Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bỏ Cuộc Chơi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12634 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bỏ Cuộc Chơi
Võ Hà Anh

Chương 5

Chủ Nhật trời đẹp ghê! Loan hứng giọng khi xe quẹo vào cửa Tổng Y Viện Cộng Hòa. Buổi sáng, mới độ hơn 8 giờ, xe cộ ra vào tấp nập. Tôi và mấy đứa xúm vào một góc xe, bàn cãi om xòm những chuyện vui tối ngày thứ bảy. Tôi chỉ mới đến đây có hai lần, nhưng Loan và bọn bạn tôi đến thường xuyên. Ðây là một cuộc đi uỷ lạo và thăm thương bệnh binh đang nằm điều trị hàng tháng của một hội từ thiện mà Kim Cúc có chân trong tổ chức. Chúng nó lôi kéo tôi đi. Sau những ngày thi mệt mỏi, tôị cũng muốn tìm những hoạt động không suy nghĩ, không liên quan đến học hành để đầu óc nghỉ ngơi.
Xe chạy thẳng vào bên trong. Tôi đã nghe nói nhiều về nơi này, và những người đến đây. Đủ loại người đau khổ, và đủ hạng người đến xoa dịu đớn đau. Trong đó có những bà mệnh phụ, những em gái hậu phương đến an ủi.
Xe dừng lại bên hông 1 dãy nhà dài, khu của những thương bệnh binh không thể tự làm lấy những việc vệ sinh thường thức cho mình như rửa mặt, gội đầu, tắm rửa. Ðó là những người mất tay chân hoặc đang bị bó bột gần khắp cả mình.
Xe dừng lại. Mọi người từ trên xe túa ra, chia từng nhóm bốn người. Tôi, Cúc, Loan và Tuyết thành một nhóm, bắt tay vào việc. Tôi bưng chậu cùng với Tuyết để hứng nước. Loan lấy khăn bông và xà phòng ra. Một giọng đàn ông:
- Chào các em gái. Hớt tóc, cạo râu, gội đầu như thường lệ hả ?
Loan dạ lớn, bên trong có tiếng rao:
- Hớt tóc, cạo râu, gội đầu, tắm rửa đây. Ðứa nào muốn thì sửa soạn đi, các chuyên viên đến giúp đỡ rồi đó.
Loan ghé tai tôi hỏi nhỏ:
- Mai có ngại không ?
Tôi lắc đầu:
- Không, nhưng hơi run vì không biết có quen làm không.
- Kệ. Vui tính cũng đủ để mọi người ưa mến rồi.
Bước vào phòng đầu dẫy, tôi rảo mắt một vòng. Một anh kêu:
- Thằng này đây cô. Nó nghe các cô đến, nó trùm chăn kín mít. Làm biếng, tóc dài lại dơ mà không chịu tắm gội gì cả.
Chúng tôi lôi đồ nghề ra. Cúc trổ tài hớt bằng dao bằng kéo. Loan gội đầu, chà xà bông, tôi xối nước. Tuyết đứng cầm thau hứng nước cho khỏi chảy lan ra sàn nhà. Những móng tay Loan gãi soàn soạt trên tóc, trên da đầu người lính nằm nghiêng ra thành giường. Có người không day trở được, Cúc phải nâng đầu anh ta lên, một tay gội một tay giữ cổ cho khỏi ướt, khỏi mỏi. Dù vậy, nước không ướt giường, ướt gạch nhưng vẫn tràn cả vào mắt, mũi, tai cùng với bọt xà bông. Nhưng chẳng ai than vãn phiền hà.
Hớt tóc cạo râu mỗi người Cúc làm mất độ 10 phút, Loan gội đầu và lau mất độ 5 phút. Lau mình và tay chân cho các anh thêm 2 phút là xong. Kể cũng khá nhanh.
Chúng tôi đi từ phòng này sang phòng khác. Một chiếc xe lăn chạy vào. Người lính nằm ở đầu dẫy kêu:
- Nè, Thiếu Úy, hớt tóc gội đầu không ? Các cô ở Hội Từ Thiện đến giúp đây.
Người Sĩ Quan trên chiếc xe lăn nói lớn:
- Có chứ, tôi nghe thấy có các cô đến nên trở về đây liền.
Anh bị mất cả hai chân đến tận đầu gối. Cổ anh còn băng một miếng lớn. Cúc và Loan giúp nâng anh leo lên giường. Tuyết đứng nghỉ bên cạnh. Lát sau, Loan lót tấm nhựa mỏng dưới lưng anh rồi gọi:
- Tuyết ơi, xối nước.
Tuyết đổ từng lon nhỏ, từ từ cho đủ ướt. Tôi đỡ gáy anh cho Loan gội. Người Thiếu Úy nói:
- Cô làm ơn gãi mạnh mạnh thêm một chút. Lâu nay ở dơ đầu ngứa quá.
Một anh nằm gần đó trêu chọc:
- Coi chừng đầu ông ấy có chí có các cô ơi. Chí đang bò lổm cổm khắp phòng kìa.
Một người khác la to:
- Trời đất sao cô đổ nước vô miệng ổng vậy. Coi kìa ổng uống ừng ực.
Tôi giật mình nhìn lại, Tuyết mải ngó tìm người nói câu trêu chọc, để lệch tay tưới nước vào má người sĩ quan. Anh chàng nằm cười không nói,trong lúc Loan loay hoay gãi mười đầu móng tay trong mái tóc anh. Anh chàng hỏi:
- Này cô, các cô học mấy việc này ở đâu thế ?
Loan nhỏ nhẹ đáp:
- Dạ không học ở đâu hết.
Người Thiếu Úy khen ngợi:
- Vậy mà các cô làm giỏi quá.
Tuyết giải thích:
- Thì thực tập với mấy đứa em nhỏ ở nhà mà anh.
Một người nói đùa:
- Vậy mà tôi cứ tưởng các cô … ở tiệm uốn tóc ra.
- Cù lần, thợ uốn tóc lo kiếm tiền chứ vào đây làm “thí” cho mày à.
Viên Thiếu Úy kê ngay tủ chè vào mồm anh bạn cùng phòng. Giúp được hơn ba chục mái tóc sạch sẽ . . . khang trang. Chúng tôi tạm nghỉ chờ gọi ra về. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi chia nhau đến từng giường nói chuyện với các anh.
Tôi đến bên một người lính nằm im nhìn chúng tôi làm việc từ lúc vào, không nói năng. Tôi hỏi:
- Anh bị thương lâu chưa anh. Ở trận nào vậy.
- Hơn tháng rồi cô ạ. Ở Ðịnh Tường.
Người lính nói nhỏ, giọng trầm như thì thào. Tôi chợt thấy cảm tình với giọng nói ấy:
- Anh cần dùng gì không, em giúp.
- Cám ơn cô. Tôi chỉ muốn nghe các cô nói chuyện. Tôi không có thân nhân nên buồn quá.
Tôi chạnh lòng:
- Sao vậy. Gia đình anh ở xa ?
- Chết hết rồi, tôi chỉ có một mình.
Tôi lặng im 1 phút. Đôi mắt anh đỏ lên, tôi đã vô tình gợi lại dĩ vãng của người lính trẻ. Tôi vội nói sang chuyện khác:
- Anh thích đọc sách không.
Người lính gật gật:
- Thích lắm. . . nhưng cô xem đây.
Tôi giật mình. Một tay anh đã bi mất, tay kia còn bó bột. Tôi bứt rứt nghẹn giọng:
- Em vô ý quá. Nhưng lần sau, nếu anh muốn, em sẽ đem vào đọc cho anh nghe.
Người lính mỉm cười:
- Cám ơn cô. Cô tên là gì nhỉ.
Tôi nói tên mình và hỏi lại anh. Anh chàng bỗng ngập ngừng:
- Cô không nên nhớ tên tôi. Ðể tôi nhớ tên cô là được, các cô còn bận rộn nhiều chuyện khác, có biết thêm cũng chẳng ích gì.
Tôi nhìn anh. Người lính nghĩ ngợi những gì tôi không hiểu.
Cách đó vài giường, Tuyết đang đút cháo cho một thương binh. Anh này hai chân bó trắng xoá. Tay và ngực cũng bị băng. Tôi nhìn anh, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên má anh. Tuyết nói vói sang tôi:
- Anh ấy bị sốt. Nóng quá mà lại đói, không chịu ăn gì.
Người thương binh nuốt mệt nhọc, đôi lúc như ngậm lại trong miệng không chịu nuốt. Tôi thở dài nhè nhẹ. Người lính ở giường tôi đang đứng cạnh bỗng nói:
- Các cô vô đây là can đảm lắm. Chỗ này nào có gì vui.
Tôi bóp nhẹ cánh tay anh:
- Anh đừng nghĩ thế.
Từ cuối phòng, một anh nói lớn:
- Cô ơi, cô hát cho chúng tôi nghe được không ?
Chúng tôi nhìn nhau, ngại ngùng vì lời đề nghị bất ngờ quá. Anh ta nói tiếp:
- Ở đây buồn quá.
Lại một câu nói đầy phiền tủi. Loan có vẻ mủi lòng. Nó nói:
- Tụi em hát dở lắm.
- Thôi mà cô. Tụi tôi thèm nghe hát quá. Các cô dù hát dở vẫn hơn là nghe thợ hát ….
Tôi bật cười vì lối ví von của anh ta. Anh chàng hối thúc:
- Hát đi cô.
Loan nói:
- Em hát bài Em Tôi anh nghe nhé.
- Bài gì cũng hay. Cô hát đi.
Loan cất tiếng hát. Tiếng hát không nhạc đệm, nghe ngây thơ và dịu dàng. Những đôi mắt chợt buồn xa xăm. Những thần trí buông lung vào mơ mộng. Nhưng rồi mơ mộng chợt dở dang, vì thực tế tàn nhẫn phũ phàng. Nên có vài giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt.
Có tiếng lao xao. Những toán kia léo nhéo gọi chúng tôi ở ngoài hành lang. Chúng tôi từ giã ra về. Một nửa ngày chủ nhật qua đi, bận rộn, nhưng không được thảnh thơi như tôi tưởng. Vì tôi đã phải nghĩ nhiều đến những gì đã thấy, đã nghe.
Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy có một niềm vui nhẹ dâng vì một ngày làm việc có ích cho người, cho mình . . .

***
Thi xong là không khí trở lại thoải mái. Ðã qua giáng sinh và chỉ còn hơn một tháng là Tết. Các trưởng khối hoạt động ráo riết cho “nghề” mình. Nhất là báo chí và văn nghệ, gọi đi họp cả ngày. Nhỏ Loan cũng có chân trong ban biên tập Mê Linh nên nhiều khi gọi đi họp nhiều quá nó cũng nổi sùng, nhất là nhằm giờ Triết. Cô Giang dạy Triết rất ư là hấp dẫn, nhỏ Loan cứ ngồi lì mặc cho hết đứa này lên gọi đến đứa kia lên tìm. Cô Giang giảng Triết thật hay, cô lại phụ trách môn Tâm Lý, giảng đến bài Khoái Lạc thì rất ư là ...khoái lạc. Vì cô còn trẻ nên hay giảng về Tình Yêu. Ở tuổi chúng tôi dù cho chưa yêu đi nữa những chuyện tình yêu thì không bao giờ chê. Ðoạn nào giảng về yêu đương là cắm cúi viết lấy viết để, lại còn xì xầm:
- Cô giảng đúng ghê, hay ghê.
Có lần cô giảng về cái gọi là “coup de foudre” tức là tiếng sét ái tình gì gì đó. Cô Giang hỏi:
- Em nào đã có bồ rồi ?
Cả lớp cười khúc khích. Bố bảo cũng không dám trả lời cô.
Nhỏ Cúc ghé tai tôi, tôi được dịp xướng to lên:
- Thưa cô, Kim Cúc ạ. Nhưng chị Cúc bảo ngượng không dám nói ạ.
Cả lớp cười ồ. Tất cả bảy mươi hai con mắt đổ dồn vào nhỏ Cúc đang đỏ dần mặt. Nó thò tay xuống gầm bàn, nhéo đùi non tôi. Tôi tỉnh bơ:
- Ơ hay. Mi bảo tao nói dùm mà còn nhéo tao.
Cô Giang cười, nhìn nhỏ Cúc:
- Chuyện tình yêu có gì phải che dấu. Tôi nghĩ rằng ở tuổi các em chưa yêu cũng không phải là muộn, mà yêu rồi cũng không phải là sớm quá.
- Trời cô chịu chơi quá.
Cả lớp ào ào tán cô.
- Vì ở tuổi các em đang mộng mơ, đang xây đắp trong hồn mình những mẫu người lý tưởng, có đủ điều kiện này, điều kiện kia. Chỉ đợi lúc gặp được người như ý là các em sẽ yêu liền. Tùy theo sự đam mê của các em và tùy theo đối tượng gặp có gần giống mẫu người mơ ước nhiều không, các em sẽ có những coup de foudre hay gọi là gặp tiếng sét ái tình liền.
Nghe cô nói nhỏ Loan hứng tình hát tướng lên:
- Thời nay ... con gái... thích yêu mầu da trông đen dòn ...
Cô cười:
- Ðấy ví dụ như em Loan, thích người có nước da đen dòn mà em lại gặp một ông mặt búng ra sữa theo tán thì làm sao mê nổi.
Tụi nó xúm vào chọc nhỏ Loan:
- Tao phải xúi bồ nhỏ Loan chui vào lò sưởi nướng da cho vừa đen vừa dòn, đụng vô kêu rổn rảng mí được.
Cả lớp cười nghiêng ngả. Vào giờ Tâm Lý của cô Giang thì vui thế đó. Nhưng đến giờ Luận Lý của cô Hân thì buồn không thể tả. Ngồi nghe cô Hân giảng chúng tôi bấm nhau:
- Mình hãy thông cảm cho cô Hân, vì các triết gia nói không ai hiểu được họ, vì họ luôn luôn đi trước thiên hạ.
Cô Hân giảng xong, hỏi:
- Các em có hiểu không ?
Không ai dám lên tiếng.
- Sao các em không trả lời?
Một đứa gồng mình:
- Thưa cô, chúng em không hiểu mình hiểu hay không hiểu.
Cô Hân nhún vai quay đi. Học triết cũng vui mà cũng khổ. Nhiều đoạn thật hay, nhưng cũng có nhiều câu văn thật khô khan thật kỳ cục mà cứ phải nuốt vào.
Hôm nay cả lớp nhốn nháo lên vì có tin thầy Long - dạy công dân - đi Mỹ. Tụi nó xúm vào đấu láo. Tôi với Loan cũng lờ chuyện họp hành để ngồi lại lớp.
- Thế là được nghỉ giờ thứ hai rồi đí nhé.
- Chưa chắc, tao thấy thầy vào trường rõ ràng.
- Cô Hảo bảo tao mà, đơn của thầy xét lâu rồi, hôm nay là ngày thầy đi mà.
Ðứa này cãi đứa kia, tôi điếc cả tai, bèn ghé mồm hét vào tai chúng nó:
- Ðiếc tai quá. Tí nữa rồi biết.
Hai đứa bên cạnh quay qua la tôi:
- Sư mi, mõm mi sủa thì bé dữ.
Ðến giờ thầy Long vào, cả lớp ồn lên hỏi thăm.
- Thầy đi Mỹ hở thầy ?
Thầy gật đầu cười.
- Trời. Thầy nỡ lòng nào bỏ tụi con.
- Có hẹn ngày tái ngộ không thầy.
Thầy đứng lặng nhìn lũ quỷ thương tiếc thầy.
- Các chị ở lại học cho ngoan. Tôi cầu chúc cho tất cả đều đậu cao.
Cả lớp vỗ tay cám ơn thầy. Thầy nói tiếp:
- Tôi xin đi tu nghiệp ở Mỹ khoảng sáu tháng. Nếu về kịp niên khoá này tôi sẽ xin dạy tiếp các chị. Trong thời gian tôi đi vắng, nhà trường có mời được một thầy mới dạy Công Dân cho các chị.
Loan ghé vào tai tôi:
- Tội nghiệp cho thầy mới quá. Vào lớp mình như chuột sa hũ nước mắm í.
Tôi cố bậm môi để đừng bật ra tiếng cười. Thầy mới bước vào. Cả lớp dồn mắt nhìn thầy từ đầu xuống chân. Nhỏ Hoàn từ bàn bên kia với qua:
- Ông này giỏi lắm chỉ bằng tuổi bồ tao chứ mấy.
Chúng tôi cười hi hí. Nhỏ Cúc phê bình:
- Mép quần kia bén quá, bao giờ mượn thầy cắt “bí tết” thì phải biết.
Nhỏ Loan bổ túc:
- Tóc thầy cạo ra cũng được một lo mỡ bò để chiên.
Tôi không dám nói gì, bậm môi để khỏi cười khằng khặc. Thầy trò ngày nay “gần” nhau đến thế, ngay cả lúc chưa … quen. Nhìn thầy cũng có vẻ chịu chơi, tếu tếu. Thầy tự giới thiệu:
- Tôi tên là Nguyễn Văn Quý. Lý lịch rõ ràng của tôi nộp dưới Bà Hiệu, chị nào muốn biết rõ thì xuống mà xem.
Cả lớp ồn ào lên. Thanh Mai nói khẽ:
- Nhìn tay thầy đeo nhẫn thế kia thì còn ai muốn tìm hiểu thầy làm “rì”.
Nhỏ Hoàn gạt đi:
- Ðồ mi ngu, đó là bùa hộ mạng của mấy thầy trẻ mà phải dạy trường con gái mà.
Thầy tiếp:
- Mà tên tôi là Quý . . . i dài chứ không phải i ngắn đâu nhé, các chị để ý đấy.
- Ơ ơ để ý đấy nhé.
Mỗi đứa 1 câu, mỗi câu trêu 1 ý. Mấy chuyện này sao tụi tôi dồi dào ý kinh khủng, chả bù lúc làm luận triết đứa nào cũng nhăn nhăn cắn bút. Chúng tôi nhìn nhau tủm tỉm cười cùng một lúc nhìn Như Mai. Ðại tư tưởng gặp nhau. Thanh Mai hỏi:
- Mai Nhí, thế còn tên Quý bồ của mày ... thì “sế lào”
- . . .
Chán đề tài Quý dài Quý ngắn chọc Mai Nhí, tụi tôi có trớn nhăn nhăn nhở nhở ngoẹo sang Kim Cúc:
- Đố tụi mi Gà Mỹ đẻ ra gì ?
- Ðẻ ra trứng Mỹ .
- Cúc .. Cúc … Trứng Mỹ của mày nở ra lông đen hay trắng ?
Cúc tỉnh bơ:
- Tùy à
- Tùy là tùy làm sao ?
Cúc vênh váo:
- (….)
Ngôn ngữ tụi tôi đấu láo nếu có người nghe thấy ắt phải lăn đùng ra chết ngất. Kỳ cục hết chỗ nói.
Trong chúng tôi, mỗi đứa có một tên riêng, tùy theo cá tính. Tụi nói gọi tôi là Mai Nhắng. Cái tên thủa sơ sinh mẹ gọi vì hay nhè và lắm miệng. Thanh Mai là vua nhảy đầm nên gọi là Mai Nhót. Như Mai nói hay rít, thân hình lại nhỏ thó nên có tên Mai Nhí. Hồi thi Tú Tài I xong chúng tôi mới thân, ngồi gần nhau nên thiên hạ gọi là Ðại Úy vì là ba hoa mai vàng. Bây giờ tụi tôi hẹn hò đạt được Tú Tài II để thành Ðại Tá. Sau này trong tương lai xong Cử Nhân lên Ðại Tướng thì về hưu chống lầy (lấy chồng). Còn nhỏ Cúc, cái tên nó mỗi khi gọi Cúc . . Cúc như gọi gà. Thêm vào cái giỏi Anh Ngữ của nó và cái thân bồ tượng nên được gọi là Cúc Gà Mỹ. Nhỏ Khanh có 1 dung nhan đen xì nên gọi là Mã Thầy. Nhỏ Ngọc thích đeo kính râm, lại cận, nên gọi là Cận Dâm (dâm tức là râm mát đọc theo giọng địa phương miền Bắc) Nhỏ Tuyết nhìn thấy mặt là toét ra cười nên gọi là Toe Toét. Loan là Lu vì nó uống nhiều hơn ăn. Hoàn có thân hình hấp dẫn đầy đặn, luôn được các giáo sư thể thao khen, được lớp bầu là hoa hậu, nhưng tụi tôi gọi chại ra là Hoa héo, gọi tắt là Hoàn Héo. Theo tôi, nhóm vừa kể chia ra làm 2 phe, có lối đùa nghịch khác nhau. Cận Dâm, Toe Toét, Mã Thầy là dân nghịch đùa theo kiểu con nít, có những thơ mộng, những vui buồn khác với tụi kia gồm Mai Nhí, Mai Nhót, Lu Lun, Hoàn Héo. Tụi này đùa nham nhở hết mình, phần đông đã có bồ nên cái vui cái buồn khác hơn bọn kia khá nhiều.
Tôi thì ở giai đoạn chuyển tiếp của 2 nhóm. Một lúc đếm thời gian giật mình thấy tuổi lớn đang dần tới, hôm nay cười thật vô tư rồi mai chợt buồn vô nghĩa.
- Buồn quá, sao hôm nay trời không có nắng
- Buồn quá, sao mưa rơi không rộn ràng.
Thế đấy . . . chỉ vô lý vậy thôi.
... Trở lên lớp, 1 giờ Anh Văn trôi chậm nặng nề. Ngồi mãi mới qua được mười lăm phút. Cúc thấy tôi hỏi giờ hoài cũng phải sốt ruột:
- Gớm, mày hẹn hò với ai mà hỏi giờ liền liền thế khỉ ?
- Chán quá, mong mau hết giờ. Sao tao nghi đồng hồ của mi rùa quá.
- Ừ tao vốn khoái Anh Văn mà hôm nay cũng không thấy hứng.
Tôi chán nản gục đầu xuống bàn, nhìn xuống đất. Một đàn kiến đang khuân mấy vụn bánh mí tôi ăn làm rớt. Tôi lẩn thẩn đưa ngón chân cái chặn ngang con đường tiến của đàn kiến. Chúng nó chạy toán loạn. Một con chạy tưới lên chân tôi. Tôi thấy vui vui, co chân lên bắt một con bỏ trên giấy vở trắng tinh. Con kiến vừa được buông ra hoảng chạy, tôi bèn lấy cái thước chận đường nó đi trốn.
- Cái con nhỏ này, mi buồn tình ngồi bắt rận ở chân chơi đó . . . hửa ?
Tôi dơ thước đập vào tay Cúc, con kiến chạy mất tiêu.
- Ðồ vô duyên, làm kiến của ta sổng chuồng rồi.
Loan đưa tay sờ trán tôi:
- Mày có sốt không đó, đầu mi hơi mát dây hả. Hết lối chơi rồi sao?
Tôi cười hì, chưa kịp trả lời thì “bộp”, 1 gói giấy nhỏ từ bàn Hoàn ném qua rơi ngay trước mặt làm tôi giật mình. Cúc chụp vội gói giấy, mở vội ra:
- Sư tụi nó, gửi cái này qua chi vậy?
Tôi và Loan chúi vào xem, tưởng đồ ăn còn dành nhau. Nhưng toàn mấy lớp giấy gói bánh sũng mỡ thơm phức và một mảnh giấy:”Tụi tao gửi cho ba đứa mi mấy miếng giấy gói bánh để ngửi cho đỡ thèm, còn bánh tụi tao đớp hết rồi” Giận không chứ. Tụi tôi lầm bầm mỗi đứa chửi một câu cho đã tức và bàn nhau tìm cách trả thù.
Nhìn qua bàn Hoàn Héo, Nhí, Nhót, ba đứa đang lép nhép cái mồm ăn, tay chống lên che miệng, nghe giáo sư giảng bài ra vẻ chú ý lắm. Loan càu nhàu:
- Tao muốn bợp mấy mặt nham nhở của tụi nó quá.
Tụi tôi tức quá đâm phì cười. Ba đứa bên kia cũng nhe răng ra cười.
- Cô Thanh Mai làm gì mà cười vui thế. Cô đọc cho tôi đoạn đầu Lesson 4.
Thanh Mai lúng búng miệng nhai nốt miếng bánh, trợn mắt lên nuốt. Tôi và Loan bấm nhau cười:
- Giáo sư trả thù giùm mình đó, cho đáng cái đồ ăn tham.
Miếng bánh chắc thuộc loại khó tiêu thụ gấp rút nên Thanh Mai giả vờ cúi xuống giở giở tìm trang sách. Thấy lâu, vài đứa quay xuống nhìn rồi khúc khích cười. Dần dần cả lớp cùng khúc khích. Như Mai ngồi cạnh Thanh Mai nói:
- Quỷ, mỡ dính đầy mép kìa.
Mai Nhót vội liếm môi, môi càng bóng thêm. Giáo sư Diễm thấy cả lớp cười, nhìn xuống:
- Cô Thanh Mai đọc đi chứ.
Thanh Mai vội che cao cuốn sách ngang mặt rồi hắng giọng đọc. Hoàn và Mai Nhí ngồi cạnh đó mím môi cúi xuống lau nhanh cái mồm dính đầy mỡ bánh vờ vờ như đang dò lại bài đọc. Thanh Mai đọc xong đoạn đầu, đứng đợi. Loan nói lớn:
- Miệng Thanh Mai dính gì vậy.
Cả lớp cười ồ. Cô Diễm mỉm mỉm cười, cúi xuống cho điểm. Chuông chợt reo. Ðợi giáo sư ra khỏi lớp, Thanh Mai chỉ Loan hét
- Chết mi nhé. Ðỉu vừa vừa chứ.
Loan cãi:
- Còn nhẹ đấy, so với cái giấy mỡ liệng qua thì chưa thấm vào đâu.
Mã Thày từ bàn trên chạy xuống:
- Mẹ ta ưa ừa. Cho ta mượn quyển Triết cô Giang.
- Tâm lý hay đạo đức
- Ðạo.
- Tao không có mang.
- Mi không có “mang” à ?
Nó đưa tay sờ bụng tôi. Tôi dẫy nẩy đập vào tay Mã Thầy:
- Con nhà không bồ dạy. Tư tưởng đầy nham chất.
Khanh cười hề hề quay sang Tú ngồi bàn trước tôi :
- Cho tao mượn đạo đức.
Nhỏ Tú gác hai chân lên bàn ăn bánh mì, hất hàm chỉ mấy quyển sách trên bàn:
- Ðó
- Ðây hả? Vật Lý mà.
- Không, quyển kia, . . đó.
- Quyển này hả. Quyển này là Ðạo Ðức đây hả ? Cha mẹ ơi . . .
Khanh giơ quyển sách lên cười hô hố đưa cho tôi xem.
- Mi xem mặt trước nó đề là Ðạo Ðức, mặt sau nó để hình sexy nóng bỏng . . .
Tôi phì cười theo Khanh, lắc đầu:
- Quái gở.
Tú tỉnh bơ ăn bánh mì:
- Tụi mi vô tư quá chứ có gì quái gở đâu.
Tôi không kịp nghĩ, Loan ghé tai tôi:
- Nó mô tả cuộc đời hai mặt Nhắng ơi.
Tôi cúi xuống xếp sách vở. Yến xuất hiện ở khung cửa:
- Hoa Mai, xuống vũ, chúng nó đợi.
Tôi gật đầu:
- Xuống trước đi.
Lát sau, xuống tới phòng sinh hoạt tôi gặp nhiều mặt lạ. Bọn Ðệ Nhị đang tập vũ Tiếng Xưa. Vũ lụa cũng khó. Thời gian còn ít mà bây giờ mới tập thì làm sao kịp. Tôi hỏi một em bé.
- Em có biết các chị tập vũ Thiên Thai ở đâu không?
- Ở đằng nhà đang xây dở đó chị.
Tôi chạy dọc theo hành lang. Ðã vào học lại, lối đi vắng hoe, sân trường vắng lặng. Lối đi lên sân trước phải qua văn phòng Bà Tổng là điều tôi e ngại nhất. Tôi nhón chân, cái guốc mất đế vẫn nện cọc cọc trên nền xi măng. Tôi nín thở, quay mặt nhìn ra sân để khỏi bị nhận diện.
- Cô Hoa Mai, đi đâu thế này?
Bà Tổng đứng ở hông văn phòng. Tôi làm mặt tỉnh:
- Dạ . . con đi lo . . văn nghệ ạ.
- Ðang học giờ ai thế.
- Da. cô Vân ạ.
- Cô Vân à? Giáo sư khó đấy nhé. Lần sau đừng ra giờ cô Vân nữa.
Tôi dạ 1 tiếng thật to. Bà Tổng mỉm cười quay vào. Tôi chạy qua sân nắng. Vừa chạy vừa nhặt một chiếc lá to bản che nắng.
- Gớm nàng để chúng em ngóng đợi dài ngoằng cả cổ.
- Nhìn mi đủng đỉnh ông thấy lộn tiết.
Tôi cười trừ:
- Tiên thì phải khoan thai thục nữ chứ.
- Tao lạy mi, bao giờ vào đây thì hãy khoan thai, còn trên đường trần thì làm ơn gót-sen-bình-bịch cho tao nhờ.
- Nói thế chứ, tại tao bị lạc đường lên Thiên Thai. Mọi hôm tập dưới phòng sinh
hoạt. Hôm nay tụi mi bay lên đây làm sao tao biết được.
Tôi nói tiếp:
- Mí lại đôi guốc mộc của ta nó kêu to quá tao không dám chạy.
- Mi làm ơn cho đôi guốc mộc vào bảo tàng viện dùm tao tí đi. Người thế này mà lê đôi guốc mộc trông không khá được.
- Ấy đi thế này lết sướng lắm.
Năm nay tụi tôi có mốt đi guốc mộc. Mặc quần ống rộng mà lết guốc mộc không đế thì thú không chê được. Nhất là lúc 12 giờ rưỡi trưa, bà Giám Thị đã về. Một lũ rủ nhau dậm trên cầu thang đến điếc tai. Ðúng là gót-sen-sầm-xập-như-sấm-nổ.
Tập suốt hai giờ tôi mệt nhoài. Tôi quay nốt vòng cuối của bản nhạc rồi ngồi phịch xuống ghế. Giờ cuối đã tan. Nữ sinh ra về, đứng lại bu đặc cửa phòng, vỗ tay tán thưởng:
- Các tiên vũ hay quá. Tiên nào cũng xinh.
- Chị tiên chính dễ thương quá.
- Hai ông Lưu, Nguyễn cũng bô trai ghê.
- Các chị này Ðệ mấy nhỉ.
Mấy câu khen to nhỏ khiến tôi vui vui quên mệt. Yến rủ:
- Ra ngoài uống nước không?
- Mi ra đi, ta không khát.
Thật ra tôi hết cả tiền ăn quà rồi. Cuối tuần mà. Tôi ngồi nghĩ đến giờ Toán vừa rồi, không biết thầy Mẫn giảng bài gì. Lại không được nghe thầy giảng. Thấy tiếc kinh khủng.
Đang ngồi nghĩ miên man, có ai nói:
- Chị . . . chị vũ hay quá. Em ... em tặng chị cái này.
Cô bé dúi vào tay tôi một gói lá rồi chạy mất. Tôi không kịp nhận ra mặt cô bé, chạy theo ra nhưng không kịp. Con bé chạy nhanh ghê. Nhìn xuống tay, tôi bật cười. Một miếng ổi xanh bôi đầy muối ớt. Tôi liếm môi cho ướt, đưa miếng ổi lên miềng cắn. Mặn, chát, cay. Lòng tôi rộn vui. Hình như ngon hơn những miếng ổi tôi ăn từ trước đến giờ. Tôi tiếc không nhìn thấy mặt cô bé dễ thương ấy. Tôi nhớ câu Loan nói:
- Tuổi trẻ cho rất nhiều, nhưng không cần lấy lại bao nhiêu.
Như cô bé, cho tôi mà không cần tôi đền đáp lại gì, dù là câu cám ơn. Như tôi, tập vũ làm văn nghệ cho trường mà không xin gì cả. Chỉ muốn làm được một cái gì theo ý thích. Nhiều khi phải tự bỏ tiền ra để sắm quần áo hóa trang. Rồi ba phút trình diễn ngắn, thế là xong, mà vẫn say mê, vẫn thích hoạt động, vẫn cúi đầu nghe vài giáo sư khó tính la:
- Cả ngày văn nghệ thế thì tôi cho các cô rớt hết.
Hay:
- Các cô chỉ lấy cớ ra ngoài trốn học.
Nghe la, nhưng quên ngay, và lúc trình diễn chỉ để ý xem chừng các giáo sư mình có dự đầy đủ không? Cô kia mình thương đang nhìn mình mỉm cười. Thú nhất đấy!
Hết giờ thứ năm, tôi chạy bay lên lớp lấy cặp. Thanh Mai và Loan đang ngồi tập hát bài Dạ Khúc, đợi tôi.
- Toán thầy Mẫn giảng gì? cho tao mượn vở. Cả cô Vân cô Diễm nữa.
- Cô Vân giảng bài cũ, thầy Mẫn trả bài thi, còn Sử làm bài lấy điểm tháng này.
Mi không có điểm, phải lo học bài kỹ đấy nhé.
Tôi ngập ngừng
- Toán đứa nào nhất?
- Liên Minh, có 16 điểm thôi!
- Tao?
Loan ngần ngại trả lời:
- Hình như 07.
Tôi lặng người. Loan tiếp:
- Tao xem bài mi. Làm lộn Tổ Hợp ra Chỉnh Hợp. Còn mấy phương trình, mi quên không có điều kiện nên thầy trừ nửa số điểm.

 

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 946

Return to top