XXIV. Thứ bảy, 22 (tiếp theo) Thôi, kể ở Paris thế này cũng gọi là tiềm tiệm đủ rồi, vả xem chừng túi cũng đã nhẹ, nên nghĩ đến quy kế
[1] thôi. Trong hai tháng trời, tưởng cũng đã xem xét được khá, và cũng làm được một vài việc không đến nỗi tủi mặt con trai Nam Việt. Chẳng dám đâu gọi là một cuộc tráng du, nhưng mắt thấy, tai nghe, óc suy, bụng cảm, nó cũng nở nang mày mặt, mát mẻ tinh thần ra được một chút. Song giấc mộng phải có lúc tàn, cuộc chơi cũng có giờ hết. Nào có đâu của vạn của nghìn như ai mà dám triền miên nơi lạc cảnh
[2] . Trâu được thả rông bãi cỏ tốt, nhưng gọi là nghỉ xác được ít lâu mà thôi; ruộng nhà còn bề bộn, phải mau mau về mà kéo cầy trả nợ cho rồi. Nợ nam nhi nghĩ cũng nặng thay, thân yếu ớt gánh sao cho nổi? Thôi thì đã sinh ra kiếp người An Nam, dù sướng, dù khổ, dù sang, dù hèn, cũng tu cái kiếp ấy cho trọn vẹn. Đất nước người đẹp thật, nhưng vẫn là của người; phong cảnh ta dẫu tre gai đất bùn, nhưng vẫn là của ta:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!
Hôm nọ theo cái tư tưởng lãng mạn lông bông, cũng muốn nâng lòng uốn trí mà miễn cưỡng cho cảm được cái thú của người. Nhưng mà:
Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
Nói cũng đáng tội, mình mến khách, khách cũng có mến mình. Cứ lấy cái cảm tình cá nhân, không phải là không có vẻ đằm thắm. Nhưng mà đối với nghĩa cả nước nhà, thì có sá chi cái tình riêng tri kỷ một vài người đó! Vả lại trong cái bụng mến nhau, có lẽ cũng có một chút hiếu kỳ. Khi lòng hiếu kỳ ấy nhạt đi, và cái tình thế hai nước rõ ra, thì lẽ chủng tộc bao giờ cũng mạnh hơn cảm tình riêng. Ôi! Chủng tộc! Chủng tộc! Trong cái thế giới ồn ào rộn rịp này, biết bao nhiêu là tiếng kêu tiếng gọi om sòm, khiến cho lòng người phân vân không biết ngả theo đường nào, có tiếng gọi của chủng tộc, của tổ tiên là đối với người hữu tâm vẫn có cái giọng thiết tha mà gióng giả hơn cả. Anh em ta phải nên lắng tai mà nghe, cho biết đường mà tới, kẻo nữa do dự trù trừ, mơ màng phảng phất, để cho cái phóng tâm
[3] nó lạc đi rồi khó mà thu về cho được. Lắm lúc trông thấy những thú vui cảnh lạ của người ta, cũng muốn cho cái phóng tâm nó được tiêu dao cho thoả thích; nhưng nghĩ lại sức người có hạn, nếu để cho tán mạn đi mà không biết thu thập lại, thời thành ra bông lông không có chủ đích gì, lâm thời không biết hành động ra đường nào. Thôi thì bất nhược
[4] cứ thuận cái lẽ chung của nòi giống mà đừng sai cái tiếng gọi của tổ tiên, dù đi hóng mát nơi nao cũng chớ quên chốn cũ ao nhà, thế là phải đạo làm người hơn cả. - Song cũng có kẻ hoặc vì cái lợi tâm, hoặc vì sự đãng trí, hoặc vì hiểu lầm sự lợi hại, hoặc vì mua chuộc cái hư danh, đến tai sáng mà làm ra tai điếc, không để mà nghe tiếng gọi đàn, thậm chí lìa đàn mình để theo với đàn người, bỏ làng, bỏ nước, bỏ giống, bỏ nòi, bỏ quốc tịch, để theo ngoại tịch, thì thật không hiểu bụng họ nghĩ ra làm sao. Cho dẫu vì nước mà bỏ nước cũng không đang, huống lại nhiều khi vì những cớ nhỏ nhen không thể nói…
Viết thư xuống Marseille, hỏi cho đích hôm nào có chuyến tàu và xin giữ chỗ sẵn. Dù thế nào từ nay đến cuối tháng về Marseille để chực tàu. Nhưng trước khi từ giã Paris, còn chỗ nào chưa xem nên xem nốt.
*Chủ nhật, 23 tháng 7. Nay đã quyết chí sắp về, còn ở đây mấy ngày nữa, ta nên lợi dụng hết cái thời giờ ấy mà đi xem lấy ít nơi danh thắng ở Paris, vì bấy lâu tuy đi cũng đã nhiều, nhưng còn lắm nơi vẫn chưa biết.
Sẵn có ô tô của ông V., hai anh em định suốt tuần lễ này đi xem cho thật nhiều, không những trong châu thành Paris, mà đi cả các nơi phụ cận ở ngoài nữa.
Hôm nay đi
Maisons Laffitte, ở về tây bắc thành Paris, cách độ 17 cây-lô-mét. Đấy là một cái ấp chừng một vạn người ở về tả ngạn sông
Seine, cạnh rừng
Saint Germain, thiên hạ đến du lãm cũng nhiều, vì có một cái lâu thành cổ và một cái công viên lớn. Lâu thành là một cái kỳ công có tiếng, làm tự thế kỷ thứ 17, theo kiểu của tay kiến trúc kỹ sư Mansart (1642-1651). Thành lầu ở giữa, hào rãnh chung quanh, coi ra trang nghiêm mà vững vàng lắm. Bây giờ là của nhà nước, dùng làm viện bảo tàng, bày những đồ cổ về các vua Louis thứ 13, 14, 15, 16 và Nã Phá Luân. Đi lên tầng gác, có một cái thang đá cuốn coi rất vĩ đại lực lưỡng, áp trần bốn bên có bốn bức chạm cũng tinh xảo, mỗi bức hình ba đứa trẻ con đeo cánh tiên, một bức hình “Khoa học” (
Science), một bức hình “Canh nông” (
Agriculture), một bức hình “sự Đọc sách và sự Chiến tranh” (
La Lecture et la Guerre), coi hình thể dáng dấp những đứa bé xinh sảu, mũm mĩm, ngộ nghĩnh, dí dỏm vô cùng. Đi xem khắp các phòng: nào là phòng hội tiệc, nào là phòng ăn, phòng ngủ, phòng đánh bài của các bậc công hầu vua chúa đời xưa, đầy những cổ hoạ, cổ tượng, cổ khí, cổ đồng
[5] . Nhưng mà đẹp nhất và quý nhất ở đây là những bức tranh thảm kiểu
Gobelins hình những cảnh điền viên, cảnh săn bắn, cảnh trận mạc. Nghề dệt thảm này cũng như nghề dệt gấm ở bên ta, mà thành từng bức tranh rộng từng gian nhà một, thật khéo quá. - Xem nhà bảo tàng xong ra xem công viên gần đấy; vườn “kiểu Pháp” (
jardin français), nghĩa là bằng phẳng thẳng thắn, bụi cây bãi cỏ, đường dọc lối ngang, như căng bằng dây, vạch bằng thước cả, tuy không có cái vẻ tịch mịch u nhã như vườn “kiểu Anh” (
jardin anglais) nhưng có cái vẻ oai vệ trang nghiêm. Trong vườn có cái tượng đứng vua Nã Phá Luân. Hôm nay tuy ngày chủ nhật, nhưng khách du thưởng cũng ít, và phần nhiều là người ngoại quốc.
Về Paris ăn cơm trưa, nghỉ ngơi một chút, rồi lại lên xe đi về phía Bắc châu thành, không chủ định đến đâu cả, cứ chạy liều, chắc rằng thế nào cũng có chỗ đáng xem. Cách Paris 7 cây-lô-mét có thành phố
Saint Denis, coi ra đông đảo sầm uất lắm, nhưng định đến chiều trở về sẽ dừng lại xem, nay hẵng đi quá lên trên một ít nữa xem đến đâu. Đi chừng năm cây nữa thì đến một nơi hồ núi mát mẻ, lầu các nguy nga, bóng cây lồng bóng nước, chiếc thuyền bơi giữa hồ, phong cảnh thanh nhàn đẹp đẽ quá, đành đỗ xe vào quán nghỉ chơi. Hỏi ra thì đây chính là hồ Enghien, là nơi hóng mát cho những khách sang trọng miền này, và lại là nơi có ôn tuyền
[6] để cho khách dưỡng bệnh đến đây tắm và uống nước. Trên bờ hồ san sát những nhà lầu, nào là khách sạn, nào là ca lâu, nào là đổ trường
[7] , nào là kịch quán, thật là chốn ăn chơi phong thú. Hồ rộng bằng hồ Tây của Hà Nội ta, nhưng vẻ đẹp thiên nhiên mà lại có thêm tay người tô điểm, coi cũng ra một cái “hồ văn minh” lắm. Có chỗ nhà ở ngay liền hồ, có bực đá bước xuống; lại có chỗ đặt bao lơn để cho du khách đứng hóng mát; chỗ này thì để hẳn từng dãy thuyền bơi, chỗ kia thì đỗ dăm mươi chiếc tàu máy, ấy là chực có khách nào muốn “hồ thượng phiếm châu” hay là “tùy ba đái kỹ”
[8] thì đã sẵn sàng hết cả. Chắc đã có những hội buôn kinh lý, những công ty lĩnh trưng cả rồi. Trời hôm nay lại hơi nóng, đứng đây hóng mát, kể cũng khoái thay! Vụt thấy người chạy xôn xao, kẻ kêu người gọi; hỏi ra thì nghe đâu có người nào chết đuối ở ngoài xa kia, bọn thủy thủ đổ nhau ra cứu, nhưng ở tận tịt mù đàng kia, không biết có cứu được không. Hay là đôi uyên ương nào ngồi hú hí với nhau trong “ca nô” chưa thoả, lại muốn cùng nhau xuống tắm dưới hồ chăng? Nghe đâu những cái “lạc cảnh trung chi bi kịch” đó, ở đây xẩy ra là sự thường. Có khi thời anh chị quá vui, đưa nhau ra những nơi hẻo lánh, rồi đêm khuya chèo về, lạc lối đâm vào bụi rậm. Có khi thời ra đến giữa dòng, buông chèo mặc gió, phỉ chí vẫy vùng, chợt thuyền nghiêng, đâm nhào cả xuống nước…
Khi trở về đỗ ở
Saint Denis, vào xem nhà thờ. Nhà thờ đây kiểu “gô tích”, làm từ thế kỷ 12 và 13, là một nơi giáo đường cổ nhất ở nước Pháp. Phần nhiều những lăng tẩm các bậc vua chúa nước Pháp từ đời Trung cổ đến giờ đều họp ở đây cả, từ vua Dagobert cho đến vua Louis XVI. Nhà tẩm ở trên, còn nhà mồ ở từng hầm dưới, đựng quan quách các vua chúa. Những lăng đẹp nhất là lăng vua Francois I, kiểu đời “Phục hưng”, cột cao, cửa cuốn, bệ vuông, mái bằng, trên bệ ở bên trong thời có tượng vua và bà phi nằm song song, trên mái lại có tượng vua, bà phi, một vị công chúa, hai người thị thần quỳ chắp tay cầu nguyện, toàn bằng cẩm thạch cả; lăng vua Henri II và bà phi Catherine De Médicis, cũng có tượng nằm và tượng quỳ bằng đá như kể trên, mà bốn góc lại có bốn bức tượng đồng lực lưỡng hình các công đức của nhà vua; lăng vua Louis XII và bà Anne De Bretegne, hình chữ nhật như cái nhà táng lớn, bốn bề tượng đá la liệt; lăng vua Dagobert như hình cái khám đá chạm trổ rất tinh vi. Nhà thờ này thật là một nơi bảo tàng về nghề chạm khắc nhà mồ ở nước Pháp. Xem xong trên, xuống dưới hầm là chỗ để quan quách các vua chúa. Hầm xây cuốn, chia ra từng hàng từng dẫy, cũng có cái mồ kiến trúc đẹp, nhưng phần nhiều là chỗ để xác thôi, không có quy mô tráng lệ như các nhà tẩm ở trên.
Xem nhà thờ này mới biết cái lịch sử rực rỡ lâu dài của nước Pháp, và biết cái công nghiệp của các bậc đế vương Pháp đối với lịch sử ấy thế nào. Nước Pháp ngày nay là một nước dân chủ, nhưng cái công đề tạo thật là ở mấy mươi đời quân chủ cho đến giờ. Coi những tượng đá các vua chúa nằm la liệt ở trong nhà giáo đường này, thật như toát yếu được cả mấy thiên quốc sử vẻ vang của Pháp vậy. - Xem người lại ngẫm đến ta: ở nước ta ngày nay, trừ mấy nơi lăng tẩm ở Huế là thuộc riêng nhà Nguyễn, còn có nơi nào là gồm được cả quốc sử Việt Nam như nhà thờ
Saint Denis này đối với lịch sử nước Pháp? Nhà vua nào phát tích ở đâu thì có đền thờ riêng ở làng mình, như nhà Đinh ở Hoa Lư, nhà Lý ở Đình Bảng, nhưng kiến trúc sơ sài, nhiều khi cũng tương truyền là nơi cố chỉ
[9] ở đó, chứ vị tất đã biết đích là mồ mả ở đâu. Lại còn có cái thói khả ố là nhà nào nổi lên cũng muốn diệt hết dấu vết của người trước mình đi, nói là để “tuyệt dân vọng”
[10] . Thành ra những cổ tích quan hệ đến quốc sử ngày nay không còn gì nữa. Ngay ở Hà Nội là nơi Thăng Long cố đô, mà bây giờ cung vua Lê, phủ chúa Trịnh, dấu vết của vua Tây Sơn mất đâu cả? Ấy cũng là một điều khổ tâm cho kẻ hữu tâm với nước nhà vậy.
Nhà thờ
Saint Denis cũng từng qua có hồi lầm than, như hồi Đại Cách mệnh, đảng cách mệnh cho chỗ này là chỗ kỷ niệm mấy mươi đời quân chủ chuyên chế, đến tàn phá, khai quật lăng tẩm lên, vứt bỏ hài cốt đi cũng nhiều, và dùng nhà thờ làm chỗ để lúa. Nhưng qua một hồi cuồng nhiệt như thế, rồi đảng dân quốc lại lấy làm hối, và từ sau đời đời tu bổ để vừa làm một nhà bảo tàng về mỹ thuật bản quốc, vừa làm một nơi công miếu để kỷ niệm công đức những đế vương các tiền triều. Ngày nay khách du quan vào đến đây, không thể không cảm phục cái lịch sử xán lạn của nước Pháp.
Nhưng trời sâm sẩm tối mà một mình đứng giữa đám người đá nằm sóng sượt cả ra như thế này, nghĩ cũng rùng mình rợn tóc. Lại nhà thờ to rộng, tiếng người om om, dưới hầm thăm thẳm, hơi đá lạnh lùng, tưởng như hồn người chết còn lẩn khuất ở cả đâu chốn này, và đêm khuya thanh vắng, những tượng đá kia sẽ dựng dọc dậy mà cùng nhau ngồi thì thầm những chuyện thiên cổ. Phải để cho Liêu Trai chủ nhân vào ở đêm trong hầm này để làm truyện mới thú…
Lúc trở về đi quanh ra qua trường tàu bay
Le Bourget, nhưng đã chiều tối, không dừng lại xem.
*Thứ hai, 24 tháng 7. Hôm nay định đi chơi nhưng trời mưa cả ngày, nhân ở trọ viết thư từ biệt các chỗ bạn bè quen thuộc ở đây để cuối tháng xuống Marseille, quyết chuyến tàu sau là về. Lại nhân thể soạn những sách vở mua trong hai tháng nay, chất đầy cả trên lò sưởi và trong tủ áo. Gặp sách gì cũng mua, để ùn lên đấy, không nghĩ đến lúc đem về thế nào. Có mấy cái rương đựng quần áo, cố xếp vào không tài nào đủ. Phải gọi thợ mộc đóng một cái lớn nữa để mới vừa, hôm nay nhặt nhạnh xếp cả vào, cân nặng tới hai trăm cân. Những
cartes postales cũng đã chật một cái va li nhỏ rồi; đến nơi nào, xem chỗ nào cũng mua, anh em đã phải cho là dở người!
*Thứ ba, 25 tháng 7. Sớm thăm các quý quan ở Kinh tế cục để từ giã và dặn về việc in bài diễn thuyết ở trường Thuộc địa. Ý muốn khi in xong thì gửi tặng ít nhiều người mình quen biết ở đây, có kê ra một cái sổ để lại.
Buổi chiều vào chơi trong công viên
Tuileries. Đây là một nơi vườn hoa đẹp nhất ở thành Paris, ở vào sau cung
Le Louvre. Trước đây là cung
Tuileries, vua Louis XVI ở đây, sau bị phá, bây giờ làm thành nơi công viên, trong có bụi cây, bể nước, tượng đá, tượng đồng, xem đến mấy giờ đồng hồ không hết. Nhất là tượng ở trong này thì không biết bao nhiêu mà kể, có tới mấy trăm pho, không phải toàn là kỷ niệm danh nhân, phần nhiều là những tượng tả thực, như tượng một con hổ với con cá sấu cắn nhau, con sư tử với con công, nét chạm mạnh mẽ, và rõ rệt như thực, tượng những nhân vật trong truyện thần tiên Hy Lạp, tượng biểu hiện về cảnh tứ thời, cảnh triêu dương, tịch dương, v.v., toàn là hình đàn bà cả. Vườn này tức cũng là một nơi bảo tàng lộ thiên về nghề điêu khắc nước Pháp. - Vườn dài tới một nghìn thước, rộng ba bốn trăm thước, chung quanh rào sắt cả, một mặt trông ra sông Seine. Kiểu vườn là kiểu của
Le Nôtre, là nhà công trình sư có tiếng về đời vua Louis thứ XIV, vì trong vườn có hai phần, một phần cũ là vườn ngự uyển khi xưa, một phần mới là sau khi cung bị phá làm rộng thêm ra cũng theo một quy mô như trước.
Nhân vì cái quy mô đây đẹp lắm, tiêu biểu được tuyệt phẩm cái kiểu vườn gọi là “vườn Pháp” (
jardin français), và trong có nhiều những tượng đẹp của các nhà điêu khắc đại danh xưa nay, nên khách du lãm các nước đến đông lắm, không phải như một nơi vườn hoa thường vậy. Mười giờ tối thì đóng cửa, không cho ai vào xem nữa.
Ở Paris có những nơi công viên như chốn này, thật là những trường học mỹ thuật tự nhiên cho người ta, đến đây là con mắt được thoả thích ngắm những hình thể đẹp của con người gây dựng ra để tô điểm thêm cho cái cảnh phong quang một chốn danh đô.
Ở Đông phương ta chắc cũng có nhiều nơi hoa viên đẹp. Nghe nói Bắc kinh có Di Hoà Viên, Đông Kinh
[11] có vườn Thượng Dã. Nhưng lối vườn Đông phương với lối vườn Tây phương có khác nhau nhiều; đừng gì ngay một khoản tượng hình người thì chắc là những công viên bên Đông ta ít có. Vì cái tinh thần của hai mỹ thuật khác nhau: mỹ thuật Đông phương trọng về thiên nhiên, mỹ thuật Tây phương trọng về nhân tạo. Muốn quan sát cho khỏi lầm thì bao giờ cũng phải nhớ điều đó. Cho nên vườn ở bên ta có cái vẻ u tịch, có nhân công kiến trúc thời là những đình, những tạ, những núi giả, những lan can, ẩn ước ở trong bụi tùng khóm trúc, vẫn có cái khí vị thiên nhiên. Vườn của Tây và thứ nhất là của Pháp thời ngang bằng sổ ngay, như kẻ như vạch, cây xén cho bằng nhau, cỏ cắt cho đều đặn, rồi những tượng đá, tượng đồng bày ra la liệt, đường ngang lối dọc đối nhau răm rắp, phần nhân công át hẳn vẻ thiên tạo. Ấy hai cái tinh thần khác nhau như thế, mà không những một về mỹ thuật, về các phương diện khác nhận kỹ ra cũng thấy như thế.
*Thứ tư, 26 tháng 7. Buổi sáng đi
Vincennes vào thăm ông De Casanova, trước làm quan cai trị ở bên ta, nay về hưu trí ở đây. Ông này là người hiền hậu đạo đức, khi còn làm quan, đến đâu cũng để tiếng tốt trong dân gian. Lại là người thông thạo về pháp luật, đã từng biên tập những luật lệ hiện hành ở Đông Pháp thành mấy pho sách dày, các nhà hành chính thường tra khảo đến luôn. Ông ở đây với phu nhân, có trông nom cho mấy người học sinh An Nam sang học bên này, xem ra ân cần chăm chút như con cái nhà vậy. Nói chuyện bên An Nam, ông lấy làm vui vẻ và có ý nhớ tiếc.
Hôm qua xem vườn
Tuileries vừa mới phiếm luận về mỹ thuật Đông Tây, nói rằng mỹ thuật Tây phương trọng phần nhân tạo hơn vẻ thiên nhiên. Nay đi xem vườn
Buttes Chaumont, ở về phía Đông Bắc Paris, có núi non gò đống, có cây cối rậm rạp, có đường đi khuất khúc, có hồ, có thác, có đỗng, có cầu, có đường xuyên sơn, có lối men nước, quanh co ẩn ước, thật là một cảnh lâm toàn
[12] ở giữa nơi thành thị, như thế thời mỹ thuật Tây phương không phải là không biết trọng về vẻ thiên nhiên vậy. Song có ý nhận kỹ, dẫu có đá, có nước, có vẻ thanh u, nhưng cái công trình của người ta vẫn còn lộ ra lắm, như cái cầu sắt treo kia, thì thật là cái công nhà kỹ sư muốn nối liền hai quả núi, dây tam cố buộc chằng bên nọ sang bên kia, như trói buộc cả nham thạch vậy. Đá mà cũng bị trói, ấy là tiêu biểu cái văn minh hùng cường của Thái Tây thắng đoạt cả Tạo vật vậy. Nhưng sức người mạnh quá, không khỏi giảm mất cái phong thú của trời đất. Dẫu đứng trong vườn này, là nơi cảnh trí u sầm nhất ở Paris, mà cũng chưa được cảm sâu cái phong thú đó, thì đủ biết vậy.
Xét ra vườn này là một đám gò đống cao, trước làm mỏ đá vôi, mà đá thì trơ trụi cả, không có cây cỏ gì hết (cho nên gọi là
Chaumont = Monts Chauves, nghĩa là núi hói). Năm 1866-1867, ông Haussmann làm quận trưởng quận
Seine, - ông này có công sửa sang cho thành phố Paris nhiều lắm, - định mở mang xóm chỗ này là xóm thuyền thợ ở (tức là xóm
Villette), bèn lợi dụng đám gò đống đó mà làm một nơi công viên. Sẵn giữa có một cái hồ, đắp đá làm một ngọn núi ở giữa cao 50 thước, trên đặt một cái vọng đài kiểu Hy Lạp, đứng đấy thu quát được toàn cảnh cả vùng đó. Rồi xẻ núi làm đỗng, chắn nước làm thác, trồng cây các khe đá, bắc cầu ngang qua hồ, đặt những đường vòng quanh khuất khúc, chỗ thấp chỗ cao, chỗ chon von trên sườn núi, chỗ len lỏi dưới bờ hồ, khéo lợi dụng một cái mỏ đá bỏ hoang mà làm nên một chốn du lãm thanh nhàn ở giữa nơi phồn hoa náo nhiệt. Nhân công mà sửa sang được như thế, cũng đáng cảm phục thay!
Xóm này ở gần cửa ô, những bình dân thợ thuyền ở đông. Trong vườn thấy vô số những đàn bà bồng bế con đến chơi mát, chắc là vợ những thợ thuyền, chồng đi làm ở nhà trông con vậy.
Vườn này là cái vườn có vẻ lâm toàn hơn nhất, vậy mà tượng đồng, tượng đá cũng còn thấy đến mươi mười lăm chiếc rải rắc mọi nơi: có tượng “Cứu người chết đuối”, tượng “Bị chó sói cắn”, tượng “Lội sông”, tượng “Giặc bể”, tượng “Săn chim diều”, v.v., toàn là những trạng thái sinh hoạt ở các miền núi sông rừng bể cả, cũng có cái vẻ tự nhiên.
Trong vườn có hàng quán, ăn cơm, uống nước, nghỉ mát, sẵn sàng cả.
Đến chiều lại lên xe đi ngoài thành phố chơi. Tối vừa đến
Suresnes, cách thành phố mươi cây-lô-mét, ăn cơm ở hàng cao lâu “
à la belle Cycliste”. Cảnh trí chỗ này cũng đẹp lắm, ở sườn núi về tả ngạn sông Seine, đối ngạn ngay với rừng
Boulogne ở bên kia, hai bên chỉ sắc cây xanh ngắt một mầu, tối đến đèn thắp lên lác đác trong bụi cây, coi rất là ngoạn mục. Cả vùng chung quanh thành Paris này thật là cảnh sơn thanh thủy tú. Giá có công việc ở bên này lâu, thì nên kiếm nhà ở ngoại châu thành, như nơi
Suresnes này, sáng sáng ra Paris làm việc, chiều chiều lại về đây ở, cũng thú.
*Thứ năm, 27 tháng 7. Hôm nay đi xem suốt cả ngày, cố xem cho được nhiều nơi, kẻo còn mấy hôm nữa phải từ biệt Paris, không biết bao giờ lại trở lại được.
Nhà thờ
Notre Dame thì đã vào mấy lượt, nhưng chưa lần nào xem được kỹ. Sáng hôm nay định vào xem cả trong kho tàng cho được tường tận. Nhà thờ
Notre Dame thì đã có tiếng là một nơi giáo đường đẹp nhất trong thế giới; có nơi khác to lớn hơn nhiều, hoặc có một vài phần tuyệt đẹp, nhưng không đâu cái quy mô thể thế chung được xứng hợp bằng ở đây. Kiểu “gô tích”, khởi công tự thế kỷ thứ 13, sửa sang thay đổi mãi, đến thế kỷ thứ 14 mới hoàn thành, nhà chuyên môn cho gồm được cả cái tinh hoa nghề kiến trúc về đời trung cổ. Ngày nay làm nhà thờ chính thành Paris, cho nên ở trong trang hoàng lộng lẫy lắm. Đi xem một lượt trong nhà thờ, rồi vào nhà “nạp thất” (
sacristie) ở bên hữu, là chỗ để kho tàng các vật quý của nhà thờ. Có mấy ông cố phần việc ở đấy, khách du lịch muốn vào xem thì phải đợi vào từng chuyến 15, 20 người một, cố đưa vào các buồng, chỉ từng đồ vật mà cắt nghĩa cho nghe. Nhận ra những người vào xem đây, người Pháp ít mà người các nước đông lắm. Đồ để trong kho toàn là đồ vàng ngọc, gấm vóc, mà cổ đã mấy trăm năm cả, mỗi cái đồ là có quan hệ trong lịch sử, hoặc lịch sử của Giáo hội, hoặc lịch sử của nước Pháp. Như có cái áo long cổn của vua Nã Phá Luân mặc khi chịu lễ gia miện ở nhà thờ; một cái câu rút bằng vàng của vua tặng nhà thờ; một hình đức chúa Giê su bằng ngà; những đồ thờ đồ tế như tế tước (
calice), thánh thể khí (
ciboire), quan thị đài (
ostensoir), bằng vàng bạc châu báu, chạm khảm công phu lắm; còn những áo xiêm tế của các chức trong nhà thờ thuộc về các đời trước, xếp đầy từng tủ, không biết bao nhiêu mà kể, mà trông cái nào cũng đầy những vàng ngọc rực rỡ cả.
Xem xong nhà thờ chính, rồi ra xem Toà án (
Palais de Justice), vào trong đó phòng nọ viện kia, như mê li, không biết đường nào mà bước. Kể cũng không có gì mà xem, và chủ ý chỉ muốn xem nhà thờ
Sainte Chapelle ở cạnh đấy, phải đi qua Toà án mới sang được.
Sainte Chapelle là một cái nhà thờ nhỏ của các đời vua dựng lên về thế kỷ thứ 13 ở trong cung để làm chỗ chiêm lễ riêng của nhà vua, có một từng dưới và một từng gác, từng dưới thì để cho các thị thần, từng trên thì để cho các vua chúa và các công hầu ngồi chầu lễ. Nhà nhỏ, thấp, nhưng mà chạm trổ tinh tế, trong làm toàn bằng gỗ “sên”, sơn son thếp vàng cả, các cửa sổ lồng kính vẽ cổ lắm. Sánh với các nhà thờ khác thì nhà thờ này ví như một cái khám nho nhỏ xinh xinh mà tinh xảo công tế
[13] vô cùng. Cũng thuộc về kiểu “gô tích”. Ngày nay không dùng làm nhà thờ nữa, giữ làm nơi cổ tích mà thôi.
Thế là buổi sáng xem cũng đã được nhiều.
Buổi chiều xem nhà bảo tàng
Cernuschi, ở cạnh vườn
Monceau, rồi xem nhà Thị sảnh Paris. Viện bảo tàng Cernuschi nguyên của một nhà hiếu cổ
[14] tên là ông Cernuschi sưu tập được nhiều những đồ cổ của Tàu và của Nhật, đã có tiếng trong thế giới, năm 1905 ông mất đi tặng lại cho thành Paris làm nhà bảo tàng chung. Trong đó những đồ đồng, đồ sứ, tượng Phật, tượng thần, tranh cổ, chữ cổ, quý giá vô cùng. Có một cái tượng Phật bằng đồng ngồi toà sen, của Nhật Bản, cao đến 10 thước, coi rất vĩ đại. Lại có một cái bình hương hình con rồng uốn, cũng ly kỳ lắm. Thôi những đồ quý và đồ lạ ở đây thì không biết bao nhiêu mà kể. Ông chủ nhân này cũng là một tay chơi hào
[15] , đã phí mất bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu công phu mới mua được bấy nhiêu thứ, mà đến khi chết để lại cho công chúng cùng hưởng chung.
Ở đây rồi ra xem nhà Thị sảnh, tức là toà Đốc lý thành Paris. Nhà này mới làm, rộng tới hai ba phố. Có người dẫn đi xem các phòng tiếp khách và phòng hội đồng, thôi thì thực là trang nghiêm tráng lệ, xứng đáng với nơi danh đô đệ nhất trong thiên hạ, không bút nào tả cho hết được.
XXV. Thứ sáu, 28 tháng 7 Định đến mồng 1 tháng 8 xuống Marseille, còn có vài ba ngày nữa, những chỗ danh thắng nào ở kinh đô chưa kịp xem muốn đi xem cho hết. Thật là cố xem lấy được. Một ngày hôm nay đi không biết bao nhiêu chỗ, từ sáng đến chiều, không nghỉ chân một lúc nào.
Buổi sáng xem đền kỷ niệm vua Louis thứ 16 (gọi là
Chapelle expiatoire, nhà thờ giải oan), ở đường
Haussmann trước ngay cửa nhà “Đông Pháp ngân hàng”. Vua Louis thứ 16 cùng bà phi Marie Antoinette nước Pháp, bị chính phủ Cách mệnh xử tử năm 1793, trước chôn ở đây, năm 1815 mới cải táng đem về nhà thờ
Saint Denis. Chỗ này nguyên là một cái mộ địa chôn có tới ba nghìn người bị chết về đời Cách mệnh:
Mme Roland, Charlotte Corday, Danton, Camille Desmoulins, Lavoisier, v.v., cũng chôn ở đây cả. Lại chôn xác ngót một nghìn người lính thị vệ Thụy Sĩ bị giết ở cung
Tuileries ngày mồng 10 tháng 8 năm 1792. Vậy thời nơi này thật là một cái trường hy sinh của đời Cách mệnh nước Pháp. Cuộc Cách mệnh năm 1789, người đời vẫn gọi là Đại Cách mệnh, vì trước nhất xướng ra cái chủ nghĩa Nhân quyền, Dân quyền, đối với cái chủ nghĩa Thần quyền, Quân chủ, và tự đấy về sau cái phong trào tự do bình đẳng mới tràn khắp trong thiên hạ. Các nước dân chủ và lập hiến ngày nay phần nhiều là chịu ảnh hưởng cuộc Đại Cách mệnh ấy cả. Nay cách ta hơn trăm năm, coi xa tưởng như một cuộc lý tưởng vận động, rất là khoan hồng, rất là cao thượng, như phảng phất có cái gió mát Tự do, có cái hương thơm Bác ái, xa đưa truyền lại đến tận ta. Nhưng đọc sử mới biết rằng cổ lai dễ không có cuộc sát lục
[16] nào gớm ghê bằng hồi bấy giờ, - vì lý tưởng mà giết hại nhau, mới lại càng ghê nữa, - và gió mát kia chính là cái gió sầu thảm, hương thơm kia chính là cái mùi tanh hôi của mấy nghìn vạn con người chết oan ở dưới lưỡi dao đoạn đầu đài, đống xương vô định chất lên tưởng bằng mấy mươi đầu người vậy. Cho nên người đời không thể tiến bộ mà không phải đổ máu, và giọt máu đào của kẻ sinh linh, ấy là cái đại giá cho cái báu tự do độc lập ở đời vậy. Đã biết cái bài học khốc hại của lịch sử đó, mà bước chân vào vãn cảnh chốn này, trong lòng thật là ngậm ngùi ngao ngán.
Sau khi đem di hài vua Louis thứ 16 và bà phi Marie Antoinette về nhà thờ
Saint Denis rồi, thời năm 1815 vua Louis thứ 18 hạ lệnh xây đền kỷ niệm này. Ngoài sân là mộ những nhân dân và binh lính bị hại, cả thảy ba bốn nghìn người, nhiều quá không thể để nấm được hết, nay bình trị
[17] làm vườn hoa cả; chỉ trừ hai bên làm như hai dẫy hành lang dài có xây mồ bằng đá tử tế, đấy là để hài cốt một nghìn lính thị vệ bị giết ở cung
Tuileries. Trong đền có hai bức tượng vua và bà phi bằng đá, tượng vua thời hình vua quỵ xuống giơ hai tay ra, một vị thiên thần có cánh một tay đỡ lấy, một tay chỉ lên thiên đàng, dưới bệ có khắc lời di chúc của vua; tượng bà phi thì hình bà ngồi, tóc rũ rượi, sõa tay ra ôm lấy một người đàn bà tay cầm cái “câu rút”, mặt nghiêm nghị và rầu rầu, người đàn bà này là biểu hiện Tôn giáo an ủi kẻ đau khổ, dưới bệ cũng khắc lời bức thư cuối cùng của bà viết cho bà công chúa em. Đền không có gì lạ, kể về đường mỹ thuật thì cũng tầm thường mà thôi, nhưng đã biết chuyện những cái thảm trạng kỷ niệm ở đây, nên vào xem không khỏi động mối thương tâm, và khi bước chân ra về trong lòng luống những bùi ngùi. - Nhân mua một tập tranh để ghi nhớ, trong có ảnh cả bản chúc thư thủ tự của vua và bà phi. Lời di chúc của vua có câu rằng: “Tôi là Louis thứ 16, vua nước Pháp, hiện nay đương cùng với vợ con bị giam ở ngục
Temple tại Paris, mà kẻ làm tội tôi chính là kẻ thần tử tôi
[18] . Tự ngày 11 tháng này, tôi không được thông tin với ai, với vợ con tôi cũng không được. Lại phải can vào một cái án không biết sống chết thế nào, vì nhân tình trắc trở, nhân tâm hiểm độc; mà gây ra cái án ấy, thật không bằng cứ ở luật pháp nào; thôi thì chỉ biết cầu Thiên chúa chứng giám cho tấm lòng tôi mà thôi. - Vậy trước mặt Thiên chúa, tôi xin biên ra mấy lời di chúc như sau này. Còn linh hồn tôi, thì tôi xin ký thác ở nơi bề trên, là đấng sáng tạo ra muôn loài, xin bề trên khoan dung thâu nạp, đừng thẩm phán theo công tội của tôi mà thẩm phán theo công đức của Đức chúa Giê su chúng tôi đã xả thân chuộc tội cho loài người… Tôi sẵn lòng thành thực tha thứ cho những kẻ cừu thù tôi, thật tôi không hề làm chi nên nỗi. Tôi lại cầu Thiên chúa tha thứ cho họ, cùng cả những kẻ vì trung thành với tôi không phải đường mà làm hại cho tôi thật nhiều quá… Con trai tôi, chẳng may mà lại phải làm vua, thì tôi dặn nên đem hết lòng hết sức mưu đường hạnh phúc cho sinh dân; bao nhiêu những điều oán nỗi thù, nên bỏ quên đi hết cả, nhất là những sự khổ hại tôi đương phải chịu bây giờ; phải biết rằng muốn mưu hạnh phúc cho dân thì phải trị dân theo phép luật, nhưng cũng phải biết rằng muốn làm ông vua cho xứng đáng và thi hành được cái bụng tốt đối với kẻ thần dân, thời phải có đủ quyền lực mới được, nếu không thời phàm hành động phải bó buộc, không có oai quyền đủ khiến sợ, lại thành ra hại hơn là lợi cho dân…” - Xét cái khẩu khí đó, không phải là ông vua độc ác chi. Trong sử cũng chép rằng vua Louis thứ 16 vốn người nhân từ, có bụng thương dân. Nhưng vua là tiêu biểu cái chính chuyên chế, mà chính chuyên chế ở nước Pháp thời tích lệ
[19] đã lâu đời rồi, bấy giờ là đến kỳ giải quyết một cách bạo động, không sao tránh khỏi được. Cái phong trào cách mệnh đã nổi lên bời bời, dẫu làm người nhân hậu mà gặp vào hồi ấy cũng không bảo toàn được; âu cũng là cái công lệ thiên nhiên của lịch sử vậy. Tuy vậy mà nghĩ cũng ái ngại thay!
Ở đấy ra, đi xem nhà Bảo tàng các nghề trang sức (
Musée des arts décoratifs), đặt ở điện
Marsan, thuộc về cung
Le Louvre bây giờ, tức là phần cung Tuileries trước. Nhà bảo tàng này là của một hội tổ chức ra: Mỹ nghệ trung ương Tổng hội (
Union centrale des arts décoratifs), tự năm 1905, họp được đến 2 vạn các đồ mỹ nghệ cũ mới, bày chật bốn tầng điện; lại có một cái thư viện hơn một vạn quyển sách và 60 vạn các thứ tranh ảnh về các mỹ nghệ, cho thiên hạ vào xem. Mỹ nghệ có khác với mỹ thuật, người Âu tây phân biệt rõ lắm. Mỹ nghệ tức là các nghề trang sức, nghĩa là đem các tài khéo mà chế tác ra các đồ đẹp để ứng dụng cho người ta, để tô điểm cho nơi ăn chỗ ngồi được vui vẻ rực rỡ. Những đồ bày trong nhà, đồ dùng vào người, đồ gỗ, đồ sứ, đồ dệt, đồ đồng, đồ thuê, đồ khảm, đồ vàng bạc, v.v., toàn là đồ mỹ nghệ, vì là đồ để trang sức. Đến như mỹ thuật thời lại cao hơn một tầng: mỹ thuật thời chỉ chủ sáng tạo ra sự đẹp, không cần gì ứng dụng ra việc đời: vẽ một bức tranh, chạm một pho tượng, cốt thế nào cho tài khéo thần tình, diễn được hết cái ngụ ý thâm trầm của tác giả chứ không quản là pho tượng bức tranh ấy dùng được việc gì. Nếu được việc, như đặt vào nơi nào, bày vào chỗ nào xứng đáng thì càng hay, nhưng không chủ như thế. Nhà mỹ nghệ khéo, chỉ là một tay thầy nghề; nhà mỹ thuật khéo, mới là một tay tài tử. Cổ lai ở Âu châu có ba mỹ thuật danh giá nhất: nghề hội hoạ, nghề điêu khắc và nghề kiến trúc. Cho nên các viện bảo tàng chỉ nhiều nhất là tranh với tượng, như viện
Le Louvre về mỹ thuật cổ, viện
Luxembourg về mỹ thuật kim, v.v.. Đến như nhà bảo tàng mỹ nghệ xem hôm nay thì thật đủ các thứ đồ kiểu, từ thế kỷ thứ 13, 14 cho mãi đến ngày nay: bàn, ghế, giường, tủ, bát, đĩa, lọ, cốc, tượng đồng, tượng đá, đồ sứ, đồ sành, đồ đồng, đồ khảm, đồ nữ trang, quần áo, khăn thảm, không thiếu thứ gì, bày theo từng kiểu và từng thời đại; xem kỹ có thể biết được các nghề trang sức của nước Pháp từ xưa đến nay thay đổi và tấn tới thế nào. Đồ sứ
Sévres và đồ dệt
Gobelins, xưa nay vẫn có tiếng, kể cũng tinh xảo thật.
Xét ra ở nước Nam ta mới có các mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là những nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thời chưa có gì sánh được với các nước; nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp; thợ thuyền, phần nhiều là người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ, tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mới, nói tóm lại là không có cái trí sáng khởi khôn ngoan gây ra được trong mỗi nghề một cái “thể thức” (
un style) trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các nhà nghề ta, không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nữa. Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần, có “thể thức” thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ, để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học, cho biết nghề mình duyên cách thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà châm chước biến đổi dần, ấy cũng là cách chấn hưng mà bảo tồn cho mỹ nghệ trong nước vậy. Hiện nay ở Bắc kỳ có nhà bảo tàng của trường Viễn Đông Bác Cổ, ở Trung kỳ có nhà bảo tàng của hội Đô thành Hiếu cổ, tuy cũng có gián tiếp giúp cho các nhà nghề trong việc bảo tồn các kiểu cũ, nhưng cốt là chủ về cái mục đích khảo cổ, không phải chủ về cái mục đích mỹ nghệ, không giống như sở bảo tàng ở điện
Marsan ở Paris này.
Xem được hai nơi trên đó, hết cả buổi sáng. Buổi chiều lại cứ chiếu chương trình đã định đi xem các nhà bảo tàng và nhà thờ.
Sở bảo tàng
Cluny sưu tập các đồ về mỹ nghệ và lịch sử nước Pháp, như đồ chạm bằng đá, bằng gỗ, bằng ngà, đồ phá lang, đồ nung, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sứ, đồ dệt, đồ vàng bạc, các bức hoạ, đồ thảm, tranh kính, v.v., cũng chia ra thời đại và trần liệt có thứ tự lắm. Xem đây thì biết mỹ thuật nước Pháp chịu ảnh hưởng của tôn giáo nhiều lắm. Những bức họa, bức chạm, phần nhiều là hình Đức chúa Bà, Đức Gia Tô, các nam thần, nữ thần hay là các tích trong truyện đạo.
Sau sở bảo tàng lại có di tích một cái sở tắm bằng đá của người La Mã ngày xưa, xây như kiểu cung điện, về thế kỷ thứ 3 thứ 4, hồi nước Pháp hãy còn là đất
Gaule mà thuộc quyền La Mã cai trị. Tức tên Tây gọi là
Palais des Thermes.
Ba nhà thờ
Saint Etienne du Mont,
Saint Séverin và
Saint Sulpice, xem chiều hôm nay, mỗi cái đẹp ra một kiểu, mà kiểu nào cũng là ly kỳ tráng lệ, tỏ ra nghề kiến trúc ở nước Pháp đã đến bậc hoàn toàn biết dường nào.
Nhà thờ
Saint Etienne du Mont ở sau đền
Panthéon, kiểu đời Phục Hưng (thế kỷ thứ 16), mặt trước có một cái gác chuông đứng một bên ở trên chót vót như một cái vọng đài
[20] kiểu Hy Lạp, trông lệch lạc mà lạ lùng, như thể một cái nhà hãy còn làm dở chưa xong, thế mà đẹp. Trong nhà thờ có một cái kỳ công vừa về nghề kiến trúc, vừa về nghề chạm khắc, là cái đại diễn đài đặt ở giữa nhà thờ (
jubé), hai bên thang cuốn, giữa như cái bao lơn bắc ngang, chạm soi chạm lồng hết cả; trông xa như những mảnh “đăng ten” bằng đá vậy. Hồi xưa cho đến thế kỷ thứ 17, các nhà thờ thường có kiểu đại diễn đài đặt ngay ở giữa như thế này, để các nhà giáo sư làm lễ lên đấy mà tuyên đọc lời kinh Phúc âm. Nhưng sau kiểu này bỏ đi, và đặt lối diễn đài nhỏ ở bên cạnh, đủ một người đứng, trên có mái đủ thu tiếng nói xuống, tức như lối chaire bây giờ. Ngay ở nhà thờ
Saint Etienne này cũng có một cái chaire kiểu gô tích, còn nơi đại diễn đài thì bây giờ không dùng để diễn giảng, trên đặt một cái tượng “câu rút” lớn. Ở đây lại có lăng và điện bà thánh
Genevière, là vị thần ủng hộ cho thành Paris, kiểu như cái khám, chạm trổ tinh tế lắm, và thiên hạ thường đến cầu nguyện lễ bái đông.
Nhà thờ Saint Séverin ở vào một cái đường phố khuất nẻo, bề ngoài không có vẻ lộng lẫy như các nhà thờ khác, nhưng kẻ thức giả cho là “một cái báu của thành Paris” (
un des joyaux de Paris). Kiểu gô tích, làm đi sửa lại từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 17, cách kiến trúc rất là tinh vi, những cửa cuốn, những “cột vặn” (
colonnes torses), những đường gân, đường soi đục bằng đá mà nhẵn nhụi, phẳng phiu, đều đặn, chơn chuốt như nặn bằng sáp hay bằng bột vậy. Mặt ngoài cũng chỉ có một gác chuông đặt một bên. Nhà thờ này không phải là chỗ đàn điếm cho khách sang trọng đến lễ bái, nhưng có cái vẻ âm thầm lặng lẽ dễ quyến luyến những người có tính nhã đạm thanh cao, và những kẻ sùng mĩ thuật lại có ý chuộng riêng lắm nữa. Cho nên có người nói nhà thờ
Saint Séverin này cũng có bạn tri kỷ, muốn giữ cho xa chốn phồn hoa náo nhiệt, như cái hoa lan nở nơi u cốc
[21] để cho người quân tử thưởng riêng. Một người bạn tri kỷ ấy, bình phẩm về cái thú đặc biệt ở chốn này, đã nói rằng: “Có người có cái trí thẩm mỹ thanh cao cho nơi
Saint Séverin này là nơi giáo đường đẹp nhất chốn Kinh đô. Ví bằng tiếng nói thì tất khiêm tốn mà trả lời rằng không đâu dám sánh với nhà Đại giáo đường
Notre Dame lớn lao to tát ở ngay cạnh đây. Đứng cạnh
Notre Dame thì sở này ví như một hòn ngọc bội để bên một pho tượng đồng, hay như cái miệng cười chúm chím của một cô con gái thanh tân sánh với cái vẻ rực rỡ nghiêm trang của một bà mạng phụ. Nhưng mà chốn này có một cái khí vị đặc biệt với
Notre Dame: chốn này là chốn tịch mịch, chốn cầu nguyện để cho linh hồn dễ cảm thông với Thượng đế.” (Lời ông J. Paquier giáo thụ trường Gia Tô Đại học viện Paris) – Mình là người khách qua đường, không có cái cảm tưởng thấm thiết về tôn giáo, về mỹ thuật như người Tây, mà vào thăm chốn này, trong lòng cũng cảm thấy mát mẻ bình tĩnh, lâng lâng sạch hết bụi trần, như bước chân vào một nơi chùa cổ am xưa nào ở bên nước nhà vậy. Tưởng giá phải ở bên này lâu thì thường đến đây để nghỉ ngơi tinh thần và tâm niệm những điều nghĩa lý làm cho đời người có một cái giá trị thanh cao. Nghĩ các nhà tôn giáo Tây phương họ cũng khôn ngoan thật, biết khéo đặt ra những nơi giáo đường, chốn cầu nguyện như chỗ này, có cái vẻ thâm trầm lặng lẽ làm nơi di dưỡng phần hồn cho người đời, khiến cho khỏi đắm hẳn vào cái bể vật chất ở chung quanh.
Nhà thờ
Saint Sulpice thời lại ra một thể cách khác, rõ là một nơi giáo đường rực rỡ lộng lẫy, quy mô vĩ đại, hai cái gác chuông cao ngất trời. Kiểu Hy Lạp. Nhà này như thể một cái lâu đài hùng vĩ, chứ không phải là một nơi cầu nguyện âm thầm. Ở trong rộng rãi, sáng sủa, tưởng giá làm một nơi hội đồng, hội nghị thời đẹp lắm. Nghe đâu đời Cách mệnh, nhà thờ này đã dùng làm “điện Chiến thắng” (
Temple de la victoire) và ngày 5 tháng 11 năm 1799, vua Nã Phá Luân bấy giờ còn là tướng Bonaparte thắng trận trở về, dân mở tiệc mừng ở đấy. Cách trang hoàng ở trong thời cực kỳ tráng lệ, hai bên rặt những tượng đá cùng tranh sơn về các tích đạo. Kể rực rỡ thì thật là rực rỡ quá, nhưng không có cái khí vị thâm trầm thanh thú như nơi
Saint Séverin trên kia. Lạ thay! Bấy nhiêu cái nhà thờ cùng là chỗ để phụng thờ Thiên chúa, cùng có cái mục đích về tôn giáo, cùng do những tay thầy thợ khéo vẽ kiểu ra, xây dựng lên, cùng là những kỳ công kiệt tác trong nền mỹ thuật một nước cả, vậy mà xét ra mỗi nơi như có hẳn một cái tâm lý, một cái “hồn” riêng, vào mỗi nơi có một cái cảm giác đặc biệt, không giống nhau một chút nào.
*Thứ bảy, 29 tháng 7. Hôm nay lại đi xem nhà thờ
Saint Germain des Prés. Nhà thờ này ở giữa nơi phồn hoa đông đúc mà có cái vẻ cổ lỗ mộc mạc. Xét ra thì là nơi nhà thờ cổ nhất ở Paris, kiểu “lô man” là trước kiểu “gô tích”, thuộc về thế kỷ thứ 12, 13. Kể thời cũng là một cái di tích quý báu cho nhà khảo cổ, nhưng đối với khách phàm như mình thì xem chẳng có hứng thú gì.
Trưa hôm nay cụ V. lại cho ăn cơm. Mình sắp xuống Marseille, hai cụ cũng sắp về quê nghỉ mát, nên muốn họp mặt một lần cuối cùng để chuyện trò cho vui vẻ. Hôm nay hai cụ mời cả ông V. cũng đến ăn cơm.
Buổi chiều xem nhà bảo tàng
Petit Palais và thăm ông G. chủ bút tạp chí “Đông phương và Tây phương” (Orient et Occident) để nói chuyện với ông về việc bài diễn thuyết “Thi ca Việt Nam” của mình in vào tạp chí ấy. Ý ông lại muốn mượn cả bài diễn thuyết ở Hội Hàn lâm để trích mấy đoạn đăng báo nữa; hôm nay vừa mượn người đánh máy xong, cầm đến cho ông.
Petit Palais là nhà bảo tàng mỹ thuật của thành Paris. Nguyên là nhà đấu xảo Vạn quốc năm 1900, sau mới sửa làm viện bảo tàng. Những tranh và tượng sưu tập ở đây, toàn là thuộc về mỹ thuật kim thời. Có nhiều pho, nhiều bức tuyệt đẹp. Đại khái thì mỹ thuật cổ có cái vẻ trang nghiêm, mỹ thuật mới có cái vẻ linh hoạt. Đứng ở một gian để tượng ở đây, hình như ở giữa một cái hang Khổng lồ, những người bằng đá, đàn ông đàn bà múa may nhẩy nhót cả quanh mình. Nhiều bức tranh vẽ cũng có vẻ hoạt động như thế. Mỹ thuật này thật là lột được sự thực, in như sự sống, không còn có cái phần lề lối kiểu cách gì cả.
*Chủ nhật, 30 tháng 7. Chỉ còn một ngày nữa là đi rồi, không có thì giờ đâu mà biên chép cho kỹ, bàn phiếm viển vông nữa. Phải sửa soạn hòm níp, phải lấy vé xe lửa, phải trang trải tiền trọ, phải thu xếp một trăm thứ vặt vãnh, công đâu mà ngồi cặm cụi viết dưới bóng đèn.
Hôm nay chủ nhật, buổi sáng đi xem lễ ở nhà thờ chính
Notre Dame, xong rồi trèo lên tháp và lên gác chuông chơi, đến hơn trăm bậc, nghe chân cũng đã chồn.
Trưa về nghỉ ngơi dọn dẹp đồ đạc. Rồi đi xem nhà bảo tàng
Jacquemard André, ở đường
Haussmann. Viện bảo tàng này vốn của tư gia, ông bà
Jacquemard André là người giàu có, lại sành nghề mỹ thuật, một đời sưu tập những đồ quý đồ đẹp, đến khi chết tặng lại Nhà nước, làm sở bảo tàng chung, giao cho Hội Hàn lâm Đại Pháp quản lý. Đồ đây vừa là đồ mỹ thuật, vừa là đồ mỹ nghệ, nhiều cái quý giá vô cùng. Như là kiểu nhà ở riêng mà như nơi cung điện vua chúa vậy. Cách bày biện vẫn giữ y như lúc sinh thời của người chủ. Hiện nay còn một buồng trước là phòng giấy bà Jacquemard, nay vẫn để y nguyên.
Xem nhà bảo tàng xong, đi ô tô ra
Malmaison, cách Paris 11 cây-lô-mét. Đấy là cung của bà Joséphine là vợ trước của vua Nã Phá Luân, tự tay bà làm ra, khi vua bỏ thì về, rồi chết ở đấy. Nay cũng làm một sở bảo tàng về thời đại Nã Phá Luân, hôm nay chính là ngày có hội trần liệt các di tích về vua, thiên hạ đến xem đông lắm. Ngoài cung có cái vườn ngự uyển, rộng rãi đẹp đẽ. - Khi về đi qua
Rueil, vào nhà thờ xem mộ bà Joséphine; qua
Marly, đấy có một khu rừng để riêng cho quan Giám quốc đến săn bắn; rồi rẽ ra
Saint Germain en Laye, là một nơi cảnh trí rất đẹp, ở trên sườn một cái đồi trông xuống sông Seine, những cây cao bóng mát, cỏ lạ hoa thơm, có cái vẻ u nhã vô cùng, cả tỉnh thành như một cái hoa viên lớn vậy. Sau lên mãi
Poissy (cách Paris 27 cây) rồi mới quay về.
*Thứ hai, 31 tháng 7, 1922 Sáng đi lấy vé xe lửa sẵn để mai đi sớm. Có sở phát vé trước ở đường
Rennes, phải lấy trước, không mai có khi hết chỗ. Vả lại lấy trước tiện là được tùy ý chọn chỗ ngồi.
Hôm nay cũng còn đi xem rốn được một cái nhà thờ nữa, là nhà thờ
Saint Germain l’Auxerrois. Cổ nhưng không có gì lạ.
Chiều đi chơi
Saint Cloud, cũng là một nơi cảnh trí đẹp ở ngoài châu thành Paris. Vào nghỉ mát trong công viên, rồi ra đặt một tiệc nhỏ ở nhà cao lâu giữa gần đấy (
Pavillon bleu), hai anh em cùng nhau đánh chén lần này là sau cùng. Sắp biệt nhau, và mình sắp dời Paris, trong lòng cũng thấy bùi ngùi. Nhưng bùi ngùi là tiếc sắp bỏ chốn danh đô mà thôi, chứ được cái tâm sự vẫn giữ được thảnh thơi, không bận bịu nỗi gì, vì tấm lòng không hề chia sẻ cho ai, nên cũng chẳng thương tiếc nỗi gì.
[1]Kế quay về nước.
[2]Cảnh tượng vui vẻ.
[3]Cái lòng phóng đãng, không chuyên chú vào việc gì.
[4]Chi bằng.
[5]Tranh cổ, tượng đồng, đồ dùng cổ, vật cổ.
[6]Suối nước nóng.
[7]Sòng bạc.
[8]Đi lang thang trên hồ hay lướt sóng bạc. có mang the kỹ nữ.
[9]Cái nền cũ.
[10]Làm cho dứt hẳn cái sự trông ngóng của người dân.
[11]Tokyo.
[12]Tức
lâm tuyền: rừng và suối.
[13]Kỹ càng tỉ mỉ.
[14]Ưa thích đồ cổ.
[15]Hào: tài trí hơn người.
[16]Giết chóc.
[17]San bằng.
[18]Kẻ bề tôi.
[19]Tích: dồn lại,
lệ: buộc lại.
[20]Đài quan sát.
[21]Hang tối.