Xưa có vị quốc vương nước Thiên La, ông là một người thông minh, nên đã trực nhận: thế cuộc vô thường nhân sanh thống khổ.
Liền từ bỏ ngai vàng với tình thương nhỏ hẹp để vào núi tu hành. Ở được 30 năm, bỗng một hôm nay có người đi săn ham đuổi theo một con nai, lỡ bước sa vào một cái hầm sâu, ở trước chỗ Ngài thường ngồi tham thiền; đồng thời có một con rắn một con chim, vì sợ hãi cũng đều rơi xuống đó, thân thể bị thương đau đớn vô cùng. Người trông lên cầu cứu kêu la thảm thiết. Vị đạo sĩ nghe tiếng kêu la, động mối từ tâm lấy đuốc soi xuống các nạn nhân đang gục đầu khóc lóc. Ngài đến bên hầm bảo rằng: "Các người hãy yên tâm, ta sẽ cứu các người thoát nạn". Ngài liền đi kiếm dây thòng xuống, người, rắn, chim đều nhờ sợi dây đó mà lên, thoát khỏi tai nạn. Sau khi lên khỏi hầm cả ba đều thành kính lạy tạ và thưa rằng: "Thân mạng chúng con được sống ngày nay, là nhờ lòng hoàng từ phổ độ của Ngài, vậy chúng con xin trọn đời cung cấp các vật dụng Ngài thiếu thốn, để đền đáp công ơn trong muôn một!". Ðạo sĩ nói: Ta là quốc vương trong một nước, trân bảo đầy kho, muốn gì cũng được, nhưng ta nhận thấy phú quí như ngục tù, tài sắc danh vọng là cạm bẫy đưa ta vào vòng tội lỗi, chúng nó là những lưỡi gươm sắn bén để giết đời ta, là những mũi tên nhọn để bắn vào tâm ta và cũng vì chúng ta lặn hụp mãi trong biển sanh tử, chịu đủ mọi điều đau khổ. Vì thế, ta phải từ giả xuất gia học đạo, ta nguyện chứng được đạo quả Vô thượng chánh biến tri để khai hóa chúng sanh trở về giác tánh, đâu phải ba người mà thôi?. Ngài nói tiếp: Từ nay các ngươi đền ơn ta, không gì quý hơn quy y Tam bảo, vâng lời Phật dạy, làm các việc lành.
Người thợ săn thưa: "Ở đời tuy có những nhà nho sĩ tích công lũy đức, làm lành tránh dữ, nhưng đâu bằng người Phật tử quên mình cứu người, mà không cần sự đền đáp của người chịu ân. Thâm ân của Ngài con không biết lấy gì đền đáp, song chỉ xin Ngài nếu thuận tiện quá bước đến nhà con, cho con cúng dường đôi chút".
Chim thưa: "Con tên Bác, khi nào gặp việc gì cần đến con xin Ngài gọi đến tên con, con sẽ đến ngay".
Rắn thưa: "Con tên Trành, nếu đạo sĩ có gì không hay xãy đến xin Ngài gọi tên con, con sẽ đến hầu".
Thưa rồi cả ba đều từ biệt đạo sĩ ra về. Tình cờ một hôm đạo sĩ đến nhà thợ săn, người này vì lòng gian tham ám ảnh nên vừa trông thấy Ngài đi đàng xa, vội vàng bảo vợ: "Ngài đến kia sẽ không may cho ta, nếu ta có bảo ngươi làm thức ăn gì để cúng dường, ngươi hãy chậm chậm, vì quá ngọ thì ông ấy sẽ không ăn nữa". Ðạo sĩ vừa đến nhà, hai vợ chồng thợ săn niềm nở tiếp rước, mời ở lại thọ trai nhưng dần dà nói chuyện mãi quá ngọ, Ngài phải về không.
Trở về núi thấy chim, Ngài gọi: Bác!... Bác!...
Chim thưa: "Ngài ở đâu về?"
- Ta ở nhà thợ săn về.
- Ngài đã thọ trai chưa.
- Nhà kia chưa kịp dọn thì đã quá ngọ, nên ta không ăn mà trở về đây.
Nghe vậy chim tức tối than rằng: "Thật người quá vong ân bội nghĩa!". Rồi quay lại thưa với đạo sĩ: "Con không biết lấy gì để cúng dường Ngài. Mời Ngài ngồi đây con đi chốc lát sẽ trở về". Chim liền bay vào hậu cung của vua nước Bà Già, thấy Hoàng hậu nằm ngủ, trên đầu có gài hột ngọc kim cương; chim tha về dâng cúng đạo sĩ. Hoàng hậu tỉnh dậy tìm ngọc không thấy, liền tâu vua. Vua truyền sắc trong nước: người nào tìm được ngọc trọng thưởng.
Ðạo sĩ khi được ngọc kim cương bèn nghĩ rằng: "Ta tu hành dùng gì đến vật này, thôi đem lại cho người thợ săn". Người thợ săn biết là ngọc của vua, bèn trói đạo sĩ đem đến nộp cho nhà vua.
Vua hỏi đạo sĩ: "Nhà ngươi từ đâu đến mà được ngọc quý này?".
Ðạo sĩ suy nghĩ: "Nếu nói sự thật thì loài chim trong cả nước nầy đều bị chết hết; nếu nói trộm được thì không phải người tu hành", Ngài nghĩ vậy đành im lặng vui lòng chịu đựng sự hành phạt ngọn roi tàn nhẫn! Ngài không oán vua không thù người thợ săn. Trái lại, Ngài động lòng từ bi nên phát nguyện rằng: "Cho tôi được mau thành Phật để cứu độ các sự quả báo khổ não của anh thợ săn vì lòng tham ác đã gây nên, và tất cả chúng sanh hiện đang đau khổ". Vua truyền đem chôn đạo sĩ chừa đầu lại sáng mai để giết.
Bấy giờ đạo sĩ gọi tên con rắn:
Trành! Trành... Rắn nghĩ: "Trong thiên hạ không ai biết tên ta, chỉ có đạo sĩ thôi, có lẽ cần gì đến ta chăng?". Rắn vội vàng tìm đến, thấy đạo sĩ bị hình phạt như thế. Rắn đau đớn cúi đầu thưa rằng: "Vì sao Ngài bị mắc nạn này?".
Ðạo sĩ kể tất cả nguyên do. Rắn rơi nước mắt thưa: "Lòng nhân đạo của đạo sĩ rộng lớn không bờ bến, mà còn gặp tai nạn như thế này, huống gì kẻ không đạo đức, thì tai họa lại sao tránh khỏi". Rắn thầm nghĩ: ông vua nầy chỉ có một Thái tử rất cưng quý, ta sẽ vào cung cắn chết Thái tử rồi trở ra đưa thần dược cho đạo sĩ. Và dặn: "Hễ thấy đám Thái tử đi ngang qua, Ngài đem thuốc này cứu Thái tử, Ngài sẽ thoát nạn".
Sau khi hay tin Thái tử chết, nhà vua đau đớn vô cùng, bèn truyền lệnh: "Người nào có tài năng làm cho Thái tử sống lại, ta xin chia một nữa nước". Nhưng tất cả lương y trong nước đều bó tay. Nhà vua đành đem thây Thái tử vào núi để hỏa tang. Ðám đi ngang qua bên đạo sĩ, đạo sĩ hỏi: "Thái tử đau bệnh gì mà bỏ mạng chóng thế? Hãy thong thả tôi có thể cứu sống Thái tử". Thị tùng nghe vậy vội vàng đến tâu vua. Vua rất mừng cảm động nói: "Nếu Ngài cứu sống con tôi, tôi sẽ xá tội cho Ngài và chia nước để Ngài làm vua".
Ðạo sĩ lấy thuốc xoa khắp thân thể, bỗng nhiên Thái tử ngồi dậy: "Vì sao ta ở đây?". Người hầu thuật rõ mọi việc đã xảy ra. Thái tử vui mừng trở về cung. Vua giữ lời hứa chia nửa nước cho Ðạo sĩ, Ðạo sĩ nhất định từ khước không nhận. Khi đó nhà vua tỉnh ngộ, Ðạo sĩ là người đã sống ra khỏi vòng danh lợi, bèn hỏi: "Ngài ở nước nào, và được ngọc ở đâu?".
Ðạo sĩ thuật rõ đầu đuôi việc đã xảy ra. Nhà vua nghe rồi ăn năn cầu xin sám hối, rồi đòi thợ săn đến bảo: "Ngươi có công với nước, đem tất cả bà con đến đây ta sẽ trọng trưởng". Khi đã đến đầy đủ vua truyền lệnh: "Vì ngươi đã bất nhân bội nghĩa, mà đạo sĩ gần thác oan, tội người rất nặng ta sẽ giết cả họ". Lệnh vừa truyền ra, Ðạo sĩ vội đến can vua: "Chúng ta là kẻ trượng phu, không nên đem oán để báo oán, nên đem ân mà báo oán, oán ấy mới mong dứt được. Vậy xin bệ hạ hãy vì tôi tha cho tất cả những người nầy". Vua nghe cảm động và mến phục đức nhẫn nại hy sinh cao cả của đạo sĩ. Liền ân xá cho những tội nhân ấy.
Ðạo sĩ trở về núi, tiếp tục tinh tấn tu hành, đến khi mạng chung được sanh lên cõi trời và lần lượt chứng thành đạo quả.
Nói đến đây, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi các Tỳ kheo mà bảo: "Ðạo sĩ này chính là tiền thân của ta, chim là tiền thân của ông Thu Tử, rắn tức là A Nan ngày nay, thợ săn chính là Ðiều Ðat đó vậy".
Hết