Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tết Ngày Xưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 570 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tết Ngày Xưa
Trần Thành Mỹ

Lại một năm sắp qua, thêm một tuổi, đời sống tích lũy bao kinh nghiệm mới thăng trầm vui buồn, chứng tích thời đại lịch sử. Một năm, nếu tính ra cũng đâu phải ngắn, một năm thường có chẳn mười hai tháng, kể tính năm nhuần ta có tháng mười ba. Một tháng nói chung chung ba mươi ngày, một ngày có mười hai giờ, một giờ có sáu mươi phút, một phút có sáu mươi giây, dài giòng quá. Dễ nhất là thử nín thở vài giây, ta nghiệm ra ngay là tiếng tíc tắc sao mà kim đồng hồ đánh chậm quá. Thời gian vẫn điềm nhiên quay không suy suyển không biết mệt, không bị ảnh hưởng tác động bên ngoài, ngay cái vòng trần tục sinh bệnh lão tử cũng chẳng làm hề hấn gì. Thế nên còn sống là còn nhớ đến Tết, thời điểm khoảnh khắc hòa hợp mới cũ, ươm mầm hy vọng vào tương lai. Tuy nhiên tùy quan niệm truyền thống tập tục mỗi nước hưởng Xuân theo cách riêng.

 

Hằng năm, nhìn lá đổi màu rồi rơi rụng trơ cành ở cuối thu, gió vi vút không làm tan biến sương mù càng ngày càng dầy đặc, lò sưởi nhà nhà bắt đầu mở đốt lên, đó là vài báo hiệu mùa Ðông sắp sang ở các nước phương Tây. Mùa lạnh kết thúc năm cũ và mở đầu năm mới theo dương lịch nên có khi còn được tô điểm thêm sự hiện diện của vầng trăng. Người phương Tây cũng chuẩn bị chu đáo việc đón Xuân theo tập tục và nhất là hòa hợp với khí hậu riêng. Hình ảnh khắc họa đẹp nhất đối với trẻ em là ông già Noẽl mặc áo đỏ, râu bạc trắng vào nhà qua ống khói mang quà biếu đặt trong chiếc giày của các trẻ con đã được trịnh trọng sắp trước gần lò sưởi đêm rạng Chúa ra đời. Càng văn minh hơn, báo chí, hội đoàn từ thiện hằng năm không quên tổ chức buổi phát quà do chính các ông già Noẽl cho các trẻ ngoan nghèo. Còn có hộp thư đặc biệt của Ngài riêng nhận thư xin quà hay tâm tình nguyện vọng của các em. Biểu tượng nầy càng ngày càng lan rộng khắp toàn thế giới theo ảnh hưởng bành trướng của tôn giáo và bước chân viễn chinh truyền bá văn minh nối vòng tay đoàn kết.

 

Cứ nhìn thấy những tờ lịch rơi dần như lá ngoài trời đến trơ cành, năm mới sắp sang, tuổi thọ sẽ tăng. Người Việt xa xứ cũng nhẩm trực ra rằng Tết ta sắp đến. Những ai lớn tuổi tha hương nhớ nhiều hơn, nếu còn đi làm thì hy vọng ngày đầu năm rơi đúng ngày nghỉ cuối tuần, người già gặp lại cháu con hy vọng nhắc nhỡ duy trì phong tục lễ nghi truyền thống bao đời. Có được sống hội nhập tự do và nếp sống văn minh nước ngoài, chúng ta càng nhận chân công ơn của tổ tiên chẳng những đã dày công trong việc dựng và giữ nước mở rộng về phía Nam từ Nam quan đến Cà mau mà còn đúc kết từ kinh nghiệm sống còn, tinh thần đạo đức cao đẹp truyền lại cho thế hệ sau thấm nhuần bàng bạc ngay cả trong dịp lễ lạc vui chơi mà Tết là hàng đầu.

 

Khác hẳn với không khí và tinh thần hưởng Xuân của người Âu Mỹ, tổ tiên ta hướng về nội tâm, đạo đức, siêu hình, đời sống vĩnh hằng chẳng hạn. Quá khứ vẫn là kho tàng tích tụ ký ức kỷ niệm cá nhân gia đình tập thể, bàn đạp giàn phóng hành trang vào tương lai. Dân tộc nào cũng có phong tục truyền thống, mỗi nơi mỗi khác có ý nghĩa đặc thù và đổi mới theo thời gian. Do đó không thể qua lăng kính nhìn mới riêng mà phê bình khắt khe là « mê tín dị đoan », cổ hủ lạc hậu nhất là những tập tục xưa trong thời kỳ chưa có ánh sáng của khoa học kỷ thuật, tôn giáo. Vả lại quan niệm nầy cũng thay đổi theo nếp sống con người càng ngày càng cải tiến cho phù hợp với thời đại mới qua kinh nghiệm và sự cọ sát với ảnh hưởng thực tế bên ngoài.

 

Chúng ta ai cũng biết rằng quá trình mọi sự diễn tiến từ dễ đến khó, từ cái không đến có, từ cái hoang đường mơ hồ của truyền thuyết, huyền thoại đến tiến dần đến chính sử, tất cả đều có khởi đầu giản dị thô sơ rồi từng bước tới khúc mắc rắc rối khó hiểu, mà thật ra không biết đến bao giờ mới giải quyết nổi và dứt khoát được.

 

Bàn về nguồn gốc con người chẳng hạn, nguyên thủy từ đâu, từ ai, từ khỉ, từ Adam và Ève, vẫn chưa ai khẳng định được.. Trời, Ðấng Tối Cao, Con Tạo, ai biết ? Vì vậy bất cứ dân tộc nào cũng cố tìm hiểu gốc gác mình, và truyền thuyết tốt đẹp đó từ lúc thuở sơ khai đâu thể nào căn cứ vào khoa học kỹ thuật xác suất được. May mắn cho chúng ta có huyền sử đẹp « con Rồng cháu Tiên » đáng tự hào.

 

Về tôn giáo cũng thế, tin hay không là do mình thôi, mà tin là phải chấp nhận không thể đòi hỏi những tín điều của các tôn giáo phải xác minh đúng như sự thật. Thật ra các tôn giáo lớn như Thiên Chúa giáo, Phật giáo cũng có những huyền thoại linh thiêng quanh Ðức Mẹ, Ðức Chúa Jésus, Ðức Phật, tất cả đều được du nhập vào nước ta. Tín đồ phải có tên thánh hay pháp danh. Dân ta lúc sơ khai chỉ thờ cúng Trời Ðất Thánh Thần ông bà cha mẹ đã qua đời.

 

Ngày nay chúng ta lại phân tích mọi sự việc bằng lúp, kính hiển vi ngay cả vấn đề vô hình sinh tâm lý. Dù đó là những đức tính quí cần thiết trong thời đại văn minh để truy nguyên mọi vấn đề nhưng cũng phải nhớ rằng chúng ta có được các kiến thức ngày nay là phải qua một thời gian lịch sử xã hội u u minh minh, một quá trình kiên trì khổ công của người đi trước.

 

Cũng như bao dân tộc khác, người Việt ta thường rất bảo thủ tự hào về nguồn gốc của mình nên luôn cố gìn giữ truyền thống lưu lại cho thế hệ sau. Thế nhưng do ảnh hưởng của thời cuộc và nhất là nền văn minh chói lòa ngoại Á Âu Mỹ, « Cô gái Việt Nam » xinh đẹp lại « bị » nhiều người gấm ghé tranh giành, tập trung hầu hết các dân tộc trên thế giới trắng vàng xám đen, thể chế, ý thức hệ. Cái tính vọng ngoại của ta đã manh nha lúc đầu qua chế độ lệ thuộc Tàu, sau đó dưới thời Pháp thuộc, rồi đến Mỹ và các nước đồng minh tư bản miền Nam, khối cộng sản phia Bắc, càng ngày càng bành trướng mạnh rộng hơn có khi đến độ trở thành thiếu lễ độ, mất hướng, quên ơn, bất công không chính xác với thế hệ xưa.

 

Hơn thế nữa, thay vì tránh vết xe đổ của người đi trước, thế hệ sau lại từ cực nầy sang cực khác, cực kỳ phản đối chê trách sự mù quáng mê muội của cha ông để rồi lại dẫm chân vào vòng lẩn quẩn đó bằng sa vào « mê hồng trận » vọng ngoại mới dựa vào văn minh khoa học kỹ thuật.

 

Nhìn trên bảng đồ thế giới mới thấy thương cho đất nước nhỏ bé hình chữ S luôn luôn phải gồng mình đối phó với cái mũ kim cô Tàu vừa to vừa nặng úp xuống, nay nghiêng vờn bên Ðông mai ập cánh Tây. Qua lịch sử toàn cầu, các bạn có tìm thấy dân tộc nào bị đô hộ trên nghìn năm mà chẳng những giành lại được độc lập, không bị đồng hóa, không mất tiếng nói văn hóa mà còn thức thời mỡ bờ cõi về phía Nam cho đến Cà mau. Mỗi phân đất quê hương là mồ hôi máu nước mắt của bao thế hệ trước chan hòa trong đất nước để con cháu có một cái tên, xưng danh Việt Nam.

 

Hậu sinh chúng ta còn phải nhìn nhận rằng tổ tiên ta rất văn minh dân chủ từ xa xưa nên đã chủ xướng được cuộc Hội nghị Diên Hồng « trưng cầu dân ý » « nên hòa hay chiến ». Phải có một nền văn hóa đúng đắn lồng trong tình yêu người yêu nước cao độ, tinh hoa mới phát xuất như trong bài « Hịch các tướng sĩ » của Trần Hưng Ðạo, « Nam quốc sơn hà Nam đế cư » của Lý Thường Kiệt,…

 

Từ đầu thế kỷ thứ nhất chúng ta đã tự hào có những anh thư nữ kiệt Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị đuổi Tô Ðịnh xưng Trưng nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh khoảng năm 40, rồi đến Triệu Trịnh nương đánh với Ngô khoảng năm 248 thế kỷ thứ ba trong khi đó cho đến thế kỷ thứ 15 Pháp mới có nữ anh hùng dân tộc Jeanne D’Arc.

 

Sử kiện nầy không chỉ những chứng minh tinh thần trách nhiệm đồng đều giữa nam nữ « Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh » mà điều đáng nêu lên là, ngay từ thế kỷ thứ nhất Công nguyên, một nước nhỏ bé chưa thành hình như ngày nay, cô thế luôn bị hăm dọa thôn tính cho đến ngày nay chưa dứt , lại khởi xướng tư tưởng tự do bình đẳng chính trị không phân biệt đối xử cả với giới tính trong vai trò lãnh đạo. Ðó có phải tinh thần đích thực chủ yếu làm nền của cuộc « bầu đúng cử xứng » trong các cuộc tuyển cử thời văn minh hiện đại nầy sao ?

 

Rất tiếc ngay ở thế kỷ thứ hai mươi mốt nầy rồi vẫn vì cục bộ, đảng phái, …có nhiều nước tự do kể cả cường quốc vẫn còn giữ thái độ « kỳ thị » đố kỵ nam nữ mà họ luôn hô hào to tiếng bài trừ là « thiếu văn minh », lạc hậu. Như vậy bài học kinh nghiệm lịch sử cho ta thấy bài ngoại quá độ, như một thời dưới triều Nguyễn, hay ngược lại vọng ngoại mù quáng đều đưa đến hậu quả tai hại là mất gốc và mất nước thật đáng tội với tổ tiên.

 

Ngày xưa nền giáo dục luôn đề cao « tiên học lễ, hậu học văn ».Trong đời sống xã hội phải tuân theo lề lối phép tắc, phải « đải lễ » với nhau mới sống chung được. Tục ngữ còn có câu « Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó » chứng minh rằng ông cha ta thật văn minh sâu sắc trong việc giữ, phát huy truyền thống « lể » nầy từ đó xác định một cá tính căn bản của dân Việt, lòng tri ân. Nếu không biết tự trọng thì chẳng ai trọng mình và không biết trọng người khác thì cũng chẳng ai lại nễ trọng mình. Vô ơn chỉ đưa đến việc phá sản phong tục tốt đẹp dân tộc đến vong bản. Do đó, Tết quả là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta có dịp, qua lễ, « ôn cố tri tân », nhắc lại cùng nhau cội nguồn, công ơn của những người đi trước đã gầy dựng cho chúng ta ngày nay và bổn phận của chúng ta phải biết chọn lọc dỡ hay truyền lưu lại cho thế hệ hậu sinh.

 

Về tôn giáo, thật ra nước ta không có những vị Giáo chủ sáng lập như Ðức Phật Thích Ca, Chúa Jésus, Mahomet. Ðiều đó không chứng minh rằng nước ta theo chủ nghĩa vô thần mà hữu thần vì từ ngàn xưa tổ tiên ta đã có tập tục thờ cúng Trời Ðất, những người quá cố khuất mặt, những Thần linh, hiện tượng siêu nhiên, hiển linh có liên quan ảnh hưởng đến đời sống trần gian.

 

Vì thế, mỗi nước mỗi đạo có cách thờ cúng riêng, cách thể hiện cũng khác. Một trong những nghi thức chẳng hạn là lạy vì đi chùa cũng lễ Phật, tín đồ của đạo Hồi cũng phủ phục bái lạy. Tuy nhiên mục tiêu và cách biểu hiện lòng tôn thờ trong các đạo khác hẳn của Việt nam. Nói đến lạy, nhiều bạn quá khích như « đỉa phải vôi » nhún trề phê một phát thẳng thừng nào là cổ hủ, nào là lạc hậu, quê mùa, kém văn minh. Thiếu lễ độ và vô ơn đấy.

 

Cần nhấn mạnh đến điểm đặc thù ở đây là ông cha ta đã chẳng những có sáng kiến sử dụng việc lạy áp dụng trong lễ nghi thích hợp với tâm tình, trình độ, nguyện vọng cầu an cầu tiến của người dân trong đời sống bình thường, mà còn lồng vào đấy một ý nghĩa hết sức tối tân táo bạo, đó là cách cụ thể hóa bằng hành động cử chỉ biểu dương tình cảm trừu tượng vô hình, cân bằng tâm hồn và thể xác « un esprit sain dans un corps sain » ( một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể tráng kiện ). Tuyệt vời !

 

Lạy quả là phong tục đặc biệt riêng của nước ta không phải ảnh hưởng ngoại, của Trung hoa vì người Tàu không có tập tục nầy. Lạy là thể cách để biểu thị một cách khiêm tốn, thành khẩn trang trọng lòng tôn kính tri ân người trên trước, sức mạnh vô hình vượt quá tầm hiểu biết, hay người quá cố với tất cả thành tâm và thể xác. Vì thế ông bà ta rất tế nhị về ý nghĩa đặc biệt trong việc tế lễ nầy nên phân biệt rõ vào trường hợp nào cần lạy, lạy bao nhiêu lần và cả về thế lạy nam nữ.

 

Thông thường có ba trường hợp : 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy mà hai trường hợp 2 và 4 lạy là hoàn toàn mang dấu ấn Việt nam. Ngày Tết, con cháu « mừng tuổi » ông bà cha mẹ còn sống bằng hai lạy. Nói dễ hiểu hơn, lạy người sống hoặc người quá cố chưa chôn lớn tuổi hơn mình hay vai vế trên mình như khi dự đám tang. Khi đi chùa, 3 lạy. Ở đây tín đồ nam nữ lạy giống nhau theo cách lễ Phật, cách phủ phục, tùy theo qui luật của mỗi chùa. Bốn lạy để cúng ông bà cha mẹ quá cố trước bàn thờ, như trong ngày giỗ hoặc trong ngày Tết lễ gia tiên.

 

Về thế lạy, tổ tiên ta lại đặc cách cho con cháu Rồng Tiên thấy ý nghĩa cao đẹp của tập tục chính thống Việt Nam nầy dựa vào cấu trúc cơ thể và triết lý Ðông phương âm dương. Thế lạy của phái nam tượng trưng cho dương, chủ yếu theo cách thể đứng thẳng, bái gối, thể hiện cái khí phách kiêu hùng, nhịp nhàng, cân bằng, thành tâm trang trọng. Trái lại thế lạy phái nữ là cách ngồi trệt trên đất, chủ âm, nên có tính cách mềm mại, thanh thoát, uyển chuyển, nhẫn nại, dịu dàng, trang nghiêm.

 

Tuy nhiên, càng ngày vì ảnh hưởng của tiện lợi trong đời sống và nhất là cơn sóng văn minh và tôn giáo ngoại, mặc âu phục rất bất tiện không thích hợp cho việc lạy, ít còn bàn thờ gia tiên nên việc lạy thường được thay thế bằng xá vái.

Suy cho kỹ, tổ tiên ta đâu có lạc hậu cổ hủ mê tín dị đoan phải không các bạn trẻ ? Bằng mọi cách suy diễn sáng tạo, ông cha ta luôn tìm cho dân tộc một hướng đi riêng, không vay mượn nếu không thấy thích hợp, giản dị hóa nếu cần mà tế nhị vẫn cố duy trì giềng mối, mọi truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đó thờ cúng là một mà lễ lạy là một dấu ấn triện độc đáo về văn minh dân tộc. Và biết đâu, há đó cũng là điềm báo manh nha phong trào thể dục thể thao, thể dục thẩm mỹ ngày nay.

 

Người ngoại quốc cũng rất ngạc nhiên thích thú khi có dịp « ăn Tết » Việt nam. Chẳng những thời gian thích hợp giao hòa giữa trời đất và con người, không lạnh quá như ở Âu châu, không thật nóng như Phi châu hay như trong mùa nắng thiêu đốt thiếu nước, không ướt át lầy lội vì những cơn mưa bão lụt gió mùa mà cả cái không khí vui tươi đầm ấm đượm tinh thần quốc hồn quốc túy Việt nam đón Xuân, tất cả quyện lấy nhau như thành một khối sức mạnh đoàn kết dâng lên Trời đất tổ tiên lòng biết ơn của con cháu, nhân danh người còn tại thế và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

 

Mỗi nghi thức đón Tết đều có ý nghĩa riêng không trùng hợp, không mê tín hời hợt và tập trung vào tiêu đề căn bản quá khứ và tương lai, duy trì và biến đổi, tri ân và hy vọng. Ai cũng biết rằng kiến thức con người thâm sâu thế nào đi chăng nữa vẫn bị chi phối giới hạn bởi một sức điều khiển siêu hình phi thường không cưỡng được, như rốt cuộc không ai tránh được cái chết.

 

Do đó tổ tiên rất khôn ngoan cân nhắc cách giáo dục căn bản mối liên hệ giữa mọi tình huống ở đời. Việc thờ cúng tổ tiên hay những vị khuất mặt đó có phải cũng là một phương pháp huấn luyện cách cảm nhận, nhân sinh quan quen thuộc bớt sợ hãi về cuộc sống ngày sau bên kia thế giới. Bàn thờ là một công cụ, một hiện vật để biểu dương mối giây liên lạc, một làn sóng chuyển đến « thế giới ảo », vô hình. Bằng óc tưởng tượng phong phú ông cha ta đã khôn ngoan sử dụng tri thức hiện hữu để đề cập đến vấn đề siêu hình, chưa ai hiểu nổi, giả thật đúng sai, một cách tự nhiên bình dị đánh động bằng hai cá tính Việt lòng biết ơn và hy vọng.

 

Phần đông các nước khác hưởng Xuân như trong ngày lễ hội thường chỉ chú trọng đến hình thức hơn. Cũng tưng bừng tráng lệ trang hoàng lộng lẫy, cũng tiệc tùng, hội họp du lịch, giải trí vui chơi. Cũng không thiếu pháo thiếu lân, thiếp lời chúc tụng. Còn đối với dân ta, mỗi ngày lễ là ngày đánh dấu kỷ niệm định thêm một cái móc thời gian lịch sử xác tín lòng biết ơn cội nguồn và tin tưởng vào tương lai. Chúng ta sống nội tâm thâm trầm hơn nên luôn nhân cách hóa mọi sự kiện như một con người có thể xác và tâm hồn.

 

Ý tưởng đó chúng ta thấy rõ nhất trong suốt tháng ngày Tết, vậy chúng ta cùng nhau lướt qua vài nghi thức tập tục đã qua thường không chệch ra khỏi mục tiêu « ôn cố tri tân », « cây có cội nước có nguồn ».

 

Trong những ngày cuối năm, lễ tảo mộ bắt đầu con đường hành hương về quá khứ, chứng minh đời sống vĩnh hằng không có gì là đáng sợ bận tâm mà chỉ là cuộc hành trình đương nhiên của mỗi con người. Có « cát bụi trở thành cát bụi » hay không không ai biết, thế giới vô hình có thật hay tưởng tượng có gì làm bằng, tuy nhiên là người còn sống ở dương trần không ai tránh được các mối hệ lụy cho thân phận « sinh bệnh lão tử » và cũng phải giã từ cõi hồng trần nầy như người đi trước. Vậy nước trời, thiên đàng địa ngục,...là điểm đến đương nhiên bắt buộc của con người trần mắt thịt trong tương lai, điểm hẹn với thế giới của những người quá cố.

 

Ðiểm hay của cha ông Việt ta là biết dựa vào lòng tin, tin vào « sống khôn thác thiêng » của cửu huyền thất tổ và các Ðấng thiêng liêng độ trì che chở. Do đó việc rước đưa ông bà về hưởng Xuân với con cháu một cách trang trọng, thế giới vô hình và hữu hình như không giới ranh.

 

Việc đưa rước Thần Táo về trời báo cáo bằng bài sớ tâu chuyện trần gian thể hiện một bài học triết lý « trời cao có mắt », có những việc người trần chúng ta dấu nhẹm tưởng như không ai biết được nhưng không thể nào qua nổi lưới trời.

 

Tổ tiên ta còn thực tế hơn vì không những tỏ lòng biết ơn với những đấng khuất mặt qua lễ gia tiên trong đêm giao thừa, 4 lạy trước bàn thờ, mà còn mừng tuổi, 2 lạy, ông bà cha mẹ còn sống. Ðó là tập tục truyền thống đẹp tạo một sợi giây tình cảm ràng buộc đại gia đình Việt nam. Ngày nay, tập tục nầy vẫn còn duy trì, vì thế ai đi làm hay đi học xa đều cố gắng về nhà tổ đình trong ba ngày Tết, nhưng việc lạy đã được « chế » tức là được miễn từ lâu.

 

Nhưng rồi, theo trào lưu đổi mới, có nhiều ngày lễ, kể cả lễ tôn giáo, cũng mất dần ý nghĩa thiêng liêng mà trở thành cơ hội để vui chơi phù phiếm. Lòng tin cũng dễ bị lung lay, văn minh vật chất bắt đầu chiếm thế thượng phong, phong tục tập quán xưa bị biến thể luôn nên càng ngày càng bị chỉ trích phê bình từ bỏ.

 

Ngày nay chúng ta khó tìm thấy lại cái hương vị Xuân ngày xưa và cả cái hồn thiêng của ngày Tết. Thực tế quá cũng đánh mất hồn thơ, lòng tin yêu nguyên tuyền phong phú hóa cuộc đời, tạo sức mạnh tinh thần để vươn lên.

 

Thật ra chỉ có Tết mới là cơ hội tốt khơi dậy ở trong lòng mỗi người tình cảm thiêng liêng sâu kín nhất, trở về nguồn. Chúng ta nhận định ra rằng ta còn có những giây ràng buộc gắn bó, không hoàn toàn cô đơn, tình gia đình, thân thuộc, bạn bè đồng hương. Tình cảm như được thăng hoa hướng về người khác, hào phóng rộng lượng ,vị tha, biết tri ân và hy vọng vào tương lai.

 

Ngay cả chữ Tết cũng có một âm hưởng đặc biệt vui tai. Tết Tết Tết ! vang lên như lời reo trẻ thơ trước những tia rực rỡ của pháo bông, tiếng nổ đì đùng của pháo đại giờ giao thừa « tống cựu nghinh tân », những xác pháo tung tóe trong ngày lễ cưới, những bao đỏ lì xì trong ngày đầu năm làm tuổi ông bà cha mẹ. Tết quê nhà sao mà ấm cúng và đầy ý nghĩa cao đẹp biết dường nào !

 

Trần Thành Mỹ



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 291

Return to top