Trò Chơi Cút Bắt
Huỳnh Trung Chánh
Tiếng ho của người bạn nằm cạnh khiến thiếu úy Sơn Điền tỉnh dậy. Anh chàng đang phiêu lưu trong giấc mộng êm đềm với tình nhân Kim Sa bỗng giựt mình ngẩn ngơ trước thực tế phũ phàng. Trọn đêm qua, người lính chiến, đã đưa đồng đội ra giữa cánh đồng, lặng lẽ nằm phục kích, để rồi gần sáng mới có thể dật dờ chợp mắt ngay trên bờ ruộng. Mặt trời đỏ rực vừa hé dạng, tỏa ánh nắng êm dịu sưởi ấm cảnh vật, còn ướt đẫm sương đêm. Không khí tươi mát, hăng hăng mùi rơm rạ mục, mùi đất mới cày, và đây đó, tiếng chim ríu rít trong đám tràm hòa lẫn với tiếng dế gáy dòn tan reo rắt. Tiếng dế nhắc nhở Điền hồi tưởng lại thời ấu thơ vui nhộn, thường lang thang ra đồng, vạch từ luống đất cày, xăm xoi từng lỗ nẻ, để tìm bắt dế chọi, đem về giao đấu với chúng bạn. Nghe tiếng dế gáy, Điền có thể phân biệt được âm thanh thấp lè tè và ngờ nghệch của đám dế mọi khù khờ vô dụng, âm thanh thô đục của thứ dế cơm to xác, chỉ hấp dẫn khẩu vị với tiết mục dồn đậu phọng lăn bột chiên dòn, và tiếng gáy dòn tan của những chàng dế lửa, dế than hào hùng. May mắn bắt được một chú dế "chì chội", chiến đấu lỳ lợm hạ nhiều địch thủ, Điền cưng quí như báu vật, ra công hái đọt cỏ non, hứng sương ban thưởng. Dế hèn nhát, Điền xử dụng phương pháp "nặng" trừng trị : nhét dế ăn tí thuốc rê cho say hay cột tóc vào chân dế quây "mòng mòng" cho chóng mặt, để kết cuộc rồi, chúng sẽ nổi cơn điên cuồng lăn xả vào cắn xé nhau chí chóe. Một chút hối hận len về, Điền chép miệng : "Tội chúng quá !". Thương phận dế, Điền liên tưởng đến thân phận người dân lành nước nhược tiểu. Chàng chán chường tự hỏi, dân mình đã được đàn anh quây mòng mòng hay nhét cho ăn thứ bã chủ nghĩa hung tợn nào, để bôi mặt cuồng quay hận thù, bắn giết nhau đây. Hào khí của người lính chiến chợt tan biến, chàng rùng mình uể oải bước đến bờ ao, khỏa nước rửa mặt. Làn sóng nhấp nhô lay động đám lá ấu non mơn mởn, thật dễ thương. Loại giây hoang mọc trên nước nầy cung cấp thứ củ đen đúa vùi sâu dước lớp bùn, vị bùi bùi như hột mít, một thức ăn chơi đồng quê rẻ tiền. Trái ấu hình dáng tương tợ như đầu trâu cui với cặp sừng cong cong nhọn hoắt, sần sùi xấu xí, chẳng có nét nào tròn trịa cả, thế nhưng dân quê miền Nam lại có câu hát ru con :
"Thương nhau trái ấu cũng tròn !
Ghét nhau, trái bồ hòn cũng méo !".
Điền tủm tỉm cười. Câu ca dao dễ thương, mộc mạc mà ý vị thâm trầm, đã phản ảnh trung thực tâm trạng của kẻ đang lặn ngụp trong hương vị tình yêu tuyệt vời như chàng. Mang cặp kính tình yêu mầu nhiệm dầy cợm vào thì ma lem cũng biến thành tiên nữ, hung tợn cũng đổi thành hiền thục, thì dĩ nhiê⮠chua cay, đắng chát gì cũng có thể là mật ngọt. Thật vậy, với chàng thì người tình Kim Sa bao giờ cũng "tròn vo", cũng tuyệt vời, dù đó là lúc nàng nhu mì tươi vui, hay khi nàng cong cớn, giận dỗi, cay chua… Điền làm sao mà quên được vẻ mặt cau có và giọng gắt gỏng của người đẹp đã dành cho chàng trong buổi đầu tiên gặp gỡ vào ngày lễ chôlchnam (1) vừa qua. Như thường lệ, hàng năm dù bận thế nào, Điền cũng cố gắng tìm về ngôi chùa Miên, để tham dự lễ Tết, tức chôlchnam, theo phong tục cổ truyền được tổ chức vào mùa trăng khoảng tháng tư dương lịch. Vì bận hành quân liên tiếp, mãi đến ngày thứ ba lễ Tết, gần bốn giờ chiều Điền mới "dù" về đến chùa Wat Ông, xã Lương Hòa, Vĩnh Bình với bộ đồ tác chiến còn bê bết sình lầy nơi trận mạc. Bấy giờ, đồng bào đang quây quần làm lễ tắm cho chư tăng, dưới bóng cây xoài to. Thiện tín lần lượt long trọng múc nước thơm xối ướt thân thể chư tu sĩ, cử chỉ thành kính như thầm nguyện sẽ tận lực hộ trì cúng dường tam bảo, hầu tạo đủ cơ duyên cho chư sư "gột rửa thân tâm" thanh tịnh. Điền hấp tấp đến lu nước thơm múc nước, rồi bước nhanh về hướng vị sãi cả. Nền đất sét ẩm ướt trơn trợt, mà Điền lại vội vã vô ý, nên bị chới với ngã nhào, vô tình gáo nước tắm sư tạt thẳng vào mặt cô gái đang lù lù bước tới. Cô gái mím môi, trợn trừng mắt nhìn Điền, khiến cho anh chàng quân nhân ngang tàn bướng bỉnh, bỗng sợ điếng người, luống cuống xin lỗi, mà chẳng phát nên lời. Cũng may, cô nàng có lẽ chợt nhớ là đang tham dự một lễ nghi tôn giáo, nên chỉ "nguýt" một cái dài "thòng", rồi ngoe nguẩy bỏ đi một nước. Ôi ! cái "háy nguýt" sắc bén như mũi gươm báu cắm phập vào quả tim nồng nàn khao khát yêu đương của Điền, khiến chàng đê mê, ngờ nghệch như kẻ mất hồn. Điền lặng lẽ theo sau người đẹp, giữ khoảng cách khá xa để khỏi bị nghi ngờ. Chợt thấy Trung sĩ Kim Hên, người đàn em trong đơn vị đang ba hoa với một cô gái phía trước, Điền sợ bị lôi kéo mất dấu người đẹp, nên vội lẫn vào đám đông để tránh mặt. Ngờ đâu, Kim Hên vừa thấy nàng đã rối rít gọi vang :
- Chị Sa ! Chị Sa ! Chị biến đâu mất nảy giờ vậy !
- Cô cậu ở bên nhau thì còn thấy biết ai nữa ! Chị vừa tham dự lễ tắm sư, rồi đi quanh chờ đến giờ nghe thuyết pháp !
"May thật là may !", Điền thầm nhủ. Rồi chàng lửng thửng bước tới, giả vờ như kẻ vô tình, ngây thơ ngờ nghệch. Kim Hên lại reo vang :
- Thiếu úy ! Thiếu úy !
Đoạn Kim Hên lăn xăn nắm tay Điền kéo lại, xum xoe giới thiệu :
Chị Kim Sa, chị nhà Bác và cô Lọp, giáo viên…, Và đây là thiếu úy Sơn Điền.
Xoay qua Kim Sa, Kim Hên nhỏ giọng nhưng âm thanh cũng vừa cho mọi người cùng nghe : "Người hùng đơn vị mà em thường kể chị nghe đó !".
Điền đỏ mặt, sung sướng lên tiếng :
Nghe Kim Hên ca tụng người chị xinh đẹp mãi…, giờ đây…
Giờ gặp mặt rồi, chắc người hùng hối tiếc phải không ? Người đẹp nhanh nhẩu cướp lời.
Ơ…, ơ, hối tiếc lắm chớ ! Tiếc phận mình kém may mắn, nên mãi đến giờ nầy mới có duyên gặp gỡ !
Kẻ tung người hứng, tán tụng đẩy đưa, đôi thanh niên nam nữ cùng trang lứa càng hàn huyên đối đáp càng dòn dã thân mật.
Tiếng loa thông báo thời pháp của sư Thạch Phen sắp bắt đầu. Kim Sa xăn xái chọn một chỗ gần, tề chỉnh ngồi chè he, nhu mì chăm chú lắng nghe. Điền bám sát bên cạnh, cũng giả vờ nghe, nhưng bao nhiêu tình ý dồn về nàng. Sư Thạch Phen vốn hoạt bát, kể chuyện linh động, dù điều khó khăn khúc mắc cũng biến thành giản dị, rõ ràng, nên tuy mang tâ⭠giải đãi mà Điền vẫn theo dõi được mẫu chuyện đạo (2) :
"- Vua Assaka trị vì một vương quốc thuộc miền Nam Thiên Trúc, vào khoảng hai trăm năm sau khi Phật nhập diệt, là vị minh quân, giao hảo hòa bình với lân bang, lại hết lòng thương yêu chăm sóc thần dân, nhờ vậy đất nước ngày càng thanh bình thịnh trị. Một hôm, vua giả trang thành kẻ thương gia tầm thường, lẫn lộn tham dự các trò vui Xuân tại ngôi chùa vùng ngoại ô, để tìm hiểu dân tình. Trong khi vua đang xối nước tắm chư tăng, thình lình có cô gái chen lấn bước vào rồi bị trợt chân té, tạt nguyên thùng nước vào người nhà vua. Cô gái vừa hoảng hốt vừa thẹn thùng, lí nhí xin lỗi. Vua bàng hoàng nhìn cô gái, rồi bị ngay tiếng sét ái tình, mê man nhan sắc tuyệt vời và giọng nói êm dịu thanh tao của nàng…".
Nghe chuyện người xưa mà như nghe được niềm tâm sự thầm kín của mình, Điền xúc cảm len lén nhìn người đẹp, và bất ngờ bắt gặp nàng cũng vừa trộm nhìn chàng. Mắt nàng chớp chớp như vô tình, mà gò má đỏ bừng vô cùng xinh xắn. Điền sung sướng tiếp tục lắng nghe mẫu chuyện đạo, càng lúc càng hứng thú.
"Nhà vua tức thời tuyển người đẹp, nàng Ubbari, vào cung rồi tấn phong hoàng hậu. Vua đặc biệt sùng ái nàng, không ngó ngàng gì đến cung tần mỹ nữ ngày trước, và cũng lơ là cả việc triều chính nữa. Đối với vua, thì đất nước thần dân đều vô nghĩa, vì tất cả tâm tư của người bây giờ hoàn toàn dành cho hoàng hậu và chỉ vì hoàng hậu mà thôi. Hoàng hậu quấn quít bên vua, vòi vĩnh đủ điều, và dĩ nhiên, luôn luôn được vua cưng chiều, ngay cả trường hợp vì hoàng hậu, vua đã đưa ra những quyết định gây khổ đau cho người khác, một việc mà trước kia vua vẫn tránh.
Mối tình vương giả đang mặn nồng, bỗng nhiên hoàng hậu Ubbari lâm bệnh, rồi đột ngột từ trần. Vua Assaka đau khổ tột cùng. Người kêu gào thảm khốc, lên tiếng trách Trời, trách Phật ác độc, và cũng lên án bọn y sĩ bất tài bất lực. Rồi vua lại điên rồ, không chịu tin rằng hoàng hậu thực sự chết. Người hạ lệnh tẩm hương hoa xác vợ, tiếp tục đặt nằm cạnh bên long sàn, để tìm phương cứu chữa. Vua hạ lệnh giới tu sĩ phải tụng niệm khẩn cầu Trời Phật cho hoàng hậu sống dậy; mặt khác truyền lệnh cho đòi các bậc lương y đại tài khắp nước về hoàng cung trị bệnh hoàng hậu, hứa chia nửa giang san cho bất cứ ai cứu được nàng. Tuy nhiên, sau mấy ngày chờ đợi vô vọng, vua thịnh nộ kỳ hạn bọn họ phải chữa trị trong bảy ngày, nếu bất lực thì tất cả sẽ bị hạ sát. Tai họa bỗng dưng đổ lên đầu bọn y sĩ, khiến gia đình họ lo sợ cuống cuồng, tiếng kêu thương rền vang cả nước. Giới tu sĩ cũng bị họa lây. Vua trách cứ họ đạo hạnh thấp kém, nên đã không đủ đức độ khẩn cầu "thần linh" buông tha mạng sống hoàng hậu. Vua dọa sẽ bắt tất cả tu sĩ hoàn tục, phá hủy chùa chiền đền miếu trong nước. Quyết định tàn ác của nhà Vua loan truyền nhanh chóng khiến toàn dân xôn xao thán oán, nguy cơ biến loạn trầm trọng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Các vị đại thần vội vàng hội hợp triều kiến long nhan, khẩn trương báo cáo hiện tình đất nước, đồng thời cũng lựa lời khuyên giải : "Tâu bệ hạ ! trên đời nầy, hể có sanh thì phải có tử, từ xưa đến nay, chưa ai thoát khỏi định luật vô thường đó. Bọn lương y dù thực tài, cũng chỉ cứu chữa một số trường hợp nào đó, chớ làm sao có thể giúp cho con người sống mãi mãi hay cải tử hoàn sanh được ! Hoàng hậu đã chết rồi, đó là sự thật không thể chối bỏ được. Vua có buồn phiền, đau khổ thế nào cũng không cứu vãn nỗi. Chi bằng vua chấp thuận cho chôn cất hoàng hậu rồi nghĩ đến việc tuyển mỹ nữ khác vào cung mà vơi niềm cô độc…".
Càng được khuyên giải, vua càng sanh tâm giận dữ, cương quyết cho thi hành lệnh hành quyết y sĩ và phá hủy chùa chiền ngay ngày hôm sau.
Bấy giờ, có vị tổ sư pháp hiệu Bồ Đề Tát Đỏa đang ẩn tu tại một hang đá sâu thẩm tại đỉnh Hi Mã Lạp Sơn, trong khi tọa thiền nhập định chợt cảm ứng nỗi niềm oán than của người dân mà rúng động toàn thân. Người vội xử dụng thần thông xuất hiện trước cửa ngọ môn, công khai tuyến bố có khả năng trị bệnh cho hoàng hậu. Vua đang nằm rũ riệt trên long sàng chợt được thông báo tin vui, lồm cồm bò dậy cuống quít phóng tìm vị tu sĩ già, lập bập hỏi han :
- Thật vậy sao ? Thật vậy sao ? Nhà ngươi ! Ơ Ngài ! Ngài có thể chữa bệnh cho hoàng hậu… hậu… sống… lại phải không ?
Tổ sư điềm đạm :
- Dạ khải bẩm hoàng thượng ! đúng vậy ! Bần tăng có khả năng cứu sống hoàng hậu, miễn là được hoàng thượng giúp cho một việc !
- Việc khó khăn tốn kém thế nào trẫm cũng sẵn sàng ! đánh đổi cả giang san nầy cho hoàng hậu trẫm chẳng từ nan !
- Bẩm hoàng thượng ! Hoàng hậu lìa đời trên bảy ngày, nên đã đầu thai sang kiếp khác. Bần tăng chỉ có khả năng cứu tỉnh hoàng hậu, nếu bà chấp nhận từ bỏ hiện kiếp để trở về với nhà vua ! Còn trường hợp bà khăng khăng chọn kiếp mới thì bần tăng đành bất lực !
- Hoàng hậu yêu trẫm chí tình dĩ nhiên tâm tâm nguyện nguyện về với trẫm, huống chi, địa vị hoàng hậu cao sang quyền quí tột bực như thế nầy thì ai mà chả ham muốn !
- Dạ ! Nếu hoàng thượng tin tưởng như vậy thì bần tăng xin phép đưa hoàng thượng đến gặp bà trong kiếp hiện tại để thuyết phục bà vậy…
Thế rồi, tổ sư Bồ Đề hướng dẫn nhà vua đến một xó vườn cạnh khu chuồng ngựa, chỉ Vua xem hai con bọ hung đang lay hoay trên đống phân ngựa, rồi lên tiếng :
- Hiện kiếp của hoàng hậu là con bọ hung cái đang nhủi đầu trong bãi phân dơ dáy đó !
- Câm họng ngay tên già xấc láo ! Ngươi lớn gan lớn mật mới dám dở trò trêu cợt hổn láo ta !
Vua giận dữ hét sang, tay run run sờ đốc kiếm như muốn phân thây nhà sư thành muôn mảnh mới hả dạ. Tuy vậy, nhìn phong thái an nhiên tự tại của nhà sư, Vua bỗng phân vân nên chùng tay lại.
- Khải bẩm hoàng thượng ! hạ thần là kẻ tu hành quyết chẳng dám nói lời đặt điều thêu dệt. Nguyên nhân là thuở sinh thời, tuy hoàng hậu nhu mì ngoan ngoãn với Vua, nhưng lại đối xử cực kỳ tàn ác thâm độc với thuộc hạ. Bọn thị nữ cung nô luôn bị bà nhiếc mắng là hạng thúi tha hèn mọn. Do đó, sau khi mạng chung, nghiệp lực xấu đã dẫn dắt bà sanh sang kiếp côn trùng nầy !
Thấy vua tiếp tục lắc đầu bất mãn, tổ sư thở dài rồi dẫn dụ tiếp :
- Nếu bệ hạ vẫn nghi ngờ, thì xin nắm chặt cánh tay nầy, để bần tăng đưa bệ hạ đi xuyên qua nếp sống côn trùng, đích thân tìm gặp hoàng hậu để hiểu rõ nguồn cơn…
- Nhà Vua ngần ngừ rồi nắm tay vị sư già tiến bước. Vừa đến giáp mí vũng nước đái ngựa, Vua bỗng rùng mình rồi chợt thấy mình biến dạng thành một con bọ hung trọng tuổi mang phong thái quyền quí của bậc vương gia. Vua cảm giác như mình lạc vào chốn thần tiên mờ ảo, phong cảnh xinh tươi hữu tình, hồ nước trong vắt thoảng hương ngào ngạt, khiến Vua thích chí hít lấy hít để.
- Nầy khanh, đây có phải "hương hải thủy" mà kinh sách xưa hằng ca tụng chăng ?
- Thưa bệ hạ ! nước nầy chính thực là "hương mã thủy", chỉ thơm tho hấp dẫn với loại tỉ căn tương ưng nào đó mà thôi ! Xin bệ hạ đừng quyến luyến chốn nầy ! Phải mau tìm gặp hoàng hậu để thuyết phục bà trở lại trần thế !
Tổ sư và nhà Vua, trong thân mạng hai con bọ hung già, bì bõm lội qua vùng nước thơm, rồi vất vả leo lên ngọn đồi đất xốp bát ngát hương trầm quế. Sư kéo nhà Vua núp dưới gò đất, chỉ hang động phía trước, khẽ nói :
- Bệ hạ quan sát kỹ cặp vợ chồng trẻ kia. Người đàn bà chính là hoàng hậu kiếp trước đó !
Dưới nhãn quan của loài bọ hung, Vua mê mang ngắm nhìn thân hình kiều diễm tuyệt trần hiển hiện trước mắt. Ôi ! nàng quả thực chính là hoàng hậu Ubbari ngày trước, không thể lầm lẫn được ! Ôi ! trớ trêu thay ! cái thân hình quyến rủ nồng nàn đó giờ lại đang nằm trong vòng tay kẻ khác, lời nói ân tình nũng nịu ngày xưa thủ thỉ bên tai Vua, giờ cũng lập lại cho ai kia… Bao nhiêu yêu thương, hờn ghen bùng nổ tràn ngập, khiến Vua dợm chồm dậy trừng trị bọn "gian phu dâm phụ". Tổ sư ghị Vua lại, nho nhỏ khuyên giải :
- Tên đó khỏe mạnh lắm ! xin bệ hạ ẩn nhẫn chờ hắn ngủ, thì mới có thể tự do thuyết phục hoàng hậu được.
Nhớ đến thân hình lực sĩ của tình địch, Vua cảm thấy "ớn lạnh" xương sống, nên dù tức bực cũng đành nằm ẹp, tiếp tục thấy nghe những điều trái tai, gai mắt.
- Mình ơi ! em thề trọn đời yêu thương mình ! phục vụ cho mình ! mà mình có thương yêu em chút "xíu" nào không !, tiếng người đẹp õng ẹo.
- Ơ ! thương lắm !
- Mình buồn ngủ phải không ? để em gãi lưng và quạt cho mình ngủ nhé !
Nhìn cảnh người đẹp tận tụy chăm sóc, cưng chiều chồng mà Vua đau lòng xót dạ. Cũng may, chẳng bao lâu, thì có tiếng ngáy vang như sấm của tên đàn ông, khiến Vua mừng mừng tủi tủi rón rén lên tiếng :
- Em Ubbari ! em Ubbari !
- Nầy lão già kia ! người lầm rồi ! Ở đây chẳng có ai tên đó cả ! Hãy tránh ra xa, giữ yên tịnh để chồng ta ngủ !
- Ubbari chính là tên nàng đó ! Nàng nguyên là vợ ta…
- Ê ! thằng già dịch ! Ngươi ăn nói bậy bạ, ta vặn họng ngươi bây giờ ! Ta đẹp đẽ sang trọng như vầy mà ngươi dám mở miệng nói ta là vợ của kẻ già khù, sói sọi, xấu xí như ngươi sao ?
- Nàng ơi ! Ta tạm mang thân nầy thôi, chớ thực ra ta là loài người !
- Xí ! Loài người hả ! thứ quái vật xấu xa đó có gì quí giá mà ngươi khoe khang !
- Ta là Vua của loài người, cai trị một đất nước hùng mạnh, phồn thịnh và sung túc. Nàng kiếp trước là vợ ta, là bực mẫu nghi thiên hạ, quyền uy tột bực, được muôn người hầu hạ… Ta thương yêu nàng khôn nguôi, nên tìm đến đây đưa nàng trở lại kiếp người mà an dưỡng giàu sang phú quí…
- Hứ ! Làm gì có xứ sở nào mà đẹp đẽ, thơm tho, sung sướng hơn xứ sở nầy! Làm gì có người chồng nào đẹp trai, anh hùng hơn người chồng nầy ! Dù người nói thật, thì ta cũng chẳng thèm mơ mộng đến người nào khác, thế giới nào khác nữa ! Thôi đi tên già dịch ! đừng có mong bịa chuyện hoang đường để dụ dỗ gái tơ nữa ! Hãy tránh xa đi, nếu cứ nói dang ca ta sẽ gọi chồng ta thức dậy trị tội ngươi đó !
- Ubbari ơi ! ta chính thực là chồng nàng ! chỉ có ta mới thực sự yêu nàng chí tình tha thiết mà thôi !
- Ê ! cha già nầy điên khùng rồi ! ngươi mà lãi nhãi nữa thì đừng trách ta sao ra tay ác độc đó nghe !
- Xin nàng hãy tin tưởng ta ! theo ta trở về với loài người thì sẽ hiểu rõ đâu là sự thật…
- Anh ơi ! thức dậy mau lên ! có thằng cha già nầy nó cứ "thả dê" em hoài nè ! Anh trị tội nó đi !
- Cha già nầy tới số rồi ! tao quyết vặn cổ mầy ! mổ bụng mầy !, tiếng tên đàn ông giận dữ hét vang.
Nhìn vẻ mặt hung tợn, thân hình vạm vỡ của tình địch, Vua đâm ra sợ hãi cuống cuồng nắm tay vị sư già chạy trối chết. Trong vừa vượt khỏi vũng "hương mã thủy", thoát cái Vua biến trở lại hình người, mình mẫy lấm lem sực nức mùi phân và nước tiểu ngựa hôi hám, mà chẳng lưu tâm. Vua vẫn kinh hoàng tiếp tục chạy một mạch về hậu cung, rồi ngẩn ngơ nhìn xác chết đã hôi thúi của hoàng hậu, buông tiếng thở dài.
- Như thế đó, tâu bệ hạ ! người ta tạo tác bao nhiêu ác nghiệp để cưng chiều xác thân nầy, nhưng cuối cùng thì có ai giữ mãi được đâu ? Người ta phải liệng bỏ thân xác, và cả tài sản, danh vọng, thân quyến… để tùy theo nghiệp lực cuốn lôi mà trôi nổi trong lục đạo luân hồi…
Vua sực tỉnh cơn mê, quỳ lạy cảm tạ nhà sư, thì chỉ còn thấy bóng dáng của người lẫn khuất xa xa…
Sư Thạch Phen chuẩn bị mẫu chuyện đạo chu đáo, hi vọng qua câu chuyện Phật tử sẽ nhận chân được lẽ vô thường mà cũng thấm nhuần lý nghiệp báo, hầu luôn luôn khởi tâm niệm làm lành, tránh xa điều dữ. Thấy vẻ mặt vui tươi hớn hở của Điền, sư hi vọng tìm được người góp ý cho thời pháp linh động hơn, nên vội cất tiếng hỏi han :
- Con có nhận xét gì qua chuyện vua Assaka !
Điều trớ trêu là Điền, tuy vẫn thường viếng thăm chùa chiền, nhưng chàng trai trẻ "yêu cuồng, sống vội" đó, trong lòng lúc nào cũng hừng hực chuyện tình yêu nóng bỏng, còn lý vô thường vô ngã, lý nghiệp báo nhân duyên… thì chẳng mảy may nhớ nghĩ đến. Đang lởn vởn trong đầu mối tình vương giả, Điền thành thật đáp :
- Vua Assaka hay thiệt ! Ông dám đánh đổi nửa giang san để cứu mạng người yêu, kể ra cũng đa tình đáo để !
- Đa tình thì có ! nhưng coi bộ hèn quá ! Chẳng dám liều mạng sống chết vì tình thì cũng chẳng ra gì ! Kim Hên thích chí bổ túc.
- Đúng vậy ! yêu thì phải "hùng", dám liều mạng vì tình ! dẫu có chết thì cũng làm thứ ma "phong lưu trang nhã" !
Hai người đẹp : Kim Sa và Lọp rạng rỡ nghe hai chàng trai tán dương thuyết si tình, trong khi sư Thạch Phen ngao ngán thở dài, thương cho kẻ dại khờ, đang mờ mịt đắm chìm trong vòng tình ái nghiệt oan… Để tránh thời pháp khỏi chuyển biến thành buổi mạn đàm về tình ái lăng nhăng, sư Thạch Phen vội cắt ngang phần thảo luận, rồi tiu nghỉu tuyên bố chấm dứt thời pháp.
Trời chiều mát mẻ, bọn trẻ rủ nhau ra ao Bà Om ngoạn cảnh. Vừa đến nơi, hội ý cái nháy mắt ám hiệu của Điền, Hên vội đưa cô giáo Lọp đi riêng về hướng rừng thưa. Điền và Kim Sa, tiếp tục đi chầm chậm trên con đường đất lồi lỡm đấp quanh bờ ao. Hai người ngây ngất hàn huyên đủ mọi đề tài, đề tài nào cũng hấp dẫn đặc biệt cả, dù đó là chuyện phấn son duyên dáng hay chuyện lính tráng hào hùng. Mỏi chân thì họ dừng lại dưới tàng cây dầu, cây sao già. Hồ rộng, cây to là hai ưu điểm của ao Bà Om. Loại cây tuổi trên hai trăm năm nầy, vẫn ngạo nghễ vươn mình cao ngất rợp bóng mát cả vùng, mà mớ rễ to chằn chịt trồi lên mặt đất lại chu đáo biến thành thứ ghế ngồi thiên nhiên ngộ nghĩnh dị kỳ. Hai người rủ nhau ngồi lắt lẻo trên một cái rễ nhô cao lơ đảng ngoạn cảnh hồ. Cả hai bỗng chú ý đến đôi le le đang tung tăng bơi ra giữa hồ, trững giỡn lặn hụp trong vùng sen chen chúc lá xanh, điểm vài đóa hoa trắng lác đác. Chàng le le bỗng "nịnh đầm" âu yếm rỉa lông nàng, khiến cô nàng e lệ gục gặc đầu…
- Đôi le le nầy ! hạnh phúc anh nhỉ !, Kim Sa lên tiếng.
- Tuyệt thật ! Ước gì chúng mình…
Điền đáp nửa chừng rồi bỏ lửng, vì thật ra sự lặng yên đó lại chuyên chở tình ý miên man hơn. Tình yêu đến với họ dễ dàng, tự nhiên mà dường như cũng kỳ diệu vô cùng. Chỉ mấy giờ bên nhau, mà Điền nghe nhu mình đã gặp gỡ, yêu nhau, thề thốt tự kiếp nào rồi.
- Điền ơi ! anh hứa suốt đời ta sống bên nhau nghen anh !
- Sống làm vợ chồng ! chết cũng thành ma vợ chồng ! Anh thề chẳng để ai cướp đoạt em đâu !
*
* *
Kinh nghiệm xương máu từ Tết nguyên đán năm Mậu Thân, lệnh cấm trại một trăm phần trăm nghiêm khắc ban hành. Để bảo vệ cho đồng bào vui hưởng một ngày xuân an vui, đêm ba mươi, đơn vị địa phương quân của Điền cẩn thận chia nhau nằm bờ, ngủ bụi để đề phòng những hành động khủng bố tàn khốc có thể xảy ra. Tình hình nói chung có vẻ yên tỉnh. Ngoài những loạt súng nổ vang dội thay cho tiếng pháp vào lúc giao thừa, không có một vụ đột kích nào xảy ra. Trời sáng dần, không khí chiến tranh chết chóc nặng nề, nhường chỗ cho một ngày Xuân đầy mộng đẹp.
Trại lính nhộn nhịp hẳn lên. Những túp lều ọp ẹp của gia đình binh sĩ rạng rỡ với cụm vạn thọ, cành mai vàng. Đám trẻ con thường nhựt trần trụi cũng xúng xính áo quần mới. Người ta bắt đầu qua lại viếng thăm, long trọng chúc mừng năm mới. Náo nhiệt nhất là đám trẻ con, lo le phong bì đỏ đựng tiền "lì xì", gầm đầu quanh bàn lắc bầu cua cá cọp, cãi vã nhau chí chóe. Điền đang loay hoay diện bộ đồ "vía", chuẩn bị đi viếng thăm chúc Tết đơn vị trưởng, chợt có người cận vệ hấp tấp vào báo cáo :
- Trình thiếu úy ! quốc lộ số 4 tại ngã tư Sambour bị đấp mô ! lệnh tiểu khu giao cho mình phải cấp thời giải tỏa !
Điền tức bực buôn tiếng chửi thề "… Mẹ nó!", rồi đột nhiên chàng bỗng rùng mình, linh tính báo nguy một điềm hung hiểm khó lường. Chàng bức rức nghĩ mình đã sơ hở không cử người nằm kích ở điểm đó, và lo ngại, tai họa có thể đột ngột xảy ra cho người dân lành ngày đầu năm nếu họ bất cẩn vượt mô khi lính chàng chưa phá hủy kịp. Điền hấp tấp ra lệnh đàn em di chuyển ngay, mà vẫn chưa yên lòng, nên lại tất tả bước nhanh theo.
Niềm lo lắng của Điền vơi dần khi cảnh tượng những chiếc xe kiên nhẫn đậu dài dài, tương phản với vẻ mặt nhăn nhó sốt ruột của giới hành khách lăn xăn qua lại, hiện ra trước mắt. Chợt có chiếc xe lam ba bánh đầy người từ đàng xa trờ đến. Người tài xế thắng xe lại, ngần ngừ giây phút, rồi táo bạo lái xe leo lề chạy sát mí mô đất hung hiểm. Điền hốt hoảng, cất tiếng la ngăn cản nhưng chỉ còn kịp nghe thấy một tiếng nổ long trời, hất tung chiếc xe lam lên cao, bụi đất văng mù mịt. Điền hối hả phóng nhanh đến cấp cứu. Chiếc xe sụp bẫy mìn gãy đôi, thì con người có lẽ khó lòng sống sót. Thảm cảnh máu đổ, thịt rơi, tiếng kêu la khóc thét hãi hùng, đến nỗi những người lính chiến từng quen thuộc cảnh chết chóc nơi chiến trường vẫn lợm giọng buồn nôn. Người tài xế cấm đầu dưới ruộng, ruột gan lòng thòng. Trên mặt lộ lầy nhầy thân xác người hành khách bị gãy cổ, đứt lìa cánh tay chết tốt. Mấy người hành khách khác may mắn, thương tích đầy người nhưng tình trạng có lẽ không đến nỗi nguy kịch, đang rên rỉ, kêu khóc thảm thiết. Trong khi đó, dưới thùng xe lam lật úp, một nạn nhân còn bị kẹt cứng, chẳng biết mệnh hệ như thế nào ? Toán lính tự động phân chia nhau cứu cấp người sống sót, thu dọn xác chết và giải tỏa mô. Điền đích thân hô hào kẻ hiếu kỳ tiếp tay nâng thùng xe lam hi vọng cứu mạng kịp thời nạn nhân đang bị xe đè. Nhìn bàn chân kẻ xấu số vừa lộ ra, Điền liền cảm thấy có nét gì quen thuộc, gần gũi quá. Chàng muốn trốn tránh sự thật, dối lòng, không dám suy nghĩ gì cả, nhưng hình dáng Kim Sa vẫn lảng vảng ám ảnh chàng. "Còn sớm quá ! chắc nàng chưa rời nhà viếng thăm mình đâu !". Điền cố gắng tự thuyết phục mình, nhưng nỗi sợ hãi cũng tràn ngập khiến chàng run rẫy cả toàn thân. Điền bối rối lôi nhanh xác nạn nhân ra ngoài, rồi bỗng thất thanh ôm chầm gào thét : "Trời ơi ! em Kim Sa ! Ôi sao em lại ra nông nỗi như thế này !". Điền hốt hoảng kêu gọi nàng tỉnh dậy, sờ mũi, thăm dò nhịp tim của nàng… mà chẳng thấy tăm hơi. Điền khẩn cấp mang nàng về bệnh viện tỉnh cứu chữa nhưng chỉ nhọc công vô ích.
Niềm khổ đau hành hạ không nguôi, nhất là càng suy nghĩ, Điền lại càng tự trách mình là nguyên nhân để Kim Sa xuất hành ngày Tết rồi tử nạn. Đầu óc chàng căng thẳng như sắp nổ tung trước những ý tưởng dồn dập biến hiện đổi thay vùn vụt. Khi chàng bỗng mềm yếu khóc lóc thương cảm, lúc mơ ước tự sát theo nàng, và khi thì hùng hổ mưu tính việc sống chết báo thù bọn ác nhân. Dù vậy, Điền cũng tươm tất tham gia việc chung sự cho người yêu, với thái độ vừa trầm tỉnh vừa lạnh lùng.
Theo tục lệ người Việt gốc Miên, thân xác nàng sẽ được hỏa táng, nhưng gia đình nàng thương con không chọn thứ áo quan ván tạp thông thường, mà tẩn liệm nàng trong cái đỉnh (3) gỗ đắc giá, đặt người chết vào theo kiểu ngồi chồm hỗm, tay chân co lại, đầu chúi xuống, dáng điệu của một hài nhi trong bụng mẹ.
Ba ngày sau, quan tài nàng được đưa đến nhà thiêu Pachha cạnh chùa Wat Ong, để chuẩn bị lễ hỏa táng. Ông Acha (4) thay mặt thân nhân thỉnh sư Thạch Phen chủ lễ. "Giờ phút nghiêm trọng sắp đến, xác nàng rồi sẽ thành mớ tro tàn", Điền thầm nghĩ. Cơn khổ đau cùng tận bỗng bừng bừng nổi dậy dày xéo tâm tư khiến chàng ràn rụa nước mắt. Điền cắn chặt răng để đè nén khối hận thù đang muốn bật thành tiếng hét nguyền rủa bọn sát nhân khát máu, nguyền rủa cuộc chiến dơ bẩn và nguyền rủa cả cuộc đời phi lý vô nghĩa nầy. Sư Thạch Phen lặng lẽ chấp tay rồi lần lượt nhìn từng người, như để khuyên lơn, an ủi và chia xẻ niềm khổ đau của họ. Trong ánh mắt từ bi của sư, Điền còn cảm nhận được sự bình an vô bờ, bắt nguồn từ giòng suối đạo pháp tươi mát.
Sư Thạch Phen bắt đầu thuyết pháp và đây là lần đầu tiên trên đời Điền thực sự nghe pháp. Ngày trước, Điền ngồi cạnh người yêu nghe sư dẫn dụ về cái chết của hoàng hậu Ubbari, mà lòng hờ hững coi như sự sống chết chẳng chút liên hệ gì với mình. Giờ đây đang cơn oằn oại khổ đau, nội tâm rung chuyển kỳ lạ đã thúc đẩy chàng biết thành khẩn lắng nghe, hầu đón nhận diệu lý thâm trầm thấm sâu vào tâm tư mình. Sư kể câu chuyện Uraga Jãtaka (5), theo đó, cả gia đình của người chết đều ý thức rốt ráo lẽ vô thường nên đã đón nhận tin lìa đời của thân nhân bằng thái độ điềm nhiên thanh thản. Lời phát biểu của bà mẹ về cái chết của con, nhẹ nhàng và thâm thúy, đã ban cho chàng niềm an ủi sâu xa :
"Không ai mời mọc, nó đã đến !
Không ai đuổi xô, nó vội ra đi !
Đến như thế nào, nó đi như thế ấy !
Có gì mà tôi phải âu sầu phiền muộn ?
Khi con tôi hoàn tất đoạn đường nó đã trải qua !"
Thuyết pháp xong, sư bắt đầu tụng kinh siêu độ "Trây lak Khana Sotta" ba lần để nhắc kẻ sống người chết về lý vô thường, vô ngã. Sư rưới nước dừa lên cổ áo quan, rồi ra hiệu cho ông Acha châm lửa.
Ngọn lửa bùng lên cao. Cha me Kim Sa khóc ngất lên và Điền cũng ràn rụa nước mắt. Trong một thoáng Điền nghĩ là từ đây chàng sẽ vĩnh viễn mất nàng. Khổ đau và hận thù lại đùng đùng nổi dậy. Điền nghiến răng đè nén, mắt căm hờn long lên. Phiền não đang chất ngất dày xéo, bỗng Điền bắt gặp ánh mắt dào dạt từ bi của sư Thạch Phen nhìn chàng. Tình thương của sư, phong thái an nhiên của sư lần lần thu phục chàng, xoa dịu cơn khổ đau thù hận trong lòng. Nhờ tiếp nhận được nguồn suối bình an của sư, Điền bắt đầu lặng lẽ suy niệm những lời Phật dạy về cái chết, Điền lẩm bẩm : "Nàng đã đến, nàng đã hoàn tất cuộc hành trình, và nàng lại ra đi. Có ai sống mà không chết đâu ? Cớ sao mình lại phải đau buồn ?". Điền bình tỉnh nhìn dàn hỏa, chàng hình dung lại hình dáng nàng khi liệm. Tư thế ngồi như một bào thai trong đỉnh, bỗng gợi chàng một biểu hiện của tư thế sẵn sàng chuyển kiếp. Thế rồi, Điền chợt có cảm tưởng như mình đã khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự sống và chết. Sanh và tử chỉ là một chuỗi chuyển biến miên miên bất tận, nên thật ra cũng không sanh cũng không diệt, chàng chẳng hề được mà cũng chẳng vĩnh viễn mất nàng. Ôi tử sinh như thế đó : một cửa ngõ ra vào, một trò chơi cút bắt trêu ghẹo khách trần ai. Trên hỏa đài lửa vẫn phừng phực đốt cháy thân xác Kim Sa, nhưng hình như Điền cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn ra. Trong ánh lửa lung linh, chàng cảm tưởng như từ tư thế bào thai, nàng Kim Sa đã bàng hoàng sống dậy. Nàng chẳng hề chết. Nàng vẫn an nhiên tự tại cất tiếng ca vang bài kinh "Không đến không đi" (6), một nhạc phẩm mà chàng và nàng đã có lần nghe những anh em Thanh niên Phụng Sự Xã Hội trình bày :
"Thân nầy không phải là tôi, tôi không kẹt vào nơi thân ấy.
Tôi là sự sống thênh thang, tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt.
Nầy kia, biển rộng, trời cao, muôn vàn tinh tú lao xao, tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức.
Từ muôn đời tôi vẫn tự do
Tử sinh là cửa ngõ ra vào
Tử sinh là trò chơi cút bắt.
Hãy cười cùng tôi, hãy nắm tay tôi
Gặp lại hôm nay, gặp lại ngày mai,
Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngàn nẻo sống……"
Tháng 1.1992
--------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú
Chôlchnam : lễ Vào năm mới của người Việt gốc Miên, nhằm vào mùa trăng giữa tháng tư dương lịch.
Truyện cổ tích Phật giáo về vua Assaka của người Việt gốc Miên không rõ phát xuất từ kinh sách nào. Trong quyển sách "Người Việt gốc Miên" của Lê Hương có ghi chuyện Vua Assaka và hoàng hậu Ubbari, nhưng chi tiết có vài khác biệt với chuyện tác giả nghe được.
Người Việt gốc Miên theo tục lệ hỏa táng nên cổ quan của giới bình dân thường chỉ dùng gỗ tạp, quàng từ một đến ba ngày thì đưa ra nhà thiêu xác (pachha). Đối với các vị sư sãi, hoàng thân hay những gia đình giàu sang, người ta có thể chọn loại cổ quan đặc biệt là đỉnh. Cổ quan nầy hình trụ, nắp hình nón chắc chắn nên có thể quàng cả năm, rồi mới đưa đi thiêu.
Acha : vị bô lão thông hiểu phong tục tập quán kinh điển, thường được dân làng kính trọng thỉnh làm chủ lễ cúng dường, tang ma, hỉ sự.
Uraga Jãtaka : Đây là chuyện tiền thân Đức Phật ghi lại trong bộ Túc Sanh Truyện, nội dung tạm tóm lược như sau : Gia đình người nông dân có người con bị rắn cắn chết. Cả nhà họp lại hỏa táng người vắn số, nhưng không hề khóc than sầu não. Vị Trời Đế Thích ngạc nhiên, hóa hiện để hỏi rõ từng người nguyên nhân nầy :
Người cha giải đáp : "Con người rời bỏ cái vỏ mỏng manh nầy khi đời sống trôi qua, cũng như con rắn lột da cũ bỏ đi. Không lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn người quá cố. Vậy sao tôi phải phiền muộn ?"
Người mẹ đáp : "Không ai mời mọc nó đã đến. Không ai đuổi xô nó vội ra đi. Có gì mà tôi phải âu sầu phiền muộn, khi con tôi hoàn tất đoạn đường đã đi…"
Người em gái đáp : "Dầu tôi có nhịn ăn và khóc than cả ngày, điều đó có đem lợi ích nào không ? Than ôi ! nó chỉ làm thân bằng quyến thuộc thêm bất hạnh…"
Người dâu đáp : "Than khóc cái chết của người thân yêu cũng giống như trẻ con khóc đòi chụp lấy mặt trăng…"
Người tớ gái đáp : "Một lọ đất đã bể, ai có thể ráp lại như cũ ? Than khóc người chết chỉ hoài công…"
6. Kinh Giáo hóa người bệnh (Trung A Hàm số 28, Tăng Nhất A Hàm số 51, Hán tạng tương đương với Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, số 143. Trung A Hàm, tạng Pali), nội dung ghi lại lời thuyết pháp của Ngài Xá Lợi Phất cho Ông Cấp Cô Độc khi vị nầy bị bệnh nặng hành hạ khổ sở. Ngài Xá Lợi Phất khuyên cư sĩ quán niệm về mắt : "Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào con mắt nầy"… Tiếp đến cư sĩ được dạy quán niệm lần lượt đến tai, mũi, lưỡi, thân và ý, rồi sang đến sáu đối tượng giác quan, sáu thức, sáu yếu tố, năm uẩn, và ba thời : quá khứ, hiện tại, vị lai. Đoạn Ngài Xá Lợi Phất chỉ dạy rằng các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt; nên thật ra, tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi. Bài pháp đã được thầy Nhất Hạnh trích dẫn và phổ nhạc dước nhan đề "Không đến không đi"