Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6226 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hạ Trắng, mây Đông mưa Tây
Nc T Bội Ngọc

Chương 5

Từ tờ mờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1960, người dân Sài Gòn ngơ ngác phân vân vì ngoài đường phố ngập tràn lính dù và thủy quân lục chiến. Vào quá nửa đêm qua, người ta đã nghe nhiều tiếng súng nổ từ hướng sở thú ở cuối đường Thống Nhứt. Có tin đồn đảo chánh và một sĩ quan tư lệnh lữ đoàn lính dù đang chỉ huy bao vây dinh Độc Lập. Mọi liên lạc từ bên trong phủ tổng thống với các cơ quan của chính phủ đều bị cắt đứt và bị cơ quan mật vụ của nước ngoài theo dõi để báo lại cho quân đảo chánh.
Vào khoản gần trưa, người ta nghe giọng của ông D đọc lời kêu gọi trên làn sóng phát thanh riêng của mình, ông D yêu cầu các đoàn quân trung thành với chính phủ mau về để giai tỏa Sài Gòn. Lời kêu gọi nầy trên làn sóng phát thanh đã bị người ngoại quốc phá hoại cho nên không tới tai người nghe ở xa thành phố Sài Gòn.
Vào buổi trưa, một bác sĩ họ P qua đài phát thanh đã hô hào dân chúng Sài Gòn hưởng ứng "Cách Mạng". Kế đến, người ta lại nghe phát thanh nhật lệnh của tướng LVT tổng tham mưu trưởng quân đội chính phủ cho biết là ông D đã chịu thua, trao quyền cho các tướng lãnh lập chánh phủ mới .
Từ lầu 3 phòng trọ của Hầu ở đường Pasteur ngang với rạp chiếu bóng Casino, Thiện đứng trên lan can nhìn những cụm khói đen bóc lên từ hướng dinh Độc Lập. Hầu đưa cho Thiện ly cà phê rồi hỏi:
"Thấy gì không ?"
"Lính đông lắm ! Toàn là lính nhảy dù mủ đỏ."
Hầu chán nản:
"Không biết có làm nên trò trống gì không hay chỉ làm lợi cho phía bên kia, nhóm nào đây ?"
Thiện trở vào bên trong:
"Chuyện nầy moi đã biết hơn tuần nay . . ."
Hầu ngạc nhiên:
"Thôi đi ông nội, đừng có giởn . . . Ông là cái nước mẹ gì mà biết trước được chuyện nầy ?"
Thiện chỉ cười, không giải thích nhưng lại đốt một điếu thuốc kéo một hơi dài rồi trường người nằm ngửa lên giường nệm, mắt nhìn trần nhà rồi hỏi:
"Toi đi với moi một chút được không ?"
"Đi đâu ? Tới sở làm của toi ? Lộn xộn như vầy đi tới đi lui làm gì ? Chờ xem sao cái đã . . ."
"Moi muốn đi gặp Lê Đức . . . ."
"Chi vậy ?"
"Lê Đức biết vụ nầy ! . . . ."
Hầu sửng sốt:
"Lê Đức cũng có chân trong nhóm chủ chốt đảo chánh hay sao ?"
"Không phải vậy . Lê Đức yểm trợ ngầm cho anh em ông D. Moi không thích ông N, nhưng moi thương ông D, moi không đồng ý cung cách làm ăn của Lê Đức nhưng trong những giờ phút như thế nầy, moi biết chắc rằng chỉ có Lê Đức và Ca Tê là những người còn trung thành với ông D."
Hầu nóng nảy:
"Một mình Lê Đức với Ca Tê thì làm gì được với đoàn tinh binh chuyên nghiệp kia ?"
"Chuyện phản loạn nầy Ca Tê và Lê Đức đã biết từ lâu nhưng anh em ông D chỉ thị cho Ca Tê phải án binh bất động, âm thầm theo dõi, chờ giờ hành động của nhóm Cách Mạng làm loạn để có đầy đủ chứng cớ mà tóm gọn trọn ổ . . . .Moi ngạc nhiên và sốt ruột vì gần hết một ngày binh biến rồi mà chẳng thấy phía chính phủ của ông D có một hành động phản công nào cả. . ."
Thiện đứng lên khoác vội chiếc áo lạnh vào người rồi đi về phía cửa:
"Thôi, toi ở nhà, để moi đi một mình . . ."
"Khoan đã, sao kỳ vậy ? Toi chờ moi một chút không được sao ? Tưởng moi sợ à ? Bấy lâu nay hang cùn ngõ hẹp nào thì cũng có hai đứa với nhau, không lẽ lần nầy moi để toi đi một mình?"
*
Thiện và Hầu đứng trước cổng đi vào một bến cảng ở vùng Khánh Hôi . Chiếc cửa cổng bằng song sắt nặng nề đã đuợc đóng khóa bằng những vòng xích sắt chắc chắn. Bên trong cổng sắt, đông đảo phu phen bến tàu ngồi đứng khắp nơi, ngườ nào cũng trang bị súng tiểu liên Do Thái ngắn nòng và lựu đạn cận chiến loại nhỏ bằng quả chanh. Không khí nặng nề và căng thẳng bao trùm trên nét mặt mọi người . Thiện và Hầu còn đang lóng ngóng thì có hai bàn tay chụp mạnh vào vai của 2 người từ phía sau lưng kèm theo giọng hỏi đầy hăm dọa :
"Hai ông nầy làm gì mà đứng đây, rình rập cái gi ? Đưa hai tay lên khỏi đầu rồi quay mặt lại . . . Lẹ lên . . ."
Hai họng súng ngắn nòng thúc mạnh vào sườn của Thiện và Hầu . Mắt họ long lên thật hung tợn. Một người phu thứ 3 vừa lục soát khắp người của Thiện vừ hò hét :
"Tụi bây là ai lại đi đâu lộn xộn vào chốn nầy, nói mau ? Bộ đui hay sao mà không nhìn thấy dâu hiệu cấm nguời lạ mặt treo ở ngoài kia ? Nói mau . . ."
Giọng Thiện ngắn gọn:
"Tụi tôi muốn gặp anh Chín . . ."
"Anh Chín nào ở đây ?"
Hầu nhăn mặt khó chịu:
"Là xếp của mấy anh chứ ai nữa ?"
Thiện đưa tay ra hiệu cho Hầu đừng nói tiếp rồi chẫm rãi nhìn 3 tay súng :
"Nhờ các anh vào nói với anh Lê Đức biết là có 2 người tên Thiện và Hầu muốn gặp . .."
Ba phút sau đó, Thiện và Hầu ngồi trong phòng làm việc của Lê Đức:
"Hai chú kiếm anh có chuyện gì vậy ?"
Thiện hỏi lại ngay:
"Anh Chín có biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh dinh Độc Lập hay không ?"
Lê Đức vừa tiếp tục viết vừa trả lời:
"Không lý cả Sài Gòn biết chuyện đó mà anh của chú lại không biết ?"
"Anh và anh Ca Tê biết nhưng sao cứ êm rơ ? Gần hết ngày và Ông D cũng sắp đầu hàng rồi ! Các anh chờ tới bao giờ ?"
Lê Đức bỏ viết xuống bàn ngước nhìn hai người, thở ra, giọng trầm xuống:
"Không ngờ họ làm sớm và nhanh hơn là mình dự đoán. Hiện giờ thì phủ tổng thống hoàn toàn bị bao vây và cô lập. Anh Ca Tê không dám bắt liên lạc với ông D bằng đường vô tuyến điện thoại riêng vì sợ bị lộ với người ngoại quốc ủng hộ phe cách mạng. Đoàn quân miền Tây thì đã được chỉ thị từ lâu là chỉ nghe theo lệnh viết có chữ ký và con dấu của Ông D mà thôi vì thế dù có bắt được lời kêu gọi tiêp cứu của ông D trêm làn sóng vô tuyến đặc biệt thì họ cũng chẳng dám động binh. Mà lệnh điều động của Ông D bây giờ làm sao có thể vượt trùng vây của lữ đoàn lính dù chung quanh dinh Độc Lập ! Không biết anh Ca Tê tính thế nào ? . . ."
Thiện hỏi một câu ngớ ngẩn :
"Mình làm lệnh giả của ông D không được sao?"
Lê Đức đang đứng buồn rầu nhìn ra cửa sổ bổng nhảy dựng lên :
" Chú mầy hay quá ! Chuyện dễ như vậy mà anh mầy không nghĩ ra ! Sao chú mầy không tới đây sớm để nói cho anh biết ? . . ."
Hét mừng xong Lê Đức chụp óng điện thoại gọi Ca Tê :
"Allô, anh Ca Tê đó phải không ? Lê Đức đây, moi có cách giải quyết để cứu tonton rồi ! Chờ , moi tới ngay nghe ! Sáng kiến của chú Thiện đó! Không phải của moi . . . ."
Hướng về phía Thiện và Hầu, giọng Lê Đức khẩn thiết:
"Anh đi gặp anh Ca Tê, anh muốn 2 chú cùng đi theo . Hai chú sẽ không làm gì hết, chỉ cần có mặt của 2 chú để giúp anh lên tinh thần trong khi giải quyết vụ nầy . . .Hai em có nhận lời không ?"
Thiện nhìn Hầu một giâỵ Hầu nheo mắt tán đồng. Cả hai chạy tới bắt tay thân thiện với Lê Đức vừa gật đầu lia lịa.
Lê Đức ra lệnh , phân công thật nhanh cho đám thuộc hạ :
"Tư Giao, Bảy Ngọc, Hoàng Lùn, mỗi anh di chuyển một trung đội người của mình mặc thường phục dân lao động tới bố tri kín đáo quanh khu vực tư gia của anh Ca Tê . Ai lạ mặt khả nghi lởn vởn quanh đó cứ việc bắt giữ rồi tính sau. Nhớ phân tán mỏng trong khi di chuyển đừng để lộ hình tích. Các anh có 20 phút để tới nơi và bố trí . Bây giờ là 13 giờ 10."
Quay sang một người cận vệ, Lê Đức chỉ thị:
"Chú Quang đi ngay qua tiệm khắc con dấu của chú Thành ở đường Nguyễn Huệ chở nó tới ngay nhà anh Ca Tê . Bảo nó mang theo đầy đủ đồ nghề đó nghe . . . ."
Đúng 13 giờ 35 phút ngày 11 tháng 11 năm 1960, Lê Đức cùng với Thiện và Hầu đã có mặt tại nhà riêng của Ca Tê. Hai mươi phút sau đó 2 lệnh chuyển quân có chữ ký và con dấu hình bụi trúc của ông D nằm trên bàn làm việc của Ca Tê .
Đích thân Ca Tê cùng hai xe mật vụ hộ tống ngụy trang thường dân mang một lệnh chuyển quân xuống Mỹ Tho, còn một lệnh nữa thì do Lê Đức với Thiện, Hầu và 6 người hộ vệ giả dạng thường dân đi về hướng Biên Hòa-Bình Dương nơi có sư đoàn 7 bộ binh đóng quân ở đó .
*
Vào khoản nửa đêm, có tin sư đoàn 7 bộ binh Biên Hòa và sư đoàn 21 ở Mỹ Tho đang tiến quân về thủ đô .
Khi mật vụ của người ngoại quốc khám phá được sự chuyển quân của 2 sư đoàn miền Tây và miền Đông thì hai đoàn quân nầy chỉ còn cách Sài Gòn khoản 10 cây số. Quân đảo chánh rún động vì bị bao vây thế gọng kềm.
Sáng ngày 12, tháng 11 năm 1960, đài phát thanh của chính phủ được tái chiếm.
Một sĩ quan phản loạn họ V hợp báo ở bộ tổng tham mưu để vớt vát giải thích và kêu gọi dân chúng ủng hộ cách mạng . Quân nhảy dù quanh dinh Độc lập tự động bỏ vị tri chiến đấu . Hai sĩ quan quân cách mạng bỏ hàng ngủ chạy trốn sang Cao Miên.
Người ngoại quốc lật đật lên tiếng tuyên bố vẫn tiếp tục ủng hộ chính phủ của ông D và lên án nhóm đảo chánh.
Sau đó một số người đối lập đã đi theo với nhóm quân đội đảo chánh bị công an và mật vụ của Ca Tê tóm sạch trong đó một nhà văn nổi tiếng mà Thiện rất ái mộ và kính phục. Nhà văn nầy đã tự xử bằng thuốc độc, không để toà án của chính quyền ông D xét xử .
Ca Tê đã có công cứu chế độ của ông D.
*
Ít lâu sau, người ta lại thấy xuất hiện một cơ quan chính phủ rất đặc biệt gọi là đoàn công tác đặc biệt miền Trung. Đây là một tổ chức mật vụ mới mà đa số là những người cùng quê, cùng làng với anh em ông D, được đưa vào Sài Gòn để tăng cường việc phòng gian, phản gián và nhất là để bảo vệ anh em ông D một cách hữu hiệu hơn. Quyền hạn của đoàn công tác nầy không bị gò bó, hành động trước báo cáo sau và lấn lướt qua mặt luôn nhóm mật vụ của Ca Tê .
Trùm của đoàn công tác đặc biệt nầy là Hiếu Thảo, một người có giọng nói miền Trung rất là nặng. Vào Sài Gòn chưa được bao lâu, Hiếu Thảo đã muốn hạ bệ Lê Đức để làm chúa đảng vùng bến cảng Sài Gòn.
bằng cách cho đám tay chân bộ hạ của mình theo dõi và lởn giởn trong vòng đai hoạt động của Lê Đức.. Đã nhiều lần Hiếu Thảo đã dàn cảnh để chụp mũ Lê Đức là nằm vùng của miền Bắc để báo cáo lên anh em ông D. Tuy nhiên anh em ông D biết rõ đây chỉ là chuyện giành giựt lợi lộc béo bở ở khu bến tàu giữa 2 trùm mật vụ cho nên đã ra lệnh cho Hiếu Thảo phải chấm dứt đụng chạm với Lê Đức .
Riêng Lê Đức cũng đã đánh tiếng cho Hiếu Thảo biết rằng đã ra lệnh cho em út của mình sẽ bắn hạ bất cứ kẻ bộ hạ nào của Hiếu Thảo mà họ chạm mặt kể cả Hiếu Thảo. Sau một thời gian căn thẳng, Lê Đức và Hiếu Thảo mặt đối mặt gặp nhau. Chỉ có 2 cận vệ đi theo Lê Đức để vào phòng riêng của Hiếu Thảo .
Hiếu Thảo nhìn Lê Đức từ đầu đến chân rồi gật gù mở lời:
"Mi chẳng có vẻ gì gọi là dân anh chị của bến tàu Sài Gòn hết ! Vậy mà sao tụi nó sợ mi ? Cũng lạ ! . . ."
Lê Đức mỉm cười nhếch môi :
"Tướng của anh mới đúng là tướng của các trùm du đảng ! Còn tôi thì gió thổi nhẹ cũng bay ! Nhưng đừng thổi mạnh quá kẻo bi dội ngược đó anh Hiếu Thảo !"
"Chà, mi dữ há ? Mi không sợ sao ?"
"Sợ gì ? Sợ anh hả ? "
Giọng Hiếu Thảo hăm dọa:
"Mi tới đây một mình không sợ ta bắt mi ?"
Lê Đức cất tiếng cười rang:
"Anh dọa tôi phải không ? Anh lầm rồi ! Nếu sợ thì tôi đã không vào đây . Một tiếng đồng hồ sau, nếu tôi không ra khỏi nơi nầy thì cả cái cao óc ba tầng của anh sẽ nổ tung thành bột cám đó anh Hiếu . Vã lại anh có chắc là trong đám cận vệ của anh không có người của tôi ?"
"Mi nói láo không có sách vở . Nơi làm việc của ta, một con ruồi lạ lọt vào ta cũng biết huống hồ là người của mi. Ở đây vào thì dễ mà ra thì khó lắm, ta báo cho mi biết trước đó !"
Lê Đức cười khịt:
"Anh biết không, lúc vào đây bộ hạ của anh đã khám xét tôi thật kỹ, tước hết vũ khí của tôi và hai người cận vê. Trong phòng của anh thì 4 người cầm súng Carbine tự động vây quanh . . .Tuy nhiên, nếu tôi muốn hạ anh lúc nào thì cũng dễ ợt: chỉ cần bấm một trong ba cái nút trên chiếc đồng hồ đeo tay của tôi thì da thịt của anh sẽ văng ra tứ phía . . .Anh không tin ? Anh cứ từ từ đưa tay sờ nhẹ xem có cái gì ở dưới đít ghế bọc da của anh đang ngồi xem sao . . ."
Bốn họng súng đồng loạt hướng về phía Lê Đức và hai người cận vệ. Mặt Hiếu Thảo tái đi trong khi giọng của Lê Đức vẫn đều đều:
"Anh cứ từ từ, đừng hấp tấp, mà cũng đừng đứng dậy, nguy hiểm đó anh Hiếu. Kể từ giây phút nầy anh nên ngồi yên một chỗ để chúng ta cùng nhau bàn chuyện thì tốt hơn ."
Hiếu Thảo đưa tay xuống sờ soạn đít ghế . Mồ hôi trên trán bắt đầu rịn ra khi tay anh ta chạm vào một khối chất dẽo .
"Chất nổ TNT đó ! "
Lê Đức từ từ đứng lên, ra cạnh cửa sổ phía sau ghế ngồi của Hiếu Thảo:
"Chúng ta hiện ở lầu 3 phải không ? Anh có thể quay ghế , qua cửa sổ để thấy chiếc xe Merxedez của tôi đang nằm ở tầng trệt; bên trong nệm xe bọc da là là một khối chất nổ TNT khá lớn, loại dùng để phá núi làm đường, có sức nổ khá mạnh, dư sức nghiền nát cao ốc nầy thành bột vụn. Người cầm súng ngồi trong chòi canh của anh đã theo về với tôi hơn tuần nay và chính anh ta sẽ là người bấm nút làm nổ sụp dãy nhà lầu 3 tầng nầy nếu tôi bị anh bắt giữ . Tín hiệu từ chiếc đồng hồ đeo tay nầy sẽ báo cho anh ta phải biết làm gì . . . ."
Hiếu Thảo liếc mắt nhìn nhanh xuống phía chòi canh rồi gật gù nhìn Lê Đức:
"Mi giỏi thiệt ! Ta phục mi, mi vừa ranh lại vừa liều, đáng mặt là đối thủ của ta !"
"Tôi với anh, không ai là đối thủ của ai cả. Cả hai chúng ta đều yểm trợ cho tổng thống, nhưng tôi chỉ yểm trợ ngầm còng anh là một đoàn công tác đặc biệt của chính phủ được trả lương, cả miền Nam ai cũng biết sự hiện diện của mấy anh còn tôi thì tự nguyện không công. Vị trí của anh rất khó cho anh đưa tay ra nhận hối lộ hoặc ăn của đútc lót. Đối với khu bến tàu ở trong Sài Gòn nầy, tôi làm anh chị thì được nhưng với anh, mặc dù mặt mũi anh ngầu hơn mặt mũi của tôi, nhưng anh sẽ thất bại thảm hại và gây tai tiếng bất lợi cho tổng thống."
Ngừng một lúc, Lê Đức nhìn thẳng vào mặt Hiếu Thảo rồi hỏi:
"Anh muốn chia phần phải không ? Tôi cho anh thì được, nhưng chia thì không chia, bởi vì tôi không sợ gì anh mà phải chịu đóng hụi chết cho anh, anh cần nhớ điều đó . Nếu tôi không vì ông tổng thống và ông N thì tôi đã dứt anh từ lâu rồi ! Tổng thống trả lương cho anh nhiều lắm là 30 ngàn đồng một tháng kể cả trợ cấp quỹ đen , chưa bằng một buổi tiệc nhậu của tôi với bạn bè. Tôi sẽ cho anh thêm tiền để anh xài nhưng cho lúc nào, cho bao nhiêu là do tôi quyết định chứ không phải anh !"
Hiếu Thảo ngắt lời Lê Đức:
"Nghe đồn mi giàu lắm phải không ?"
"Không giàu lắm nhưng tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn, kể cả mạng sống của anh nữa !"
Nói xong Lê Đức quay sang một người cận vệ của mình:
"Chú Hiền, xuống mở thùng xe của mình xách chiếc cập da lên đây dùm anh. . ."
Người cận vệ quay lưng bước ra khỏi phòng dưới những cặp mắt ngơ ngác của đàn em của trùm mật vụ miền Trung. Ba phút sau, người cận vệ trở lại . Lê Đức mở cập da lôi ra 2 bó bạc giấy một trăm mới toanh đặt lên bàn của Hiếu Thảo:
"Đây là 200 ngàn cho anh. Còn đàn em của anh thì cũng sẽ có phần quà riêng. Bây giờ chúng mình là bạn với nhau được không ?"
Hiếu Thảo liếc nhanh hai bó bạc rồi vẫn ngồi yên trên ghế bắt tay Lê Đức:
"Ta thua mi ! Từ nay, vùng ai nấy lo, chúng ta là bạn. . .Tuy nhiên chuyện nầy là chuyện riêng giữa mi và ta, không nên để tới tai tổng thống và ông cố vấn ...."
*
Sau cuộc binh biến 1 tháng 11 năm 1960, Ca Tê đã phạm một lỗi lầm lớn là quá chủ quan và tự tín. Cho mình đã có công cứu anh em ông D, có công cứu chế độ đệ nhứt Cộng Hòa, tưởng rằng mình là một đại công thần cho nên Ca Tê đã đem lời khuyến cáo ông D cần phải sửa đổi đường lối cai trị và chính sách nội chính. Hậu quả là Ca Tê bị nghi ngờ và mất sự tín nhiệm của anh em ông D, bị người của Hiếu Thảo theo dõi .
Một cuộc đảo chính khác do phía quân đội đang âm mưu hình thành mà mục tiêu là loại bỏ hẳn ông D và ông N, một điều mà chính quyền miền Bắc thường hô hào cổ xúy. Ca Tê báo cáo lên nhưng anh em ông D không tin . Ca Tê thấy rằng âm mưu đảo chánh lần nầy rất bất lợi cho sự sống còn của miền Nam vì vậy, muốn cứu vãn tình thế và chận đứng âm mưu đảo chánh, chỉ còn có cách là tạo áp lực bằng một cuộc chỉnh lý để ông D chấm dứt trách nhiệm của ông N cùng với những kẻ thân thuộc đang bu quanh ông D. Ca Tê âm thầm sắp đặt kế hoạch chỉnh lý với một đại tá trong quân đội của ông D và một sĩ quan trẻ thuộc binh chủng không quân. Tuy nhiên, vì quá cấp bách, Ca Tê không đủ thời gian để chuẩn bị chu đáo, những hoạt động của Ca Tê đã không qua mắt được trùm mật vụ miền Trung Hiếu Thảo .
Hiếu Thảo đã gặp Lê Đức để cho biết âm mưu "làm phản" của Ca Tê và nói rằng đoàn công tác đặc biệt miền Trung sẽ ra tay không nhân nhượng để tiêu diệt bất cứ ai có ý phản lại anh em ông D.
Bằng một ánh mắt đầy ngờ vực, Hiếu Thảo hỏi Lê Đức:
"Mi là bạn của Ca Tê, coi nhau như anh em ruột. Mi cũng là bạn của tao, vậy thì mi nghĩ thế nào về chuyện nầy ?"
Lê Đức nhìn thẳng người đối diện:
"Tôi ủng hộ anh em ông D là vì tôi muốn dựa hơi để được yên ổn làm ăn, không có chính trị xen vô. Chuyện âm mưu đảo chánh mới của nhóm quân đội thì anh Ca Tê có nói cho tôi biết, còn việc làm phản của anh ấy thì tôi chưa biết. Tuy nhiên, theo óc nhận định thô thiển của tôi thì kế hoạch làm phản của Ca Tê chỉ nhằm mục đích vô hiệu hóa âm mưu đảo chánh của phe quân đội mà nếu họ thành công thì chỉ có lợi cho phía bên kia . . ."
"Mi nghĩ không sai, ta biết, Ca Tê biết, tổng thống và ông cố vấn biết, ông N ra lệnh cho bọn tao chờ để tóm bằng sạch đám phản bội đó thì lại khám phá ra âm mưu của Ca Tê!"
"Có thể Ca Tê muốn ra tay trước và nếu thành công thì chế độ của ông D ở miền Nam vẫn còn với những sửa đổi xoa dịu lòng dân chúng. Người dân hiện giờ vẫn còn mến phục ông D nhưng họ lại đang khó chịu vì sự lạm quyền lấn lướt cuả những người bu quanh vị tổng thống đạo đức của họ, họ muốn tổng thống sửa đổi . Ca Tê đã trình bày ý muốn đó nhưng ông D vì quá nặng tình gia tộc cho nên không chịu nghe mà còn tỏ ra hết tin tưởng lòng trung thành của Ca Tê. Ca Tê đã cứu chế độ trong vụ phản loạn ngày 1 tháng 11 năm 1960. Bây giờ có thể Ca Tê lại muốn ra tay để cứu chế độ một lần nữa trong một tình thế quá cấp bách không thể chần chừ chờ đợi lâu hơn . . . ."
Giọng của Hiếu Thảo dứt khoát:
"Tao muốn biết ngay ý kiến của mi về vụ nầỵ"
"Tổng thống và ông cố vân biết chưa ?"
"Tao sẽ còng đầu hết tụi nó rồi trình mọi việc lên tổng thống và ông cố vấn sau ."
"Sao anh chưa chịu ra tay mà còn gọi tôi tới đây làm gì ?"
"Vì mi là bạn của hắn mà cũng là bạn của tao. Tao không muốn giữa tao và mi sứt mẻ vì vụ nầy . . ."
"Tôi đề nghị với anh nên tha cho Ca Tê vì dù sao anh ấy cũng đã có công lớn . . ."
Hiếu Thảo đứng lên trừng mắt:
"Tha cho hắn ? Hừ, để cho hắn ở đây làm loạn sao ? Không thể được . Mi muốn theo hắn thì cứ theo, tao không cản. . . "
"Một mình Ca Tê, đã khó cho anh đối phó, nếu bây giờ lại có thêm tôi nhảy vào thì anh tính sao ? "
"Mi hăm dọa tao phải không ?"
Lê Đức nhún vai:
"Cho anh biết thêm một điều về tôi: khi tôi đã quyết định làm một việc gì thì tôi làm ngay chứ không hăm dọa để cho đối thủ của tôi đề phòng, tiên hạ thủ vi cường, ra tay trước vẫn hơn . . . ."
"Bây giờ mi bảo tao phải làm gì ? Nếu cứ để cho chuyện xảy ra thì tao ăn nói làm sao với tổng thống và ông cố vấn ? Họ đưa tụi tao từ miền Trung vào đây để bảo vệ cho họ chứ không phải để tụi tao ngồi chơi xơi nước . . ."
"Vừa rồi tôi chưa nói hết thì anh đã giận giữ ngắt lời: tha cho Ca Tê không có nghĩa là để cho Ca Tê ở lại đây để tiếp tục làm việc cho ông D. Anh sẽ đề nghị với anh em ông D cho Ca Tê đại diện chính phủ đi công du ngoại quốc với lý do không thể để 2 cơ quan tình báo mật vụ hoạt động song song trong cùng một chính quyền."
"Lấy gì bảo đảm là hắn sẽ chịu ra đi ?"
Lê Đức vỗ vai Hiếu Thảo:
"Chuyện đó anh để tôi lo, tôi bảo đảm với anh, được chưa ?"
"Tao với mi không vì chuyện nầy mà thù nghịch nhau chứ ?"
"Làm gì có chuyện đó . Anh có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, còn về phần tôi, nếu ông D vẫn còn ngồi đó thì công cuộc làm ăn của tôi sẽ tiếp tụ suông sẻ . Cả hai tụi mình đều có lợi khi họ chưa bị hại . Như vậy tội gì tôi phải xem anh là kẻ thù địch, tôi với anh trước sau vẫn như thế, không có gì thay đổi . . ."
Trước khi ra khỏi phòng làm việc của Hiếu Thảo, Lê Đức đặt một xắp bạc giấy 500 lên bàn "biếu cho chị và các cháu ăn quà".
Rồi Lê Đức đã gặp Ca Tê . Ngày đưa Ca Tê ra phi trưòng sang Ai Cập để nhậm chức đại sứ, Lê Đức nhét vào túi áo của Ca Tê một mảnh giấy nhỏ trong đó ghi ngắn gọn hàng chữ " Không nên đổi máy bay khi ghé Hồng Kong để tiếp tục đi Ai Cập, nguy hiểm đến tánh mạng !"
Cùng một thời điểm đó, mật vụ của Hiếu Thảo đã được lệnh thủ tiêu Ca Tê trước khi máy bay của Ca Tê đến Ai Cập. Ít lâu sau, có tin đồn Ca Tê xin tị nạn chính trị ở một quốc gia bên Âu châu. Dân Sài Gòn ngơ ngác !
*
Sau khi từ nhiệm, tôi từ Paris trở về Việt Nam và mở một phòng khám bệnh ở đường Bùi Thị Xuân. Tôi gặp luật sư Huy ở Sài Gòn một vài lần nhưng tung tích của Huyền Châu thì vẫn chưa tìm được.
Trên phương diện nghề nghiệp, tôi quen với bác sĩ HH và thường gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm. Về thời cuộc chính trị, tôi và HH thường có những ý kiến bất đồng. Hình như HH muốn lôi kéo tôi vào một tổ chức đối lập nào đó chống ông D nhưng tôi lờ đi vì không còn muốn dây dưa vào chính trị. Tuy là bác sĩ nhưng HH lại quay sang hướng kinh doanh thuốc tây khiến cho tôi rất thắc mắc nhưng lại nghĩ đơn giản rằng HH muốn làm giàu nhanh cho nên mới đổi nghệ
Vào buổi chiều một ngày thứ sáu, khi tôi sắp đóng cửa phòng khám bệnh để ra về thì HH bước vàọ
"A chị HH, đi đâu vậy ?"
"Khỏe không chị Bích Ngọc ? Ra sở, trên đường về ghé ngang thăm chị . . .
Trong khi tôi pha trà thì HH hỏi :
"Sao đóng cửa tiệm sớm vậy ?"
"Tối nay phải đưa con gái vào Chợ Lớn để ăn mừng . . ."
"Hồng Ngọc phải không? Ăn mừng chuyện gì ?"
"Hồng Ngọc vừa thi đậu vào trường Dược."
"Giỏi quá, năm nay cháu mấy tuổi rồi ?"
"Mười chín, hơi trễ, nhưng không sao ."
HH nhìn tôi chăm chú hồi lâu rồi bất ngờ hỏi:
"Sao không cho nó đứa em nào nữa hết vậy ?"
Tôi giựt mình, nhói ngực. Tôi nhớ tới Huyền Châu . Suýt nữa tôi đã thốt lên "có chứ" nhưng đã kềm chế được. Tôi làm bộ chống chế cho qua chuyện:
"Một đứa cũng muốn hụt hơi rồi, nhiều quá làm sao nuôi nổi . . ."
"Có những nhà nghèo tận mạng, con cái lại hàng chục đứa mà vẫn nuôi được, có sao đâu.. ."
Tôi cứng họng .
HH lại hỏi:
"Tại chị hay tại anh Hưng ?"
"Không tại ai hết. Kinh kỳ vẫn đều đều, chỉ vi kiên cử không muốn đó thôi . . .Bây giờ thì hơi trễ rồi, mẹ già sinh con muộn, sợ thai nghén bị biến dạng từ trong bụng thì khổ lắm !"
"Chị đâu có già , giống như con gái còn xuân, đẹp không thua gì tài tử ciné ngoại quốc . . . ."

Tôi nhìn nhau HH rồi phá lên cười :
"Chị nói chơi hay nói thật ?"
"Thật mà !"
"Chị làm tôi lên chưng đó nghe . . ."
"Chị thấy thời cuộc lúc nầy thế nào ?"
Tôi do dự:
"Tôi không theo dõi mấy ."
"Lính Mỹ vô ào ào mà chị không biết sao?"
"Có sao đâu, họ giúp ông D, giúp dân chúng miền Nam xây dựng . . ."
"Đó chỉ là cái khiêng che của họ để nhảy vào đây áp dụng chính sách đế quốc thực dân mới ! . . ."
"Họ đâu cần gì thuộc địa , họ đâu cần gạo để thay thế bánh mì ? Nước mình đâu có gì hấp dẫn đối với họ để họ phải bỏ tiền của, nhân lực vào đây mà đầu tư ?"
"Chẳng lẽ bọn họ khùng ?"
"Họ chống lại một chủ thuyết đi ngược lại với chủ thuyết tư bản ! "
" Miền Nam nầy làm gì có người đi theo chủ thuyết mới như chị nói ? "
"Miền Bắc đã theo rồi ! Vì thế Mỹ không muốn dân chúng miền Nam bước theo vết chân đó !"
"Chị không thấy là Mỹ càng ủng hộ ông D thì ông ta càng lúc càng đi quá trớn. Hết khu trù mật rồi đến ấp chiến lược, hết chiến dịch Mặt Trời Mọc rồi lại tới chiến dịch Phượng Hoàng, nằm vùng đâu không thấy, chỉ có người dân vô tội bị lùa vào các trại tập trung trá hình để đào hào đắp lũy quần quật ở các vùng nông thôn để cho ông D và gia đình ông ta củng cố quyền hành, ai không nghe theo thì bị chụp mũ là nằm vùng !"
"Vậy ai là chủ động những vụ khủng bố, ám sát, phục kích, đặt mìn, đặt bom . . .?"
"Đó là lòng căm phẩn của dân chúng đối với chế độ hiện tại ."
"Dân chúng làm gì có súng, có mìn, có chất nổ để đánh phá phách các thôn ấp hoặc bắn vào đầu các viên chức chính quyền. Chương trình nào cũng có mặt hay mặt yếu . Chỗ yếu của chính phủ hiện tại là sự bưng bít của cấp dưới. Ông D quá tin tưởng vào lòng trung thành của thuộc hạ mình nên nhiều khi người của đối phương nằm ngay trong nhà mà không biết !"
"Chị muốn nói đối phương nằm vùng ngay bên trong chính quyền của ông D ? Là ai vậy chị có biết không ?"
"Nhất định không phải là chị đâu! Mà tôi cũng chỉ nghe tin đồn mà thôi . Ở đây người biết rõ hơn ai hết là anh Ca Tê, đồng nghiệp với tụi mình nhưng hình như anh ấy cũng không còn ở Việt Nam . . ."
HH thở dài rồi đứng lên:
"Thôi, ghé thăm Bích Ngọc hôm nay có lẽ là lần chót vì tôi sẽ phải xa Sài Gòn ít lâu để giải quyết nhiều chuyện quan trọng ...Chuyện gia đình . . .Rồi chắc có ngày mình sẽ gặp lại nhau . . ."
Từ ngày đó, tôi không còn gặp HH nữa .
*
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, một tổ chức mới được dựng ra gọi là MTGPMN, đối lập với chính quyền của ông D. Trong thành phần nổi của tổ chức nầy người ta được biết có NHT, HTP . Hai người nầy nói tiếng Pháp rành hơn tiếng Việt Nam, TNT và nữ bác sĩ HH. Riêng NHT là một luật sư và đó là người sinh viên luật khoa khi vừa mới tốt nghiệp đã tới gặp luật sư Huy ở Paris ngày trước.
Các hoạt động của phe nằm vùng bắt đầu trở thành thường xuyên và táo bạo hơn khiến cho tình hình an ninh ở nông thôn càng lúc càng trở thành tồi tệ . Họ không đánh lớn, chỉ dùng phương pháp khủng bố, phá hoại và du kích để tiêu hao lực lượng của chính phủ. Các tỉnh trưởng, quận trưởng dân sự trở thành bất lực không có đủ khả năng để đối phó và bình định . Ông D phải dùng giới chức quân sự đứng đầu các tỉnh, quận để thay thế những người cũ, chú trọng về mặt bình định và phục hồi an ninh lãnh thổ nhiều hơn là lo việc phát triển kinh tế, cãi thiện xã hội .
*
Thiện được bổ nhiệm làm trưởng ban trả tiền vé sô Kiến Thiết và bồi hoàn trái phiếu Cải Cách Điền Địa . Trước ngày nhận nhiệm vụ mới "ông tham Thiện" được tổng giám đốc gọi vào văn phòng để báo cho Thiện biết rằng nhân viên ở ban đó đa số đều là vây cánh của mấy ông tai to mặt lớn trong chính quyền: ban nầy chỉ ngang với một cấp phòng, nhưng được hưởng tiền lời vé số rất béo bở vì thế cho nên ai cũng ham được làm việc ở ban đó . Thêm nữa, một số nhân viên ở ban nầy lại lén lút ăn tiền đút lót trong những kỳ trả tiền trái phiếu cải cách điền địa gây tai tiếng xấu cho cơ quan nhưng vì chưa có bằng chứng quả tang để thuyên chuyển các thành phần xấu cho nên Thiện cần phải để mắt theo dõi .
Nhận việc được 2 ngày, Thiện đã tìm thấy trong ngăn kéo bàn làm việc của mình mấy cây thuốc lá Pall Mall và một gói tiền năm ngàn đồng. Họ muốn mua Thiện và thử phản ứng của Thiện. Thiện âm thầm mang số bạc và mấy cây thuốc đưa vào trình ông tổng giám đốc rồi mua ổ khóa niêm cứng hết các học tủ bàn viết của mình.
Một tuần lễ sau đó, Thiện đề nghị thuyên chuyển hết số nhân viên cũ . Năm nhân viên mới đều là nữ nhân viên trẻ trong đó người phụ tá cho Thiện là Thái Minh, một phó đốc sự hành chanh vừa tốt nghiệp được đưa đến cơ quan nầy để tập sự.
Dáng người của Thái Minh phản phất hình ảnh của cô đào màn bạc Deborah Kerr của Mỹ; đặc biệt nhất là tướng đi với đôi chân thon dài, tướng đi của loài rắn trường bò . Người nữ công chức nầy được chánh sở nhân viên đích thân đưa tới để giới thiệu cùng Thiện. Ngày đầu tiên nói chuyện, Thái Minh gọi Thiện là ông trưởng ban, một điều dạ thưa, hai điều dạ phải khiến cho Thiện bối rối vì ngạch trật của Thái Minh là ngạch A, cao hơn ngạch trật của Thiện.
Đáng lý ra Thái Minh phải là cấp trên của Thiện mới phải . Thiện dùng tiếng bà để gọi lại Thái Minh vì Thái Minh đã có gia đình. Chồng của Thái Minh cũng là một công chức cao cấp hiện là phó viện trưởng của viện thống kê nằm ở góc đường Nguyễn Du-Tự Do , sát cạnh nha công vụ. Nàng đi làm bằng chiếc xe gắng máy Vélo-Solex với cái yên ngồi kéo thật cao, đôi trường túc co lại trên bệ gát chân, mớ tóc đuôi ngựa lắc lư, đôi mông tròn đầy để lộ qua lần vải thật khêu khích ! Gặp Thái Minh, Thiện ngẩn ngơ và rồi thẩn thờ nhớ tới 2 câu thơ:
Nếu biết rằng em đã có chồng,
Trời ơi người đó có buồn không ?
Nghe Thiện lăm răm ngâm thơ, Thái Minh hóm hỉnh hỏi nhỏ:
"Người đó là ai vậy, hở ông trưởng ban ?
Thiện chỉ mỉm cười xa vắng . Thái Minh là cụm lan đã trổ bông ngát hương còn Thiện chỉ mới là một búp măng trúc mới lú mầm khỏi mặt đất ! Phải còn lâu lắm, trúc mới có thể sánh ngang với lan !

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 771

Return to top