Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bỏ Cuộc Chơi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12638 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bỏ Cuộc Chơi
Võ Hà Anh

Chương 7

Vừa thấy tôi từ trên lầu bước xuống. Mẹ tôi đã nhăn nhăn:
- Sao con không mặc áo len vào, ra đường lạnh lắm.
Tôi cười hì cho mẹ yên tâm:
- Con không lạnh mẹ ạ. Vả lại Sài Gòn lâu lâu mới được một hôm mát trời mà mẹ nỡ bắt con mặc áo len.
Mẹ tôi lườm nhẹ:
- Kệ bố chị. Bảo không nghe, ốm ráng mà chịu.
Tôi cười nho nhỏ:
- Mẹ cứ lo. . .
Rồi cài cặp vào xe.
- Có tiền sáng chưa cô?
- Rồi ạ. Í, mẹ cho con xin năm chục mua xăng.
Mẹ vừa đưa tiền vừa hỏi:
- Ðem đủ sách vở chưa, không lại đi nửa đường phải quay về lấy như hôm trước là ăn đòn đấy.
Tôi nheo mắt:
- Mẹ cứ làm như con là nhỏ Nga ấy.
- Chứ không à. Cô không bé thì lớn với ai.
Mẹ tôi thế đấy. Tôi mười tám tuổi rưỡi rồi mà mẹ lúc nào cũng coi tôi còn nhỏ xíu. Có lúc tôi không chịu mình nhỏ, mẹ tôi bảo:
- Thế cô lớn thì cô đi lấy chồng đi.
- Ơ . . ơ . . mẹ kỳ ghê. Thế ai không lấy chồng cũng là con nít cả sao.
Mẹ cười xòa:
- Chỉ riêng con phải lấy chồng mới hết là con nít thôi.
Tôi đẩy xe ra cửa. Nhẩm lại thời khóa biểu và sách vở trong cặp xem đã đủ chưa. Vật Lý, Triết, Vạn Vật. Hai, ba, bốn . . ừ đủ rồi. Thôi chết, cái hộp bút đâu nhỉ. Sợ mẹ la, tôi đứng dưới đường gọi vọng lên balcon:
- Suỵt, Nga, lấy cho chị hộp bút trên bàn học đi.
Tôi nói khẽ thế mà mẹ cũng nghe thấy.
- Ðấy, mẹ nói có sai đâu. Không hiểu con đi học có chữ nào trong đầu không.
Tôi rụt cổ cười một mình rồi thò đầu vào nhà chào:
- Thưa mẹ, con đi học ạ.
- Vâng cô đi.
Tôi mở máy xe phóng khỏi ngõ. Hôm nay con ngựa của tôi ngoan ghê. Mở máy là chạy liền. Chả bù những hôm khác hỏng luôn xoành xoạch, chỉ muốn quăng cho rồi. Lũ bạn tôi luôn luôn kiếm lời chê:
- Xe mi mà tặng Viện Bảo Tàng chắc người ta tưởng xe thời Hùng Vương.
Nhưng dù gì chúng nó cũng nể tôi một mực đấy:
- Ta phục mi đi Solex ghê Mai. Nội thấy cái đầu máy gật gà gật gưỡng ta cũng phát khiếp rồi.
- Cái Solex lảo đảo như người say thế mà nhỏ Mai phóng như bay. Ðáng nể.
Tụi nó gọi tôi là anh hùng Solex. Mà nhiều khi tôi cũng thấy mình anh hùng thật. Xe đôi khi đứt thắng mà vẫn cứ đi như thường. Bởi thế giầy dép tôi mau mòn, vì cứ phải kéo lết trên mặt đường thay thắng. Nhưng sau này, tôi tự xưng là “Bạch Y Nữ Hiệp cưỡi Ô Mã” nghe oai hơn. Bây giờ Bạch Y Nữ Hiệp đang phóng như bay trên đường Trần Quý Cáp. Con dường này hôm nay dễ thương ghê. Tôi đi chậm chậm để hưởng thụ thú nhàn du phong cảnh. Một sáng đẹp trong đời. Trời hôm nay cũng hữu tình ghê. Bảy giờ mười lăm rồi mà trời vẫn còn âm u, gió thật nhẹ nhưng lạnh đến rùng người. Tôi luồn tay vào gáy, nhận một thoáng ấm trong người lan ra.
Hàng cây me bên đường cao thẳng vút, các tàng lá chụm đầu nhau, thỉnh thoảng gió động làm rơi vài giọt nước lấm tấm trên vai áo. Một chiếc lá xanh từ cao trên xuống, quay quay trong không gian rồi vướng vào tóc tôi. Tự nhiên tôi thấy thú thú, định với tay gỡ chiếc lá, nhưng con gió vô tình đã đùa nó đong đưa rơi xuống và nằm yên bên lề đường. Một thoáng tiếc tiếc vu vơ. Tôi mỉm cười với ý nghĩ chợt đến: Chiếc lá thật đa tình, trước khi chết còn cố hôn nhẹ lên mái tóc . . . giai nhân.
Ði hết đường Trần Quý Cáp, đường phố như ồn ào hẳn lên. Đã đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, con đường đầy ắp yêu thương quen thuộc. Nhưng đẹp nhất chỉ từ quán Hẹn, trước cổng Thảo Cầm Viên đến trường tôi. Cứ gần đến quán Hẹn là tôi phải vội vuốt tóc cho đàng hoàng, liếm môi cho đỡ khô, rồi phóng nhanh để tránh một thoáng ngượng nghịu. Hình dung ra bao cặp mắt nhìn mình sao mà quê kinh khủng. Tôi không hiểu sao mình có thói quen vậy. Nhưng chắn chắn không có ai của tôi trong đám người của trường hàng xóm. Các đấng nam nhi đứng quanh đó cao lắm cũng chỉ bằng tôi thôi, tôi là chị cả còn gì. Biết thế mà tôi cũng không tránh được bối rối trẻ con ấy.
Vào tới cổng trường đã nghe tiếng bác Ba la um sùm . . . như thường lệ:
- Các cô cứ để xe bừa bãi, tôi khóa xe rồi gửi lên bà Tổng ráng chịu đấy.
Vừa la, bác vừa xếp lại xe cho ngay hàng thẳng lối. Tôi đẩy xe vào tuốt phía trong cho đỡ mưa nắng, rồi loay hoay chải lại tóc.
- Ui dào, điệu ơi là điệu.
Giọng nhỏ Khanh oang oang làm tôi giật mình, quê với mấy nhỏ xung quanh đang trố mắt nhìn. Tôi đáp:
- Sáng sớm gặp mày, thấy không khá rồi.
- Vậy thì ngày nào tao cũng canh để gặp mày cho không khá luôn.
- Ðồ hắc ám.
Hai đứa “chào nhau sơ khởi” rồi khoát vai nhau đi lên sân trước.
- Học Triết chưa, hôm nay làm bài kiểm đấy.
- Ừ nhỉ, tao chả để ý, nhưng có đọc bài.
- Gớm được một hôm mày khoe có học bài, hèn chi mưa suốt đêm.
Tôi nhón chân nhảy qua vũng nước, phóng lên thềm hành lang.
- Mi biết không, đêm qua tao ngủ không được, bèn lôi Triết ra học luôn hai bài Ðam Mê - Khoái Lạc.
- Mi không học Ðau Khổ à?
Tôi nheo mắt:
- Ðời tươi như hoa mà mi bảo ta học Ðau Khổ.
- Ừ cho mi sung sướng. Ðến khi thi thì ngồi đó khóc với khoái lạc.
- Ơ, thì lúc đó mình tự nhiên biết đau khổ chứ cần gì học.
Khanh lắc đầu cười sau câu nói bướng bỉnh của tôi.
- Nói thế chứ, Ðau Khổ Khoái Lạc là một bài mà, làm sao bỏ được. Nhưng nếu học riêng chắc tao chỉ học Khoái Lạc thôi.
- Tao lại thích Ðau Khổ. Câu của Nietzche “Ðau khổ nếu không giúp ta cao thượng hơn, cũng giúp ta trầm tĩnh sâu sắc hơn”, tao thấy hay ghê.
- Câu đó hay, nhưng tao lại thích câu của Pascal hơn.
- Gớm gớm. Tụi mi làm “rì” mờ khoái lạc với đau khổ loạn lên thế.
Tôi và nhỏ Khanh cùng quay lại, nhận diện cái mặt nham nhở của Lon Sữa Bò và cùng đồng thanh chào nhau:
- Sư mi
- Hì hì.
- Mi biết không, tao thuộc phái Bi Quan còn nhỏ Mai thuộc phái Lạc Quan nên đang đấu mí nhau chí tử.
- Mi xem, đời tao đang tươi mà nhỏ Khanh xúi tao học đau khổ.
- Tao hơn mi, không có đau khổ làm sao biết khoái lạc.
Lon Sữa Bò kêu lên inh ỏi:
- Ối, ối. Con lạy hai má. Một bên tai khoái lạc một bên tai đau khổ thì bố ai chịu được. Hai má có khóa mõm lại cho con nhờ không.
Sáng ra chưa có gì vào bụng mà cứ lăn ra cười. Tôi dục:
- Ði ra cổng trước mua xôi lên lớp ăn đi.
Loan vênh váo:
- Hôm nay tao “soang” lắm, có khúc bánh mì gà to tướng.
- Vậy thôi để tao ra mua rồi ta với nhà mi trao đổi lương thực.
Vừa ra khỏi cổng trường thì chuông reo lần thứ nhất. Ui cha, bà bán xôi bị vây kỹ quá, làm sao mua được đây. Tôi dừng lại trước đám đông.
- Bán cho hai mươi đồng đi bà.
- Lẹ đi bà, chuông rồi.
- Bán cho tôi đã bà.
Khiếp quá, cãi nhau ỏm tỏi. Bác Ba ra đóng cửa chính rồi mà thiên hạ vẫn còn vây quanh bà hàng xôi. Một nhỏ bạn tôi vung vẩy gói xôi vừa mua được, cười nói bô bô:
- Mua xong gói xôi, quên cha nó hết bài.
Bác Ba cứ lẳng lặng đóng cửa trường. Các nàng tinh mắt chạy vụt vào, nàng nào chạy chậm chân là phải chạy vòng cổng số 3. Ba đứa tôi quay vào vừa đúng chuông thứ ba.
- Lẹ lên tụi mi. Bà Minh la um sùm giờ.
Tôi chạy vội về phía lớp mình sắp hàng. Tiếng hát chào cờ bắt đằu cho một ngày học. Ngày lại ngày, tới trường ôm chữ nghĩa, nhìn thầy nhìn bạn mà thấy thương mến ngôi trường. Thân hơn cả người thân.
Lá quốc kỳ bình thản, từ từ đi lên theo nhịp quốc ca, kênh kiệu trước hàng ngàn cặp mắt đang ngưỡng vọng. Tôi ôm chặt cái cặp trên ngực, để hồn xuôi theo tiếng hát.
“ . . . Làm sao cho núi sông từ nay thêm vững bền ...” Bầu trời trong vắt một mầu xanh, đám mây trắng lững lờ như ngừng đọng. Hàng cây sao cao vút, lặng nhìn lá cờ đi lên theo tiếng hát. “ . . . Xứng danh ngàn năm giống Lạc Hồng.” Lá cờ vừa lên đến ngọn cột cờ. Một thoáng gió làm tung bay lơ lửng.
Cả trường lại ào lên. Lại tiếp tục lao xao như chợ nhỏ.
- Hôm nay em bé lớp nào kéo cờ hay nhỉ.
Loan Sữa Bò kiễng chân nhìn cô nhỏ đang lúi húi cột dây cờ.
- Hình như em bé này học cùng lớp em tao. Tứ A2 hay sao đó.
Một số nàng định tan hàng vào lớp, nhưng tiếng bà Tổng giữ lại:
- Yêu cầu tất cả đứng lại hàng cho tôi ngỏ vài lời.
Tiếng cười ồ làm rộn cả trường.
- Bà Tổng lại ngỏ lời “rì” đây.
- Kén vợ cho con chứ gì.
- Chắc tí nữa em giai nhà ta đứng trên hành lang lầu ba để gieo cầu quá.
Tôi lườm dài nhỏ Lon Sữa Bò:
- Mày làm hạ giá gái Trưng Vương. Ít ra cũng phải “Trai khôn cưới vợ Trưng Vương” chứ đễ gì.
Cận Dâm đứng cạnh cũng xía vô:
- Ừ, ừ, ít ra cũng mang danh con cháu 2 Bà chứ.
Nhỏ Lon Sữa Bò đứng chịu trận, cười trừ.
Trên micro:
- “Nếu ai còn vô kỷ luật như vậy, sẽ bị đuổi ba ngày.”
Câu nói sau cùng của bà Tổng làm tôi giật mình.
- Cái gì mà ghê thế mi, lo tán dóc chả đứa nào chịu nghe.
Loan Sữa Bò quay lại hỏi Cúc Gà Mỹ:
- Bà Tổng dặn dò gì đó Gà Mỹ.
Cúc quay lại hề hề:
- Tao có nghe được tiếng nào đâu.
- Nó đang mắc ấp trứng mà mày còn hỏi nó.
Tụi tôi đợi cho cô Minh dục mới khoát vai nhau đi lên lớp.
- Các cô ngày nào cũng gặp nhau mà sao chuyện đâu nhiều thế, dứt không ra.
- Trời ơi. Cô không thông cảm tụi em. Năm nay là năm cuối, không nói cho đã miệng rồi làm sao còn dịp nói với nhau nữa.
- Mí lại cô xem, học năm tiếng liên tiếp mà không tìm chuyện cười với nhau thì đầu nổ tung ra mất còn gì, cô.
Cô Minh lắc đầu cười:
- Tán dóc mãi, lên mau đi, không thầy vào lớp rồi đấy.
Cận Dâm kéo tụi tôi lên. Năm đôi guốc mộc phang xuống cầu thang muốn sập.
Giờ đầu là giờ thầy Dư. Ðang ồn ào, thấy thầy giở sổ ra, cả lớp bỗng im bặt, 50 đôi mắt tròn xoe nhìn thầy.
Lon Sữa Bò rên rỉ:
- Chết rồi, tao chưa thuộc bài.
Mặt mày Loan bí xị, chả bù lúc nãy cười nhăn nhở. Tôi trêu:
- Hì hì, ông thuộc sơ sơ. Ông cầu trời thầy chiếu cố nhà mi chơi.
- Sư mày. Ðâu phải ông lười. Hôm qua tao có thiện chí học lắm chớ, tại trời mưa, điện cúp cha nó mất làm ông ngủ 1 giấc thẳng cẳng đến sáng đã con mắt. Trước khi đi học chỉ kịp dò được Triết để làm bài thôi.
Nhỏ Loan chưa kịp mở vở ra dò bài thì:
- Cô Loan, Nguyễn Thị Loan.
- Bỏ xừ. Miệng mày ông muốn đấm cho mấy quả quá.
- Tao với thầy có thần giao cách cảm mờ. Thôi lên đi cưng, rồi quay xuống nhìn miệng tao, ông nhắc cho.
Nhỏ Loan đi chầm chậm để “học cầm hơi”, nhưng rồi cũng phải tới bàn thầy.
- Nói cho tôi thí nghiệm Newton trong Sự Rơi Tự Do.
Loan liếc về phía tôi ê a:
- “Thí nghiệm Newton trong Sự Rơi Tự Do . . . ư . . ư. . , Newton dùng . .
Tôi cầm ống thuỷ tinh đựng ruột bút Bic giơ lên, miệng nói không ra tiếng.
- Newton dùng một ống nghiệm . . ư . . bằng thủy tinh . .
Tôi lại tiếp tục viên giấy rồi xé nhỏ ra đưa lên, miệng vẫn lắp bắp nhắc. Loan đọc theo:
- Trong ống có đựng viên bi, mấy mảnh giấy vụn và . . ư . .
Tôi uốn éo miệng thật rõ mà nhỏ Loan vẫn không đoán ra, vì không có cái gì cụ thể để nhắc. Tôi liền cầm chùm tóc của Cúc Gà Mỹ giơ lên, rồi phì ra cười. Nhỏ Cúc đập vào tay tôi:
- Sư mi . . tóc tao mà mi ví là lông chim à.
Tôi chưa kịp tắt cười thì Loan đã ấp úng đọc:
- và . . . một chùm sợi tóc . .
Cả lớp cười ồ. Thầy Dư nhìn Loan nhăn nhăn:
- Lông chim mà cô đọc là sợi tóc. Chả học bài gì cả.
Loan lườm tôi rồi giở chiến thuật năn nỉ:
- Thưa thầy taị . . tại . . hôm qua nhà con có đám cưới bà chị, bận rộn nên con không kịp học.
- Ðám cưới chị chứ có phải đám cưới cô đâu mà cô không học bài.
Khanh nói khẽ nhưng cả lớp vẵn nghe:
- Nếu đám cưới cô thì cô đâu có phải bị đọc bài.
Cả lớp cười khẽ. Loan vẫn tỉnh bơ:
- Dạ tại nhà bận nên con không đành lòng ngồi học. Ðợi đến tối xong xuôi thì lại bị cúp điện.
Thầy Dư cười, lắc lắc đầu:
- Thôi, tôi tạm tin cô, cho nợ lần sau. Về chỗ.
Chưa kịp ngồi xuống, Loan đã dẩu mỏ la tôi:
- Mày đỉu ghê. Làm ông quê quá.
- Tại mày thông manh nên chậm hiểu. Tóc Cúc Gà Mỹ thuộc loại lông vũ thì cũng như lông chim thôi.
Cúc cú lên đầu tôi:
- Sư mi, sao mi biết tao lông vũ . . . Tao là gà đặc biệt.
Loan nói theo:
- Nó là gà . . . lông mao!
Ba đứa lại nhăn răng ra cười ...
***
Tiếng chuông reo thúc dục làm tôi cuống lên:
- Ba nguyên nhân phát sinh đam mê là: sinh lý, tâm lý, rồi gì nữa Loan.
- Xã Hội.
Tôi à nhẹ rồi cúi xuống viết nốt . . . Cô Giang đứng chần chờ đợi chúng tôi.
- Lẹ lên Loan, xong chưa, cô đi rồi kìa.
Nộp bài xong, đứa này nhìn đứa kia hả hê, bẻ tay kêu côm cốp.
- Ði xuống sân chơi đi mi. Ngồi bốn tiếng ê cả mông.
Tôi dằng tay lại:
- Xuống trước đi, tao ở lại viết nốt dàn bài Triết đã.
Cúc nhăn nhăn:
- Trong sách có rồi, viết làm gì. Chỉ bỏ phần cuối cùng thôi.
- Khổ quá tao không có sách của Trần Ðức An. Ông soạn theo lời cô giảng và đọc thêm sách Trần Bích Lan, có khi của Trần Văn Hiến Minh nữa mà.
Loan đồng ý với tôi:
- Mi với Mai Nhót, Mai Nhí xuống trước đi. Tụi tao xuống sau.
Cúc buông tôi ra nhưng còn nói vớt:
- Ông chửi sư bố đứa nào ngồi học đó.
Tôi và Loan tỉnh bơ bấm nhau cười, cố viết cho xong. Mới được vài hàng Loan đã ngại:
- Eo ơi, dài quá. Mình viết xong thì hết giờ, chả được đi dạo. Thôi mi viết khúc đầu, tao viết khúc đuôi rồi tí nữa mình coi của nhau nghe.
Ý kiến nghe được, tôi chịu liền. Xong, hai đứa nắm tay nhau chạy bay xuống nhà. Ra đến đường tôi thấy người nhẹ hẳn đi như được giải phóng. Quên hết, quên hết. Sách vở, chữ nghĩa, vứt lại hết trong lớp. Hai đứa đi yên lặng bên nhau, bỏ lại sau lưng những tiếng gọi hàng quà, cãi cọ xôn xao.
- Con đường lá đổ hôm nay nhiều lá hơn hôm qua mi nhỉ.
Tôi lững lờ:
- Ừ nhiều.
Tôi đưa mắt nhìn suốt con đường, khu bị rào giới hạn sát với Lê Thánh Tôn bên Hải Quân Công Xưởng. Hai hàng cây cao vút, tàng lá rậm xanh, chụm đầu nhau trò chuyện. Nắng len lỏi đổ bóng hình trứng gà mờ nhạt trên lối đi. Tiếng lá vỡ ròn tan dưới chân 2 đứa. Thỉnh thoảng đùa với gió chạy lao xao. Loan cúi xuống nhặt một lá khô thật to, vẫn còn nguyên vẹn, xoay xoay trước mặt:
- Lá buồn ghê mi nhỉ.
Loan bất động đôi mắt 1 thoáng trên cánh lá khô rồi chớp khẽ, 1 tiếng thở dài buông nhẹ êm như gió thoảng. Vài sợi nắng lướt thướt đong đưa qua mặt làm Loan có vẻ buồn thêm. Tôi yên lặng nhìn Loan.
- Hình như mi muốn khóc hở Loan?
Tôi muốn hỏi nó thế, nhưng lại biết chắc nó không khóc. Ðã có lần Loan than với tôi:
- Mi sướng hơn tao ở cái dễ khóc đó Mai. Nhiều lúc tao thèm khóc ghê gớm nhưng không tài nào khóc được.
Tự nhiên tôi thương Loan kinh khủng, muốn ôm chặt lấy nó, muốn giựt phắt chiếc lá trên tay nó bóp tan cho biến đi nỗi buồn đang đọng trên mắt trên môi Loan. Nhưng tôi vẫn bình thản đi cạnh Loan, đầu nghiêng nghiêng như đang nghe tiếng lá vỡ dòn dưới chân 2 đứa. Tôi bước chậm lại để con đường đừng mau hết. Tôi muốn con đường thật dài và chúng tôi yên lặng mãi bên nhau, đừng ai làm bận rộn. Loan chợt bóp mạnh tay tôi buông khẽ:
- Sao buồn quá Mai ơi.
Tôi ngước nhìn Loan thật lâu. Con nhỏ vẫn nhìn đăm đăm chiếc lá trên tay rồi hỏi tôi thật nhẹ:
- Mi không hỏi sao tao buồn à.
Tôi cười thoảng:
- Ta đợi mi nói.
Hai đứa nói chuyện thật khẽ, thật ngắn. Không cần nói hết câu vẫn hiểu nhau muốn nói gì. Loan và tôi thường có lối nói chuyện ấy khi 1 trong 2 đứa buồn hay cả 2 cùng buồn.
Tôi lên tiếng:
- Có những nỗi buồn tự nhiên, không nguyên do, không vì ai cả, không thể giải thích, và chỉ có thể cảm thông nhau bằng im lặng . .
- Không biết có phải là nguyên do ….
Loan chợt bâng quơ ngắt lời tôi. 1 phút ngạc nhiên, tôi cố hiểu câu nói của Loan. Tôi chợt mỉm cười khi nghĩ đến câu nói của Stendhal.
- Sao mi cười?
- Tao nhớ đến câu nói của Stendhal trong bài Ðam Mê: “Tôi biết một người bắt đầu yêu khi người đó buồn.”
Loan bật cười thành tiếng sau câu nói của tôi. Tôi cũng cười theo nó, không biết tôi đoán có đúng không. Một thoáng yên lặng, Loan lắc lắc đầu:
- Tao cũng không hiểu nổi mình . . . Mai à, hôm qua tao gặp lại Toàn.
- Thế à, rồi sao ?
Tôi nhướng mắt, đợi Loan kể tiếp. Tôi biết Toàn qua lời kể của Loan, từ năm đệ nhị. Mới đầu tôi chỉ biết Toàn qua những lời khoe: “mi biết không, bài hát này anh Toàn dạy tao hát suốt buổi chiều đó” hay “hôm qua anh Toàn đi bay về cho tao một ký khô mực, ông nằm nhai mãi sái quai hàm”
Mới đầu tôi không để ý, sau nhân vật Toàn thân thiết với tôi hơn: “Toàn là bạn anh mi hở, đi Không Quân à.” “ừ, anh đó dễ thương lắm, hôm nào mi đến nhà tao giới thiệu cho biết.” Tôi ầm ừ cho qua chuyện. Sau Loan kể tôi nghe:
- Hôm qua tự nhiên anh Toàn rủ tao đi xi nê. Mới đầu nghe rủ tao vui quá nhận lời liền. Một hồi nghĩ lại thấy hơi kỳ kỳ, nhưng không dám từ chối. Mi biết không anh Toàn thỉnh thoảng nhìn tao lâu thật lâu, tao quay sang bắt gặp, anh mỉm cười quay đi rồi nhìn lại mấy lần, làm tao ngượng kinh khủng, ngồi đứng đơ. . .
Và lần cuối cùng, Loan buồn buồn nói với tôi:
- Anh Toàn đi rồi mi ơi. Sao chả nói gì với tao cả. Anh tao nói lại tao mới biết.
Lúc ấy, tôi chỉ biết ngồi nghe, tỏ ý thông cảm nó mà chả hiểu Loan muốn gì. Rồi chuyện Toàn cũng mờ đi trong trí tôi, vì Loan chẳng còn chuyện gì của Toàn để kể, nhưng với Loan, chắc hình ảnh Toàn vẫn còn in đậm đà trong tim óc. Cho đến hôm nay, chuyện Toàn lại được gợi ra với nỗi buồn của Loan. Loan kéo tôi ngồi xuống lề đường. Nó cúi mặt, tựa cằm trên hai đầu gối, tay nghịch gợm khuấy động đám lá vụn vỡ đưới chân.
- Mi biết không Toàn chẳng nói chuyện nhiều như hồi trước. Buồn cười ghê, chỉ hỏi ta một câu: “có còn nhớ anh Toàn không?”. Tao cười cười chả nói gì. Toàn lại cười nhẹ rồi quay sang nói chuyện tiếp với anh tao. Tao chạy xuống bếp, tự nhiên thấy buồn, buồn kinh khủng. Lúc Toàn về có gọi tao, nhưng tao yên lặng không ra.
Tôi khẽ nhăn mặt:
- Sao lại không ra?
- Ừ chả hiểu . . không chịu ra, lại chạy lên balcon đứng ngó cho đến khi … khuất ngõ và rồi buôn ….
Loan khẽ nhún vai rồi kéo tôi đứng lên:
- Thôi chả nghĩ nữa. Tao tự nhiên thấy hết buồn.
Hai đứa đã đi hết 1 vòng con đường mà không hay. Tiếng cười dòn của nhỏ Khanh làm chúng tôi giật mình. Loan kéo tôi về phía tụi nó. Vừa thấy mặt tụi tôi,
Cúc Gà Mỹ oang oang chỉ Khanh:
- Con này đểu kinh khủng, tụi mi biết không. Tao với nó đang nói chuyện đình huỳnh tự nhiên nó ghé vào tai tao thủ thỉ làm ông tưởng nó tâm sự vụn cái gì ông vểnh tai lên nghẹ Tụi mi biết nó nói cái gì không ?
Chúng tôi cười đợi Cúc nói tiếp:
- Nó bảo tao: Sao tao muốn mày làm bố … con chuồn chuồn để tao làm ông nội con chuồn chuồn ghê.
Tôi và Loan quên hẳn chuyện vừa rồi, cười khanh khách. Tôi vỗ vai nhỏ Khanh:
- Thôi, cho tao làm ông cố nội con chuồn chuồn đi, còn nhỏ Lon Sữa Bò cho nó làm con chuồn chuồn cắn rún.
Loan dẫy nẩy người rồi đưa cùi chỏ:
- Mốc xì. Tao xí làm tổ sư con chuồn chuồn.
Chỉ có mỗi chuyện con chuồn chuồn mà tụi tôi cũng cãi nhau ỏm tỏi, rồi ôm nhau cười.
Gần nguôi cười rồi tôi mới nhớ ra:
- Sao 2 nhỏ Nhót, Nhí đâu mà tụi nó không đi với bọn mi ?
Cúc chỉ về mấy hàng ăn:
- Tụi nó đang chầu chực ông bò khô
- Sao tụi mi không cùng đớp với tụi nó ?
- Hôm nay tao ăn chay
Tôi và Loan cười rú, Khanh chắp tay vái dài sát đất:
- Mô Phật.
….
Một lũ cười vang. Tôi và Loan đi hết dọc hành lang đệ nhị thì chuông reo. Vì chỉ còn năm lớp đệ nhất nên tiếng chuông không gây được xôn xao, bị lạc lõng trong khung cảnh vắng vẻ của sân trường.
Mấy cô bạn tay cầm đầy ổi, cóc, đậu phộng giấu trong tà áo, chạy vụt lên lớp.
- Hôm nay là giờ thầy Đàn mà mình chả nhớ mua cái gì vào nhấm nháp.
- Tí nữa dụ hai nhỏ Nhí, Nhót. Tụi nó thế nào chả có.
Thầy vào lớp rồi mà chỉ có vài đứa ngồi lác đác.
- Gớm các cô ăn quà kỹ quá, còn bụng đâu mà chứa chữ nữa.
- Thầy thông cảm, mười hai giờ tụi con đói meo làm sao có sức mà học ạ.
Phương lùn ngồi bàn trên than thở:
- Nhiều khi lỡ dại ngủ trễ nên không có thì giờ ăn sáng, lúc ra chơi, chen mua ở Câu Lạc Bộ muốn xỉu, nên tụi con phải chờ giờ này mới cho dầu vào máy.
Thầy cười, vừa xóa bảng vừa nói:
- Thế tôi có khác gì các chị. Ðó là các chị còn được ăn quà chứ tôi có được ăn vậy đâu.
Nhỏ Xuyến ngồi bàn dưới đang cúi cắn vụng miếng xoài, nghe vậy, nó đưa lên trên, tay kia còn kèm 1 mảnh giấy đựng muối ớt.
- Dạ thầy muốn xơi, con xin mời ạ.
Thầy Ðàn lườm dài:
- Thôi cám ơn cô. Cô cứ việc xơi cho xong.
Từng vài đứa dắt nhau vào lác đác. Lớp đã đông đông, và thầy bắt đầu giảng bài. Hai nhỏ Khanh Cúc vẫn chưa vào. Tôi ghé tai Loan:
- Hai nhỏ kia đi kỹ quá.
- Ừ, dám tụi nó cúp cua luôn quá.
Thầy Ðàn nổi tiếng là dễ, chẳng bao giờ kiểm soát. Nhiều khi gặp bài dễ chúng nó cúp hết mà thầy cũng chẳng nói gì, nhưng có vẻ buồn.
Thầy giảng được chừng mười phút, hai nhỏ Cúc, Khanh mới vào. Vừa tới chỗ ngồi, đã gục xuống bàn cười. Loan nói nho nhỏ:
- Chắc tụi nó gặp trò khỉ trong sở thú . . .
***
***
Sáng nay tôi đi học thật sớm để chép bài mấy hôm bỏ học đi tập vũ. Trường vẫn còn vắng hoe người. Tôi dáo dác tìm mấy nhỏ bạn cùng lớp để mượn vở. Chưa thấy tên nào đến cả. Sân trường còn ẩm sương đêm. “Hoàng tử” đang quét mấy cánh lá khô sũng nước lác đác đó đây. Hình như hôm qua mưa. Ồ, mà mưa đấy ư. Tôi đến là hư, ngủ từ lúc nào có hay biết gì đâu. Hôm qua đi ăn sinh nhật bạn đến mười rưỡi mới về, vui thật là vui. Tôi nhớ lại, tự nhiên thấy tiếc tiếc. Cuộc vui sao đi thật mau. Hình như càng vui càng mau hết, càng đẹp càng dễ mất, phải thế không? Như hôm nay tôi vừa mất ngày hôm qua, như hôm qua tôi đã mất hôm kia, rồi ngày mai tôi lại tiếc những gì hôm nay đi quá vội. Càng ngày tôi cảm thấy mình bị mất mát nhiều. Những cái đẹp, những thơ mộng. Có những lúc tôi đứng hàng giờ trên hành lang lầu nhất nhìn xuống sân. Nhìn thật lâu cảnh những cô nhỏ Đệ Tứ nô dỡn nhau, giành nhau chụp những cánh Giáng Tiên quay quay trong gió. Hay 1 đôi bạn nhỏ ngồi xếp những lá vàng thành tên nhau trên hành lang. Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài trên má. Quyển Vạn Vật trên tay sao nặng nề. Tôi muốn quăng hết sách vở, tôi muốn chạy bay xuống dưới sân để chơi thật vô tư, thật thoải mái. Tôi muốn tìm lại những giây phút thần tiên mà tôi đã hưởng.
Có lần tan học, tôi và Loan lững thững xuống cầu thang, khung cửa sổ nhỏ bên cạnh thang lầu đang đóng khung hình ảnh hai cô bé áo trắng rón rén lội xuống hồ trong Thảo Cầm Viên ngắt trộm đóa hoa sen hồng. Tôi và Loan cùng đứng lại, áp mặt vào song cửa lặng nhìn. Không đứa nào bảo đứa nào, cùng chợt thở dài. Tôi quay lại, mắt Loan đỏ hoe.
- Hình ảnh ba năm trước của tụi mình.
- Mới đây chứ đâu đã lâu, tao tưởng chỉ mới vừa thoáng qua thôi.
Vừa qua xong, những lần trốn học nhảy rào sở thú hái hoa tím hay nhặt đầy tà áo những cánh phượng đỏ ối trên ngọn đồi trọc hay chia nhau canh Cảnh Sát để 1 đứa lội xuống hồ hái trộm hoa sen.
Nhiều lúc tôi ngồi ước mơ mình có vòng tay thật rộng để ôm chặt thời gian, để thời gian đừng đi mau. Hay ngồi thì thầm nhắn nhủ “Thời gian ơi, đừng tan biến đi những cuộc vui thật vui, những khoảng mơ thật mơ thành kỷ niệm”.Nhưng mơ để mà mơ, ước để mà ước, nào có được bao giờ?
Nhưng đáp lại nỗi bâng khuâng là những tiếng ru chiều của lá ngọn Giáng Tiên, những ríu rít của đàn chim đón nắng hay của đàn chân sáo trong trường.
- Hoa Mai làm gì ngẩn ngơ vậy?
Tôi mỉm cười trả lời cô bạn:
- Trường mình đẹp, đẹp ghê nhỉ.
Tôi nói với nó, nhưng chỉ mình tôi nghe thôi vì con nhỏ đã đi thẳng về phía cầu thang, nhìn trước nhìn sau rồi rón rén bước thật nhẹ lên lầu. Tôi định đi theo nó lên lớp mình, nhưng rồi một chút do dự, tôi lại thôi, lấy miếng giấy nháp đặt xuống thềm xi măng để ngồi.
Khúc bánh mì nằm bẹp dí trong cái cặp đầy ắp sách vở. Tôi bật cười, chao ơi, bơ dính tèm lem ra cả vở của nhỏ Tuyết rồi.
- Meo meo.
Tôi ngẩng lên cười với Tuyết đang đi lại.
- Chó Toét gọi ta thế hả ?
- Ơ, tư nhiên ta gọi meo meo mày quay lại làm chi. A, bành mì, chia tao với nhé.
- Chia con cùi chỏ.
Tôi vừa nói vừa bẻ khúc bánh mì ra làm hai, chia cho Tuyết. Hai đứa ngồi bệt xuống thềm ăn bánh.
- Ê, hôm qua ta đọc báo thấy bài của mi.
- Thế à, tao mới gởi mà sao lẹ vậy. Báo nào?
- Công Luận.
- Ủa, tao có gởi Công Luận bao giờ đâu, lộn rồi cưng ơi.
- Rõ ràng mà, tên Hoa Mai to tổ bố.
- Vô duyên nữa. Ông có bao giờ viết tên ra như vậy đâu?
- Thật mà. Ông quên mất không đem cho mi coi.
- Quái nhỉ, có khi đứa nào trùng tên với tao.
- Không. Bài này mày làm từ đệ Lục đệ Ngũ chi đó, làm cho con Ngọc mà.
Tôi cứ ngớ mặt ra. Tuyết bảo:
- Thôi đừng théc méc, mai tao mang cho mi coi. Còn bài “Giòng Nước” của mi, mi xem chưa ?
- Tao cứ quên hoài. Mi có cắt cho ta không?
Tuyết dở dở mấy cuốn tập:
- Mày chúa lười. Tao viết bài nào, tao cắt liền hôm báo mới ra.
Tôi cười trừ:
- Nhỏ Ngọc viết mạnh quá mi nhỉ, cả nhỏ Loan nữa. Có tao với mi là bết thôi
- Ối tao dẹp đến nơi rồi. Học thi chưa xong còn lo sáng tác, mệt quá.
- Hù !
Tôi và Tuyết quay lại:
- Vô duyên, làm hết hồn.
Ngọc đấu lại:
- Hết hồn là vô duyên. Hai đứa mi đang tâm tình gì kỹ thế ?
- Tụi tao đang nói chuyện viết báo đí mờ
- Hử hử. À tao cho con “Meo” (Mai) cái nì.
Ngọc đưa tôi bài thơ cắt từ báo.
- Á, bài này nhỏ Tuyết vừa hỏi tao, thôi đúng rồi, đúng là nhà ngươi đăng “fửa” không?
Ngọc cười dễ giận.
- Ai cho mi lấy bản quyền mà không xin phép tác giả.
- Mi tặng ta. Ta đem đăng không được à.
- Ê, ê, hồi đó ta với mi giận nhau, sau hết giận ta tặng mi bài này phải không ?
- Ừ. Hồi đó đứa nào làm quen đứa nào trước nhỉ ?
- Mi chứ ai. Mi làm quen tao.
- Cùi mốc. Mi làm quen ta thì có.
- Mi trước.
- Mi trước trước.
Con nhỏ Ngọc hét lên, nhỏ Tuyết đứng giữa cứ nhe răng ra cười.
- Mày xem. Đang giận nhau tự nhiên nó quay lại tao nó cười thế thì có phải nhỏ
Ngọc làm quen tao không ?
- Vô duyên. Mày không nhìn tao sao mày biết tao cười. Mà lỡ tao cười với đứa khác ai bảo mày cười lại. Có phải mi làm quen trước không ?
- Ơ vô duyên. Chuyện từ đời Bành Tổ, tự nhiên đem ra cãi nhau
Tuyết hét lên.
- Nó làm tao tức lắm. Nó đã cười lại với tao còn đưa tay cho tao bắt ngón nữa.
- Mi xem nó giận tao mà nó bắt ngón cái.
Bà Tổng từ trên lầu xuống. Ba đứa xuỵt nhau:
- Bà Tổng kìa. Hôm nay bà Tổng đẹp ghê.
- Bà Tổng trường mình mà.
- Mi chào đi.
- Thôi, mi chào đi
Ba đứa đẩy cho nhau rồi cùng:
- Cô ạ. Hôm nay cô đẹp quá ạ.
Bà Tổng liếc dài:
- Các cô chỉ to mồm.
Thế là tôi đến sớm cũng vậy, chả chép được tí bài nào. Cứ gặp tụi nó là đủ chuyện lê thê dấm dớ.
Giờ đầu là giờ thầy Mẫn dạy toán. Cả lớp đứng lên chào:
- Ngồi xuống. Chúng ta học nào. Bài trước chúng ta học đến đâu.
- Dạ Xác Xuất. Mới bắt đầu ạ.
Thầy gật gù:
- Ừ chúng ta học thêm. Bài này ngắn thôi. Vào Tết chúng ta học kỹ hơn. Thế bài tập chúng ta đã làm hết chưa ?
Tôi giật mình:
- Bài tập nào Loan.
- Hôm qua mi đi vũ nên không biết. Thầy cho bài Cơ để lấy điểm tháng này.
- Chết, tao không có, làm sao, khó không?
- Khó.
Cả lớp đang nhao nhao:
- Khó quá thầy. Làm không ra.
- Không khó đâu. Chúng ta cố gắng làm cho ra. Thi nó cũng tựa tựa vậy.
- Trời ơi. Thi mà ra bài này chắc chết quá thầy.
Thầy cười:
- Chúng ta phải cố chứ. Bao giờ chúng ta thi nhỉ?
- Thầy. Hình như tụi con thi tháng sáu ạ.
- Ừ, Quảng tháng năm mình nghỉ hè.
Thầy đi ra phía cửa, cười cười. Cả lớp nghệt mặt ra nhìn theo. Thầy Mẫn chỉ cây Giáng Tiên trước cửa lớp:
- Cây của chúng ta còn đầy lá.
- Thưa thầy sao ạ.
- Các chị xem, bao giờ cây này rụng hết lá là gần đến ngày thi rồi đấy.
Chúng tôi hét lên:
- Thầy làm run quá ạ. Thầy làm ăn Tết không yên ạ.
- Bình tĩnh. Bình tĩnh. Cây còn đầy lá mà, nhưng phải học đi là vừa. Lá mau vàng lắm đấy.
Tôi ghé tai Loan:
- Lá vàng mau chứ mình học chả mau vô chút nào.
- Ừ. Thầy làm tao nhớ đến truyện “Chiếc Lá Cuối Cùng” ghê. Mi xem chưa, rồi mình lại cũng trong vai trò kẻ hấp hối nằm đếm lá.
- Sao mi nghĩ rằng mình hấp hối ?
- Mi quên rằng năm nay thi xong là mất hết à ?
- Tao đâu nói đến chuyện đậu, rớt.
Tôi chợt thấy buồn nhiều, thật nhiều, vừa cảm thấy mắt mình rực nóng như nắng ngoài sân. Tôi muốn khóc ghê cơ.
- Ừ, trường, thầy, bạn, áo trắng mi nhỉ, mình đương nhiên bị mất cả.
Chúng tôi chợt lặng yên, bứt rứt, không còn nghe thấy lời nào của thầy đang nói.
Thầy kể một chuyện gì thật vui làm cả lớp cười rộn. Cúc quay lại tôi:
- Thầy . . tếu thật.
Tôi nhếch môi cười nhẹ vờ như mình cũng có nghe. Cúc ngơ ngác nhìn tôi rồi lặng yên.
Tiếng chuông reo làm ồn ào lớp. Tôi cố viết nốt mấy đề toán thầy lì xì trước cho năm mới.
- Ê, Loan ơi. Mấy bài này khó quá, tao nghi tao làm không được. Rồi đầu năm thầy gọi là lãnh “ốc choọc” đó.
- Kệ. Tao cũng vậy mà, lo gì. Quá lắm mình năn nỉ là dzồi.
- Thôi mau đi. Ra ngoài 1 tí cho thoải mái.
- Khoan đã nào. Dò Vạn Vật để lát nữa làm bài kiểm đã chứ, thầy Đàn dặn trước rồi.
- Ừ, thì đem ra ngoài hành lang. Mi dò cho ta , ta dò cho mi.
Tôi ngần ngại gập cuốn Toán, lấy cuốn Vạn Vật đi theo Loan ra ngoài. Đi ngang nhỏ Khanh, nó níu tay hỏi tôi:
- Ê, chiều nay tổng dượt hả, tụi mi tập xong chưa ?
- Rồi. Còn tiền tất niên mi với nhỏ Tuyết thu hết chưa, chiều nay tao phải đi mua Carte chúc tết Giáo sư rồi đó.
- Lát nữa tao đưa cho.
Loan lườm nguýt tôi:
- Nào, nói chuyện xong chưa nàng ? Có 15 phút ra chơi mà đứng nói chuyện hết 10 phút rồi thì còn dò bài cái con khỉ.
Hai đứa cùng mở sách ra.
- Mình kiểm có một bài thôi phải không.
- Mày làm như ngon lắm ý. Cả quyển Vạn Vật học không cực bằng một bài này.
- Ừ, bài Não sao khó thế. Bài này nổi tiếng trong dân ban A mà.
- Thật cái gì về tâm hồn, tình cảm, và trí tuệ đều vô cùng phức tạp. Tao nhai đi
nhai lại vẫn vấp. Nhất là đoạn cấu tạo chất trắng của tủy sống, sao lộn xộn quá.
- Thôi mi dò đoạn Định Vị Não đi, tao dò Cấu Tạo Tủy Sống cho.
Hai đứa vừa cúi đầu lẩm nhẩm thì loa phóng thanh đã oang oang:
- A lô, a lô. Thưa tất cả các bạn. Trường bạn Võ Trường Toản vừa sang để giới thiệu giai phẩm Xuân Ðôi Mươi với chúng ta. Chúng ta nên ủng hộ trường bạn để biết sinh hoạt trường bạn ra sao …. A lô, a lô …
Loan ngửng lên:
- Trường này khôn quá, đến trước là ngon rồi
- Ðâu, hôm qua Chu Văn An đã đến rồi.
- Lúc đó tao đi đâu nhỉ ?
- Kìa, nhìn các chàng có vẻ lấm lét, trông tội quá cơ.
Tôi nhìn theo tay Loan, một tốp gần mười người tay ôm báo đứng lơ ngơ dưới gốc cây Giáng Tiên. “Hoàng Tử” được lệnh kê bàn làm sạp bán báo cho họ. Một chàng tiến ra tặng báo cho chị Trưởng Khối Báo Chí của Trưng Vương. Vài cô áo trắng lượn qua lượn lại, rồi che miệng cười, kèm theo vài câu trêu chọc.
- Bà con vào Trương Vương ai cũng khiếp vía, hèn gì mấy ông vào trường mình bao giờ cũng đi trên 10 người không à.
- Hôm qua Chu Văn An cũng vậy. Gớm vào lớp mình bị tụi nó chọc mặt chàng nào cũng thộn ra. Có điều trường mình lịch sự lắm, mua hết báo của Chu Văn An đó.
Tôi cười:
- Chu Văn An mà. Dù gì cũng có truyền thống.
Chuông reo từ thân cây, chói tai. Tôi và Loan về lớp. Tiếng tụng bài ồn ào. Nhỏ
Yến đứng ngoài gào tôi ra dượt vũ. Tôi ngại ngùng, vì tới giờ thầy Ðàn cho bài kiểm.
Nhỏ Tuyết từ bên kia dẫy bàn nói với qua:
- Mai, sắp đi vũ à. Tao theo với nghe, ông chưa thuộc bài.
Cả lớp cười ồ, Ngọc nói theo:
- Tao với, Mai. Tao xí làm Tiên phụ cho nhỏ Mai.
- Tao nữa, Mai.
- Tao nữa.
Tôi cười:
- Hì hì. Tao không ngờ tao giá trị vậy. Đứa nào cũng đòi nâng khăn sửa túi cho tao.
Tụi nó nhao nhao:
- Còn lâu, còn lâu, chưa chỉ đã tưởng bở, tao méc thầy không cho mi đi bây giờ.
Cúc, Xuyến, Mai Nhí, Mai Nhót vũ Tây Phương bài Espana rủ nhau đi xin phép xuống dượt. Nhìn lại cả bàn cuối đi gần hết, còn lại 2 nhỏ Loan, Hoàn chưa biết tìm cách nào để thoát bài Não hắc ám này thì tiếng loa cứu tinh lại vang lên:
- Yêu cầu tất cả các trưởng ban Báo Chí và Văn Nghệ xuống họp ở Phòng Hiệu
Đoàn về vấn đề Giai Phẩm Mê Linh và tất niên.
Loan nhẩy cỡn lên:
- Hà hà chính ta là trưởng ban “Béo Chấy” đây. Ta sẽ đường hoàng gấp sách Vạn Vịt một cách rất hợp pháp.
Nhỏ Hoàn níu tay Loan:
- Ta đi theo mi với. Mi nhận ta là Phó Trưởng Ban nghe.
Ngọc Cận bên kia đã nheo nhéo:
- Loan ứ ừ. Nhân danh phó trưởng ban “Béo Chấy” ta theo nhà ngươi đi họp, hôm nay ta cảm thấy rất cần sự có mặt của ta.
- Nhà mi đỉu quá, mấy lần trước mày để tao đi họp 1 mình, hôm nay không thuộc bài mới chịu đeo theo.
Mặt nhỏ Hoàn xịu xuống:
- Thôi, cho ta làm Đệ Nhị Phó Trưởng Ban Báo Chí đi. À thôi, tao ra bảo Ngọc Viên họp Xã Hội mí được.
Hoàn chưa kịp chạy ra thì nhỏ Yến ở đâu chạy vào:
- Mai ơi, đi tập mau. Cô Minh bảo cho lớp tụi mi nghỉ nếu thầy Ðàn chưa về kịp. Thầy đi công chuyện rồi.
Yến vừa dứt lời, cả lớp đã hét vang rền, đập bàn, đập ghế om sòm đến nỗi cô Minh phải chạy vào:
- Ơ hay, các cô làm loạn đấy à, có để cho lớp bên cạnh học không.
Lớp bớt ồn nhưng không chịu yên hẳn:
- Cuối năm rồi mà cô.
- Tụi em còn một năm nay để hét thôi mà cô.
- Thầy Ðàn thông cảm tụi em mà cô chẳng thông cảm gì cả.
Mỗi đứa một câu, Cô Minh đứng chịu trận lắc đầu, chỉ biết đưa tay lên miệng xuỵt xuỵt. Nhỏ Yến kéo tay tôi đi. Tôi còn cố gọi:
- Ê tụi mi xuống nhà chơi không?
Cả bọn ào ào kéo nhau xuống.
- Chị nào xuống thì đừng lang thang, bà Tổng la đấy. Còn ngồi lại lớp thì phải yên lặng.
Cô Minh nói đuổi theo, không biết có đứa nào chịu nghe không.
Vừa xuống tới sân tụi tôi gặp thầy Ðàn từ ngoài cổng bước vào. Cả lũ hét lên cười rồi chạy lại.
- Các chị làm gì xuống hết đây thế, lên lớp đi chứ.
- Thầy xong công chuyện chưa ạ. Sao thầy không đi lâu lâu cho tụi con nhờ.
- Dạ thầy xong việc rồi thầy ngồi nghỉ trong phòng Giáo Sư cho đỡ mệt ạ. Ðể con rót nước mời thầy xơi.
- Con thấy mồ hôi thầy đẫm áo, để con quạt cho ạ.
- Thầy đừng lên lớp dạy, mệt lắm ạ.
Mười mấy cái miệng chõ vào mình thầy. Tôi cười:
- Tao chắc thấy nghe tụi nó nói thầy mới bắt đầu mệt. Mi xem, chúng nó lôi thầy thế kia kìa.
Thầy Đàn khua tay cho yên mấy cái miệng:
- Gớm lâu lâu tôi mới thấy các chị ngoan được một lần làm tôi cũng cảm động. Nhưng có 1 điều các chị sẽ tỏ ra ngoan nhất là lên lớp học.
- Thôi thầy, thôi thầy. Ðừng làm bài nghe thầy. Lên lớp thầy cho chơi nghe thầy.
- Ðệ Nhất thi đến nơi rồi còn đòi chơi, không sợ mấy em lớp dưới nó cười cho à.
- Kệ. Thầy. Thôi thầy.
Yến chạy lại trước mặt thầy Đàn:
- Xin phép thầy cho Hoa Mai đi tập vũ để chiều tổng dượt.
Mai Nhót nói theo:
- Tụi con cũng ở dưới này tập vũ ạ.
- Ðược, cô nào vũ thì vũ. Các cô khác lên lớp rồi tôi hậu xét
Tôi theo Yến vào phòng Hiệu Đoàn. Bốn cô tiên phụ đứng đợi sẵn. Thước ngẩng lên nhìn, dài miệng trách:
- Khiếp quá, 2 nàng để tụi em đợi thế thì chết tụi em rồi.
Vân Tiên cũng hùa theo:
- Tụi em tưởng 2 chị lên Thiên Thai 1 mình mà không rủ tụi em.
Tôi chỉ biết cười trừ. Cuộc tập dượt lại bắt đầu, cho đến lúc mệt nhoài. Lúc gần kết thúc, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đặc sắc mới được. Tôi nhón chân quay nhẹ người cho voan bay cao lên quá mặt rồi uốn người gần sát đất. Một vài tiếng trầm trồ khen. Tôi ngửng lên. Chao ơi là đông. Khán giả áo trắng vây kín hai cửa sổ và cửa lớn của căn phòng. Tự nhiên tôi cả thấy ngường ngượng. Hình như lúc đó mặt tôi bừng đỏ. Tôi đưa tay khẽ chấm mồ hôi trên trán, gấp cánh voan lại đưa cho Yến:
- Thôi tao về lớp nghe. Tao phải lo tất niên cho lớp nên nóng ruột quá.
Mấy cô khán giả tách ra nhường lối cho tôi đi. Tôi xỏ chân vào guốc rồi len ra ngoài. Một vài tiếng khen nho nhỏ lọt vào tai:
- Chị dễ thương quá.
Tôi cúi đầu mỉm cười một mình:
- Ừ dễ thương quá, thế mà giờ này chưa có người thương.
Lòng tôi chợt bâng khuâng. Hình ảnh “người ta” loáng thoáng đến với tôi tràn đầy êm ả, nhưng xa xôi diệu vợi khôn cùng. Cao nguyên cách trở, người cũng cách xa. 1 thoáng vui buồn không định nổi len lén trong hồn. Tôi chợt chạy nhanh hơn để đánh tan nỗi bâng khuâng. Ðịnh phóng mình lên cầu thang, nhưng nhìn xuống chân tôi lại vội vã chạy ra máy nước. “Eo ơi, chân dơ kinh hồn, tiên nữ mà chân bẩn thế này thì …. lạc lối về mất”. Tôi nói một mình trong nỗi tức cười òa ập:
- Mấy em bé lúc nẫy mà nhìn thấy chân tiên dơ thế này thì hết khen mình dễ thương.
Tôi mở máy cho nước nóng chảy hết rồi đưa chân vào.
- Em ma-ri-phông-tên nào kia.
Tôi giật mình quay lại:
- Chó, mặt tao thế này mà mi dám bảo là ma-ri-phông-tên à.
Cúc Gà Mỹ cười rúc rúc, giả vờ ngơ ngác:
- Trời, nhìn đằng sau mày đứng cạnh máy nước tao tưởng em ma-ri-phông-tên nào, nhưng lúc mi quay lại thì tao lại thấy giống em ma-ri-sến.
Tôi cầm guốc lên định đuổi nhưng Cúc đã nhanh chân chạy như bay như biến. Tôi phóng 2 bực thang 1 lên lớp. Cô Giám Thị từ trên đang đi xuống, điểm mặt liền:
- Cô Hoa Mai cúp cua giờ trước phải không ?
- Trời ơi, cô nói thế oan cho em, giờ thầy Đàn nghỉ mà cô
- Sau Thầy có vào, cô đi đâu mà không học.
- Em xin phép Thầy rồi cô ơi. Em đi vũ. Cô cứ la em rồi hôm Tất Niên em vũ cho Trường thế nào cô cũng hối hận đã la oan em.
Cô Minh cú nhẹ vào đầu tôi:
- Lém, lém không chịu được.
Hành lang Ðệ Nhất vắng hoe người, hôm nay chỉ có lớp B1 học giờ thứ năm. Tôi nhón gót cho guốc bớt kêu. Giọng nhỏ Khanh the thé trong lớp:
- Bố Hoa Meo đó hỉ ?
- Không, tao là Mai Nhắng chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Hì hì, nhìn tụi mi ngồi trông như Mẹ Mốc í.
Hai nhỏ Tuyết và Khanh ngồi chồm hổm trên bàn, tựa cầm lên đầu gối, trước mặt là đống tiền vung vãi, mắt lim dim không thèm ngửng lên. Tôi bật cười nhìn tư thế tả oán cái bụng lép của tụi nó:
- Ứ hự, 2 nhóc. Ta nhìn xa thì giống hai Mẹ Mốc, nhưng nhìn gần thì giống hai cóc chết.
- Tụi ông đợi mi lâu thấy mồ, mau mau cho tao còn về không nhà tao đợi.
- Qu’est ce que “nhà tao” … ma maison ou ma chérie ?
Nhỏ Khanh vỗ vai nhỏ Tuyết:
- Ê, hôm qua hình như tao gặp nhỏ này đeo cái nơ đỏ đứng trước cửa mấy cái quán Tự Do đó, hèn gì nó nói tiếng Tây giỏi như đầm.
- Đểu, đểu vô cùng. Đểu không chịu được.
Nhỏ Tuyết ré lên cười, tôi vội xuỵt:
- Khẽ thôi tụi mi, bà Tổng la chết. Con gái con đứa gì mà cười hô hố. Thôi bàn chuyện mình cho xong đi. Gặp nhau là mở máy đấu, khiếp quá cơ.
- Ừ, thì bàn. Ừ, thì ghế …
Nhỏ Khanh đẩy đống tiền ra trước mặt tôi:
- Chín ngàn ba trăm đồng.
- Thế à ! Có ai không chơi không ?
- Hôm đó mi nói cảm động thế thì còn đứa nào đành lòng không chơi nữa.
Tôi mỉm cười, xếp lại tiền:
- Tụi nó đâu ?
Khanh hỏi lại:
- Tụi nó là ai ?
- Thì Hoàn, Loan, Thanh Mai í
- Dzìa rồi
- Mấy đứa vô duyên.
Tôi vừa dứt lời thì . . á . . á. Hai bên lỗ tai tôi bị phục kích làm tôi giật mình muốn xỉu. Chưa kịp định thần thì mấy cái mặt nham nhở nhô ra. Tôi cố làm tỉnh:
- À tụi mi đó hả. Từ nãy tao thấy đứa nào ngồi dưới gầm bàn lại cứ tưởng mấy con chó của bác Ba nên không để ý. Khiếp, sủa gì mà ghê thế ?
Hoàn ghé sát mặt tôi:
- Này tao hỏi thật nhé. Hiện giờ mày còn cảm giác gì trong tai ?
Loan chen vào:
- Có phải ù ù giật giật như mắc phong không.
Mai Nhót, Mai Nhí cùng cười ré lên:
- Thôi rồi, thôi rồi, nó mắc bệnh phong nhĩ rồi.
Tôi phì cười:
- Nham nhở, vô cùng nham nhở.
Đếm xong tiền tôi kêu lên:
- Ê, vậy là có 3 đứa không chơi, chứ sao lại chỉ 9.300 đồng ?
Khanh đáp:
- À, Diệu phước và Kim Vui về Huế ăn Tết. Thanh Xuân về Mỹ Tho. Tụi nó gởi mỗi đứa100 đồng để mua carte chúc Tết giáo sư.
Bàn bạc chia công việc một hồi là hết giờ thứ năm. Loan nhắc lại lần nữa:
- Nhớ mua quà cho các em cô nhi nhé.
Cả bọn kéo nhau về. Gần Tết nên giờ thứ năm không lấy gì làm đông, một hai lớp tan ra không đủ làm khuấy động không khí yên ả của trường. Nắng rực sáng, bóng cây râm mát đổ dài trên sân, vài chiếc lá rơi lờ lững đậu trên ngọn cỏ không buồn xuống.
- Nắng quá mi nhỉ?
- Ừ, nắng.
Tôi đeo kính lên mắt. Vùng nắng trở nên dịu dàng trước mặt. Hành lang như vắng lặng thêm, tiếng guốc tôi gõ lóc cóc trên thang lầu. Không đứa nào nói một lời gì, có lẽ trong đầu óc mỗi đứa không được êm đềm như không gian hiện tại. Trăm ngàn ý nghĩ đã xôn xao trong tâm trí. Ðã nghĩ gì - nhớ đến gì, dù ý nghĩ đó thật mộc mạc, thật đơn giản cũng làm xôn xao những yên ả bây giờ.
 

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 959

Return to top