Độc giả đọc tới chương này, giống như người đang xem một vở kịch mà trên sân khấu dần chuyển tới bối cảnh mới. Thành Hàm Đan năm năm sau, Lã Bất Vi đã khác xa với anh buôn ngựa xưa kia. Theo ngòi bút, tới những con phố lớn, bạn có thể gặp nhiều cửa hiệu của dân thường rất nguy nga. Ngựa xe tấp nập, thanh nữ ngày thêm nhuận sắc, tất cả đều nồng thắm, nét mặt ánh lên niềm hứng khởi. Từ quán lầu lớn vọng ra tiếng nhạc réo rắt mê hồn như ru lòng người vào cõi mộng. Tiếng rao bán của gánh hàng rong trên phố lại càng khiến người ta như muốn lạc bước ngơ ngẩn hồn xiêu phách lạc. Cuộc sống giàu có phù hoa khác hẳn với nước Hàn nghèo nàn vắng lặng.
Cuộc sống đã làm thay đổi cả cuộc đời Lã Bất Vi. Trong ngõ phố phồn hoa nhất thành Hàm Đan, một cửa hiệu biển hàng phấp phới, tấp nhập kẻ ra vào, nhìn kỹ là biển hiệu rất quen thuộc, không nói cũng hiểu, Lã Bất Vi đã tới thành Hàm Đan buôn bán, sinh lời bội phần ở xưởng “Long Xương Quảng”.
Bất Vi ở nước Hàn có chỗ đứng vững chãi, vây cánh đông đảo, tại sao còn dời tới nước khác, bỏ công phí sức làm gì? Chính vì Lã Bất Vi là người có nhãn quang chính trị rất sâu rộng. Lúc đó ở nước Tần, Chiêu Tương Vương tuổi cao, cầm quyền khá lâu, sủng ái vị Tướng quốc Phạm Thư. Phạm Thư thực hiện chiến lược “Viễn giao cận công” (gần thì đánh, xa thì giữ mối giao hảo). Bất Vi dự đoán, nước Hàn sẽ là mục tiêu đầu tiên để Tần quốc thực hiện đường lối này. Nước chư hầu này giống như chiếc lá vàng trong gío thu sớm muộn sẽ bị cuốn trôi. Vị trí nước Tần là: phía Bắc là nước Nguỵ, nước Sở phía Nam, nước Thục phía Tây, nước Hàn phía Đông. Trong bốn nước chư hầu này, đất đai giữa nước Hàn và nước Tần đan cài xen chéo, núi sông một dải vì thế nước Hàn trở thành mối hoạ bên trong của Tần quốc. Vì thế, nếu Tần khởi binh, nước Hàn sẽ là nước đầu tiên cần tiến đánh. Năm 265 trước CN, sau khi chiếm được Tiểu Khúc và Cao Bình của nước Hàn, Bạch Khởi được cử làm Nguyên soái thống lĩnh binh Tần. Đây là vị Tả đô Trưởng đa mưu túc trí, tàn sát không ghê tay, quyền lực lớn mạnh dưới Chiêu Tương Vương. Triều Tần nếu nào có quan hệ huyết thống, tông tộc với vua gọi là Đô Trường, còn không có họ hàng gì gọi là Tả Đô Trường. Vị Tả Đô Trường này có công lớn trong việc dẹp tan liên quân Hán, Sở, Nguỵ được phong là Vũ An quân. Mấy mươi vạn quân dưới sự thống soái của Bạch Khởi tiến quân ra trận làm quân Hàn chưa đánh đã tan, ùn ùn tháo chạy.
Lã Bất Vi biết rõ, lòng binh sĩ nước Hàn dao động, bất yên, lòng dân li tán. Nam đinh trong thành Dương Địch đều bị sung vào quân đội, số trẻ em phụ nữ còn lại lo sợ hoang mang. Có không ít người đã bỏ nhà, dời đến các nước chư hầu khác. Lã Bất Vi không thể khoanh tay nhìn bao châu báu ngọc ngà của mình bị mất. Bất Vi thấy rằng ở nước Hàn, đừng nói là phong hầu bái tướng mà kể cả quân vương, rốt cuộc cũng trở thành vị vua vong quốc “mỏi mắt trông tin nhạn, nơi miếu từ hát khúc bi ca” mà thôi.
Cho dù nước Hàn đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng, chỉ cần nhìn thấy lợi, Lã Bất Vi vẫn không bỏ cơ hội kiếm tiền. Bây giờ, Lã Bất Vi đang cùng Triệu Khôi Tử bắt tay vào vụ buôn bán lương thực lớn.
Một hôm, người đến mua hàng lương thực vẫn ra vào tấp nập như mọi ngày, mấy người gia nhân mồ hôi như tắm đang tính toán giá cả lên xuống, gạo kê trong các thăng trắng như ngọc, long lanh như giọt mồ hôi của đám người làm. Bụi cám gạo, kê bốc lên như bụi đường, càng thu hút ánh mắt mọi người. Mấy ngày nay, mấy vạn thạch lương đã chất đầy trong kho của Triệu Khôi Tử. Người ở thành Hàm Đan luôn nhìn thấy dáng vẻ phương phi của Lã Bất Vi và dáng điệu gày ốm của Triệu Khôi Tử đứng nhìn kho lương thực, ánh mắt thoả thuê như người đàn bà chửa vớ được của chua. Chưa đầy vài ngày sau, giá lương thực bán ra đã cao vọt. Đầu mùa xuân, hạn hán kéo dài làm cho đất đai nước Hàn khô cằn nứt nẻ, người dân nước Hàn chỉ tuyệt vọng nhìn đồng ruộng hoang tàn, thu về những hạt thóc lép. Ở nước Hàn, đặc biệt tại thành Dương Địch, giá lương thực tăng vọt. Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử đã không bỏ lỡ dịp này.
“Không nhận nữa, không nhận nữa!”, một tiếng nói đanh gọn vang lên trong kho. Mấy người lau mồ hôi ngoảnh ra mới biết là tiếng của lão quản gia. Đó là Triệu Thành, mấy chục năm nay, chân chất phục dịch cho nhà Triệu Khôi Tử. Triệu Thành nhìn xung quanh với ánh mắt ngờ vực rồi dõng dạc nhắc lại một lần nữa: “Không nhận nữa, không nhận nữa!”. Đám gia nhân hiểu đó là chủ ý của Triệu Khôi Tử. Họ rút tay khỏi đấu thăng, đứng thẳng dậy, thở hổn hển.
Những xe lương xếp đống, xếp hàng trước cửa, theo lời của Triệu Thành không nhận lương thực, tiếng xì xào bàn tán rộ lên, lẽ nào họ thức khuya dạy sớm để xếp hàng bán đồ lại trở về tay không, tại sao lại không mua lương thực nữa?
Triệu Thành rỉ tai đám gia nhân vài câu rồi vội vàng quay về. Triệu Thành biết là Lã Bất Vi và chủ nhân của hắn đang nóng lòng chờ tin tức.
Quả nhiên, lúc này, Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử như đang ngồi trên lửa, họ ngồi trong phòng khách của Triệu phủ nhâm nhi chén trà, mỏi mắt chờ trông Triệu Thành đi phát lệnh trở về.
Khi ấy lưu truyền lại câu nói: “Xiêm áo ưa hát, tiền bạc mong buôn”. Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử vốn là những thương nhân giỏi giang, lại cùng nhau sinh lợi thật như hổ thêm cánh, rồng thêm vây. Hai người đang tính toán tiền lời trong vụ bán mua lương thực này, có một vị hộ vệ ngày đêm bên thành Triệu Hiếu Thành Dương, ngày thường cũng qua lại với Lã Bất Vi, báo cho Bất Vi một tin động trời: Nước Tần chuẩn bị xuất binh tiến đánh nước Hàn. Vua Trần Chiêu Tương Vương sai sứ giả đến nước Trịêu và các nước chư hầu không được cấp lương thảo và binh khí cho nước Hàn, nếu ai dám giúp nước Hàn, binh lính Tần sẽ quay lại tấn công ngay nước ấy.
Lã Bất Vi biết rõ, cho dù hiện tại Triệu Hiếu Thành Vương chưa chính thức tuyên triệu, cũng chưa xuất binh và lương thực giúp Hàn nhưng vị vua này không dám chống lại vua Tần bạo sát, uy danh lừng lẫy thiên hạ. Việc tuyên triệu làm theo ý chỉ của Tần Vương chỉ là chuyện sớm chiều mà thôi.
Tình hình thay đổi khiến Triệu Khôi Tử nao núng, lóng ngóng hỏi Lã Bất Vi: “Chúng ta giữa đường đứt gánh, không mua nữa nhé?” Nói xong, Triệu Khôi Tử nóng lòng như lửa, đi đi lại lại trong phòng. Bất Vi nhìn thấy vị thương nhân thường ngày đĩnh đạc nay sốt ruột như kiến gặp mưa thì cảm thấy buồn cườn. Nhưng Lã Bất Vi biết, lúc này mà cười sẽ khiến người ta tức giận, không chừng sẽ hỏng mọi việc, Bất Vi muốn thay đổi tình hình nhưng cố nén không muốn bộc lộ cảm xúc.
Bất Vi nói: “Còn mua gì nữa? Bây giờ còn chưa biết phải sắp xếp hơn trăm thạch lương ra sao đây?”
Triệu Khôi Tử nói: “Chúng ta không thể đứng giương mắt trông bụi phủ kho được!”
Bất Vi nói: “Triệu huynh đừng đùa! Không mất triệu thạch lương sao được? Theo lão đệ, trừ khi Triệu Vương không tuyên triệu, may ra mới đem số lương này về nước Hàn, chỉ còn cách bán lỗ để giữ vốn thôi”.
Triệu Khôi Tử nói: “Bán lỗ giữ vốn, định giở vai cho trời xem sao, hai lần tiền bỏ xuống sông biển à?”
Lã Bất Vi thấy thật hài hước, chỉ nói tới lỗ vốn, thì vị công tử ăn nói nho nhã hàng ngày đã biến thành hạng thô tục rồi. Triệu Khôi Tử thấy Lã Bất Vi như vậy bèn trách: “Lẽ nào Lã huynh lại ung dung tự tại, ngồi chờ buông câu! Tình thế này lại còn cười đùa. Theo ý tôi, nên dùng một số xe ngựa, mau chóng chuyển số lương này đến Dương Địch”.
Bất Vi nói: “Việc này không thể tuỳ tiện như vậy. Điều xe đánh ngựa chuyển hàng đi xa, sẽ không tới được cổng thành, Triệu Vương hạ lệnh bắt quay về thì mất cả chì lẫn chài!” Triệu Khôi Tử nói: “Từ Hàm Đan đến Dương Địch, quá lắm cũng chỉ mất bốn ngày đường, lệnh của Triệu Vương không thể tới nơi nhanh như thế!”
Bất Vi nói: “Đây là lời nói của quân vương, chỉ hạ lệnh thì nửa ngày cũng tới”.
Thấy Bất Vi dùng dằng, Triệu Khôi Tử nói: “Nếu là tôi thì ngay bây giờ sẽ điều chuyển xe chở lương”
Lã Bất Vi nói: “Không thể hồ đồ! Không thể hồ đồ như vậy! Nếu kháng lệnh chỉ, lời lãi đâu chưa thấy, còn nguy đến tính mạng”.
Khi Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử đang bàn đi tính lại cho việc bán buôn, thì nghề ca xướng kỹ nữ vẫn tiếp tục thịnh hành như không có chuyện gì xảy ra. Đây là nghề kỹ nữ kinh doanh thân xác phụ nữ, đem thân làm món hàng lại qua, song chỉ vài ba năm hương phấn đã phai tàn.
Ca kỹ vẫn là ca kỹ. Thời cổ đã có nhiều “xóm đào” kiểu này. Người đặt nền móng cho nghề này là Tề Hoàn Công. “Sách Đông Chu Chiến Quốc” viết: “Tề Hoàn Công quản năm sáu thành, xóm liễu đào có tới 700 nơi; sách “Hàn Phi Tử - Thuyết nan cũng viết: “Chư hầu Tề Hoàn Công quản hai thành với 300 xóm nữ ca. Xóm nữ ca mà Tề Hoàn Công đặt ra là có thật, chỉ có điều số lượng ghi trong cách sách không giống nhau. Ban đầu, nghề ca kỹ vốn chỉ ý là những người chuyên mua vui cho thiên hạ, họ sống trong các kỹ viện hoặc các “xóm liễu đào” gọi là kỹ nữ. Cư Chử Nhân “Kiên Hồ tập tục” có nói: “Quân tử trị tề, tri nữ lư tam bách, chinh kỳ dạ hợp chi tư, dĩ tư quốc dụng. Ti Khước giáo phường hoa phấn tiền chi thuỷ dã” ý chỉ là mục đích của Quản Trọng trong việc đặt ra xóm chị em đã chưng thuế làm giàu đất nước. Việc này cũng thường thấy ở các nước Quy Từ, Vu Điền (Tây Vực) và một số nước chư hầu sau này. Theo “Thập tam châu chí” ghi: “Phía Đong thông linh, con người háo sắc, Quy Từ, Vu Điền đặt xóm nữ thu tiền. “Nguỵ Thư – Quy Từ Tuyền” cũng nói: “Quy Từ thông thục, đặt chức quan thu thuế phường ca kỹ”.
Đây là Lạc Dương Cốc thay Triệu Hiếu Thành Vương quản lý kỹ viện. Người này thường mua lương thực cho xóm chị em nên cũng biết Triệu Khôi Tử song chưa từng gặp Lã Bất Vi. Triệu Khôi Tử giới thiệu: “Vị tiên sinh này là thương nhân buôn châu ngọc…”, không đợi Triệu Khôi Tử nói hết, Dương Cốc kính cẩn nói: “Nếu như tôi không nhầm, vị này chính là Lã Bất Vi danh bất hư truyền”. Triệu Khôi Tử bật cười sảng khoái: “Đúng là Dương cốc tiên sinh có con mắt tinh đời!” Bất Vi vội cúi mình hành lễ, nói với Dương Cốc: “Hân hạnh, hân hạnh được biết”. Dương Cốc nói: “Lã tiên sinh phong thái đường hoàng, từ trước tới giờ chưa từng lui đến xóm liễu đào này, thật đáng mặt một vị chính nhân quân tử”. Bất Vi cười, khiêm tốn trả lời: “Thực không dám. Lã Bất Vi không phải là chính nhân quân tử như lời Dương Cốc ngợi khen, chỉ là thương nhân tầm thường, không xứng với lời của Lạc tiên sinh”. Lạc tiên sinh nói: “Chỉ cần Lã huynh có nhã hứng, sau này có tuyệt sắc giai nhân tôi xin tặng lại cho Lã tiên sinh”.
Hàn huyên một hồi, Lạc Dương Cốc và Triệu Khôi Tử quay ra ngã giá lương thực. Vị này mỗi tháng đến mua một lần cho xóm chị em. Bất Vi thấy nét mặt phốp pháp, trơn bóng của Dương Cốc, dường như tự mình tìm được viên ngọc quý hiếm. Bất Vi biết tên “đại trân châu” này sẽ giúp mình tới bên Triệu Hiếu Thành Vương dễ như trở bàn tay. Vì chỉ là người thân tín của Thành Vương mới được giao trọng trách này.
Bất Vi thấy cuộc nói chuyện giữa hai người gần kết thúc, không bỏ lỡ dịp may hỏi Lạc Dương Cốc: “Nghe nói vua Tần đưa thư cho Triệu Vương, không cho phép xuất binh và lương thảo giúp nước Hàn, không biết Đại Vương chúng ta dự định như thế nào?” Dương Cốc nói: “Trong cung chưa thấy động tĩnh gì, nhưng xem ra Đại Vương không thể kháng lại ý chỉ của Tần Vương”.
Sau khi Dương Cốc ra về, Khôi Tử mời Bất Vỉ ở lại phủ uống rượu, bàn tính về cách giải quyết cho hơn một trăm thạch lương. Suy đi tính lại vẫn chưa có lối thoát. Tiệc rượu sắp tàn. Khôi Tử gọi con gái độc nhất của mình là Triệu Cơ ra múa hát mua vui.
Triệu Cơ chỉ trang điểm qua loa, thoa chút phấn hương, nhẹ nhàng bước ra, tới trước yến tiệc, phất nhẹ tay áo, múa nhẹ như bay. Năm nay Triệu Cơ mười tám tuổi, đang lúc dậy thì khoe hương. Lã Bất Vi nhìn sắc mặt hồng hào của Triệu Cơ tưởng như đá mã não mịn màng, đôi lông mày thanh tú, đôi mắt như hớp hồn người khác, đôi môi chúm chím hoa đào, chiếc mũi cao nhỏ nhắn, tất cả như nét điêu khắc tinh xảo trên khuôn mặt trái xoan kiều diễm. Cổ áo hơi rộng để lộ khoảng ngực trắng ngần gợi cho người ta lạc vào cõi mê với bao liên tưởng kỳ bí. Triệu Cơ dùng tiếng hát ngọt ngào ngân lên điệu ca réo rắt thu hồn Lã Bất Vi. Bất Vi biết từng tế bào trong con người đang thay đổi. Trước đây khi đến Triệu phủ cũng từng gặp mấy vị ở vườn hoa hay trong phòng khách. Không biết do tâm ý thô thiển hay do mải buôn bán mà Lã Bất Vi không hề có ấn tượng gì.
Hôm nay Bất Vi mới phát hiện vẻ đẹp quyến rũ của Triệu Cơ. Triệu Cơ vừa hát vừa múa:
Quan quan tư cưu
Tại hà tri châu
Yểu điện thục nữ
Quân tử hảo cầu
Tham sai hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi…
Khoảng 23 năm sau, Triệu Cơ với Trường Tín Hầu thông dâm làm loạn nội cung, sau khi bình định phản loạn, Triệu Cơ bị chính Tần Vương Doanh Chính con đẻ của mình đày sang đất Ung hoang sơ vắng vẻ, cô độc với ngọn đèn thâm cung. Ba trăm lính hầu như một hàng rào vững chắc, Triệu Cơ trở thành vị thái hậu bị gông cùm. Lúc ấy, Lã Bất Vi cũng bị bãi chức Thừa tướng, sức tàn lực kiệt quay về thực ấp ở Hà Nam. Trước khi đi, một mình lặng lẽ tới Hàm Dương, muốn cáo biệt với người con gái bao lần chung chăn gối. Bất Vi nghe trong gió như lời ca của Triệu Cơ như oán như than, đúng là tiếng hát của Triệu Cơ. Tuy không còn trong trẻo như hồi trẻ nhưng tiếng ca vẫn réo rắt như dạo nào:
Quan quan tư cưu
Tại hà tri châu
Yểu điện thục nữ
Quân tử hảo cầu
Tham sai hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi…
Bất Vi lắng nghe, bất giác rơi lệ, trong lòng rộn lên bao mối tơ vương, trong tim thốt bao tiếng nghẹn ngào: “Ôi, Triệu Cơ! Quyến rũ, si tình…”
Kẻ hầu người hạ trong cung Tấn Dương nhớ rõ ràng, Triệu Huệ Văn Vương triệu tập quần thần thảo luận về việc nên hay không giúp nước Hàn, không khí ảm đảm như bóng đêm giữa trời quang. Vị quân vương ngày thường oai phong đĩnh đạc lộ rõ vẻ bần thần. Ấn tượng sâu nhất của vua Triệu trong lòng kẻ hầu người hạ là hình ảnh quân vương quên cả đeo ngọc bội, quần áo mớ ba mớ bảy lôi thôi luộm thuộm. Họ hiểu rằng, vị đại vương này bị bức thư của vua Tần dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Họ đoán không sai, vua Triệu bị bức thư ấy làm rối loạn tâm thần đứng ngồi không yên. Ông ta triệu tập đủ văn võ bá quan trong cung Tấn Dương hoành tráng nghị sự. Thiết triều có nhiều vị quan lớn như Tướng quốc, Bình Nguyên quân Triệu Thắng, Thượng khanh Lạn Tương Như, Đại tướng quân Liêm Pha, Tướng quân Triệu Xa… Trong số đó, Triệu Huệ Văn Vương coi trọng Bình Nguyên quân hơn cả.
Triệu Thắng ngoài ba mươi tuổi, tuổi quan đang độ, sớm quen việc triều đình. Đây là anh em với Triệu Huệ Văn Vương, trong đám huynh đệ, là vị công tử tài ba hơn cả. Bình Nguyên Quân thích nuôi môn khách, trước sau tới vạn người, Thời Chiến Quốc có rất nhiều tông phái, họ chủ trương: “nhân, nghĩa” hay tuyên truyền: “hình danh”, “vô vi”… Vì thế có các học phái Nho, Đạo Mặc… Kẻ sĩ đương thời là thế lực quan trọng trong xã hội, họ đều có sở trường và trình độ văn hoá nhất định. Chỉ dùng tấc lưỡi đi du thuyết các nước không từ quốc gia, tôn giáo hay địa vị chính trị, kinh tế. Đem tài năng của mình mưu cầu đãi ngộ, quan tước các nước chư hầu. Những người này vì mưu cầu phú quý, ra nước ngoài thường làm quân sư ở chư hầu. Trên đài chính trị, cũng có nhiều người thực tài góp công lớn. Các nước chư hầu muốn thực hiện sự nghiệp thống nhất thiên hạ, nên không tiếc công sức, hao tốn của tiền, đua nhau chiêu hiền đãi sĩ. Bấy giờ có bốn vị công tử nổi tiếng là: Mạnh Thường Quân (nước Tề), Bình Nguyên Quân (nước Triệu), Tín Lăng Quân (nước Nguỵ) và Xuân Thân Quân (nước Sở). Họ đều dùng bổng lộc, của cải của mình mà đãi ngộ khách, gọi là “thực khách”. Cả bốn vị này đều đua tài tranh sức, xem ai là người có nhiều môn khách nhất. Nghe nói, nước Triệu cho người khách què, chân khập khiễng ra múc nước, mỹ nhân của Triệu Thắng trên lầu cao trông thấy cười rộ. Hôm sau người què đến cửa nhà Bình Nguyên Quân nói: “Tôi nghe nói ngài yêu kẻ sĩ, sở dĩ kẻ sĩ không ngại xa ngàn dặm mà đến đây là vì ngài biết quý kẻ sĩ mà khinh thường bọn tì thiếp. Tôi không may bị tàn tật mà hậu cung của ngài lại cười. Tôi xin cái đầu của con người đã chế nhạo tôi.” Bình Nguyên Quân cười đáp: “Vâng” Người què đi ra, Triệu Thắng cười mà rằng: “Thằng kia lại muốn lấy cớ một nụ cười mà đòi giết mỹ nhân của ta, thật là quá đáng”. Rốt cuộc, Bình Nguyên Quân không giết.
Được hơn một năm, tân khách, môn hạ, xá nhân dần dần bỏ đi quá nửa. Bình Nguyên Quân lấy làm lạ nói: “Thắng đối đãi với các vị chưa hề dám thất lễ. Tại sao nhiều người bỏ đi như thế?” Một môn khách đứng ra nói: “Vì ngài không giết mỹ nhân đã cười nhạo con người què kia, vì ngài yêu sắc đẹp mà khinh thường kẻ sĩ nên kẻ sĩ bỏ đi đó thôi”. Bình Nguyên Quân bèn chém đầu mỹ nhân đã cười nhạo, đoạn thân hành đến nhà người què tạ lỗi.
Sau đó, môn hạ dần dần trở lại. Trong hàng vạn môn khách cũng có kẻ theo đám ăn tàn, gà què ăn quẩn cối xay, cũng có không ít người thực tài, có tầm nhìn xa trông rộng. Triệu Thắng cũng hội tụ nhiều tinh hoa, trở nên tiếng tăm lừng lẫy nước Triệu, vị quân tử có tài kinh bang tế thế.
Triệu Huệ Văn Vương đem nội dung bức thư của nước Tần thuật lại một lượt, sau đó nói: “Chư vị ái khanh, có diệu kế gì, xin nói để quả nhân nghe thử”.
Triều đường im lặng như tờ.
Thấy văn võ bá quan ngồi bất động, Triệu Huệ Văn Vương hai tay chống ngự án, lo lắng ưu sầu nói: “Tần vương không cho phép giúp nước Hàn thương thảo binh khí, thật khéo ép quả nhân lắm. Không làm theo, Tần vương động binh một lời nói ra không làm trái, không tránh nổi nạn can qua cho nước Trịêu. Nếu làm theo thì đắc tội với nước Hàn. Nếu nước Tần trở mặt đánh nước Triệu, nước Hàn khoanh tay đứng nhìn hay vỗ tay trợ giúp, chúng ta trở thành nhà cô nước lẻ…
Triệu Thắng tiến lên một bước nói: “Khởi bẩm đại vương, theo ý thần chúng ta nên đồng ý với vua Tần, không xuất binh và lương thảo giúp Hàn, không giao ước với Hàn nhưng nước Tần cũng phải đồng ý cho chúng ta điều kiện là nước Tần không được xâm hại nước Triệu, nếu Hàn cất quân báo thù Triệu, nước Tần phải ra tay giúp đỡ.
Triệu Huệ Vương trầm ngâm hồi lâu rồi nói: Thế cũng được nhưng chỉ y lòng người khó lường, nói rồi lại nuốt lời. Chuyện Ngọc Bích họ Hoà, nếu không có Lạn Tương Như đa mưu túc trí, mang ngọc trở về Triệu, chúng ta mới không bị lừa. Chuyện này Tần vương cũng có thể thề thốt nhưng lời nói gió bay, đến lúc vua Tần trở mặt, mình làm mình chịu, hắn đem lời thề ước ban đầu cho lên chín tầng trời, quả nhân không thể van xin hắn!”
Triệu Thắng quả quyết: “Chúng ta có thể xin Tần vương phái cháu con đến Triệu làm con tin. Nếu người đến thì họ thực tâm theo lời thề ước. Nếu người không đến, ta có thể đoán trước sự việc, tuỳ cơ ứng biến, tất sẽ phòng được!”
Nghe chủ ý của Triệu Thắng, Triệu Huệ Văn Vương cảm thấy như trút được gánh nặng, tấm tắc ngợi khen: “Thật là thượng sách, không gì sánh bằng!” Quần thần cùng đồng thanh: “Đúng là thượng sách!”
Triệu Huệ Văn Vương thấy như đám mây mù bấy lâu che phủ chợt tan biến, gánh nặng chất trên vai mấy hôm nay bỗng dưng nhẹ bẫng. Vương sung sướng hồ hởi nói: “Lạn thượng khanh, mau thảo một bức thư, đưa đến Tần quốc. Xin vua Tần phái người đến Triệu làm con tin, ta lập tức ra lời hiệu triệu, nghiêm cấm xuất binh và thương thảo giúp Hàn”.
Triệu Khôi Tử suy đi tính lại, thấy tốt hơn cả là nhân lúc Triệu vương chưa ra lời hiệu triệu, đang đêm xuất phát, vận chuyển số lương thực mà hắn cùng Lã Bất Vi đã mua về Dương Địch. Không muốn Bất Vi ngăn cản, tự mình điều hơn ba mươi chiếc xe ngựa, chất đầy lương thực, cùng Triệu Thành lặng lẽ đi trong đêm. Ba mươi chiếc xe ngựa lộp cộp đi trong đêm thanh vắng, giữa trời khuya lặng lẽ ở thành Hàm Đan nghe như quỷ hồn kêu hú làm cho người ta kinh khiếp ớn lạnh.
Lã Bất Vi biết nỗi sợ hãi bắt nguồn từ lời hiệu triệu của Triệu Vương. Buổi trưa sau hai ngày, Bất Vi đã tin đích xác vào lệnh của vua Trịêu, vội vã đến nhà của Triệu Khôi Tử. Bất Vi nhớ rõ, nắng ngập trên đường phố, từng tia từng tia như muôn ngàn ánh kim ngân nhảy nhót trước mặt. Trong ánh sáng huy hoàng ấy, bóng người ngựa dường như nhạt nhoà, mờ ảo.
Lã Bất Vi đến phủ của Triệu Khôi Tử, bị ánh mặt trời chiếu chói mắt cảm thấy xung quanh tối tăm mù mịt. Lã Bất Vi nhắm mắt, lắc đầu mấy cái sắc diện mới trở lại bình thường.
Nghe nói Triệu Khôi Tử đang đêm chuyển lương về nước Hàn, toàn thân như bị sốc nặng. Lã Bất Vi thấy như có muôn vàn con sóng lớn nhấn chìm mình xuống đáy sâu. Bất Vi sợ hãi, hoảng hốt, tim đập thình thịch. Kháng chỉ, tội phải rơi đầu, hắn lo cho tính mạng của nhà Triệu Khôi Tử, nghĩ tới mạng mình mà toát mồ hôi lo sợ.
Bất Vi hiểu rõ rằng bằng chứng về việc kháng chỉ giữa Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử nằm trong Trịêu phủ.
Đó là nửa phiến tễ nằm trong tay Triệu Khôi Tử là hợp đồng ký giữa Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, cái làm bằng chứng được sử dụng phổ thông nhất là khoán. Có loại khoán ngắn, khoán dài, loại khoán dài dùng trong các vụ mua bán nhỏ gọi là Tễ. Sách “Chất Nhân – Chu Lễ” có ghi:
“Phố lớn dùng Chất, phố nhỏ dùng Tễ”, nếu sau này phát sinh ra việc tranh chấp hoặc kiện tụng, quan phủ sẽ căn cứ vào Tễ, Chất để xử án. Chính Như – Chu Lễ, Tiểu Tề nói: “Trong bán buôn lấy Tễ, Chất”. Để tiện cho việc mua bán, người ta thườn dùng khoán. Cho dù trong trao đổi dùng Tễ, Chất hay Khoán, tất cả đều làm bằng thẻ tre. Đầu tiên họ viết hợp đồng hay các điều khoản lên thẻ, sau đó phân làm hai, người mua hoặc uỷ thác giữ nửa phải, người bán hoặc uỷ thác cầm nửa trái. Người mua hoặc uỷ thác cầm khoán phải yêu cầu người bán hoặc uỷ thác thực hiện hợp đồng, nên gọi là “cầm mảnh khoán làm chất”. Người mua và người bán thoả thuận các điều khoản và lợi tức gọi là “hợp khoán”. Nếu hai bên xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng, hai bên cầm “hợp khoán” đến quan phủ.
Lã Bất Vi và Triệu Khôi Tử cùng ăn chia trong vụ buôn bán lương thực này, nên mỗi người cầm một nửa thẻ Chất. Quan phủ, xem một nửa thẻ Chất, sẽ biết được tên họ hai bên, số lượng, mức tiền mua bán… Nếu Triệu Khôi Tử bại lộ, quan phủ đến Trịêu gia điều tra, tìm được thẻ Chất còn lại, sẽ tìm hiểu ngọn nguồn và cả Lã Bất Vi cũng phải vào ngục. Mới nghĩ đến đây, Bất Vi cảm thấy như ớn lạnh xương sống.
Làm thế nào đây? Tuân theo số trời? Thúc thủ chờ đợi? Bất Vi trong vườn hoa của Triệu gia thẫn thờ tự hỏi, lập tức Lã Bất Vi trấn tĩnh lại, không thể chờ ông trời tự sắp đặt hay buông tay chịu trói. Còn nước còn tát, phải tự cứu lấy mình. Lã Bất Vi nghĩ ra ngay một cách đối phó, lập tức quay về phủ, cầm mảnh Chất phải, rồi vội vã đến phủ họ Triệu, gặp Triệu Cơ nói hiện tại quan phủ đang xem xét vụ buôn bán, cần phải “hợp khoán”, mau tìm mảnh còn lại ghép với thẻ Chất phải của Lã Bất Vi.
Lã Bất Vi nhìn thấy đôi mắt đẹp của Triệu Cơ thoáng sợ hãi khi nghe nói xong, Triệu Cơ cùng Lã Bất Vi vào phòng ngủ của Triệu Khôi Tử tìm thẻ Chất. Triệu Cơ để Lã Bất Vi ngồi bên ngoài rồi vào phòng lấy ra một chiếc hộp khảm sừng tinh xảo, lấy ra từng chiếc thẻ Chất, xem qua mười mấy chiếc, vẫn không có chiếc nào hợp được với thẻ của Lã Bất Vi.
Bất Vi vô cùng hoảng hốt, tại sao lại không có? Vì Triệu Cơ cố ý không hợp khoán với Bất Vi hay Triệu Khôi Tử còn để ở chỗ nào khác?
Triệu Cơ rất lo sợ, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, Bất Vi quan sát sắc diện của nàng, biết không phải Triệu Cơ cố tình đùa giỡn. Bất Vi nhẹ nhàng nói: “Cô cố nghĩ lại xem, lệnh tôn có để thẻ ở chỗ nào khác không?”
Triệu Cơ khẽ lắc đầu.
Lã Bất Vi và Triệu Cơ lục tung cả phòng trong phòng ngoài vẫn không tìm thấy mảnh thẻ còn lại.
Vợ Bất Vi là Hoàng Phủ Kiều thấy chồng đờ đẫn cầm mảnh thẻ về phủ, lúc đó ánh trăng bị che lấp bởi những đám mây lớn âm u, Hoàng Phủ Kiều cảm thấy sắc diện của Lã Bất Vi cũng leo lét như ánh trăng trời.
Đi khá lâu mới nhìn thấy phong đài và cờ xí bay trên thành Biên Ấp, trong ánh hoàng hôn, đoàn xe ngựa lại càng nhạt nhoà. Triệu Khôi Tử thúc giục đoàn tuỳ tùng đi, đi liền không ngủ hai ngày hai đêm, cuối cùng cũng tới được biên giới nước Triệu và Hàn. Trên đường họ nghe nói chiếu lệnh của Triệu Vương đã ban truyền nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa tới đây.
Tại một nơi cách Biên Ấp khá xa, Triệu Khôi Tử bảo gia nhân dừng lại, đem lương thực giấu trong rừng, rồi cùng Triệu Thành và hai người gia nhân, cầm vàng bạc và dao hộ thân. Hắn muốn vào xem xét tình hình trong thành, tuỳ cơ mà liệu việc. Có thể qua được thì qua, không qua được thì cũng có đường thoát thân.
Bốn người nhân lúc nhá nhem, tìm đường vào thành. Khi vào thành, họ bị hai người lính gọi lại, ba lần bảy lượt hỏi họ vào thành làm gì, họ nói là thương nhân nước Trịêu. Triệu Khôi Tử vừa nói vừa quan sát. Dưới chân thành, gươm kích chất thành đống, ánh sáng chói loà
Người lính hỏi bọn họ làm gì, họ đáp tới nước Hàn, lại hỏi có giấy phép qua thành không, họ trả lời có.
Lời qua tiếng lại, họ càng gần bọn lính hơn. Họ thấy rõ sau lưng người lính là thanh kiếm sáng rợn người, lại còn nhìn thấy một trong hai người bị khuyết chiếc răng cửa, có những âm thanh vang gọn từ xa vọng lại. Khôi Tử nhìn thấy có bốn tên lính quay lưng đứng bậy ở góc thành.
Hai tên lính nhanh chóng đi lấy những ống lương khô và dao kiếm của họ.
Triệu Khôi Tử hỏi: “Sao anh lấy lương khô của chúng tôi? Từ nửa đường chúng tôi đã đói lắm rồi?” Tên lính đáp: “Đại vương có lệnh, một hạt gạo cũng không được mang khỏi đất nước”. Triệu Khôi Tử nói: “KHông thể bao gồm cả lương thực mang đi ăn đường của thương nhân được”. Tên lính nói: “Cũng không từ, chúng tôi thấy lương là bắt lại”. Triệu Khôi Tử làm bộ thở dài: “Ngay cả lương ăn cũng không có, chúng ta đi làm gì, chúng ta quay về thôi”.
Khôi Tử cố nhìn lần nữa, trong thành tổng cộng có mười mấy tên lính. Lúc quay về, Triệu Khôi Tử không đi đường lớn mà vòng vào đường rừng. Thấy xung quanh thành ấp rất bằng phẳng, có thể đánh xe ngựa đi, tránh được sự kiểm soát của quan binh.
Về tới chỗ túc, Triệu Khôi Tử sai người bọc cỏ xung quanh có dao hộ thân, nguỵ trang xe lương, bọc vải vào móng ngựa, chuẩn bị nửa đêm sẽ qua biên giới. Trời khuya, Khôi Tử và Triệu Thành mỗi người mang một con dao, dẫn đầu đoàn xuất phát, ba mươi chiếc xe lặng lẽ không một tiếng động, ra đi trong đêm tối mịt mùng.
Xung quanh vô cùng yên tĩnh, thỉnh thoảng mới nghe tiếng thở phì phò của ngựa kéo xe. Gió mơn man lướt nhẹ trên mặt. Thảo nguyên bao la chan hoà ánh trăng.
Đoàn xe lương của Triệu Khôi Tử chưa đi xa thì bị quân tuần canh bắt gặp. Ngay lập tức, trong thành, những bó đuốc được thắp sáng, tiếng hò hét vang vọng bốn phương, quân đội nhất tề chuẩn bị xuất phát. Khôi Tử huy động cả mấy tay dao, không ngừng hô hào: “Không được lo lắng, không được cuống”. Rồi bảo gia nhân dừng ngựa, vạn nan cũng không được nản lòng, chuẩn bị nghênh chiến.
Quân đội mau chóng ập tới, lửa sáng lập loè, chiếu rõ mặt Triệu Khôi Tử và bọn gia nhân. Bọn lính hiểu ngay chuyện gì xảy ra, chỉ gươm hô giết. Một trận quyết chiến bùng nổ, Khôi Tử và bọn gia nhân chỉ có dao ngắn không thể chống lại gươm sắc kích dài của binh lính nhanh chóng thiệt mạng.
Tiếng vó ngựa dập dồn phi nhanh về hướng Hàm Đan. Bụi cuốn mù mịt che khuất cả mặt trời, cảnh tượng giống như đang xảy ra đám cháy lớn. Mọi người ngó ra cửa xem xét, biết đã xảy ra chuyện kinh thiên động địa gì.
Lát sau có tin rằng Triệu Khôi Tử chở lương chống lại lệnh chỉ, người bị giết, lương thảo bị tịch thu, quan quân đang ập tới đây để niêm phong tài sản, bắt hết người trong nhà, nô lệ, tì thiếp.
Nghe tin, Lã Bất Vi đang ngồi uống trà trong phủ giật mình kinh hãi, chén trà rơi xuống đất, vỡ tan tành.
Lã Bất Vi và mấy người tâm phúc biết rằng, nếu thẻ Chất - bản giao kèo buôn bán giữa Triệu Khôi Tử và Lã Bất Vi lọt vào tay quan quân có nghĩa là Bất Vi sẽ xếp vào hạng đầy phạm phải chịu tội cùng Triệu Khôi Tử. Mọi người nhất loạt khuyên Lã Bất Vi đi trốn vài ngày. Đợi tin tức xác thực, họ sẽ báo cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi cùng Hoàng Phủ Kiều đành nhân lúc trời tối ra miếu từ ngoài thành ẩn thân lánh nạn. Trước khi đi còn mang theo nhiều vàng ngọc châu báu, e sợ quan binh truy tìm gốc sẽ tịch biên gia sản, đưa tiền cho mấy người tâm phúc lo lót cho quan binh.
Trời sáng, Lã Bất Vi cùng Hoàng Phủ Kiều vừa đói vừa mệt, lại nơm nớp lo sợ, ngọn cỏ rung cũng thon thót giật mình. Mặt trời xuống núi, trời chạng vạng tối mới có người mang thức ăn tới. Lã Bất Vi sống ở đó, đếm thời gian dằng dặc trôi qua, hai ngày hai đêm sau mới một người tâm phúc của gia đình kể, trong nhà của Triệu Khôi Tử không phát hiện được tấm thẻ tre, làm Lã Bất Vi áy náy băn khoăn.
Khi Lã Bất Vi đầu bù tóc rối, thất thểu quay về, ngồi yên trong phủ hàn huyên cùng môn khách và gia nhân nhưng trong đầu vẫn đè nặng hình ảnh tấm thẻ tre.
Bất Vi mơ hồ nhận thấy rằng dường như thần linh đã lấy đi tấm thẻ nếu không tấm thẻ ấy có thể ở nơi nào…