Khi mới nghe xong thông cáo về lễ Hai Bà Trưng lòng tôi đã nôn nao, nếu không nghĩ đến năm nay thi tôi đã chạy ngay xuống văn phòng để ghi tên ở danh sách đầu tiên. Kỳ này thật hấp dẫn, ngoài mục thi đua gia chánh, nữ công, thể thao như thường lệ lại có phần trình diễn văn nghệ có bán vé ở rạp Thống Nhất. Cúc và Loan nói thật đúng. Tôi chỉ còn năm nay để làm nữ sinh Trưng Vương, để được thi đua và trình diễn trong lễ Hai Bà. Tôi phải có và cố giữ những gì đẹp đẽ cho cuộc đời tôi.
Một mình tôi dự thi ba môn, ba phương diện: gia chánh, thể thao và văng nghệ. Một lũ đua nhau ghi tên đến nỗi cô thư ký phải sốt ruột:
- Các cô thi lắm thế. Liệu có giựt được giải nào không?
- Tụi em đâu cần có giải cô. Thi nếm mùi ạ.
Cô Hảo lắc đầu cười:
- Lớp các cô dự thi đông nhất đấy.
- Cô thấy không, lớp tụi em lớp thi mà hoạt động mạnh mẽ thế đấy, 12AP2 tụ tập toàn nhân tài cô ạ.
Cô Hảo trề môi, gật gù:
- Thế lớp các em có ai thi hùng biện không?
- Có ạ, Bích Thủy đó cô. Nói tiếng tây như đầm, hùng biện bằng Pháp văn.
Thông cáo mới ra hôm qua mà trưa nay đã gần trăm mạng ghi tên. Đông thật. Cô
Hảo hỏi tôi:
- Hoa Mai mà cũng thi gia chánh nữa hả em ?
- Dạ có. Trời, cô khi em quá.
- Thế em biết làm món gì ?
- Dạ . . luộc nước sôi. Em luộc khéo lắm ạ.
Cả bọn ồ lên cười. Cô Hảo mắng:
- Cô Mai này lúc nào cũng lém quá.
- Cô, thi xe đạp chậm xe nào cũng được hả cô ?
- Ừ, miễn xe đạp thì thôi
- Xe đạp nhỏ cũng được hả cô ?
- Không rõ. Để tôi hỏi lại đã.
Chuông reo inh ỏi. Cả lũ nhao nhao:
- Cô em về.
- Ừ
- Cô em đi
- Ừ, các em vào học.
Chúng tôi trở lên lớp. Cúc cười nhẹ:
- Trẻ tuổi vẫn thế. Làm rất nhiều nhưng chả được bao nhiêu, muốn làm những gì mình thích, không cần rồi sẽ được gì.
Cả bọn gật gù đồng ý.
*
Mai Nhót nheo mắt:
- Cả ngày hôm qua tao ngồi tán Hoàn Tử Trọc. Chàng hứa cho mượn xe đạp của chàng để dự thi.
- Mày không khá được. Tao thấy lông nheo nó rụng hết tưởng nó gặp được chàng hào hoa phong nhã nào hóa ra là Hoàng Tử Trọc.
Tôi gắt:
- Đấu láo mãi, đi mượn xe đi
- Mượn ai ?
- Mấy nhỏ em nhận ấy. Tao có 1 con nhỏ em nhận, để tao mượn.
Tôi với Cúc kéo nhau lên lầu:
- Nhỏ em mày lớp nào ?
- Đệ Tứ
- Tụi nó đang học
- Kệ, lên thử xem.
- Mình mi lên đi, hai đứa đi ồn lắm. Tao đứng đợi ở đây
Tôi bước lên bực thang. 1 vài cô bé nhỏ nhìn ra ngoài, chúng nó đang ăn vụng thấy tôi nhìn, ngượng ngập cười khúc khích. Tôi cười nhẹ, chả lẽ lại nói với các em là chị cũng thế thôi. Tôi đứng nép vào cửa để giáo sư khỏi thấy rồi vẫy nhỏ em nhận. Tôi tròn miệng thì thào:
- Cho chị mượn xe
Con bé thông minh hiểu ngay, mở cặp lấy chìa khóa. Ơ hay, sao lại xe Honda.
- Không phải, xe đạp cơ
Con bé cười lắc đầu:
- Em không có
Tôi trả lại chìa khóa, cười với nó rồi trở xuống.
Cúc đã mượn được 1 nhỏ em nhận chiếc xe đạp. Nó giục:
- Đi thôi, để Mai Nhót nó đợi
- Ừ, tụi mi tập mệt thì tao tập.
Mai Nhót đang đứng ngóng chúng tôi, mặt nhăn nhó như khỉ ăn mắm tôm.
- Sao lâu thế ?
- Nhắng nó không có xe
Nhót chỉ tôi:
- Tao thấy chiếc xe kia không khóa kìa . . mượn đại đi, rồi trả.
- Ðâu . . ghê thấy tía, lỡ nó thưa bà Tổng.
- Gần chuông thì trả về chỗ cũ, có lấy đâu mà sợ.
Tôi vội vàng dắt chiếc xe ra cổng.
- Ra con đường lá nghe
Vừa lúc, Cúc Gà Mỹ mượn được chiếc xe đạp bé xíu đang đạp ra.
Nhót cười văng nước miếng:
- Giời ơi là giời, có xuống đây xem Gà Mỹ tập xe đạp không nè.
Cười mãi, Nhót ủi cả xe vào gốc cây. Cúc làm tỉnh:
- Nản quá không khá được.
Mai Nhót té xuống đất vẫn còn cười, lẩm bẩm:
- Xe cha này đứt thắng. Khốn khổ cho thân tao.
Cả bọn cười ngặt nghẹo:
- Thôi nhé, thôi nhé. Tao lậy tụi mi, tao cười nứt mề mất.
Lá cây cũng phải cười theo, rì rào.
Phải 15 phút sau tôi mới đứng lên tập cùng với tụi nó. Ba đứa nối đuôi nhau đạp cho quen chân, vì đã bỏ xe đạp từ năm Đệ Lục. Dạo đó con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tôn quanh khu Hải Quân Công Xưởng chưa bị cấm, một đàn áo trắng đạp xe nối hàng dài. Hồi đó tôi thật khổ sở mới được đi xe đạp, mỗi lần đi học là mỗi lần nước mắt chảy vòng quanh. Mẹ tôi cứ la “con đi không vững” nên bắt tôi phải theo chế độ xe nhà, thật là gò bó. Sau tôi liều, đợi mẹ ngủ trưa, lén lấy xe đạp đi học, tạo một chuyện đã rồi … thế là mẹ tôi đành chiều.
Khi đã được đi xe đạp rồi thì nỗi khổ kế tiếp là không được mặc áo dài lụa, nghe tiếng vạt áo dài các bạn bay lất phất trong gió rộn cả tai. Tôi thấy nó tuyệt vời và kiêu sa hơn chiếc áo đầm cụt ngủn mình mặc. Chuyện này thì mẹ tôi nhất định không chiều, mẹ bảo:
- Ði xe đạp mặc áo đầm cho gọn.
Tôi đành quê hơn các bạn tôi, đi sau tụi nó để nhìn tụi nó đẹp mình và người lớn hơn mình. Năm sau, tôi lại bị buộc vào chế độ xe trường. Cho đến năm Đệ Tam tôi mới thật sự được tự do, đi chiếc Solex phóng như bay để nghe vạt áo phần phật sau lưng. Đến bây giờ tôi vẫn đi chiếc Solex đen trung thành, 2 chân gác trên khung, thu người yểu điệu. Và nghe bạn bè khen ngợi: “Hoa Mai đi Solex trông thật xinh”.
- Á á có xê ra không.
Hai xe móc vào nhau làm hai đứa ngã lăn ra đám lá. Tôi giật mình, thấy đau điếng ở chân. Có tiếng cười khanh khách của Mai Nhót ở cuối đường. Cúc lồm ngồm ngồi dậy, nhăn nhó phủi áo.
- Mi khỉ ghê. Ði cái kiểu gì.
Nó ẹo người, ấn vào cạnh sườn. Tôi cười mếu máo:
- Tao cũng tê người chứ bộ.
***
Càng gần ngày Hội Hai Bà tụi tôi học càng lười. Ðầu óc đứa nào cũng chỉ nghĩ đến những cuộc chơi. Trong giờ học mà suốt buổi thì thào:
- Mày thi gì đó, thêu hay may ?
- Không tao làm búp bê.
- Láng thế, ai dạy mày làm, sao chả bao giờ mày làm cho tao 1 con ?
- Ông mới đi học mót của chị hàng xóm.
- Còn vụ hóa trang của tụi mình thì sao ?
- Tụi nó định làm đám cưới ba miền.
- Tụi nó ấm ớ chưa định hóa trang cái gì ?
Cúc chen vào:
- Tao nghĩ tụi mình hóa trang đám cưới có lẽ khá
Lu hỉn mũi:
- Đám cưới cũng thường, tao thấy tụi bên A3 hóa trang đám cưới 3 miền rồi … mình làm nữa thì quê lắm.
- Tao nghĩ mình hóa trang ba thời cho khác, cho biết đứa nào hơn đứa nào
Tôi nheo mắt hỏi lại:
- Ba thời là sao ?
- Thì thời xưa, nay, và tương lai.
- Tương lai thì sao.
- Thì ăn mặc Hippy chẳng hạn.
Tôi cười:
- Tao khoái hóa trang thời thượng cổ.
- Mày làm cô dâu đi.
- Còn mày chú rể nhé.
- Nham nhở
Hết chuyện hóa trang đến chuyện gia chánh. Chúng tôi thả ga trong giờ ra chơi.
- Mình làm bánh bao đi, tao khoái đớp bánh bao ghê cơ
- Thôi, tao khoái món bánh hoa hồng.
- Bánh xu xê đi
Mỗi đứa 1 ý kiến, rút cuộc chả định được gì.
Lại bàn tiếp trong giờ học. Cứ thế cho đến ngày Hội.
- Mốt thi hóa trang rồi mà tụi mi cứ ấm ứ mãi. Thôi hóa trang thời đại ngày ra quân của 2 Bà đi.
- Màn đó nặng quần áo ghê lắm, làm sao lo kịp.
- Chứ sao giờ, bỏ vậy.
Loan chợt nhớ ra:
- Tụi mình hóa trang Mọi Da Ðỏ đi. Một bộ lạc mọi mà không láng à.
Tôi nhăn nhó:
- Làm sao có đồ hóa trang ?
- Làm bằng giấy, và vài thứ ít tiền khác.
Mai Nhót có kiến thêm:
- Mình hóa trang thành một tù trưởng, một phù thủy và một đám mọi con.
Chúng tôi hoan hỉ đã tìm được ý hay:
- Chắc là mình ăn đứt tụi nó mất.
- Khá lắm, được đó
Tôi đưa ý kiến:
- Mặt Mã Thày đen làm Phù Thủy được đó
- Ừ, ừ. Con này có cái răng khểnh.
Mai Nhót nhận việc:
- Còn tao làm nữ mọi cho. Nữ chúa mọi.
Loan cười ôm eo Nhót và tôi:
- Á á … Hai con vợ mọi của tao
Bỗng nó vỗ vào mông tôi đôm đốp:
- Tao nhớ rồi. Nhà đứa nào có bao bố không?
- Chi vậy?
- May áo Mọi. Trời, láng lắm.
- Khiếp, hôi bỏ xừ.
- Ngâm xà bông một đêm là hết hôi. Nhưng ăn nhằm gì. Mình mặc có năm phút thôi mà.
Mã Thày dẫy nẩy:
- Thôi, chịu thôi, ngứa lắm
Mai Nhót đồng ý:
- Hay đó, mặc vậy mới giống. Tao mặc cho.
- Tao thấy ý kiến hay.
Loan cười tít mắt hài lòng:
- Rồi chiều nay về làm liền đi. Mã Thày làm phù thủy nên mặc vải đen cũng được vậy thì mày ráng mà mua. Còn 2 nhỏ này tụi mi làm váy mặc thôi.