Chúng sanh khi xả báo thân này thì thọ báo thân khác. Nếu trong khi tìm thọ thân khác mà chưa đủ nhân duyên thì thân nầy chưa xả. Ví như con sâu đo, trong khi đàng đuôi bám chặt một nơi thì đàng đầu ngóc lên tìm kiếm. Hễ đàng đầu tìm được chỗ mà bám xuống thì đàng đuôi mới nhả ra. - Con người trong lúc nằm thiêm thiếp chờ chết, chính là lúc nghiệp thức tìm kiếm nơi thác sanh. Nếu được nơi rồi thì liền chết, bỏ xác thân nầy mà thọ thân khác.
Thuở xưa, đời nhà Lương, vua Võ Ðế, có quen với một vị Hòa thượng, hiệu là Chí Công, hằng ngày trò chuyện với nhau rất thân thiết.
Hoàng hậu tên là Hy Thị, thấy vậy, bèn can gián vua đừng chơi với người ngu tăng ấy, nhưng vua Võ Ðế chẳng hề nghe, cứ giao du như thường. Hoàng hậu giận lắm, toan lập mưu hại ngài Chí Công, bèn lén dùng thịt chó làm nhân bánh, rồi sai người đem bánh ấy đến chùa mà trai tăng.
Ai ngờ Hòa thượng Chí Công đã biết trước, nên dự sắm áo tràng rộng tay, làm bánh chay bỏ vào, rồi khi trai Tăng lén bỏ bánh mặn trong tay áo, lấy bánh chay ra ăn.
Bà Hi Thị đợi tin Hòa thượng ăn rồi, tức thì tâu với vua rằng: "Bánh ấy thiếp dùng thịt chó làm nhân, ông Chí Công ăn mà không biết, thiệt là người phàm ngu muội, không có đạo đức trí tuệ gì cả, nay bệ hạ còn làm bạn nữa chăng?".
Vua nghe nói nổi giận, liền mang gươm đến chùa mà giết Hòa thượng.
Khi ấy, ngài Chí Công cũng đã biết trước, nên ra ngoài cửa chùa đứng đợi.
Lúc vua ngự đến trông thấy Hòa thượng thì hỏi rằng: "Ông ra đứng đây mà làm chi?".
Ngài Chí Công đáp rằng: "Bần tăng biết bệ hạ đến giết bần tăng, nên bần tăng ra đây đứng đợi. Nếu Bệ hạ mà vào chùa mà giết hại, thì ô uế chốn Già lam càng tội nghiệp lắm!".
Vua nghe nói kinh hồn chấp tay niệm Phật và sám hối, rồi liền mời Hòa thượng vào chùa mà hỏi rằng: "Ngài đã tiên tri được như vậy, vì sao còn ăn lầm bánh thịt chó mà không biết?".
Ngài Chí Công bèn đáp rằng: "Muôn tâu Bệ hạ! Bần tăng có ăn đâu!"
Tâu rồi Ngài liền thỉnh vua ra sau vườn, dạy người đào lấy bánh thịt chó lên, thấy vẫn còn đủ 120 cái. Hòa thượng bèn lấy nước Tịnh thuỷ phun vào, tức thì mỗi mười bánh hiệp lại thành một con chó, hình thể vận động như thường.
Vua thấy vậy thất kinh, mới biết pháp lực thần thông của Ngài Chí Công thiệt là cao cường quảng đại, liền trở vào chùa hết lòng lễ sám hối những sự lỗi lầm. Từ ấy Võ Ðế càng yêu mến Hòa thượng Chí Công hơn ngày trước nữa; trái lại bà Hy Thị thấy thế lại càng giận thêm, nên khiến kẻ hầu hạ đến chùa lấy kinh sách đem ra đốt hết.
Ðến niên hiệu Thiên Giám, bà mang bệnh nặng rồi phải từ trần, rồi bào thai làm con rắn mãng xà ở sau hậu cung ẩn mình không cho ai thấy, thừa khi ban đêm, bà lại mách điềm chiêm bao cho vua Võ Ðế hay rằng: "Khi thiếp còn sống ăn ở bất nhân, tổn vật hại người, làm điều tham độc. Vì cớ ấy nên nay thiếp phải làm thân mãng xà, thân đã dài, vóc lại lớn, bò lết không nổi, đói không có chi ăn, khát chẳng có chi uống, cực khổ nhiều bề, còn mỗi trong chân vảy lại có thứ độc trùng đeo vào cắn rứt da thịt, đau thắt ruột gan thật là khó chịu! Thiếp nghĩ vì thiếp cùng Bệ hạ vẫn là tơ duyên chỉ nợ, tình vợ nghĩa chồng, mà nay thiếp bị đọa ra thân súc sanh thế này, Bệ hạ nỡ nào hưởng thọ phú quý một mình mà không tìm phương chi cứu thiếp, nên xin Bệ hạ từ bi thỉnh thầy làm chay độ giải cho thiếp, may nhờ Phật pháp hộ trì, thoát ra khỏi vòng ác báo, thì thiếp cảm ơn đời đời".
Vua Võ Ðế nghe rồi, bèn thức dậy rầu rĩ khóc lóc một hồi; sáng ra liền truyền lệnh rước các thầy Sa môn nhóm tại điện mà hỏi rằng: "Vậy trong hàng chư tăng, ai có phép chi cứu giải Hoàng hậu khỏi điều tội khổ chăng?".
Hòa thượng Chí Công tâu rằng: "Muôn tâu Bệ hạ! Tội của Hoàng hậu rất nặng, xin Bệ hạ hãy thiết lập đàn tràng lễ bái sám hối, thì mới cứu được".
Vua Võ Ðế bằng lòng, liền cầu Hòa thượng Chí Công soạn ra mười quyển sám văn, rồi thiết đàn trong cung là chay ba tháng, cầu sám cho Hoàng hậu. Có một hôm kia, khi trai đàn gần mãn có mùi hương nồng nã bay khắp trong cung điện. Vua Võ Ðế ngước mắt ngó lên trời, thấy có một nàng con gái, nhan sắc tuyệt trần, đứng giữa hư không mà chấp tay tâu cùng vua rằng: "Thiếp nhờ công đức của Bệ hạ cầu sám hối đã thoát được thân mãn xà mà sanh về cõi trời Ðao Lợi. Nên thiếp phải hiện thân ra cho Bệ hạ thấy để làm chứng nghiệm vậy - Thôi, mấy lời cảm tạ, kính chúc Bệ hạ ở lại bình an". Bà nói rồi liền ẩn mình không thấy nữa.
Khi ấy vua Võ Ðế nửa mừng nửa khóc, khôn xiếc sự tình bèn lui vào cung mời Hòa thượng Chí Công mà hỏi rằng: "Hoàng hậu của Trẫm buổi còn sống, hết sức thù ghét Hòa thượng là túc duyên làm sao mà gây ra cừu oán như vậy?".
Ngài Chí Công tâu rằng: "Muôn tâu Bệ hạ! Sự cừu oán duyên do kiếp trước có một vị Trú trì và một vị Giám tự ở chung một chùa. Trong chùa ấy có cái đôn để nước, dưới chân cái đôn có con thiện trùng thường thường kêu trong khi ban đêm; tiếng kêu của nó inh ỏi như thể tiếng con dế hay con vạt sành vậy. Thường khi ông Trú trì tới đó lấy nước súc miệng, rửa mặt thì cũng chú nguyện cho con ấy mau mau thoát đặng cái thân súc vật, mà sanh về đường nhân luân.
Một bữa kia ông Trú trì đi khỏi, ông Giám tự ghét con thiện trùng đêm nào cũng kêu, và làm cho lòng ông không được thanh tịnh và chẳng cho ông ngủ thẳng giấc, nên ông bèn bắt con ấy, lấy dao cắt ngang giữa lưng làm hai, rồi cũng bỏ lại dưới chân đôn như cũ.
Qua bữa sau ông Trú trì về, trót đêm không nghe tiếng con thiện trùng kêu nữa, bèn kiếm dưới chân đôn, thì thấy nó đã chết rồi. - Ông thương khóc, niệm Phật chú nguyện cho nó và lấy một miếng vải đỏ buộc vào chỗ lưng bị cắt, rồi đem chôn sau vườn chùa.
Muôn tâu Bệ hạ! Con thiện trùng ấy tức là kiếp này làm thân Hoàng hậu; còn vị Giám tự là kiếp này làm thân của Bần Tăng đây. - Vì vậy oan gia gặp nhau toan đòi nợ trước, nếu tôi kiếp này tu hành lơ láo, thì có thể nào thoát ra khỏi tay của Hoàng hậu!".
Vua Võ Ðế nghe nói liều gật đầu mà đáp rằng: "Hèn gì Hoàng hậu của Trẫm thường thường buộc sợi dây đỏ ngang lưng, không khi nào rời bỏ, mà Trẫm không biết cớ làm sao. - Có một đêm Hoàng hậu ngũ mê, Trẫm lén mở sợi dây ấy ra, thì Hoàng hậu nói rằng đau lưng, rồi lấy dây ấy buộc lại vào, tức thì không đau nữa. Nay Hòa thượng bày tỏ sự túc trái như vậy, thì biết Phật nói "NHÂN QUẢ" thiệt là không sai".
Từ ấy, vua Võ Ðế lại càng tin tưởng Phật pháp, trọng đãi Chúng Tăng và nguyện một lòng phụng sự Tam Bảo...
Hết