Trong những ngày vợ của Khanh nằm viện, ông Minh bồn chồn lo lắng. Khanh vẫn gọi ông là nghĩa phụ. Ông đã có trong đời Khanh từ những năm cuối sáu mươi, khi ông người Huế tập kết theo tàu ra Hà Nam dạy học. Ông nhìn những đứa học trò vùng chiêm trũng lúc nào cũng đói nhưng học dưới ánh trăng cũng học, đi đến lớp lả người vì buổi sáng chỉ lót dạ gáo dửa nước mưa, nhưng năm nào cũng đứng đầu lớp. Thầy cũng chả khá hơn trò. Nhưng tạt vào chỗ thầy có khi được cốc nước đường, có khi cái kẹo. Hôm nào mưa gió ở lại trường thầy trò chia nhau suất cơm. Bây giờ Khanh là vụ trưởng một vụ trong một bộ thanh thế tiền bạc. Coi trai du học, con gái đại học trong nước. Nhưng vợ nay ốm mai đau. Ông Minh đã ở tuổi 80. Dáng dấp như người ở tuổi 60 tráng kiện. Luôn mặc sơ mi sáng màu. Quần sáng đi dép quai hậu. Từ ngày nghỉ hưu cách đây hơn 20 năm ông vẫn hoạt động. Như trai tráng. Như không thừa nhận tuổi già. Thời gian này ông tìm cách bảo vệ cây bao báp. Giống cây ở châu Phi được một người Pháp đem trồng ở thành phố của ông. Nó sống kiên trường trong thứ đất, nước, không khí lạ. Nó không to để có thể trú mưa cho cả làng trong những cái hốc đục vào thân cây. Như ở xứ Phi Châu. Nhưng nó vươn cao, không nhiều lá mà nhiều cành. Làm um tùm một góc phố.
Ông Minh được Khanh đón từ miền Trung ra chơi. Ở nhà vợ chồng Khanh ít lâu. Đang thời gian đó vợ Khanh ốm. Bệnh cũ. Ông Minh bảo: Để ba điện cho Giá. Giá là con cụ Hàm nhà giáo nhân dân học với ba thời Quốc học. Giá có con trai mới học bác sĩ chuyên khoa ở Mỹ về năm trước. Tên là Quốc Trị. Chuyên môn nó tốt. Nó sẽ điều trị cho con.
Khanh đã quen với thói thường. Thới đời. Khanh bảo: Thôi ba ạ. Để con cứ đưa Hiền vào bệnh viện. Nộp tiền điều trị, ngoài ra bỏ túi cái phong bì nặng nhất cho bác sĩ chính. Còn khoảng ba chục cái phong bì cần gì rút ra. Êm re. Ba đừng gọi điện cho cụ Hàm. Đừng gọi cho Giá. Quen biết đưa phong bì lại phiền ra.
Ông Minh nghe Khanh nói chăm chú. Rồi ông cười: Tiền. Măn ni. Ba nghe rồi. Cũng có nhiều việc ba phải dùng đến nó. Nhưng ba không tin đâu. Không tin là tất cả đã như vậy ở các nước, vào khách sạn anh phải đưa tiền cho người xách va li. Ra đi nên để vài đô cho người dọn phòng. Cái đó thành luật sòng phẳng trả công. Nhưng vào bệnh viện, trả tiền giải phẫu tiền viện phí rồi, không nhất thiết phải thêm như thế đâu con. Tin ba đi.
Khanh cười cười nhìn vợ. Nhìn cái vẻ mặt ngơ ngơ của ông già tuổi tám mươi, lại thấy thương ông. Đời sống như chảo nước sôi ông vân tưởng nó chỉ ấm áp đủ cho con người đặt chân êm ái. Gặp ai có cảnh ngộ gì ông cũng giúp. Bạn bè cùng thời Quốc học với ông giờ đây con cái đều có trọng trách. Có vị cỡ Nhà nước: Ai nhờ gì ông gọi điện cho bạn. Bạn gọi cho con. Cứ suông như vậy rồi ngồi nghĩ là mọi việc êm xuôi. Nhiều người bảo với Khanh: Các cụ như trẻ con thời chơi bi. Bây giờ mà nhờ vả kiểu tình nghĩa như thế hệ già đâu có được. Thôi thì cứ nhận lời nhờ. Nhưng mấy cái phong bì nặng vẫn phải dùng đến. Không thế thì đến tết mặt trăng chưa chắc có xong việc.
Khanh đưa vợ vào bệnh viện. Ông bắt đầu lo lắng. Nếu thằng Trị con trai của Giá cháu nội ông Hàm mà nhận tiền thêm của Khanh, liệu ông có dám nhìn thẳng vợ chồng thằng Khanh. Mà nếu nó không nhận tiền, nó chữa cho Hiền không chu đáo… Lúc đó thì sao?
Ngày trước mọi việc đâu có thế. Cha mẹ ông giàu có ở Huế. Ông mặc quần trắng, áo dài đen đội mũ cát vành rộng màu trắng đi giày vải. Mặc kiểu cổ thế cho cha ông vui lòng. Cha ông là chủ hãng buôn gạo từ trong miền Nam ra miền Trung. Người ta có lúc không có ăn. Nhưng hai anh em ông thường chơi trốn tìm trong kho gạo của cha. Trèo lên đống gạo cao ngất ngưởng rồi tụt xuống đất. Có hôm ngã sóng soài đập đầu vào tường chảy máu cả vào bao gạo trắng. Kỉ niệm khó quên. Khi thấy người ta nghèo mà ngạc. Lúc đó Hàm bằng tuổi ông. Cha mẹ ngoài Bắc cũng là chủ hãng xe hơi nổi tiếng. Hàm mặc đồ Tây đeo cà vạt lụa: Trọ học bên nhà dì ruột bên Thành Nội. Từ Thành Nội qua Quốc học Hàm đi xe hơi của nhà dì. Nhưng vào đến trường thì nghịch ngang quỷ sứ: Cả bọn yêu thích ngôi trường rợp mát tường đỏ sậm cổng mở về phía sông Hương. Một lũ con trai sàn sàn tuổi cùng lớp học không mường tượng nổi thời đại sẽ đổi thay. Sẽ có cả nhiều biến động trong tâm hồn mỗi người. Cùng lớp có anh Dương nhiều tuổi hơn cả bọn. Anh Dương người trong Quảng. Bao giờ đến lớp anh cũng ăn mặc rất cẩn thận, sạch sẽ. Quần trắng là nếp thẳng. Áo dài đen. Mũ màu trắng. Cả quần áo giày mũ đều cũ cũ. Nhưng lúc nào cũng được săn sóc. Có điều Hàm phát hiện ra sao anh ấy xanh xao thế? Hàm nói với Minh. Minh cũng thấy anh quá gầy so với cái dáng cao lỏng khòng. Vào mùa rét hình như anh lạnh lắm. Đến lớp môi tái như mất máu. Hàm rủ Mình: Tụi mình đi theo xem anh ra sao hỉ!
Cả hai rủ nhau bám theo anh Dương xuống tận bên dưới Vĩ Dạ. Anh trọ học trong một nhà cũng nhỏ bé đìu hiu có hai vợ chồng già. Vài tháng anh mới có tiếp tế trong Quảng ra. Trả tiền nhà. Ăn uống dè sẻn vì nhà anh cũng rách rưới. Nhưng quyết cho anh kiếm chữ.
Hàm và Minh thương anh Dương. Lần đầu tiên nói chuyện anh kể cho nghe. Lại dặn thêm. Hai em biết đến đây thì biết thế. Đừng cho người khác biết. Anh không muốn người ta nhìn mình như người bần hàn...
Từ đó anh nhận gạo của Minh - Minh khui kho gạo của cha đong vào ruột tượng. Quàng ruột tượng qua bụng mặc áo khoác đi lối vườn sau cho người làm khỏi thấy. Có thể xin, cha có thể cho. Nhưng đeo ruột tượng gạo cho anh Dương có gì như hành động nghĩa hiệp trong các câu chuyện ở sách Tàu. Hàm thì cho anh Dương tiền. Mỗi khi có người ở Bắc vô còn cho anh vải may quần áo. Anh Dương người đàng hoàng không dám nhận giúp đỡ. Nhưng sau cũng hiểu ra. Không đáng là bao mà thấm đậm ơn nghĩa bạn bè. Nhiều lần anh khóc ròng. Khóc như đàn bà. Như trẻ nít.
Sau này anh Dương như biến mất. Có người nói anh đi cách mạng. Người bảo anh ra nước ngoài: Cũng có người cam đoan thấy anh ngã gục trong dòng người chạy loạn ra khỏi thành phố dạo năm Ất Dậu. Mãi sau này ông Minh vẫn còn quý ông Hàm vì cũng là người xả thân không tính toán bao giờ. Cách mạng. Kháng chiến. Những chuyến tàu tập kết. Nhiều lần ông Minh được bạn cưu mang. Gia cảnh ông Hàm đã tàn lụi, của cải theo gió bay đi tứ phương. Nhưng con cái ông Hàm học hành giỏi giang. Có đứa hồi nhỏ phải vừa đi học vừa đi bán kem. Có đứa phải hành nghề cắt tóc để học đại học. Như mọi người thôi. Nhưng không hiểu sao ông Minh lo sợ đến thế. Ông đếm từng ngày để Khanh đưa vợ từ bệnh viện về.
*
* *
Giải phẫu. Điều trị. Đến nửa tháng trời. Ông Minh về, rồi lại ra với vợ chồng người con nuôi. Hiền đi từ trong nhà thấy ông Minh ngoài cửa sổ reo lên: Ba đã ra!
Hai cha con trò chuyện. Ông Minh rất muốn biết mọi sự ở bệnh viện ra sao. Nhưng là người “đã cũ” nhưng ông vẫn tự nhận, ông không biết cách bắt đầu. Ông ngồi nói chuyện về cây bao báp. Ở ngoài này cũng có một cây. Không phát triển to như cây ở miền Trung nhưng cũng đã trồng trên nửa thế kỉ. Lúc này người ta đang muốn đào nó đi để lấp cái ao xây nhà. Cày bao báp trên bờ ao. Người hàng xóm của ông chủ cây đọc báo thấy ông Minh là người nghiên cứu cây bao báp ở miền Trung, viết thư cho ông cầu cứu. Ông nên giúp cách nào để người ta chuyển cây quý đi. Ông ta viết cho ba như vậy.
Hiền vợ Khanh nắm tay nọ vào tay kia. Khuôn mặt sau trận ốm vẫn còn vàng vọt. Nhưng cười thì tươi sáng lắm. Báo hiệu bệnh khỏi. Báo hiệu sự phục hồi. Chị cũng không biết bắt đầu như thế nào. Chị bảo: Có người lạ lắm ba ạ!
- Lạ sao?
- Như cậu Trị con chú Giá đó ba!
Khanh chuẩn bị phong bì to. Kèm theo là mấy chai rượu đến nhà Trị. Nhưng làm sao ấy. Cái cách cậu ta trò chuyện. Cái cách vợ con cậu ra vào. Cái nếp nhà toát ra từ bức tranh treo tường. Từ cái ấm cái chén. Mọi thứ thế nào ấy đến nỗi cuối cùng chỉ dám đưa chai rượu. Trị nhận chai rượu rồi hồn nhiên như nhận của người nhà. Lúc Hiền vào phòng mổ, Khanh quanh quẩn bên ngoài. Cái phong bì vẫn bỏ túi. Trị ra khỏi phòng mổ, ôm choàng lấy Khanh. Cái ôm chặt như chia sẻ niềm vui. Như chú cháu anh em... Những ngày hậu phẫu. Những đêm điều trị. Lúc nào rỗi Trị lại chạy tới phòng bệnh để xem cô ra sao. Không phải tận tình chăm sóc kiểu để cho người ta phải biết. Là cách của thầy thuốc với người đau. Là cách từ xưa đến nay vẫn vậy. Thầy thuốc phải cứu người. Không có gì thay đổi Trị học giải phẫu trên đại học ở Mỹ. Suốt ngày ở bệnh viện. Tối lại chúi đầu vào sách y học. Nghe bên tai những lời lẽ của tiền bạc, của sự có đi có lại, của sự mặc cả, có cả sự nhẫn tâm bóp nặn. Làm bác sĩ như vậy cũng là một cách. Nhưng cách của Trị khác.
Khanh không dám rút cái phong bì ra khỏi túi. Khanh bảo vợ: Thôi để khi nào có dịp... Nhưng Khanh bực bội lắm. Không đưa được cái phong bì lòng nặng như đá đeo.
Ông Minh nghe xong cười cười. Tại sao cứ phải quẩn quanh trong cái sự mắc nợ ấy? Như ông đây này. Ông bỏ tiền túi đi từ Huế ra Bắc theo cái thư cầu cứu của một người lo sợ cây quý bị hủy hoại. Ông chắc còn phải bỏ tiền để đi vài nơi gõ mấy chục cái cứu cho người ta để ý đến cây bao báp.
Không cần bận lòng đâu con. Ông Minh bảo Hiền. Về bác sĩ Trị thì không cần các con phải bận tâm. Bệnh khỏi là tốt rồi. Cháu nội cụ Hàm, ba biết chứ. Để khi nào ba đưa các con về thăm cụ Hàm./.