Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới hai mươi...
KHU C HA T THANH XUÂN
Bước vào tuổi 19, tôi đã ra khỏi vòng cương toả của gia đình để bước hẳn vào đời sống thực tế tại một tỉnh biên giới xa xôi hẻo lánh và tôi cũng tìm thấy thú vui trong sự phiêu bạt (!) đầu tiên của đời mình.
Được sống trong một khung cảnh mới lạ hợp với sự hiếu kỳ của một thanh niên vừa lớn lên, được khoác bộ áo công nhân chỉ thấy "thơm" mùi mồ hôi và thán khí, nhất là tự thấy mình đã nuôi được mình rồi, không phải sống nương nhờ ai hay sống dưới quyền độc đoán của ai nữa -- ông chủ hay ông Cai đều là những người dễ thương -- thật là khoan khoái! Có tiền (dù chẳng là bao), có bạn, có người tình, có những ngày đêm không trống rỗng. Yêu con người, yêu cảnh vật, yêu cuộc sống, thật là hạnh phúc! Tôi còn muốn gì hơn?
Vậy mà sau nửa năm sống với cuộc phiêu lưu đã trở thành rất bình thường, bây giờ, trước việc Hitler xua quân chiếm Âu Châu (cũng chẳng biết ông Hitler này là ai cả!) tôi bằng lòng bỏ hết tất cả những hạnh phúc vừa kể để đánh đổi lấy một cuộc phiêu lưu khác, to lớn hơn và chắc chắn kỳ thú hơn.
Bây giờ nhìn lại dĩ vãng và với nhãn quan chính trị mới thấy rằng lúc đó mình chẳng có một lập trường hay lý tưởng nào cả! Bỏ Moncay về Hà Nội để đầu quân làm lính thợ ONS là một hành động vô ý thức. Đúng là hành động lạc loài của con thuyền không bến. Hay của con bướm mùa Xuân. Lớn lên trong sự ghét Tây nhưng không dám chống Tây. Biết hận thù thực dân Pháp nhưng lại đăng lính cho Pháp. Dù trong thâm tâm, tôi muốn đi Pháp không phải vì quá yêu "mẫu quốc" (sic) mà chỉ vì thích thay đổi, thích giang hồ, thích xuất ngoại và -- cứ nói thật đi -- thích ngủ với đầm! Nhưng mộng đi Tây tan tành như xác pháo vì vừa về tới Hà Nội, chưa kịp tới phòng tuyển mộ lính ONS thì Pháp thua trận vào tháng 6 năm 1940. Một lô bạn bè của tôi, đa số là cựu học sinh Trường Kỹ Nghệ Thực Hành, đã mặc quân phục và xuống tầu ở Hải Phòng rồi, bây giờ đang lóp ngóp quay về Hà Nội.
Tôi về ở với mẹ trong một tháng trời. Lúc này gia đình tôi đã dọn tới đường Đỗ Hữu Vị, không xa căn nhà đường Châu Long là mấy. Anh Khiêm vắng nhà vì con người "quân tử" chịu ơn quốc gia đã nuôi mình ăn học thành tài nên đăng lính đi cứu nước Pháp chưa về. Việc này làm cho nhiều người chê trách anh Khiêm, nhưng tôi rất phục thái độ "thấy đúng là làm" của anh, bất cần dư luận. Tôi được sống những ngày êm ả bên mẹ. Nhưng tôi quá nhàn rỗi, cả ngày không biết làm gì ngoài việc đi chơi phố. Đã có một số tiền dành dụm khá lớn gửi mẹ, tôi bèn quyết định đi học. Đi học gì bây giờ?
Một hôm, tôi đi coi triển lãm tranh. Tôi sực nhớ tới những tranh tôi vẽ lúc còn bé, phỏng theo tranh Đông Hồ với cô gái hứng dừa hay đám cưới chuột. Hoặc vẽ hình Mickey phỏng theo truyện bằng tranh của báo Pháp. Rồi khi lớn lên và đọc báo Phong Hoá, thấy tranh minh hoạ cho tiểu thuyết của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ theo lối tranh gỗ rất đẹp thì tôi cắt ra và dán vào album. Tôi còn cao hứng vẽ truyền thần ông Cả Bịp, Cậu Xuân hay Bà "m Chung nữa. Người trong tranh trông cũng khá giống người mẫu. Mẹ tôi khen con trai út là có hoa tay (!). Nguyên cái truyện Tú Uyên với người đẹp trong tranh bước ra cũng đủ làm tôi mê hội hoạ rồi! Tôi cũng nhớ tới lời nhận xét cách đây mấy năm của người anh rể họ xa là Đỗ Mộng Ngọc tức hoạ sĩ Côn Sinh. Khi coi các "tác phẩm" của tôi, anh Ngọc khuyên:
-- Chú Cẩn có vocation về vẽ đó! Nên đi học beaux arts.
Thế là tôi quyết định ghi tên vào học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole Des Beaux Arts). Rồi với sự đồng ý của mẹ, tôi xách va ly tới trọ nhà bà vợ thứ của ông Bùi Kỷ tại khu chợ Hôm. Nói là trọ nhưng trong thực tế, tôi được bà Bùi cho ăn ở không phải trả tiền. Hoặc là giữa mẹ tôi và bà có sự chơi họ hay góp tiền làm ăn gì đó, hoặc là giá sinh hoạt lúc bấy giờ tại Hà Nội cũng chẳng đắt đỏ gì cho lắm, tôi được bà Bùi Kỷ nuôi ăn nuôi ở để hằng ngày đáp xe điện đi học tại trường Mỹ Thuật. Tội nghiệp bà Bùi chỉ có một người con trai -- hình như con nuôi -- tên là Cương (đồng tên với thằng em sữa của tôi) thì cậu con lại bị bệnh polio từ khi còn nhỏ, suốt ngày nằm liệt trên giường. Bà Bùi cho tôi ở với bà cũng là để cho Cương đỡ cô đơn vì có một người anh hay một người bạn tới ở chung. Mỗi khi tôi đi học về là Cương léo nhéo nói chuyện với tôi không ngưng nghỉ. Và toàn nói chuyện yêu đời. Qua thân xác im lìm và đôi mắt sáng của Cương, tôi thấy được hình ảnh thảm thê của sự bất lực và thấy được sự ham sống vô cùng của con người khi bị lâm vào cảnh tê liệt.
Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật nằm tại góc hai con đường Reinach và Hàng Lọng. Người có công thành lập ngôi trường đào tạo hoạ sĩ Việt Nam là Victor Tardieu. Dù tranh sơn dầu (peinture à huiles) là môn học chính nhưng ông Tardieu -- với sự thôi thúc của giáo sư Inguimberty -- lại khuyến khích học trò học về tranh mộc bản, tranh lụa và tranh sơn mài là những nghệ thuật tạo hình có tính chất hoàn toàn Việt Nam. Giám Đốc của trường lúc đó là Everist Jonchère. Tất cả sinh viên khi nhập học đều phải qua một lớp dự bị (cours préparatoire) rồi tùy theo tài năng mà trở thành sinh viên chính thức. Có những anh học tới 7 năm trong lớp dự bị.
Gọi là sinh viên trường Mỹ Thuật cho oai, chứ thật ra chúng tôi là một lũ thanh niên "thừa giấy vẽ voi". Buổi sáng tất cả chăm chú ngồi vẽ người mẫu khoả thân, gọi là học "dessin académique". Buổi chiều học cách trộn mầu, gọi là học "décoration". Có thầy Nam Sơn để râu dài dạy dessin, lúc nào thầy cũng khoe mình học vẽ ở Paris, nhà mình trên đường Bonaparte, tranh mình vẽ là Le Portrait De Ma Mère (Chân Dung Mẹ). Có điêu khắc gia Georges Khánh, người Việt lai Pháp dạy anatomie. Vợ thầy Khánh đẹp như tiên. Khi học cách dùng mầu thì thầy dạy của chúng tôi là Tô Ngọc Vân. Trong mấy ông thầy, tôi phục thầy Vân nhất. Đứng gần thầy, tôi cứ tưởng tượng thầy là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ĐE³P của Khái Hưng dù vóc dáng của thầy thấp lùn, đôi mắt của thầy lồi ra và thầy rất hà tiện trong lời ăn tiếng nói.
Đi học vẽ tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, thật là quá vui đối với tôi lúc đó. Một chân trời mới mở ra cho tôi thênh thang đi vào. Tôi khởi sự học hỏi về Cái Đẹp. Trước hết học cái đẹp trên thân thể con người là vẽ tranh loã thể. Vẽ tranh loã thể là một điều mới mẻ đối với người Việt. Dù biết rằng mình đang bắt chước Âu Châu, từ sau thế kỷ 18, 19, coi thân thể con người không còn là điều nhơ nhuốc nữa, nhưng lần đầu tiên bước vào phòng vẽ thì tôi thấy ngượng. Người mẫu với đôi vai tròn trịa, với bụng lẳn vú căng thì rất thản nhiên vì nàng quen cởi quần cởi áo trước lũ học trò được xếp vào hạng thứ ba sau ma và quỉ: nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò. Thích nhất là sau khi vẽ xong bằng bút than toàn thể thân hình người mẫu rồi lấy ngón tay di trên mặt tranh để làm nổi lên những bắp thịt. Tôi có cảm giác như đang mơn man làn da thịt của một mỹ nhân.
Có những buổi đi xuống Văn Miếu dùng nhọ nồi trộn với dầu lạc để in lại trên giấy bản những dòng chữ nho và những "hoa văn", khắc trên các bia lớn từ hàng trăm năm trước. Hiểu được cái đẹp cổ kính. Có thêm cơ hội gặp lại dĩ vãng vàng son của dân tộc một cách kỹ lưỡng hơn. Cũng ở đây, học phác hoạ (croquis), học đường vẽ trong kiến trúc (relevé architectural).
Khi được vào với tranh dầu thì tôi say sưa với sự trộn mầu. Vì rất ưa thích mầu xanh nên trong bất cứ bức tranh nào, tôi cũng đều dùng tối đa mầu xanh. Thầy Tô Ngọc Vân là người đã từng làm cho tôi kính phục khi tôi được coi tranh triển lãm của thầy. Là người đầu tiên dùng hội hoạ mới để xưng tụng người đàn bà Việt Nam với những bức tranh mỹ nữ có hình, có dáng, có khối hẳn hòi chứ không phải là mỹ nữ được vẽ phóng trong công thức (stylisé) như tranh cổ truyền. Chỉ cần thấy bố cục (composition) của tranh Tô Ngọc Vân cũng đủ làm xiêu lòng người coi tranh. Thầy dùng mầu sắc hết sức táo bạo, so với thời đó. Nhưng thầy đã dạy cho tôi thấy cái quan trọng trong tranh sơn dầu không phải chỉ ở mầu sắc. Phải làm sao cho thấy được ánh sáng nổi bật trên nền ngũ sắc đó. Phải rồi, coi tranh Renoir hay tranh Gauguin, tôi chỉ nhìn thấy nắng. Không thấy gì hơn là nắng! Tuy nhiên nắng ở trời Âu mà tôi thấy trong tranh của các hoạ sư đó chỉ là nắng phản chiếu (lumière réflective), còn nắng trong tranh sơn dầu Việt Nam (như tranh của Tô Ngọc Vân chẳng hạn) là nắng trực tiếp (lumière directe). Hãy coi lại bức tranh người đàn bà trước bụi chuối của thầy Vân: người đẹp có hình có khối, ánh sáng chói chan, bức tranh không gợi dâm mà chỉ gợi tình. Tuyệt vời!
Các bạn cùng lớp với tôi là Võ Lăng, Đinh Minh, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Quang Phòng, Phan Tại, Nguyễn Thanh Đức, Tạ Thúc Bình, Trần Phúc Duyên... Có hai cô đầm trẻ là Hortense và Josette cũng vào học chung một lớp với chúng tôi. Josette là con gái của Công Sứ Bắc Kỳ Delsalle. Võ Lăng người Huế là anh chàng có may mắn "chớp" được cô đầm xinh này.
Võ Lăng còn có thêm nhiều sự may mắn trong các điạ hạt khác, chẳng hạn trong điạ hạt chính trị. Là em ruột của Võ Văn Hải, chánh văn phòng sau này của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, hoạ sĩ Võ Lăng phải trốn qua Hồng Kông vì chống đối Việt Minh và bị ruồng bắt vào năm 1946. Tại Hồng Kông, Võ Lăng làm nghề vẽ truyền thần cho các nhà giầu Trung Hoa để sinh sống. Ơ± đây anh trở thành người quen của ông Bảo Đại trong thời gian Cựu Hoàng vừa bỏ Việt Minh ra đi.
Rồi Võ Lăng qua Pháp sống trong vài năm. Tới khi có giải pháp Ngô Đình Diệm thì anh là người tích cực nhất trong việc vận động cho ông Ngô về nước làm Thủ Tướng. Anh đi gặp Bảo Đại ở Cannes và Thượng Nghị Sĩ Mansfield ở Mỹ để vận động cho ông Ngô về nước chấp chánh. Về sau chính trị gia Hoa Kỳ này là khách mua nhiều tranh nhất của Võ Lăng.
Khi ông Ngô Đình Diệm nắm chính quyền thì Võ Lăng là một nhân viên quyết định nhiều việc quan trọng trong toà Đại Sứ Lưu Động của ông Ngô Đình Luyện, trụ sở đặt ở Avenue Kléber Paris. Lúc đó (1954-55), tôi đang đi học tại Institut De Musicologie, hằng ngày tôi tới chơi với nhóm Ngô Đình Luyện nhiều hơn là tới gặp ông anh Phạm Duy Khiêm đang làm Đại Sứ Việt Nam tại Pháp.
Trên đời này khó có nhiều người thực hiện được giấc mơ chính trị của mình thì Võ Lăng là người đã thành công trong ý đồ đi vào chính quyền. Tôi biết rõ cái quyền của Võ Lăng mạnh mẽ như thế nào. Bác Sĩ Thú Y Phạm Văn Huyến có trở thành người phụ trách việc đưa một triệu người Bắc di cư vào Nam trong năm 1954 là do Võ Lăng đề nghị với ông Diệm. Võ Lăng có biết Phạm Văn Huyến là ai đâu? Chính tôi là người mách tên ông Huyến khi anh ta hỏi tôi rằng: "Ai làm được việc này?" Tôi quen ông Huyến khi ông này sản xuất thuốc bổ bằng máu bò ở Khu IV và có tặng tôi vài ba lọ thuốc. Bèn tiến cử ông thân sinh của bà Ngô Bá Thành làm Tổng U±y Viên phụ trách việc di cư của một triệu người miền Bắc sau Hội Nghị Genève. Giá lúc đó tôi xin làm việc đó thì Võ Lăng cũng đồng ý ngay!
Ông Ngô Đình Diệm đã khuất bóng cùng với chế độ của ông nhưng Võ Lăng vẫn sống phây phây tại Pháp, tiếp tục vẽ tranh và còn sản xuất cả phim nữa. Một trong những phim của anh ta là phim Trương Chi Mỵ Nương. Về già, Võ Lăng vẫn thành công -- thành công nhũn nhặn vẫn là thành công -- trong nghề vẽ của mình. Tranh của Võ Lăng, đẹp như tranh Renoir, được bày bán trong khoảng hơn 1000 phòng tranh trên thế giới. Những bạn khác của tôi ở trường Mỹ Thuật cũng thành công nhưng sự thành công của họ không hơn Võ Lăng nhiều lắm, nếu xét về sự bán tranh.
Đinh Minh có một thời rất vinh quang tại miền Nam nhưng bây giờ tôi không nghe thấy ai nói tới anh ta cả. Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An đều trở thành những hoạ sĩ nổi danh ở miền Bắc. Tôi đều gặp lại họ trong thời gian kháng chiến và được coi nhiều tranh của họ. Tuyệt đẹp!
Bùi Xuân Phái mới qua đời gần đây nhưng những tranh anh vẽ cảnh phố cổ ở Hà Nội thì chắc chắn sẽ sống tới nghìn thu. Trước đây tôi chỉ thấy tranh mộc bản (estampes) và tranh kháng chiến của Phái. Tôi đã quên mất cảm giác khi coi tranh phố cổ của Phái thì vào năm 1985, anh bạn Ngô Văn Tao ở Montréal có lòng yêu tặng tôi một hoạ phẩm về phố của Phái. Nhìn trong bức tranh nhỏ chưa đầy một thước vuông vẽ bằng nét dao (chứ không phải bằng cây cọ) của Phái, tôi thấy sừng sững một ngõ hẻm Hà Nội với những ngôi nhà cũ kỹ, tường tróc vôi, mái siêu vẹo... Và tôi rưng rưng nước mắt. Đây! Hà Nội của tôi đây, chẳng cần biết đó là phố nào, số nhà bao nhiêu, phố đang nghĩ gì, phố đang chờ ai? Rồi ngẫu nhiên tôi lại được đọc một mẩu thơ của Văn Cao viết vào năm 1967, mới in ra trong năm 1988 tại Saigon, với ý nghĩ giống tôi như đúc, bài thơ nhan đề Phố Phái:
Không người ở,
Không số nhà,
Không tên phố
Tôi gửi bài thơ về Phố Phái
Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh.
. . . . . . . . .
Thật là tiếc cho Bùi Xuân Phái! Nếu anh được ở một nơi như Paris thì chưa chắc tranh của anh đã thua tranh của Utrillo, Matisse, Cézanne... Tranh của anh có thể được bầy trong những Bảo Tàng Viện quốc tế.
Học trước chúng tôi vài năm là Tạ Tỵ, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim... Hai chàng sinh viên hoạ sĩ Đôn và Lắm đánh nhau dữ dội ở trong lớp để tranh giành người đẹp Nguyễn Thị Kim. Phạm Văn Đôn ăn đòn nặng của Trần Văn Lắm nhưng lại chiếm được trái tim của nữ hoạ sĩ kiêm nữ điêu khắc gia. Đôi vợ chồng này về sau thành ra có tí ti liên hệ gia đình với tôi: vợ tôi, Thái Hằng, là em họ gần của Đôn và Kim.
Tạ Tỵ vẽ dessin hoặc vẽ tranh sơn dầu theo lối cổ điển hay ấn tượng (impressionisme) rất thành công nhưng anh lại chọn con đường lập thể (cubisme) của Picasso. Ngoài Tạ Tỵ ra, tôi không thấy có hoạ sĩ Việt Nam nào dám đi vào loại tranh đó cả. Tạ Tỵ còn đi xa hơn nữa khi anh đi vào loại tranh vị lai (futurisme).
Trong thời gian học trường Mỹ Thuật, tôi vẽ thì ít mà ca hát thì nhiều. Lúc đó, tôi chưa sáng tác mà chỉ soạn lời ca tiếng Việt cho những bài nhạc ngoại quốc mà tôi thích. Chẳng hạn bài valse rất quen biết của Strauss đã được người Mỹ (hay người Anh) soạn lời ca, nhan đề One Day:
One day when we were young
One wonderful morning in May
You told me you love me...
Tôi đã luôn luôn hát bài này trong lớp. Sau 49 năm, gặp nhau ở Paris năm ngoái, Võ Lăng còn nhắc tới bài hát:
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui.
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi.
. . . . . . . . .
Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi.
Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi.
Cũng như tôi, trong tương lai, có vài anh bạn không tiếp tục làm hoạ sĩ. Phan Tại trở thành đạo diễn kịch. Nguyễn Thanh Đức làm việc xuất nhập cảng tại Liên Xô. Trần Phúc Duyên (làm gì ?) ở Thụy Sĩ... Họ là những học trò ngoan của nhà trường và hết thẩy đều sẽ tốt nghiệp. Còn tôi thì hát nhiều hơn vẽ và sẽ bỏ trường Mỹ Thuật sau một niên khoá. Tôi lại còn thích thể thao hơn cả hội hoạ và âm nhạc. Có nhiều ngày tôi bỏ học để đi tập điền kinh tại sân vận động SEPTO.
Pháp thua trận ở chính quốc, nhưng vẫn duy trì được quyền lực tại các thuộc địa. Chính Phủ Pétain cử Phó Đô Đốc Decoux qua Đông Dương giữ chức vụ Toàn Quyền. Đây là lúc Pháp có hai công tác quan trọng. Một là suy tôn Thống Chế Pétain, bắt toàn dân thuộc điạ hát bài Maréchal Nous Voilà. Hai là giao cho Đại tá Thủy Quân Ducoroy tổ chức Phong Trào Thể Dục và Thể Thao để thu hút thanh niên nam nữ. Một trường đào tạo huấn luyện viên thể thao-thể dục được mở ra ở Phan Thiết. Tốt nghiệp trường này ra, huấn luyện viên được cử đi khắp mọi nơi trong nước để nắm thanh niên và được ăn lương rất cao. Một số thanh niên Hà Nội đã xung phong vào học trường này.
Tôi thích điền kinh từ lâu. Là con người háo thắng, tôi thích chạy nhanh hay nhẩy cao hơn người khác. Vào tuổi 19, lại đúng vào thời gian các môn thể dục, thể thao được khuyến khích, tôi mon men tới sân vận động SEPTO để cũng mặc áo maillot quần đùi, chân mang giầy đinh để tập chạy đua 100 thước và tập nhẩy cao.
Lúc đó tôi thuộc hạng junior và rất phục anh Thành, hạng senior trong môn nhẩy cao. Anh này là vô địch Bắc Kỳ với thành tích nhẩy qua 1 thước 68. (Bây giờ lực sĩ quốc tế nhẩy qua 2 thước như chơi). Anh dạy tôi nhẩy theo kiểu nghiêng (à la Horrine) nghĩa là chạy nhanh tới mục tiêu, tung mạnh một chân lên cao rồi theo đà ưỡn mình oằn qua sà ngang. Sau một thời gian, trong một cuộc thi, tôi đã chiếm được giải nhất với cái mề đay nhỏ bằng bạc.
Đây là lúc tôi vớ được cuốn sách của Bác Sĩ Victor Pauchet, trong đó có đoạn dạy thở. Bác sĩ này cho rằng con người thường chỉ biết dùng một nửa trên của hai lá phổi để thở. Ai cũng nghĩ rằng khi hít hơi thở vào thì phải thót bụng lại. Không phải thế. Ngược lại thì đúng hơn. Muốn hít dưỡng khí cho thật đầy buồng phổi, ta phải làm sao cho bụng phềnh lên. Rồi khi thở ra thì phải thắt bụng lại. Tôi đã thử làm như Bác sĩ Victor Pauchet viết trong cuốn sách. Tôi còn tập cách làm sao cho có một hơi thở thật dài. Bác sĩ bảo: Đi bộ, từ từ hít hơi vào phổi trong 10 bước đi -- Giữ hơi trong phổi trong 10 bước đi -- Thở hơi ra từ từ trong 10 bước đi... Việc tập thở này giúp tôi có một hơi dài để hát hay hơn trước. Người ta cứ cho rằng hát hay là do ở những dây cuống họng tốt, nhưng nếu không có làn hơi phong phú để "chỉ huy" những dây đó thì không thể hát hay được. Victor Pauchet còn dạy tôi về auto suggestion (tự kỷ ám thị). Bác sĩ cho ai cũng có thể tự chữa bệnh được. Chẳng hạn nếu tôi bị nhức đầu nhưng tôi cứ lẩm nhẩm trong bụng (hay trong miệng) rằng tôi không nhức đầu nữa thì bệnh nhức đầu của tôi sẽ tiêu tan ngay. Hay là nếu đi trong đêm vắng mà miệng cứ la to: "Ta không sợ ma! Ta không sợ ma!" Thì chẳng có con ma nào dám đến để bắt hồn ta (trừ ma femme). Trong xã hội Việt Nam thời đó, người đàn bà có mang thường hay mua tranh ảnh vẽ trẻ con đẹp để treo trong nhà, cho rằng hằng ngày ám ảnh bởi cái nhìn (ám thị) trẻ con bụ bẫm thì sẽ đẻ con xinh đẹp. Trong đời tôi, những khi tôi lâm vào cảnh khó khăn, tôi thường tự cứu mình bằng lối tự kỷ ám thị như vậy.
Quay về với hội hoạ. Tại sao tôi không chung tình với hội hoạ mà chỉ thích hát hay tập thể thao? A°, có gì lạ đâu! Tuy thích vẽ nhưng tôi không tin tưởng vào nghề vẽ. Nó không hợp với tính tôi, vốn là một người ồn ào, bắng nhắng. Hình như hoạ sĩ là hạng người ít nói nhất trong đám thích ăn to nói lớn là giới văn nghệ sĩ. Bùi Xuân Phái hiền như bụt. Mai Văn Hiến, Phan Kế An là những quỷ sứ ở trong trường nhưng khi trở thành hoạ sĩ thì làm việc rất âm thầm, dùng mầu sắc nói hộ mình chứ không oang oang như kẻ sử dụng âm thanh là tôi!
Mới gặp nhau đây ở Paris, Võ Lăng nói:
-- Mày vẽ được, tại sao không tiếp tục vẽ?
-- Chao ôi ! Suốt một đời, tao phải làm nghề nhạc sĩ để sống và ngoài nghề này ra, tao không biết làm gì hơn là đem lời ca tiếng hát để đánh đổi lấy miếng cơm manh áo. Đôi khi tao cũng muốn quay về với cây cọ, với mầu sắc nhưng tao quá bận bịu nên không muốn kiêm thêm một thứ gì khác ngoài âm nhạc ra. Phải sống thêm một đời người nữa, chưa chắc tao đã làm hết được những việc tao muốn làm trong âm nhạc. Do đó tao không dám "nghèo mà ham" đâu!
Tôi đành phụ bạc với Nàng Mỹ Thuật vậy! Chỉ xin được tôn thờ Nàng, mỗi khi có dịp qua Paris là tôi lang thang cả ngày trong Musée Du Louvre hay trong khu Montparnasse. Văn Cao mới là giỏi: nhạc sĩ kiêm thi sĩ - kiêm hoạ sĩ - kiêm chiến sĩ... Xin hoan nghênh bạn! Tuy nhiên tôi xin cám ơn những ngày được học hỏi Cái Đẹp tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Trong nhiều bài hát của tôi, ngoài căn bản là thi ca và âm nhạc, có nhiều khi hội hoạ len lỏi vào. Người đã nói hộ tôi điều này là nhà văn Xuân Vũ, tôi biết ơn anh!
Mùa Thu 1941. Tôi đã xấp xỉ 20 tuổi. Bàn tay công nhân được làm quen với búa với xẻng nay đã được dùng để cầm bút pha mầu. Anh thanh niên "được" đi đầy ra biên giới hẻo lánh xa xôi khi trở về thành đô ấm cúng thì có thêm biết bao nhiêu là bạn mới. Hà Nội cũng được tôi, trưởng thành hơn, khám phá thêm. Bây giờ là lúc tôi biết thưởng thức các món ăn mà từ Thạch Lam, Nguyễn Tuân cho tới Vũ Bằng... ai cũng ca tụng một cách thần sầu. Tuy nhiên, ăn chả cá mà không có mùa lạnh và mưa phùn Hà Nội thì đâu có thể ngon như mình xưng tụng. Cá dùng để làm chả cho ta ăn ở quán Lã Vọng phải là cá đặt mua ở ngã ba Sông Đà, nghe không? Quan trọng hơn nữa là cung cách tiếp khách của ông chủ hay bà chủ. Bánh tôm à? Tại sao phải là bánh tôm Cổ Ngư hay bánh tôm hồ Trúc Bạch? Thưa rằng thực khách phải ngồi xổm bên bờ hồ thì ăn bánh tôm mới ngon, tôi nghĩ vậy... Thôi, tôi không dám nhớ lại món ăn Hà Nội nữa, vì viết tới đoạn hồi ký này thì nước dãi ứa ra đầy miệng tôi, xin cho tôi thông qua để đi tới những ký ức khác.
Bây giờ đã tới lúc tôi không còn được ở Hà Nội để đi học và để đi ăn quà nữa rồi. Thật là lạ lùng, anh Khiêm từ Pháp về, trả nhà thuê cho chủ nhà rồi tới ở chung với người chị tôi tại đường Carreau, đùn trách nhiệm nuôi mẹ cho anh Nhượng (lúc này đã tốt nghiệp trường Sư Phạm và được bổ làm giáo học ở Hưng Yên). Đã tiêu hết số tiền để dành, không có ai tiếp tế để đi học vẽ nữa, tôi bèn thu xếp hành lý đi về Hưng Yên với mẹ.