Lui đôi chân, tiến đôi thân
Sàn gỗ trơn, chập chờn như biển gió...
MƠ I SAY -- Vũ Hoàng Chương
Trong cái xã hội xinh xinh là Hà Nội vào những năm 1930 đó, ngoài biến động lớn như sự vùng lên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng có những biến động nhỏ có tính chất cải cách phong hoá mà tôi được chứng kiến.
Thực ra, cuộc cải cách đã bắt đầu từ khi người Pháp mới tới nước ta. Nền luân lý cổ đã khởi sự bị từ chối bởi một giai cấp trung lưu thị thành được tạo nên do sự có mặt của người Pháp. Lớp người này được tiếp xúc với văn minh Tây Phương nên có lề thói và tâm lý khác hẳn với quần chúng nông thôn. Họ muốn biến đổi thứ văn hoá cũ có tính chất nho phong và thôn ấp mà họ cho là lạc hậu. Trước hết là trong phạm vi thẩm mỹ. Một tổ chức yêu nước như ĐÔNG KINH NGHI²A THU´C, tuy chống Pháp nhưng cũng vận động cắt tóc, bỏ nhuộm răng, mặc âu phục... Như đã kể ra trong Chương Một, việc bố tôi cắt búi tó là một thảm kịch trong gia đình tôi.
Khi tôi lên 10, tôi được biết thêm một cuộc cải cách phong hoá rùng rợn khác. Đó là chuyện cạo răng đen của các chị tôi! Trong thời đó, chỉ có hạng me Tây mới cạo răng đi. Con nhà nền nếp, những khi soi gương, dù đã bắt đầu thấy răng đen là "phản mỹ thuật" nhưng ai cũng sợ bị liệt vào hạng gái lấy Tây nên người nào quyết định cạo răng thì người đó phải có tinh thần "kách mệnh" ghê lắm! Với bản tính hiền lành, mẹ tôi không nguyền rủa hai cô con gái sau chuyện cạo răng này nhưng tôi thấy hai chị phải dấu mẹ để đi cạo răng. Cạo răng xong, trở về nhà, hơn một tuần lễ không dám mở miệng ra để nói chuyện với mẹ.
Rồi lúc đó lại có thêm một biến động nữa làm cho dân Hà Thành nhốn nháo cả lên. Đó là một phong trào do cô Hoàng Thị Nga khởi xướng, với một nhóm thiếu nữ mặc quần áo chẽn, biểu dương tinh thần bình đẳng với nam giới bằng cách phăng phăng đi bộ trên đường cái, từ Bạch Mai tới Vạn Thái, vượt được con đường "chông gai" dài những... 4 cây số! Đây cũng là một chủ trương biến đổi phong hoá. Thanh niên bây giờ phải khoẻ mạnh, phải ham chuộng thể thao. Con gái cũng không thua con trai đâu nhé! Sau khi biểu diễn một đường đi bộ như vậy ở Hà Nội, các cô làm một phát đi xa hơn, đi từ Hà Nội ra tận Đồ Sơn. Giữa đường có cô mệt quá đành phải bỏ cuộc lên xe lửa trở về. Người Hà Nội gọi phong trào này là "Tiểu Thư Đi Bộ". Ai cũng lắc đầu le lưỡi bảo nhau: "Con gái nhà ai vô phúc hay sao mà dám mặc quần đùi đi bộ như thế kia nhỉ?" Một ông giáo dạy tiếng La Tinh tên Pétrus Lê Công Đắc -- người mà cả Hà Nội cho là "gàn bát sách" -- còn viết một vở hài kịch để chế nhạo các tiểu thư đi bộ này. Về sau, ngoài phong trào phụ nữ Âu Châu đòi bỏ nịt vú gây khá nhiều xúc động, không biết những phong trào các bà các cô đòi bình quyền ở những nước khác có gây nên những cơn giông tố nào không? Chứ cái vụ tiểu thư đi bộ ở Hà Nội vào đầu thập niên 30 đã bị dư luận chê bai dữ dội lắm.
Nhưng việc chê bai những"tiểu thư đi bộ" này cũng không ngăn được sự "tiến hoá" của một số thiếu nữ Hà Nội. Với sự ủng hộ của Thống Sứ Châtel, họ thành lập một đội đánh "khúc côn cầu" (hockey) là môn thể thao quen thuộc của người Hồng Mao. Mặc cho điều dị nghị của những người khó tính mô tả họ như những "mụ thung" -- nghĩa là các bà đi gắp phân -- các thiếu nữ tân tiến này vẫn vung "khúc côn" lên để nêu cao tinh thần thể thao của nữ giới như thường! Một trong các nữ cầu thủ của đội hockey này sẽ trở thành hoa khôi trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.
Một vụ khác cũng làm cho Hà Nội sôi nổi, gây nên cuộc bút chiến lớn trên báo chí. Đó là sự xuất hiện lần đầu tiên của một nhà hàng khiêu vũ tại Khâm Thiên. Hồi đó, ở khu vực mà Văn Cao sau này gọi là Phường Dạ Lạc có một kỹ nữ nổi danh là đẹp và hát hay là Cô Đốc Sao. Bà chủ của nhà hát ả đào này là người đã làm cho nhiều khách làng chơi phải nghiêng ngửa và sau khi bỏ ông chồng làm Đốc Tơ thì trở thành người tình của một nhà văn kiêm chủ báo Đông Tây là Hoàng Tích Chu. Ông này là một thanh niên du học bên Pháp trở về và là người đầu tiên gây nên phong trào lãng mạn, trước cả những nhà văn, nhà thơ lãng mạn trong Tự Lực Văn Đoàn.
Nhà hàng khiêu vũ đầu tiên ở Hà Nội do Cô Đốc Sao và người em làm chủ, vũ nữ là các ả đào cũ, được mở ra để chiêu đãi các ông Tây rồi khi khách làng chơi Việt Nam nếm mùi khiêu vũ rồi thì họ mê luôn. Nhẩy đầm trở thành một phong trào lớn. Có người chống đối, có người ủng hộ... sau dần rất nhiều người học nhẩy đầm và nếu còn ngượng ngùng không dám tới dancing thì tổ chức nhẩy đầm ở tư gia vậy. "Giáo sư" đầu tiên của nghề dạy khiêu vũ là Đỗ Đình Khang. Anh này lấy tên Jean Dod K. cho có vẻ "kẻng" (américain).
Người ta cứ đổ tội cho Pháp tạo ra nhẩy đầm để người Việt ăn chơi rồi quên chiến đấu. Cũng có thể là như vậy. Nhưng vì suốt đời sống bằng nghề nhạc, nhiều khi phải đánh đàn hay ca hát cho người ta khiêu vũ, tôi có một nhận xét là: nhẩy đầm không phải môn giải trí tao nhã của văn minh Tây Phương (theo quan niệm của người bênh vực nó trong những năm 30) hay là một chuyện bất lương, đồi phong bại tục (như người chống đối nó). Nó cũng chẳng phải là chuyện dâm dật như người đạo đức ở Hà Nội lúc đó đã gán cho là dâm đứng (amour vertical).
Khiêu vũ, theo tôi, là một cách thoát dục (défoulement) rất hiệu nghiệm. Khi thấy người ta ôm nhau nhẩy với nhịp điệu cổ điển như tango, slow... hay không ôm nhau nữa với nhịp tân thời như charleston, be bop... và uốn éo hay quay cuồng một cách rất tự nhiên trên sàn nhẩy, tôi có cảm giác họ đang... lên đồng! Vâng, phải là lên đồng thì mới có can đảm phô diễn cái dục tính của mình ra trước công chúng qua những cử chỉ mà dưới con mắt của người khó tính thì là đang làm những... trò khỉ. Không nhớ đã có ai nói với tôi rằng con người là hậu thân của loài khỉ nên vẫn còn rớt lại cái tính thích biểu lộ cái dục ra ngoài. Ai đã từng đi chơi Sở Thú nhiều thì đều thấy loài khỉ hay đứng dạng háng cho loài người coi... cái "của quý" của khỉ. Nhà nhẩy đầm chính là nơi để người ta, sau khi làm việc, tới ôm nhau để cho bản năng thú tính -- dục tính -- được thoát ra với cuộc nhẩy múa, nhẩy theo tiếng nhạc càng ngày càng giống như nhạc Hát Chầu Văn. Nhẩy đầm cũng còn là để chống cái luật "nam nữ thụ thụ bất thân", không cho trai gái gần nhau của thời đó.
Chỉ có những người nào mà dục tính được thể hiện mạnh mẽ qua những nẻo đường khác thì mới không thích nhẩy đầm. Như tôi chẳng hạn. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ Mời Say mô tả sự nhẩy đầm. Tôi có hai bài ca nói tới khiêu vũ là Tình Kỹ Nữ và Vũ Nữ Thân Gầy:
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người vũ nữ nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ nhíu đôi lông mày.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau...
(Vũ Nữ Thân Gầy)
Trong xã hội Việt Nam, cũng đã có từ lâu một phương cách hiệu nghiệm để giải toả ẩn ức như nhẩy đầm. Đó là sự lên đồng. Tôi không biết truyền thống đồng cô bóng cậu có mặt ở nước ta từ bao giờ nhưng vào lúc tôi còn bé, tôi thấy trong gia đình tôi có nhiều người lúc nào cũng muốn nhập vào bóng bà Mẫu Thoải, bà Chúa Thượng Ngàn, Ngũ Vị Vương Quan hay Thập Tam Hoàng Thái Tử...
Từ lúc còn bé, tôi đã được tham dự không biết bao nhiêu lần những buổi lên đồng, nghe không biết bao nhiêu lần những điệu hát chầu văn vô cùng phong phú và hấp dẫn. Về sau này tôi còn được làm quen với ông vua của làng cung văn là Tư Quất, khi tôi soạn những chương trình âm nhạc dẫn giải cho một Đài Phát Thanh ở Saigon.
Người Việt Nam, từ xưa cho tới ngay bây giờ -- 1989 -- dường như không bao giờ chống đối sự lên đồng. Trước 1975, tuy ở cả hai miền Nam Bắc đều có những cuộc "cách mạng" cả nhưng tại điện Hòn Chén ở Huế vẫn còn có những cuộc lên đồng tập thể với sự tham dự của hằng trăm phụ nữ giầu cũng như nghèo. Trong cộng đồng tị nạn ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu hiện nay, vẫn còn có những nơi để phụ nữ tới lên đồng. Trong cuốn Đặc Khảo Về Dân Nhạc -- nhà xuất bản Hiện Đại, Saigon 1972 -- tôi cho rằng... phụ nữ Việt Nam nhờ ở sự lên đồng để giải toả những ẩn ức và để thể hiện những nguyện vọng thầm kín của mình. Người đàn bà Việt Nam suốt đời bị lép vế đã nhờ ở sự lên đồng để "hoá thân" thành thần thánh và ban ơn cho mọi người. Đó cũng là một hành động tốt để làm cho xã hội được quân bình và không sinh ra nhiều tội ác... Không biết các bà lên đồng rồi mê cung văn có phải là một tội ác hay không nhỉ? Một bà bạn của mẹ tôi đã bỏ chồng đi theo một anh cung văn hát hay. Họ sống cũng có vẻ hạnh phúc lắm.
Nói tới chuyện lên đồng của thời tôi còn bé thì phải nói tới Cô Bé Tý ở Hàng Bạc, một cô me Tây rất ngộ nghĩnh mà tôi có hân hạnh được tới gần. Cô Bé Tý được coi như ngang hàng với người nổi danh trong làng me Tây là cô Tư Hồng nhưng cô Bé Tý được nhiều người yêu mến vì tính đồng bóng của cô.
Trước hết, cô Bé Tý là người rộng rãi, ai xin tiền cô cũng cho. Rồi tới cái ngông của cô là ở ngay giữa thành phố, cô cho xây một Sở Thú (Zoo) nhỏ với một dẫy chuồng nhốt khỉ, gấu và những con thú (cô làm thành quái vật) như gà ba chân và lợn hai mõm. Ai đi qua nhà cô cũng phải dừng chân lại để coi Sở Thú tí hon này. Tôi và thằng Bảo là bạn ở cạnh nhà (cháu của Chu Viên, em rể của Duy Lam, Thế Uyên) được cô rất yêu. Được cô cho vào chơi. Vào trong nhà cô là như lạc vào trong truyện vẽ bằng tranh, vào trong truyện thần tiên. Nào là những xác chim, xác hổ được nhồi bông. Nào là những con rắn sống uốn mình quanh chiếc ngai sơn son thếp vàng trên đó có cô Bé Tý ngồi bảnh choẹ và lên đồng thường xuyên giữa một đám đầy tớ toàn là những người lùn. Ai vào nhà Cô thì đều phải gọi Cô là Bà Chúa.
Đối với tôi, cô Bé Tý với thế giới gà ba chân, lợn hai mõm, những người lùn, những đồng cô bóng cậu mặc y phục lộng lẫy, múa gươm hay chèo thuyền trong khói nhang nghi ngút, với chiêng trống tưng bừng... giống như chuyện ảo tưởng có thực. Tôi luôn luôn cho rằng những người như Cô Bé Tý, người chào không biết mỏi ở phố Hàng Dầu -- và sau này nhà thơ Bùi Giáng -- là những người sung sướng nhất, vì họ được luôn luôn sống trong cảnh dị thường. Được sống đầy đủ với cô Bé Tý trong một thế giới thần tiên nên sau này tôi không còn ham mê đọc những tác phẩm giả tưởng của Andersen và cũng không còn thích coi những phim hoạt hoạ của Walt Disney nữa.
Hà Nội ngày tôi còn bé, luôn luôn có những cơn sốt dị đoan như hiện tượng bàn ma xẩy ra trong một thời gian khá lâu. Nhà nào cũng có một cái bàn nhỏ ba chân rồi người ta ngồi chung quanh cái bàn đó, hai tay đặt vào thành bàn, sau khi khấn khứa với con ma bàn, người ta hỏi chuyện nó. Hỏi chồng bà này chết bao nhiêu năm rồi? Hỏi mẹ của bà nọ ở bên kia thế giới có vui hay không? Vui thì chân bàn gõ hai cái, buồn thì chân bàn gõ một cái... Cái bàn ma đã trả lời vanh vách với tiếng chân bàn gõ canh cách. Vừa run rợ vừa thích thú vì thấy mình như lạc vào cõi ma, nghe được thông điệp của người chết, tôi lại càng sợ hơn khi thấy có người đào mả lấy gỗ quan tài để làm thành cái bàn ma.