Tới Mỹ được hơn một tháng, Thanh Nhàn đi làm, dù Xuân khuyên: - Gì mà vội đi làm thế? Nhàn được ăn trợ cấp tới 18 tháng, mấy đứa nhỏ cũng được hưởng tiền xã hội tới năm 18 tuổi. Nghỉ ít lâu cho bù lại những năm cực khổ ở Việt Nam. Thủng thẳng rồi kiếm việc gì đàng hoàng mà làm, giỏi Anh văn như Nhàn thì lo gì? Nhàn cũng đã thuê một cái apartment để mấy mẹ con dọn ra khỏi ngôi nhà của vợ chồng Xuân ở thành phố Mission Viejo, Nam California. Nhàn muốn được tự do và cũng không thích hàng ngày chia sẻ cuộn sống của gia đình Xuân. Xuân có ngôi nhà bốn phòng ngủ rất đẹp trong khu nhà giàu vì chồng làm lương lớn, Xuân cũng đi làm và có thêm một con trai. Bé Oanh nay đã 12 tuổi và nói tiếng Việt ngập ngọng. Thằng con trai thì chỉ nói tiếng Mỹ. Mấy mẹ con lếch thếch từ trại tị nạn tới, Nhàn không có mặc cảm nhưng thấy rõ sự cách biệt của hai đời sống. Nhàn không quên ơn người bạn tốt nhưng đôi lúc cũng nghĩ nếu không vì bài báo của Jimmy Walker, Xuân không biết Nhàn tới Bidong, và mấy mẹ con được một người Mỹ nhân đạo nào đó bảo trợ, có lẽ Nhàn không thấy bị tổn thương tâm hồn hơn. Gặp lại Xuân, dĩ vãng thường hiện về và Nhàn lại nghĩ đến những bất hạnh cứ đeo đuổi mình trong lúc Xuân luôn luôn được số mệnh ưu đãi, dù trong chiến tranh hay khi hàng triệu người khốn khổ vì hòa bình. Nhàn không ganh tị với bạn nhưng không muốn đóng vai phản diện bên cạnh cuộc đời hạnh phúc của người khác. Khi được Xuân cho chiếc xe cũ làm phương tiện di chuyển, Nhàn vui mừng cảm ơn bạn nhưng trong lòng cũng thấy bị tổn thương. Nhàn cũng tìm cách khéo léo từ chối lời mời tới nhà Xuân ăn uống những ngày cuối tuần. Càng gần nhau Nhàn chỉ càng thấy sự xa cách giữa hai người, giữa hai cuộc đời. Vì vậy, Nhàn nhận đi làm ngay khi cơ quan tìm việc giới thiệu cho một tiệm McDonald s. Sau khi được huấn luyện vài giờ, cô bắt đầu làm việc. Xắt rau xà-lách, chiên khoai, nhớ tên các món ăn và làm thật nhanh cho khách mang đi. Phải mất mấy ngày Nhàn mới nhớ tên các món ăn được nghe lần đầu tiên trong đời và làm đúng, nhưng dù làm nhanh đến đâu vẫn bị viên quản lý - Joe, một anh Mỹ gốc Phi Châu - chê là vẫn còn chậm. Anh ta giảng giải tại sao người ta gọi là "Fast Food", và đời sống ở Mỹ cái gì cũng phải nhanh vì người ta thiếu kiên nhẫn. Người Mỹ thích tốc độ. Lái xe, ăn uống, yêu nhau, và đánh giặc. Cái gì cũng phải nhanh. Nhàn cũng thấy đời sống của mình đã thay đổi và cảm nhận đã trở thành một con ốc trong guồng máy lớn. Nhưng Nhàn thích như vậy hơn là bị đẩy ra bên lề xã hội như rác rưởi mắc kẹt trong lau lách hai bên bờ của một con sông. Ở đây, trên một đất nước xa lạ mới đặt chân tới lần đầu, nhưng Nhàn cảm thấy có sự liên đới với cuộc sống chung quanh hơn là tại chính quê hương mình. Cái Nhàn yêu thích nhất trong đời sống tại Mỹ không phải là sự dư thừa vật chất nhưng là sự tự do mà con người được hưởng như hít thở khí trời, cái tự do nâng cao nhân phẩm và giá trị của mỗi cá nhân, dù cá nhân ấy là một triệu phú hay là một nhân công tại một tiệm McDonald s. Nhưng, điều làm Nhàn vui nhất là được thấy Lisa và Tuấn hàng ngày được cắp sách đến trường học. Phượng cũng vào Trường Cao-đẳng Cộng-đồng với ý định học một nghề sau khi có trình độ Anh ngữ cần thiết. Những cuộc đời bị chà đạp khinh thị tưởng như đã úa héo bỗng nhiên xanh tươi trở lại như được tắm gội bởi những trận mưa rào và bén rễ trên miền đất màu mỗ. Nhờ đã được mẹ dạy cho có một căn bản Anh ngữ, Lisa và Tuấn vào trường trung học không gặp khó khăn nào và thích thú được hưởng mọi tiện nghi ở trường học của một xã hội tân tiến. Chúng yêu đời và thích ứng rất nhanh với đời sống mới, hăm hỡ sống những năm tháng của tuổi ngây thơ còn lại. Niềm vui khác của Nhàn là đã gặp lại anh Hùng và em Trí, hai người mất liên lạc từ ngày 30-4-1975. Nay họ cùng định cư tại vùng Nam California, chỉ cách căn apartment của cô ở Costa Mesa khoảng 15 phút lái xe. Họ đều đã ổn định đời sống, có nhà cửa, việc làm. Hầu như mọi người Việt Nam ở Mỹ đều tập trung vào vùng này, tạo thành một nước Việt Nam thứ hai nho nhỏ, đông nhất là tại "khu tam tỉnh" gồm ba thành phố: Santa Ana, Westminster và Garden Grove. Tại đây, có một khu phố thương mại dọc theo đại lộ Bolsa được gọi là "Little Saigon", hoàn toàn là một thành phố Việt Nam với đủ thứ đem từ Việt Nam sang. Phở, ca nhạc, sách báo, sự chia rẽ, chức tước, và một số khuôn mặt quen thuộc trên chính trường và hí trường trước kia. Nổi nhất có lẽ là ông Nguyễn Cao Kỳ, người từng tuyên bố khi làm thủ tướng là sẽ không bao giờ chạy ra ngoại quốc vì không thể bỏ được cà ghém, mắm tôm. Nay, ông ta làm chủ một tiệm bán rượu và bà vợ có một tiệm bán quần áo. Ông thường đi Las Vegas tìm cảm giác nơi các sòng bài. Khi còn ở Trại Bataan, Phi Luật Tân, chờ làm thủ tục đi Mỹ, Nhàn đã được thấy ông Nguyễn Cao Kỳ bằng xương bằng thịt, lần đầu tiên trong đời. Ông ta đứng ngoài nắng nói chuyện với người tị nạn. Ông ta nói làm lãnh tụ phải biết chịu nắng với đồng bào, ông ta nói về chuyện người Việt ở dơ và ăn thịt chó ở Mỹ làm nhiều người cười, nhưng Nhàn cảm thấy xấu hổ. Trước mặt cô là một anh hề, hay một lãnh tụ quốc gia, một cựu thủ tướng? Nhàn tiếc công đã ra sân tập họp đứng chờ và nghe ông Kỳ nói chuyện, nhất là khi được biết không phải ông ta từ Mỹ sang thăm thuyền nhân khốn khổ trong trại tị nạn nhưng đã ghé vào Bataan để đóng vai lãnh tụ sau khi sang Manila vì chuyện gia đình lủng củng. Còn nhiều khuôn mặt ăn trên ngồi trước khác mà do cuộc đổi đời, người Việt ly hương mới có dịp sánh vai với họ xếp hàng xin tiền trợ cấp, hay cùng ngồi chung một bàn trong quán phở. Nhàn không cảm thấy thoải mái khi tình cờ gặp lại những khuôn mặt ấy, nhưng những phố chợ Việt Nam đem lại cho cô một chút ấm áp trong lòng, như tìm lại được một mảnh vở của linh hồn. Nhàn biết không bao giờ tìm lại được trọn vẹn tấm linh hồn cũ. Quá nhiều mất mát không bao giờ còn có thể tìm thấy lại. Nhàn thường giật mình khi trông thấy một người hao hao giống một người thân đã chết. Khi thì Nhã. Khi thì Thái. Khi thì cha cô. Khi thì Dũng... Nhàn biết họ chết rồi, không bao giờ có thể hiện ra ở đây, nhưng những cái chết đau thương đã không diễn ra trước mắt Nhàn nên cô vẫn mang một ảo ảnh rằng họ còn ở đâu đó trên mặt đất này. Cô không muốn chấp nhận họ đã chết cách phi lý như vậy. Nhưng, khi một người tưởng rằng đã chết xuất hiện trước mặt, Nhàn không biết đó là ma hay người. Một hôm, Nhàn cầm một chiếc hamburger vừa làm xong đem ra cho một người khách đang đứng chờ - một thiếu niên da đen, đầu hơi cúi xuống và khuôn mặt bị che dưới cái lưỡi trai của chiếc mũ baseball. Khi hắn ngước mặt lên, Nhàn giật nẩy mình, há mồm và làm rơi chiếc bánh. Cô lúng túng cúi nhặt chiếc bánh văng tung toé dưới nền gạch. Khi cô đứng dậy, gã da đen đã không còn ở đó. Rõ ràng Nhàn vừa trông thấy thằng Tony, không phải ma. Nhưng, tại sao nó lại biến mất? Cô không tìm được câu trả lời. - Mẹ có nhìn lầm không? - Lisa hỏi khi nghe mẹ kể lại sự việc. - Không. Lầm thế nào được. Trừ khi nó là ma. - Nhàn đáp, hơi bực mình. Lisa âu yếm ôm mẹ: - Dĩ nhiên là không có ma hiện về. Vậy thì chắc là có điều gì bí ẩn. Mẹ có nhìn rõ mặt Tony không? Mấy năm rồi, chắc phải đổi khác nhiều. - Nó cao lớn hơn con, nhưng mặt mũi thì không thay đổi lắm. Nhất là cặp mắt của nó. Đôi mắt của con người không bao giờ thay đổi, con ạ, nếu nhìn kỹ. Cũng giống như dấu tay. Đúng là nó. Nhưng, tại sao nó sợ gặp mẹ? Từ câu hỏi ấy đưa đến nhiều câu hỏi khác. Nếu Tony còn sống thì số phận của Nhã và chồng con ra sao? Chuyện gì đã thực sự xảy ra? Vết thương cũ lại rỉ máu. Từ hôm trông thấy Tony, Nhàn thường nằm thấy ác mộng và có cảm giác bất an như bị ai rình rập. Cô càng khó chịu khi đem chuyện ấy thuật lại cho Hùng và Trí thì họ đều tỏ vẻ nghi ngờ và không quan tâm. Ba tháng sau, Nhàn lại gặp Tony. Đúng ra, nó đã tới tìm Nhàn, và khi thấy nó từ đâu xuất hiện ở bãi đậu xe, cô đã không giật bắn người như lần đầu trông thấy nó. - Mẹ. - Tony thốt lên và khóc. Nhàn nén xúc động, đứng nhìn Tony. Nó chạy lại ôm lấy cô và tiếp tục khóc. Cô quàng tay ra sau lưng nó và nói: - Đi về nhà, đi về nhà và nói cho mẹ nghe mọi chuyện. Trong căn apartment, Tony ngồi ôm đầu im lặng trên thảm, trông như mất hồn. - Con có bịnh gì không? - Nhàn hỏi. Im lặng. - Hay con đói? Con có muốn ăn gì không? Im lặng? - Con làm sao vậy, Tony? - Con sợ. - Con sợ cái gì? - Con sợ ma. - Tony rên rỉ. - Dì Nhã, chú Hữu, bé Hạnh... chết hết rồi... nhưng con cứ thấy họ cả đêm lẫn ngày. Nhàn nghe như có một bàn tay lạnh buốt vuốt dọc theo xương sống. Cô ngồi xuống bên cạnh Tony, đặt một bàn tay lên vai nó, nói trong nước mắt: - Mẹ thương mọi người. Mấy năm nay không lúc nào không nghĩ đến con và gia đình dì Nhã, và khấn nguyện đêm ngày cho mọi người bình yên. Mẹ vẫn hy vọng, dù mong manh... Bây giờ gặp lại con, mẹ rất mừng và cũng rất buồn về chuyện gia đình dì Nhã. Con kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra. Mẹ muốn biết, dù đau đớn đến đâu... - Tàu đi được hai ngày thì gặp hải tặc. - Tony vừa nói vừa khóc. - Chúng nó bắt dì Nhã sang tàu của chúng, chú Hữu chống lại bị chúng nó chém rơi đầu. Dì Nhã cũng bị giết vì chống cự. Bé Hạnh thì bị ném xuống biển... Trước khi bỏ đi, chúng cướp hết vàng và tiền rồi đục cho tàu chìm. Nhàn bất động rất lâu trong cơn tê tái. Dù những gì xảy ra không xa lắm với những cơn ác mộng đã đến trong trí Nhàn mấy năm nay, cô vẫn bị nhận chìm trong đau đớn như chuyện hãi hùng vừa xảy ra trước mắt. Cô ôm lấy Tony như tìm sự an ủi, và cuối cùng thở dài, hỏi nhỏ: - Làm cách nào con sống được? - Con cũng tự hỏi không biết làm sao sống sót được. Có lẽ trời cứu, mẹ ạ. Con bám vào được một cái phao, trôi dạt mấy ngày rồi được một chiếc tàu đánh cá của Indonesia vớt. - Còn ai sống sót nữa không? - Con không biết. - Bây giờ nói cho mẹ nghe con đang ở đâu, làm gì? Có đi học không? Con có liên lạc được với cha không? Tony bỗng òa lên vừa khóc lớn vừa nói: - Con không muốn sống, con không muốn sống nữa... Toàn thân Tony rung lên và co giựt như bị kinh phong, bọt mép sùi ra, mắt trợn ngược. Nhàn hốt hoảng chạy vào bếp lấy điện thoại gọi số 911. Tony được cứu chữa trong bệnh viện và người ta tìm thấy chất cocaine trong máu nó. Nó thú nhận đã chơi ma túy trong lúc bỏ nhà người bảo trợ đi theo băng đảng. Lisa ngồi bên giường bệnh Tony hàng giờ. Má thằng con trai da đen ướt nước mắt của cô gái da trắng. Tony nay đã 14 tuổi và cao lớn, Lisa 17 và xinh đẹp, không liên hệ huyết thống nhưng vẫn coi nhau như hai chị em ruột. Hai đứa con lai, những sản phẩm phụ của cuộc chiến tranh ở bên kia nửa quả địa cầu, được tạo ra bởi hai người cha mà tổ tiên ở những lục địa cách biệt nhau hàng vạn dặm. Những nhân danh, những tàn bạo, những hận thù giả tạo đã không tiêu huỷ được tình thương mà Nhàn đã gieo mầm trong những năm nuôi dưỡng chúng. Họ đã bị dày xéo trong chiến tranh và trong hòa bình, đã vượt qua nửa vòng trái đất, trải bao gian nguy, để mong được sống như những con người, nhưng tấn thảm kịch có vẻ chưa chấm dứt. - Thôi, ác mộng đã qua rồi. - Lisa cầm tay Tony - Từ nay gia đình mình lại xum họp. Tony sẽ đi học lại. - Đi học à? Cái đầu em nó chẳng nhớ được gì cả. Chỉ có những con ma. - Cố gắng lên, Tony. Trong nhà ai cũng thương em hết. Qua đây mà không đi học thì uổng lắm. Tony đã đi học lại, sau khi ra khỏi trung tâm phục hồi để bỏ ma tuý và được đoàn tụ với gia đình. Hàng ngày xe trường tới đón tận nhà, ăn trưa miễn phí ở trường, và chiều xe lại đưa về nhà. Đứa con bị bỏ rơi đã tìm về đất tổ và đã được hưởng những chăm lo, giáo dục tân tiến như mọi đứa trẻ khác may mắn sinh ra trên đất nước giàu có này. Nhưng, có vẻ đã quá muộn với Tony. Tâm trí nó đã bị nhiều con ma ám ảnh, xâm chiếm, khiến không còn chỗ cho bài vở, toán học, văn chương. Khi ngồi trong lớp học đầy tiện nghi, vui tươi với những bạn học hồn nhiên và cô giáo tận tâm dễ thương, Tony không xua đuổi được những bộ mặt hải tặc hung ác và những cảnh khủng khiếp diễn ra trên chiếc tàu vượt biên. Khi ngồi trên chiếc xe bus êm ái chạy qua các khu xóm khang trang an bình, trong óc Tony vẫn hiện ra cảnh chết chóc kinh hoàng trên con đường di tản 7B. Đêm đêm nó thường la hét và choàng thức dậy trong những cơn ác mộng. Với nước da đen và khuôn mặt giống cha, Tony dễ bị nhìn là một đứa Mỹ đen, nhưng tâm hồn nó lại hoàn toàn Việt Nam. Nó thuộc nhiều bài vọng cổ và hát rất hay. Vài người Mỹ da trắng đã từng trố mắt nhìn thằng Mỹ đen say sưa ca vọng cổ trên chiếc ghế của khu công viên trong chung cư. Dĩ nhiên họ không biết nó hát tiếng gì, nhưng có một lần một người đàn ông da đen tuổi trung niên ngồi xuống bên cạnh Tony, và gợi chuyện. - You từ Việt Nam sang hả? - Sao you biết? - Người Mỹ dù da trắng hay da đen cũng không biết ca "vong cô". - Người đàn ông nói "vọng cổ" không có dấu, và cười. - Sao you biết tôi ca vọng cổ? - Tony ngạc nhiên. - Tôi đã sang Việt Nam đánh VC hai năm. Tôi tên là Sam, còn you? - Tony. - Cha you đâu? - Không biết? Sam bỗng trầm ngâm: - Tôi cũng có một người vợ Việt Nam. Bà ấy có bầu thì tôi về nước và mất liên lạc. Đàn bà Việt Nam thật tuyệt. Ước gì tôi tìm lại được vợ con. - Tôi cũng mong gặp lại cha tôi. - You có biết tên cha you không? - Scott Robinson. Tony moi trong túi ra tấm hình Robinson bọc nylon, đưa cho Sam. Ông ta ngắm nghía và nói: - Tôi có thể nhờ Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tìm người này. - Cám ơn you. Bây giờ you ở đâu và làm gì? - Tôi làm thợ xây cất và cũng ở khu này. Sống một mình và uống rượu khi buồn. Tôi đã ly dị con đàn bà đốn mạt không thì có ngày tôi giết nó. Sam đưa cho Tony miếng giấy ghi số điện thoại và bước đi với dáng mệt mỏi. Tony cảm thấy cô đơn dù được sống trong sự yêu thương của người mẹ nuôi và của Lisa, Tuấn, và cả Phượng. Trong lúc Lisa và Tuấn học giỏi và có những dự định cho tương lai, Tony bị xếp vào loại học sinh kém nhất lớp và không biết ngày mai ra sao. Đôi khi nó nhớ lại những thiếu niên trong băng đảng mà có lúc nó coi như anh em một nhà. Chúng đến từ những trại tị nạn mà không có thân nhân, được những tổ chức từ thiện bảo trợ, và những gia đình có lòng nhân đạo nhận nuôi, nhưng không hội nhập được vào đời sống mới tại Mỹ. Chúng bỏ nhà, tập họp với nhau và sống chung trong một phòng motel hay một căn apartment. Chúng cần tiến để sống, để mua cần sa ma túy, và chúng đã nhúng tay vào tội ác. Theo băng đảng một thời gian, Tony sợ hãi nhưng không tìm thấy đường thoát, cho đến khi tình cờm gặp lại Nhàn trong tiệm McDonald. Nó hoảng sợ chạy trốn nhưng sau đó nhận ra rằng tìm về với người mẹ nuôi là con đường duy nhất để ra khỏi bóng tối. Tony đã ra khỏi băng đảng, đã giã từ ma-túy, nhưng vãn không thể sống bình thường. Nó cảm thấy ấm áp trong tình thương của gia đình bà mẹ nuôi, nhưng không quên được "những người anh em" thiếu may mắn trong băng đảng. Nó vẫn nghĩ đến họ, và vẫn mơ hồ cảm thấy có sự ràng buộc với họ. Đời sống phóng túng, lãng mạn vẫn có một cái gì quyến rũ đối với nó. Một buổi chiều tại Sở Cảnh sát Thành phố Los Angeles, Trung úy Scott Robinson có một niềm vui. Ông vừa được Hội Cựu Chiến Binh báo tin đứa con trai của ông với người đàn bà Việt Nam đang có mặt tại Mỹ và muốn tìm gặp ông. Scott bồi hồi nhớ lại những ngày tháng ở Việt Nam, đến người đàn bà Á Đông đã đem lại cho ông một bóng mát trong cái chiến trường nóng bỏng đầy máu và lửa. Mối tình ấy đã chấm dứt khi Scott bị thương và được đưa về Mỹ rồi giải ngũ. Sau đó, ông viết thư và được người đàn bà Việt Nam cho biết đã sinh được một con trai. Những lá thư sau không còn được hồi âm mà ông không biết lý do. Nay Scott đã có vợ và có con nhưng ông vẫn thấy vui nếu được gặp lại đứa con lai. Sau khi từ Việt Nam trở về nước, trước thành kiến của quần chúng Mỹ với các người lính hồi hương, Scott mang mặc cảm và thường không muốn nhắc đến những ngày chiến đấu ở Việt Nam, nhưng từ khi có hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi tị nạn Scott không bỏ lỡ dịp nào để tự hào là đã từng tham chiến để ngăn chận cộng sản tại Đông Nam Á. Scott chia sẻ tin mừng với các đồng sự và sửa soạn ra về thì được lệnh dẫn một toán cảnh sát truy nã một bọn cướp vừa ăn hàng một tiệm vàng ở Phố Tàu và đã bắn chết một nhân viên an ninh. Dọc đường, Scott được báo tin bọn cướp bị truy đuổi đã rút về cố thủ trong một căn phòng motel, ông ta liền hướng dẫn toán cảnh sát tới bao vây cái motel. Quang cảnh tại đây hết sức căng thẳng. Cảnh sát núp sau các chiếc xe, chĩa súng vào căn phòng nghi có bọn cướp đang ẩn náu. Phóng viên báo chí và các máy truyền hình bận rộn làm việc. Một sĩ quan cảnh sát cầm loa phóng thanh trên tay kêu gọi bọn cướp buông súng đầu hàng. Bên trong im lặng và các cửa đều đóng chặt. Cùng lúc ấy, Nhàn cũng đang trên đường tới Los Angeles, vừa lái xe vừa nghe tin diễn biến của vụ cướp qua máy thu thanh, và cảm thấy như lửa đốt trong lòng. Cô vừa được Lisa cho biết Tony tâm sự muốn đi thăm mấy người bạn cũ ở Los Angeles và hôm nay nó đã biến mất, không đi học. Nhàn có linh tính một thảm kịch đang xảy ra khi cô trông thấy cảnh tượng trên màn ảnh truyền hình. Cô vội vàng ra xe lái đi Los Angeles. Khi Nhàn tới nơi thì mọi việc vừa chấm dứt. Một viên đạn từ trong phòng bắn ra làm một viên cảnh sát bị thương. Cảnh sát đã đồng loạt nhả đạn và xông vào căn phòng motel. Họ tìm thấy hai xác chết và ba kẻ bị thương, trong đó có hai da vàng và một da đen. Trung úy Robinson cúi nhìn quan sát những tên bị thương khi chúng được đưa ra xe cấp cứu. Thằng da đen mở mắt nhìn viên sĩ quan cảnh sát và đọc được bảng tên trên ngực áo ông ta. Trước khi nhắm mắt lại, nó thều thào nói: - Dad. Có phải cha đó không?... Và nó không bao giờ mở mắt lại.