Đoàn Thị Điểm (1705_1746)
Dân Gian
Hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Ban Tang. Nữ sĩ đời Lê.
Người xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc phần).
Có nhan sắc xinh đẹp, tư chất lại thông minh, giỏi văn thơ, khắp vùng đều biết tiếng. Cha và anh (Tiến sĩ Đoàn Trác LuânĐ mất sớm; để tránh sự áp bức của kẻ quyền thế, bà đến Sài Trang làm Giáo thọ dạy cho một bà cung tần ở hậu cung dược vua Lê sủng ái. Thôi làm Giáo thọ, bà đưa gia đình sang ở làng Chương Dương (Hà Đông) mở trường dạy học. Mãi ngoài 30 tuổi bà mới kết duyên với Tả thị lang Nguyễn Kiều, người làng Từ Liêm (Hà Đông). Ăn ở với chồng được 6 năm; đến năm Bính dần (1746), vì ông Nguyễn Kiều phải đổi vào trấn nhậm ở Nghệ An, bà đi theo chồng, giữa đường nhuốm bệnh, đến Nghệ An thì mất.
Văn phẩm của bà Đoàn thị Điểm gồm có: “Tục Truyền Kỳ” (còn gọi là “Truyền Kỳ Tân Phả”) bằng Hán văn và bản dịch khúc “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra Quốc âm (412 câu thơ theo thể song thất lục bát), có một giá trị rất lớn cùng chiếm một địa vị rất cao trên nền văn học sử nước nhà.