Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bóng nhạn chiều tà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12413 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bóng nhạn chiều tà
QUỲNH DAO

Chương 1
Tiếng chuông vào lớp reo đã lâu Dĩnh mới ung dung từ vườn hoa nhà trường chui ra, đi về lớp ở tầng lầu hai.
Những học sinh đang chú ý lắng nghe lời giáo sư giảng bài, đều dời tia mắt về phía cửa lớp vì sự xuất hiện đột ngột của nàng.
Dĩnh vuốt lại mái tóc, mỉm một nụ cười như ái ngại, bước thẳng đến trước bàn thầy, nhìn giáo sư Khiêm đang đứng trước tấm bảng đen.
- Thưa giáo sư, tảo an!
Giáo sư Khiêm khẽ gật đầu và cúi xuống sổ điểm danh ghi vào một dấu hiệu.
- Xin lỗi giáo sư, em vào trễ!
Giáo sư Khiêm tươi cười, tỏ vẻ không chú ý gì tới việc đó.
Dĩnh còn muốn nói thêm, nhưng giáo sư đưa tay ra hiệu bảo nàng về chỗ ngồi.
Dĩnh dở sách ra, đưa tay chống cằm, nhìn về giáo sư Khiêm mà lòng ở đâu đâu. Đôi mắt của nàng có vẻ như đang chú ý nghe bài dạy, nhưng tai nàng lại không lọt vào một chữ nào.
Dĩnh đưa mắt nhìn quanh các bạn trong lớp, ai cũng đang lo ghi chú. Nàng cắn đầu ngón tay, và cuối cùng nhìn sững sờ vào người nữ sinh tên gọi là Mỹ Lâm.
Dĩnh biết dung nhan của mình đẹp nhất trong lớp. Chỉ có Mỹ Lâm là sánh được với nàng. Chính Dĩnh cùng nhìn nhận Mỹ Lâm đẹp lắm, nhưng nàng biết mình cao hơn, thắng thế hơn về mặt thân thể. Mỗi lần bước đến cạnh Mỹ Lâm, Dĩnh luôn luôn cố ý ngửa mặt lên và liếc mắt nhìn xuống. Dĩnh nhìn Mỹ Lâm với tia mắt xem thường.
Cố nhiên Mỹ Lâm không hài lòng, nhưng gặp trường hợp đó Mỹ Lâm vẫn tươi cười như chẳng hề để ý, để bộc lộ lòng rộng lượng của mình. Mỹ Lâm cũng biết Dĩnh đang ganh tỵ làn da trắng mịn của mình. Trên làn da của Dĩnh thỉnh thoảng thấy có vài bớt nám nhỏ, nên nàng cố tìm một tí vết trên khuôn mặt của Mỹ Lâm. Nhưng mỗi lần cố gắng như vậy Dĩnh đều thất vọng. Da mặt Mỹ Lâm luôn trắng trẻo mịn màng.
Trước kỳ nghỉ hè Dĩnh nghe Mỹ Lâm bảo với các bạn là sẽ đi học bơi lội, sẽ hàng ngày ra bãi biển để tập môn thể thao này. Dĩnh rất vui thích, nghĩ rằng sau vụ nghỉ hè, Mỹ Lâm sẽ bị nắng ăn đen thui. Như vậy da khuôn mặt Mỹ Lâm có đẹp đến đâu cũng bị sút giảm đi rất nhiều.
Thế nhưng niên khóa mới bắt đầu, Dĩnh thấy làn da của Mỹ Lâm càng hấp dẫn với màu nâu nhạt. Làn da đó càng làm cho đôi mắt của Mỹ Lâm thêm đen láy, càng thêm duyên dáng với khuôn mặt trái xoan. Dĩnh nhìn chiều nghiêng, thấy khuôn mặt Mỹ Lâm càng thêm đẹp. Nàng vừa ước ao vừa ganh tỵ.
Không hiểu giáo sư Khiêm đã đến đứng trước mặt Dĩnh từ lúc nào và đang cúi đầu chú ý nhìn nàng. Mặt Dĩnh bừng đỏ, vội vàng nhìn lên bảng đen, vội vàng chép mấy dòng chữ vào tập.
Giáo sư Khiêm không nỡ quở trách Dĩnh, bèn bước trở lại bàn thầy, tiếp tục giải thích về sự phát triển văn học thời cận đại của nước Anh.
Thế là giáo sư Khiêm đã chú ý tới mình. Dĩnh thầm vui mừng và thở phào hơi nhẹ. Đã hai tuần lễ vào học niên khóa mới, lúc nào Dĩnh cũng hy vọng giáo sư Khiêm sẽ để ý nhìn tới nàng trước mặt tất cả các bạn trong lớp như ngày hôm nay.
Giáo sư Khiêm gọi Dĩnh đứng lên, bảo nàng trả lời một câu hỏi. Dĩnh cảm thấy trên bốn chục cập mắt đều tập trung vào một mình nàng, trong lòng thầm vui thích. Cả lớp học chỉ có Dĩnh và giáo sư Khiêm đứng lên, thích quá.
Để cho cảnh tượng này được kéo dài một tí, nàng cố ý chần chờ không đáp ngay mà làm ra vẻ nghĩ ngợi. Giáo sư Khiêm tưởng Dĩnh không đáp được câu hỏi, định bảo nàng ngồi xuống. Dĩnh nhìn thấy Mỹ Lâm hối hả đưa tay để đáp, liền nhanh nhẹn dùng giọng nói trong ngần, đáp rất trôi chảy câu hỏi của thầy nêu ra. Dĩnh liếc nhìn sắc mặt hài lòng của giáo sư Khiêm, sửa lại chiếc díp đồng phục màu trắng và ngồi xuống với dáng điệu thật trang nhã.
Đã tới giờ xuống lớp, Dĩnh đưa mắt nhìn theo giáo sư Khiêm đi vào phòng giáo sư rồi mới quay lại nhìn vào lớp học. Dĩnh đến bên cạnh bảng đen xem qua thời dụng biểu. Kỳ thật nàng chẳng cần xem cũng biết giờ đầu ngày mai là giờ cúa giáo sư Khiêm. Ngày mai này nàng phải làm cách nào để cho giáo sư Khiêm càng chú ý đến nàng hơn, nàng nghĩ rằng mình không thể dùng cách đến muộn như ngày hôm nay được.
Giáo sư Khiêm nhận thấy Dĩnh trong niên khóa này hơi khác lạ. Trước đây cứ sáng sớm là thấy Dĩnh ngồi trong vườn hoa nhà trường ôn bài. Niên khóa này mới khai giảng trên mười ngày, thế mà đã đến năm lần Dĩnh bị ghi đến muộn. Lắm lúc đang giờ học bỗng nàng to tiếng nói vài lời, làm cho cả lớp cười rộ. Điều đó trái ngược với thái độ trang nhã và trầm lặng của nàng trước kia. Có lẽ nàng ỷ giáo sư thương mình, nên mới có hành động như vậy. Điều đó không có gì đáng lạ, trong ba năm làm nghề dạy, giáo sư Khiêm đã thấy quen trường hợp đó rồi.
Ngày hôm sau Dĩnh không tới trễ. Trong giờ học Dĩnh cũng ngồi trang nghiêm. Giáo sư Khiêm thấy hài lòng một tí, nên không chú ý nhiều tới nàng.
Sau khi giảng xong bài học, giáo sư Khiêm định tóm tắt lại các điểm quan trọng một lượt, bỗng thấy nàng mọp xuống bàn như đang viết cái gì. Giáo sư Khiêm bèn bước tới chỗ nàng ngồi và ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng. Khiêm bèn lấy miếng giấy của nàng đang viết lên xem qua và sắc mắt thay đổi ngay. Khiêm có vẻ giận lắm.
Trên tấm giấy của Dĩnh có vẽ ba bốn người đàn ông nhìn vào là biết ngay Dĩnh vẽ hình giáo sư Khiêm. Một khuôn mặt hơi vuông, đôi môi mím chặt, cặp kiến cận thị có gọng to. Mỗi cái hình đều có sắc mặt khác nhau. Có hình sắc mặt trang nghiêm, cũng có hình Dĩnh thêm cho Khiêm một mái tóc hip-pi, mình mặc một chiếc áo mong-ta-gu có vẽ bốn chữ "Hòa Bình Và Yêu!".
Dĩnh không ngửa mặt nhìn lên. Trái tim nàng đang nhảy mạnh. Giáo sư Khiêm đã bắt gặp rồi, nhưng không hiểu Khiêm sẽ đối phó ra sao? Dĩnh mong rằng sẽ được Khiêm gọi riêng để rầy thì hay quá. Trái lại, nếu Khiêm gọi nàng lên phòng hiệu trưởng để nghe những lời khiển trách thì thật là nguy.
Giáo sư Khiêm nhìn dung nhan mình dưới ngòi bút của Dĩnh, trong lòng vừa giận vừa buồn cười. Khiêm muốn quở trách nàng vài lời, nhưng không biết phải nói gì. Nếu khiển trách Dĩnh trước mặt đám đông học sinh, thì sẽ đụng chạm tới lòng tự ái của nàng. Hơn nữa, Khiêm cũng không muốn lãng phí thì giờ buổi học, nên đành giằn cơn giận, nói:
- Sức tưởng tượng của em dồi dào quá!
Những học sinh khác không biết đã xáy ra chuyện gì, đưa đôi mắt tò mò nhìn về phía hai người. Giáo sư Khiêm không muốn làm lớn chuyện, lấy tấm giấy kẹp vào quyển sách đang cầm trên tay. Khiêm không nhìn Dĩnh, bước khỏi chỗ ngồi của nàng. Thôi vậy, để cho Dĩnh tự biết lỗi là được rồi. Tánh mắc cở của con gái lúc nào cũng là động cơ giúp cho con người nữ sinh chừa bỏ những lỗi lầm.
Dĩnh thấy sự phản ứng của giáo sư Khiệm trong lòng không khỏi lấy làm lạ. Kế hoạch của nàng xem như đã thất bại, vậy phải tính sao đây? Chả lẽ nàng phải chờ giờ học, bất ngờ đứng lên đi tới trước mặt Khiêm nắm tóc chàng hay sao?
Nhưng rồi cơ hội tốt đã đến.
Đây là việc xảy ra hai ngày sau. Đây là giờ học lịch sử, cũng là giờ giáo sư Khiêm dạy. Khiêm đang tiếp tục giảng bài học mà giờ trước chưa giảng hết. Khiêm kể lại cuộc thất bại của Nã-Phá-Luân trong trận đánh Waterloo. Tất cả học sinh trong lớp đều say sưa chú ý lắng nghe. Không khí lớp học im phăng phắc.
Giáo sư Khiêm thấy học sinh chú ý bài học thì rất hài lòng.
Giảng bài xong chàng lại hỏi học sinh có chỗ nào chưa hiểu rõ về những sự tích lịch sử trong thời Nã-Phá-Luân không?
Dĩnh chớp mắt. Nàng chưa đưa tay xin phép đã nói to lên:
- Thưa giáo sư, chuyện tình giữa Nã-Phá-Luân với người yêu của ông ta kết cuộc như thế nào?
Học sinh trong lớp đều cảm thấy rất bất ngờ trước câu hỏi vô ích của nàng. Mọi người đều quay mặt nhìn về nàng.
Giáo sư Khiêm nuốt nước bọt đáp:
- Việc đó không dính dáng gì đến bài học của chúng ta.
Dĩnh bạo dạn:
- Nhưng bất cứ là xưa hay nay, là ở nước ta hay ở nước ngoài, mỹ nhân luôn có ảnh hưởng đến anh hùng về phương diện nào đó. Chuyện tình của Nã-Pha-Luân, hẳn có tương quan đến sự nghiệp của ông ấy?
Cả lớp học ồn ào. Không hiểu có một nam sinh nào đó huýt lên một tiếng sáo dài. Giáo sư Khiêm vỗ bàn ra hiệu cho mọi người im lặng.
Dĩnh vừa thẹn vừa cuống quít mà cũng vừa thầm vui mừng. Nàng cảm thấy hai lỗ tai bừng nóng.
Giáo sư Khiêm gọi tên nàng. Dĩnh bèn đứng lên đi đến trước mặt bàn thầy, buông thõng hai tay đứng thẳng. Đối mắt to và đen huyền của nàng nhìn vào Khiêm có vẻ sợ sệt.
Giáo sư Khiêm sửa cặp kiếng:
- Hôm nay sau giờ tan học, em hãy đến phòng giáo sư gặp thầy.
Dĩnh đỏ mặt khẽ gật đầu. Giáo sư Khiêm tưởng là nàng mắc cở, nào dè đâu nàng đỏ mặt vì quá vui mừng.
Sau giờ tan học, Dĩnh hối hả thu dọn sách vở, lấy gương ra soi mặt và định bước ra khỏi phòng học.
Bỗng Mỹ Lâm từ sau lưng vỗ vai nàng, hỏi:
- Trương Tư Dĩnh, chị có sợ không?
Nàng thản nhiên đáp:
- Sợ cái gì?
Mỹ Lâm nói với giọng rất thân thiện:
- Không hiểu giáo sư Khiêm có phạt chị không? Vấn đền chị nêu ra vừa rồi cũng quá lắm...
Dĩnh nhìn Mỹ Lâm với tia mắt ít nhiều xem thường như thường lệ:
- Chả lẽ chị cũng muốn chỉ dạy tôi nữa sao?
Mỹ Lâm nói nhanh:
- Chị Dĩnh, chị chớ nên hiểu lầm. Tôi không có ý nghĩ đó đâu. Chúng tôi chỉ lo ngại cho chị thôi. Niên khóa này dường như chị thay đổi nhiều.
- Có gì lạ đâu? Người tuổi trẻ chả lẽ phải luôn giữ tác phong quen thuộc của mình sao?
Mỹ Lâm chỉ gượng cười, không nói gì nữa.
- Cám ơn ý tốt của chị. Bây giờ tôi phải đi, chắc giáo sư Khiêm đang chờ tôi ở đấy.
Dĩnh nhìn khuôn mặc bị nắng ăn đỏ hồng của Mỹ Lâm với tia mắt ít nhiều ganh tị, rồi bước thẳng ra khỏi lớp học.
Dĩnh cố giữ bình tĩnh đưa tay lên gõ cửa phòng giáo sư Khiêm hai tiếng. Giáo sư Khiêm trông thấy nàng liền đứng lên. Trong phòng đang có mặt giáo sư các lớp. Họ đang bận rộn chấm bài của học sinh hoặc thu dọn học cụ, nói chuyện ồn ào.
Giáo sư Khiêm bước ra:
- Hãy đến vườn hoa nhà trường, tôi cần nói với em ít lời. Ở đấy yên tĩnh hơn.
Hai người ngồi xuống băng đá. Dĩnh để sách vở lên bắp đùi, chờ đợi giáo sư Khiêm lên tiếng trước.
Khiêm suy nghĩ một lúc:
- Này Trương Tư Dĩnh, năm nay em đã là học sinh lớp mười hai rồi. Sang năm em phải dự kỳ thi.
- Dạ!
- Niên khóa trước tôi là giáo sư phụ trách lớp của em, nên hiểu rõ về em lắm. Tôi còn nhớ em luôn luôn là một học sinh tốt.
Dĩnh khẽ chau mày.
- Mặc dù thành tích của em không phải giỏi nhất lớp, nhưng em tỏ ra rất chăm cần, biết giữ kỷ luật.
Dĩnh lại khẽ nhếch đôi môi.
Giáo sư Khiêm dừng lại giây lát rồi nói tiếp:
- Nhưng sau khi lên lớp, thầy thấy em có nhiều thay đổi. Em thường đi trễ, điều đó thầy không trách, vì có thể bị kẹt xe. Nhưng gần đây em vẫn thường hay phá hoại trật tự lớp học, làm mất thì giờ của các bạn khác. Em nhìn nhận điều đó không?
Dĩnh vội vàng gật đầu. Thì ra giáo sư luôn chú ý đến sự thay đối của nàng. Nàng mừng ra mặt.
Khiêm nhìn nàng một cách lạ lùng:
- Này Trương Tư Dĩnh, chả lẽ em không biết mình làm vậy là điều không nên hay sao?
Nàng chỉ khẽ nhún vai.
Khiêm hơi giận:
- Em làm thế nghĩa là gì? Thầy nói mà em chỉ cúi gầm đầu. Những lời thầy nói em có nghe được không?
Dĩnh ngửa mặt lên nhìn giáo sư Khiêm sững sờ.
Khiêm hơi ngạc nhiên. Dưới ánh mặt trời, chàng trông thấy trên mắt Dĩnh thoáng hiện một lớp phấn tô mắt màu xanh. Hai hàng lông mi của Dĩnh đen và rậm, hơi cong lên, dường như được chăm sóc và trang điểm.
Khiêm nhớ hôm nó bước đến chỗ ngồi của Dĩnh, chàng còn ngửi thấy mùi nước hoa. Cô nữ sinh này đã thế nào rồi? Đi học mà cũng trang điếm, hoàn luân mất đi nét thơ ngây trong sạch của nàng trước kia. Nhưng vì Khiêm là nam giáo sư, đâu tiện đề cập đến những vấn đề đó với Dĩnh.
Dĩnh biết Khiêm đang chú ý nhìn tới đôi mắt cúa mình, nhưng nàng cố ý không tránh né, mạnh dạn nhìn thẳng vào tia mắt của Khiêm.
Giáo sư Khiêm đưa mắt nhìn về khóm cây trước mặt:
- Thí dụ như câu hỏi của em hôm nay, đã gây ra sự ồn ào cả lớp.
Dĩnh lại khẽ gật đầu.
- Thầy biết đây là một câu mà em cố ý hỏi.
- Không sai, em đã cố ý hỏi.
Khiêm ngạc nhiên quay mặt nhìn lại, có vẻ lúng túng:
- Trương Tư Dĩnh, tại sao em lại làm như vậy?
Dĩnh sửa lại vạt áo, suy nghĩ xem cần phải trả lời cho Khiêm như thế nào?
- Em không thể trả lời được hả?
Dĩnh lấy can đảm:
- Được! Tôi xin nói cho giáo sư biết. Những cử chỉ gần như vô ích cúa tôi mà thầy đã nêu ra vừa rồi, chính là do tôi cố ý hỏi như vậy. Mục đích của tôi giản dị lắm, chỉ là... chỉ là để gây sự chú ý của thầy mà thôi.
Khiêm lấy làm lạ, nhìn Dĩnh.
- Thưa giáo sư, tôi không muốn làm một học sinh tốt. Tôi không muốn để lại cho người khác những ấn tượng tốt.
Giáo sư Khiêm ngơ ngác:
- Em nói gì?
Dĩnh lấy khăn tay ra chặm mồ hôi trên trán. Đấy là nàng muốn trấn tĩnh tâm trạng của mình.
- Tôi biết các giáo sư và các bạn học đều cho rằng tôi trầm lặng ít nói, thậm chí còn cho tôi là một con người cô độc.
Giáo sư Khiêm nghiêng đầu lắng nghe. Nàng nói tiếp:
- Tôi luôn có cảm giác là mình rất cô quạnh. Tôi hy vọng mọi người đều lo lắng đến tôi, để ý đến tôi.
- Vì vậy mà em thay đổi tác phong, với hy vọng thu hút sự chú ý của người khác?
Dĩnh mỉm một nụ cười xuất phát tận đáy lòng. Thì ra giáo sư Khiêm đã hiểu được việc đó.
- Phải! Vì năm nay là năm thi, em sắp rời khỏi nhà trường, nếu vẫn giữ cá tánh cũ, thì sau ngày tốt nghiệp, các giáo sư sẽ quên tôi rất nhanh.
Giáo sư Khiêm cảm thấy lời nói của nàng rất khôi hài, nhưng chàng cố gắng không cười ra tiếng.
- Em nhận rằng phải có một vài cử chỉ khác thường mới có thể gây cho người khác những ấn tượng sâu sắc hả?
Dĩnh nhìn về phía các học sinh đang chơi đùa nơi sân bóng rổ.
- Em rất sợ bị người ta lãng quên. Ngay từ lúc nhỏ em đã có sự sợ hãi đó.
- Nhưng nếu em là một học sinh tốt, mọi người cũng sẽ luôn nhớ tới em.
Dĩnh lắc đầu:
- Em tự biết mình không thế trở thành một học sinh gương mẫu, về cả hai mặt hạnh kiểm và học lực. Dù em có cố gắng tới đâu, tên của em vẫn không thể đứng đầu bảng xếp hạng. Vvậy em chỉ còn có những biện pháp khác để gợi cho người ta chú ý tới mình. Dù cho mọi người có cảm nghĩ xấu về em cũng được, chỉ cần họ biết em là ai thì đủ rồi.
Giáo sư Khiêm cau đôi mày. Dù cho trước đâu chàng có đọc rất nhiều quyển sách về giáo dục và tâm lý học, có thấy đề cập đến những mẩu chuyện tương tự như thế này. Nhưng những chuyện đó thường xảy ra nơi các học sinh nhỏ tuổi và nghịch ngợm mà thôi. Nay chuyện này lại xảy ra nơi một nữ sinh đã theo học mười hai năm ở nhà trường. Khiêm quả chẳng dám tin là có thật.
Khiêm lẩm nhẩm:
- Nhưng em làm vậy thì sao được? Trước đây em rất đàng hoàng, vậy nay tại sao lại thay đổi như thế?
- Nhưng biết đâu đó mới là con người thật của tôi, là cái tánh cúa tôi được bộc lộ một cách tự nhiên. Tôi đã đè nén con người tôi lâu rồi. Suốt mấy năm qua tôi vẫ cố kềm hãm con người tôi, cố gắng kinh động trong khuôn khổ của một học sinh mẫu mực để được người khen ngợi.
Khiêm lấy làm lạ, hỏi:
- Như vậy không phải tốt sao? Em không thích làm như vậy sao?
- Em cảm thấy mình rất giả dối. Mọi người chỉ nhìn thấy chíếc mặt nạ của tôi, trong khi những thói hư tật xấu tiềm tàng trong người tôi vẫn không được sửa đổi. Tôi gò bó mình mấy năm qua, chỉ đổi lấy được một niềm đau khổ về mặt tinh thần.
Giáo sư Khiêm hết sức kinh ngạc. Những lời nói như thế phải kể là chàng được nghe lần đầu.
- Mặc dù tôi chưa hiểu rõ được những cảm nghĩ trong lòng của em, nhưng tôi rất thích thái độ thành thật của em.
Dĩnh đá nhẹ lớp cát dưới chân:
- Tôi luôn muốn thố lộ những gì trong lòng tôi cho người khác biết. Đè nén nó mãi trong lòng chỉ làm cho tôi cảm thấy khổ sở. Nhưng các bạn học không có ai thông cảm với tôi. Nếu nói ra có lẽ họ cho rằng tôi bị bệnh lãng trí. Còn mẹ tôi, thì tôi không muốn nói bao giờ.
- Tại sao vậy?
Dĩnh muốn nói nhưng lại thôi. Nàng nhìn giáo sư Khiêm không trả lời. Khiêm định hỏi thêm, nhưng trông thấy thái độ Dĩnh như vậy bèn im tiếng không hỏi gì nữa.
- Phải! Thời đại này rất nhiều người trẻ tuổi đều nhận rằng sự cách biệt giữa hai thế hệ là việc không tránh khỏi. Có lẽ do ở tuổi tác chênh lệch nhau quá xa, nên tư tưởng đôi bên không làm sao hòa hợp được.
- Không! không phải nguyên nhân đó. Thiệt ra, tuổi tác giữa chúng tôi chênh lệch không nhiều lắm, thật thế.
- Vậy em cũng ngại bà ấy không hiểu tư tưởng của em?
Dĩnh tươi cười:
- Tôi nghĩ rằng phần đông mọi người đều không hiểu. Mọi người không thể nghĩ được rằng, hành động vượt ra ngoài khuôn khổ của người tuổi trẻ, không phải có mục đích phá hoại kỷ luật gì đó, mà chỉ là một sự phát tiết do bởi nội tâm buồn khổ mà ra.
- Nếu vậy sự bí mật của em, chỉ có một mình thầy là hiểu thôi?
Dĩnh thẹn thùng gật đầu:
- Bây giờ tôi nói ra hết nên cảm thấy trong lòng rất nhẹ nhàng. Y như một cái gút đã thắt lại nhiều năm, tới nay mới được mở ra vậy.
Khiêm cảm thấy thầm tức cười. Thật ra việc đó không đáng kể là một việc quan trọng cho lắm, chẳng qua với một cô gái tuổi hãy còn nhỏ như Dĩnh, thường thích nghĩ ngợi lung tung mà thôi.
- Các giáo sư khác cũng không hiểu được tôi. Họ đều là những người trên bốn mươi tuổi, vậy mà sao họ hiểu được tư tưởng của chúng tôi?
Dĩnh bạo dạn hỏi tiếp:
- Còn giáo sư, năm nay mấy tuổi rồi?
Khiêm đứng lên đáp rất tự nhiên:
- Tôi hai mươi tám tuổi.
Dĩnh chớp đôi mắt:
- Tôi mười bảy tuổi, vậy thầy lớn hơn tôi có mười một tuổi thôi!
Khiêm nghiêm trang:
- Này Trương Tư Dĩnh, hành động của em hôm nay thầy có thế tha thứ. Thầy cũng hiểu tại sao em làm như vậy. Nhưng từ nay về sau chớ nên dựa vào lý do đó để lại phạm cùng một lỗi lầm nữa. Em hiểu chưa?

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 914

Return to top