Sau một ngày nằm ở bệnh viện thành phố, Văn đã tỉnh lại. Nhưng anh lại kêu nhức đầu và lơ ngơ không nhận ra được ai trong số những người thân quanh mình.
Ông Thịnh đã gọi người chích mũi thuốc giảm đau cho anh, rồi gọi mọi người ra hành lang. Bà Trinh nghiêm giọng:
- Văn nó làm sao vậy anh?
Ông Thịnh ngập ngừng:
- Nó chỉ mới tỉnh lại thôi, có lẽ ký ức vẫn còn mơ hồ...
- Nhưng em là mẹ ruột của nó, vậy mà nó vẫn nhăn nhó không nhận ra?
Ông Thịnh lúng túng giải thích:
- Theo như bản chụp X-quang thì không có gì nghiêm trọng, nhưng... trước tình hình này thì anh nghĩ có lẽ do chấn thương mạnh, ảnh hưởng đến vùng não bộ lưu giữ ký ức nên tạm thời... nó không nhớ rõ lắm về mọi việc.
Bà Liên thở dài lo lắng:
- Vậy mình phải làm sao đây, chắc phải nói cho ba biết chuyện này.
Bà Trinh cau mày lặng im. Ông Thịnh an ủi:
- Đừng quá lo lắng, tôi nghĩ... nó sẽ sớm bình thường lại mà.
Giọng bà Liên như vừa được nhóm tia hy vọng:
- Vậy chừng nào nó có thể bình thường trở lại?
- Tôi không thể nói chính xác, tùy theo sức đề kháng của nó thôi.
Nãy giờ vẫn đứng cạnh lắng nghe, Thiên Ân sợ sệt níu vạt áo ông hỏi:
- Ảnh có bị... quên hết mọi chuyện không hả chú?
Ông Thịnh trấn an:
- Không đâu, cháu đừng quá lo sợ. Văn chỉ bị va chạm mạnh vùng đầu nên ảnh hưởng một chút thôi. Tôi đã từng gặp nhiều ca tương tự. Qua một thời gian sẽ trở lại bình thường, trí nhớ sẽ dần hồi phục.
- Vậy nó chắc chắn sẽ không sao? - Bà Liên hỏi lại lần nữa.
Ông Thịnh gật:
- Ừ, không sao đâu. Văn nó cũng mạnh khoẻ mà, tôi nghĩ sẽ mau chóng bình phục thôi. Trong trường hợp trở về cuộc sống thường ngày quen thuộc thì sẽ dễ dàng gợi lại ký ức hơn.
Bà Liên vội nói:
- Vậy mình đưa nó về nhà, có được không?
Ông Thịnh gật đầu:
- Tốt nhất là lưu lại đây thêm một ngày để theo dõi kỹ tình hình, ngày mai tôi sẽ lo thủ tục để chị đưa nó về nhà, điều cần thiết bây giờ là về nhà rồi phải chăm sóc cho nó mau hồi phục ký ức lẫn sức khoẻ lại thôi.
Khẽ liếc qua gương mặt kín như bưng của vợ, ông Thịnh nói tiếp:
- Tôi sẽ giới thiệu một bác sĩ trong ngành để vài ngày ghé qua theo dõi tình hình.
Bà Liên gật đầu:
- Cám ơn anh.
Thiên Ân quay về cửa phòng và nhìn vào. Sau mũi thuốc Văn lại thiêm thiếp ngủ. Bàn tán dặn dò mất một lúc, rồi ông Thịnh và vợ ra về. Còn lại một mình, bà Liên bước đến cạnh Thiên Ân và cũng nhìn vào phòng. Bà lẩm bẩm:
- Chiều nay về cô phải nói thật với nội thằng Văn biết thôi.
Thiên Ân ngẩng lên kịp thấy giọt nước mắt trên gương mặt bà khi bà mếu máo:
- Cô chỉ sợ... nó cứ quên mất mọi việc, không còn nhớ gì, không còn nhớ đến ai nữa thì làm sao đây Thiên Ân?
Cô rụt rè nắm lấy tay bà. Tình cảm bà dành cho Văn làm cô cũng nghẹn ngào. Cô đưa bà lại ghế ngồi và thầm thì an ủi:
- Cô đừng quá lo, anh Văn nhất định sẽ khỏe lại mà, mình cố gắng chăm sóc cho ảnh cháu tin là ảnh sẽ khỏe lại.
- Cháu giúp cô chăm sóc nó nhé?
- Dạ.
Cô nói mà không biết lời của mình có được như ý không, nhưng tiếng sụt sịt của bà Liên dường như có nhẹ đi. Buổi chiều trong bệnh viện thật buồn. Ánh nắng tắt dần hướng Tây làm không gian như nhuốm màu u ám.
Mở cửa một căn phòng dành sẵn cho khách trên lầu, bà Liên cười đôn hậu:
- Cháu cứ lưu lại đây một vài tuần, đừng ngại gì cả. Ngoài vợ chồng chú Lương giúp việc, nhà chỉ có nội, có cô và Nam Văn thôi. Rất ít người.
Cô nhìn bà cảm kích:
- Cháu cám ơn cô.
Bà Liên cười:
- Cháu chịu ở lại là cô vui rồi, có cháu, hy vọng sẽ giúp đỡ cô nhiều trong việc chăm sóc cho Nam Văn.
Trước khi rời gian phòng, bà Liên còn ân cần bảo:
- Phòng tắm ở cuối dãy, cháu rửa mặt và nghỉ ngơi một chút đi nhé.
Cô dạ nhỏ. Đăt túi hành lý nhỏ nhoi của mình xuống chân, Thiên Ân ngồi thừ lên giường nhìn quanh căn phòng có màu vàng dịu mắt. Vậy là cô đã về đây theo lời nài nỉ mời mọc của bà Liên. Cô không biết mình quyết định như vậy có đúng không. Đầu tiên cô nán lại từ bệnh viện này sang bệnh viện khác chỉ vì muốn chắc chắn là Văn khỏe lại để khỏi lo lắng áy náy mà thôi. Bây giờ thì lại đến nhà anh. Vì muốn có chỗ ở tạm để ẩn thân hay vẫn vì lo cho bệnh tình của anh? Câu hỏi ấy chính cô cũng không trả lời được. Có lẽ cả hai lý do đều đúng.
Tình trạng sức khỏe của Văn tuy khá hơn nhưng anh như vẫn chưa phục hồi lại được trí nhớ. Ngay cả khi ông Bằng, nội của anh vào thăm, cũng vẫn đối diện với ánh mắt lạ lẫm cố hữu của anh. Gia đình của anh cứ buồn rầu, nhưng không ai trách cứ và thắc mắc về sự có mặt của cô trên chuyến đi tai nạn đó, duy chỉ có bà Trinh. Lần đầu gặp mặt bà đã lờ đi, không đếm xỉa gì dến cô và rồi bệnh tình của Văn hiện tại làm bà khó chịu với cô ra mặt. Như một cách nhận trách nhiệm của mình, cô lặng lẽ nán lại bên giường bệnh với anh suốt thời gian qua, tự nguyện chăm sóc anh mà không dám trách thái độ đầy thành kiến ấy của bà.
Đến bên khung cửa sổ nhìn ra mảnh sân sau, Thiên Ân đưa mắt nhìn những luống hoa nở thắm bên dưới, lòng vẩn vơ nhớ lại lúc bà Liên đưa cô ra trước mặt Nam Văn. Sau người mẹ ruột và cả người cô ruột mà anh ngờ ngợ không nhận biết, cô không nghĩ anh có thể nhận ra được mình là ai, nhưng vẫn nuôi tia hy vọng mỏng manh là mình sẽ bị... lật mặt. Vậy mà khi bà Liên đưa cô ra trước mặt anh và hỏi:
- Con có nhớ ai đây không Văn?
Cô hồi hộp quá chừng. Vừa hồi hộp vừa sợ.
- Thử nhớ lại xem, người này là ai? Con nhận ra không? - Bà Liên lập lại.
Đôi mày của Văn lúc ấy chau lại như cố nhớ, nhưng cuối cùng anh đành dò dẫm hỏi lại bà:
- Là... em gái của con à?
Thiên Ân ngớ ra, còn bà Liên thì thở dài thất vọng:
- Em gái cái gì, bạn gái của con mà con cũng quên sao?
Câu nói của bà Liên làm cô lúc đó ngượng nghịu và có cảm giác như mình là một kẻ dối trá.
- Bạn gái? - Anh lẩm bẩm với vẻ ngạc nhiên.
- Phải rồi, Thiên Ân là cô bạn gái cùng con trong chuyến công tác lên Đà Lạt đó, con không nhớ ra sao?
Văn đã nhìn chăm chăm vào cô thật lâu, nhưng rồi anh lắc đầu:
- Xin lỗi, tôi... không nhớ.
Anh đã không nhớ ra cô là ai. Cũng đúng thôi. Cô có phải là bạn gái anh đâu. Gặp mặt chỉ có một lần, không có ấn tượng gì đặc biệt thì làm sao anh nhớ ra được. Còn cô, lúc ấy đứng trước anh, chịu đựng ánh nhìn tò mò, dò xét của anh, cô nghe câu anh nói mà không biết mình nên vui hay buồn. Trong thâm tâm, cô chỉ mong anh nhận ra được cô chẳng phải là người bạn gái nào, mà chỉ là một đứa con gái lang thang tình cờ quá giang xe mà thôi, như vậy tốt hơn cho cả cô và anh, nhưng anh vẫn im lặng với cái nhìn ngờ ngợ và xa lạ.
Nắng làm cô bắt đầu chói mắt, Thiên Ân quay trở về phòng. Cầm cái túi xách nhẹ tênh của mình lên cô chắt lưỡi thở dài. Dù không muốn chút nào cái chuyện cứ như lừa dối này nhưng... thôi thì ở tạm đây, giúp bà Liên chăm sóc Văn vài hôm. Nếu bệnh tình của anh khả quan hơn thì cô cũng có thể ra đi mà không áy náy điều gì. Văn là một người tốt, cô mong mỏi rằng anh sẽ mau chóng khỏe lại, mau chóng hồi phục trí nhớ như xưa. Ánh nắng đã chói gắt hơn sau khung cửa sổ.
Thiên Ân đến trước cửa phòng Văn, cô đang định gõ nhẹ xin vào thì nghe có tiếng bà Liên vọng ra:
- Khi con bị tai nạn chính Thiên Ân đã chạy tìm bệnh viện cấp cứu cho con đó. Đã vậy còn tiếp máu cho con nữa. Xưa nay con chưa dẫn về ra mắt cô bạn gái nào của mình nhưng lần này cô nghĩ con đã chọn đúng người rồi.
Lắc đầu cố nén nụ cười thẹn, cô gõ nhè nhẹ lên cánh cửa, bà Liên ra mở. Vừa thấy cô với khay thuốc trên tay lại có cái trứng gà còn ngâm trong nước sôi, bà đã cười:
- À, đến giờ uống thuốc hả cháu? Trứng gà cũng chín rồi à?
- Dạ.
Né người cho cô mang khay thuốc đi qua, bà nói:
- Cháu lăn trứng cho Văn giùm cô được không? Cô vừa nhớ ra là chưa pha trà cho ông nữa.
Thiên Ân dạ nhỏ. Bà Liên đã rời đi, cô đến bên giường bệnh, vớt quả trứng gà còn nóng bọc vào trong mảnh khăn nhỏ đưa cho Văn. Ngồi dựa vào đầu giường quan sát cô từ đầu, anh không cầm mà ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì vậy?
- Thì là trứng gà. Còn nóng lắm đó. Anh cầm đi, để tôi tìm cho anh cái kiếng nhỏ.
- Để làm gì?
- Thì để anh lăn cho tan mất vết bầm trên mặt đi.
Văn nhăn mặt:
- Bày trò gì vậy? Tôi không lăn đâu.
Đến phiên Thiên Ân ngạc nhiên:
- Không lăn đâu có được. Mặt anh còn bầm tím mấy chỗ kia kìa. Nhất là cái chỗ ngay mí mắt làm con mắt anh cũng đỏ thấy ghê.
- Ăn nhằm gì - Văn vẫn gạt đi - còn nhìn thấy là được rồi. Vài bữa nữa nó cũng tan dần.
Thiên Ân cãi:
- Sao lại không ăn nhằm? Cô Liên dặn dì Lương nấu từ nãy rồi. Cô nói anh phải lăn mấy ngày cho hết chỗ tụ máu, nhất là chỗ gần mắt. Mấy chỗ bầm trên mặt anh có đến cả tháng mới hết đó.
Văn xẵng giọng ngắt lời:
- Đã nói là tôi không lăn rồi mà. Cái đầu còn chưa bình thường lại được, lo gì đến mặt mũi.
Thấy anh trở nên cáu gắt, Thiên Ân ấm ức nhưng cũng phải xìu xuống. Cô đưa cho anh ly nước lọc và mấy viên thuốc rồi lầu bầu:
- Không lăn hột gà thì thôi, anh làm gì dữ vậy. Tôi đâu định ép anh đâu.
Văn cầm lấy ly nước và mớ thuốc. Đợi anh uống xong cô định mang khay ra thì anh chợt lên tiếng:
- Khoan đã.
Cô ngạc nhiên quay lại. Anh nhìn thẳng vào cô, giọng dịu lại:
- Tôi... tôi muốn nói chuyện với em.
- Chuyện gì? - Cô thận trọng hỏi.
- Thì em ngồi xuống đi đã.
Để khay nước lên bàn, cô kéo ghế khép nép ngồi cạnh giường. Qua giọng nói của anh, cô có cảm tưởng anh đã sẵn sàng để nghe cô giải thích và kể rõ mọi việc.
Văn nhìn cô một thoáng rồi hắng giọng:
- Vết thương của em đã đỡ chưa?
Thiên Ân sờ lên miếng băng trên trán mình:
- Cũng đỡ rồi, cám ơn anh.
Văn im lặng như đắn đo một lúc rồi hắng giọng:
- Em tên là Thiên Ân à?
Cô gật. Anh nhìn cô dò xét:
- Em... em bao nhiêu tuổi?
Lờ mờ hiểu được ánh mắt hoài nghi của anh, cô thở ra:
- Mười tám.
- Mười tám tuổi? Thật chứ?
Thiên Ân miễn cưỡng gật đầu:
- Tôi dối anh làm gì? Nếu anh muốn biêt chính xác thì mười tám tuổi hai tháng chẵn. Không có lẽ ngày nào đâu.
Không quan tâm đến câu trả lời hơi chua ngoa của cô, anh chăm chú nhìn cô rồi chợt hỏi:
- Em biết tôi bao nhiêu tuổi rồi không?
Hơi ngớ ra với câu hỏi vô duyên ấy, cô máy móc đáp:
- Biết chứ. Giấy tờ của anh ghi anh hai mươi tám tuổi.
Văn không hỏi nữa mà chỉ cười. Cái cười chế giễu của anh làm cô càng khó hiểu hơn. Văn nhếch môi:
- Có gì đâu. Tôi đang khâm phục con người của tôi trước đây, có thể quen biết và yêu thương một cô gái quá trẻ, thua mình đến mười tuổi. May mà em đã qua tuổi mười tám được hai tháng rồi, nếu không có lẽ tôi còn phải lo cuống lên vì mình đã dám rủ rê một cô bé tuổi vị thành niên đi du hí đến mấy ngày ở Đà Lạt.
Thiên Ân sững người kêu lên:
- Ê! Xin ngừng ngay những câu hỏi mỉa mai lãng xẹt của anh. Anh đang nói lung tung gì vậy? Sao anh xúc phạm tôi?
Mắt vẫn chăm chú quan sát cô, Văn nhún vai:
- Tôi chỉ đang nói sự thật thôi. Em không biết tôi ngỡ ngàng như thế nào khi mọi người đưa cô gái trẻ măng đến giới thiệu là bạn gái của mình.
Thiên Ân bối rối kêu lên:
- Nhưng ai là bạn gái của anh hồi nào? Tôi... còn nhỏ như vậy làm sao là bạn gái của anh được.
Câu nói của cô không làm Văn bất ngờ. Anh nheo mắt giọng hòa hoãn hơn:
- Em nói... không phải à? Mọi người nói cho tôi nghe rằng em là bạn gái của tôi mà?
- Nhưng... thực ra không phải như vậy. Là họ tưởng vậy thôi.
Nét mặt Văn trở nên nghiêm túc:
- Vậy là sao?
Cô ngập ngừng giải thích:
- Tôi... Hôm trước vì nhà anh đông người quá, mà ai cũng cứ đinh ninh rằng tôi là bạn gái của anh nên khi họ đẩy tôi ra để anh nhận diện, tôi... không tiện phân trần. Tại họ... tưởng vậy thôi chứ không phải tôi mạo nhận đâu. Anh đừng hiểu lầm. Tôi không có ý gạt ai.
Tràng phân bua của cô làm Văn sốt ruột:
- Em nói gì vậy? Tôi chưa hiểu rõ.Vậy thật ra em là gì của tôi?
- Không là gì hết.
- Không... là gì? - Văn cau mày.
- Ừ, không dây mơ rễ má gì hết. Thật ra thì chỉ mới quen biết anh.
Anh nhìn cô như không hiểu:
- Nhưng... tại sao người nhà tôi lại cho rằng em là bạn gái của tôi?
Cô chắt lưỡi:
- Thì tại họ tưởng vậy thôi, cũng vì hôm đó tôi đi chung xe với anh.
Văn thắc mắc:
- Nhưng nghe nói tôi lên Đà Lạt mấy ngày đêm mà. Sao em lại có thể ở chung với tôi được nếu em không là bạn gái của tôi?
Thiên Ân trợn mắt giơ ngón tay lên:
- Xin đính chính, tôi đâu có theo anh lên Đà Lạt đâu, tôi chỉ gặp anh trên đó và về cùng một chuyến xe thôi.
Văn nhíu mày:
- Vậy... là sao? Tôi hẹn em trên đó à?
Thiên Ân xua tay:
- Đâu phải vậy, ai quen biết mà hẹn hò gì với anh, tại vì tôi quá giang xe anh ở đèo thôi mà.
Văn nhăn mặt ngắt lời:
- Em càng thanh minh, càng làm tôi khó hiểu quá.
Cô vội nói:
- Không có gì khó hiểu hết. Tôi nói đơn giản thế này nhé. Thật ra, tôi và anh chỉ mới quen biết nhau thôi. Tôi quá giang xe anh về Sài Gòn, dọc đường thì có lẽ anh mệt quá nên gây ra tai nạn. Tôi thấy vậy nên...
Văn ngắt lời:
- Nên đưa tôi đến bệnh viện, tiếp máu cho tôi, gọi điện về nhà tôi báo tin... Những chuyện đó tôi đã được nghe mấy ngày nay rồi.
Anh lắc đầu:
- Thú thật mà nói mấy hôm trước, nghe nói em là bạn gái của tôi, tôi đã rất ngạc nhiên vì khó tin mình lại có được một. cô bạn gái trẻ như thế. Nhưng bây giờ khi em đính chính là không phải thì tôi thấy lời em có gì đó... vô lý quá.
Thiên Ân tròn mắt:
- Cái gì mà vô lý? Tôi nói sự thật mà.
Văn nhìn cô chăm chú:
- Em nói em không phải là bạn gái của tôi?
- Đúng rồi, không phải. Tôi chỉ là người tình cờ quá giang xe anh thôi.
Cô chép miệng lẩm bẩm:
- Tôi không ngờ số mình lại như thế. Vận mệnh xui quá, quá giang xe cũng lây người ta xui luôn.
Không để ý đến lời lẩm bẩm tiếng được tiếng mất của cô, Văn tựa lưng vào đầu giường tư lự:
- Em nói em quá giang xe tôi. Tôi chưa quen biết em, lại cho em quá giang xe sao?
Thiên Ân gãi ót diễn giải một cách lộn xộn:
- À, thật ra tôi với anh không hẳn là chưa quen biết. Thật ra, tối hôm ở bờ hồ Xuân Hương tôi và anh có gặp nhau rồi, nên khi tôi vẫy tay xin quá giang ở trên đèo, anh đã...
Anh giơ tay ngăn lời cô:
- Khoan khoan, em nói cái gì mà lung tung vậy, làm ơn nói rõ ràng một chút. Xin nhớ rằng tôi còn đang mơ hồ lắm với ký ức của mình. Sao lại gặp nhau rồi? Vậy tôi với em quen hay là không quen?
Thiên Ân nhìn anh rồi đành thở hắt ra:
- Thôi được. Muốn vắn tắt mà không xong chắc tôi phải kể thật từ đầu đến cuối cho anh nghe vậy.
Thế rồi cô đem mọi chuyện từ lúc cô lang thang ở bờ hồ Xuân Hương lạnh cóng và buồn rầu ra sao, anh cho cô điếu thuốc nhưng lấy lại và đổi bằng lời mời uống cà phê như thế nào, đến chuyện cô suýt bị chết cóng trên đèo, đứng vẫy tay xin nhờ xe suốt cả tiếng đồng hồ trong gió mưa, cuối cùng lại gặp anh rồi xe đi nửa đường gặp tai nạn v.v...
Khi đã kể xong cô kết luận:
- Là vậy đó. Bây giờ anh hiểu ra chưa?
Văn ngồi yên trên giường lắng nghe lời cô, trán nhăn lại như cố dung nạp tất cả những thông tin đó vào đầu. Cuối cùng anh ngẩng lên:
- Em đang nói thật đó à?
Thiên Ân trợn mắt:
- Sao lại không thật được? Anh không nhớ thôi, còn tôi nhớ rất rõ mà.
Văn ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:
- Tôi không biết. Nhưng thấy... câu chuyện em kể sao kỳ lạ quá.
- Có gì đâu mà kỳ lạ?
Anh nhíu mày phân tích:
- Em bảo chỉ quen biết tôi vỏn vẹn có hai lần, nhưng tại sao lại biết quá rõ về tôi như vậy? Em biết số điện thoại của gia đình tôi, em biết về những mối quan hệ của gia đình tôi? Em biết tôi có đứa em gái tên Thúy Vũ, trong khi tôi thì chẳng biết mình có anh em nào trên đời. Ngay cả khi mọi người giới thiệu nó với tôi, tôi cũng chẳng biết có phải thế không.
Thiên Ân trề môi:
- Tại anh bị tai nạn lạc trí nhớ đó thôi, những mối quan hệ ở nhà anh thì chính anh vui miệng kể cho tôi nghe mà, còn số điện thoại nhà anh thì anh nhờ tôi... tôi...
Cô gãi ót ngượng nghịu với ánh mắt chờ đợi của anh. Rồi cô đành chắt lưỡi nói một tràng:
- Nói huỵch toẹt ra luôn cũng được. Xin lỗi là tôi có lục ví của anh khi mà thủ tục nhập viện, thấy địa chỉ của anh ghi trên giấy tờ, tôi gọi điện hỏi tổng đài nên ra được cái số điện thoại nhà anh.
- Vậy sao? - Văn nhìn cô.
Thiên Ân hơi ngượng nghịu:
- Thì là vậy thật mà. Cái ví của anh tôi còn giữ, nhưng... để trên lầu rồi. Tôi cũng định để rõ ràng rồi trả cho anh. Thật ra, tại tôi không có nhiều tiền để đóng tiền mua thuốc men, nên tôi mới mở ví anh xài đỡ.
Văn im lặng ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
- Vậy tại sao khi cô Liên hỏi em cũng biết tôi lên Đà Lạt để thương lượng mua bán cái sở trà nào đó?
- Thì cái vụ đó là anh nói cho tôi nghe mà.
Văn nhìn cô hoài nghi:
- Cũng lại là tôi nói cho em nghe?
- Đúng rồi.
Văn nhìn cô chằm chằm. Cái nhìn của anh làm cô không thoải mái :
- Làm gì mà nhìn tôi ghê vậy?
Anh nói thẳng:
- Tôi đang nghi ngờ câu chuyện của em đây, không biết trong đó có bao nhiêu phần trăm là thật hay tất cả đều không là thật.
Thiên Ân ngớ ra:
- Anh nói vậy nghĩa là sao?
Anh hắng giọng:
- Hãy thử nghĩ xem, em kể đêm trước đó tôi lang thang ở bờ Hồ Xuân Hương gặp một cô gái lạ hoắc nào đó là em hỏi xin điếu thuốc?
- Phải rồi.
- Tạm chấp nhận, nhưng rồi tôi lại không cho thuốc mà lại rủ em đi uống cà phê...
Giọng của Văn có vẻ gì đó khiến cô phải tằng hắng đính chính:
- Không phải. Anh có cho thuốc chứ, nhưng sau đó lấy lại.
Văn cau mày:
- Gì kỳ vậy. Cho rồi sao còn lấy lại?
Thiên Ân kêu lên:
- Ai mà biết đâu, anh muốn lấy lại là lấy lại chứ. Lúc đó tôi cũng hỏi anh làm vậy là ý gì.
- Rồi tôi trả lời ra sao?
Thiên Ân nhăn mặt cố nhớ:
- Để coi. Ờ, anh nói tại anh thấy tôi ho sù sụ, chứng tỏ tôi không biết hút, nên lấy lại điếu thuốc.
- Tại vì vậy mà tôi đòi lại điếu thuốc à?
- Không phải là đòi, là anh... giật lại. Lúc đó tôi đang ho, anh giật lại vậy nè, nhanh quá nên tôi níu không kịp.
Thiên Ân vừa nói vừa diễn tả, Văn phì cười:
- Giật lại? Ai lại làm kỳ vậy?
Thiên Ân trợn mắt:
- Tôi nói thật mà.
Văn phẩy tay cho qua:
- Thôi được, cứ cho là tôi dở hơi, đã cho người ta điếu thuốc rồi mà còn giật lại cho được. Nói qua chuyện cà phê, không cho cô hút thuốc, tôi lại rủ cô vào quán cà phê à?
Thiên Ân cãi:
- Không phải rũ mà là "mời". Anh mời tôi đàng hoàng.
Văn gật gật:
- Ừ, thì "mời". Rồi sau đó?
- Thì ngồi uống nước thôi, anh uống cà phê, tôi uống sữa. Nếu anh muốn nói rõ hơn thì tôi uống đến hai ly sữa.
- Uống cà phê xong tôi còn đi đâu nữa? - Văn hỏi tới.
Thiên Ân trợn mắt:
- Ai mà biết anh đi đâu, tôi uống hết hai ly sữa nóng, thấy anh cứ ngồi hoài với ly cà phê nguội ngắt, nên tôi chào anh và ra về trước. Qua tối hôm sau tôi mới gặp anh trên đèo.
Văn gật gù:
- Ừ, em nói là tối hôm sau em quá giang xe tôi ngay trên đèo?
- Đúng rồi.
Anh im lặng nghĩ ngợi giây lát rồi chợt hỏi:
- Tại sao tôi lại về Sài Gòn vào một đêm mưa gió như vậy?
Thiên Ân kêu lên bực doc.:
- Ai mà biết đâu. Trên xe, anh cho tôi biết tên, kể tôi nghe về nhà anh. Anh nói lung tung nhiều thứ nhưng đâu có nói lý do tại sao anh về ban đêm, bây giờ anh hỏi làm sao tôi biết mà nói đây?
Văn hỏi cắc cớ:
- Nếu em khôgn biết tôi về chuyến đêm, làm sao đón quá giang được?
Thiên Ân trố mắt kêu lên:
- Trời ơi! Tôi chỉ đứng trên đèo vẫy tay quá giang thôi, nhiều xe đi qua nhưng chẳng ai dừng lại, cuối cùng có xe của anh là chịu dừng. Tôi đâu biết anh về chuyến đêm hay chuyến ngày, cũng đâu cố tình đón với xe anh. Chỉ là... tình cờ gặp nhau thôi.
Nheo mắt nhìn cô Văn gật gù:
- Phải rồi, là tình cờ. Tình cờ gặp em, tình cờ thấy em quá giang, cho em lên xe ngồi rồi từ đó tôi bắt đầu mở máy nói kể tùm lum về mình?
Giọng của anh làm cô ngờ ngợ:
- Anh đang muốn ám chỉ gì vậy? Anh nghĩ tôi bịa chuyện sao?
Anh cười:
- Chuyện em kể đầy ngẫu hứng và khó tin quá chừng, em nói là sao tôi tin được?
Cô thở ra chán nản:
- Anh nói gì vậy? Chuyện thật trăm phần trăm đó. Sao lại không tin?
- Không là bạn gái của tôi sao em lại sốt sắng đưa tôi đến bệnh viện, sốt sắng tiếp máu và lo lắng cho tôi mấy ngày qua?
Dù đã phát bực, nhưng Thiên Ân cũng cố giải thích:
- Đó là tại vì anh đã cho tôi quá giang, anh tốt với tôi như vậy, khi anh gặp tai nạn thì tôi giúp lại là chuyện đương nhiên mà.
- Giúp cả chuyện cho máu? - Anh nheo mắt.
Thiên Ân ngắc ngứ không biết phải giải thích ra sao. Bây giờ mà nói ra lý do cho máu là vì cô áy náy cái số xui của mình đã ảnh hưởng đến tính mạng người bạn đồng hành, anh nghe được lại càng không tin, thậm chí có thể nhếch môi cười nhạo như khi nãy nữa thì sao.
Ánh mắt Văn vẫn chờ đợi câu trả lời làm cô nói liều:
- Thì... cho máu có gì là ghê gớm đâu. Lúc đó bệnh viện nói thiếu máu, tôi nghĩ mình có nhóm máu thích hợp với anh thì... cho thôi.
Văn nhìn cô lắc đầu cười:
- Thôi được rồi không cần hỏi khó em nữa. Để tôi tóm tắt lại nhé. Chúng ta quen biết nhau chỉ qua hai đêm mà thôi. Bên bờ hồ Xuân Hương tôi giống như một kẻ dở hơi vậy. Cái vụ cho thuốc rồi giật lại gì đó tạm cho qua. Nhưng đến hôm sau lại càng quái dị hơn. Tôi đã quyết định điên khùng là trở về Sài Gòn vào ban đêm, khi mà mưa gió mù trời.
Giọng anh như chế giễu:
- Rồi cho cô gái mới quen như em quá giang xe, rồi đem hết chuyện nhà mình ra mà kể như một kẻ lắm mồm. Tôi báo cáo cho em biết chuyện làm ăn, buôn bán của mình, cho em biết về gia thế của mình, kê khai cả cái lý lịch lẫn hộ khẩu nhà mình. Để rồi bây giờ chả biết vô tình ra sao mà người nhà tôi ai cũng lầm tưởng em là bạn gái của tôi.
Nhìn gương mặt đang nghệt ra của cô, anh nhướng mày:
- Rồi đó. Câu chuyện có đáng tin không?? Nếu theo lời em kể thì con người của tôi thật là khật khùng, dở hơi quá phải không?
Cô kêu lên tức tối:
- Đó là tại vì anh nghĩ xiên xẹo bằng một cách... một cách kỳ cục vậy thôi chứ tôi đâu có bịa chuyện đâu.
Văn nheo mắt :
- Vậy à?
Thiên Ân sẵng giọng:
- Mọi chuyện nghe thì có vẻ quá khác thường, nhưng sự thật là vậy, anh không tin thì... kệ anh, tôi cũng không biết làm sao. Chỉ có tôi biết mình không "xạo" là đủ rồi.
- Vậy sao?
Thiên Ân phát cáu. Trời, mấy tiếng "vậy sao" với "vậy à" này cô nghe khó chịu quá sức. Đã vậy cái giọng của anh cứ như dễ ngươi cô. Cô hầm hầm đứng phắt dậy :
- Tôi theo về đây cũng vì muốn đợi dịp để anh tỉnh lại một chút mà kể cho anh nghe chuyện thật trăm phần trăm này. Anh đã nghe rồi đó, không tin thì tôi cũng chịu thua thôi. Để ngày mai tôi giải thích rõ ràng với người nhà anh nữa là xong.
- Xong cái gì? - Văn hỏi gặng.
Thiên Ân vung tay ấm ức:
- Thì sau khi nói rõ ra cho mọi người biết tôi chẳng phải là bạn gái gì của anh. Tôi chỉ là con nhỏ xin đi quá giang thôi. Vậy là xong, tôi có thể đi được. Còn anh ra sao thì hết còn là chuyện của tôi nữa rồi.
Văn như bị bất ngờ, anh cau mày nhìn cô:
- Ý em là... định bỏ đi sao?
Liếc qua cái chân băng bột cứng ngắc và gương mặt còn sưng đến bầm tím của anh cảm thấy hơi bất nhẫn. Cô gật đầu, giọng đã dịu lại:
- Thật ra cũng phải cám ơn anh rất nhiều. Cám ơn anh đã an ủi tôi, cám ơn anh vì anh đã cho tôi quá giang, không thì tôi đến chết cóng trên đèo. Tuy chuyến quá giang không đến nơi đến chốn, nhưng cũng cám ơn lòng tốt của anh. Tôi hiến máu cho anh cũng vì muốn anh qua cơn nguy hiểm. Xin lỗi vì mang vận rủi lại cho anh. Chỉ xin chúc anh mau bình phục, vậy thôi.
Văn ngỡ ngàng:
- Em định đi đâu?
Vẻ quan tâm của anh làm cô hơi ngạc nhiên cô nghếch mặt:
- Chưa biết. Đi đâu cũng được. Ra miền Trung không thì về miền Tây cũng được. Ở đâu tìm được việc làm, sống được thì đi. Tôi quen với chuyện lang thang xứ khác mấy tháng nay rồi.
Văn ngẩn ra:
- Em giận tôi à?
Thiên Ân hơi bĩu môi:
- Không. Ai thèm giận anh.
Văn nhìn cô thật lâu, cuối cùng anh nhẹ giọng:
- Xin lỗi em vậy. Có lẽ là tôi hơi quá đà.
"Lúc chế nhạo người ta thì lời lẽ ngạo mạn lắm, bây giờ thì làm ra vẻ nhún nhường".
Thiên Ân hếch mũi:
- Khỏi xin lỗi, nếu tôi tự nhận mình là bạn gái của anh mới tệ, mới là lừa gạt, chứ tôi đã nói thật ra rồi, anh không tin là chuyện của anh thôi không liên quan gì đến tôi nữa đâu. Thật ra anh bị mất trí nhớ thôi chứ vẫn tinh ý thấy mồ, ai mà gạt được anh có phải không? Cũng may tôi không định làm vậy.
Văn nheo mắt ngắm nghía cô một giây, rồi anh chợt cười:
- Thiên Ân!
- Gì? - Cô cau có.
- Tôi vừa xin lỗi xong mà.
- Nghe rồi.
- Vậy sao còn giận?
Cô nhướng mắt:
- Ai thèm giận anh làm gì.
- Không giận sao nói năng chua lè vậy? Không giận sao đòi đi?
Cô thở ra:
- Này anh, chuyện giận đâu có dính gì tới chuyện phải đi. Còn nói năng có chua là tại cái miệng tôi như vậy rồi, lúc nào không vui là vậy, sửa sao được.
Anh cười cười:
- Vậy sao? Tôi thì nghĩ em cứ đòi bỏ đi vì giận lẫy những câu tôi vô tình nói. Tôi còn chưa tỉnh trí nhớ lại mọi chuyện mà, tôi thắc mắc hoài nghi thì phải hỏi cặn kẽ chứ, em không thấy mình giận lẫy như vậy là bất công sao?
Để anh ngưng cái giọng buộc tội tưng tửng và nụ cười nhếch miệng kia đi, đứng lên cầm khay thuốc cô liếc xéo anh:
- Tôi biết an đang nói gì. Ai bất công thì tự biết. Anh nghỉ đi, có gì thì tối gặp nói tiếp, chứ anh càng nói càng thấy mấy viên thuốc giảm đau có công dụng rồi đó.
Chưa dứt câu, cô đã ngoe nguẩy bỏ ra ngoài, để lại Văn đang ngẩn người với nụ cười cụt hứng còn trên môi. Cứ tưởng cô khù khờ nhút nhát, ai ngờ trêu tức mới một chút, cô cũng chanh chua dữ như vậy. Dường như càng bị trêu tức, cô càng chanh chua hơn. Trườn mình nằm xuống, anh cố suy gẫm về cuộc trò chuyện vừa rồi. Những gì cô nói có đáng tin không? Thiên Ân đã khẳng định một cách chắc chắn là mình không bịa, vậy... chẳng lẽ chuyện khôi hài kia là thật?
Anh đã định điều tra riêng về cô nhưng những gì cô nói với anh hoàn toàn mới lạ và khác xa sự nghi đoán của anh. Không cần biết câu chuyện của cô có thật không, nhưng điều mà Văn có thể chắc chắn là Thiên Ân không phải là một cô gái xấu xa hay cơ hội. Cô có thể là cô gái lang thang bụi đời, nhưng chỉ đủ chua ngoa miệng mồm một cách trẻ con chứ không hề có ý đồ gì với anh và gia đình anh. Không tin lắm vào câu chuyện cổ tích cô kể, nhưng anh có thể tin vào con người cô. Ngẫm lại những lời kể và sự diễn tả của cô, anh thầm cười thú vị. Cô nói năng chua lè nhưng cũng dễ thương đó chứ. Cái dễ thương đó rất thật tình.
Thiên Ân. Cô là ai? Anh thật sự quen biết cô từ khi nào kìa? Văn vỗ vỗ tay lên trán. Cái đầu anh thật tệ, vẫn chưa lóe lên một tia ký ức nào về điều này.