Không có cái gọi là một ngày bình thường. Có ngày quân Nga bắt đầu tấn công lúc ba giờ sáng, có ngày lúc sáu giờ. Và một ngày mới bắt đầu.
Chúng tôi bỏ hầu hết các thời gian giải quyết các tình huống xảy ra liên tục. Tôi nhận được các báo cáo từ các sư đoàn, những lời la hét cầu cứu. Tôi liên tục tham gia, giải quyết các vấn đề tiếp tế, nhận và phân tích các bản báo cáo, và báo cho các sư đoàn các phát triển mới. Tướng Weidling luôn thăm các sư đoàn, đến những nơi nặng nề nhất để chính ông ta nhận định tình hình, và von Dufving chỉ huy cuộc chiến đấu từ bộ tư lệnh quân đoàn.
Tất cả chúng tôi đều tận dụng những phút ngắn ngủi để ngủ khi tình hình cho phép. Tôi nghiệm ra rằng tôi phải đứng để trả lời điện thoại. Có vài lần điện thoại thức tôi dậy, tôi trả lời liện thoại, nghe vấn đề, chỉ cách giải quyết, và ngủ trở lại. Khi thức dậy thì tôi không nhớ đến cuộc điện thoại cũng như những lệnh tôi đưa ra cho dù sau đó chợt nhớ đến. Sau này, tôi phải để điện thoại đủ xa để tôi phải đứng lên để trả lời. Tôi phải báo cáo với cấp trên những quyết định của mình, nên rất cần thiết để nhớ mình đã làm gì.
Tôi bỏ nhiều thời gian đi lại giữa dinh Quốc Trưởng và Bộ tư lệnh quân đoàn. Chỉ còn rất ít toà nhà còn sót lại trong khu vực, nếu còn sót, chúng bị tàn phá thảm hại và gần như không nhận ra, mặc dù các tầng ngầm vẫn còn sử dụng được. Toàn bộ khu vực bị tàn phá, lúc trước bị quân Anh ném bom, sau đó là các đợt rải thảm của Mỹ, bây giờ là pháo của Nga. Đạn pháo nổ liên tục, với những tiến nổ vang rền. Khi tôi bước ra ngoài, khói từ thành phố đang cháy sộc vào mũi và phổi như một cạnh dao nhọn. Những con đường đầy những đống gạch vụn và xác chết, những xác chết hầu như không còn nhận ra. Xác của binh lính và thường dân chết vì pháo kích và bom bị lấp dưới đống đổ nát và sau đó bị bao phủ bởi những lụi xám và đỏ từ những toà nhà sụp đổ. Tử khí làm tôi ngột thở. Chúng tôi không có cách nào để chôn các xác chết, hay thu dọn chúng, bởi vì chúng tôi bị oanh tạc và pháo kích liên tục và bộ binh bắn nhau khắp nơi. Thành phố ngửi như một bãi chiến trường, sự thật nó là bãi chiến trường, với mùi của bụi gạch và vôi từ những đống đổ nát, mùi gỗ cháy, mùi thuốc súng, mùi xăng dầu, tử khí. Cũng may, ban đêm vẫn còn lạnh, nên mùi tử khí vẫn còn chịu được.
Khi tôi đi đến dinh Quốc Trưởng (khoảng chừng 1km), tôi phải phóng từ chỗ nấp này qua chỗ nấp khác, không những theo dõi đường đạn pháo binh đi, mà còn coi chừng súng trường và đại liên nữa. Từ hầm chỉ huy, tôi đi thẳng đến Bendlerstrasse rồi đến Tiergarten, rồi đi dọc theo mặt Nam của công viên, hoặc đi xuyên qua nó. (Quân Nga đã chiếm một số nơi trong công viên, và họ bắn vào bất cứ vật gì di chuyển). Sau đó về góc tây nam của dinh Quốc Trưởng phía bên kia công viên. Một số lính SS phòng thủ dinh Quốc Tướng đào công sự trước toà nhà. Ban đêm, cả hai bên đều bắn vào bất cứ sự chuyển động nào.
Với những người trong Tổng Hành Dinh Fuhrer, chúng tôi đại diện cho thế giới bên ngoài. Không có ai rời khỏi hầm mấy ngày qua. Họ an toàn bên trong hầm, với chiều dầy nhiều bộ và sâu trong lòng đất, nhưng họ không biết những gì xảy ra bên ngoài- mặt trận chỉ còn cách họ chừng 1 km và đoàn quân tiếp cứu đã bị chận lại. Hitler và bộ chỉ huy cao cấp đã đánh lừa họ về những sư đoàn không còn tồn tại hay chỉ còn lại cái khung.
Mỗi lần tôi vào hầm, Martin Bormann đặc biệt nôn nóng muốn biết tình hình bên ngoài. Ông ta lúc nào cũng ở đó, trong phòng đợi trước văn phòng Hitler. Lần nào tôi đến ông ta cúng nài nỉ tôi ngồi trên một trong những ghế da màu xanh và uống một chút rượu, rồi kể ông ta nghe về tình hình bên ngoài. Với ông ta, biết tin trước những người khác rất quan trọng. Với tư cách tham mưu trưởng dân sự của Hitler, ông ta nổi tiếng về những âm mưu tàn ác. Ai cũng biết thế lực của ông ta, và ai cũng sợ ông ta vì ông ta luôn bên cạnh Hitler, nhưng ông ta bị các tướng lãnh coi thường.
Nỗ lực tiếp tế cho chúng tôi bằng máy bay hầu như đã chấm dứt, sau khi trục đông tây (quảng trường diễn binh qua Tiergarten) bị liên tục pháo kích. Chiết máy bay cuối cùng đáp xuống đã không cất cánh lên được và vẫn còn đậu ở đó, và đã bị đạn bắn hỏng. Tiếp đạn bằng máy bay cho năm chục nghìn người là điều không thể làm được khi chỉ có dù. Mỗi chuyến chỉ thả được 6 tấn tiếp tế. Mặt khác, không có cách nào để phân phối chúng đến binh sĩ.
Tình hình bây giờ là chúng tôi vẫn kiểm soát một vùng hình như một cái tạ (nguyên văn: dumbbell). Phía đông, chúng tôi có một vùng đường kính khoảng 3km, trung tâm là dinh Quốc Trưởng. Tay cầm của cái tạ dài khoảng 8km, xe tăng địch nhiều lần chạy vượt qua lại. Tuy nhiên, đường xe điện hầm phía dưới vẫn nỗi an toàn với hướng tây, nơi chúng tôi vẫn kiểm soát được 1 vùng bán kính chừng 3km bao quanh sân vận động Olympic. Khu vực này được phòng thủ bởi Thanh niên Hitler, những người với lòng dũng cảm không ngờ, vẫn khai thông được cầu Pichelsdorf, nơi có thể làm đầu cầu cho một cuộc phá vòng vây về hướng tây. Quân Nga bây giờ tấn công về hướng trung tâm Berlin. Họ tấn công từ hướng Nam, Đông và Bắc. Vì lý do nào đó, họ đã không tấn công hướng dễ nhất, đánh dọc theo Heerstrasse, họ sẽ không tốn nhiều nỗ lực, tiến về phía đông, và chỉ lái qua Cổng Brandenburg để vào trung tâm Berlin.
Quân phòng thủ thành phố- phần còn lại của quân đoàn Panzer 56 của chúng tôi và chừng 1 nghìn quân SS của tướng Mohnke phòng thủ dinh Quốc Trưởng- mắt đỏ ngầu, thiếu ngủ, sống trong thế giới lửa, khói, chết chóc và kinh hòan. Berlin cháy như một lò lửa. Dân thường cũng bị kéo vào cuộc chiến cũng như lính tráng. Khi bị pháo kích dữ dội, những người phụ nử đang sắp hàng lấy nước nằm sát vào những bức tường để giữ chỗ. Biết chắc rằng không thể giữ vững được thêm vài ngày, Weidling quyết định đệ trình kế hoạch phá vòng vây lên cho Hitler trong khi các tuyến đường đến cầu Pichelsdorf còn mở.
Một lần nữa, Von Dufving và tôi lên kế hoạch vượt vòng vây Berlin về phía Tây và Tây Bắc, vượt qua khỏi cầu Pichelsdorf. Chúng tôi làm việc suốt đêm, chuẩn bị những lệnh cần thiết và được đưa đến các sư đoàn. Chỉ cần tung ra mật mả "Bão Xuân" (Spring Storm) là mọi việc sẽ được tiến hành.
Kế hoạch phá vòng vây chia làm ba cánh hứa hẹn sự an toàn của Hitler và những người trong Dinh Quốc Trưởng. Một nhóm SS với khoảng 1 tá pháo tự hành sẽ mở đường, khoảng 25 xe tăng còn hoạt động sẽ bao quanh và bảo vệ các xe bọc thép chở Hitler và các viên chức. Bộ binh hiện đang đánh nhau với quân Nga ở phía Đông Berlin sẽ bảo vệ đoạn hậu. Kế hoạch sẽ được bắt đầu lúc nửa đêm và sẽ ra khỏi thành phố vào sánh hôm sau. Chúng tôi đã phá vòng vây một lần ở Silesia, và chúng tôi biết rằng ngồi trong xe bọc thép đi ở giữa sẽ được vượt ra an toàn. Ra khỏi Berlin, chúng tôi sẽ di chuyển vài ngày về hướng Tây Bắc, hướng Lubeck. Không quân Nga không phải là mối đe doạ lớn vì họ ném bom không chính xác, mặc dù họ có thể làm chúng tôi tổn thất.
Khoảng trưa, tướng Weidling và tôi đem bản đồ đến Dinh Quốc Trưởng. Bên ngoài tình hình nguy hiểm hơn lúc nào hết. Từ sáng, quân Nga chiếm được cầu Lichtenstein, và trước tối, họ chiếm toàn bộ công viên Tiergarten. Pháo Nga nổ khắp nơi, mặt đất rung chuyển, bụi, đất, gạch , nhựa đường và những vật thể tung lên cao và rơi xuống mặt đất và gây tổn thất cho bất cứ ai trên mặt đất. Tiếng rần rật của những ngọn lửa từ các toà nhà đang cháy và tiếng động từ các bờ tường đang sập đổ tạo thành những âm thanh khủng khiếp. Chúng tôi lao tới từng đoạn ngắn từ cửa này sang cửa khác, cố gắng tránh những mảnh nhọn từ đạn pháo, và từ những họng súng trường, súng máy khắp nơi. Ở tuổi 28, cuộc di chuyển với tôi không khó khăn lắm, nhưng ở tuổi 57, Tướng Weidling vượt qua thật khó khăn.
Chúng tôi không phải giao nộp súng ở Dinh Quốc Trưởng như trước, vì ai cũng biết chúng tôi. Tướng Weidling được gặp Hitler ngay lập tức. Tôi đợi ở phòng đợi với bản đồ chi tiết mà Weidling có thể cần đến. Căn hầm có mùi ẩm ướt, và tiếng ồn liên tục từ chiếc máy phát điện nhỏ đang được chạy hết công suất. Martin Bormann bắt chuyện với tôi môt lần nữa (hình như ông ta LÚC NÀO cũng ngồi đó). Tôi ăn một ổ bánh mì từ ông ta và kể ông ta nghe những gì đang xảy ra trên mặt đất, ngay trên đầu của ông ta.
Khoảng 45 phút sau, buổi họp kết thúc. Hitler bước ra, theo sau là Bác sĩ Goebbels, Tướng Krebs, Tướng Weidling, và vài người khác. Tôi đứng lên nghiêm chào, và HItler bước về hướng tôi. Khi ông ta đến gần, tôi sửng sốt bởi diện mạo của ông. Ông khọm xuống, cánh tay trái co lên và run rẩy. Một nửa khuông mặt bị sụp xuống, như là ông vừa bị đột quỵ. Các cơ mặt của bên đó không hoạt động nữa. Cả hai bàn tay run rẩy và một mắt bị sưng lên. Ông giống như một ông lão, ít nhất 20 tuổi già hơn tuổi 56 của ông.
Weidling giới thiệu tôi cho HItler: "Thiếu Tá Knappe, sĩ quan tham mưu của tôi."
Hitler bắt tay tôi và nói: "Weidling đã nói cho tôi nghe những gì anh đã trải qua. Một thời gian khó khăn nhất!".
Đã quen nói "Jawohl, Herr...," tôi tự động nói "Jawohl, Herr..." và, nhận thấy là sai, tôi liền sửa lại "Jawohl, mein Fuhrer." Hitler mỉm cười yếu ớt, và Goebbels cười toe toét- nhưng Weidling nhăn mày vì thuộc hạ của ông làm sai.
Hitler nói tạm biệt, bắt tay tôi lần nữa, và biến mất sau văn phòng làm việc của Goebbel. Mặc dầu thái độ của ông ta không đến nỗi bệ rạc, nhưng dung mạo của ông ta đáng thương hại. Hitler bây giờ không khác gì một tấm tranh biếm hoạ về ông. Tôi tự hỏi làm sao có thể trong vòng chỉ 6 năm, thần tượng của thế hệ trẻ chúng tôi đã trở thành một thứ "xác người". Vẫn biết rằng Hitler vẫn là biểu tượng sống của nước Đức - nhưng nước Đức trong thời điểm này. Sáu năm qua, sự phồn thịnh của một đất nước đang bay cao đã trở thành đống lửa hoang tàn.
Weidling và tôi rời khỏi căn hầm qua hành lang ngầm của dinh Quốc Trưởng. Chúng tôi tìm ra lối đi an toàn dưới hầm đến tận cửa sổ nhìn ra Hermann-Goring-Strasse.
"Ông ta có chấp thuận kế hoạch không?" Tôi hỏi trong sự hồi hộp.
"Không" Weidling nói giận dữ. Nhưng cách nói của ông ta, người mà tôi bao giờ cũng nhìn thấy sự bình tĩnh của ông hầu hết trong mọi trường hợp đang điên tiết đến nỗi giọng nói của ông run lên. "Ông ta lắng nghe kế hoạch của tôi, rồi nói, "Không, Weiding, tôi không muốn chết ngoài đường như một con chó". Binh lính của chúng ta đã chết trên đường phố Châu Âu trong sáu năm qua - dưới quyền chỉ huy của ông ấy! Ngụ ý của ông ta bây giờ về những cái chết ấy là một sự sỉ nhục đáng tởm". Weidling giận dữ đến mức không còn cảnh giác. Nếu có ai đó nghe được và báo cáo những gì ông nói với tôi, mạng sống của ông sẽ bị nguy hiểm.
Nhưng binh lính chúng tôi đang chết trên đường phố Berlin hàng ngày hàng đêm từ khi chúng tôi đến thành phố, và họ đã chết trên đường phố của biết bao nhiêu thành phố khác trước Berlin. Những lời nói của Hitler đã tỏ ra không tôn trọng đến những người đã hy sinh cuộc sống của họ hàng ngày chỉ để giữ mạng sống của ông ta thêm một ngày làm cho tôi tức giận. Nhiều người phục vụ dưới quyền của tôi đã chết từ đầu cuộc chiến. Đứa em ruột của tôi cũng đã ngã xuống cho "Fuhrer và đất mẹ". Làm sao Weidling không giận dữ. Cả hai chúng tôi đã tham dự chiến tranh từ những ngày đầu, và chúng tôi đã nhìn thấy vô số những cái chết trong sáu năm qua. Là người lính, chúng tôi chấp nhận cái chết - ngay cả của bản thân nếu nó đến - như một phần tự nhiên của cuộc sống chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận nó như một cái giá phải trả cho lý tưởng, ít ra ở đầu cuộc chiến. Có lẽ đến bây giờ, ít nhất là giờ phút này, chúng tôi bắt đầu thấy rõ con người mà chúng tôi đã theo bấy lâu.
Khi tôi báo cáo ở hầm Quốc Trưởng ngày hôm sau với bản đồ tình hình hàng ngày và thấy Hitler đi từ phòng này sang phòng kia, tay tôi tự nhiên đưa lên bao súng. Một cảm giác mạnh mẽ thôi thúc tôi giết ông ta và chấm dứt hết tất cả. Tôi có thể làm điều đó dể dàng, vì ông ta không có cận vệ bên trong hầm. Tôi sẽ không sống sót bước ra ngoài, vì lính SS canh gác ở mọi cửa ra vào, nhưng tôi có thể giết ông ta dễ dàng. Chắc chắn không phải nỗi sợ chết ngăn cản tôi rút súng. Với kế hoạch vượt thoát không được chấp thuận, số phận của tôi không thể tránh thoát. Quân Nga bắn tù binh sĩ quan Đức sau mỗi trận đánh khi họ tràn vào nước Đức. Cuộc sống của tôi sẽ chấm dứt trong vài ngày nữa. Trong khoảnh khắc tôi không quyết định được, bản năng tôi kết luận rằng tôi không nên mạo hiểm làm ra chuyện "thế thiên hành đạo" và có thể tạo ra "dolchstosslengende"(1) một lần nữa.
Cuối tháng 4, chúng tôi không còn có cơ hội nào phòng thủ Berlin. Những trận đánh kinh hoàn, tuyệt vọng trên đường phố Berlin vẫn tiếp tục, nhưng mỗi sư đoàn của chúng tôi chỉ còn lớn hơn một tiểu đoàn, tinh thần xuống thấp, đạn dược gần cạn. Theo lý thuyết, chúng tôi có 4 sư đoàn để phòng thủ, sự thật thì sức mạnh của mỗi sư đoàn ít hơn 1/2, và đó là bao gồm luôn thương binh. Cộng luôn thanh niên Hitler và dân quân chiến đấu, chúng tôi có thể có quân số đầy đủ cho 4 sư đoàn, nhưng dân quân chiến đấu là những người già và thanh niên Hitler là những đứa trẻ (mặt dù lực lượng thanh niên Hitler phòng thủ khá hữu hiệu). Và cho dù chúng tôi có đầy đủ 4 sư đoàn với đầy đủ nhân lực, sĩ quan, kinh nghiệm, khoẻ khoắn, chúng tôi vẫn là một quân đoàn chiến đấu chống lại 2 phương diện quân! Và trên hết, chúng tôi biết rằng chúng tôi không còn nhận được tiếp tế, đạn dược.
Ở ngoài đường lúc này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Xe tăng Nga chạy vòng vòng quanh thành phố, các nhóm chống tăng Đức đuổi theo với panzerfausts(2), và bọn họ bắn nhau tứ tung về mọi hướng. Đi bất cứ nơi nào trong thành phố có nghĩa là phóng từ chỗ nấp này qua chỗ nấp kia, từ cửa này sang cửa kia, leo qua các đống đổ nát và xác chết đang thối rửa nằm khắp nơi trên đường phố. Khi một người lính phải tiếp xúc với xác chết hàng ngày, các cảm xúc của anh ta dần tê liệt. Tôi bắt đầu tự hỏi chúng tôi có còn là người!
Tiếng rền của chiến trường lấp đầy không gian cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi thường biết được vũ khí nào bắn qua tiếng rít của đạn. Tiếng đạn cối chậm chạp, đạn pháo nhanh hơn, đạn pháo hạng nặng nhanh hơn nữa. Dĩ nhiên, tiếng nổ của đạn pháo hạng nặng nổ to hơn đạn pháo hạng nhẹ và cối. Chúng tôi cũng biết đạn bay từ hướng nào đến qua tiếng súng, và cũng biết tiếng rít thì đạn bay qua đầu hay sẽ nổ trong khu vực. Sau một thời gian, giác quan của chúng tôi tự động biến chuyển theo tiếng đạn đi, và phản ứng cũng trở nên bản năng.
Chúng tôi vẫn không bỏ suy nghĩ vượt vòng vây Berlin. Điều rõ ràng là cuộc vượt vòng vây chỉ có thể thành công khi chúng tôi đến được cầu Pichelsdorf mà không đánh nhau to. Các sư đoàn thúc hối chúng tôi vượt thoát. Tinh thần binh lính lại trổi dậy khi họ tìm thấy cơ hội thoát thân. Weidling tiếp tục thúc hối Krebs thuyết phục Hitler, nhưng Krebs nói rằng Hitler sẽ không đổi ý. Sự từ chối của Hitler đã phung phí những phút, những giờ quý giá trong khi quân Nga không ngừng tăng cường vòng vây xung quanh Berlin - đặc biệt là phía Tây thành phố.
(1) dolchstosslengende: thuyết tuyên truyền của đảng Quốc Xã, có tính mị dân, cho rằng nước Đức thua trận trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất là vì những lý do khác nhau trong nước và người dân Đức chưa "yêu nước tuyệt đối" chứ không phải thua trận vì thất bại quân sự. (theo hiểu biết của Khikho007)
(2)Panzerfausts: súng chống tăng cá nhân.