Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Lửa Hòa Bình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8931 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lửa Hòa Bình
Sơn Tùng

Chương 3

Bảy Kế, trưởng công an huyện Lái Thiêu, cúi đầu đọc tập hồ sơ trên bàn.  Chẳng có gì nhiều, chỉ gồm vài trang giấy mỏng.  Nhàn liếc nhìn bức ảnh Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng treo trên bức tường phía sau viên công an, hít thở một cách khó khăn.
Nhàn có cảm tưởng anh ta đang cố ý kéo dài sự chờ đợi của cô để uy hiếp tinh thần kẻ đối diện trước khi tung ra một cơn dông tố.  Nhưng không, Bảy Kế chỉ thổi ra một làn gió nhẹ từ đôi môi xám vì bệnh sốt rét lâu năm: - Thế nào, cô Nhàn mạnh khoẻ chứ?
Anh ta nói giọng Bắc đặc và làm ra vẻ thân thiện nhưng sự lạnh lùng tỏa ra trong ánh mắt.
Nhàn không chờ đợi ở viên công an một lời hỏi thăm sức khoẻ thân mật như thế, cũng như không chờ đợi ở anh ta một nụ cười.  Từ ngày chiến tranh chấm dứt cô chưa thấy ai cười - kẻ thă"ng cũng như người thua.  Cô nghĩ đến viên công an không cần nghe câu trả lời nên hỏi lại:
-  Ông gọi tôi lên đây có việc gì ạ?
-  Chị cứ gọi tôi bằng anh đi.  Đất nước ta bây giờ giải phóng và xã hội chủ nghĩa rồi.  Xưng hô như thế không tiến bộ. - Anh công an đột nhiên nghiêm giọng. - Chị làm gì thì chắc chị đã tự biết.  Nhưng tôi nghĩ chị vì chị chưa thông suốt đường lối chủ trương của cách mạng mà thôi.  Tôi biết đồng bào ở vùng mới giải phóng đã bị ngụy quyền tuyên truyền nên nhiều người đã vô tình chống lại cách mạng.  Đấy, chị nhìn xem chúng tôi có đuôi sau đít và có lấy kìm rút móng tay phụ nữ như tuyên truyền của ngụy không?
-  Tôi không nghe ai tuyên truyền như vậy nhưng... dân miền Nam khó mà quên được mấy ngàn người vô tội đã bị các anh giết ở Huế trong vụ tổng công kích Tết Mậu Thân và không biết bao nhiêu đàn bà trẻ thơ đã chết trong các cuộc pháo kích vào trường học, chợ búa, giựt mìn xe đò...
Đang buộc tội bỗng trở thành bị cáo, mặt Bảy Kế tối xầm lại.
-  Thảo nào các đồng chí công an xã buộc tội chị là phản động.
-  Nếu nói sự thật là phản động thì tôi là kẻ phản động.  Nhưng tôi không làm gì để chống lại cách mạng của các anh.  Tôi chỉ là một người dân.
-  Chị có biết chị đang ở trong tình trạng cư trú bất hợp pháp không?
-  Đó là điều mà công an xã đã nói với tôi, và tôi không chấp nhận.
-  Chị không nhận là đang cư trú bất hợp pháp khi chị không có một tờ hộ khẩu?
-  Tôi đang ở nhà cha mẹ tôi, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên... mà gọi là cư trú bất hợp pháp?  Còn các anh cư trú ở đây hợp pháp hay bất hợp pháp, và các anh ở đâu tới đây?
-  Chị này thật ngoan cố!  Thế chị có tờ khai gia đình của chế độ cũ không?
-  Tôi có tời khai gia đình.
-  Ở đâu?
-  Ở Pleiku nhưng không mang theo khi di tản về đây.  Tôi là người chạy giặc, đã mất hết tài sản và may mắn không chết dọc đường.  Đòi hỏi tôi phải đem theo một tờ khai gia đình thì thật là vô lý.
-  Chị nói chạy giặc à?  Giặc gì vậy? - Bảy Kế gằn giọng.
-  Giặc giã, chiến tranh.
Bảy Kế thở ra, dịu giỏng
-  Tôi khuyên chị nên tuân theo quy định của nhà nước cách mạng.  Khai hộ khẩu trong vùng mới giải phóng là để quản lý trị an và chăm lo cho mọi công dân theo chủ trương của cách mạng.
-  Tôi đang tự hỏi tôi là công dân của nước này hay là một kẻ bị lưu đày ngay chính trên quê hương của mình?
Bảy Kế nhìn Nhàn đăm đăm:
-  Chị nói như vậy có ý gì?
Chính các anh đã làm cho tôi có cảm nghĩ như vậy.  Nhà nước chăm lo cho tôi bằng cách bắt tôi phải làm đơn xin tạm trú ngay tại nơi chôn nhau cắt rún của tôi à?
-  Đó là pháp lệnh, chúng tôi chỉ là những kẻ chấp hành.
-  Vâng, tôi biết các anh chỉ là những kẻ thừa hành, và tôi là nạn nhân của những cái máy.  Những cái máy không có tim và những nạn nhân không có mồm.
-  Tôi có tim và chị có mồm đấy chứ!
-  Vậy à?
-  Bằng cớ là tim tôi đang sôi lên khi nghe chị chửi chúng tôi.  Nhưng tôi vẫn không coi chị là kẻ thù.  Chị chỉ là một người dân trong vùng mới giải phóng cần được giúp đở để giác ngộ.
Bảy Kế ngưng nói, nhìn xuống tập hồ sơ vài phút rồi lại ngẩng lên nhìn Nhàn:
-  Thế là chị còn thêm cái tội là đã lấy một thằng giặc Mỹ.
-  Đó là tội của các anh thì đúng hơn. - Nhàn dằn cơn giận, nhẹ nhàng phản công. - Tại các anh đã giết hết thanh niên miền Nam nên tôi phải lấy một thằng giặc Mỹ.
-  Quả thật chúng tôi đã lầm.  Nhân dân miền Bắc đã hy sinh chiến đấu trong hai thế hệ để đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy chỉ là sự bỏ chạy và sự vô ơn của dân miền Nam...
-  Các anh giải phóng chúng tôi hay chúng tôi giải phóng các anh?
- ???
-  Không phải là các anh đã được chúng tôi phải phóng hay sao?  Chúng tôi đã giải phóng các anh khỏi đời sống lạc hậu, bít kín ở miền Bắc, chúng tôi đã giúp các anh nhìn thấy ánh sáng văn minh, văn hóa.
Bảy Kế bật dậy như bị điện giựt dưới đất, quắc mắt:
-  Láo!  Chị đã đi quá trớn rồi.  Chồng hiện tại là lính ngụy, thảo nào!
-  Chồng tôi không phải là lính ngụy.
-  Thế lính gì?
-  Lính quốc gia.
-  Hừ, đi lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ mà quốc gia, dân tộc cái gì!
-  Vâng, các anh thắng, các anh muốn lăng nhục kẻ thua thế nào là quyền của các anh.  Sự thật vẫn là sự thật.
Bảy Kế cảm thấy tất cả bạo lực cách mạnh đã không đủ để khống chế người đàn bà tay không này.  Y đưa tay nhìn đồng hồ và chấm dứt cuộc " làm việc " bằng một câu lạnh lùng:
-  Chị cần được giúp đở để sửa lại những ý nghĩ lệch lạc và hiểu rõ đường lối chính sách của nhà nước cách mạng.
Bảy Kế quay vào trong gọi một viên công an.
Nhàn thảng thốt:
-  Các anh bắt tôi hả?
-  Chúng tôi không bắt chị.  Chúng tôi chỉ giúp chị trở thành một công dân tốt của nươc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước khi Nhàn kịp nói gì thêm, một viên công an đã xuất hiện, nắm hai cổ tay Nhàn bẻ ra sau và đẩy cô ra khỏi phòng.
Chờ đến khuya không thấy Nhàn trở về, ông Hai Thế biết chuyện gì đã xảy ra cho con gái.
Cuộc chiến dài gần hai mươi năm đã chấm dứt được một tuần lễ.  Dân miền Nam đươc hưởng những ngày hòa bình đầu tiên trong sự ngơ ngác trước cuộc đổi đời quá đột ngột, với những cuộc khám nhà bất kể ngày đêm và những vụ bắt giữ lặng lẽ.
Cuộc tắm máu mà nhiều người lo sợ đã không xảy ra.  Sĩ quan, công chức chế độ cũ được lệnh ra trình diện để đi học tập cải tạo một vài tháng mà người ta mường tượng đến những lớp học có bàn ghế, có bục giảng, có giáo sư, và có thảo luận, giải lao.
Những nhà cai trị mới được gọi là "quân quản", tiếp thu chính quyền từ chế độ cũ.  Họ là những người từ chiến khu ra, từ miền Bắc vào, hay là những người nằm vùng trong xã hội miền Nam.
Một buổi tối, một toán công an đã bất ngờ tới kiểm soát giấy tờ và khám nhà ông Hai Thế.  Họ không báo trước và cũng không xin phép gia chủ.  Họ chỉ đơn giản tới nhà, súng lục giắt lưng, đi lục soát khắp nhà, tịch thu một số sách và băng nhạc, kiểm tra từng người trong nhà so với tờ khai gia đình cũ để làm lại tờ khai hộ khẩu.
Nhàn và ba đứa con không có tên trong tờ khai gia đình, bị gọi ra công an xã "làm việc" và được yêu cầu trở về "nguyên quán" ở Pleiku.  Nhàn cãi rằng nguyên quán của cô là Lái Thiêu chứ không phải Pleiku và chất vấn những câu mà các anh công an ít chữ không trả lời được.
Và, họ đã có cách "trả lời" khác.
Ông Hai Thế cho rằng bọn công an địa phương đã lộng hành và làm sai chính sách nhà nước cách mạng mà một số người lãnh đạo từng sát cánh tranh đấu với ông từ khi còn đi học ở Sài-gòn.  Một người mà ông quen biết nhiều qua những cuộc tranh đấu sôi nổi thời trai trẻ là Huỳnh Tấn Phát, nay đang là thủ tướng chính phủ lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam.  Tuy đã mấy chục năm không gặp lại nhau, ông giáo Thế tin rằng Huỳnh Tấn Phát vẫn còn nhớ ông.  Và ông quyết định đi tìm thăm ông thủ tướng chính phủ cách mạng để hỏi chuyện thời thế và nhờ can thiệp với chính quyền địa phương trả tự do cho con gái ông.  Ông tin Huỳnh Tấn Phát là một trí thức miền Nam thực lòng yêu nước, và là một nhà cách mạng có tình có nghĩa.
Quả thật Huỳnh Tấn Phát đã mừng rỡ ôm chặt người bạn tranh đấu năm xưa khi nghe ông Hai Thế tự giới thiệu:
-  Trời ơi!  Anh Hai. - Huỳnh Tấn Phát thân mật kêu lên - Ai ngờ mà anh em còn gặp lại nhau trong cảnh đất nước hòa bình thống nhất hôm nay, sau mấy chục năm đấu tranh gian khổ.
Ông thủ tướng mặc sơ-mi trắng cụt tay, quần ka-ki dài, tự tay rót nước mời khách và cùng nhau bàn chuyện nước chuyện dân.  Cuối cùng, ông Hai Thế ngập ngừng trình bày lý do chính đã khiến ông đi tìm người bạn cách mạng năm xưa và kết luận:
-  Tôi biết anh đang bận trăm công ngàn việc lớn lao, nhưng việc này cũng không phải là nhỏ với mọi người dân trong Nam.  Sự bắt bớ bừa bãi không duyên cớ sẽ gây them khổ đau cho dân và làm dân mất lòng tin vào cách mạng.
Thủ tướng Phát trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:
-  Quả đúng như anh vừa nói.  Có cả ngàn công việc phải làm trong lúc này nếu muốn thực hiện lý tưởng của chúng tôi.  Nhưng, tôi phải thú thật với anh Hai là tôi đang gần như vô quyền.  Chắc anh cũng rõ là bên quân đội đã tiếp thu chánh quyền ở mọi nơi, mọi cấp và giải quyết mọi việc, từ trị an đến văn hóa, xã hội, kinh tế. - Huỳnh Tấn Phát đăm chiêu.- Trong mấy chục năm qua, chúng tôi đã hy sinh ghê gớm lắm, anh Hai à, và cũng đã xảy ra không biết bao nhiêu oan khiên, khổ đau.  Ngay chính bản thân tôi cũng đã chịu nhiều cay đắng mà phải cắn răng làm thinh.
Ông Hai Thế biết Huỳnh Tấn Phát muốn ám chỉ việc cha, chú và cô ruột của ông ta đã bị đảng sát hại vì thanh toán nội bộ trong lúc ông ta hết lòng phục vụ cách mạng.
Sau một hồi im lặng, Huỳnh Tấn Phát thở dài:
-  Anh Hai biết không, giấc mơ của tôi sau cả một đời tranh đấu chỉ là lúc về hưu có được một chiếc xe Honda để chở vợ hay cháu nội, cháu ngoại đi chơi.
Cuối cùng, Huỳnh Tấn Phát nói:
-  Để tôi viết một thơ giới thiệu anh với anh Trần Văn Trà.  Anh Trà là chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh, chắc anh biết.  Anh ấy có thể giúp anh việc này.
Ông Hai Thế cầm lá thư của Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát tới tư dinh Tướng Trần Văn Trà theo địa chỉ ghi trên phong bì.
Lính gác cổng hỏi tới hỏi lui, xem đi xem lại cái phong bì và gọi điện thoại vào trong báo cáo sĩ quan trực.  Cuối cùng, một anh bộ đội béo tốt ít thấy đi ra đưa ông Hai Thế vào gặp Trần Văn Trà.
Tướng Trà mặc bộ đồ bà ba đen, chân mang dép nhựa, tóc hoa râm.  Một nhà cách mạng bằng xương bằng thịt mà ông Hai Thế mới thấy lần đầu.  Trà đọc lá thư của Huỳnh Tất Phát xong, thân mật hỏi ông Hai Thế:
-  Anh Hai tham gia hoạt động cách mạng với anh Phát từ hồi nào?
-  Tôi tham gia phong trào Đông Dương Đại Hội vào các năm 1936-38 với anh Phát, cùng nhau lên gặp phái đoàn Godard của chánh phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp để đưa thỉnh nguyện thư đòi độc lập.  Năm 1945 lại gia nhập phong trào Thanh Niên Tiền Phong cùng các anh Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng...
Trần Văn Trà mỉm cười:
-  Anh Hai mà đi trọn con đường với cách mạng thì nay chắc phải làm lớn hơn tôi.
Ông Hai Thế ngơ ngác cười theo.
Tướng Trà đi lấy giấy viết lá thư, bỏ vào phong bì, dán lại và đưa cho ông Hai Thế, dặn:
-  Anh Hai đưa thơ này cho đồng chí chủ tịch Ủy Ban Quân Quản tỉnh Sông Bé.  Trong vùng mới giải phóng còn nhiều lấn cấn vì chính sách không thống nhất.  Tôi mong sẽ giúp được anh Hai để cháu về nhà lo cho các con.
Sáng sớm hôm sau, ông Hai Thế tới Ủy Ban Quân Quản tỉnh với lòng tự tin và thầm cảm phục Huỳnh Tấn Phát và Trần Văn Trà, những con người cách mạng vừa có tình vừa có lý.
Chủ tịch Ủy Ban Quân Quản tỉnh mặc một bộ đồ xanh màu phân ngựa nhăn nheo không ủi, cổ áo mang quân hàm thượng tá và chân mang một đôi dép râu.  Trên đầu có một mớ tóc hoa râm biếng chải.  Chung quanh mồm có những sợi râu lởm chởm cái trắng cái đen.  Ông ta nhìn ông Hai Thế rồi cúi xem chiếc phong bì và xé ra đọc.  Hai Thế hồi hộp chờ đợi tin mừng, và không phải chờ đợi lâu.  Viên thượng tá nhăn mặt, vò nát lá thư của ông trung tướng rồi vứt vào cái giỏ rác để bên cạnh bàn.  Y nhìn ông Hai Thế, gằn giọng:
-  Anh có bạn làm lớn nhỉ!  Nhưng ở đây không có... trà lá gì cả!  Chúng tôi làm việc theo pháp lệnh và theo quyết định của nhân dân.  Anh cứ yên tâm ra về.  Cách mạng chủ trương nhân đạo, công bằng.  Bao giờ học tập giác ngộ rồi thì chị ấy sẽ về với gia đình thôi.
Ông Hai Thế biết không nên nói gì thêm nữa, và đứng dậy bước ra cửa.
"... Anh Hai mà đi trọn con đường cách mạng thì nay chắc phải làm lớn hơn tôi"... "Ở đây không có trà lá gì cả..."  Những tiếng ấy cứ réo bên tai ông lẫn với những tiếng cười giễu cợt... như của một lũ ma quái.  Ông cúi đầu bước nhanh trên hè phố và xuýt đâm vào một người quét đường.  Ông ngẩng mặt lên định nói một lời xin lỗi nhưng miệng ông vừa há ra thì không phát được nên lời.
Đứng trước mặt ông là ông bác sĩ trưởng ty y tế với cây chổi dài trên tay, với mái đầu bạc không chải và một gương mặt bơ phờ của người mất ngủ.  Ông ta lẩm bẩm giải thích trước khi ông Hai Thế tìm được câu hỏi:
-  Ông Tổng trưởng Y tế Trần Minh Tùng ông ấy hại tôi.  Ông ấy bắt tôi làm chủ tịch tỉnh bộ Đảng Dân Chủ của ông Thiệu vì chẳng ai chịu nhận.  Bây giờ các ông ấy đi hết rồi, mình ở lại lãnh đủ.
Ông bác sĩ chợt im bặt và tiếp tục quét đường khi có tiếng quát lớn phát ra từ một bóng mát dưới gốc cây phượng trổ hoa đỏ rực:
-  Anh kia nói cái gì đấy?  Đã tới giờ nghỉ đâu!  Làm việc đi!  Chỉ quen thói ươn lời gian dối tư sản!
Từ ngày ở Ủy Ban Quân Quản tỉnh Sông Bé về, ông Hai Thế bị sa sút tinh thần trầm trọng.  Ông bị mất ngủ nặng và thường uống rượu.  Ông hoàn toàn không được tin tức gì của Nhàn.  Giam ở đâu?  Tội gì?  Có ra tòa xử hay không?  Và bao giờ mới được ra khỏi nhà tù?
Những câu hỏi của Hai Thế chỉ được đạp lại bằng tiếng vọng của chính ông.
Như hầu hết người dân miền Nam, ông không trông đợi cuộc cách mạng này nhưng cũng không làm gì để chống lại, và cảm thấy bánh xe nặng nề của nó đang nghiến trên cuộc sống của ông và gia đình ông, cũng như của mọi người chung quanh đang quằn quại một cách bất lực.
Trước tiên là ông giáo Thế không còn được lãnh số tiền hưu hàng tháng sau cả một đời làm việc.  Nó tự nhiên biến đi mà không ai cần giải thích với ông một lời.  Kế đến là phải trả tiền thuế truy thâu cho cách mạng đánh trên vườn trái cây của ông từ năm 1960.  Tại sao lại 1960?  Cái này thì được giải thích: 1960 là năm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập.  Nhưng đau đớn nhất cho ông bà Hai Thế là sau khi chiến tranh chấm dứt, đáng lẽ là lúc gia đình đoàn tụ xum họp thì cảnh ly tán đã diễn ra bi đát hơn bao giờ, kể cả trong thời chiến.
Con trai cả của ông bà Hai Thế, Hùng, một thiếu tá Không quân, đã bay ra ngoại quốc với vợ và hai con.  Con trai thứ ba, Trí, em cô Nhàn, một sĩ quan Hải quân, cũng đã theo tàu đi tị nạn, không kịp đem vợ con theo.  Cô con gái út, Nhã, có chồng là một sĩ quan Công binh, bị đi tập trung cải tạo, dù anh là con của một cán bộ cộng sản tập kết ở Bến Tre.  Và, Nhàn không làm gì cho chế độ miền Nam cũng bị đi cải tạo, để lại ba đứa con nhỏ cho ông bà ngoại coi sóc.
Ba đứa bé tuy nhớ mẹ nhưng ngoan ngoãn cũng là một niềm an ủi cho ông bà Hai Thế, dù đôi lúc họ xót xa nhìn chúng sống hồn nhiên mà không biết tương lai sẽ ra sao.  Mọi người trong nhà cố tạo cho chúng một cuộc sống bình thường trong một hoàn cảnh không bình thường.  Ông dạy chúng học ở nhà vì bị từ chối thâu nhận vào trường học với lý do không có tên trong tờ khai hộ khẩu.
Sau khi tặng cho anh công an xã một chiếc đồng hồ đeo tay, ông Hai Thế xin được ghi tên ba đứa bé vào tờ khai hộ khẩu và hai đứa lớn được cấp sách tới trường với tên trên giấy khai sinh là Phan Thiên Lý và Nguyễn Ni.
Một ngày nọ, bé Lisa đi học về ôm chầm lấy bà ngoại òa khóc:
-  Cháu không muốn tới trường nữa...  Cháu muốn học ở nhà... - Con bé nức nở trong vòng tay bà ngoại.
Bà Hai Thế hỏi lý do mấy lần bé Lisa mới chịu nói:
-  Chúng nó gọi cháu là "con Lý Mỹ lai", là con hoang không có cha.
Một ngày khác, Tony về nhà với một con mắt bầm tím.  Lý do: đánh nhau với một bọn chế nhạo nó là thằng "Ni Ma-rốc", thằng mọi đen con hoang.
Ông bà Hai Thế đành để hai đứa cháu học ở nhà.
Bánh xe cách mạng vẫn vô tình tiến tới.  Các Uỷ ban Quân Quản đã giao quyền lại cho các Uỷ Ban Nhân Dân, và Chính phủ Lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đã bị âm thầm giải thể mà không được một ngày nắm quyền.  Lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa đã biến mất giống như lá cờ trên sân khấu phường chèo khi màn hạ.  Chỉ còn lá cờ đỏ sao vàng từ Lạng Sơn tới Cà Mau.
Các chủ vườn trái cây ở Lái Thiêu được nhà nước thông báo chính sách nông nghiệp mới, chuẩn bị để vào tập thể.  Mọi người xôn xao bàn tán, và một bầu không khí căng thẳng đã tăng dần cường độ cho đến một buổi tối đã bùng nổ tại một cuộc họp giữa Ban Cải Tạo Nông Nghiệp huyện và các chủ vườn trái cây.
Trưởng Ban Cải Tạo Nông Nghiệp, Năm Tánh, một người đánh xe ngựa ở chợ Lái Thiêu trước khi thoát ly theo cách mạng, xách chiếc cặp nhựa ọp ẹp và mang đôi dép râu tới giải thích về chính sách cải tạo nông nghiệp:
-  Tập thể hoá nông nghiệp là bước đầu để tiến tới nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.  Bà con ta cần hạ quyết tâm dứt bỏ thói quen làm ăn kiểu cò con, bỏ đầu óc tư sản tư lợi.  Ngày nay, tại những nông trang tập thể bên Liên Xô, người ta dùng phi cơ tưới nước, rải thuốc trừ sâu, công nhân lái xe cơ giới mặc áo "lu" trắng làm việc như bác sĩ.  Chỉ có nền sản xuất lớn của xã hội chủ nghĩa ưu việt mới đạt tới trình độ sản xuất hiện đại ấy.
Ai đó giơ tay phát biểu:
-  Thưa đồng chí,sản xuất hiện đại như vậy sao Liên Xô vẫn không có đủ lương thực để nuôi dân?
-  Ai bảo với anh Liên Xô không sản xuất đủ lương thực để phục vụ nhân dân?
-  Thì báo chí, thông tin...
-  Báo chí thông tin nào?  Của ta hay của địch?  Bà con phải cảnh giác, bỏ ngoài tai tuyên truyền phản động của địch, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của nhà nước cách mạng để một ngày không xa Việt Nam cũng sẽ tiến tới đời sống ấm no hạnh phúc như tại Liên Xô.
Không còn ai thắc mắc, đồng chí Năm Tánh loan báo:
-  Việc tập thể hoá các vườn trái cây trong huyện ta sẽ được bắt đầu trong một tuần lễ nữa với việc đo đạt diện tích vườn và đếm gốc cây, xếp loại cây trái.
Bỗng ông Hai Thế đứng lên nói:
-  Tôi nghĩ bây giờ đất nước giải phóng, độc lập tự do rồi, sao nhà nước ta lại độc đoán bắt nhân dân sản xuất tập thể..
Năm Tánh ngắt lời Hai Thế:
-  Cách mạng không bắt buộc ai.  Đó là quyết định của nhân dân.  Nhà nước cách mạng là chính quyền của nhân dân.
Ông Hai Thế tiếp tục phát biểu:
-  Vậy thì chúng tôi, những chủ vườn ở đây, có phải là nhân dân không?  Chúng tôi đã tạo dựng nên những vườn trái cây này bằng mồ hôi nước mắt sau bao nhiêu năm lao động cực nhọc mà bây giờ không được quyền quyết định gì cả về tài sản của mình và cũng không ai thèm hỏi ý kiến chúng tôi.  Như vậy sao gọi là giải phóng, tự do?
Mọi người im phăng phắc, lấm lét đưa mắt nhìn ông Hai Thế rồi lại lấm lét nhìn đồng chí Năm Tánh đang ngơ ngác lúng túng như băng cát-xét bị kẹt bất ngờ.  Bỗng một bà to béo với chiếc khăn rằn vắt vai đứng vụt dậy.  Đó là "Má Bảy", một bà "mẹ chiến sĩ" nổi tiếng trong vùng.  Mặt đỏ bừng trong cơn giận dữ, hai tay chống nạnh, Má Bảy nói sang sảng:
-  Đứa nào tới vườn của tao đo đất, đếm gốc cây, tao chém ráng chịu.  Tập thể hoá vườn trái cây là cái gì, hả?  Trước kia sao không nói mà chỉ hứa hẹn là đánh cho Mỹ cút ngụy nhào rồi thì mọi người sẽ ấm no, hạnh phúc, tự do, độc lập...  Bây giờ hạnh phúc tự do như vầy hả?  Hừ, trước kia cũng chỉ vì thấy chúng bay gian khổ, tụi tao lén lút che chở, nuôi dưỡng chúng bay bất kể ngày đêm.  Bây giờ bay trả ơn bằng... tập thể hoá, đo đất, đếm gốc cây hả?  Trước kia cần cái gì nửa đêm bay cũng gõ cửa, bây giờ bay ngồi bàn giấy hạch sách đủ điều như quan Tây không bằng...  Trước kia chúng tao tiếp tế cho bay nào thuốc Tây, pin đèn, vải vóc... bao nhiêu không kể.  Bây giờ đứng xếp hàng cả ngày được cập một cái phiếu mua miếng vải che không kín cái mu l...  Phải biết như vầy, trước kia tao chế nước sôi xuống hầm bí mật cho bay chết hết đi.
Cơn phẫn uất cao độ biến mặt Má Bảy từ màu đỏ sang tái mét.  Nói hết những lời kinh thiên động địa xong, bà ngồi phịch xuống ghế, lắp bắp:
-  Bây giờ bay làm gì tao thì làm.
Năm Tánh mặt tái mét, đứng chết trân như trời trồng.  Mọi người cũng bất động như những cái xác bị đông lạnh, không nhúc nhích, và không một lời.  Không khí trong phòng họp im phăng phắc.  Chỉ còn tiếng mấy con muỗi bay vo ve.  Cuối cùng, đồng chí Năm Tánh ấp úng mở đường tháo lui:
-  Xin bà con ra về.  Tôi sẽ phản ánh ý kiến của một số bà con lên trên để trên sẽ có quyết định sau.
"Trên" đã có quyết định vào năm ngày sau.  Việc đo đất và đếm gốc cây bị đình hoãn vô hạn định.  Má Bảy được cách mạng để yên, nhưng ông Hai Thế đã bị dùng làm con dê tế thần để dằn mặt các chủ vườn khác.
Một buổi tối, Công an đưa một nhóm Thanh Niên Xung Phong tới nhà ông Hai Thế.  Trong khi Thanh Niên Xung Phong kiểm kê mọi thứ trong nhà, Hai Thế bị Công an còng tay dẫn đi.  Ông vùng vẫy kêu la cầu cứu nhưng không ai nghe vì nhà ở cách xa nhau, và nếu có ai nghe cũng không dám ra khỏi nhà lúc đêm tối.  Ông bị bịt mồm bằng một miếng vải buộc phía sau ót và bị đẩy lên một chiếc xe Jeep chạy biến vào bóng đêm.
 

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 359

Return to top