Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người Lính Già Và Cây Súng Gỗ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 602 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Lính Già Và Cây Súng Gỗ
Sơn Tùng

Thế là ông Lê Dự đã trở lại Hoa Kỳ sau hai tuần lễ viếng thăm Việt Nam.
Ông cảm thấy dễ chịu vì được về nhà, dù vừa trải qua một cuộc hành trình dài và mệt nhọc. Như thường lệ, ông thức dậy sớm, xuống bếp nấu nước pha cà-phê.
Một buổi sáng Chủ Nhật yên tĩnh. Tiếng chim hót rộn ràng ngoài vườn. Ông Dự dừng lại bên cửa sổ, nhìn cây magnolia trổ đầy hoa tím ở sân sau, vài vệt nắng đầu tiên trải nhẹ trên bãi cỏ xanh mướt. Những bông hoa dại thi nhau nở ở góc vườn. Mùa xuân ở Virginia.
Tiếng còi rít sắc buốt của ấm nước sôi làm ông Dự giật mình. Ông tắt bếp, pha tách cà-phệ Ngồi trước chiếc bàn nhỏ trong bếp, ông vừa nhấm nháp những hớp cà-phê thật thơm vừa ôn lại chuyến đi vừa qua.
Những bản mặt khó thương của Hải quan ở phi trường Tân-Sơn-Nhất. Những người Việt về thăm quê hương nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Không khí nóng và bụi của thành phố Sài-Gòn. Ông già Việt kiều nhuộm tóc ôm hôn cô gái đáng tuổi cháu mình trong quán cà-phê đèn mờ. Những đội quân ăn xin.
Nhưng, nếu chỉ có thế thì ông Dự đã không về Việt Nam. Ông muốn nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn ở Hà-Nội và gặp những người thân sau gần nửa thế kỷ xa cách.
Một số nhà cửa ở Hà-Nội đã được phá đi để xây lên những cao ốc, nhưng căn nhà nơi ông Dự sinh ra ở xóm Ngọc Hà hầu như không có gì thay đổi, trừ vẻ cũ kỹ, tồi tàn thêm của nó và vài hố bom.
Ông đứng bên kia đường rất lâu, nhìn căn nhà lợp ngói âm dương rêu phủ và bồi bồi nhớ lại cái đêm vào năm 1955, ông cùng cha và hai người em hối hả rời nhà ra Hải Phòng di cư vào Nam trước khi chấm dứt kỳ hạn. Vì tiếc căn nhà, và tin rằng hai năm sau sẽ hiệp thương, tổng tuyển cử và thống nhất, mẹ Ông đã ở lại với người em trai kế ông, Định. Năm ấy, ông Dự 19 tuổi, và chiến tranh đã chấm dứt đúng lúc để ông thoát khỏi phải vác súng ra trận.
Nhưng hai năm đã thành hai mươi năm, và cuộc chiến thứ hai đã khốc liệt hơn cuộc chiến thứ nhất. Ông Dự đã khoác áo lính hơn mười năm, cho đến khi giải ngũ với con mắt bên trái bị múc bỏ vì một mảnh đạn bích kích pháo.
Năm 1975, ông Dự đã đưa vợ con di tản ra ngoại quốc trước khi quân Bắc Việt tiến vào Sài-Gòn. Ông không biết trong đoàn quân ấy có người em trai của ông hay không. Trong hai mươi năm ở miền Nam, ông không biết tin gì về một phần gia đình ở miền Bắc, trừ vài tấm bưu thiếp lúc đầu, khi chiến tranh chưa tái phát.
Nay, mái tóc đã thưa và bạc gần hết, bụng đã dư mỡ, da mặt đã chùng xuống với nhiều nếp nhăn, ông Dự không ngừng nghĩ đến bà mẹ và người em trai ở Hà-Nội. Cha ông đã chết trước năm 1975, vợ Ông cũng qua đời sớm, con gái đã lấy chồng ở riêng, con trai lớn cũng đã có vợ con, ông Dự sống với thằng con út trong ngôi nhà ở thành phố Falls Church, Virginia. Khi nghe có chính sách “đổi mới” ở Việt Nam và nhiều người tị nạn đã xin phép trở về với tư cách Việt kiều, ông Dự nghĩ rằng không nên về khi đất nước vẫn còn ở dưới sự cai trị của Cộng sản, nhất là với những người lính đã từng chiến đấu ở bên này chiến tuyến. Trở về như vậy chẳng khác nào một sự quy hàng thứ hai. Vì vậy ông Dự đã trở về Việt Nam gần như lén lút. Ông giấu bạn bè và dặn con nếu có ai hỏi thì nói ông đi thăm bà con ở Calị Ông tự biện hộ và tha thứ cho mình vì lý do tình cảm gia đình.
Đứng trước căn nhà đã ghi dấu một thời thơ ấu của mình, ông Dự có cảm giác như đang ở trong một giấc mợ Những gì ông đang thấy trước mắt không phải là sự thực. Sự thực là chiến tranh, là thù hận, là sợ hãi, phân ly, chết chóc. Sự thực là những gì đã xảy ra sau khi ông rời ngôi nhà và nơi chốn bình yên này. Nơi này có vẻ không thay đổi gì cả, trừ cái hố bom, có lẽ đã được giữ lại như một chứng tích lịch sử của cuộc chiến vừa quạ Nếu không có cái hố bom, ông Dự có thể nghĩ rằng cuộc sống tại nơi này đã ngưng lại sau khi ông ra đi, gần nửa thế kỷ trước.
Mấy đứa trẻ chơi trò đánh giặc giả từ phía sau các thân cây xông ra đánh xáp-lá-cà trước mặt ông Dự. Chúng kẹp nách những cây súng gỗ, miệng kêu “pằng, pằng... ”, “giơ tay lên đầu hàng!”... ”hàng thì sống, chống thì chết!”...
Một thằng bé khoảng chín, mười tuổi cắm đầu chạy, đâm vào người khách lạ, ngã chúi xuống đất, khẩu súng gỗ cầm trên tay văng ra. Ông Dự nhặt khẩu súng trong khi thằng bé lồm cồm bò dậy. Ông định trao trả cây súng cho thằng bé nhưng bỗng dừng lại. Ông cúi nhìn cây súng gỗ, tay hơi run lên. Thoáng chốc, ông như ngược dòng thời gian trở lại thời thơ ấu. Thằng bé trước mặt ông Dự chính là ông. Ông đã cầm trong tay cây súng gỗ này cùng thằng em dàn trận chơi trò chiến tranh cũng tại chính nơi đây. Ông không lầm được. Khẩu súng gỗ sơn đen này, với cái nòng được bọc bên ngoài bởi một ống tre và cái bá xếp chính là công trình của hai anh em ông, bắt chước kiểu súng tiểu liên thời Thế Chiến Hai mà ông đã được thấy những người lính Mỹ cầm diễn hành với quân đội Đồng Minh ở Hà-Nội sau khi Nhật đầu hàng.
Ông Dự thân mật nắm tay thằng bé hỏi:
- Cháu tên gì?
- Chính.
- Nhà cháu ở đâu?
Thằng bé đưa tay chỉ ngôi nhà trước mặt và hỏi lại:
- Còn bác, bác ở đâu?
Ông Dự mơ màng:
- Bác cũng ở ngôi nhà ấy.
Thằng bé tỏ vẻ bất bình:
- Cái ông này chỉ nói đùa! Ông giaû khẩu súng cho tôi.
Chính đưa tay giằng cây súng, chạy về nhà. Ông Dự mỉm cười bước theo thằng bé. Tới trước cổng nhà, ông dừng lại, đứng nhìn quanh quẩn, ôn nhớ từng kỷ niệm. Mũi ông ngửi thấy mùi hoa ngâu. Mùi của dĩ vãng.
- Cũng lại cái ông này! – Chính đứng bên trong nói ra. – Ông muốn gì nữa đây?
- Bố mẹ cháu có nhà không?
- Không. Đi làm cả rồi. – Thằng bé trả lời với giọng nhát gừng.- Chỉ có bà nội.
- Bác từ xa tới thăm. – Ông Dự Ôn tồn. – Cho bác gặp bà cháu.
Một người đàn bà khoảng ngoài năm mươi từ trong nhà bước ra, dáng người thấp bé với gương mặt xanh xao và một đôi mắt sắc. Bà ta nhìn khách:
- Chào ông. Ông muốn hỏi ai? À mà trời mát, ông có thể bỏ cái kính râm ra.
- Ồ, xin lỗi bà. Mắt tôi bị đau mấy hôm nay.
- Thế à? Ông từ đâu tới đây?
Ông Dự ngập ngừng:
- Tôi từ Mỹ về...
Người đàn bà như bị ướp lạnh bất ngờ, hai bàn tay nắm lại, đôi mắt mở lớn như đang nhìn một người từ hành tinh khác đến, quai hàm cứng lại. Ông Dự lấy trong túi áo ra một tấm hình đã bắt đầu ngả màu vàng, giơ ra trước mắt người đàn bà.
- Đây là tấm hình chụp tại sân này vào dịp Tết dương lịch năm 1953. Đây là thầy mẹ tôi, đây là tôi, đây là em Định...
Người đàn bà nhìn tấm hình rồi ngước nhìn khách, lắp bắp:
- Thế ra ông là, ông là...
- Tôi là Dự, anh ruột của chú Định.
Người đàn bà run rẩy đưa tay mở cổng.
- Mời bác vào. Em là vợ của anh Định đây.
Bỗng người đàn bà ôm mặt, òa ra khóc. Thằng bé Chính chạy lại nắm tay bà, tò mò nhìn ông Dự từ đầu tới chân, gật gù:
- Việt kiều ở Mỹ về. Thảo nào!
Người đàn bà quẹt nước mắt, đe thằng cháu:
- Không được hỗn. Ông đây là ông bác của cháu đấy.
- Nghĩa là sao, hở bà?
- Ông là anh ruột của ông nội cháu.
Cơn xúc động có vẻ đã qua đi, bà mời khách vào nhà.
- Mấy năm sau ngày hòa bình thống nhất, không nghe tin tức gì của thày và bác trong Nam... em cứ tưởng...
- Tưởng chết hết rồi phải không?
Ông Dự ngưng nói. Ông vừa nhìn thấy ảnh bà mẹ trên bàn thờ cùng với ảnh của đứa em, trong binh phục bộ đội. Bên cạnh đó là vài cái huy chương. Ông tới bàn thờ thắp mấy nén hương và đứng rất lâu, cúi đầu, nhắm mắt để cho những kỷ niệm của dĩ vãng trở về nguyên vẹn, không lẫn lộn với hiện tại.
Người em dâu nói về cái chết của chồng:
- Anh ấy theo đơn vị vào Nam năm 1968 và hy sinh năm 1972 trong trận An Lộc. Chính phủ nói đã chôn cất anh ấy trong Nam. Sau ngày thống nhất, em có xin đem cốt về đây cải táng nhưng chưa được chấp thuận.
Ông Dự ngồi nghe và ước gì đừng có mặt tại đây. Cứ để cho sự thật bị chôn vùi đi vĩnh viễn dưới những lớp bụi của thời gian, cùng với những huyền thoại, những ước mơ, dự định không bao giờ thành. Sự thật được khai quật lên có khi quá tàn bạo, gây nên những đau nhức không bao giờ nguôi. Ông bị mất một con mắt và phải mang cặp kính đen suốt quãng đời còn lại cũng trong trận An Lộc. Ông cùng đơn vị đã bị vây hãm trong cái thị trấn nhỏ ấy suốt mấy chục ngày đêm, dưới những cơn mưa pháo kích không phút nào ngớt, và có lúc xe tăng quân Bắc Việt đã vào sát tuyến phòng thủ cuối cùng. Đúng là một địa ngục của những người lính sống sót. Chính tay ông đã bắn cháy mấy chiến xa và giết chết hàng chục bộ đội Bắc Việt. Khi trận chiến chấm dứt, hàng trăm xác quân Bắc Việt đã được vùi chung trong những nấm mồ tập thể. Giờ đây, ông băn khoăn tự hỏi em ông có nằm dưới những nấm mồ vô danh ấy và có phải do chính ông bắn hạ trước khi hắn có thể giết ông.
- Anh làm gì trong Nam? – Người em dâu hỏi.- Anh có phải đi lính không?
- Ờ, không. Tôi làm công việc kỹ thuật.
- May thế à? Nghe nói Mỹ Ngụy bắt lính ghê lắm. May mà hòa bình sớm, không thì còn chết nhiều nữa. Ở ngoài này, gần như không nhà nào không có người hy sinh, không chết trong Nam thì cũng chết vì bom Mỹ. Mấy cái hố bom còn đó. Đấy, tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra trên đất nước này không bút mực nào tả hết. Bây giờ, có bang giao, bồi thường bao nhiêu cũng không bù được.
- Mỹ nó không bồi thường đâu, thím ạ.
- Nó ngoan cố thế à?
- Thì đã gọi là đế quốc mà!
- Bác làm gì bên Mỹ?
- Tôi làm công tác kỹ thuật. Nghĩa là... sơn nhà, sửa cửa, chữa ống nước...
- Thế thôi à? Em nghe nói nhiều Việt kiều ở nước ngoài làm ăn khá lắm. Họ về đây ăn tiêu như Mỹ, giúp tiền cho bà con xây nhà sửa cửa, xây mộ Ông bà, cha me... Đấy, bác nhìn ngoài nghĩa địa. Người ta thi đua nhau xây mả đẹp và tọ Cả một phong trào. Em nghĩ mà thương mẹ. Anh Định hy sinh được một năm thì mẹ mất vì buồn phiền. Em không có khả năng, chỉ xây cho mẹ một nấm mộ đơn sợ Nay, mỗi lần ra thăm mộ mẹ, nhìn những ngôi mộ to đẹp mới xây xung quanh, em không cầm được nước mắt. Ăn còn không đủ, tiền đâu mà xây mả đẹp cho mẹ? Còn ngôi nhà này, xưa cũ quá rồi, em đã cố bảo quản nhưng cũng càng ngày càng hư hỏng.
Ông Dự hiểu người em dâu muốn nói gì nên lảng sang chuyện khác:
- Thím được mấy cháu?
- Làm gì mà có mấy cháu? Em có mang bố cháu Chính thì anh Định được lệnh vào Nam. Cháu tên là Tuệ. Nó công tác ở Sở Quản lý Nhà Đất.
Dường như sực nhớ điều gì quan trọng, bà em dâu vội hỏi:
- Ấy chết, bác về đây ở đâu? Bác gái và các cháu có về không? Còn thầy có mạnh khỏe không?
- Tôi về một mình và ở khách sạn. Ông cụ mất lâu rồi.
Ông Dự nhờ người em dâu đưa đi thăm mộ mẹ, một nấm mộ đơn sơ thê thảm hơn là ông nghĩ,ø với những tấm gạch xiêu lệch bị cỏ dại mọc chen đầy. Bà em dâu chỉ ngôi mộ nguy nga bên cạnh được bọc đá cẩm thạch và có cả mái che, nói:
- Nghe nói năm ngàn đô-la đấy, do một người cháu Việt kiều ở Pháp về làm.Và kia là hai ngôi mộ bên cạnh nhau do một Việt kiều ở Mỹ xây cho bố mẹ. Khi nào xong chắc sẽ đẹp hơn cái này nhiều. Thi đua mà! Người chết không biết có sung sướng hơn không, nhưng người sống thì nở mặt nở mày với bà con, láng giềng.
Nghe tin ông Dự từ Mỹ về, bà con, hàng xóm lũ lượt kéo tới hỏi thăm, chúc mừng, và thất vọng vì không nhận được món quà nào. Ông có cảm tưởng mọi người ở đây đều có trong đầu ý nghĩ rằng ông mắc họ một món nợ gì đấy. Việt Nam đã thành hình một nền văn hóa hành khất. Con người không còn biết xấu hổ khi mở miệng xin tiền.
Ông Dự quyết định trở về Mỹ sớm hơn, và trước khi rời Hà-Nội, ông đưa cho bà em dâu một ngàn mỹ-kim.
- Năm trăm biếu thím làm quà và năm trăm nhờ thím xây lại ngôi mộ cho mẹ.
- Thế không thi đua à? – Bà em dâu có vẻ không được vui.- Năm trăm thì chắc không bằng ai. Thiên hạ sẽ xầm xì... “bà ấy có người con ở Mỹ... mà... ”
- Mặc kệ họ.- Ông Dự hơi bực mình.
- Thế còn ngôi nhà này? Bác có định xây cất lại không? Vừa để thờ gia tiên vừa có chỗ cho bác ở mỗi khi ở Mỹ về, khỏi phải ở khách sạn.
Ông Dự giả vờ không nghe. Ông cũng cho vợ chồng thằng cháu Tuệ năm trăm mỹ-kim.
- Cám ơn bác. – Tuệ nói.- Cháu sẽ mua một chiếc xe Dream cũ để hai vợ chồng đi làm không thì cả đời chỉ đạp xe. Đối với công nhân viên nhà nước, chiếc xe ấy chỉ ở trong giấc mơ, đúng là... Dream. Thời buổi kinh tế thị trường phải bung ra làm ăn mới khá được. Mấy người làm chung sở với cháu nhờ bà con Việt kiều gíup vốn, lập công ty xây dựng, nay ngồi ô-tô con, mặt cứ vác lên.
Ông Dự lại giả vờ không nghe. Ông gọi thằng bé Chính, ôm nó vào lòng và tặng nó một món quà. Chiếc súng máy bắn bằng pin mà ông vừa tìm mua được ở chợ trời. Mỗi lần bóp cò lửa lóe lên ở nòng súng. Một món đồ chơi hiện đại, cũng chỉ có trong giấc mơ của trẻ em Việt Nam. Ông bắn thử cho thằng bé xem, và nói:
- Ông tặng cháu món quà này. Và ông muốn cháu cho lại ông một món quà khác, khẩu súng gỗ của cháu hôm qua.
Thằng Chính vui mừng bắn thử vài tràng, và chạy đi lấy cây súng gỗ đưa cho ông Dự. Ông nghĩ nó là người vui nhất nhà khi nhận được quà của ông. Và nó cũng làm ông vui nhất trong chuyến trở về Việt Nam.
Nhớ đến cây súng gỗ, ông Dự trở vào phòng ngủ, mở va-li lấy cây súng ra, cầm trên tay ngắm nghía. Óc ông lại trở về với những ngày thơ ấu, hai anh em chơi trò đánh giặc ở xóm Ngọc Hà. Hai đứa luôn luôn ở cùng một phía, không bao giờ bắn lẫn nhau. Ông cũng nhớ lại ngày quân đội Đồng Minh diễn hành ở Hà-Nội sau khi Nhật đầu hàng. Hôm ấy, ông ôm chân bố đứng trong đám đông nhìn những người lính Mỹ cao lớn trong bộ quân phục màu xanh cứt ngựa hùng dũng bước đi với chiếc súng tiểu liên trên taỵ Ông say mê nhìn mà tưởng họ như những vị thần từ một thế giới xa xôi nào tới. Ông Dự bỗng bật cười khan khi nhớ ra nay mình cũng đang là một công dân Mỹ và đang ở trên nước Mỹ. Bao nhiêu biến cố đã dồn dập xảy ra trong nửa thế kỷ qua tưởng như trong chớp mắt. Ông nhớ đến người em, đến trận An-Lộc. Nước mắt ông chảy ra ràn rụa. Ông cầm cây súng gỗ đưa lên nhắm, giả vờ bóp cò, miệng kêu “pằng, pằng..”. Và ông phát ho sặc sụa... pha lẫn những tiếng cười.
Thằng con út bỗng xuất hiện ở cửa nhìn bố.
- Ồ, bố về rồi à? Are you ỌK., dad?
Thằng con cao lớn, nói nửa tiếng Mỹ, nửa tiếng Việt với giọng lơ lớ ồ-ềù. Nó không biết ông về vì đêm qua ông đã thuê taxi từ phi trường về nhà trong lúc nó đi vắng. Chợt nó nhìn thấy cây súng gỗ. Nó bước vào, chỉ tay vào cây súng, la lớn một cách lạ lùng:
- It s funny!
Ông Dự tiếp tục ôm ngực họ Thằng con cúi xuống ôm vai bố, ái ngại:
- Bố bị bệnh rồi. I told you not to go, dad!
- Bố không sao cả.
Ông Dự gắng gượng nói. Ông nắm tay con như nắm lấy thực tại. Đứa con rất gần mà rất xạ Nó không thể hiểu được ông. Những người ở Việt Nam cũng không thể hiểu được ông.
Thằng con vào phòng tắm, tiếng nước chảy ào ào. Ông biết chương trình của nó mỗi sáng Chủ Nhật. Sau khi tắm rửa, nó sẽ mặc vào bộ đồ ngắn, xách vợt đi đánh tennis tới trưa. Tuổi trẻ ở Mỹ. Hạnh phúc ở Mỹ.
Khi đi ngang cửa, thằng con dừng lại nói với bố:
- Bố ở nhà nghỉ đi. Chiều nay con sẽ đưa bố đi ăn dinner. ỌK.?
Tiếng máy xe nổ trong ga-ra và xa dần. Ngôi nhà trở nên vắng lặng. Bỗng chuông điện thoại reo. Ông Dự uể oải cầm lên.
- A-lô, trung tá... đi Cali về rồi à? Em, Sơn đây. Trung tá khỏe không? Lát nữa em tới đón trung tá đi ăn phở rồi tới Eden chào cờ tưởng nhớ ngày 30- 4.
Tiếng của một thuộc cấp cũ làm lòng ông Dự ấm lại. Ông cảm thấy gần gũi và thuộc về một cái gì.
Virginia, Tháng Tư 2002

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top