng khoảng giữa nó và chiếc tàu xa dần mãi ra.
Thiếu nữ da đỏ cười và ngả người ra ngoài lan can nói lớn: “Porpotuk! Nào, bắt ta đi.”
Akoon rời chiếc tàu đó ở tỉnh Fort Yakon. Hắn trang bị một chiếc thuyền nan nhỏ và đi ngược dòng sông Porcupine. El-Soo cùng đi với hắn. Đó là một cuộc hành trình mệt nhọc, phải vượt qua núi đèo hiểm trở nhất, nhưng Akoon đã từng qua nơi này trước đây. Khi đến chỗ nước chảy rất ngược của con sông đó, hai người bỏ thuyền và đi bộ để vượt qua dãy Thach Sơn.
Akoon hết sức thích thú được đi sau El-Soo ngắm dáng điệu của nàng. Chàng cảm thấy như có một thứ âm điệu trong đó mà chàng ưa thích. Chàng đặt biệt yêu đôi bắp chân tròn trĩnh của nàng trong những cái bao bằng da thuộc mềm, đôi cổ chân thanh thanh và đôi bàn chân xinh xinh trong những chiếc giày da nai nhỏ nhắn, đi thoăn thoắt không biết mệt sau bao nhiêu ngày dài.
Nhìn nàng, hắn nói: “Em nhẹ như không khí, em đi không biết mệt. Em đi như lướt, chân bước lên bước xuống thoăn thoắt. Em giống như một con hoẵng, El-Soo, em giống như một con hoẵng và mắt em giống như mắt con hoẵng một đôi lúc khi em nhìn anh, hoặc khi em nghe thấy một tiếng động thoáng qua và em tự hỏi phải chăng có gì nguy hiểm sắp xảy ra. Và ngay lúc này em đang nhìn anh. Cặp mắt em giống như đôi mắt của con hoẵng”
El-Soo hân hoan và cảm động, nàng cúi xuống và hôn Akoon.
Sau dó, Akoon nói “khi tới Mackenzie, chúng ta không nên chần chừ. Chúng ta phải đi về miền nam trước khi mùa Đông tới. Chúng ta sẽ tới miền nắng ấm, nơi không có băng tuyết. Nhưng chúng ta sẽ trở về. Anh đã đi nhiều nơi rồi và không có nơi nào giống như Alaska, không có nơi nào mặt trời giống như mặt trời của chúng ta, và sau một mùa hạ dài, tuyết rơi xuống cũng thích thú”
El-Soo nói: “thế anh sẽ học đọc nhé”
Akoon đáp: “chắc chắn thế nào anh cũng học”
Nhưng khi tới Mackenzie, họ đã phải ngừng lại không đi ngay được. Tại đây họ nhập với một đoàn người da đỏ Mackenzie và cùng đi săn, chẳng may Akoon lại bị lạc đạn. Khẩu súng đó do một thanh niên sử dụng. Viên đạn làm gẫy cánh tay phải của Akoon, còn theo đà đi xa hơn, làm gẫy hai khúc xương sườn của chàng. Akoon biết cách giải phẫu qua loa, El-Soo lại đã học được thêm một vài cách săn sóc bệnh nhân trước kia ở Tu viện Thánh Giá. Những xương gãy rồi sau cũng lành. Và cần đặt chàng nằm cạnh lửa để nhờ khói đuổi muỗi bớt đi.
Khi đó, Porpotuk cùng sáu thanh niên bộ hạ tới. Akoon than vãn vì cảnh thế cô của mình và kêu gọi sự giúp đỡ của dân da đỏ Mackenzie. Nhưng trước lời yêu cầu của Porpotuk, dân Mackenzie lâm vào tình trạng khó xử. Porpotuk muốn bắt El-Soo, nhưng họ không chấp thuận điều này, Họ phải phán xử. Vì đây là một vấn đề liên quan đến nam nữ, nên hội đồng các bô lão được triệu tập - cuộc phân xử về vấn đề này không thể giao cho những người trẻ tuổi, tính tình còn nông nổi.
Các vị bô lão ngồi thành vòng tròn quanh một đống lửa khói bay mù mịt. Khuôn mặt gầy guộc, nhăn nheo, họ thở hổn hển. Khói làm cho họ khó chịu. Thỉnh thoảng, họ giơ những bàn tay khô héo đập những con muỗi coi thường cả khói. Sau mỗi lần như vậy, họ ho rũ rượi. Có người khạc ra máu, và một trong số những vị này ngồi riêng ra một chút, đầu cúi về phía trước, máu rỉ ra ở miệng, và cơn ho hành hạ họ. Họ như những người có xác không hồn, cuộc sống của họ chẳng còn bao lâu. Đây thật là cuộc phân xữ của người chết
Porpotuk kết luận sự khiếu nại của lão:”và tôi đã trả một giá hết sức cao vì nàng. Một giá mà các ông chưa bao giờ biết đến. Đem bán hết tất cả gia tư của các ông - bán giáo mác, cung tên và súng ống; bán da và lông thú; bán cả lều, thuyền và chó; bán la bán liệt mọi thứ chưa dễ các ông đã có nổi một ngàn mỹ kim. Ấy thế mà tôi đã trả giá người thiếu nữ, El-Soo, hai mươi sáu lần giá các giáo mác, cung tên, súng ống, cùng da và lông thú, lều, thuyền và chó của các ông. Quả đó là một giá vượt mức”
Các vị bô lão gật đầu một cách nghiêm nghị, mặc dầu những con mắt nhăn nheo của họ mở to ra vì ngạc nhiên, tại sao một người đàn bà lại có thể lên tới giá đó. Vị miệng rỉ máu, lau môi, và hỏi sáu thanh niên bộ hạ của Porpotuk: “việc này có thật không?” Mỗi người được hỏi đều trả lời việc đó có thực.
Vị đó hỏi El-Soo “chuyện đó có thực không?” và nàng trả lời “điều đó có thực”.
Akoon nói “nhưng Porpotuk lại không nói rằng ông ta là một người đã già rồi và các con gái ông còn lớn tuổi hơn El-Soo”
El-Soo nói “thật vậy, Porpotuk là một người đã có tuổi”
Vị bô lão miệng rỉ máu nói “việc lượng tuổi tác là việc riêng của Porpotuk. Chúng ta đều là cảnh già cả. Những người già không suy lão như thanh niên thường nghĩ.”
Tất cả các vị bô lão ngồi thành vòng nghiến lợi kêu chóp chép, gật đầu chấp thuận và ho lên khù khụ.
El-Soo nói “tôi đã nói với ông ấy là không bao giờ tôi chịu làm vợ ông ta”
Vị bô lão chột mắt hỏi “thế sao cô lấy của ông ta hai mươi sáu lần cơ nghiệp của chúng tôi?”
El-Soo không trả lời.
Và cặp mắt độc nhất của vị đó long lên sòng sọc và nhìn xói vào nàng như một chiếc khoan nóng bỏng, vị ấy hỏi “có thật vậy không?”
Nàng nói “đúng như vậy”
Một lát sau, nàng bỗng nói một cách hăng hái, “nhưng tôi sẽ lại bỏ đi, tôi sẽ bỏ đi mãi mãi”
Một vị bô lão khác nói: “việc ấy Porpotuk sẽ lo liệu. Còn công việc của chúng tôi là phân xử vụ này”
Người ta quay sang hỏi Akoon, “anh đã trả giá cho cô ta bao nhiêu?”
Hắn trả lời: “tôi không trả giá nào cho nàng cả. Nàng vô giá. Tôi không đánh giá nàng bằng tiền, bằng chó, hoặc bằng lều lông thú”
Các vị bô lão thảo luận riêng với nhau và nói lầm rầm. Akoon nói bằng tiếng Anh “những ông già này không có tình cảm. Tôi sẽ không tuân theo phán quyết của họ. Porpotuk, nếu ông bắt El-Soo, chắc chắn tôi sẽ giết ông”
Các vị bô lão ngưng thảo luận, và nhìn chàng một cách ngờ vực. Một vị hỏi: “chúng tôi không hiểu anh nói gì?”
Porpotuk vội giải thích: “hắn nói hắn sẽ giết tôi. Vậy tốt hơn hết là tước súng của hắn và đặt một vài thanh niên ngồi cạnh canh chừng hắn để hắn không làm hại được tôi. Hắn là một thanh niên, và thanh niên dù có bị gãy xương thì có thấm gì!”
Akoon nằm đó vô phương kháng cự; súng, dao, đều bị tước hết, và ở mỗi bên vai đều có các thanh niên thuộc bộ lạc Mackenzie ngồi canh chừng. Vị bô lão chột mắt đứng thẳng người lên rồi cất tiếng “chúng tôi lấy làm ngạc nhiên về giá tiền bỏ ra để mua có mỗi một thiếu nữ, nhưng giá ấy hớ hay hời không phải là việc chúng tôi. Chúng tôi tới đây để phân xử, và chúng tôi sẽ phân xử. Chúng tôi không có điều gì nghi ngờ cả. Mọi người đều thuận rằng Porpotuk đã trả thiếu nữ El-Soo một giá hết sức đắt. Vì lẽ đó, El-Soo là vật sở hữu của Porpotuk chứ không thể thuộc về bất cứ ai khác” Vị đó ngồi xuống một cách khó nhọc rồi lại ho. Các vị bô lão đều gật đầu chấp thuận và lại ho.
Akoon hét lên bằng tiếng Anh “tôi sẽ giết ông”
Porpotuk mỉm cười rồi đứng dậy. Lão ngỏ lời với hội đồng, “các vị đã phán xử một cách công minh và các thanh niên của tôi sẽ biếu các vị một số thuốc hút. Bây giờ hãy để người ta dẫn người dàn bà đến cho tôi”
Porpotuk bảo El-Soo: “ngồi đây, ở dưới chân tôi, để tôi nói hết lời”. Lão nói “thật vậy, tôi là một ông già. Ấy thế mà tôi có thể biết được nếp sống của thanh niên. Lửa yêu đương vẫn chưa tắt hẳn trong lòng tôi. Nhưng tôi không còn trẻ trung nữa và tôi cũng không nghĩ tới việc bắt đôi chân già này của tôi phải chạy không ngừng trong suốt những năm còn lại của đời tôi. El-Soo có thể chạy nhanh và chạy giỏi. Nàng là một con hoẵng. Tôi biết như vậy vì tôi đã nhìn và chạy theo nàng. Một người vợ mà chạy nhanh như thế thì không tốt. Tôi đã trả nàng một giá đắt thế mà nàng bỏ tôi chạy đi. Akoon không trả một xu nhỏ nào, thế mà nàng lại chạy theo hắn.
“ Khi tôi tới đây gặp các vị trong bộ lạc ở Mackenzie này, tôi chỉ có một ý định. Khi hội đồng họp, tôi nghe và nghĩ tới đôi chân nhanh nhẹn của El-Soo, tôi sinh ra hoang mang. Bây giờ tôi lại chỉ có một ý định khác với cái mà tôi giãi bày với hội đồng lúc đầu. Tôi xin kể ý định ấy với các vị. Khi một con chó đã bỏ trốn khỏi chủ nó một lần, tất nhiên nó sẽ còn trốn nữa. Dẫu có hoài công tìm kiếm nó bao lần đi nữa thì rồi nó cũng sẽ bỏ trốn đi. El-Soo chẳng khác nào một con chó hay bỏ chạy: tôi sẽ bán nàng. Liệu có ai trong hội đồng muốn mua nàng không?”
Các vị bô lão lại ho và im lặng.
Porpotuk nói tiếp: “Akoon muốn mua, nhưng hắn không có tiền, vì thế tôi sẽ cho không hắn El-Soo, như lời hắn nói, không cần trả giá nào cả. Tôi sẽ cho hắn nàng ngay bây giờ”
Lão cúi xuống cầm tay El-Soo và dắt nàng đi qua một khoảng trống tới chỗ Akoon đang nằm.
Để nàng ngồi ở chân Akoon, lão nói “nàng có một tật xấu, Akoon. Trước đây nàng lẩn trốn tôi, rồi đây, có thể nàng sẽ bỏ trốn anh. Nhưng, Akoon này, anh không phải sợ nàng sẽ chạy mất đâu. Tôi sẽ bảo đảm điều này. Đừng có e ngại gì nàng sẽ bỏ trốn - Porpotuk dám chắc như vậy. Nàng thông minh lắm. Tôi biết lắm, sự thông minh ấy thường làm tôi tê tái. Thế nên tôi tự nhủ phải biểu lộ trí thông minh của mình ra một lần. Và này Akoon, nhờ trí thông minh của tôi, tôi sẽ đảm bảo nàng dùm anh”
Porpotuk cúi xuống và bắt chéo chân của El-Soo cho cổ chân này đè lên cổ chân kia, rồi tiếp đó, trước khi người ta đoán biết được ý định của lão, lão dùng súng bắn vào hai mắt cá chân của nàng. Khi Akoon cố vùng vẫy khỏi sức ghì giữ của mấy thanh niên kia, thì những chỗ xương gẫy đã lành lại gẫy ra.
Các vị bô lão nói với nhau: “như vậy rất công bằng”
El-Soo không thốt lên một tiếng kêu. Nàng ngồi nhìn hai mắt cá chân của nàng rã rời, nàng không bao giờ còn đi được nữa.
Akoon nói “đôi chân của anh khỏe lắm, nhưng không bao giờ nó sẽ đưa anh đi xa em”
El-Soo nhìn chàng và lần đầu tiên từ khi chàng quen nàng, Akoon thấy mắt nàng ngấn lệ.
Chàng nói “El-Soo, đôi mắt em giống như mắt con hoẵng”
Khi sắp lên đường, mặt nhăn khó chịu vì khói, Porpotuk hỏi “như thế công bằng chứ?”
Các vị bô lão đáp “thế là công bằng”. Rồi họ tiếp tục ngồi im lặng.