Trước đây tôi đã nói khi tôi nhìn thấy một người bệnh, người sắp chết và người chết, hai quyết tâm phát sinh trong tâm tôi. Một là có thể chịu đựng sự đau đớn và cái chết với một nụ cười, có thể giữ được chánh niệm và tự tại cho đến lúc cuối cùng. Bây giờ tôi muốn nói đến quyết tâm thứ hai. Vâng, khi nhìn thấy con người và thực ra tất cả chúng sinh đang sống, đều phải chịu đau khổ nhiều như vậy, tôi cảm thấy ít nhất chúng ta có thể làm được, trong khi chúng ta còn sống, là đóng góp làm nhẹ bớt khổ đau chung quanh chúng ta.
Nhiều người đang phục vụ nhân loại theo nhiều cách thức phi thường. Mẹ Theresa, chẳng hạn, đã dành cả cuộc đời để săn sóc những người thiếu thốn và cơ cực. Nhiều người và tổ chức đã dấn thân vào làm những công tác xã hội cho người bệnh, người tàn tật, người chết đói, người già, những người sắp chết và nhiều người khác. Tất cả những đạo sư tôn giáo vĩ đại đều kêu gọi các đệ tử hãy nhân từ. Jesus Christ nói: "Hãy thương yêu người láng giềng như chính thân mình" Và Ngài tán dương những người cho người đói ăn, cho người khát uống, cho quần áo người trần trụi, cho chỗ ở kẻ bần hàn, thăm viếng người bệnh và người bị giam cầm. Ngài nói rằng: "Vì các ngươi đã làm thế cho một trong những người anh em của ta, tức là các ngươi đã làm cho chính ta". Có một câu tương tự trong Kinh Koran chỗ nhà Tiên Tri Mohamed nói Thượng Ðế có thể nói trong Ngày Phán Xét:" Ta đói mà các ngươi không cho ta ăn. Ta bị bệnh mà các ngươi không đến thăm. Và khi được hỏi bởi một người hoang mang không hiểu như thế là thế nào, Thượng Ðế trả lời "Như một người xin bánh mà ngươi không cho. Như một người bệnh mà ngươi không đến thăm".
Trong Ðạo Phật, mặc dầu chúng ta không tin vào Ðấng Thượng Ðế Sáng Tạo, chúng ta tin vào điều thiện và hô hào không giết hại cả đến một con vật hay côn trùng. Chúng ta tin vào Nghiệp luật- đó là thiện đem lại thiện, ác đem lại ác. Cho nên chúng ta bao giờ cũng phải bám chặt vào điều thiện: tránh không giết hại, trộm cắp, lừa đảo, tà dâm, dối trá, uống rượu và các chất say. Chúng ta tự rèn luyện để tiến đến chỗ chúng ta làm điều thiện vì lợi ích làm điều thiện và không phải vì sợ hãi địa ngục hay mong muốn được phần thưởng. Chúng ta làm điều thiện vì chúng ta thích làm điều thiện và tự nhiên ngả về điều thiện. Nói một cách khác chúng ta không thể tránh được làm việc thiện. Ðiều thiện với chúng ta là một.
Ðức Phật chỉ thị các đệ tử của Ngài phải nhân từ và quan tâm đến người khác. Ngài nói một chút cố gắng cũng có giá trị khi cho. Cả đến ném một vài mẩu bánh xuống nước cho cá ăn cũng được tán dương bởi Ðức Phật. Một lần, mấy nhà sư không săn sóc một nhà tu bệnh, Ðức Phật đích thân tắm rửa cho vị sư bệnh này và khuyên bảo các vị kia: "Ai săn sóc người bệnh chính là săn sóc ta". Ðức Phật kêu gọi các vì vua hãy trị vì với lòng từ bi. Ngài khuyên các nhà vua nên loại trừ nghèo đói vì đó là một trong những yếu tố góp phần vào sự cướp bóc và các tội khác. Là một người yêu hòa bình, Ngài đã từng ngăn cản được khi hai quốc gia đang sắp sửa lâm vào vòng chiến vì tranh chấp một dòng sông. Ðức Phật hỏi họ: "Cái nào quan trọng hơn – nước hay máu của con người sẽ chảy vì chiến tranh?" Hai bên lâm chiến thấy sự tranh chấp điên rồ của họ đã rút lui không đánh nhau.
Một trong những vị vua nhân từ nhất chịu ảnh hưởng trước những lời Phật dạy là Asoka, trị vì Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ Ba trước Công Nguyên, khoảng 200 năm sau khi Ðức Phật nhập diệt. Nổi tiếng về lòng nhân đạo, sự rộng lượng và lòng tốt cửa Ngài trải đến cả con vật. Ngài được nổi tiếng vì đã lo liệu bác sĩ cho cả người lẫn súc vật. Ngài đã xây công viên, trạm nghỉ ngơi cho khách bộ hành và nhà tế bần cho những người nghèo và người bệnh. Mặc dầu là một Phật tử thuần thành, Ngài cho dân ngài hoàn toàn tự do trong việc thờ phượng và ủng hộ các giáo phái khác. Trong một sắc lệnh nổi tiếng khắc trên đá, Ngài nói Ngài "Chúc mừng những người của tất cả những tôn giáo sống ở mọi nơi trong vương quốc của Ngài ... vinh danh người của tất cả các tôn giáo, thành viên của những dòng tu và cư sĩ, bằng tặng vật và những biểu hiện quý trọng khác". Ngài muốn tất cả các tôn giáo đều được kính trọng vì "bằng cách kính trọng tôn giáo là nâng cao niềm tin của chính tôn giáo mình và đồng thời phục vụ niềm tin của những người khác... Cho nên chỉ có hòa thuận không thôi là đáng khát khao ... (Và Ngài, Asoka) mong muốn người của tất cả các tôn giáo khác hiểu biết học thuyết của nhau và tìm được học thuyết lành mạnh..."
Asoka coi vai trò của Ngài như một người cha nhân từ và coi dân như con khi nói rằng Ngài muốn họ được mọi loại thịnh vượng và hạnh phúc. Ðức Phật nếu có thể chứng kiến triều đại của Hoàng Ðế Asoka, thì Ngài sẽ hết sức vui mừng khi thấy giáo lý của Ngài đã được tôn trọng triệt để một cách chuyên cần bởi vị hoàng đế vĩ đại này. H.G. Wells trong cuốn "Outline of History" (Lịch Sử Ðại Cương) có nói, trong số các vị hoàng đế đã đến và ra đi trên thế giới, "tên của Hoàng đế Asoka sáng chói, sáng chói hầu như một tinh tú không có ai ngang hàng". Chắc chắn tất cả những chính phủ sẽ thành công khi nghiên cứu và áp dụng cách giải quyết nhân đạo của Hoàng Ðế Asoka trong việc trị vì.
Cũng vậy, nếu chúng ta đi theo những lời Ðức Phật dạy, thì chúng ta cũng giống như Asoka, làm việc theo đường lối của chúng ta để giảm bớt khổ đau và trải rộng hòa bình và hạnh phúc. Chính Ðức Phật đã là tấm gương tốt đẹp nhất cho chúng ta soi, Ngài đã dành cả cuộc đời để chỉ cho con người lối thoát khỏi khổ đau. Vâng, Ðức Phật không những quan tâm đến việc làm nhẹ bớt khổ đau, mà Ngài còn quan tâm đến việc loại bỏ nó hoàn toàn. Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài đã bỏ cả 45 năm cuộc đời còn lại dạy cho con người con đường loại bỏ khổ đau. Ngài dạy con đường chánh niệm.
Ðức Phật thấy chỉ bằng cách giải quyết triệt để mới có thể loại bỏ được khổ đau. Mặc dù săn sóc người bệnh, chữa lành bệnh tật, cung cấp thực phẩm và các trợ giúp vật chất cho người túng thiếu là một phần thiết yếu trong việc đối phó với khổ đau, Ðức Phật muốn tham gia nhiều hơn là chỉ có những triệu chứng: Ngài muốn tìm cách chữa lành hoàn toàn chứng bệnh khổ đau. Cho nên Ngài đã thiền định toàn bộ câu hỏi đời sống và cái chết. Và Ngài thấy muốn giải quyết vấn đề từ gốc rễ, chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ tâm. Khổ đau thực chất là tinh thần. Khi có đau đớn thể chất, người ta thường phản ứng bằng buồn rầu, sợ hãi và ngã lòng. Nhưng người tu thiền, Ðức Phật dạy, có thể chịu đựng cái đau thể chất mà không có khổ đau tinh thần. Nói một cách khác, người ta không phản ứng bằng buồn rầu, lo lắng, thất vọng, ác cảm, giận hờn vân vân... Thay vì, người ta có thể phản ứng bằng bình tĩnh và thanh thản. Người ta có thể vui và thậm chí an ủi và khuyến khích người khác!
Cho nên Ðức Phật thấy vấn đề thực chất là tinh thần. Nếu chúng ta có thể giải thoát tâm chúng ta khỏi tham, sân và si (thuộc bản chất đời sống) Ðức Phật dạy chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được và loại bỏ khổ đau tinh thần, như lo lắng và bồn chồn, phiền muộn và than khóc. Về khổ đau thể chất, chúng ta phải thừa nhận không thể tránh khỏi chừng nào mà chúng ta có cái thân này. Tất cả chúng ta đều biết không ai có thể tránh khỏi tuổi già, bệnh và chết. Nhưng Ðức Phật dạy một khi thanh lọc được tâm ra khỏi tất cả những ô nhiễm của tham, sân vân vân thì cái đau thể chất không làm chúng ta sợ hãi nữa. Ta trở nên không lay chuyển. Không có gì có thể làm ta lo ngại nữa, cả đến cái đau cực độ mà những bệnh như ung thư có thể mang lại. Tâm ta vẫn có thể giữ luôn luôn trầm tĩnh. Bởi vậy khi đệ tử của Ðức Phật, Anurudhha, một lần được hỏi làm sao ông có thể giữ bình tĩnh khi ông bệnh nặng, Ngài trả lời đó là vì ông đã có thể làm chủ được tâm ông do tu tập chánh niệm như đã được dạy bởi Ðức Phật.
Cũng để kết luận, Ðức Phật dạy đối với một người hoàn hảo đã bỏ được tham sân si, không còn tái sanh nữa. Khi người ấy chết, đó là kiếp cuối cùng. Người ấy đã đạt được trạng thái Niết Bàn – sự an lạc hoàn hảo. Không phải tái sanh người ấy không bao giờ còn bị tuổi già, bệnh và chết. Ðức Phật nói, chỉ điều đó là chấm dứt khổ đau.