Không làm sao tôi quên được cái đêm đầu tiên gặp Đỗ Tiểu Song. Dù chuyện đó xảy ra cách đây đã mấy năm. Bao nhiêu chuyện bể dâu, bao nhiêu biến cố đã xảy đến, nhưng những hình ảnh hôm ấy lại hiện ra rành rành trước mắt.
Mùa đông năm ấy rét đặc biệt, vì mùa mưa đã kéo quá dài, đó cũng là lý do hoa Đỗ quyên nở thật sớm. Vừa qua khỏi tết dương lịch chẳng bao lâu là bên hàng dậu trong sân nhà chúng tôi màu hoa Đỗ Quyên rực rỡ. Mưa không làm hoa tàn, trái lại cánh hoa thêm long lanh tươi tắn. Chỉ có cái rét theo cơn mưa làm tôi khó chịu. Trong nhà phải nói là chỉ có tôi và bà nội là sợ rét nhất. Vì vậy ngay đầu năm, chúng tôi đã khơi lò sưởi. Thỉnh thoảng tôi bỏ vào đấy một ít vỏ quýt, để mùi tinh dầu dễ chịu tỏa lan khắp phòng.
Tối hôm ấy, cả nhà quây quần quanh lò sưởi. Nội đang đan cho tôi một chiếc áo ấm sọc xanh trắng xen hàng, mẹ gỡ chỉ, trong khi chị Thi Tịnh và vị hôn phu không rời nửa bước là Lý Khiêm đang chơi cờ. Chị Thi Tịnh thì hiếu thắng ông anh rể chờ của tôi lại nịnh đầm, nên cứ giả vờ thua mãi. Tính ông anh cả Thi Nghiêu tôi lại khác. Chu Thi Nghiêu bao giờ cũng là Chu Thi Nghiêu. Hiện ông ấy đang ngồi cạnh máy tivi, trên tay là quyển Tuyển tập dân ca Mỹ quốc, mà mắt lại không rời màn ảnh tivi. Phim đang chiếu có tựa đề là Tên trộm tài ba, tên trộm đang trổ tài trộm các bức danh họa. Tôi vừa khều lửa trong lò sưởi vừa nói:
- Anh cả à, nhà có tivi không hẳn phải mở suốt ngày, trên máy có nút tắt mở, thì khi nào không cần ta có thể tắt chứ.
Anh Thi Nghiêu chỉ chau mày không đáp, mẹ đỡ lời:
- Thi Bình, con đừng quấy rầy, anh con làm nghề này, phải nghiên cứu chứ?
- Nghề gì? Ăn trộm ư?
Bà nội trừng mắt với tôi:
- Cái con này riết rồi ăn nói không chừng không đổi. Có phải bữa nay không nhận được thư thằng Vũ Nông phải không?
- Sao Nội biết?
Nội có vẻ đắc ý.
- Sao không? Suốt chiều tới giờ, Nội thấy trời mưa trời gió mà con cứ chạy ra thùng thơ ba bốn lần là biết ngay.
Tôi đỏ mặt:
- Đâu phải đâu. Con ra xem coi có thư của cha không.
Nội cười:
- Trời ơi, sao cha bây lúc này có phước thế??
Tôi đỏ mặt:
- Mẹ, xem Nội kìa!
Thi Tịnh bỏ bàn cờ quay sang.
- Thi Bình, không lẽ lớn thế rồi mà đụng tí phải kêu mẹ sao? Có kêu mẹ cũng chẳng làm gì được Nội??
- Hứ, chị cũng bênh Nội, để bao giờ chị với anh Khiêm lập gia dình có tí nhau rồi chị biết, Nội sẽ giành kẹo với cả con chị!
Chị Thi Tịnh quay sang mẹ:
- Mẹ, mẹ có nghe Thi Bình nói gì không?
Mẹ cười:
- Thôi tôi không can dự gì đến chuyện mấy người đâu.
Nội cũng cười theo, Thi Tịnh quay sang Lý Khiêm phân bua.
- Anh thấy không? Ở nhà này mẹ thì bênh anh cả, còn Nội thì cưng chiều Thi Bình, chỉ có em là chẳng ai yêu.
Lý Khiêm gật gù:
- Chính vì vậy mà anh yêu em.
Cả phòng ngập đầy tiếng cười. Anh Thi Nghiêu xem xong phim, đứng dậy tắt tivi, chậm rãi quay lại:
- Quý vị vui gì ồn thế? Ban nãy con nghe Nội nhắc đến thùng thơ phải không? Phải rồi, sáng nay khi đi làm, con có mở thùng thơ ra, có một lá thư gởi Thi Bình, sẵn con bỏ vào túi, rồi quên luôn.
Tôi hét lên:
- Trời ơi, anh Nghiêu, chờ gì mà anh không mang ra ngay chứ?
Anh Thi Nghiêu từ từ lấy trong túi ra. Bức thư tôi đã đợi cả ngày trời. Bức thư của Vũ Nông từ Mã Tổ gởi về. Tôi giật lấy thư, nổi giận:
- Thư của người ta mà anh bỏ vào túi làm gì? Xem nè anh làm nhầu hết trơn.
Anh Thi Nghiêu nhìn tôi chay mày:
- Anh nào có cố tình đâu? Đừng hiểu lầm, trong đó có gì quan trọng??
- Cũng không có gì!
Tôi đáp, nhưng Nội đã chen vào:
- Sao lại không? Nếu không hở, Thi Nghiêu, từ giờ sắp lên con gặp thư nó cứ cất luôn đi, xem ai quýnh lên cho biết.
Tôi nhào tới, đấm thùm thụp vào lưng Nội:
- Nội, sao lúc nào Nội cũng đối lập với con thế?
Nội phải hét lên với mẹ:
- Tâm Bội, cô coi con gái cô kìa, con gái gì mà chẳng ý tứ, nết na gì hết!
Mẹ tôi phải lên tiếng:
- Thi Bình!
Chợt nhiên, Mẹ nhưng lại lắng nghe, rồi nói:
- Hình như con nghe có tiếng anh Tư Canh, chắc anh ấy ở Cao Hùng mới về.
Quả nhiên, có tiếng cổng mở. Rồi tiếng cha như đang nói chuyện với ai. Chúng tôi đứng bật dậy chờ đợi. Đúng ra cha tôi đi Cao Hùng chỉ ba ngày về, thế mà không hiểu sao lần này hơn tuần. Chắc có việc gì.
Cha đã vào đến phòng khách. Cửa mở. Không chỉ có một mình cha, mà còn có một cô gái. Khoảng 17 tuổi gầy yếu trong bộ áo màu đen. Dưới ánh đèn vàng, tôi chỉ thấy đôi mắt nàng ta nổi bật, đen nháy đang tò mò nhìn chúng tôi.
- Vào đi!
Cha bảo, và cô bé ngoan ngoãn bước vào. Cha đặt tay lên vai gầy của cô ta, và nghiêm trang nhìn bà Nội, mẹ và chúng tôi.
- Bắt dầu từ giờ phút này, gia đình chúng ta có thêm một đứa con gái, tên nó là Đỗ Tiểu Song, và nó sẽ sống ở đây với chúng ta luôn.
Mẹ đưa mắt tò mò nhìn cha, và cha nhìn mẹ nói:
- Tâm Bội. Xin lỗi vì đã chưa bàn trước với em, nhưng Kính Chi chết rồi, anh cũng không ngờ nó lại nghèo thế này... Một con người tài năng, dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, đổi lấy một núi nợ nần, và gia tài duy nhất còn lại là đứa con gái Tiểu Song này đây. Anh không nỡ để nó bơ vơ ở lại Cao Hùng. Bạn bè của Kính Chi ở đó đều là bạn nghèo. Sự đóng góp của họ chỉ đủ mua quan tài mai táng Kính Chi. Tiểu Song mất mẹ lúc còn nhỏ, bây giờ mất cả cha. Anh mang nó về đây, chỉ một mong ước. Cho nó có được một mái nhà.
Đỗ Tiểu Song đứng đấy, dưới ánh đèn, đứng thẳng lưng, gương mặt thờ ơ như không một súc cảm. Lời tường thật của cha tôi về cô bé hình như chẳng liên hệ gì tới cô ta.
Cả nhà im phăng phắc trước sự bất ngờ. Hình như nghe cả tiếng muỗi bay. Sự vui nhộn ban nãy biến mất. Cô gái đến mang cả cái lạnh của mùa đông. Nhưng rồi truyền thống hiếu khách của dòng họ Chu chúng tôi đã phá được giá băng. Người đầu tiên là Nội, Nội dẹp ngay kim đan và chỉ len, người bước tới đẩy chiếc nón trên đầu Tiểu Song lên, ôm vai cô bé nói.
- Cho Nội xem dung nhan con một chút xem.
Chiếc nón được cởi ra, mái tóc dài buông xõa xuống. Cô bé có gương mặt thanh tú, và đẹp nhất là đôi mắt. Cái đẹp thanh cao nhưng buồn.
Nội nắm lấy tay Tiểu Song và nói:
- Đẹp, đẹp lắm! Sao tay con lạnh thế này... Con ốm quá, gầy như bộ xương... Nhưng con đừng lo, Nội bảo đảm con ở đây ba tháng, là Nội sẽ vỗ béo con ngay.
Hành động của Nội đã mang chúng tôi trở về thực tại. Mẹ bước tới cởi áo khoác ngoài cho Tiểu Song. Chi Thi Tịnh nhắc chiếc ghế đặt cạnh lò sưởi bắt nàng ngồi xuống, anh Lý Khiêm thì khuân vali, còn tôi giới thiệu.
- Đây là bà Nội, đây là mẹ, đây là chị Thi Tịnh, tôi là Thi Bình, đó là anh rể tương lai của tôi, anh Lý Khiêm, còn... Ủa anh Thi Nghiêu đâu rồi?
Mẹ nhìn tôi:
- Nó đi ngủ rồi, mệt quá chắc đi ngủ sớm.
Tôi bất mãn:
- Xem tivi thì chẳng mệt, đến chừng có chuyện thì lẩn đi ngủ. Không lẽ...
Mẹ cắt ngang.
- Thi Bình! Mẹ tính con với Tiểu Song chung phòng nhé? Dù sao giường con cũng là giường hai tầng mà?
Rồi mẹ quay sang Tiểu Song.
- Con ngủ chung phòng với Thi Bình được chứ?
Tiểu Song gật đầu. Nội hỏi Tiểu Song:
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Dạ 18.
Đây là câu đầu tiên của Tiểu Song trong nhà tôi. Nội ngắm nghía cô bé một lúc nói:
- Vậy là con nhỏ hơn Thi Bình hai tuổi, con nhỏ nhất nhà đấy.
Tiểu Song yên lặng đưa mắt nhìn lửa trong lò sưởi. Cô bé thật là bình thản như kẻ bàng quan bên đường, yên lặng như nghe nói về ai chứ không phải chính mình.
Cha nói với mẹ:
- Tâm Bội này, anh thấy em thu xếp cho Tiểu Song nghỉ ngơi đi, mấy hôm nay nó phải mệt lả, lại một ngày ngồi xe hỏa không khéo ngã bệnh.
Thế là cả nhà tôi rộn lên. Tôi, mẹ, bà chị Thi Tịnh người lấy gối, chăn, người giũ giường, thu xếp chỗ cho Tiểu Song để vali, treo quần áo... Trong lúc mọi người lăng xăng thì Tiểu Song vẫn đứng lặng một chỗ, đưa mắt nhìn khắp phòng. Mắt cô bé dừng lại trước cây đàn dương cầm. Tiểu Song hỏi tôi. Câu thứ hai sau khi bước vào nhà.
- Nhà chị có đàn dương cầm nữa à??
Tôi vui vẻ trả lời:
- Vâng, của anh Thi Nghiêu đấy. Gia đình tôi tuy không khá giả lắm, nhưng cha mẹ lại không bao giờ để cho con cái thiếu thốn nhất là với anh Nghiêu, anh ấy... Thôi khuya rồi, đi tắm đi rồi ngủ.
Cô nàng cũng không hỏi thêm, lẳng lặng theo tôi vào phòng tắm. Nhà tôi là ngôi nhà cất kiểu Nhật, khá hẹp, nên chỉ có một phòng tắm cho cả nhà luân phiên dùng. Sau khi Tiểu Song tắm rửa xong, tôi đưa cô ta về phòng, cho cô bé nằm giường trên, tôi nói:
- Lúc đầu, tôi với chị Thi Tịnh ngủ chung ở phòng này, sau đó chị Thi Tịnh có bạn trai, sợ tôi quấy rầy hai người, nên cha tôi mới cho xây thêm phòng ngoài cho chị Tịnh. Đó cô thấy ba mẹ tôi văn minh không?
Tiểu Song nằm ở giường trên, nghiêng xuống nhìn tôi một cách xa lạ, làm tôi mất hứng. ở đâu có người gì lạ lùng, lúc nào cũng xa lạ như khách, không hòa hợp. Tôi lắc đầu chán nản, nói.
- Thôi cô ngủ đi, khuya rồi!