Sau gần ba năm bị giam cầm về tội "phản động", Nhàn được ra khỏi nhà tù, cũng bất ngờ như khi bị tống vào đấy. Một buổi chiều đầu năm 1978, sau một ngày lao động trở về trại, Nhàn được gọi lên văn phòng trưởng ban an ninh trại. - Chị ở đây bao lâu rồi? - Hai năm bảy tháng sáu ngày. - Tội của chị đáng bị ngồi tù ít nhất là mười năm nhưng cách mạng khoan hồng... sau khi chị đã học tập tốt. - Viên trưởng ban an ninh đưa cho Nhàn tờ giấy ra trại. - Kìa, sao trông chị không có vẻ vui mừng gì cả? Chị không thích được tự do à? Nhàn giật mình, đáp: - Có chứ! Ai mà không thích tự do? Bác đã nói là "không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà! - Nhớ trình giấy này cho công an địa phương đấy và nhớ là chị còn bị quản chế sáu tháng đấy nhá. Nếu có điều gì đã làm Nhàn thay đổi sau hơn hai năm học tập cải tạo, đó là không nên nói thật ý nghĩ của mình với một anh Việt Cộng. Nói thật là một trọng tội. Nói dối là công dân tốt. Trong một xã hội khi mọi người đều tiêu bạc giả, kẻ xài bạc thật không những là người dại dột mà còn là kẻ có tội. Tội ấy Nhàn đã phải trả bằng ba mươi mốt tháng tù. Khi nghe báo tin được ra trại, Nhàn đã không tin ở lỗ tai của mình. Cô không còn hy vọng vào ngày về nữa sau một năm ở tù. Tuy không bị tòa nào xét xử và tuyên án, Nhàn còn biết tội của mình - tội nói thật - trong khi nhiều người khác không biết là họ đã phạm tội gì, và một số người đã chết ở đây - tự tử, bệnh hoạn, tai nạn... Nhàn đã hối hận về việc tranh cãi với các anh công an ở xã, ở huyện, và cảm thấy có tội với ba đứa con, với cha mẹ già. Cô sẵn sàng làm mọi điều để lo cho các con và giúp đỡ cha mẹ, nhưng cô không im được trước những hành động ngang ngược và những lời lẽ chói tai. Cô biết cãi lý với những người điếc chẳng những vô ích mà còn mang hoạ vào thân. Nhưng làm sao thay đổi được tính trời? Nhàn đã nổi tiếng là đứa hay cãi bướng từ thuở nhỏ. Bây giờ Nhàn đã thay đổi - không phải thay đổi tư tưởng, nhưng là thay đổi bằng cách không bộc lộ tư tưởng để biến thành một kẻ tiêu bạc giả với những ai tiêu bạc giả với mình. Đó là một thành công lớn của những nhà tù được mệnh danh là trại học tập cải tạo. Một thành công khác của các trại học tập cải tạo là đã làm những người chống cộng trở nên thù ghét chế độ ấy hơn. Nó cũng hạ thấp con người xuống gần hàng thú vật, chỉ còn biết xoay xở để sinh tồn. Nhưng không phải trại học tập cải tạo chỉ có toàn chuyện xấu xa. Trong độc ác, tàn bạo và tuyệt vọng người ta mới thấy được những viên ngọc quý của tình người. Như hoa sen đã ngoi lên và nở ra trong trắng trên mặt nước bùn. Nhàn cầm tờ giấy ra trại trở về phòng giam, báo tin cho các bạn tù ở chung phòng: "Xơ" Maria Trần thì Tâm nắm tay Nhàn nói: - Mừng cho em. Về nhà, đừng cãi nhau với Việt Cộng nữa. Các con cần em lắm đấy. Chị sẽ cầu nguyện cho em mỗi ngày. - Em cũng sẽ cầu Trời khấn Phật cho "Xơ" sớm ra khỏi chỗ này. - Nhưng em phải nhớ cầu khấn Phật Trời giác ngộ cho các ông lãnh đạo Việt Cộng thì mới có hiệu quả. Chị cũng vẫn cầu Chúa Giê-su như vậy. - "Xơ" Maria khôi hài. - Không thì ở đâu trên nước Việt Nam này cũng như ở trong tù. Chỉ khác là nhà tù lớn hay nhà tù nhỏ mà thôi. "Xơ" Maria bị đưa vào trại cải tạo sau Nhàn vài tháng - về tội "quan hệ với một cha cố phản động". Trái với thân hình nhỏ bé, mảnh mai, "Xơ" Maria có một tinh thần vững chắc như một viên đá sỏi. Mỗi đêm, "Xơ" đều ngồi đọc kinh trong bóng tối, mặc cho các cán bộ quản giáo chỉ trích, đe dọa. Bị trừng phạt bằng cách không cho thân nhân tiếp tế, thăm nuôi, "Xơ" Maria vẫn không nao núng. Cuối cùng, các anh quản giáo đành làm ngơ. Những bạn tù khác cũng xúm vào chúc mừng và góp tiền giúp Nhàn làm lộ phí về nhà, vì từ ngày vào đây Nhàn không liên lạc được với gia đình. Những lá thư gửi về nhà đều không được hồi âm. Nhàn lo lắng không biết việc gì đã xảy ra ở nhà và tưởng tượng ra nhiều bi kịch, nhưng không có tưởng tượng nào giống những bi kịch đã xảy ra trong lúc cô vắng mặt. Khi Nhàn trở về, ngôi nhà xưa chỉ còn lại cái nền và vài bức tường nám khói đen. Một người đàn ông ở trần đi ngang, đặt bó củi đang vác trên vai xuống, bước lại gần Nhàn, hỏi nhỏ: - Cô Tư mới về hả? Nhàn ngỡ ngàng nhìn người đàn ông vài giây: - Kìa, anh Sáu. Tôi nhìn không ra... - Lần trước cô về sau mười năm, cô nhận ra tôi ngay. Nay mới có chưa tới ba năm mà tôi già đi như một ông cụ... Sáu Răng Vàng chỉ một ngón tay lên đầu - Cô nhìn coi, đầu tôi bạc gần hết rồi... Nhàn thở dài, và không thể chờ đợi lâu hơn, hỏi: - Anh Sáu, nhà tôi sao ra nông nỗi này? Ba má tôi đâu? Các con tôi đâu? Anh Ba tôi đâu? - Sau khi ông Hai bị bắt, nhà bị tịch thâu, cậu Ba đã nổi điên chế xăng đốt và tự thiêu luôn. Ông Hai cũng qua đời trong trại cải tạo rồi. - Sáu Răng Vàng nhìn Nhàn bằng đôi mắt đỏ ngầu - Nếu còn khẩu súng, tôi cũng bắn chúng nó vài phát rồi tự vẫn cho rồi. Nhàn đứng chết trân vài giây và hỏi tiếp: - Còn má tôi và ba đứa con tôi ở đâu, anh Sáu? Sáu Răng Vàng chỉ tay về phía căn nhà nhỏ lợp tôn nằm ở cuối vườn cây: - Tội quá! Không ai giúp gì bà Hai và ba đứa con của cô được. Bà Hai Thế đã òa lên khóc và ôm lấy Nhàn khi cô bước vào nhà. Nhàn cắn môi để không bật khóc nhưng sự uất hận đã tạo thành hai dòng nước mắt cay đắng chảy dài trên má. Cô ôm chặt lấy mẹ như muốn hút lấy tất cả nỗi đau thương của bà. Khi cơn xúc động lắng xuống, Nhàn mới nhìn rõ cảnh tồi tàn trong căn nhà trước đây được dùng làm kho chứa vật liệu và dụng cụ làm vườn. Đồ đạc được dồn vào một góc, góc bên kia kê một chiếc giường gỗ rẽ tiền có trải chiếc chiếu rách, quần áo vắt trên một sợi dây thép treo ngang một góc nhà. Không thấy ba đứa con đâu, Nhàn hỏi me khi có thể nói được. Bà Hai Thế mếu máo trả lời: - Con Út đưa hai đứa nhỏ xuống Sài-gòn. Còn Lisa ở lại đây với má. Nó lớn lắm rồi, đang làm việc ở ngoài vườn. Bà Hai Thế kể, không bao lâu sau khi chồng bà bị bắt đưa đi cải tạo, "Má Bảy" đã bị giết chết một cách bí mật. Người ta tìm thấy xác bà bỏ nằm trong một vườn chôm chôm, đầu bị đập vỡ, hai con mắt lòi ra, và bị lấy mất một sợi dây chuyền vàng đeo ở cổ và một chiếc nhẫn hột xoàn. Không có kẻ tình nghi, không tìm ra thủ phạm, nhưng công an kết luận đây là một vụ giết ngườii cướp của, và đóng hồ sơ. Sau đó, việc tập thể hoá các vườn trái cây được tiến hành suông sẻ, không còn ai chống đối. Chủ vườn được chia lời theo lao động, sau khi trừ tiền thuế còn thiếu cách mạng từ năm 1960. Lisa phải ra vườn làm việc vì trong nhà không còn ai khác. Nhàn chạy ra vườn tìm con. Hai mẹ con gặp nhau trên một con đường mòn trong vườn. Lisa mặc một bộ đồ bà ba đen và đang gánh hai thúng sầu riêng. Mới hơn 12 tuổi nhưng nó cao lớn gần bằng mẹ nên Nhàn không nhìn ra cho đến khi nó bỏ gánh sầu riêng, chạy lại ôm lấy mẹ. Lisa đã trở thành một cô gái đang tuổi dậy thì, và tính tình cũng đã thay đổi sau cuộc đổi đời khốc liệt với những cảnh kinh hoàng diễn ra trước mắt. Đứa bé lên mười bỗng nhận ra có một trách nhiệm trên vai phải mang gánh, và đã trở thành người lớn trước tuổi. Lisa đã không còn là đứa bé chạy về nhà, vừa khóc vừa mách bà ngoại vì bị chọc ghẹo ở trường học. Trong đôi mắt nâu màu hạt dẻ của Lisa lấp lánh nét u hoài Đông phương pha lẫn cái bùng cháy của người phương Tây. - Con của mẹ lớn quá rồi, và giỏi lắm.- Nhàn nói thầm bên tai con trong nước mắt. Lisa đưa ngón tay thon dài quẹt nước mắt cho mẹ nói: - Con thương mẹ lắm. Con sẽ giúp mẹ lo cho bà ngoại và các em. Mẹ khổ nhiều rồi. Nhàn ôm chặt lấy con và hôn như mưa lên mặt nó. Lisa nhắc cô nhớ tới McCoy, người chồng khác màu da đã bước vào đời cô và biến đi nhanh chóng như tất cả mọi cái phi lý của chiến tranh. Cùng một lúc, Nhàn có cảm giác vừa cay đắng vừa êm dịu. Lisa như một món quà vô giá mà định mệnh khắc nghiệt đã để lại cho cô sau những đau thương đã phải gánh chịu. Nhàn ôm con hồi lâu, sợ cái cảm giác hạnh phúc tung cánh bay đi như đã xảy đến với cô nhiều lần trong đời. Cuối cùng, Nhàn mỉm cười nói như trong một giấc mơ. - Cám ơn con, cám ơn con. Nhàn tới Công an xã trình diện và hôm sau đi Sài-gòn - nay đã đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh - để gặp hai đứa con nhỏ và Nhã, cô em út có chồng đang ở trong trại cải tạo. Nhã đã đậu Cử nhân Luật năm 1971, và có mộng trở thành một luật sư, nhưng sau khi lấy Hữu, một sĩ quan công binh, đã phải theo chồng di chuyển không ngừng, cho đến sau ngày 30-4 mới trở về căn nhà trong Khu Nguyễn Tri Phương mà hai vợ chồng đã mua được mấy năm nhưng ít khi ở. Hữu trình diện đi cải tạo, Nhã ở lại với đứa con trai chưa đầy một tuổi. Sau hơn một năm ở nhà ôm con chờ chồng, và bán dần đồ đạc để ăn, Nhã gửi con cho cô em chồng ở cùng xóm để ra bán chợ trời, khỏi chết đói. Chợ trời quả là thành quả vĩ đại của cách mạng vô sản Việt Nam, là trung tâm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nơi mua bán và trao đổi mọi tàn sản của xã hội từ vàng bạc kim cương cho tới quần áo cũ, nơi "bán cái gì cũng có người mua" và "mua cái gì cũng có người bán", là nơi tập họp đủ hạng người của xã hội cũ - kỹ sư, giáo sư, luật sư, vợ sĩ quan cải tạo, lưu manh... - và những giai cấp của xã hội mới - cán bộ, bộ đội, và người Nga được mệnh danh là những "người Mỹ không có đô-la". Chợ trời ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nuôi sống hàng triệu người sau cơn đổi đời bất ngờ, đã giúp hữu sản hóa cho giai cấp vô sản từ trong khu ra và từ miền Bắc vào. Qua chợ trời, tài sản của dân miền Nam sau bao năm làm ăn tích luỹ đã được chuyển dần sang cho giai cấp thống trị mới. Và như thế, Nhã đã xếp xó cái bằng cử nhân luật để trở thành một tay kinh doanh chợ trời, thay vì là một luật sư. Nay, sau khi mừng rỡ gặp lại Nhàn từ trại cải tạo trở về, Nhã cũng khuyên chị nên xuống Sài-gòn bán chợ trời. Thấy Nhàn lưỡng lự, Nhã nói: - Chị ôm lấy cái vườn làm gì? Trước sau gì cũng vào tay chúng nó. Bỏ đi cho xong. Ở trên ấy ngày nào chỉ để chúng hành hạ ngày ấy. Trước đây đã mấy lần em định đón má xuống dây nhưng má muốn ở lại chờ chị. Nay chị đã về, còn để má trong cái nhà kho ấy làm gì? - Họ bắt chị phải trình diện công an xã mỗi ngày trong thời gian quản chế. - Chị đã học tập tốt rồi đấy! - Nhã cười lớn - Tội nghiệp chị tôi quá. "Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách đường lối của nhà nước cách mạng" chỉ còn được áp dụng trong các trại cải tạo thôi. Rồi chị sẽ thấy. Bây giờ chị nên nghe lời em, đưa mẹ và Lisa xuống đây ở với em. Nhà này chật nhưng còn hơn cái nhà kho ở Lái Thiêu. Giấy tờ hộ khẩu để em lo. Thằng công an khu vực ở đây em biểu gì nó cũng làm, trừ hạ ảnh Bác Hồ đem liệng xuống cống! Nhàn đã nghe lời em, đưa mẹ và con gái xuống Sài-gòn. Thuyết phục được bà Hai Thế bỏ cái vườn trái cây ở Lái Thiêu ra đi là cả một sự khó khăn, vì đó là đời sống của bà, tình cảm của bà, quá khứ của bà, sự nghiệp của bà trong gần trọn một đời người. Bà sẵn sàng sống những ngày còn lại trong cái nhà kho ở xó vườn cho đến lúc nhắm mắt và được chôn vùi thân xác tại đây. Bà đã bằng lòng ra đi một phần cũng vì không thể sống tại đây mà thiếu cô cháu ngoại Lisa. Đứa cháu lai Mỹ, kết quả hành động nổi loạn của Nhàn mà trước đây bị coi như một vết nhơ cho gia đình, nay đã trở thành một phần đời sống của bà. Bà Hai Thế gạt nước mắt theo con cháu xuống Sài-gòn, dần dần cũng nguôi ngoai với mấy đứa cháu ngày đêm quây quần chung quanh. Công an Lái Thiêu không thắc mắc về việc bà Hai Thế bỗng nhiên biến mất mà không xin giấy di chuyển hay xin phép "tạm vắng". Bà bỏ đi, vườn trái cây của bà trở thành "tài sản của xã hội chủ nghĩa" và do nhà nước quản lý, thu hoạch hoa quả. Công an cũng không thắc mắc về việc Nhàn không tới trình diện mỗi ngày và không còn ở Lái Thiêu. Có thể họ đã trốn ra nước ngoài rồi, công an kết luận. Xuống Sài-gòn, hàng ngày Nhàn theo Nhã đi bán chợ trời. Lisa muốn theo giúp mẹ nhưng Nhàn không bằng lòng cho cô con gái ra phơi mặt nơi tập trung đủ hạng người trong những sinh hoạt làm hạ giá nhân phẩm. Nhàn không biết ngày mai ra sao nhưng cũng cố giữ gìn cho con được ngày nào hay ngày ấy. Lisa ở nhà săn sóc bà ngoại và giữ mấy đứa em, cùng nhau học bài làm bài được mẹ dạy mỗi đêm. Nhàn dạy chúng cả tiếng Anh với hy vọng mong manh một ngày nào đó có cơ hội đưa ba đứa con ra khỏi nước này. Có những người vẫn âm thầm ra đi và đã làm thành tin tức trên các chương trình tiếng Việt của các đài phát thanh ngoại quốc mà Nhàn đã lén nghe hàng đêm. Cô hy vọng Lâm sẽ trở về và cùng nhau trốn đi, dù chưa biết ra đi bằng cách nào. Cô vẫn chưa hoàn toàn tuyệt vọng về số phận của chồng, vẫn lặng lẽ chờ đợi, dù đã ba năm trôi qua không một tin tức, và dù Lâm có sống sót trở về cũng không biết tìm nhau ở đâu. Nhàn hy vọng vu vơ một ngày nào đó sẽ trông thấy Lâm trong đám đông ở chợ trời, đi mua một cái áo sơ-mi cũ, hay bán một cái đồng hồ đeo tay, hay không mua bán gì cả, mà chỉ đi dạo quanh quẩn cho hết những ngày tháng rỗng không như nhiều người đang làm. Chợ trời đã trở thành một văn hóa của xã hội mới, và cũng là nơi xảy ra những cuộc hội ngộ bất ngờ giữa những người hiện ra như những bóng ma, thì thầm bên tai nhau vài lời và vội vã bước đi, mắt nhìn lấm lét như những tên gian phi. Biết đâu Lâm sẽ không bất ngờ hiện ra như vậy? Nhưng hy vọng ấy đã nhỏ dần theo ngày tháng, cùng lúc với sự lớn lên từng ngày của nỗi chán chường cảnh đứng chợ trời. Nhàn cảm thấy đời sống đã mất hết ý nghĩa và hoàn toàn bế tắc. Nhàn không thấy con đường nào mở ra trước mắt, ngoài con đường từ xóm Nguyễn Tri Phương tới khu chợ trời trên đường Hàm Nghi, nơi những con người bị đào thải từ một xã hội đã sụp đổ sống lây lất trên những món đồ cũ còn sót lại. Một hôm, Nhàn tìm thấy một chút thú vị trong công việc bán chợ trời. Nói chuyện với một khách hàng người Ngà biết tiếng Anh. Ông ta hỏi mua một chiếc cặp Samsonite và nói về cảm tình của ông với con người và đất nước Việt Nam, và trông cũng có vẻ hài hước như những người Mỹ. Nhàn cười trả lời: - Người Mỹ cũng đã yêu chúng tôi như vậy nên chúng tôi mới khổ như thế này! - Chúng tôi là những... người Mỹ không có đô-la mà! Người Nga cười lớn, trả tiền và xách chiếc cặp Samsonite đi. Nhàn cười theo và lấy một cuốn truyện gián điệp ra đọc tiếp trong khi chờ một người khách khác. - Cô nói tiếng Anh giỏi quá! Nhàn ngẩng lên và thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi với cặp kính mát trên gương mặt không đến nỗi khó coi. - Trước đây, chắc cô là một giáo viên dạy Anh văn? - Ông tới đây mua hàng hay để điều tra lý lịch tôi? - Nhàn lấy giọng bông đùa. - Tôi không có ý định mua hàng và cũng điều tra lý lịch của cô. Tôi đang đi tìm một người dạy Anh văn. - Tìm người dạy tiếng Anh ở chợ trời à? - Nhàn tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng cho ai vậy? - Cho tôi. - Ông học tiếng Anh làm gì thời buổi này? Ông không thấy tôi đây sao? - Dĩ nhiên là thấy chứ! Vì vậy tôi xin đề nghị cô một điều: bỏ cái chợ trời này đi, vì nó không xứng đáng với cô, một người trí thức có phẩm cách. Câu nói cũng người đàn ông khiến Nhàn chú ý đến anh ta hơn, nhưng vẫn cố ý bông đùa: - À, ông muốn đóng vai Lê-nin trong phim "Chuông đồng hồ Điệm Krem-li" để khuyên bảo tôi hãy bỏ chợ trời để tìm một chỗ đứng trong xã hội mới như anh chàng kỹ sư đã nghe lời Lê-nin. Nhưng ông không phải là Lê-nin và tôi cũng không phải anh chàng kỹ sư dễ bị thuyết phục. - Thế là cô có xem phim ấy rồi đấy. Tôi cứ tưởng... - Cứ tưởng tôi chỉ là một con mẹ đứng chợ trời đầu óc tào lao... Ông không sai đâu. Sở dĩ tôi đi coi phim ấy vì nghe cái tựa đề có vẻ như là một phim trinh thám ly kỳ, và đi xem cho đở buồn. Tôi thích truyện trinh thám, gián điệp. - Nhàn giơ cuốn truyện đang cầm trên tay. Người đàn ông mỉm cười thú vị và nói: - Tôi cũng thích đọc truyện trinh thám, và những gì không phải chỉ là lao động, ăn, ngủ, và... hết. Vì vậy tôi đề nghị mình làm một cuộc trao đổi: cô dạy tôi tiếng Anh và tôi sẽ giúp cô khỏi phải đứng bán chợ trời nữa. Nhàn thực sự tò mò. Người đàn ông này là ai mà lại đi tìm thầy học tiếng Anh và dám hứa một điều mà không một người bình thường nào có thể làm trong lúc này - giúp một người nào khác, ngoài chính bản thân mình. Một cán bộ cách mạng cao cấp, hay chỉ là một tay bịp thuộc loại cao cường? - Tôi biết cô đang nghĩ gì nên không dám thúc hối. - Người đàn ông nói tiếp. Để cô có thì giờ suy nghĩ, tôi xin đưa cô địa chỉ cùng tên của tôi. Mai tôi sẽ trở lại để biết quyết định của cô. Người đàn ông viết tên và địa chỉ vào một miếng giấy và trao cho Nhàn, lễ phép cúi đầu chào rồi biến vào đám đông. Nhàn nhìn theo, nhưng không còn thấy anh ta đâu nữa trong đám người lố nhớ ồn ào. Nhàn tò mò nhìn xuống miếng giấy của người khách lạ để lại và nhíu mày suy nghĩ. "Nguyễn Quang Thái, số.... đường Tú Xương". Cái địa chỉ làm Nhàn băn khoăn. Cô nghĩ tới ngôi nhà của Xuân, người bạn đã di tản ra ngoại quốc trước ngày 30-4-1975. Cô không nhớ số nhà, nhưng nhìn tên đường, Nhàn có linh cảm chính là ngôi nhà của Xuân. Tối hôm ấy, Nhàn kể lại với Nhã câu chuyện lạ lùng về người đàn ông tên Thái. Nhã nói: - Có thể hắn là một anh Việt Cộng có hạng. Những ngôi nhà vô chủ trong khu ấy không đến phần bọn răng hô mã tấu đâu. - Em có ý kiến gì về việc anh ta muốn học Anh văn với chị? - Việc đó thì tùy chị, nhưng em nghĩ mọi việc làm kiếm ra tiền trong lúc này đều tốt cả. Cái bao tử của mình và của con cái mình là tối thượng. - Có thể chị sẽ nhận dạy cho anh ta mỗi tuần vài giờ, kiếm thêm chút đỉnh tiền chợ. - Ngoài ra, quen biết với một quan lớn cách mạng để dựa hơi lúc này cũng đỡ khổ lắm. Ngày hôm sau, Thái trở lại như đã hứa. Anh ta mừng ra mặt khi Nhàn cho biết nhận lời dạy anh ta ba giờ mỗi tuần. - Tôi tới nhà cô giáo hay cô giáo tới nhà tôi? - Có lẽ để tôi tới nhà anh. Tôi không có nhà ở đây. Tôi ở nhà cô em chật chội, đông người không tiện. Thế là mỗi tuần ba lần, Nhàn đạp xe tới dạy tiếng Anh cho Thái. Đúng là ngôi nhà của Xuân khiến Nhàn không thể không nghĩ đến bạn mỗi khi bước chân tới đây. Nhàn thắc mắc không biết Xuân đang ở đâu, và đời sống ra sao. Nhưng không bao giờ Nhàn nói với Thái mối liên hệ giữa mình với ngôi nhà này. Ngôi nhà nay nhìn từ bên ngoài không có gì thay đổi, tuy trông cũ đi một chút, nhưng bên trong hoàn toàn khác với khi gia đình Xuân còn ở đây. Trước kia sang trọng ấm cúng, nay chỉ như một cái xác không hồn. Những món đồ đắt tiền đã biến mất, chỉ còn lại một ít bàn tủ chỏng chơ. Thái sống độc thân ở đây với một thằng cháu gọi bằng chú mà Nhàn ít khi gặp. Cô tới dạy học rồi đi về, không hỏi gì về đời tư của Thái. Anh ta cũng không tò mò lắm về gia cảnh của Nhàn. Anh ta tỏ ra là một con người biết điều và tế nhị. Một hôm sau giờ học, Thái nói với Nhàn: - Trước đây, tôi có đề nghị với cô một cuộc trao đổi. Cô đã nhận lời dạy tôi tiếng Anh, nhưng tôi chưa làm nghĩa vụ của mình và cô vẫn còn phải đứng bán chợ trời. Hiện nay đang có một cơ hội để mình sòng phẳng với nhau. Sở Du Lịch đang cần một số người giỏi tiếng Anh, lương bổng khá, ngoài ra còn có những thu nhập phụ. Tôi có thể giúp cô việc này. Nhàn không có lý do gì để từ chối, và trở thành nhân viên của Sở Du Lịch. Cuộc đời cô đã bước vào một khúc quanh mới. May mấy chiếc áo dài để mặc đi làm. Uốn lại đầu tóc. Son phấn mỗi ngày. Tiếp xúc với du khách nước ngoài. Nhàn bỗng nhận ra mình đã thuộc về một phần của xã hội mới, thay vì là một món đồ phế thải của xã hội cũ. Mỗi buổi sáng, soi bóng mình trong gương khi trang điểm, Nhàn thường khó tránh khỏi mỉm cười. Mới hôm nào còn ngồi tù về tội phản động, nay đã trở thành công nhân viên nhà nước cách mạng! Cuộc đời đâu phải chỉ toàn bảo tố? Nhàn tự ví mình như một con chim nhỏ đã bay qua cả một vùng trời mưa gió, và bây giờ dừng chân đứng bên khung cửa sổ một ngôi nhà lạ, vừa rỉa lông rỉa cánh, vừa hưởng nhờ chút hơi ấm từ bên trong. Nhàn thầm cám ơn Thái, một anh Việt Cộng có tình người. Ngoài việc giúp Nhàn một chỗ làm, thỉnh thoảng Thái còn cho Nhàn những món quà, tuy rất tầm thường nhưng trong một xã hội đang thiếu thốn mọi thứ làm chúng trở thành những món quà quý - những nhu yếu phẩm được phân phối cho các cán bộ có tiêu chuẩn cao, như xì-dầu, khăn lau mặt, vải tốt, tiêu sọ, thịt hộp, v.v... Nhàn đem những món đồ này về cho Nhã, một phần đươc dùng trong gia đình và một phần đưa ra chợ trời. Trong khi Nhàn đã thay đổi, Nhã vẫn còn phải sống bám vào chợ trời. Nhàn rất thương cô em út, nhưng không thể làm gì để giúp, ngoài những món quà của Thái. Nhã tính thực tế và tâm hồn đơn giản hơn chị nên dễ xoay sở và dễ sống, và đã có sẵn một kế hoạch dứt khoát trong đầu. Ngày nào Hữu ra khỏi trại cải tạo là hai vợ chồng sẽ đem con đi vượt biên. Có lần Nhã nói với chị: - Chị thử nhìn ông già chồng và chú em chồng của em. Ông bố theo cách mạng hơn mười năm trong Nam, hai mươi năm tập kết ra Bắc bây giờ về đây, em phải mua cho từng chiếc áo, đôi dép. Nghe em nói anh Hữu phải đi học tập cải tạo, ông già ngơ ngác hỏi "học tập gì vậy". Còn chú em chồng theo cha tập kết ra Bắc nay trở về với cái bằng phó tiến sĩ Liên-Xô thì vẫn còn đạp xe cọc cạch đi làm và ước mơ một cái xe Honda. Thử hỏi cái thứ dân "ngụy" như mình làm sao mà khá được? Nhàn thở dài, nghĩ đến người chồng còn mất tích và tương lai của ba đứa con. Cuộc đời mình, Nhàn coi như không còn nữa nhưng không thể bỏ mặc cho những đứa trẻ cứ lớn dần như những cây cỏ dại trong một vũng lầy cạn. Từ ngày vào làm ở Sở Du Lịch, Nhàn thấy đời mình tạm yên nhưng tương lai ba đứa con vẫn còn mù mịt và hy vọng gặp lại Lâm hầu như đã lịm tắt. Một lần Nhàn hỏi ý kiến Thái về số phận của chồng, anh trả lời: - Bốn năm rồi. Nếu còn sống và đang ở một trại cải tạo nào đó thì cũng đã có tin tức. Không phải chỉ có quân lính miền Nam mới mất tích, bộ đội miền Bắc còn mất tích nhiều hơn. Mất xác thì đúng hơn. - Thái nhìn vào mắt Nhàn. Tốt hơn nên quên đi để sống cuộc đời còn lại của mình... Nhàn cảm thấy cái nhìn và câu nói của Thái chứa đầy xao xuyến. Nhàn quay đi chỗ khác để giấu một giọt nước mắt. Cuối năm 1979, Hữu từ trại cải tạo trở về. Căn nhà nhỏ của Nhã ở khu Nguyễn Tri Phương rộn tiếng cười. Nhàn mừng cho em nhưng lại cảm thấy đau xót cho mình. Mỗi lần tới nhà Thái, Nhàn lưu lại lâu hơn sau giờ học để nói vài câu chuyện, tránh về nhà sớm chứng kiến cảnh vợ chồng cô em út quấn quýt bên nhau. Sau giờ học cuối năm, Thái nói: - Để đền ơn cô giáo, tôi xin phép mời cô giáo dự buổi liên hoan đặc biệt mừng năm mới dương lịch. Không suy nghĩ, Nhàn nhận lời ngay. Mục đích chỉ để tránh khỏi phải đóng vai phụ trong cuộc vui cuối năm ở nhà cô em. Nhàn trang điểm, mặc chiếc áo dài ưng ý nhất. Lisa đứng ngắm mẹ khen: - Mẹ đẹp và sang quá! Nhàn hôn con: - Các con ở nhà đón Tết Tây với ngoại và dì Út. Mẹ sẽ cố về sớm... Hữu và Nhã nhìn nhau mỉm cười khi thấy Thái lái xe hơi mang bảng số nhà nước tới đón Nhàn. Nhã giễu với chồng: - Anh là gia đình cách mạng thứ... dỏm. Em mới là gia đình cách mạng thứ thiệt! Thái đưa Nhàn tới Khách sạn Độc Lập, tên mới của Caravelle. Trải qua một cuộc biển dâu, nơi đây vẫn là một thế giới khác với đời sống ở bên ngoài. Vẫn là ốc đảo biệt lập của những người da trắng và những người da vàng có quyền thế. Vẫn sực nức nước hoa ở giữa một xã hội lở lói tanh hôi. Vẫn lóng lánh kim cương ngọc thạch giữa những người thân xác gầy còm đói rách. Nhàn nghĩ thầm: "Chẳng lẽ với tất cả xương máu, đau thương của cả một dân tộc trong ba thế hệ chỉ là để đổi một cái tên." - "Độc Lập" thì có cái gì khác với "Caravelle"? - Nhàn hỏi Thại - Khác chứ! Cái tên! - Và Thái cười lớn. Họ cùng nhau hòa vào cuộc vui với mọi người. Khi tới tiếc mục khiêu vũ, Thái mời Nhàn: - Mình nhảy vài bản cho đở buồn. - Sao anh biết tôi biết khiêu vũ? - Phụ nữ Sài-gòn, cô nào chẳng biết khiêu vũ? - Anh lầm rồi. Đã hơn mười năm nay, tôi không hề nhảy. - Tại sao? - Khi người chồng đầu tiên của tôi chết. Còn anh, Việt Cộng mà cũng biết nhảy đầm? - Tôi biết khiêu vũ khi học ở Mátxcơva, và cũng không bao giờ nhảy từ khi trở về Hà Nội. Họ ôm nhau nhảy hai bản, và Thái dìu Nhàn ra bao lơn. Trước mặt họ, bên dưới là thành phố Sài-gòn đã đổi tên với hơn ba triệu con người đang trăn trở trong giấc ngủ không ngày mai, trên trời vẫn những ngôi sao nhấp nháy như bao nhiêu triệu năm trước. Nhàn nghe rạo rực vì ảnh hưởng của ly Champagne. Bỗng cô nhìn thấy đôi mắt sáng của Thái như lẫn với những vì sao, và nghe hơi thở của anh. - Anh yêu em. Nhàn rùng mình. John McCoy đã nói với cô câu ấy cũng tại nơi này, mười lăm năm trước. Và những gì xảy ra sau đó theo nhau chạy vụt rất nhanh qua óc Nhàn. Cô cảm thấy chân tay lạnh ngắt. - Em làm sao thế? - Thái ôm Nhàn hỏi. - Tôi sợ. Thái đưa Nhàn về. Nhưng thay vì về nhà của Nhã, anh đưa Nhàn về ngôi nhà ở đường Tú Xương. Nhàn không phải đối, ngoan ngoãn để Thái dìu vào nhà. Ngôi nhà tối thui. Thằng cháu của Thái chắc đang có cuộc vui riêng nơi khác. Thái đưa tay bật đèn. Nhàn rên: - Anh tắt đèn đi. Em sợ ánh sáng. Họ cùng nhau ngã xuống chiếc giường nệm của vợ chồng Xuân. Nhàn cắn môi, ôm chặt lấy Thái, bật ra những tiếng rên pha lẫn tiếng khóc. Trong bóng tối hiện ra hình ảnh của McCoy, của Lâm. Cô không biết đang làm tình với ai. Đang hạnh phúc hay đang đau khổ...