Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> An Tâm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 779 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

An Tâm
Huỳnh Trung Chánh

 Tuy không phải một thiền sinh chân chính, nhưng chú Sáu rất tôn quý hòa thượng Thanh Từ. Chú thao thức mong được hội kiến với hòa thượng, trực tiếp ngắm nhìn, lắng nghe hòa thượng ban pháp từ, và đôi khi tuy không hiểu thâm sâu lắm, chú Sáu vẫn cảm thấy đón nhận được sự tươi mát và niềm an lạc của hòa thượng từ một suối nguồn đạo đức vô hình nào đó tỏa ra, nâng đỡ chú thêm vững mạnh và tinh tiến trên con đường tu sửa thân tâm. Chính vì vậy mà khi hay tin hòa thượng sang Mỹ lần cuối cùng, trước khi vĩnh viễn nhập thất cho đến ngày từ giã cõi giả tạm nầy, tuy cư ngụ Ở tiểu bang xa xôi, chú cùng bè bạn hâm hở rủ nhau về thiền viện Đại Đăng, thị xã Bonsall, Nam California, để chiêm ngưỡng thầy.
Tuy nằm sát vùng biển Oceanside ồn ào, nhưng thị xã Bonsall lại là một địa điểm tịnh dưỡng nhỏ bé, thanh vắng, với những sân golf, trường đua ngựa, trang trại huấn luyện ngựa đua, nhà nghỉ mát... quây quần quanh những ngọn đồi con lúp xúp, mỗi ngọn đồi tọa lạc một ngội biệt thư nguy nga, xanh um cây trái. Thiền viện Đại Đăng nằm trên triền đồi xinh xắn, có tầm nhìn rộng rãi quan sát phong cảnh thanh lịch khắp bốn phương. Chú Sáu tìm về Đại Đăng tương đối trễ, vào khoảng 11 giờ 30 sáng thứ tư 6.11.02, Phật tử khắp nơi đã quy tụ về đông đảo, bãi đậu xe đầy ấp, nhưng nhờ khuôn viên rộng rãi, Phật tử dè dặt lời nói, nên thiền viện vẫn giữ được vẻ thanh tịnh trang nghiêm. Đây là ngày mà ban tổ chức dành riêng cho báo giới người Việt hải ngoại tiếp xúc phỏng vấn thầy. Phật tử ngồi san sát trong và ngoài chánh điện, xúc động lắng nghe từng lời giải đáp trong sáng của thầy, Chú Sáu nhận thấy có nhiều cặp mắt đẫm lệ, và tự hỏi có phải họ đã mũi lòng trước những lời dặn dò từ biệt thâm thiết của thầy chăng? Cuộc phỏng vấn sắp chấm dứt, Chú Sáu chỉ được nghe một ký giả trẻ thỉnh cầu thầy “ban cho lời dạy ngắn gọn nhứt để tu tập đạo giải thoát”. Thầy cười hiền hòa đáp “ngắn gọn thì không gì ngắn hơn câu chuyện an tâm của tổ Đạt Ma dành cho Ngài Huệ Khả”. Rồi thầy tươi vui kể lại sự tích xưa. Buổi lễ kết thúc với sự hài lòng của tất cả mọi người.
Nhờ được quý thầy cô hướng dẫn, Chú Sáu may mắn được diện kiến thầy vào buổi trưa. Thầy mĩm cười bảo : “Con lớn tuổi, trông hơi khác xưa!” Chú Sáu đảnh lễ, lặng lẽ ngắm nhìn thầy thật kỹ để đón nhận lòng từ bi thánh thiện của thầy tỏa ra ngoài, rồi xin phép lui ra. Đối với chú Sáu, giây phút diện kiến thầy thật tuyệt vời, chú không muốn lên tiếng để phá tan nguồn xúc cảm dâng tràn, đang và sẽ nâng đỡ chú tinh tấn hơn trên con đường tu tập. Chú Sáu lưu lại hai ngày để có dịp tham dự thực tập thiền và cũng để tham dự buổi lễ xuất gia được tổ chức trang nghiêm và cảm động cho hơn bốn mươi tân sa di, sa di ni.
Khi Chú Sáu vừa về đến nhà, chưa kịp nghỉ ngơi thì có anh bạn pháp danh Tâm Không liên lạc viếng thăm. Vốn là đệ tử trung thành của hòa thượng, anh thiết tha chờ đợi thầy, nhưng nay gặp trường hợp bất khả kháng không di chuyển xa được, đành háo hức chờ bạn về để hỏi han tin tức nóng hổi tại Đại Đăng. Anh bị tai nạn lưu thông tháng trước, không thể tự lái xe, nên nhờ Hải, người con lớn đưa đến. Hải ké né ngồi một góc. Chú Sáu bảo anh ta tự nhiên xem truyền hình, để đỡ nghe câu chuyện của hai ông già, mà chú tin chắc rằng anh ta rất chán ngán. Tâm Không rối rít hỏi han lung tung từ chuyện sức khỏe của hòa thượng, đoàn tăng ni tháp tùng, lịch trình hoằng pháp, tương lai thiền phái sau khi thầy nhập thất vĩnh viễn... anh lại chuyển câu hỏi sang Đại Đăng, Ngọc Chiếu... vân vân và vân vân, khiến Chú Sáu chới với trả lời hụt cả hơi, mà dường như Tâm Không vẫn chưa thỏa mãn. Câu chuyện tưởng chừng sắp kết thúc, bỗng anh ta lại lên tiếng :
- Còn vụ họp báo như thế nào? Sao chẳng nghe anh kể chi tiết nào cả?
- Ơ! Tôi đến trễ, nên chỉ nghe kể lại là diễn tiến buổi phỏng vấn rất tốt đẹp. Ngoài ra, đích thân tôi chỉ nghe một cậu ký giả yêu cầu thầy ban một lời pháp “ngắn, gọn nhứt để tu tập đạo giải thoát!”.
- Trời! Tu giải thoát mà đòi ngắn gọn! Hóc búa thật! Rồi thầy đáp như thế nào?
- Tôi chỉ nhớ đại khái là thầy ôn tồn đáp : “Ngắn gọn nhứt thì có lẽ phải kể đến câu chuyện ngộ đạo của Ngài Huệ Khả. Nguyên sau khi theo tổ Đạt Ma tu tập một thời gian, một hôm Ngài Huệ Khả(#1) thỉnh tổ : “Tâm con chưa an! Xin thầy dạy con pháp an tâm”; Tổ đáp : “Ngươi đem tâm ra đây ta an cho”; Huệ Khả thầm lặng hồi lâu rồi cất tiếng: “Con tìm tâm không thể được”. Tổ phán : “Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi!”
- Khâm phục! Khâm phục! Chỉ cần mấy lời vắn tắt mà thầy đã đưa ra được pháp tu cao vút tuyệt vời!
Hải đang vớ vẩn xem truyền hình, bỗng buột miệng chen vào :
- Con thì chẳng biết tuyệt vời ở chỗ nào cả! Con chỉ thấy tối mò! Chẳng đầu đuôi gì hết! Kẻ không tìm ra tâm thì được tổ tuyên bố là an tâm rồi, là ngộ đạo! Sao mà dễ dàng quá, mà cũng kỳ dị khó hiểu quá!
Tâm Không nghe con chen vào câu chuyện của người lớn “phát ngôn bừa bãi” đụng chạm đến bậc cao tăng đạo hạnh, vừa tức, vừa thẹn, mặt đỏ bừng, nghiến răng kẹt kẹt mà không thốt được tiếng nào. Có lẽ Hải không ngờ lời phát biểu của mình khiến ông già giận dữ chừng ấy. Anh ta thộn mặt chẳng biết phải đối đáp thế nào cho ổn. Cuộc đàm luận bỗng trở nên ngột ngạt khó thở. Thật ra, Hải không phải là một thanh niên hỗn láo, anh lớn lên và được dạy dỗ theo lề lối Hoa Kỳ, là ai cũng có quyền tự do phát biểu ý kiến, nên anh nghĩ sao thì nói vậy mà thôi. Chú Sáu hiểu tâm lý bọn trẻ, là phải giải thích suy luận hợp lý thì may ra chúng mới tuân phục, chớ không thể dở trò đàn áp theo lối “cả vú lấp miệng em” như ở Việt Nam được, nên cười giả lả lên tiếng :
- Cháu Hải ạ! Cùng một sách lược chánh trị y hệt nhau, nhưng nếu lời nói do một người dân quèn đề xướng thì chẳng ai quan tâm, ngược lại nếu do một vị nguyên thủ quốc gia tuyên bố thì sẽ phát ra một huy lực mạnh mẽ. Điều đó đúng không cháu?
- Đúng lắm!
- Cũng vậy đó cháu ạ! Nếu cháu đích thân chiêm ngưỡng phong thái tự tại an nhiên của bậc cao tăng giác ngộ, nghe âm hưởng thoát tục thâm nhập lỗ tai mình, thì chắc chắn cháu sẽ cảm nhận ý nghĩa thâm sâu mầu nhiệm của câu chuyện hơn. Chớ giờ đây cháu chỉ nghe ông già lù khù đạo đức kém cỏi như chú kể lại, thì dĩ nhiên cháu thấy tối mù là phải rồi.
Hải nhún vai, cười khẽ ra vẻ không đồng ý, rồi lên tiếng :
- Bác nói vậy thì cháu nghe vậy, chớ... cháu khó nói quá!...
- Cháu cứ thẳng thắn trình bày, chú không phiền hà gì đâu?
- Thằng bạn cháu ở San Diego, có tham dự buổi họp báo trên đã điện thoại kể cho cháu câu chuyện nầy và than thở rằng “đã thử tìm tâm mà cũng chẳng thấy tâm đâu như Ngài Huệ Khả? Như vậy, liệu nó thưa với hòa thượng điều nầy thì nó được tuyên bố là đã an tâm, đã giác ngộ không?”
- Thật ra, “người nói kẻ nghe” phải có một trình độ gần gũi nhau, thì mới thực sự có cuộc đối thoại. Cháu mà nói chuyện điện tử với bạn bè cùng bậc Cao Học điện tử như nhau dĩ nhiên hai người sẽ hiểu nhau ngay. Ngược lại, cùng đề tài đó cháu đem bàn bạc với chú trọn ngày thì chú cũng “bù trất”, chẳng thu thập được điều gì đâu.
- Ý của chú là phải có trình độ gần bằng hòa thượng thì mới hiểu được chăng? Như vậy ngoài các bậc thượng căn thượng trí, xem ra rất hiếm hoi, có mấy người lãnh hội được câu chuyện nầy?
- Thật ra, như cháu biết đó, người ta đòi hỏi “một lời dạy ngắn gọn nhứt để thâm nhập đạo mầu”, thì Ngài đành chọn mẩu chuyện ngắn gọn nhứt có diệu dụng “chỉ thẳng chỗ rốt ráo” để trao truyền vậy thôi! Dĩ nhiên, muốn đón nhận lời dạy nầy của Ngài thì ít nhứt cũng phải là một “hành giả tu thiền chân chính dấn thân cho sự nghiệp giác ngộ” thì mới mong thấu hiểu phần nào, cháu ạ!
- Tóm lại, vẫn là phải dày công tu tập thì mới lãnh hội nỗi mẩu chuyện đạo cao siêu của Ngài phải không bác?
- Cũng không hẳn là như thế cháu ạ! Thật ra, một thiền sinh dù sơ cơ nhưng đã có vài kinh nghiệm trong sự nghiệp “chăn trâu” của mình, thì cũng có thể hiểu được đôi chút cháu ạ!
- Kỳ lạ thật, kinh nghiệm chăn trâu, mà phát triển được cái khả năng nầy sao?
- Chăn trâu là một thuật ngữ thiền, trâu tượng trưng cho tâm, chăn giữ trâu có nghĩa là tu sửa tâm vậy thôi! Sự nghiệp tu thiền là sự nghiệp tu tâm, vậy nếu người ta ví von gọi là sự nghiệp chăn trâu thì cũng không phải là lạ!
- À! Cháu có nghe nói đến 12 bức tranh chăn trâu của nhà thiền, thì ra 12 bức tranh đó chính 12 bức địa đồ để tu sửa tâm phải không bác?
- Cháu hiểu đúng lắm! Cháu thử quan sát phóng ảnh của 12 bức tranh chăn trâu treo trên tường, để có chút ý niệm về quá trình tu tâm của nhà thiền.
Chú Sáu chỉ Hải bức tranh thứ nhứt, rồi tiếp lời :
- Đây là bức tranh có nhan đề là “Tìm trâu”. Ở đây, người hành giả sơ cơ tuy đã ý thức rằng tu là điều phục tâm, nhưng tâm vô hình tướng, hắn ngẩn ngơ nhìn quanh mà chẳng thấy dấu vết . Tranh thứ nhì nhan đề “Thấy dấu chân trâu” không vẽ cảnh bên ngoài mà chỉ có một mình hành giả hăng hái săn tìm ra mấy dấu chân trâu. Ở đây, anh ta đã hiểu là phải tìm kiếm tâm ở bên trong. Nhờ biết nhận xét, tuy anh chưa khám phá ngay tâm tham, sân, si... đang xuất hiện, nhưng khi nó biến dạng thì những dấu vết tai hại, những đổ vở chua xót của nó vẫn còn lưu lại, thế rồi anh bắt đầu thấy vết chân trâu. Sang tranh thứ ba thì mới “thấy trâu” được phần đuôi, sang tranh thứ tư, thứ năm thì hành giả “được trâu” và đích thực “chăn trâu”.
Hải ngắm tranh thứ tư rồi cười nắt nẻ lên tiếng :
- Con trâu nầy coi bộ hung dữ quá mức a!
- Đúng vậy, khi vọng tâm tức con trâu mới hiện nguyên hình thì nó hoang đàng hung hản lắm, vì vậy hành giả phải dùng “vàm thiền” cột trâu tâm lại một chỗ không cho loạn động, lại cũng dùng “roi giới” canh giữ, thì lần lần con trâu tâm mới thuần thục... Khi vọng tâm đã điều phục rồi, thì roi, vàm, công phu hay giới luật không còn cần thiết nữa, người mục đồng thong dong cỡi trâu về nhà... đây là cảnh giới mô tả bởi bức tranh thứ sáu.
- Uả! Sao trong tranh thứ bảy không có trâu? Nó trốn đâu mất vậy bác?
- Do tâm khởi vọng nên mới thấy được bóng dáng vọng tâm, nếu không còn khởi vọng thì con trâu tâm lặng lẽ biến dạng, bức tranh thứ bảy vì vậy có tên là “Quên trâu còn người”. Tranh nầy có thể phản ảnh phần nào tâm trạng của Ngài Huệ Khả mà hòa thượng đã kể ra đó. Sau bao năm tu hành, Ngài không còn khởi vọng nữa, nhưng vì Ngài chưa buông bỏ hoàn toàn vọng tâm, bóng dáng nó vẫn lảng vảng nên sanh tâm bất an. Đến khi Tổ Đạt Ma bảo Ngài đưa tâm để Ngài an, thì Huệ Khả mới sực tỉnh, hiểu tâm bất an cũng là vọng, nên buông bỏ, và vọng tâm không còn lảng vảng nữa, nên mới thưa rằng “Con kiếm mãi không thấy tâm đâu”, đến đây tổ Đạt Ma bèn tuyên bố : “Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi”.
- Ngộ thiệt! Khi mình chưa biết tu thì không thấy, không biết tâm, khi tu đến mực độ không còn khởi vọng, thì lại cũng không thấy tâm ở đâu cả! Hai tâm trạng nầy xem ra giống nhau quá! A ha! Tuy giống nhau mà thật ra lại khác hẳn một trời một vực phải không bác?
- Đúng vậy cháu! Người chưa tu và người đắc đạo cũng có điểm giống nhau, thế nên thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín mới tuyên bố : “Khi chưa học thiền thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau khi được thiện tri thức chỉ cho chỗ vào thì thấy núi chẳng là núi, nước chẳng là nước, nay khi nhập vào chỗ tịch tĩnh rồi thì thấy núi chỉ là núi, nước chỉ là nước mà thôi!”.
- Thế còn ba bức tranh còn lại ý nghĩa như thế nào vậy bác?
- Khi vọng tâm biến dạng thì chân tâm hiển bày, đây là chỗ chư tổ kiến tánh, chứng ngộ bản lai diện mục vô thủy vô chung, là lảnh vực vô ngôn không thể nghĩ bàn nên chỉ tượng trưng bằng một vòng tròn, đó là ý nghĩa của bức tranh thứ 8, tức “trâu người đều quên”. Sau khi đã kiến tánh rồi, thì tiếp đến giai đoạn sống thực với cái mình đã ngộ. Hành giả, theo tranh thứ 9 là “về nguồn” tức là hội nhập với thiên nhiên trời đất, và theo tranh số 10 là “thỏng tay vào chợ” nghĩa là hội nhập với thế tục để độ đời. Nếu qui chiếu vào hành trạng của Ngài Huệ Khả, thì khi Ngài trình sở đắc của mình cho tổ Đạt Ma bằng thái độ lặng lẽ lễ tổ rồi lui ra, là đã phản ánh đúng theo tranh thứ 8. Về sau, Ngài ẩn hình trong giới hạ lưu làm bạn với bọn đầu đường xó chợ, rồi đến cuối cuộc đời thì bị vu cáo, bị tù tội và chết trong ngục tù; đầu đường xó chợ hay ngục tù, trong hoàn cảnh nào tổ cũng ung dung hội nhập với đời, để sống thực với chân tâm mà cũng để tùy duyên cứu độ người. Hành hoạt của Ngài trong giai đoạn nầy có thể nói đã phản ảnh trọn vẹn các bức tranh số 9 và số 10 vậy!
- Nhờ bác giải thích, nay cháu mới hiểu đôi chút. Cháu xin hỏi thực bác nhé! Khi bác nghe hòa thượng ban thời pháp, bác có đạt được sự an tâm chưa, bác ngộ được điều gì kỳ diệu không?, Hải tinh nghịch hỏi tiếp.
- Ôi! Con trâu tâm của chú là thứ “Ngưu ma vương”(#2) hung hăng thiên biến vạn hóa, chặt đầu nầy thì nó lại mọc đầu khác ngay, sơ sẩy là tung hoành lục tặc, nên dẫu chú chằng chằng chăn giữ bao năm nay mà có ăn thua gì đâu! Chăn trâu chưa ra trò trống gì mà bày đặt nói chuyện an tâm chuyện ngộ đạo, thì hoang đường quá phải không cháu?
Tháng 12.2002
Hư Thân Huỳnh trung Chánh
Chú thích:
(1-) Nhị tổ Huệ Khả : Khi biết tổ Đạt Ma đang diện bích tọa thiền tại chùa Thiếu Lâm, Ngài Thần Quang (tức Huệ Khả) tìm đến tha thiết cầu pháp nhưng bị tổ lạnh nhạt. Ngài đứng kiên trì dầm mình trong tuyết chờ đợi cho đến khi tuyết ngập gối mới được tổ thương tình lên tiếng :
- Ngươi muốn cầu gì?
- Ngưỡng mong hòa thượng từ bi mở cửa cam lộ rộng độ chúng sanh.
- Diệu đạo vô thượng của chư Phật phải nhiều kiếp tinh cần, khó làm làm được, khó nhịn nhịn được, hàng đức nhỏ trí cùn, lòng đầy khinh mạn, há có thể chịu nỗi nhọc nhằn lao khổ cầu pháp chân thừa sao?
Thần Quang nghe quở liền rút dao bén, chặt cánh tay trái dâng lên tổ. Tổ bèn hỏi :
- Chư Phật lúc phát tâm cầu đạo vì pháp bỏ mình, nay ông chặt tay để cầu gì?
- Pháp ấn của chư Phật con có thể nghe được chăng?
- Pháp ấn chư Phật không thể nhờ người khác!
- Nhưng tâm con không an, thỉnh sư an tâm cho con.
- Đưa tâm đây ta an cho!
- Con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm đâu cả?
- Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó!

Chín năm sau, trước khi tổ Đạt Ma về Tây Trúc, tổ bảo chư đệ tử trình bày chỗ sở đắc. Đao Phó thưa : “Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đó là chỗ sở dụng của đạo”. Tổ phán : “ Ngươi được phần da của ta”. Ni Tổng Trì bạch : “Chỗ thấy của con, nay như Ngài A Nan xưa kia thấy nước Phật A Súc một lần, chẳng còn thấy lại được”. Tổ phán : “ Ngươi được phần thịt của ta”. Đạo Dục thưa : “Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng thật, chỗ thấy của tôi không có gì sở đắc hết”. Tổ dạy : “Ngươi được phần xương của ta”. Sau cùng, đến phiên Ngài Huệ Khả, sư đảnh lễ tổ, rồi lặng lẽ lui ra. Tổ tuyên bố : “Ngươi được phần tủy của ta”, rồi tổ trao truyền y bát cho Ngài Huệ Khả. Về sau, Ngài Huệ Khả ẩn hình dưới hạng hạ lưu cùng khổ, giao du với bọn đầu đường xó chợ để tùy duyên độ người. Có người thắc mắc hỏi : “Ông là đạo nhân sao làm như thế được”. Tổ đáp : “Ta tự điều tâm ta, có gì dính dấp đến ông mà hỏi?”
(2-) Ngưu ma Vương : là nhân vật tưởng tượng trong truyên Tây Du, vốn là con trâu trắng có tài thiên biến vạn hóa, khi bị chặt đầu thì liền mọc ngay đầu trâu khác.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 548

Return to top