Tôi mồ côi cha năm lên hai tuổi
Mẹ tôi thương con nên không lấy chồng...
Lời Mẹ Dặn-- Phùng Quán
Bố tôi chết đi để lại một gánh nặng cho mẹ tôi. Ngoại trừ Anh Khiêm vì học giỏi nên có học bổng của Pháp cho đi Tây học và không cần đến ai lo lắng, mẹ tôi phải lo liệu để nuôi sống lũ chúng tôi lúc đó hãy còn thơ dại.
Con gái một ông đồ và vợ goá của một nhà văn thì làm gì có sẵn nghề nghiệp chuyên môn trong tay. Nhưng rồi cũng giống như hầu hết các bà mẹ Việt Nam trong xã hội Hà Nội trí thức tiểu tư sản ấy, mẹ tôi đã khéo xoay xở để nuôi chúng tôi lớn lên. Khi thì mẹ đi các tỉnh miền thượng du để mua sừng nai, xương cọp đem về nấu thành cao ban long, cao hổ cốt, bán thẳng cho người mua. Khi thì mẹ mua cả dăm bẩy chục gánh hoa sen rồi cả nhà ngồi bóc cánh sen lấy nhụy hoa ướp trà, cũng để bán trực tiếp cho khách hàng. Không hề có một cửa hàng bán cao hay bán trà sen. Việc bóc cánh hoa sen làm cho anh em chúng tôi rất thú vị vì được nhẩy nhót hay ngã lăn quay trên đống cánh sen vừa thơm vừa mát. Việc phụ giúp cho mẹ và các chị nấu cao thì cực lắm. Nấu cao vào buổi trưa mùa hè ở trong một ngôi nhà thấp lè tè là một cực hình. Cho nên phải nấu vào ban đêm. Có một lần ai cũng buồn ngủ cả, lửa bén lên mái bếp, xuýt cháy cả phố !
Nếu đem so sánh với lũ con tôi lúc chúng còn bé thì phải nói rằng tôi sinh ra là con nhà nghèo. Tuy không đến nỗi phải sống trong cảnh mẹ goá con côi rất bi thảm nơi đồng quê hay trong cảnh ngộ của những người thiếu thốn hơn mình nơi đô thị, nhưng cho tới năm 14 tuổi, tôi vẫn phải quanh năm mặc quần áo ta -- trong mấy năm tiểu học, học trò đều phải mặc áo dài khi đến trường -- và phần nhiều là áo rách, áo vá. Tôi không bao giờ có một thứ đồ chơi nào cả! Đừng nói chi tới những thứ đồ chơi tầm thường của hai đứa con út của tôi mười năm trước đây như xe ô tô hay xe lửa tí hon, búp bê hay "gi ai giồ" (GI JOE = búp bê lính Mỹ) ngay cả những đồ chơi nội hoá làm ở phố Hàng Sắt Hà Nội hay những ông tiến sĩ giấy, những đèn xếp, đèn lồng trong ngày Tết Trung Thu, tôi cũng không nhớ là đã được mẹ hay được bất cứ một người lớn nào tặng cho anh em tôi. Toàn là tự tay làm đèn giấy để chơi với nhau. Trong suốt năm, lúc nào hai anh em tôi cũng ngong ngóng chờ ngày Tết đến vì chỉ vào những ngày này mới có thêm một bộ quần áo mới và mới được người lớn cho tiền. Mẹ tôi phải xoay xở vất vả lắm mới có đủ tiền để nuôi con và trả nợ cũ của bố tôi, thậm chí đã nhiều lần phải gá bạc để có tiền đi chợ. Nói cho đúng ra, mẹ tôi có hai thứ say mê là đánh bài và đi lễ cho nên cái chuyện mời bạn bè tới nhà đánh bài để lấy tiền hồ cũng chỉ là chuyện tự nhiên.
Không giầu để có thể luôn luôn mua đồ chơi hay may quần áo mới cho anh em tôi, mẹ tôi chỉ có thể biểu lộ tình thương yêu đối với đứa con út bằng cách cho tôi theo mẹ trong bất cứ một cuộc đi lễ xa gần nào. Tôi được đi lễ ở nhiều đền chùa nổi danh miền Bắc như Chùa Hương, Chùa Trầm, Đền Sòng Phố Cát... Cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ làm tôi muốn trở thành một con người hiếu đạo. Thật thế, chùa chiền rất cần khung cảnh chung quanh để tạo cho ta sự thoát tục sau khi phải sống cuộc đời đầy bụi bậm. Tiếc rằng sau này tôi không tìm lại được sự rung cảm kỳ diệu đó ở những đền chùa quá ư "văn minh" tại miền Nam.
Từ lúc còn rất bé, không những được đi lễ với mẹ luôn luôn, tôi còn được mẹ tôi dạy tụng những câu kinh Phật: "... Lư hương xạ nhiệt pháp giới mông vân chư phật hải hội... " Tôi lại là thằng bé không thích ăn thịt hay chấm nước mắm, nhiều khi chỉ ăn cơm với oản, với chuối cho nên ngoài cái tên "thằng tôm", tôi còn có thêm cái tên là "chú tiểu".
Bây giờ về già nếu cần phải nhớ tới một trong những mối sầu lâng lâng đầu tiên của đời mình thì tôi phải nói tới buổi trưa hè trên một nẻo đường cái quan... Sau khi đi lễ ở một ngôi chùa nào đó, hai mẹ con tôi ngồi ôm nhau trên chiếc xe kéo bánh gỗ đưa chúng tôi về Hà Nội, anh phu xe nhễ nhại mồ hôi, con đường vắng tanh vắng ngắt, hai bên đồng lúa im phăng phắc, thời gian như ngừng trôi... Hình ảnh êm đềm và bâng khuâng này giống như một âm bản tuyệt vời của tuổi thơ đặt vào trong một cái máy thu hình là trí nhớ của tôi để mỗi khi muốn nhớ tới mẹ là tôi đem rửa ra thành một tấm dương bản. Lại cũng còn có thêm một âm bản khác, dữ dội hơn, với hình ảnh hai mẹ con đi lễ trong khi trời đang giông bão, có cột đèn đổ, có cây gẫy cành chắn ngang đường đi... Người ta thường nhớ tới cha mẹ trong cảnh gia đình đầm ấm -- tôi cũng đã từng nói tới -- với hình ảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, xa xa có tiếng còi tầu v.v... Tôi thường chỉ nhớ mẹ tôi trong kỷ niệm của những cuộc đi lễ xa xưa như vậy.
Tất cả các bà mẹ trên thế gian đều là mẹ hiền cả, nhưng mẹ tôi, Nguyễn Thị Hoà, là người mẹ hiền hoà nhất. Không bao giờ đánh mắng tôi cả. Mỗi khi tôi làm điều trái thì mẹ kể cho nghe một câu truyện cổ răn đời. Truyện Thằng Cuội hay truyện Lục Súc Tranh Công. Hoặc dạy tôi bằng những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ: Trông người phải gẫm đến ta thử sờ lên gáy xem xa hay gần...
Là con một ông đồ, mẹ tôi cũng đã làm thơ. Tôi chỉ nhớ mang máng qua một câu thơ yết hậu, mẹ tôi kể truyện chú tiểu ăn trộm oản khi nhìn thấy ông sư ve bà vãi. Chữ nghĩa mà mấy anh em chúng tôi có được, từ Khiêm qua Nhượng tới tôi, không hẳn chỉ từ người cha Phạm Duy Tốn. Tấm lòng thì chắc chắn phải từ mẹ mà ra. Trong đời, đôi khi tôi là người tốt bụng, đó là lúc tôi nhớ tới mẹ tôi. Cử chỉ khoan thai, đi đứng từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, không bao giờ mẹ tôi có những hành động quá đáng. Vui vừa đủ khi ù một ván tổ tôm. Buồn kín đáo khi ngồi im lặng cả ngày trước cỗ bài để phá trận. Lúc nào cũng lo lắng về những món nợ cũ của bố tôi. Chủ nợ là người không giầu có cho lắm, không tháng nào mẹ tôi chậm trả nợ.
Tuy nghèo nhưng mẹ là người rất rộng rãi. Nhà tôi luôn luôn có những người không phải họ hàng tới trọ. Ơ± lâu đến độ trở thành người trong gia đình luôn. Tôi vừa lớn lên là đã thấy một ông già gầy gò móm mém, có cái tên là ông Cả Bịp, lúc nào cũng mặc áo dài, sống luẩn quẩn trong nhà. Giang sơn của ông là một trong sáu cái giường trong nhà. Tài sản của ông là cái tráp và cái gối gấp, ông hay dựa vào đó để ngồi tụng kinh. Công việc của ông chỉ có thế! Ông không hề phải làm bất cứ việc nào khác hơn là tối tối thắp hương cúng Phật. Tôi cũng được ông dạy tụng kinh. Sinh ra trong một gia đình thờ Phật nhưng tôi không phải là kẻ sùng đạo. Hay là đệ tử cuồng tín của một đạo giáo. Lớn lên, tôi hiểu được cái hay của "tam giáo đồng nguyên" trong mỗi chúng ta: lúc còn bé, đạo Phật dạy ta biết chuyện muôn ngàn thế giới, lớn lên đạo Khổng dạy ta phép sống trong xã hội, về già đạo Lão dạy ta sự vô hư.
Ông Cả Bịp có người con tên là Tường, làm phu cạo mủ cao su trong Nam. Lúc còn bé, tôi được người lớn cho biết hai chuyện ghê gớm: chuyện mẹ mìn bắt trẻ con đem sang Tầu bán và chuyện Tây "bắt cóc" người đem đi làm phu ở Nam Kỳ hay ở Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie, thuộc địa của Pháp). Bị bắt cóc hay nói cho đúng hơn là bị ông Tây mộ phu lừa lọc, phải làm việc rất nặng nhọc, bị bóc lột một cách tàn nhẫn, phải sống ở nơi sơn lam chướng khí... rất ít phu đồn điền cao su còn sống để trở về quê quán. Và tôi thấy được cái thảm hại trên con người từ đồn điền cao su trở về là anh Tường. Con ông Cả Bịp về Hà Nội với thân tàn ma dại, với đôi mắt lờ đờ của người nghiện rượu, với đôi bàn tay trắng và cũng chẳng còn sống thêm được bao nhiêu năm nữa. Khi lớn lên tôi mới thấy thương anh Tường. Lúc còn bé tôi nhìn anh như một tay "anh hùng hảo hớn", dám sống, dám chết, vì được anh cho coi những vết sẹo trên người và nghe anh kể lại những ngày ở trong rừng cao su, đụng nhau với đủ mọi thứ anh chị trên đời. Cũng chính anh đã đem vào trí tưởng tượng của tôi hình ảnh một Nam Kỳ xa lắc xa lơ mà người Bắc Kỳ nào cũng mơ ước có ngày được phiêu lưu vào nơi đó! Và tới ngày tôi nghe tin ông Tây mộ phu nổi danh ở Hà Nội là Bazin bị ám sát thì tôi cảm thấy như anh Tường, con ông Cả Bịp đã được trả thù!
Năm 1930 cũng là năm đầu tiên của sự khủng hoảng về kinh tế ở Hoa Kỳ, kéo theo sự khủng hoảng mọi nơi trên thế giới. Ơ± Việt Nam và trong xã hội trung lưu Hà Nội, ảnh hưởng của nó cũng chẳng là bao vì làm gì có một nền kinh tế lớn lao tại thủ đô miền Bắc này. Tuy nhiên cũng có đôi ba người thất cơ lỡ vận và mẹ tôi đã cho bà "m Chung và bà Tư Hưng Yên tới tá túc tại nhà chúng tôi. Bà "m Chung mở lớp dạy đàn tranh, có lèo tèo dăm bẩy học trò trong đó có hai chị của tôi. Bà Tư thì cùng mẹ tôi bổ cau, phơi khô đem ra chợ bán.Về sau tôi cũng thừa kế tính rộng rãi của mẹ. Trong đời tôi, đã có nhiều lúc tôi mở rộng cánh tay ra, như mẹ yêu đã làm trong dĩ vãng.
Không phải vì thương con nên không lấy chồng như bà mẹ Phùng Quán trong bài thơ Lời Mẹ Dặn, xã hội thị thành lúc đó không cho phép người goá phụ còn trẻ là mẹ tôi bước đi bước nữa. Trong khu phố tôi, cũng không thấy có goá phụ nào tái giá cả. Ngay cả người vú sữa mà tôi coi như người mẹ thứ hai cũng là người lâm cảnh góa bụa và cũng ở vậy suốt đời dù vú không thuộc giai cấp trung lưu Hà Nội.
Vì mẹ tôi phải lo toan cho cuộc sống gia đình nên tôi được khoán trắng cho chị vú sữa để chị nuôi nấng tôi từ lúc lọt lòng cho đến khi tôi 6 tuổi. Tôi sống gần vú hơn là gần mẹ, do đó tới ngày tôi lớn và không cần tới sự săn sóc của vú nữa, vú phải trở về quê thì tôi nhất định không cho vú đi. Tôi khóc và lăn mình dẫy dụa trên đường cái. Mẹ tôi thương con nên dỗ ngọt nhưng Thầy Kim lôi vào nhà đánh cho một trận đòn khá nặng.
Thầy Kim đây là Trần Trọng Kim, nhà viết sử và vị Thủ Tướng sau này của Việt Nam. Từ khi bố tôi chết đi (là lúc tôi lên 2) cho tới khi tôi 14 tuổi (là lúc Ông Khiêm đã đậu xong bằng Thạc Sĩ và đã trở về nhà) ông Trần Trọng Kim, vốn là bạn thân của bố tôi, trở thành một thứ bố đỡ đầu của chúng tôi. Chúng tôi phải gọi bằng Thầy (danh từ này không hẳn chỉ có nghĩa là Thầy Giáo mà còn có nghĩa là Thầy Mẹ) và mỗi tuần, Thầy Kim đều tới nhà tôi một hay hai lần để coi sóc chúng tôi.
Thầy Trần Trọng Kim không có con trai nên hai anh em tôi được thầy năng tới chăm sóc. Tôi kính trọng Thầy nhưng thấy Thầy không thay thế được bố mình. Nhiều khi có những bạn cũ của bố tôi như các ông Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục... tới chơi với Thầy Kim thì có ngay một cuộc đánh chắn hay đánh tổ tôm với mẹ tôi. Tôi và các anh chị tôi tranh nhau chia bài để lấy mấy chục xu tiền thưởng.
Tôi còn nhớ giọng nói sang sảng của ông Bùi Kỷ, cái tính hay bẹo má chúng tôi của ông Nguyễn Văn Vĩnh và lòng bàn tay đỏ như son của Thầy Trần Trọng Kim. Mầu đỏ rực của lòng bàn tay này, cái tướng của những người cai trị dân, tôi cũng thấy có nơi lãnh tụ Cộng Sản Trường Chinh mà tôi gặp ở Thái Nguyên vào năm 1946. Thầy Kim lúc đó làm Thanh Tra Tiểu Học và tuần nào cũng tới nhà tôi trước khi ra toà nhà Khai Trí Tiến Đức để cùng với một số các vị khác hợp soạn cuốn Việt Nam Tự Điển. Khi đó tôi đã qua tuổi lên 10 và tôi hay đánh cờ tướng với Thầy, có những ván cờ tôi thắng Thầy mới là hay chứ! Kỷ niệm khó quên nhất là năm tôi học lớp Nhất trường Hàng Vôi, sắp tới ngày thi tốt nghiệp Tiểu Học, trong cuộc đánh nhau với một thằng bạn (tên là Doãn thì phải), tôi đã dùng bút để đâm vào tay nó khiến cho tay nó sưng vù lên và suýt nữa nó không đi thi được. Nếu không có Thầy Kim thì tôi đã bị đuổi ra khỏi trường rồi!
Vì là con út, lại mồ côi cha nên tôi là con cưng của mẹ. Khi tôi lên 6 và vú tôi trở về quê thì từ đó tôi được ngủ chung với mẹ. Cho tới khi tôi 14 tuổi, tôi vẫn còn được ngủ chung với mẹ. Lúc còn rất bé, sáng nào cũng nằm hay ngồi trong chăn để nhìn mẹ pha trà tầu, hơ chén nước nóng lên mắt cho hạ hoả, uống trà và... cãi nhau với vú già. Tội nghiệp, vú già đần độn và bướng bỉnh vô cùng, sáng nào cũng có một cái lỗi lầm nào đó để nghe mẹ tôi mắng mỏ rồi hai bên cãi nhau như hai chị em vậy. Vú già ở trong gia đình tôi gần như suốt đời nên sự to tiếng không bao giờ dữ dội cả. Tôi còn thấy vui vui là khác. Vì được mẹ nuông chiều, tôi về bè với mẹ và đôi khi tôi cũng nói nhảm với vú già, nhưng đối với vú nuôi thì tôi lại yêu quý vô cùng, có lẽ cũng còn do ở tính tình của vú nữa.
Đây là một người đàn bà nhà quê điển hình của miền Bắc lúc bấy giờ, nghèo mạt rệp, lấy chồng làm lính lệ, vừa có con mọn thì chồng chết, gửi con cho mẹ chồng và em chồng rồi ra tỉnh thành đem bầu sữa nóng của mình nuôi con người khác. Không ngu đần hay bướng bỉnh như vú già, trái lại, rất nhanh nhẹn, rất chịu khó, rất thông minh, trên môi lúc nào cũng có một nụ cười ngượng nghịu, ai khen cũng cười, ai chửi cũng cười. Đúng như Nguyễn Văn Vĩnh đã viết: người Việt Nam mình, cái gì cũng cười.
Bụng dạ vú Cẩn rất tốt. Nhiều khi thấy mẹ tôi tôi túng thiếu, vú mở hầu bao ra lấy tiền cho mẹ tôi mượn. Anh Nhượng cũng có một người vú nuôi, nhưng vú Nhượng đến rồi đi như một cái bóng, còn vú Cẩn thì sau khi thôi việc vẫn còn luôn luôn đi lại trong gia đình tôi như một người thân, có lần ở với chúng tôi gần một năm với tư cách vú già trước khi vú chết trong thời Nhật tới chiếm Đông Dương, khi đó tôi đã 19 hay 20 tuổi.
Từ khi vú bỏ tôi về quê, tôi đã nhiều lần được về sống với vú và con vú là thằng Cương ở một ngôi làng gần Trạm Chôi thuộc tỉnh Sơn Tây. Lúc đó tôi đi học rồi và qua những bài tập đọc bằng văn suôi hay văn vần trong cuốn QUÔ C VĂN GIA O KHOA THƯ, tôi được dạy dỗ để biết yêu đồng quê Việt Nam như thế nào rồi! Hãy giở những cuốn sách học vỡ lòng đó ra mà coi. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư -- Lớp Đồng "u có 55 bài tập đọc thì có tới gần 10 bài tả cảnh đồng quê. Em bé thị thành như tôi vào tuổi lên 9 mà lại học về cầy cấy, gieo mạ, gặt lúa. Học bài "con người nói chuyện với con trâu" bằng thơ. Hay học "nghề làm ruộng":
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta.
Rủ nhau đi cấy đi cầy
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Học về đồng ruộng nhiều hơn là học về vỉa hè, tôi lại có may mắn được về sống với vú tôi tại Trạm Chôi vào lúc tâm hồn tôi còn trong trắng, tôi biết được cái khổ hay cái sướng của một em bé quê ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ... để mấy chục năm sau có bài dân ca mới
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao...
Gia đình vú sống trong một nhà tranh vách đất thấp bé và tối tăm. Trong nhà không có bàn ghế, không có cả cái giường (kể cả giường nan), làm sao có được cái bàn thờ như ở số nhà 54 phố Hàng Dầu? Nhưng cũng có một cái bát hương đặt ở một xó nhà. Đêm đêm tôi ôm vú hay thằng Cương nằm ngủ trong ổ rơm, sáng dậy ra sân xúc miệng và rửa mặt bằng tay bên cái chum nước đã vỡ miệng.Vạch quần ra định đái thì cả nhà kêu thất thanh: " Đái vào cái nồi đất! Để còn tưới rau"... Cơm ăn là gạo hẩm. Món ăn là bát rau muống luộc, hiếm hoi mới có ngày ăn cơm với vài ba quả cà hay một đĩa tép. Cũng không sao, vì thuở bé, tôi rất dễ ăn.
Chắc chắn đời sống của dân quê dưới thời Pháp thuộc rất là cực khổ nhưng lúc đó tôi mới lên 9 lên 10, xin cho tôi chỉ nhìn cái đẹp của đời sống thôn ổ. Khi lớn lên, tôi sẽ biết cảnh dân quê nghèo khó tới mức nào và bị áp bức bởi cả thực dân và quan lại ra sao qua những tác phẩm văn chương của Trần Tiêu (CON TRÂU) hay Hoàng Đạo (Bùn Lầy Nước Đọng)... Nhất là khi tôi trở thành một nông dân bán-chính thức ở vùng Yên Thế. Được sống hẳn hòi ở nơi thôn ổ nên tôi cảm thông với tình cảnh của đa số dân chúng. Tôi sẽ nhanh chóng có hành động tích cực của một công dân yêu nước thương nòi. Tôi sẽ dễ dàng đi kháng chiến cùng với mọi người. Nếu chỉ ở Hà Nội và ngồi đọc sách không thôi, chưa chắc tôi đã tích cực như thế. Rồi khi trở thành nghệ sĩ thì có ngay lập trường rõ rệt là biết cúi đầu trước những niềm vui nỗi buồn của nhân dân, đa số là dân quê, để sáng tác. Nếu trong thời thơ ấu và khi mấp mé vào đời tôi không về sống ở đồng quê, chưa chắc tôi đã bén nhạy trước cảnh cô nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù hay cảnh bà mẹ quê cuốc đất trồng khoai ở vùng Bình Trị Thiên. Chưa chắc tôi đã ở lại với dân ca sau khi -- cũng như đa số các nhạc sĩ trẻ tuổi -- bị hấp dẫn bởi sự đồ sộ của nhạc Âu Tây dù cổ điển hay tân kỳ.
Tôi biết ơn những ngày được sống trong thôn ổ khi tâm hồn mình còn ngây thơ và trong trắng. Hình ảnh ruộng lúa xanh rì, đường làng hun hút, lũy tre bát ngát, cây đa bóng rợp, ngôi chùa tư lự... tất cả đã in sâu vào trí óc tôi để sau này khi cần phải phác hoạ cảnh đồng quê qua những bài dân ca mới, tôi không phải khó nhọc gì cả. Là người sống bằng tưởng tượng nên tôi cứ cho rằng cảnh vật cũng rất yêu tôi vì lẽ giản dị là tôi yêu cảnh vật ở đồng quê vô cùng.
Thằng Cương yêu tôi là chuyện tất nhiên. Có tôi nó hết bơ vơ. Hai anh em dắt nhau đi thả diều, đi câu cá. Thú nhất là đi bắt châu chấu rồi đem về rang với muối để ăn một cách ngon lành. Chúng tôi chia nhau từng củ khoai, củ sắn. Là con út trong gia đình, nhưng tôi lại có riêng một thằng em sữa.
Trải qua không biết bao nhiêu biến động chính trị trong đó không biết bao nhiêu đầu rơi xác đổ cho những nhân danh này nọ, ngày hôm nay, tôi vẫn tự hỏi không biết thằng em sữa bần cố nông của tôi có cái tên là Cương ấy, còn sống hay chết, đang làm gì và ở đâu? Lần cuối cùng tôi gặp nó là vào ngày Cách Mạng vừa mới thành công, nó là phu vác than ở Phố Hàng Than, Hà Nội. Tôi vừa ở trong Nam ra, mời nó đi ăn một bữa cơm rất sang và cho nó một ít tiền. Biết rằng vú đã chết, tôi cũng không hỏi thăm nó về chuyện vợ con của nó gì cả !