Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chùm Cây Tầm Gửi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 745 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chùm Cây Tầm Gửi
Trần Thành Mỹ

Thành kính cảm ơn cha Nguyễn Hùng Lân trên bước đường đầu rời quê hương

 

Phi trường Bruxelles Bỉ rộn rịp người trong một ngày mùa Xuân có nắng. Kiểm soát giấy tờ. Mướn xe đẩy, mang hành lý ra ngoài ngơ ngác hy vọng người đến đón nhận ra. Cha cứu tinh Lân theo sát gót trấn an luôn :
‘’ Chị đừng lo, có gì trục trặc tôi sẽ đem chị và ba cháu về nhà ba má tôi tạm nghỉ, rồi liên lạc với nhà dòng’’.


Câu nói nầy cha đã lập đi lập lại với chúng tôi như câu kinh nhật tụng, từ lần đầu ngày lên phi trường Tân sơn Nhất để làm thủ tục trình diện và xác định ngày chính thức rời quê. Cảm kích vô cùng nhưng bấy giờ mắt đã cạn khô, tôi chỉ còn biết lí nhí cảm ơn mà hàm răng cắn chặt, nhìn không rời ba con tay xách giỏ tay kia ‘cập kè’ quàng lấy chị hay em mình.


Thời gian như dài hẳn, tim tôi rưng rưng, đầu óc trống rỗng, miệng khô đắng, tay đẩy xe nặng trĩu dư hương kỷ niệm, chầm chậm đi ra sát thằng bé 7 tuổi bám chặt đùi mẹ ngẩn ngơ.


Những cánh tay vẫy vẫy từ đám người lố nhố đón người thân. Cuộc nhận diện không khó khăn vì trong chuyến máy bay nầy chỉ có sáu gia đình Việt.


Sau chuyến ‘phi hành’ dài lạ người lạ cảnh lạ quê, bốn mẹ con thừ người chào hỏi rồi vội vã theo các sơ lên xe ...chuyển bánh. Con đường sao mà dài vô tận, trời nắng ráo, mặc áo len mà vẫn ‘đánh bò cạp’ mới kỳ. Ba đứa nhỏ còn ngủ gà ngủ gật, mặt mày tái mét, ngồi sát nhau như sợ phải xa rời.


Xe dừng lại trong sân, nhận kèn báo hiệu. Tôi chưa kịp sửa lại quần áo chỉnh tề là trước mặt chúng tôi ba bốn sơ ngoại, tươi cười bắt tay niềm nở, phụ dẫn mấy đứa trẻ và mang rương giỏ vào trong. Mãy mươi sơ đổ xô lại, người đến bắt tay, sơ nựng má bé Nhất lùn xịt tròn quây trong áo mũ len dầy cộm. Nhất níu lấy tay mẹ cứng ngắc, dáo dác tìm quanh, thình lình la to :
’Bố ơi bố, bố đâu bố, tụi con đây bố ơi !’.
Hoảng hốt, ràn rụa nước mắt, tôi ôm chầm lấy con, nhìn lại hai đứa lớn khóc ròng. Các sơ chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, nhờ dịch, chừng vỡ lẽ, im lặng như tờ, ứa nước mắt.


Thế là chúng tôi bước qua giai đoạn mới, cuộc phiêu lưu vào ‘cửa thiền’ Công giáo Bỉ, trong 8 tháng, ẫn tu.


Ðiều chúng tôi phát giác ra ngay là các sơ nầy không nói tiếng Pháp lẫn Anh, hai thứ tiếng mình có dở cũng còn bập bẹ, ‘ba xí ba tú’, ‘ ô kê, ‘oánh tù tì’, hay khảo cứu tự điển để tìm chữ ráp câu. Chúng tôi rơi ngay vào vùng nói tiếng Hòa lan nên quả là một cuộc đổi đời và nhận chân rằng tự do quí mà đắt thật.


Trong khoảnh khắc, cả một quá khứ biến dần , bao nhiêu công dồi mài kinh sử ở quê hương tiêu tan theo mây khói :


‘Dã tràng xa cát bể Ðông,
‘Nhọc nhằn mà chẳng ra công cán gì’



Bây giờ trở thành người mù chữ, dốt đặc cán mai, ‘thất học, mất dạy’, vô gia cư, vô nghề nghiệp cộng thêm ‘cái già sồng sộc nó đà theo sau’ nữa mới phiền.


Thời kỳ nầy đúng là bị sao ‘Tam không’ chiếu, không tài, không tiền, không tiếng, lại ‘không môi miếng cũng không chân đứng’ còn đèo thêm ách ‘tứ cố vô thân’, nhớ lại mà cứ tưởng chuyện... Tam quốc đời xưa.
Bỉ là một xứ quân chủ lập hiến nhỏ, diện tích bằng 1/10 nước ta, theo thể chế liên bang, không có tiếng mẹ nên chia thành ba vùng ngôn ngữ Pháp, Ðức, Hòa lan. Thế mà cũng như vài nước Âu châu khác như Anh, Pháp, Hòa lan... có thuộc địa Congo ở Phi châu. Do đó, tầm nhìn của họ dù có hào phóng thế mấy đi chăng nữa, vẫn còn đượm hình ảnh của thời kỳ vàng son tư bản cũ.


Phải công nhận người Âu châu nói chung có tinh thần tương trợ, nhân đạo, yêu chuộng tự do, hòa bình. Nhưng với làn sóng tị nạn ồ ạt tràn sang, chính trị có, kinh tế không thiếu, hợp pháp, bất hợp pháp, đủ loại giống màu, giả thật khó phân, không trách họ đề phòng và hoài nghi là chuyện dĩ nhiên thôi.


Vùng nói tiếng Hòa lan nầy là vùng nông nghiệp nên người dân ở đây rất cần cù, tiết kiệm, hiếu học, cầu tiến và ít cởi mở. Họ rất tự hào khi nghe :’ Trong bụng mỗi người flamand đều có một viên gạch’. Các bạn sẽ ngạc nhiên thích thú khi có dịp viếng nhà họ, thật sạch sẽ, ngăn nắp, láng bóng từ trong nhà cho đến ngoài vườn. Người Việt mình thường lắc đầu bảo chắc họ mắc phải ‘bệnh ở sạch’ khi thấy, vào mùa Ðông mà họ vẫn hùng hục lau rửa xe, cửa kính nhà, ở ngoài trời luôn. Khác hẵn với Paris, Bruxelles, đường sá ở đây rất sạch, khách bộ hành ít đạp phải chất thừa thãi không thơm tho, khó gỡ của đủ loại chó nuôi có ‘đính bài’.


Mặc cảm thiếu thốn, ít học của vùng bị chiến tranh tàn phá, đẩy người dân phía Bắc Bỉ phải tha phương cầu thực, đi làm thợ mỏ than, công nhân lao động chân tay ở các xí nghiệp kỷ nghệ, trui luyện ý chí và quyết tâm vùng lên xây dựng lại cuộc sống mới. Và họ đã biến vùng nghèo nàn nầy trở thành trù phú , giàu có, tiến bộ nhất Bỉ hiện nay.
Về văn hoá, ý thức được tiếng Hòa lan ít người biết đến nên vừa để không mai một tiếng mà họ xem là tiếng mẹ, củng cố phát huy vừa bắt buộc học tiếng khác của liên bang, Pháp, Ðức, vừa khuyến khích học thêm Anh văn ngôn ngữ thông dụng ngoại.


Có dịp đến vùng flamand , bạn đừng lo không ai giúp bạn tìm đường. Người già hiểu tiếng Pháp, trẻ biết tiếng Anh...Thường rất dè dặt nhưng rất hào hiệp lịch sự đối với khách du lịch nước ngoài.
Thái độ lại khác hẳn với người tị nạn hay di dân. Ðến đây là phải học tiếng họ, không bao giờ họ tiếp chuyện với mình bằng tiếng khác nếu họ biết mình cư ngụ đóng đô ở xứ nầy.


Không có chương trình đặc biệt dành riêng cho học sinh tị nạn cũng như không đặc ân nào về tài chính cả.


Sống trong vùng nầy, tôi liên tưởng đến dân tộcViệt nam, chịu khó, nhẫn nại, ham học, dám nghĩ thích làm, cạnh tranh vươn lên tìm chỗ đứng xứng đáng. Biết thế để thấy rằng không dễ gì sống với họ nếu không tự lực sẽ bị khinh miệt, chèn ép, khó tiến thân. Họ học một, con em ta phải bỏ công hai ba lần hơn, họ dùng sức, yếu ta dùng trí đối lại.
Bàn qua về tiếng Hòa lan, cùng gốc với Anh Ðức, cấu trúc câu lại rất phức tạp, khó sử dụng đúng cho người nước khác. Ngay cả người Bỉ ở vùng nói tiếng Pháp, nếu được chọn, cũng không thích cho con em mình học tiếng liên bang bắt buộc nầy.


Hơn thế nữa, cách phát âm khác nhau từ vùng nầy sang vùng kế cận, thêm nhiều thổ ngữ địa phương làm điên đầu ,’ điếc con ráy’ ‘lính mới tò te’, người lạ mới học.


Trung quốc to rộng có nhiều thứ tiếng khác nhau như Quảng đông, Phúc kiến,Tiều, Hẹ... nhưng họ cũng có tiếng quan thoại chính thức.
Bỉ không có ngôn ngữ riêng, vay mượn Hòa lan, Pháp, Ðức. Khác hẵn chẳng hạn với tiếng Việt ta, dù cách phát âm có khác đi đôi chút, nói đọc viết, ba miền đều hiểu được.


Tiếng bất đồng nên tâm khó hợp, vì thế hục hặc không thể tránh, mầm chia rẽ muốn tách rời thành nước độc lập xáo trộn tình hình chính trị Bỉ luôn.


Sống bao nhiêu năm trên đất nước nầy, tôi vẫn không quên cây thanh long, cùng họ xương rồng, uốn quận thân cành cây khác vươn cao, khoe sắc hoa, nặng trĩu quả màu hồng phơn phớt tím cài bên trên bằng những chiếc ‘kẹp’ hình vảy rồng cong cong nhòn nhọn, ruột ngọt lịm mà nhìn giống như miếng mỡ muối rắc tiêu.


Nhìn giây bầu, giây mướp bò quyện trên giàn, cột gỗ mà liên tưởng đến những chùm cây tầm gởi bám dính như thằn lằn sống tựa nhờ cây khác, thấy mà thương. Như lục bình hờ hững trôi theo dòng nước, dù có xanh tươi tự do giữa trời lồng lộng, vẫn hy vọng tìm mé cặp bờ.


Người dân tha hương cũng thế, dù đã hội nhập được ít nhiều với cuộc sống lạ, vẫn không quên được mình là thân cây tầm gởi như cuộc sống trần gian ‘sống gởi thác về’.


Thôi, nếu chẳng đặng đừng, không được là cây thanh long, mướp bầu,...rỡ ràng trong vườn nhà thì thà là cụm lục bình hay dây tầm gởi mà vẫn còn hy vọng quyết tâm giữ vững giống dòng, hơn là bị ép thành thân bạch tuộc, sứa lửa quê hương lắm vòi nhiều nhánh đốt rát gây đau nhức, hay con đỉa chỉ có biết hút máu đến khi nào phình bụng mới chịu buông tha.


Dòng đời đâu phải luôn luôn như ý, hãy cố biến cái gì mình có thành tơ sợi mắt võng tình thương, tin yêu hy vọng. Ðường trần không thiên vị một ai, sướng khổ biết sao so sánh. Ðố ai biết chắc tương lai, sao không cố sống cho trọn giờ phút mình đang hưởng để rồi đến lúc vĩnh viễn ra đi thanh thản chia tay, hay như một nhà văn Hòa lan đã viết :


‘’Als je kunt, wees een ster aan de hemel!
Als je geen ster kunt zijn, wees een vuur op de berg!
Als je geen vuur kunt zijn, wees dan de lamp op de huiskamer ! ‘’
‘Nếu có thể, hãy là vì sao sáng trên nền trời cao,
Nếu không thể là vì sao thì làm ngọn lửa hồng trên núi,
Nếu không được nữa, hãy là ngọn đèn soi ấm phòng nhà.’


 

Trần Thành Mỹ



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 947

Return to top