Chưa bao giờ, Thanh cảm thấy mình thảnh thơi vui thú như chuyến trở về quê hương lần nầy. Ở Việt Nam hiện giờ đã có đầy đủ mọi thứ, “có tiền mua tiên cũng được” như vậy miễn là chàng kè kè mớ đô la dầy cộm là đủ lắm rồi, cần gì phải “gồng gánh” quà cáp chi cho mệt xác.
Do đó, hành trang của chàng chỉ gồm túi ba-lô nhẹ hửng, kèm với chiếc máy chụp ảnh tân kỳ mà thôi. Chàng dự trù về Cao lãnh viếng song thân vài ngày, rồi sẽ lang thang bụi đời đây đó, lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm từ Bắc chí Nam, hầu khám phá ra được những góc cạnh tiêu biểu nhất, hấp dẫn nhất thu lấy những bức ảnh biểu tượng, thỏa mãn nghiệp dư nhiếp ảnh tài tử của chàng. Tung tăng rời quày chiếu khán đi ra cửa, ngoắt chiếc taxi, phóng nhanh vào, chưa kịp yên vị, Thanh đã rọ rạy cầm máy ảnh ngắm nghía hoạt cảnh phi trường rồi ron ren dọ hỏi :
- Bác tài ơi! Bác biết địa điểm nào có cảnh tượng đặc biệt để chụp ảnh nghệ thuật không?
- Tôi không rõ lắm!… A! mà có nơi nầy đặc biệt lắm! Người ta tranh nhau chụp hình, bán hình… làm ăn khá khẳm lắm, nhưng tôi không chắc loại hình ảnh đó có đúng “gu” nghệ thuật không?
- Nơi nào vậy bác tài?
- Ngay tại quảng trường công xã Paris, có bức tượng Đức Mẹ khóc. Vụ nầy báo chí nói rùm beng, thiên hạ bàn tán xôn xao mấy ngày rồi!
- Khóc thiệt không bác tài?
- Thiệt giả khó nói! Chỉ biết rất đông người chen lấn nhau đi xem như trẩy hội vậy đó!
Tuy Thanh thường đề cao ngành nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng trong thâm tâm chàng lại đam mê những cái gì có hơi hướng giựt gân, và nếu khoác thêm vẻ huyền bí mầu nhiệm càng tốt. Chàng đã từng dày công chụp những tấm ảnh kỳ lạ thuộc loại “buồng chuối trổ hình Bồ tát”, “mèo chuột chung sống hòa bình”, “gà ba chưn”… thì câu chuyện tượng đá khóc hấp dẫn nầy làm sao mà bỏ qua cho được. Thanh hào hứng gào lên :
- Hay quá! Anh đưa tôi tới đó nhanh lên!...
Đường về thành phố xe cộ dập dìu, chiếc taxi nhích nhích như rùa bò trong khi đồng hồ giá tiền cứ nhởn nhơ nhảy lạch cạch sốt ruột sốt gan… Thanh đành xuống xe tại quán Hyghlands Coffee đường Đồng Khởi rồi chịu khó rảo bước nhanh về hướng Bưu Điện, len lỏi chen qua đám đông hàng trăm người đang tụ tập quanh tượng trong khuôn viên quảng trường công xã Paris (tức công viên Hòa Bình cũ), để quan sát thật kỹ. Dưới chân tượng có vài mươi giáo dân dập đầu vào bệ đá khóc lóc xưng tội khẩn cầu ân phước, bao quanh còn có khoảng trăm người kính cẩn lần chuỗi mân côi, lâm râm cầu nguyện, nhóm đông lao xao vòng bên ngoài là những kẻ hiếu kỳ, lăng xăng tới lui dòm ngó, đưa máy ảnh bấm lia lịa. Thanh cũng tham gia chen vào, ngắm nghía chọn từng góc cạnh độc đáo để thu ảnh hàng loạt, điểm chính dĩ nhiên là ngôi tượng Đức Mẹ vẫn còn tỏ rõ vết một dòng nước đã khô đặc phát xuất từ giữa tròng mắt bên phải trôi lăn xuống gò má đến cằm, ngoài ra, Thanh cũng thu trọn hoạt cảnh náo nhiệt tại quảng trường để hợp thành một nhóm ảnh tài liệu đầy đủ. Thanh rà bộ phận nhớ máy ảnh, soát lại hình ảnh, gật gù thích thú, nhưng vẫn nấn ná chẳng rời bước, chàng cứ đi loanh quanh ngắm nghía mong sưu tầm thêm vài góc ảnh đặc biệt khác nữa. Thình lình có đám thanh niên chừng bốn người ồ ạt chen lướt vào. Có lẽ, họ sống ở Tây phương khá lâu, nên giọng nói hơi cứng, đi đứng mạnh bạo, và nói năng cũng quá đổi tự nhiên. Đám thanh niên ồn ào cười giỡn, quơ tay múa chân, chỉ chỏ bức tượng, rồi tranh nhau phẩm bình :
- Đức Mẹ toàn năng sao lại phải rơi lệ như vậy kìa? Trông thảm quá!
- Ủa! Sao nước mắt không chảy từ khóe, mà chảy giữa tròng! Chuyện nầy hơi khác thường à!
- Ưà! Mà tại sao chỉ khóc có một mắt mà thôi, lạ thiệt!
Có lẽ nhận thấy đám bạn mình phát ngôn ồn ào bừa bãi quá, chàng thanh niên có dáng dấp là bậc đàn anh chững chạc, lên tiếng :
- Tụi bây ăn nói nhỏ nhỏ một chút có được không? Muốn bàn cãi gì thì về nhà mặc sức la hét!
Lời khuyên ngăn đưa ra vào thời điểm nầy dường như đã quá trễ. Trong nhóm người đang lâm râm khẩn thiết cầu nguyện, nhiều vị lộ vẻ khó chịu, lúc đầu họ chỉ càu nhàu thì thầm với nhau, nhưng tiếng lào xào chỉ trích lớn dần, lớn đến mức vừa đủ nhắn gởi cho người bên ngoài nghe... Đám thanh niên cũng có người đối đáp trả treo bông lông… Thế rồi, hai đám bắt đầu nhao nhao lớn tiếng tranh luận, trận đấu khẩu leo thang với vận tốc khó ước lường, từ đó chuyện lôi kéo, đấm đá có nguy cơ bùng nổ. “Rủi ro chuyện đó xảy ra, mình dám bị vạ lây lắm!”, vừa thầm nghĩ điều nầy, lòng hiếu kỳ của Thanh vụt tắt lịm, chàng hấp tấp lách khỏi đám đông, rồi bươn bả thoát đi một mạch đến ngả tư đường Trần hưng Đạo, suýt đụng vào một người bộ hành đi ngược chiều mới đứng sửng lại. Thanh bối rối ấp úng xin lỗi người đối diện, một ni cô trẻ đẹp, dịu hiền mà thoát tục như tranh tượng Đức Bồ Tát Quán Thế âm :
- Xin lỗi sư cô, tôi hấp tấp quá!
Sư cô mĩm cười tươi mát :
- Không có chi! Đạo hữu đã phản ứng kịp thời kia mà!
Thấy sư cô trẻ đẹp mà vui tính, anh chàng “nghĩ sao nói vậy” lân la nói :
- Dường như tôi như đã gặp sư cô đâu đó… trông sư cô quen quen! À! Tôi nghĩ được rồi! Thì ra, sư cô có nét đẹp thanh thoát như tượng Bồ Tát Quan âm tại ngôi chùa tỉnh, thảo nào tôi cứ ngờ ngợ mãi!
- Đạo hữu lầm rồi! Tượng Quan âm nào cũng tạc dưới hình tướng cư sĩ, tóc tai y áo và trang sức đẹp đẽ chớ đâu có tượng nào gọt đầu trọc lóc, mặt mầy u ám như tôi, mà đạo hữu bảo rằng giống?
Khi vừa lên tiếng thì Thanh liền nghiệm ra là mình hớ hênh nói một câu có vẻ tán tỉnh kẻ tu hành là một điều sai trái đáng trách, vì vậy, khi nghe câu đối đáp tợ như bắt bẻ của sư cô, Thanh cảm thấy quê quê thèn thẹn trong lòng, bèn nói lảng sang chuyện khác :
- À! Sư cô cũng hiếu kỳ muốn xem chuyện lạ về tượng Đức Mẹ phải không? Xin đừng đến đó lúc nầy, sắp có màn choảng nhau ở đấy!
- Thưa, tôi không dự định đến nó. Tôi đang trông ngóng một Phật tử xin quá giang về Cao Lãnh, đợi hoài mà chưa thấy!
Thanh nghe sư cô xử dụng từ ngữ quá giang quê mùa suýt bật cười, nhưng cố gắng đè nén, rồi nghiêm trang đề nghị :
- Tiện dịp tôi cũng về Cao Lãnh thăm gia đình ngày hôm nay, nếu sư cô không ngại thì tôi xin thỉnh sư cô cùng đi…
- Hên quá mức là hên! Đúng là “buồn ngủ vớ được chiếu manh”, thì đâu có ai lại từ chối cho được!
- Vậy thì xin sư cô cứ chờ đợi nơi đây, tôi thuê xe rồi trở lại ngay!
Thanh nhanh nhẹn đến dịch vụ cho thuê xe đặt trong văn phòng một khách sạn gần đó, bao chiếc du lịch rồi hướng dẫn tài xế đưa đến điểm hẹn. Nhận thấy sư cô có vẻ “ngông ngông tửng tửng” sao đó, nên chàng cũng “tếu tếu” cho vui. Thanh mở cửa xe, đon đả :
- Tôi xin long trọng thỉnh mời sư cô “quá giang”!
Sư cô lừng khừng đáp :
- Xin đạo hữu làm ơn bỏ qua mấy chữ “long trọng mời thỉnh” đó đi! Từ quá giang tự nó hồn nhiên tươi mát rồi, kèm theo mấy chữ khuôn sáo kia sẽ làm giảm bớt nét đẹp của nó đi!
- Sao kỳ vậy sư cô?
Sau khi ngồi yên vị, sư cô nở nụ cười dễ dãi tiếp tục cất tiếng :
- Có gì lạ đâu? Những cụm từ “long trọng mời thỉnh hay cung kính cúng dường… ” thuộc thứ lễ nghi hình thức nên khô khan rổng tuếch, nghe mãi nhàm chán lắm! Nó đâu có hồn nhiên, dạt dào tình nghĩa như cái tiếng quá giang của dân quê mình!
- Tôi vẫn chưa hiểu ý sư cô!
- Quá giang nghĩa đen là qua sông. Ông bà già ngày xưa “trượng nghĩa” đưa người sang sông vì lòng từ, vì tình cảm, chớ không vì quyền lợi, dần dà chữ quá giang dùng rộng sang lãnh vực đất liền, nhưng nội dung thương yêu, cưu mang đùm bọc kẻ thiếu phương tiện cũng nguyên vẹn như xưa. Tóm lại! Chữ quá giang bao đời đã bàng bạc chuyên chở tình người như vậy, nên tôi ưa chuộng nó vô cùng!
- Sư cô có ý nghĩ “ngộ” quá há! Hì! Hì! Nếu như vậy thì sư cô cứ tự nhiên mà “quá… giang”, tôi cũng “trượng… nghĩa” nên sẽ không bao giờ rườm rà long trọng mời thỉnh chi cả!
Dứt lời, Thanh tủm tỉm cười, tán thưởng cho câu nói giễu cợt, cố tình kéo dài nhằng hai chữ trượng nghĩa và quá giang của mình.
Sư cô cũng “tếu” không kém, tươi vui lên tiếng :
- Thời buổi nầy mà tôi còn “k.i.ế.n” được bậc trượng nghĩa thì quả đúng là chuyện thế gian hy hữu rồi!
- A! nhưng mà sư cô muốn quá giang đến chùa nào hay địa điểm nào?
- Nơi nào cũng được, miễn là có vị Bồ Tát cho tôi chiêm ngưỡng hành hoạt của vị đó là quí nhất rồi!
- Tôi nghe nói ở Trung Quốc có bốn thánh địa của chư Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm và Địa Tạng, nhưng tôi rất tiếc không đủ phương tiện đưa sư cô quá giang đến tận nơi đó cho được!
- Aäy! Tôi chẳng thích chiêm bái hình tượng gỗ đá nên nào có mơ ước tham quan các thánh địa nầy! Tôi thực lòng chỉ muốn chiêm ngưỡng những vị Bồ Tát đang thực sự sống lẫn lộn với chúng ta trên cõi đời nầy! ở quê hương Đồng Tháp nầy đây mà thôi!
- Trời đất! Làm gì có Bồ Tát ở chốn nầy hả sư cô?
- Đạo hữu không thấy người ta tạc tượng Bồ Tát Quan Âm như một thiếu nữ trẻ đẹp, còn Bồ Tát Văn Thù như một vị tướng quân sao?
- Cái đó! Cái đó… bất quá là họ căn cứ vào những truyền thuyết huyền hoặc, chứ đâu phải là chuyện thật, thưa sư cô!
- Có chứ! Phải có những vị Bồ Tát hiện hữu và đang chung sống với chúng ta chớ! Vấn đề là ta phải thành khẩn tầm cầu, phải lắng lòng, lắng nhìn, lắng nghe thì mới khám phá ra được! Tôi năn nỉ đạo hữu hãy ráng lắng lòng truy ra vị Bồ Tát bằng da bằng thịt tại quê hương Đồng Tháp nầy dùm tôi mà!
Thấy Thanh chỉ chắc lưỡi một tiếng rồi lặng yên không thèm góp ý kiến thêm bớt gì nữa, sư cô cười cười tiếp lời :
- Để thay đổi không khí và để làm món quà cho chuyến đi nầy, tôi xin thuật một giai thoại vui có ý nghĩa về tổ sư Vô Trước, chẳng biết đạo hữu có bằng lòng nghe không?
Nghe bàn luận chuyện đạo dông dài ngán ngẩm vô cùng, huống chi, Thanh lại quá mệt mỏi sau cuộc hành trình hai ngày tù túng dài đằng đẵng trên phi cơ, chàng thầm kêu khổ mà vẫn gắng gượng làm vui, miệng cười méo xẹo đáp :
- Dĩ nhiên là tôi bằng lòng! Tôi thích lắm chớ!
- Theo truyền thuyết thì trước khi nhập diệt, Đức Phật đã huyền ký rằng sau 900 năm, sẽ có một đại sỹ ra đời xiển dương Luận tạng, Ngài tên là Vô Trước tức Asanga (1). Sư xuất gia theo phái Nhất Thiết Hữu Bộ, nhân nghe Ngài Tân đầu La (Pindola) giảng về Không quán mà ngộ nhập đạo mầu. Tuy vậy, sư vẫn chưa hài lòng, nên tiếp tục ẩn tu tại một hang động bí mật tại núi Chân Chim, ngày đêm tham thiền nhập định trong chín năm dài mong diện kiến Bồ Tát Di Lạc nhưng sở nguyện không thành. Thất vọng sư rời hang động ra đi. Dọc đường, sư bắt gặp con chó sói trong cơn hấp hối, nằm oằn oại rên siết bởi đám giòi đục khoét thấu xương. Tình thương con chó tràn ngập, sư phát tâm xoa dịu cơn đau cho nó bằng cách gắp giòi ra khỏi vết thương, nhưng nếu thực hiện điều nầy thì số phận của đám giòi háu đói lại bi thảm vì mất môi trường sống. Lo lắng cho mạng sống của đàn giòi, sư bèn tự cắt một miếng thịt của mình để làm chỗ nương thân cho chúng. Chừng chuẩn bị gắp giòi, sư lại e ngại hành động nầy không khéo có thể khiến những con giòi mềm yếu bị tổn thương, mà chính con chó cũng bị đụng chạm gây đau đớn nữa. Cuối cùng sư suy ra được một giải pháp tốt đẹp mọi bề, bằng cách quì xuống, ôm con chó vuốt ve vỗ về, rồi dùng cái lưỡi mềm mại của mình thận trọng liếm nhẹ từng con, từng con giòi, đưa ra ngoài. Thình lình nghe như có tiếng khảy móng tay, rồi hốt nhiên con chó bệnh hoạn biến dạng, và trước mắt sư hyển hiện Đức Di Lạc, vị Bồ Tát mà bao năm trời sư ước nguyện diện kiến thỉnh học giáo nghĩa Duy Thức. Sư mừng rỡ đảnh lễ Bồ Tát Di Lạc, sau đó, khẩn khoản thỉnh cầu Bồ Tát giải tỏa điểm thắc mắc to lớn của mình : "Thưa Ngài, con tu tập trong hang động bao năm trời tha thiết diện kiến Ngài nhưng vô vọng, duyên phúc nào mà đến giờ phút nầy, trong khi con không ước mong mà lại gặp được Ngài?”. Bồ Tát đáp : “ Lúc nào ta cũng kề cận bên con, nhưng vì tâm thức con còn ngăn che bởi dục vọng phiền não nên chưa thấy được ta. Giờ đây, tâm từ bi của con rộng mở khiến cho màng dục vọng ngăn che tâm thức biến mất, nên con mới có khả năng thấy được ta…”
-Chuyện hay quá xá là hay! Nghe cảm động dễ sợ hà!
Người nhanh nhẩu lên tiếng lại là bác tài, ngược lại cái anh chàng Thanh vẫn cứ trầm ngâm im lặng khiến sư cô chờ đợi mãi sốt cả ruột gan, bèn cất tiếng vặn hỏi :
- Còn đạo hữu Thanh nghĩ sao về câu chuyện nầy?
- Ơ! Ơ! Tôi vụng về lắm sư cô ạ! Tôi có “tật thật thà” nghĩ sao nói vậy dễ mích lòng lắm! Xin sư cô miễn cho tôi việc góp ý đi!
- Ậy! Cái tật thật thà mới chính là điểm đáng tán thán chớ! Xin đạo hữu cứ “phán” một lời thật thà cho tôi nhờ!
- Xin lỗi nhe sư cô! A!À!..
Thanh đằng hắng, rồi nói tiếp :
- Câu chuyện “liếm giòi” nầy … cũng … hấp dẫn, nhưng… coi bộ… coi bộ…ơ… ơ… huyễn hoặc khó tin quá mức! Sư cô ạ!
- Xin nhắc nhở đạo hữu đây chỉ là một giai thoại, có nghĩa là một chuyện không có giá trị lịch sử. Tôi thật lòng không cố ý thuyết phục người nghe tin tưởng mù quáng vào tình tiết câu chuyện, mà chỉ mong người nghe nương vào đó để ý thức được rằng nếu tâm mình trong lành, mình lắng lòng, lắng nhìn, lắng nghe thì có khả năng khám phá được hành hoạt của chư Bồø Tát hằng hiện hữu trong cuộc đời của ta. Vậy thôi!
Thanh bắt bẻ :
- Dẫu sao, vị Bồ Tát trong câu chuyện nầy là Ngài Di Lạc ở cung trời Đâu Suất, chớ đâu phải là vị thực sự hiện hữu chung sống với xã hội loài người. Sư cô mang ra chứng minh thuyết của sư cô có lẽ không vững lắm!
Sư cô đuối lý mà vẫn gượng gạo chống chế :
- Thì tưởng tượng hay thực tế, cũng … ơ… ơ… cũng gần gần như vậy mà! Với lại, tôi tin tưởng rằng đạo hữu đã dư sức biết rõ vị Bồ Tát đó rồi! và nếu như đạo hữu thực lòng, có thiện chí thì sẽ hướng dẫn tôi đến gặp dễ dàng mà!
Thấy sư cô cứ nài ép mình dính dáng vào việc lùng kiếm vị Bồ Tát tưởng tượng một cách vô lý mãi, Thanh bực bội lắm, nhưng chàng chẳng muốn lýsự cù nhầy với vị ni cô “ngông ngông” thêm nữa. “Thế nhưng, - Thanh thầm nghĩ - nếu chưa hứa hẹn một tiếng thì còn tranh luận dài dài chớ dễ dầu gì được yên thân, chi bằng mình tạm dùng kế hỗn binh : cứ hứa càn cho qua, sau đó, mình chỉ bừa ai là Bồ Tát chẳng được! Tưởng tượng ra cảnh mình đưa sư cô đến trường mẫu giáo, cho bả lớ quớ sà quần với đám con nít trần truồng mũi chảy lòng thòng để truy tầm Bồ Tát, chắc phải là vui nhộn lắm!” Hài lòng với âm mưu của mình, Thanh tủm tỉm cười, hòa hỗn lên tiếng :
- Được rồi! Sư cô yên chí lớn đi! Tôi sẽ hướng dẫn sư cô gặp được bậc chân chánh Bồ Tát như cô mong muốn!
Dứt lời, để tránh kéo dài cuộc đối thoại, Thanh ngã đầu nhắm mắt lim dim ngủ, mãi đến khi về đến tỉnh lỵ, tài xế lên tiếng hỏi đường đi, thì mới vươn vai choàng tỉnh dậy. Thanh nhìn sang sư cô thăm dò :
- Sư cô có định ghé nơi nào không?
Thấy sư cô lắc đầu ngoay ngoảy, Thanh bèn tiếp lời :
- Vậy thì sư cô vẫn nhất quyết đi tìm Bồ Tát phải không?
- Đạo hữu đã hứa chắc kia mà!
- Tốt lắm!! Bác tài ơi! Cho chúng tôi đến xã Phong Mỹ nhé!
- Phong Mỹ hướng nào vậy? Có xa lắm không anh?
- À! thì cứ theo tỉnh lộ đi Hồng Ngự chừng 10 cây số, khi vừa qua cầu kinh Nguyễn văn Tiếp, nhớ quẹo phải vào hương lộ Mỹ An, đi một đổi thì tới liền hà!
Đến địa phận xã Phong Mỹ, Thanh hướng dẫn tài xế cho xe chạy dọc theo con đường cặp theo kinh đào, đoạn rẽ vào đường đất nhỏ hẹp, dừng lại nơi mà Thanh gọi là bến đò bác Bảy Ưu, ở cận bờ kinh.
Thanh cười khà khà “dọa” sư cô :
- Bồ tát ở ấp bên kia bờ kinh! Sư cô phải chịu khó qua đò, rồi phải lội bộ vài ba cây số đó nhe!
Chẳng nao núng tí nào, sư cô đáp tỉnh bơ :
- Dư sức mà!
Thanh trả tiền xe, vừa phóng ra ngoài đã hướng sang bờ bên kia, tay phất, miệng gọi in ỏi : “Bác Bảy ơi! Bác Bảy!”. Ở bên kia, lão chèo đò cũng ới ới trả lời. Tiếng gọi đò nầy, khiến cho mấy chàng trai ngồi khuất trong quán nước khám phá ra người quen. Họ túa ra mừng rỡ bao vây quanh Thanh cùng nhau tíu tít nói cười. Thanh mang máy ảnh tân kỳ ra khoe, chụp cho đám thân hữu nhiều kiểu. Đò sắp cặp bến, họ vội hẹn hò nhau một buổi nhậu cho đã đời, rồi chia tay. Cảnh chiếc thuyền con lướt sóng, theo từng nhịp quẫy chèo khoan thai của ông lão, là góc ảnh thật sống động. Thanh nhanh nhẹn bấm hàng chục tấm, nhân tiện, thấy sư cô đang nhởn nha ngắm cảnh trời mây sông nước, Thanh cũng đưa máy ảnh ngắm nghía bấm vài kiểu.
“Thưa bác Bảy!”. Thanh phóng xuống đò cái rụp, ngó lại thì thấy sư cô cũng bước xuống gọn gàng và chọn chỗ ngồi xa xa rồi. Sư cô luôn tỏ ra lịch sự, không hề chộn rộn khi chàng vồn vã trò chuyện với người quen. Nhờ chẳng chút bận tâm, chàng thoải mái nói nói cười cười ríu rít với lão chèo đò :
- Hai bác vẫn mạnh? Xóm giềng có chuyện gì lạ không bác?
- Ờ! Cũng nhờ Trời Phật độ nên hai bác vẫn mạnh cùi cụi hà! Xóm giềng mình hả! Năm nay trúng mùa lúa, nên ai cũng khá khẳm! Chú Sáu cất lại nhà, nhà lầu bảnh tẻn lắm! Thằng Hiền, con Thảo đậu Đại Học, thằng Sang, con Trọng mua xe Dream… Ừ! Con út Mười đó! mới đám cưới chưa giáp năm đã sanh được thằng con kháu khỉnh, giống hệt thằng tía nó hà!...
Chuyện làng trên xóm dưới chưa kể giáp vòng thì đò đã cặp bến. Thanh định nấn ná hỏi han, thì đã nghe ông lão thúc hối :
- Má bây chạy tới lui lóng nhóng trông chừng bây mấy lần rồi đó! Về nhanh đi, kẻo bả lo!
Nghe mẹ ngóng trông, Thanh xuống đò, sải nhanh mấy bước, ngó lại cũng thấy sư cô theo sau bén gót. Sư cô nhắc nho nhỏ :
- Đạo hữu quên trả tiền đò rồi!
- Hổng phải quên! Tại bác Bảy không chịu lấy tiền!
- Bộ đạo hữu có bà con với ổng sao?
- Hổng phải vậy! Quen lạ, sang hèn, già trẻ gì, hễ “ới” thì có bác Bảy sẵn sàng đưa qua sông. Hì! Hì! Trượng nghĩa mà! Cho quá giang đâu có lấy tiền!
- Ông làm việc nghĩa như vầy bao lâu rồi? mỗi tuần được mấy ngày? mỗi ngày mấy chuyến?
- Mỗi ngày bác phải đưa rước chừng 300 lượt, nếu chịu lấy tiền thì đã khá khẳm rồi, nhưng bác nói mình ăn chay có tốn hao gì mà cần tiền. À, còn vụ chèo đò nầy bắt đầu từ lúc nào hả? Ơ! Lâu lắm rồi! Để tôi nhớ kỹ lại coi – Thanh trầm ngâm mơ về dĩ vãng, rồi miên man kể tiếp – Hồi tôi đang học lớp bốn, tính ra khoảng mười sáu, mười bảy năm về trước, mỗi ngày chúng tôi phải kéo ra bờ kinh chờ có thuyền ngược xuôi kêu réo xin quá giang qua bờ bên kia để đi học. Bọn con nít chờ đợi rã ruột mà đôi khi chẳng ai thương tình giúp đỡ, vài đứa dạn dĩ cởi quần áo lội càn qua kinh, số đông đành bỏ học. Thương đám học trò, bác Bảy thường sắp xếp thời giờ thuận tiện chu đáo đưa rước chúng đi học. Nhân đó bà con chòm xóm bắt đầu xin quá giang : đi chợ, cúng đình, lo việc làng, việc tỉnh hay đi nhậu nhẹt linh tinh gì bác cũng rộng lòng. Dần dà kẻ lạ người quen chỉ cần “ới ới” bên sông, thì đã có bác vội vàng cong lưng chèo xuồng qua đón. Thét rồi, bác Bảy phải bàn giao ruộng nương cho con cái, cất cái chòi nhỏ thường trú tại đây để sẵn sàng phục vụ cho mọi người bất kể ngày đêm, khi mưa gió hay mùa nước đổ hyểm nghèo… đang ngủ bị gọi thức dậy bác vẫn vui vẻ hề hà, ai thô lỗ hỗn hào bác vẫn từ tốn, đôi khi, bác còn cho kẻ lỡ đường trú ngụ qua đêm, chăm sóc xức dầu cạo gió, tặng thuốc cho người bệnh, giã rượu cho kẻ say… nữa!
Sư cô thảng thốt than :
- Ôi! Trên cõi đời nầy có mấy ai âm thầm làm việc nghĩa? Làm bền bĩ liên tục đêm ngày gần 20 năm trời màvẫn không mệt mỏi nhàm chán? Làm với tình thương yêu vô bờ, tận tụy hy sinh? Ai có thể làm được những chuyện hy hữu đó nếu không phải là bậc hành hạnh nguyện Bồ Tát, mang tâm từ bi hỷ xả dâng hiến cho chúng sanh!
Sư cô im lặng trong giây lát, rồi nói với Thanh :
- Thì ra, vị Bồ Tát đang hiện hữu sống lẫn lộn với ta trong cuộc đời ô trọc nầy mà tôi khao khát tầm cầu chính là ông lão chèo đò quê mùa tại chốn nầy. Giờ thì tôi đâu cần gì phải lặn lội đến đạo tràng nào hay chốn thâm sơn cùng cốc nào để tìm kiếm những vị Bồ Tát mơ hồ bí hyểm chi nữa. Thôi! Xin từ giã đạo hữu, tôi phải trở lại bến đò để chiêm ngưỡng và cũng để tìm hiểu xem bao người nương thuyền quá giang có ai nương được vào nhân cách của ông để “đáo bĩ ngạn” - qua bờ giác bên kia - không?
Thanh bàng hoàng sửng sốt. Lời than êm dịu mà nghe như sấm sét lưng trời khiến Thanh rung chuyển cả thân tâm. Chàng thầm nhủ : “Ôi! Mình đôn đáo cả đời săn tìm những chuyện huyền bí không tưởng đâu đâu, trong khi sự thực hyển bày trước mắt thì đui mù chẳng thấy! Ôi! Mình sống gần gũi bên cạnh bác Bảy, biết rõ con người đạo nghĩa đôn hậu của bác mà vì quen quá nên khinh lờn, không biết lắng lòng, lắng nhìn để thấy, để cảm khích hạnh nguyện cao cả của một bậc Bồ Tát!”. Choàng tỉnh cơn mê, thấy sư cô đã đi mất dạng, Thanh cũng quày quã trở lại bến đò. Chàng chiêm ngưỡng phong thái Bác Bảy, cảm nhận được suối nguồn tin yêu hạnh phúc tràn ngập cõi lòng, rồi chàng kính cẩn lên tiếng : “Thưa bác! Nhờ được sư cô mở mắt, con mới thấu hiểu phần nào tâm từ bi vô lượng của bác!”. Bác Bảy cười hệch hạc : “Thằng nói tầm xàm hà! Tao chỉ làm có việc đưa đò thôi, nhằm nhò gì đâu mà mầy bày đặt khen với tặng!”. Chàng muốn tán thán lời trang trọng hơn nữa, nhưng e ngại lời mình chỉ khiến cho con người chân chất khiêm cung đó thêm bối rối, nên chỉ cười cười rồi hỏi :
- Bác Bảy đưa sư cô qua sông rồi sao?
- Sư cô nào? Là ai vậy?
- Sư cô cùng đi chuyến đò với con đó bác!
- Coi kià! Bây lại nói bắt quàng nữa rồi! Bây đi chuyến đó có mình ên hà! Có ai đi chung với bây đâu?
- Kỳ thiệt!
Thanh lấy máy ảnh ra, kiểm điểm từng tấm ảnh còn giữ nguyên trong bộ phận nhớ. Tất cả đều bình thường, riêng năm kiểu chụp sư cô tại bờ kinh bên kia thì không có hình bóng chi cả, ngoại trừ áng mây trắng thong dong trên nền trời xanh.
Tháng 2.2006
Ghi chú :
1. Vô Trước Bồ Tát (310-390) : Ngài là vị tổ sáng lập ra trường phái Du Già(Yogacara), tức Duy Thức tông. Ngài thoạt xuất gia theo tông phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Tiểu thừa), về sau Ngài chuyển sang nghiên cứu Đại thừa chuyên về Duy Thức. Theo truyền thuyết của Tam Tạng kinh điển Trung Hoa thì Ngài Vô Trước đã vận dụng thần thông lên cung trời Đâu Suất để học đạo với Bồ Tát Di Lạc về Duy Thức học, về sau Ngài lại trở lên Đâu Suất lần nữa để thỉnh Ngài Di Lạc giáng thế giảng Pháp. Từ đó, Ngài chuyên giảng dạy và xương minh Duy Thức nên được thế hệ sau tôn xưng là Đệ nhất tổ Duy Thức tông. Giai thoại về Ngài Vô Trước xả thân chăm sóc con chó bệnh ghẻ lở lói và đàn giòi ghi trong truyện ngắn nầy xuất phát từ nguyên bản Tây Tạng trong quyển “Cang-Skya on Yogacara” và đã được thầy Thích Tâm Thiện diễn dịch dưới tựa đề : ”Tà áo Cung Trời Tushyta – Truyền thuyết về cuộc đời của Đại Luận sư Vô Trước (Asanga)”Giai thoại nầy dường như không lưu dấu vết trong tam tạng Trung Hoa)
2. Bảy Ưu : Trần văn Bảy (sanh năm 1947) tục danh Bảy Ưu là một nhân vật sống thực tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo nguồn tin báo Thanh Niên (do Vietnamnet.vn đăng lại ngày 04.10.2005) thì Ông Trần văn Bảy, ngụ tại ấp 5, xã Phong Mỹ, Cao Lãnh, từ năm 1990, đã giao ruộng vườn cho con gánh vác để dấn thân làm việc đưa đò miễn phí cho đồng bào. Để thực hiện điều nầy, ông dựng cái chòi nhỏ sát bên kinh Nguyễn văn Tiếp (còn gọi là kinh Đồng Tháp) làm chỗ tạm trú, hầu ngày đêm thường trực phục vụ không ngừng nghỉ kể cả khi mưa gió hay mùa nước nổi hyểm nghèo. Mỗi ngày trung bình ông đưa 300 lượt khách, xe đạp và xe gắn máy. Ngoài việc đưa đò, vợ chồng ông còn giữ xe, phát thuốc Nam – tất cả đều miễn phí – cho đồng bào. Tâm lượng của Ông Trần văn Bảy, chân chất, hiền hòa, sống bình thường mà hành Bồ Tát hạnh, đã là nguồn cảm hứng cho tác giả khi viết truyện ngắn nầy. Tác giả thành tâm ngưỡng mộ và xin trang trọng tán thán Ông.