- Đổi ngày? Là sao hả nội?
Văn nhìn qua bà Liên. Bà cũng kinh ngạc không kém gì anh.
Ông nội nhìn hai cô cháu mà mỉm cười:
- Có gì đâu mà ngạc nhiên vậy Văn, thì con còn bệnh, chưa khỏe, ông dời ngày mừng thọ lại thôi.
Văn kêu lên:
- Nhưng con có bị gì đâu? Đâu cần nội phải dời ngày mừng thọ?
Ông nội lắc đầu:
- Vậy mà chưa có gì à? Con bị tai nạn, thương thế đến giờ vẫn chưa khỏi, ông còn lòng dạ nào mà đãi tiệc ăn mừng.
Văn cố phân trần:
- Con thực sự khỏe lại rồi, con chỉ còn cái chân băng bột vướng víu chút thôi chứ đâu có gì nữa. Nội đừng dời ngày làm gì.
Ông anh nghiêm mặt:
- Là thân thể con tạm bình phục thôi chứ ký ức con chưa ổn định lại mà. Nội không muốn đãi tiệc làm gì khi nhà còn chuyện không vui.
Bà Liên rụt rè lên tiếng:
- Anh Ba có nói thiệp đã phát rồi đó ba.
Ông gạt đi :
- Lỡ phát rồi thì hồi lại. Đa số toàn là bạn già hoặc họ hàng thân thuộc ai cũng biết nhà mình đang có chuyện họ không dám trách đâu.
Văn áy náy:
- Nhưng sinh nhật bảy mươi tuổi lại là lễ đại thọ, quan trọng lắm, nội đâu thể vì con mà bỏ đi.
Ông nội cười nạt đùa:
- Cái thằng, mày là cháu đích tôn, ba mày lại mất sớm, có một mình mày thôi. Nội không lo cho mày thì còn lo cho ai.
Ông hắng giọng:
- Vả lại, nội cũng đâu có tính bỏ hẳn lễ mừng thọ, nội chỉ định dời ngày thôi. Không làm ngày theo dương lịch thì mình cũng có thể làm theo âm lịch.
Văn ngạc nhiên nhìn ông nội:
- Nội định dời qua sinh nhật âm lịch?
- Ừ.
Văn nhíu mày nhìn lên block lịch:
- Vậy là còn lấy hai tháng nữa mới đúng ngày.
Ông nội cười, gật đầu:
- Ừ, nhưng cũng nói trước là con phải mau lành bệnh đi. Nếu đến lúc đó mà mày vẫn còn ngơ ngáo, không nhận ra ai như vậy thì cả sinh nhật âm lịch hay là đại thọ tiểu thọ gì nội cũng bỏ, không thèm làm luôn.
Bà Liên cũng mỉm cười:
- Chà, ba nghĩ ra như vậy cũng hay lắm. Thêm hai tháng thì thằng Văn có lẽ đã tháo bỏ bột băng rồi.
- Ừ, nhưng cái chân là phụ, chủ yếu là cái đầu.
Văn tủm tỉm cười như đã hiểu ý ông. Nhấp ngụm trà đặc, ông nội hắng giọng:
- Tao quyết định vậy đó, cho tụi bay hay trước. Chút nữa gọi điện báo cho anh ba mày hay để nó sắp xếp xin lỗi hay hồi gì đó người ta, nghe chưa Liên.
Bà Liên dạ nhỏ. Ông gật đầu hài lòng rồi đứng dậy nói bâng quơ:
- Tao ra vườn luyện cờ đây. Dạo này công chuyện ngoài thành phố cứ đăng đăng đê đê, đi đi về về thấy mà phát mệt. Phải giải trí một chút mới được.
Văn hắng giọng:
- Để con nhờ Thiên Ân đẩy xe.
Ông nội nhìn anh cười:
- Ừ, gọi nó đi, nhưng mày có ra thì ông cũng cho mày ngồi chầu rìa mà xem thôi con ạ. Hôm nay tao có đối thủ rồi.
- Có đối thủ? - Văn ngạc nhiên - Ông Sáu ra chơi hả nội?
Ông nội vuốt râu giọng bí hiểm:
- Không phải ông Sáu, một tay mới.
Thấy vẻ mặt nghi ngại của Văn, ông cười vang:
- Biết ai không? Là con nhỏ Ân đó. Bất ngờ phải không?
- Thiên Ân? - Văn ngạc nhiên - Ông nói Thiên Ân biết chơi cờ à?
Ông nội cười, lườm anh:
- Không những biết chơi mà còn là cao thủ nữa đó, con là bồ nó mà chả biết gì hết. Trưa hôm qua ông chơi cờ một mình buồn quá, thấy nó thơ thẩn trong vườn, ông gọi nó lại định hỏi chuyện về gia đình nó. Mới hỏi có mấy câu, nó đã đề nghị đánh với ông một ván.
Văn cười thầm. Chắc hẳn để thoát khỏi những câu hỏi của ông nên Thiên Ân mới né qua chuyện đánh cờ.
- Chắc ván đó chỉ chừng mười lăm phút là hạ. Nội thắng phải không ạ?
Ông nội gật đầu:
- Ừ, đúng là bàn đó chỉ chừng mười lăm phút nhưng không phải nội thắng đâu, mà con nhỏ thắng. Nghe ngộ không?
Văn ngạc nhiên, anh nhìn ông như không tin lắm:
- Nội nói... Ân thắng à?
- Ừ. Nói cho ngay thì nội có chủ quan, chơi với đứa con gái nhỏ xíu thì ỷ y, nên đến chừng phát hiện nó cao tay thì hết gỡ. Hôm qua ông kêu nó đấu tiếp bàn khác thì nó viện cớ là đến giờ cho con uống thuốc. Hôm nay con nói nó lấy sẵn cữ thuốc đem ra vườn luôn. Ông nhất định đấu vài ván để biết tài của nó đến đâu mới được. Có con ngồi kế lược trận nhé. Tới giờ thì uống thuốc ngoài đó luôn.
Văn hơi ngẩn người. Lời của nội nói chắc là thật. Thiên Ân chẳng những biết chơi cờ tướng, mà còn chơi không tệ, có thể thắng nổi ông thì không chừng cô hơn cả anh rồi. Thiên Ân vừa đẩy xe của Văn ra vườn thì nội có điện thoại từ thành phố của chú Ba. Văn nhân lúc ông trở vào nhà, anh kể cho Thiên Ân nghe về quyết định dời lễ mừng thọ của nội.
Thiên Ân gật gù:
- Nói như vậy có nghĩa là ông nội anh ra hạn định cho anh rồi đó. Trong vòng hai tháng, anh phải cố phục hồi trí nhớ. Hai tháng, mấy chục ngày lận.
Văn lắc đầu cười:
- Em làm như tìm lại trí nhớ là trò chơi xếp hình vậy, đâu phải cố gắng mà được.
- Thì ông nội anh...
- Ý của ông là đốc thúc củng cố nghị lực để bình phục thôi. Nói ra hạn định chỉ là nói vui đó mà.
Thiên Ân cố cãi:
- Nhưng gì thì gì, Ân nghĩ hai tháng cũng là cả một khoảng thời gian, anh cũng có thể cố gắng để có lại ký ức được chứ.
- Anh biết, nhưng làm cách nào?
Cô hăng hái nói:
- Thì đó, làm như cô Liên hôm qua vậy. Đem hết hình ảnh về anh, đem những câu chuyện về anh ra kể cho anh nghe.
Văn lườm cô:
- Ừ phải, cứ đem cuốn album cũ mèm có hình tôi nhỏ xíu, đem cả học bạ từ tiểu học tới bằng cấp đại học của tôi ra, để cho em có dịp ngồi cười nhạo suốt cả buổi nữa phải không?
Bị câu nói của anh nhắc nhở, cô bụm miệng cười sặc dù mặt thoáng ửng đỏ. Chứ gì mà nhịn cười được. Tối qua sau khi ăn cơm xong, bà Liên hăng hái đem ra mấy cuốn album dày cộm. Trong đó đầy những hình ảnh về Văn.
Điều làm Thiên Ân thú vị nhất không phải là mấy tấm ảnh anh chụp khi đã trưởng thành mà là mấy tấm ảnh hồi nhỏ kìa. Tấm thì anh còn nằm ngửa đầu trọc lóc cười không có cái răng nào, tấm thì lẫm chẫm tập đi và… không mặc quần áo, tấm thì được cái quần yếm, nhưng mặt mũi mếu máo tèm hem, khóc nhe mấy cái răng còi. Đã biết anh nghiêm trang chững chạc bây giờ mà còn nhìn lại mấy tấm ảnh hồi anh còn con nít đó, làm sao cô không nín được cười. Chỉ nghĩ lại thôi cũng đủ cười thêm mấy chặp nữa chứ chẳng ít.
- Còn cười nữa à? - Văn nhăn mặt.
Thiên Ân xua tay hì hì:
- Xin lỗi, xin lỗi. Để Ân ráng nín.
Cô hắng giọng tập nghiêm. Nhưng rồi mới ngó qua anh, lại đỏ mặt tía tai bụm miệng sặc cười nữa. Văn lừ mắt quay đi. Có vậy cũng cười suốt từ hôm qua đến giờ. Cô con nít hơn cả sự tưởng tượng của anh. Để cô rúc rích với cơn buồn cười ấy, anh ngẫm nghĩ một mình. Việc làm của cô Liên hôm qua thật ra không phải là vô dụng, những bức ảnh tuy không làm anh biết và nhớ hết, nhưng cũng mang máng nhận diện được thêm vài khuôn mặt vài cảnh trí quen quen, gần gũi.
Suốt mấy cuốn album anh chụp một mình có, chụp với người này người nọ cũng có. Bà Liên chỉ tay vào từng tấm ảnh, nhắc anh tên họ, kể anh nghe vài chuyện về anh và họ. Thỉnh thoảng ông nội cũng xen vào vài lời. Cả nhà, ai cũng muốn từng bước giúp anh nhớ lại quá khứ. Còn anh...
Văn thở dài. Ánh mắt anh chợt lia trúng gương măt. tò mò của Thiên Ân. Cô đã ngưng cười, đang chăm bẵm vào anh.
- Gì vậy? - Văn nhíu mày hỏi ngay.
- Không. Ngó anh thôi.
- Ngó tôi làm gì? Lại muốn cười nữa à?
Thiên Ân nháy mắt, cười:
- Không phải đâu. Tại thấy anh đang suy nghĩ gì đó, Ân muốn đoán thử anh đang nghĩ gì thôi.
Văn lắc đầu quay đi:
- Muốn học nghề thầy bói nữa à? Vậy giờ đoán ra gì chưa?
- Rồi. - Cô cười khì - Để nói thử nhé. Có phải anh đang nghĩ tới ngày kia không?
Văn hừ nhẹ:
- Ngày kia có gì mà phải nghĩ?
- Thì đáng lẽ là ngày mừng thọ của ông nội anh đó. Anh đang nghĩ về một người khách của ngày hôm đó, đúng không?
Văn nhìn cô như chê bai:
- Đoán sai bét. Lễ mừng thọ đó dời ngày rồi. Khách đâu mà tới?
- Dời ngày nhưng có một người không biết, người ta sẽ đến đây đúng ngày.
Nhíu mày nhìn vẻ khôn lõi của Thiên Ân, Văn chợt hiểu:
- Em đang nhắc đến cô bạn gái nào đó của tôi à?
- Chứ còn ai khác nữa. Người mời là anh, anh chưa hồi thì người ta đâu có biết nên tất nhiên sẽ đến phải không?
Đến phiên Văn tủm tỉm cười. Anh chậm rãi gật gù:
- À, thì ra có người đang run ruột. Tôi đã nói mình là đồng minh, có sợ gì thì nói ra cho rồi, bày đặt đóng vai thầy bói đoán mò, nói vòng vo loằng ngoằng cho phí thời gian.
Thiên Ân quê mặt vì bị lật tẩy:
- Thì ông đồng minh, tôi thú nhận là đang ngán chuyện hiểu lầm, bị đánh ghen, bị lộ tẩy. Nói thật rồi đó, anh giỏi thì nghĩ cách giải quyết đi.
Văn cười quay đi:
- Chuyện nhỏ, có gì đâu mà sợ dữ vậy.
Thiên Ân trợn mắt:
- Chuyện nhỏ? Anh nói chuyện nhỏ à? Tôi có nguy cơ bị lật mặt đó.
Văn nhún vai:
- Làm gì có chuyện đó.
- Anh có cách gì gỡ à? - Thiên Ân tròn mắt kỳ vọng.
- Khó gì đâu.
- Là cách gì?
Dựa vào cái gối cao, anh thản nhiên nói:
- Chẳng có cách gì, vì thật ra không có người này.
Thiên Ân nhăn mặt chắt lưỡi:
- Có mà. Chị đó sẽ tới cho coi.
Văn lắc đầu gạt đi:
- Tôi thì cho là sẽ không có chuyện đó, suốt thời gian trong viện lẫn khi tôi đã về đây, chẳng có một cú điện thoại nào, chẳng một lần thăm viếng nào. Có nghĩa là chả có ai cả. Đừng có tốn hơi sức mà lo nữa. Không ai vô đây giành cái vai khó thở của em đâu.
Thiên Ân lườm anh:
- Anh nói sao mà đúng quá, khó thở vì thấp thỏm hồi hộp, may mà tôi không bị đau tim.
Văn khoát tay:
- Tại em yếu bóng vía thôi. Cứ tỉnh bơ thử xem. Có gì phải lo.
Nhìn anh với vẻ phân vân, nhưng cuối cùng Thiên Ân cũng phải làm thinh. Văn có vẻ bình tĩnh làm cô cũng yên lòng một chút, thôi thì đợi đến ngày kia vậy, để xem có gì xảy ra.
Thấy cô im lặng, Văn hắng giọng nói lảng:
- À, mà cũng lạ, anh không ngờ Ân lại biết chơi cờ tướng.
Còn bị mối lo kia chi phối, cô đáp máy móc:
- Cờ tướng có gì khó đâu mà không biết chơi.
- Nhưng nghe nội nói Ân cũng khá lắm. Bữa nào rảnh đánh với anh ván nhé.
Thiên Ân gật:
- Được thôi.
Giọng của nội chợt vang lên phía sau:
- Ai khiêu chiến với đối thủ của nội vậy?
Văn và Thiên Ân chưa kịp trả lời thì ông đã nhìn xuống cái bàn đá mài trắng được kẻ thật rõ nét hình bàn cờ và hộp cờ kế bên mà phàn nàn:
- Trời đất ơi, nãy giờ ông vô đó cả mấy chục phút, hai đứa không sắp xong bàn cờ nữa. Bộ lo ngồi tâm tình chuyện gì mà quên cả thời gian hả?
Câu mắng trêu của ông làm Thiên Ân vụt đỏ ửng mặt mũi, cô ngượng nghịu đổ hộp cờ ra và nhanh tay sắp lại. Văn ngắm nhìn cô chẳng hiểu sao cũng tủm tỉm cười