Khiêm để bút xuống, đứng dậy bước tới trước cửa sổ, nhìn chăm chú ra ngoài bầu trời đêm.
Khiêm không làm sao hiểu được, mấy hôm nay vì đâu hàng đêm khi chàng đọc sách hoặc sửa bài học sinh, đã luôn nghĩ đến bà Trương. Không hiểu đây phải là do ở Khiêm đồng tình cảnh ngộ của bà, hay là có những nguyên nhân nào khó giải thích khác.
Gần đây Dĩnh vào lớp học tỏ ra chăm chú hơn trước, đối với Khiêm cũng có lễ phép hơn, thường thấy nàng cười luôn. Nhưng mỗi lần Khiêm thấy nụ cười của Dĩnh, thì chàng càng nhớ đến nét mặt sang trọng nhưng buồn bã của mẹ nàng.
Từ trước tới nay Khiêm chưa bao giờ quan tâm đến một phụ huynh học sinh như thế. Có lẽ do ở bà Trương là một quả phụ chăng? Chính Khiêm đã tự thú như vậy. Mặc dù sau dịp tiếp xúc chuyện trò hôm ấy, giữa đôi bên có vẻ quen biết nhiều hơn, nhưng Khiêm vẫn cảm thấy bà Trương là người có nhiều bí ẩn, luôn thu hút lòng hiếu kỳ của chàng. Thặm chí do việc đó làm cho Khiêm thường nghĩ tới bà Trương luôn. Khiêm cũng luôn suy đoán về vấn đề tại sao giữa Dĩnh và mẹ nàng lại có sự lạnh nhạt với nhau? Không hiểu bà Trương mấy năm qua làm thế nào để xua đuổi nỗi buồn cô quạnh trong lòng? Không hiểu bà Trương đã được bao nhiêu tuổi rồi?
Mỗi khi nghĩ tới các vấn đề đó, Khiêm khônng khỏi cười thầm cho mình. Chẳng hiểu vì sao Khiêm bỗng lại nghĩ vu vơ như vậy, vì sao chàng bỗng lại có hứng thú đi tìm hiểu chuyện riêng của người ta như vậy?
Nhà trường của Khiêm sắp tổ chức hội chợ triển lãm mỗi năm một lần. Đầy là cuộc triển lãm để bày bán các sản phẩm của học sinh, lấy tiền xung vào quỹ của học đường. Vì Khiêm là giáo sư lớp thi, nên chàng khỏi phụ trách một công việc nào cả. Chàng được tự do hơn mọi giáo sư khác.
Riêng Dĩnh thì hăng hái tham gia việc chưng dọn gian hàng của lớp nàng.
Buổi sáng khi hội chơ triển lãm vừa khai mạc, Dĩnh đã báo cho Khiêm biết là má nàng sẽ đến. Vì vậy Khiêm luôn đi tới đi lui trong vườn hoa nhà trường và luôn để ý đến các tân khách viếng hội chợ. Mỗi lần trông thấy một hình bóng nào tương tợ bà Trương, là Khiêm thấy tâm trạng mình căng thẳng hơn lên.
- Giáo sư Khiêm!
Một giọng nói dịu dàng và quen thuộc từ phía trái Khiêm truyền đến.
Chàng quay đầu nhìn lại, trông thấy mẹ của Dĩnh đang mỉm cười. Khiêm cố che đậy sự vui mừng trong lòng:
- Bà cũng đến dự đấy hả? Gian hàng của Dĩnh ở phía bên kia, để tôi đưa bà đi.
Dĩnh trông thấy mẹ liền nhảy tưng lên:
- Má! Gian hàng của chúng con trang trí có đẹp không?
Bà khen:
- Đẹp lắm, trang trí rất đặc biệt.
Dĩnh cúi mình như đón mời một khách hàng:
- Hoan nghinh má đến viếng, mời má chọn mua nhiều nhiều!
Mấy bạn của Dĩnh có mặt tại gian hàng, nghe nàng gọi người đàn bà sang trọng ấy bằng má, đều lộ sự ngạc nhiên. Có mấy nữ sinh đang kề tai thì thầm với nhau và đưa mắt nhìn bà Trương thật kỹ. Ánh mắt của các cô hiện rõ vẻ ái mộ.
Bà Trương dừng lại trước gian hàng của Dĩnh thật lâu, chừng như bà cảm thấy rất vui thích đối với tất cả những món vật có liên quan đến con gái. Dĩnh cũng hết sức vui thích, không ngớt miệng giải thích cho mẹ nghe. Giáo sư Khiêm đứng bên cạnh, nhìn cử chỉ hòa hợp của hai mẹ con, cảm thấy khó tin được là giữa hai người lại có một sự cách biệt.
Bà Trương xách chiếc túi đựng thật nhiều đồ vật lên, nói với Dĩnh:
- Má muốn đến các gian hàng khác để xem.
Dĩnh ái ngại:
- Con không thể đưa má đi được, vì con còn phải ở đây.
Giáo sư Khiêm lên tiếng:
- Tôi sẽ đưa bà đi xem khắp nơi. Tôi không có nhiệm vụ gì nhất định, tự do lắm.
Dĩnh vui mừng:
- Như vậy là hay quá. Em cám ơn giáo sư. Tôi chỉ sợ má tôi đi một mình thì buồn. Má, chốc nữa má có thể về trước, chẳng cần chờ con.
Bà Trương gật đầu, theo giáo sư Khiêm đi đến các gian hàng khác. Có nhiều trò chơi rất vui. Đối với bà Trương đều là những trò chơi mới mẻ và thích thú. Khiêm đi bên cạnh bà, khích lệ bà tham gia những trò chơi. Chẳng mấy chốc, bà Trương cảm thấy say mê y như một đứa trẻ
Dường như bà quên mất tuổi tác của mình, quên mất mình là ai, hòa mình vào thế giới ngây thơ và trong sạch của thời niên thiếu thuở trước. Khiêm cũng cảm thấy mình như trẻ lại rất nhiều và người đi bên cạnh như những bạn trẻ của mình lúc nhỏ. Khiêm đang vui vì thấy mẹ Dĩnh vui:
- Này giáo sư, chúng mình lại thắng cuộc!
Bà vui đến đỗi quên mất sự giữ gìn, kéo lấy tay áo của Khiêm.
- Ồ, may quá!
Khiêm nhìn bà Trương, thấy mớ tóc đen mượt của nàng đang lấp lánh dưới ánh nắng. Đầy là lần thứ nhất Khiêm nghe được tiếng cười thật vui tươi của nàng.
- Trúng được nhiều đồ vật quá. Hôm nay cần phải có một chiếc va ly da mới đựng hết!
Bà Trương vừa cười vừa thè lưỡi.
Khiêm xô nhẹ vào cánh tay của nàng:
- Chúng ta hãy đi qua bên ấy để xem. Nên chinh phục tất cả các gian hàng ở đây!
Đến một góc khác của vườn hoa nhà trường, bà Trương đi xem khắp nơi với một tâm trạng hiếu kỳ. Bà xem nơi nào có những trò chơi đặc biệt hơn.
- Bà muốn thử trò chơi bắn bia này không?
Nàng dừng chân chú ý nhìn theo hướng tay chỉ của Khiêm. Ở sát chân tường có dựng lên một bức vẽ, phía sau là trời xanh mây trắng, mục tiêu để nhắm bắn được đặt trên mình một con nhạn bằng giấy. Con nhạn ấy được dùng điện để chuyển động, không ngớt bay lượn trên bầu trời, muốn bắn trúng nó không phải là chuyện dễ.
- Lại đây, tôi giương cung giúp cho bà.
Khiêm bước lại sát bên cạnh mẹ Dĩnh để dạy bà cách nhắm bắn.
Bà Trương đứng nhìn con nhạn ngẩn ngơ, không nghe Khiêm nói gì cả. Khiêm không để ý, nên đưa cung tên đến tận tay bà vui vẻ nói:
- Hãy thử xem, với cái vận đỏ hôm nay của chúng ta, chắc chắn không thất bại đâu!
Bà Trương nhận lấy cung tên như một cái máy, lấy một mắt nhắm ngay con nhạn đang bay. Tay nàng hơi run nhưng cũng bắn mũi tên bay xẹt đi.
Chung quanh vang lên tiếng vỗ tay. Những học sinh phụ trách gian hàng ấy vội vàng khom xuống lấy một món tặng phẩm trao đến cho bà Trương.
Khiêm hết sức vui vẻ:
- Người ta bắn ba lần đều trật, bà chỉ có bắn có một lần là trúng ngay hồng tâm, quả rất tài!
Trên mặt bà Trương chẳng hề thấy một nét vui mừng nào:
- Thật ra tôi không hy vọng bắn trúng nó.
Khiêm cười:
- Tại sao vậy? Bộ bà sợ sẽ nhận được nhiều tặng phẩm quá chăng?
Bà Trương dang rộng đôi tay, bước đi khỏi nơi ấy.
- Giáo sư, tôi phải đi về.
Khiêm hơi ngạc nhiên, sự vui mừng từ nãy giờ bỗng tan biến đi.
- Đã trưa rồi, tôi ăn cơm trưa xong còn phải trở ra tiệm.
Khiêm sửa lại cà vạt:
- Chúng ta cùng đến phòng ăn để ăn buổi trưa được không? Hôm nay tôi đang cần có một người cùng ăn cơm trưa cho vui.
- Ờ, cũng được.
Nàng không tỏ vẻ vui thích mà cũng không tỏ vẻ lạnh nhạt.
Sau khi hai người bước vào một phòng ăn yên tịnh và cùng ngồi xuống, bà Trương trao gói tặng phẩm trong tay cho Khiêm:
- Những món này xin biếu cho ông, tôi không muốn lấy.
Khiêm nhận gói đồ vật để lên bàn:
- Bà chưa mở ra coi cái gì bên trong, tại sao bà biết mình không thích?
- Không cần! Bắn trúng con chim nhạn để lấy được những tặng phẩm này tôi đâu thể vui được?
- Tôi không hiểu. Những tặng phẩm này có liên hệ gì tới chuyện bắn chim?
Nàng do dự:
- Tôi cảm thấy con nhạn khi nãy cũng ví như tôi. Nó cô độc, không nơi nương tựa. Nhìn bề ngoài nó là một con nhạn sống, nhưng kỳ thực thì nó lại là một con nhạn không có sinh mệnh.
Dừng lại chốc lát nàng nói tiếp:
- Hơn nữa cái tên ấy bất ngờ lại trùng hợp với tên tôi. Tôi tên là Nhạn Linh.
Khiêm ngẩn ngơ:
- Bà nghĩ ngợi xa xôi quá. Chớ đem mình để so với chim, một con nhạn không có sinh mệnh. Bà chẳng những có sức sống, mà còn có ý chí kiên cường. Bà sẽ có một tương lai hạnh phúc và vui vẻ.
Nàng trầm ngâm:
- Tương lai? Tôi có ý chí kiên cường? từ trước tới nay tôi chẳng hề có cảm giác đó?
- Nhưng tôi nhận thấy được. Bà chẳng những gánh lấy trách nhiệm dạy dỗ con, nuôi nấng con, mà còn có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp của chồng. Tôi tin là nhiều người đàn bà không làm được việc đó.
Bà khẽ nhướng chân mày:
- Đó chỉ là một điều bất đắc dĩ. tôi không có tài về làm ăn, nên không thể nào chọn một việc làm nào khác nữa.
- Nhưng dù sao đó vẫn là một phương cách rất tích cực, và cũng là một nhân sinh quan đứng đắn. Dù nhiều người khi gặp trở lực, thì không biết tự tiến lên, mà gục đầu thấy vọng. Tôi cảm thấy bà không phải là hạng người đó.
Cả hai đều im lặng.
Khiêm không muốn Nhạn Linh nhớ lại chuyện cũ, nên không đề cập tới những chuyện đó nữa.
- Hãy xem bà biếu tôi những gì đây?
- Tôi hy vọng đó là những vật mà ông thích, hoặc những vật mà ông thường dùng.
Nhạn Linh đưa mắt nhìn Khiêm xé tung gói tặng phẩm ra. Trước tiên chàng mở một chiếc hộp và lấy đồ vật trong ấy lên để giữa lòng bàn tay, đưa mắt nhìn kỹ Nhạn Linh.
Đấy là một món đồ trang trí dùng để treo lên tường, là một con chim nhạn bằng sứ.
Nàng khẽ kêu lên:
- Tại sao lại là một con nhạn? Mà cũng chỉ có con thôi. Đấy là một con chim nhạn cô độc!
Khiêm không nói gì, đặt con chim nhạn trở vào hộp.
- Cám ơn bà, tôi sẽ gìn giữ nó hết sức kỹ lưỡng.
Nàng có vẻ đắn đo, chừng như muốn lấy con chim nhạn ấy trở lại, nhưng vì đã hứa tặng cho người ta rồi, đâu tiện đổi ý lấy lại như thế.
- Tôi không dè tặng phẩm cũng là một con chim nhạn.
Khiêm tươi cười, chẳng để ý chi đến điều đó:
- Con nhạn này thật là đẹp.
Nhạn Linh ngước mắt lên thì vừa gặp tia mắt của Khiêm. Lúc đầu nàng có hơi bẽn lẽn và muốn tránh đi. Nhưng chỉ trong giây phút ngắn ngủi, nàng đã giữ được sự bình tĩnh, an lành. Nàng nhìn Khiêm mỉm cười.
Khiêm ngẩn ngơ. Nụ cười ấy có một sức quyến rũ mãnh liệt của người trưởng thành, lại chen lấn với vẻ e ấp của một cô gái. Trong sự chân thành, nụ cười ấy cũng pha lẫn sự giả dối của một người xã giao. Do đó chính nó đã có một sức thu hút huyền diệu làm cho không ai chống cự lại được.
Nhạn Linh không thấy Khiêm nhìn nàng với đôi mắt bừng sáng thì cô hơi ngượng, vội cúi mắt xuống.
Hai người ngồi đối diện nhau không ai nói gì. Họ im lặng thật lâu.
Khiêm giật mình dời tia mắt trở về nhìn bó hoa tươi nhỏ ở trên bàn:
- Hôm nay bà đến đây chơi vui vẻ lắm.
- Phải! Đã lâu rồi tôi không hề tới những chỗ vui vẻ nhẹ nhàng như thế này.
- Lắm lúc tôi cũng thích cái không khí vui vẻ như vầy. Vừa rồi chơi thật là vui. Tôi có cảm giác chúng mình như hai đứa trẻ.
Nàng mơ màng:
- Do đó giờ đây tôi mới cảm thấy ngẩn ngơ.
Khiêm giật mình:
- Nếu vậy, sự vui vẻ vừa rồi, càng làm cho bà cảm thấy cô quạnh hơn?
- Tôi chỉ cảm thấy thôi, tôi không thuộc vào trường hợp đó. Mặc dù vừa rồi tôi thật vui, nhưng khi chợt tỉnh lại tôi mới nhận ra đó không phải là tôi. Vì đã từ lâu rồi tôi không còn là một đứa trẻ nữa.