Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Qua thị xã

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1012 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Qua thị xã
Lê Minh Khuê

        K hi tôi trở lại xe, đã thấy có người lạ. Một đứa con gái. Phúc nhăn răng cười: "Cô Thủy anh ạ. Người quen của em. Có việc về thị xã. Ði nhờ tí anh nhá!". "Tùy cậu thôi!" - Tôi nói hờ hững.
Tôi ngồi băng sau, sau tay lái. Ðứa con gái đội mũ vải có cái vành thêu ren quay nhìn tôi như xin lỗi. Ðôi mắt tỏ ra rất sợ sệt. Tôi nhìn thấy vẻ nhờ vả nhưng cũng chẳng nói gì. Phúc nhanh chân nhanh tay dọn dẹp cái gì sau cốp xe, bỏ cái gì vào. Tôi biết thói xấu của thằng cha là hám của lạ. Thỉnh thoảng cho đi nhờ, không phải kiếm thù lao mà cho có người nói chuyện khi ông chủ đang "tâm trạng". Phúc hay nói chữ này, quên hẳn vế sau là tâm trạng gì. Với Phúc, "tâm trạng" của tôi nghĩa là không được suôn sẻ mọi chuyện. Ðứa con gái quay nhìn thẳng trước mặt. Chả đáng để ý. Một đứa con gái tuổi độ 17, gầy như cái que, trông quen quen trong đám đông lổn nhổn những người đàn bà làm thuê gánh mướn lũ lượt vào thành phố mỗi ngày. Tôi bảo Phúc: "Ðể tớ nghỉ chút. Ðừng ồn nhé!". Tôi chúi mũi vào tờ báo đọc dở. Báo chí đưa, toàn chuyện đánh nhau từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Ðông. NGƯỜI TA RỐI TINH RỐI MÙ TRÊN CÁI QUẢ TÁO BÉ TÍ NHÌN TỪ NGOÀI VŨ TRỤ. ẤY THẾ MÀ NGÀY NÀO CŨNG PHẢI GỒNG VAI chiến đấu với đủ loại. Tôi chán nản nghĩ vậy nhưng lại thấy mình khéo lo bò trắng răng. Còn việc của mình sao không cho là to. Nếu không to thì đâu mất ngủ cả tuần. Giày vò mấy thằng bạn chán rồi về giày vò cô vợ ngày trước yêu như điên, bây giờ như mối phiền khó dứt. Số phận ràng buộc rồi. Chịu thôi... Phúc mặt gầy, người chắc như cái đinh sắt, lái xe đưa tôi đi Nam đi Bắc, không bao giờ nhòm ngó chuyện của ông chủ, huyên thuyên trên trời dưới biển nhưng đố ai cậy răng hắn một câu về các phi vụ của tôi. Xem như trời ban cho tôi một tên dưới trướng. Tôi lắng nghe Phúc hỏi han đứa con gái đi nhờ xe. Có vẻ đồng hương đồng khói. Ðứa con gái ngồi ghế trên - những ông chủ ít ngồi ghế trên, nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi ngồi băng sau trong những chuyến đi làm ăn xa quả thật thấy rất yên lòng. Lúc này nhìn thấy cái đuôi tóc của cô ta buộc cao vổng lên, cổ áo sơ-mi tầm thường làm tôi nhớ tới bọn con gái ve vẩy từ ngoài cửa vào trong bàn tiệc. Mỗi tuần tôi phải đưa đối tác đi ký kết ở các nhà hàng vài ba ngày. Bọn con gái quen khách rồi vẫn không bỏ được cái thói kề cận áp má, áp môi vào mặt người ta khi người ta ăn uống. Bực mình nên cứ cảm thấy có sâu bò lên mặt... Nghĩ thế, tôi bất chợt nhìn cái đuôi tóc con bé trước mặt. Vật vờ đi tìm việc, thể nào cũng dạt vào mấy cái tổ quỷ. Một cách kiếm vốn để nếu khôn ngoan ra thì sau đó sống lương thiện. Nếu số không may thì chắc "phơi xác dưới đèn màu"... Tự dưng thấy buồn thế! Nghĩ toàn chuyện không đâu! Mình chẳng phải xuất thân hèn mọn sao bây giờ lại phải quẩn quanh? Nhà ông nội, cụ nội ở phố cổ, có hai mét bề ngang kê vừa tủ bán hàng. Ði sâu vào 25 mét như vào ống. Mỗi tiểu gia đình trong đại gia được một chỗ kê giường. Không có hố xí đến ba đời, thế mà giải quyết êm ru mọi chuyện. Ði ra đi vào cóm róm áo lương khăn xếp, lưng ai cũng còng như dấu hỏi. Ðàn bà con gái nết na cười không dám phô răng, ai có máu loạn cũng chỉ nuốt thầm vô bụng. Cả thế kỷ đi qua, đến thời bố tôi ra được gần ngoại ô. Leo năm tầng lên nhà lắp ghép, đầu chạm gần chấm trần. Cái bếp nhỏ như cổ chai, bố mẹ tôi né vai nhau ra vô giữa thời mùn cưa dầu hỏa, liên tục mất điện, mất nước. Vậy đến chúng tôi thì sao lại nhiều phép lạ? Tiền xách từng va-li. Phòng khách treo tranh giá cả chục ngàn đô. Cái ghế bành dát cả mảnh vàng kín đáo để trong xó phòng ngủ lúc nào cũng âm u mầu đèn vàng... Cuộc sống chẳng lo toan nếu có bão táp và thiếu thốn. Nhưng sao vẫn có gì đấy khiến bất an. Ðầu óc nhiều khi mụ mị!
Thị xã không có đường quốc lộ đi qua vắng hoe vắng hoắt. Ðường sạch, cây sạch, người đi lơ thơ cũng có vẻ hiền. Ðôi khi đến những vùng thế này lại thấy thế giới chưa đến nỗi hỗn loạn. Người ta bỏ quên một vùng đất để kéo nhau chen lấn ở nơi nào đó mà những ngã tư giao nhau ở ngoại vi thành phố thường tắc nghẽn người là người... Những cửa hàng điện tử vắng khách. Trung tâm thị xã với những cái nhà công sở to đùng xây tốn kém phô trương với thiên hạ. Cũng chả hiểu để làm cho ai phải kính nể?... Phúc nói gì với cô Thủy đi nhờ. Tôi thấy cả hai như linh hoạt lên khi xe vào thị xã. Con đường ra phía ngoại vi vắng như đường trong phim kể chuyện tình yêu. Một cái ngõ đi vào, một bên là ruộng rau muống, một bên là cái ao đầy bèo. Hai đứa con trai gầy nhom đang đứng thơ thẩn dưới gốc cây dừa. Thủy bỗng quay ngoắt về phía tôi: "Cám ơn anh cho em đi nhờ!". Xe tấp vào vệ cỏ. Hai đứa con trai sau phút ngỡ ngàng nhìn cái xe sang trọng, lao vút ra như hai con chim sẻ. Lúc này tôi mới nhìn rõ đứa con gái mà từ sáng đến giờ tôi chỉ nhìn thấy cái đuôi tóc. Hóa ra khá đẹp. Cao ráo, cái eo lưng mềm mại và dù có gầy như cái que vẫn báo hiệu là một thiếu nữ sẽ làm khá ngon thiên chức đàn bà, sinh con dễ dàng và nhiều sữa. Loại đàn bà thời nay hơi hiếm vì các thủ thuật giữ eo làm tiêu mòn tuyến sữa và có sữa thì cũng là thứ sữa hoi hoi... Tôi nhìn Thủy đang ôm chầm lấy hai thằng em và tự dưng nghĩ lẩn thẩn như vậy. Kinh nghiệm cay đắng rút từ thứ đàn bà như vợ tôi, đẹp tuyệt, con nhà nhiều tiền nhưng con bú được hai tháng đã đòi cai. Thằng con đầu của tôi muốn gì có nấy, thậm chí muốn ăn tim con chim phượng hoàng chắc cũng moi ra được, mà người như cái dẻ khoai. Nhiều khi nhìn vợ phây phây lại thấy cái lý chọn nàng dâu của các cụ nhà ta khi xưa quả là có lý.
Sao lại khóc rống lên thế? Phúc xuống xe, vòng ra sau mở cốp xe, nói như vậy khi thấy một trong hai thằng cu con đang sụt sịt không ra tiếng. Thủy đỡ hai cái bọc bằng nylon từ tay Phúc. Trông rạng rỡ, mặt mũi giờ này nom khác hẳn lúc sáng. ¡n uống tẩm bổ ít lâu chắc cũng ngồi lên bìa tạp chí được chứ không phải loại xoàng. Nhìn cảnh những đứa trẻ gặp chị hân hoan mỗi thằng ôm cái gói chạy vào con đường cạnh cái ao, tự dưng tôi thấy lòng dịu lại. Những khoảnh khắc ngắn ngủi mà đẹp như mơ cũng có trong một thằng như tôi. Có thời cam go nó biến hẳn nhưng khi nhiều tiền lại thấy nó quay trở lại. Ví như thời học đại học, có lần đói quá đến chỗ bà chị sống độc thân, tôi và thằng bạn không thể nào quên nổi nồi mì nấu cà chua chị tôi đãi hai đứa. Chị ngồi ở góc nhà lặng lẽ nhìn hai thằng ăn như cái cối xay bột ngô. Rào rào như cả một dàn nhạc kèn dù chỉ là ăn mì. Những đứa trẻ kia sau này cũng sẽ nhớ chị như tôi. Tôi hỏi: "Cái gì trong bọc thế?". Phúc có vẻ ngần ngừ và tôi không hỏi tiếp. Chắc là buôn bán nhì nhằng!
Phúc lái xe lên phía này độ năm lần gì đó. Vụ làm ăn của tôi sắp kết thúc. Một trong hàng chục vụ. Thuế má nghĩa vụ nộp cho Nhà nước sòng phẳng còn lại chẳng đến nỗi nào. Mà lại chẳng dùng tí ti nào cái mớ kiến thức học năm năm ở trường đại học. Cũng hiếm nơi nào trên thế giới kiếm tiền khó như ta mà cũng dễ như ta. Tôi biết mình ở trong cái nhóm dễ và thấy mình may mắn... Cũng chỉ biết thế thôi.
Lão Phích - tên lão như vậy vì người lão hình cái phích vĩnh cửu của Liên Xô trước kia, đón tôi rồi càu nhàu: "Muộn thế ông!". Lão có khuôn mặt luôn luôn có vẻ vô can vô sự nhưng lão khôn như rận. Trong nhà hàng còn có ba gã đàn ông tôi có quen. Lão hẹn tôi ở nhà hàng chuyên món ăn về cá này để thanh toán hợp đồng. Như mọi sự mua bán loằng ngoằng, tôi biết tiền của lão rút ra hợp lý từ cái dự án làm cầu để mua thép của tôi. Mọi việc xong xuôi, chúng tôi ngồi trong cái phòng thưng bằng mành trúc, trên những chiếc thảm cá nhân làm bằng nylon. Tôi xem lại số tiền mặt mình nhận. Trừ thuế má rồi, phần tôi còn ba cọc giấy bạc một trăm, mỗi cọc cỡ gang tay. Tương đối. Chẳng được nhiều như đã dự tính nhưng cũng là được.
Người nhà hàng bày ra những chiếc ly nhỏ xíu để uống rượu vang tôi mang từ nhà đến. Những chiếc ly trái khoáy mà người ta chẳng muốn học để biết rằng ly nào uống vang, ly nào uống sâm-banh. Nhà hàng tỉnh lẻ của người tỉnh lẻ. Tự nhiên nhìn lão Phích và đồng bọn của lão túi ăm ắp tiền mà vui vẻ uống vang bằng cái ly dùng cho rượu mạnh lại thấy tiền cũng chả nâng đầu các lão lên khỏi đầu gối. Bữa ăn thừa mứa như mọi bữa làm ăn khác, chẳng gã nào đụng đũa vào con cá hấp khổng lồ. Vài con ba ba đã thấy ngang bụng. Các lão quay qua bàn chuyện mấy quán ở Hà Nội xem quán nào có tiếp viên xinh đẹp. Nói rồi các lão cười như lũ khỉ.
Quá trưa một chút thì tôi và Phúc về thành phố. Phúc bảo đi đường vòng cho nhanh, không về qua thị xã nữa. Tôi hỏi: "Thế con bé đi nhờ buổi sáng có quay lại không?".
"Có, nhưng kệ nó anh ạ. Chúng nó nhảy tàu quen rồi! Tuần nào nó chẳng về mấy ngày!".
Tôi chẳng hỏi han gì nữa, nhưng Phúc như mọi khi, đoán rằng tôi muốn biết cho vui thôi. Vì cô ta khá đẹp. Phúc rủ rỉ, rồi nhát gừng, cứ thế, xe chạy và một con người hiện ra sau cái vẻ con bé quê mùa nhút nhát. "Bố nó bất tài, bất lực anh ạ. Cũng có học hành nhưng chẳng làm nên trò trống gì. Bây giờ giữ chân bán vé trên sân vận động tỉnh. Khi nào có đấu đá gì mới có tiền thù lao. Mà anh biết đấy, mấy khi có đấu đá gì để dân tỉnh bỏ tiền mua vé vào xem. Năm con bé 14 tuổi, mẹ nó phẫn chí đi ra biển. Chắc vượt sang vùng nào đó. Bố thì như vậy, hai thằng em khi đó còn nhỏ: Thế là nó bỏ học ra thành phố. Nhiều người có chuyện như thế anh nhỉ!". "Phải" - Tôi bảo và thiu thiu ngủ , tai vẫn nghe. "Con bé có chí anh ạ. Anh có biết hai bọc nylon to nó mang xuống là gì không?". Tôi mở to mắt. Phúc cười nói với tôi trong gương: "Bánh mì khô! Ðầu mẩu, ruột vỏ bánh người ta vứt đi, con bé nhặt nhạnh rồi tẩm đường, ban đêm chui vào bếp nhà hàng nó rửa bát, sấy bánh mì trên than thừa. Ðược kha khá, mang về cho mấy thằng em ăn tối để đi học. Tiền công đem về mua gạo".
Tôi ngạc nhiên là những đầu mẩu bánh mì lại có thể hành trình xa đến thế. Từ thành phố đến thị xã vắng hoe này. Phúc lại bảo con bé có người nhà làm ở ga nên được nhảy tàu miễn phí, chứ tiền vé tháng cộng lại đâu có nhỏ.
"Có điều này phải đáng nói đây anh. Con bé rửa bát nhà hàng tiền chắt bóp từng xu thế mà nó lân la đi học đêm học hôm. Năm vừa rồi thi đỗ đại học. Ðỗ cũng khá mới tài. Nó bảo với em: Em đi thi cho biết, thế mà đỗ.
Tôi thở dài. Ðại học xong cũng chưa biết đến đâu, nhưng một cô gái như vậy đỗ vào đại học là chuyện không thể có ở nhiều nơi. Dù thế nào cuộc đời nó cũng sẽ xứng là cuộc đời!
"Bây giờ nó học hành ra sao?".
"Chăm lắm anh ạ. Xin làm ở nhà hàng từ buổi chiều đến đêm. Buổi sáng đi xe buýt đến trường đại học. Nhìn nó cắp cái túi vải bỏ sách, mặc đồng phục sinh viên tình nguyện ra dáng lắm. Phải cái vất vả quá, ăn uống lại chẳng có gì, người cứ quắt lại. Nó là con em họ xa của em. Em mới gặp lại nó đấy chứ. Họ hàng bây giờ có khi ra đường đánh nhau mà không biết. Biết rồi thấy nó ngoan lại thương. Tháng em cho vài chục, đủ tiền học phí.
Bên ngoài xe là mùa thu đi lướt qua. Lổm ngổm xe cộ bò trên đường. Cuộc đời như vậy có hàng ngàn quanh ta. Không lạ, nhưng những đầu mẩu bánh mì được tẩm đường nướng trên bếp than làm tôi thấy nặng nề. Sao lại thế được!
Tôi bảo Phúc: "Quay lại thị xã đi". "Làm gì hả anh?". "Cứ quay lại đón nó. Tối nó đỡ nhảy tàu". "Nhưng cách thị xã hơn 10 cây rồi anh ạ. Kệ nó. "Cứ quay lại đi mà. Hôm nay chả có việc nhiều ở nhà, đi chơi cho thông thoáng đầu óc vội gì". Phúc vâng, quay xe. Tôi quan tâm đến ngành học của đứa con gái. Thấy bảo nó học tin học, tự dưng mừng quá. Chưa có dự định rõ rệt nhưng cảm thấy mình thanh thản. Cái vali đựng tiền tôi để dưới chân.
Bây giờ tôi nhìn qua cửa xe. Xe lại đi vào thị xã. Nhà con bé ở quãng nào trên con đường vắng hoe đi từ thị xã ra?


LÊ MINH KHUÊ



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 225

Return to top