Thiên Ân giật mình choàng tỉnh. Cô mở mắt rồi chồm dậy nhìn cảnh tượng xung quanh với vẻ sững sờ. Phải mất đến mấy phút cô mới hiểu được xe đã gặp tai nạn. Những dằn xóc và âm thanh nghiến rít khó nghe vừa rồi là sự thật chứ không phải trong cơn ác mộng. Đầu nhức nhối, cô đưa tay lên đỡ lấy và nhăn mặt cố kềm cơn đau mà nhìn qua Văn. Anh đang gục đầu vào vô lăng bất động. - Anh... anh Văn! - Cô khàn giọng gọi. Thân người ngồi cạnh cô không nhúc nhích và không cả tiếng trả lời. Cô nén cơn sợ hãi vừa ập đến để chồm níu lấy vai anh: - Nè, anh Văn! Anh có sao không? - Cô gọi lần nữa. Đà kéo của tay cô đã lật người Văn bật ngửa ra ghế. Ánh trăng nhạt nhòa trên cao soi thấy một màu đỏ đang chảy thành dòng trên mặt anh. Người run lên bần bật hốt hoảng, Thiên Ân muốn thét lên khi nhìn thấy gương mặt bê bết máu của anh. Cô quýnh quáng lay gọi anh thêm vài lần nữa rồi đột nhiên cô khựng mắt trợn trừng đưa tay run run vịn lấy mạch tay anh. Phải cố ngăn mình đừng quá run sợ và thở dồn, cô mới nhận định được một cách mơ hồ rằng dường như anh vẫn còn nhịp thở. - Anh Văn, tỉnh dậy, anh Văn, đừng làm tôi sợ, anh tỉnh được mà. Anh còn sống mà. Mặc cho cô có lay gọi, thân người Văn cứ nghiêng ngả mất hẳn ý thức. Thiên Ân hấp tấp mở đai an toàn để chui ra khỏi xe. Cô không biết phải làm gì để qua được tình huống đáng sợ này. Cô la lớn bằng một giộng hốt hoảng và nghẹn ngào: - Cứu với, có ai làm ơn cứu chúng tôi với. Chạy thêm mươi mét lên con lộ cao, cô lại hét tiếng gọi cứu mấy lượt, nhưng con lộ dài vắng lặng, không một ánh đèn xe. Bóng đêm vẫn phủ trùm khắp nơi, ngoài tiếng côn trùng rỉ rả, không có ai đáp lại lời cô. Run sợ chạy trở về, cô hoang mang đến trước đầu xe, Thiên Ân nhận thấy xe đã tông phải một mô đất cao, đầu xe bị móp vào một chút. Chừng như một tia sáng vụt qua, cô lại lập cập trở vào xe và bật cái đèn nhỏ trên nóc. Ánh sáng mờ mờ làm cô mừng rỡ. Mở cái túi còn ẩm ướt để dưới chân, cô lấy đại ra một cái áo vải sạch của mình và tìm cách xé ra để băng bó lại đầu Văn. Máu của anh ra khá nhiều nên cô không biết ngoài trên đầu anh còn bị thương chỗ nào không. Băng bó tạm thời cho anh rồi cô lại phải khó nhọc lôi anh qua bên ghế của mình và ngồi vào chỗ của anh. Cô bật chìa khóa đề máy. Tiếng máy rền nhẹ rồi tắt. Cô trào nước mắt vì sợ, vừa cầu nguyện vừa đề máy lần thứ hai, thứ ba. Có lẽ Văn chưa chết, nhưng nếu không kịp thời đưa anh cấp cứu, máu của anh cứ chảy hoài như thế cũng sẽ không còn cứu kịp nữa. Đề máy lần nữa, cô nghẹn ngào khấn vái: - Ba mẹ ơi, giúp con với. Hãy cho máy khởi động được. Không biết lời cầu nguyện của cô linh thiêng hay vì một sự may mắn nào đó còn sót lại mà cuối cùng máy cũng nổ được. Thiên Ân mừng quýnh, cô thận trọng de xe ra khỏi mô đất đó rồi lăn bánh ngược ra lộ. Xe đã ở trên lộ. Cô lầm rầm: - Cảm ơn ba mẹ. Xin ba mẹ hãy phù hộ cho con trên suốt đoạn đường hoang vắng này. Mong sao con đưa được người ta đến bệnh viện kịp. Chân nhấn nhẹ ga, cô cho xe chạy xuôi xuống. Chiếc xe qua trận va đụng vẫn còn lăn bánh tốt. Thiên Ân nhấn thêm ga, mắt nhìn chăm chăm đường trống trước mặt, cô nói lẩm bẩm không biết để trấn tĩnh mình hay nói với người không biết sống hay đã chết bên cạnh: - Anh sẽ không sao đâu, tôi sẽ cố tìm người giúp mình, tôi sẽ cố đưa anh vào bệnh viện. Anh sẽ không sao đâu. Ráng lên Có cảm giác như lông mày ươn ướt, cô đưa tay chùi chất lỏng đỏ và còn ấm làm cô giật mình khi nhận ra mình cũng bị thương. Không dám rờ nhẹ tay lên đầu để biết chỗ rách của da thịt nằm ở đâu, cô chỉ còn biết gạt phần máu ướt dính lông mày, ngăn không cho chúng chảy xuống làm cản trở mắt nhìn của cô. "Tìm người giúp đã, đến bệnh viện đã. Không còn kịp thì giờ để băng bó, phải tìm cho ra bệnh viện hay trạm xá nào gần nhất." Chiếc xe lao đi khi đêm trở dần về sáng, con lộ vẫn thưa người, nhưng dường như ở tít xa xa, đã thấp thoáng bóng dáng những ngôi nhà.
********
Thiên Ân ngồi yên cho cô y tá băng lại chỗ vừa may trên trán cho cô. Có bóng người ló vào và cất tiếng hỏi: - Em đi chung với người bị tai nạn vừa đem vào đó phải không? Thiên Ân gật đầu, cô y tá ở cửa nói ngay: - Anh kia gãy chân và bị chấn thương phần đầu có lẽ là khá nặng, em ra làm thủ tục nhập viện đi. Vết thương cũng đã được băng xong, Thiên Ân cám ơn người y tá và trở ra phòng nhận bệnh. - Người vào cấp cứu tên gì vậy em? - Dạ, Nguyễn Nam Văn. - Thiên Ân đáp mà không biết mình có nhớ rõ không. - Bao nhiêu tuổi? Cô ngập ngừng rồi đoán đại cho chẵn: - Dạ, ba mươi tuổi. - Ngụ ở đâu? - Dạ, Sài Gòn. - Em nói luôn đia chỉ. Thiên Ân nói đại đia chỉ cũ nhà mình. Cô y tá hí hoáy ghi nhận lại, xong thì chuyển qua hỏi về cô: - Còn em, tên tuổi và nơi cư trú? Thiên Ân khai một tràng về mình. Cô y tá ngẩng nhìn cô : - Chung môt địa chỉ à? Hai người là anh em? Bây giờ cô mới nhớ ra mình đã khai bậy, cô ấp úng: - Dạ không, là... bạn thôi. Cô y tá hơi nhướng mày, nhưng rồi gật gù cho qua. Cô thông báo với một giọng đều đều: - Người bạn trai của em bị mất máu khá nhiều, nhưng nhóm máu thích hợp với anh ta bệnh viện chỉ còn một ít, chỉ sợ... - Ảnh nhóm máu gì hả chị? - Thiên Ân ngắt lời. - Máu O. Thiên Ân nói ngay: - Em cũng nhóm máu O. Người y tá nhìn cô: - Em nói vậy là ý muốn cho máu à? - Dạ. - Nhưng em cũng đang bị thương? - Hồi nãy bác sĩ cũng nói em không sao, chỉ bị rách da trên trán chút thôi. Em nghĩ rút một ít máu cũng không có hề gì. Cô y tá hơi ngần ngừ: - Để tôi hỏi qua ý kiến bác sĩ đã, em chờ ở đây đi. Trong khi cô y tá vào phòng để trao đổi với bác sĩ, Thiên Ân dựa vào lưng ghế chờ đợi với vẻ sốt ruột, cô chỉ mong sao mình có thể giúp một chút sức để người đàn ông tốt bụng tên Văn qua được chuyện này. Chợt nhớ đến cái ví tiền của Văn mà khi nãy cô lấy từ túi quần anh và nhét vào túi xách của mình để phòng hờ đóng tiền thuốc men, viện phí. Thiên Ân lấy nó ra săm soi. Chiếc ví màu nâu thật đẹp. Cô tò mò mở ra xem. Ví không có bức ảnh nào, ngăn ngoài có vài tờ mỹ kim, một xấp tiền loại năm mươi ngàn. Ngăn nhỏ còn lại đựng vài tấm thẻ tín dụng, vài thứ giấy tiờ. Thiên Ân lấy ra tấm Chứng minh của anh, bên cạnh cái hình quá nghiêm trang là một hàng chữ in, cô lẩm bẩm theo: - Nguyễn Năm Văn, sinh ngày... Thường trú tại... Cô chắt lưỡi. Chà, anh chỉ mới hai mươi tám, thì ra khi nãy cô đã khai thêm cho anh hai tuổi rồi. Theo như giấy tờ thì anh ở Thủ Đức. Trong ví không có tấm danh thiếp nào. Thiên Ân thừ người ra, không có danh thiếp làm sao cô gọi điện báo tin cho người nhà anh biết đây? Đôt nhiên như nhớ ra, cô cốc vào đầu mình một cái kêu lên: - Trời, ngu quá. Đúng là quẩn trí rồi, anh ta có địa chỉ mà. Sẵn điện thoại trên bàn mực, cô đánh bạo gọi nhờ. Cầm chứng minh của anh trên tay, cô gọi đến tổng đài nhờ dò số điện thoại theo địa chỉ của anh. Tổng đài thật hữu dụng, số điện thoại của nhà anh được cung cấp chỉ sau vài phút, Thiên Ân bấm số ngay. Chờ đợi tiếng chuông ở đầu dây bên kia đổ dài liên hồi, cô nhìn đồng hồ. Mình đánh thức người nhà anh để báo tin dữ vào lúc bốn giờ sáng đây, cần phải nói nhẹ đi để người ta đừng quá hoảng sợ mà té xỉu mới được. - Alô! Đã có người nhấc máy. Thiên Ân nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng: - Xin hỏi có phải nhà anh Văn không ạ? Một giọng nữ khàn khàn nhừa nhựa vang lên ở đầu dây bên kia: - Ừm, đúng rồi, nhưng nó đi vắng rồi. Cô là ai? Sao lại gọi điện giờ này? Thiên Ân hơi ngập ngừng tìm lời: - Dì ơi, con là bạn của anh Văn, con... đi chung với ảnh từ Đà Lạt về Sài Gòn, nửa chừng thì bị tai nạn. Anh Văn... - Cái gì? Cô... nói cái gì? Thằng Văn... tai nạn? Giọng hoảng hốt ở đầu dây bên kia làm Thiên Ân cũng đâm sợ và cảm thấy như mình có lỗi, cô cố nói cho rõ hơn: - Xin lỗi dì, dì hãy bình tĩnh để nghe con nói. - Nhưng cái gì mà... - Xin dì hãy bình tĩnh lại, anh Văn bị nhẹ thôi mà, không sao đâu. Đầu dây bên kia có tiếng thở dồn, rồi giọng nói như run run cố trấn tĩnh: - Cô... cô nói lại đi, tôi bình tĩnh rồi. Thiên Ân cố tìm lời: - Tụi con trên đường về Sài Gòn thì bị tai nạn, tai nạn nhẹ thôi. - Thằng Văn bị làm sao? - Người đàn bà hỏi ngay. Thiên Ân quyết định chỉ nói một phần thương thế của Nam Văn thôi: - Anh Văn có bị chấn thương ở chân, hiện thời đang được bác sĩ bó bột. Con muốn báo tin để gia đình... Giọng nói kia đã ngắt lời cô: - Bệnh viện nào? Ở đâu? Vừa nghe Thiên Ân nói bệnh viện tỉnh người kia đã cuống quýt đáp nhanh: - Được rồi, chúng tôi sẽ đến ngay. Thiên Ân dạ nhỏ. Gác máy, cô đi trở lại và nhìn vào phòng cấp cứu, bác sĩ trực vẫn tất bật bên giường bệnh cho Văn, cho thấy tình hình của anh vẫn còn khá nghiêm trọng. Có tiếng gọi sau lưng cô, Thiên Ân quay lại. Cô y tá đã trở về bàn trực. - Bác sĩ đã chấp thuận nhưng phải qua kiểm tra xem em có đủ sức và nhóm máu của em có thật sự thích hợp không đã. - Dạ được. Cô y tá gật đầu: - Vậy em theo tôi. Theo người y tá vào một phòng khác kiểm tra. Cuối cùng Thiên Ân được bác sĩ cho phép hiến máu. Nằm dài trên giường cố giữ mình thư giãn để đẩy lui cơn sợ hãi với cái mùi ê te nồng nặc và những cây kim to, cô nhớ đến tấm ảnh chụp ba cô cùng một số nhân viên trong công ty vào dịp hiến máu nhân đạo. Dạo đó, cô đã lồng kính tấm ảnh chụp ba cô nằm trong xe hiến máu lưu động treo lên ở phòng sách, suốt ngày nhìn ngắm mà hãnh diện vô cùng, cứ xem như ba mình là một anh hùng vậy. Giờ đây, cô cũng đang hiếu máu. Máu của cô cứu giúp một người bệnh trong cơn ngặt nghèo nhưng là một người rất tốt mà cô đã mang ơn. Quyết định của cô không hẳn là nhân đạo, mà là một cách trả ơn. Nhờ cứ lan man nghĩ ngợi mà Thiên Ân đã trải qua lần hiến máu đầu tiên trong đời mình thành công. Uống cạn ly sữa người y tá đưa, cô ngủ thiếp đi trên chiếc giường dành cho mình. Trời hửng sáng, khi chiếc băng ca đưa Văn từ phòng cấp cứu qua phòng chăm sóc đặc biệt thì Thiên Ân cũng còn say giấc.