X [1] Thứ bảy, 27 tháng 5 Hôm nay đã rỗi việc, định đi xem các nhà bảo tàng. Nhà bảo tàng ở Paris thì biết bao nhiêu mà kể, cứ giở một quyển “Chỉ nam thành Paris”, về mục “bảo tàng viện”, trông thấy một dòng dài những tên cũng đã đủ ngốt rồi. Tựu trung có mấy sở có danh tiếng nhất, như sở
Louvre, sở
Luxembourg, nhưng các sở đó to lớn lắm, mỗi nơi phải đến mấy ngày xem mới hết được, và trước khi đi xem phải kê cứu các sách cho kỹ thời xem mới bổ ích, cho nên chửa dự bị sẵn, chửa dám đến xem. Còn các sở khác thì nhiều lắm, không biết xem chỗ nào trước chỗ nào sau, thôi thì cứ tiện đâu xem đó, vì đâu cũng nên xem cả.
Hôm qua chơi tháp Eiffel, đứng trên trông xuống thấy ở giữa vườn hoa rộng có cái nhà tròn to lớn lạ lùng, hai bên có hai cái tháp ả Rập cao ngất trời. Đó là điện
Trocadéro, làm theo kiểu Đông phương, nguyên là nhà Đấu xảo năm 1878. Điện có một cái nhà tròn ở giữa, hai bên hai đường hành lang chạy vòng như hình bán nguyệt. Nhà giữa nay làm nhà hội tiệc, hoặc làm nơi diễn kịch cho công chúng xem, có thể ngồi được 6000 người. Hai nhà hành lang hai bên thì từng dưới làm bảo tàng viện về nghề chạm khắc so sánh của các đời và các nước (
musée de sculpture comparée), từng trên làm bảo tàng viện về khoa dân tộc học (
musée ethnographique).
Cả buổi sáng hôm nay đi xem hai nơi bảo tàng đó. Nơi bảo tàng về nghề chạm khắc không phải là bày nguyên những đồ chạm khắc đời xưa đời nay đâu, toàn là những hình nặn bằng đất về các kiểu chạm khắc và kiểu xây dựng thật đẹp và thật lạ của nước Pháp cùng các nước ngoài, nhưng nặn khéo đến nỗi trông hệt như thực. Đi xem qua một lượt thì biết nghề đắp tượng, chạm các kiểu nhà ở Âu châu đời nọ sang đời kia thay đổi tiến hoá thế nào. Từ thượng cổ cho đến thế kỷ thứ 19, bao nhiêu những kiểu chạm đẹp ở phương Đông, phương Tây là có hình nặn ở đấy cả, sưu tập thật cũng đã dụng công mà truyền nặn thật cũng đã khéo léo, khiến cho nhà khảo cứu nhất lãm mà thu gồm được, so sánh được cả mĩ thuật mấy mươi đời mấy mươi nước. Các tượng Ai Cập, tượng Hi Lạp, tượng La Mã, những mảnh tường, mảnh cửa, kiểu mộ, kiểu nhà, hết thảy những lối lăng thuộc về nghề chạm nặn, nghề xây dựng, đều xếp đặt theo thời đại, theo xứ sở, như một pho sách hiển nhiên, hết thiên này đến thiên khác, chương nọ đến chương kia, thật là rõ ràng rành rẽ. Trong nhà bảo tàng lại có mấy gian riêng để bày những hình nặn về các cổ tượng và di tích của Cao Miên, Diến Điện, Chiêm Thành và cả An Nam ta nữa. - Ấy cách học vấn của người Tây, bất cứ về môn nào, cũng là kỹ càng trọn vẹn, đến chốn đến nơi như thế, không trách sự học của người ta dễ sâu xa và mau tấn tới vậy.
Viện bảo tàng về dân tộc học thời bày những kiểu đồ đạc, đồ dùng, nhà cửa, đồ lễ bái, đồ khí giới, hình thể các giống người, nói tóm lại là hết thảy những đồ vật gì đủ hình dung được cách sinh họat của các dân tộc trên thế giới. Chia ra từng gian: gian về Mĩ châu, có phần về nước
Mexique đời xưa nhiều đồ hơn cả; gian về Âu châu, lại chia ra từng nước, mà phần nước Pháp thường hơn nhất; gian về Phi châu, về các quần đảo đại dương. Duy về Á châu thì không thấy có mấy tí đồ. ý giả vì Á châu đã có nhiều nhà bảo tàng riêng, như nhà bảo tàng
Guimet, nhà bảo tàng
Cernuschi (rồi sau này cũng phải đi xem hết), nên ở đây bày lược thế chăng?
Bảo tàng là nơi chứa những đồ vật quý, nhưng chớ nên tưởng rằng đồ quý chỉ là vàng bạc châu báu, ngọc thạch kim cương mà thôi đâu. Đối với kẻ học giả, một mảnh xương người, một miếng đá vỡ về đời thượng cổ còn có giá hơn là hòn kim cương mấy chục vạn. Nhà bảo tàng chính là một sở học, chứ không phải là một kho chứa đồ, những đồ bày đó là để giúp cho sự học, vì học không phải ở sách mà thôi, học còn ở sự vật nữa, mà học đến sự vật gì có hình ảnh ngay trước mắt, đó mới là học đến nơi. Bởi thế nên ở các nước văn minh, nhà học đường mở ra nhiều mà nhà bảo tàng đặt ra cũng lắm, môn học nào cũng có nhà trường dạy, lại có sở trần thiết
[2] , về lịch sử học cũng như về vệ sinh học, về văn học cũng như về mỹ thuật, về binh học cũng như về nông công. Không những các ông giáo các trường đem học trò đến nhà bảo tàng để giảng nghĩa, lại thường ở các viện bảo tàng lớn có đặt ra từng phiên giảng công; mỗi tuần lễ hay mỗi tháng mấy lần, khách đến xem có biên tên trước thời được nghe nhà chuyên môn cắt nghĩa cho rõ ràng về các đồ vật bày.
Ở viện bảo tàng
Trocadéro, cũng có những phiên giảng như thế, vừa giảng về khoa chạm khắc, vừa giảng về dân tộc học. Nhưng hôm nay đi xem không trúng vào phiên giảng. Ban chạm khắc lại có bán cả các hình nặn cho các nhà nghề và cho khách du lịch, để truyền bá các kiểu đẹp đời xưa đời nay.
Xem xong trong nhà bảo tàng, ra đến ngoài vườn hoa. Vườn rộng thênh thang, sửa sang than thán, chỗ thì bụi cây, chỗ thì bể nước, còn những tượng đồng tượng đá la liệt. Có sáu bức tượng lực lưỡng hình sáu đại châu: Âu châu, Á châu, Phi châu, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, Đại Dương châu. Ở một bên lại có cái sở nuôi cá lớn, mỗi tuần lễ có diễn thuyết về nghề nuôi cá.
Quanh quẩn xem mãi đây, đến quá mười hai giờ trưa mới đi kiếm hàng ăn cơm. Không muốn về trọ xa quá, định gặp hàng nào ăn ở đấy, để quá trưa lại đi xem nhà bảo tàng Guimet ở gần đây. Ở nước nhà, mình phải cái thói ngủ trưa, hễ ăn xong tất phải ngủ nửa giờ một giờ đồng hồ, nhiên hậu
[3] mới khoan khoái làm việc được. Sang đây thời thấy mất hẳn cái thói ấy; một đôi khi cũng có nghỉ buổi trưa, nhưng đó là theo lệ thường, chứ không phải là một sự cần, khuyết không được. Đêm có thức khuya thì sáng dậy trưa, nhưng buổi trưa không cần phải nghỉ ngơi gì, có thể đi chơi hay làm việc luôn cả ngày được. Đó là một sự lợi thời giờ nhiều lắm, chứ cái cách cắt một ngày ra làm đôi bằng một buổi nghỉ trưa là cách rất không tiện. Nhưng cái khí hậu xứ mình viêm nhiệt, nếu trưa không nghỉ thì người uể oải, không có tinh thần đâu mà làm việc cho hết ngày được. Khí hậu quan hệ cho sinh lý như thế; làm người ở đất ôn đới thật được nhiều điều sung sướng tiện lợi hơn ở các xứ nóng thật. Cứ nghiệm ngay mình: ở nước nhà tuy không phải có đau ốm gì quanh năm, nhưng khi nóng khi lạnh trong người vẫn không được thư thái; thế mà từ khi sang đến bên này, thấy trong người khoan khoái mạnh khoẻ, tưởng xưa nay không bao giờ được như thế.
Năm xưa làm việc ở trường Bác Cổ vẫn đã biết tiếng nhà bảo tàng
Guimet, vì sở này chuyên sưu tập những đồ cổ thuộc về á Đông, thứ nhất là về các tôn giáo ở á Đông, và thường giao thông với trường Bác Cổ nhiều. Cả buổi chiều đi xem khắp trong nhà bảo tàng này. Thôi, biết cơ man nào là những đồ Tàu, đồ Nhật, đồ Cao Ly, Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu, Xiêm La, Cao Miên, Ấn Độ, cùng những tượng thần, tượng Phật, thật là hằng hà sa số. Đồ sưu tập trong nhà này gấp mấy nhà bảo tàng của trường Bác Cổ ở đường Đồn Thủy Hà Nội, mà trường Bác Cổ kể cũng đã nhiều đồ rồi. Lại những đồ sứ cổ, bức hoạ cổ, đỉnh cổ, lọ cổ, trông mà đẹp mắt quá. Lạ thay, lấy con mắt người An Nam mà xem những cổ vật, cổ tượng của Hi Lạp La Mã, dẫu đẹp mười mươi, nó vẫn thế nào ấy không cảm mình tí nào cả; hoặc mình đã đọc sách qua mà thấy trong sách khen thì cũng cố miễn cưỡng tìm cho ra cái đẹp ở đâu, chớ cứ tự nhiên mà nhìn qua thì thật không lấy gì làm đẹp cả. Như tượng
Vénus, tranh
Joconde, cả thế giới khen là đẹp, mình cũng vâng rằng đẹp, mà trong lòng trong trí thật chưa từng thấy có cảm giác gì. Thế mà giá đứng trước một cái lọ sứ đời Minh hay một bức cổ họa đời Đường, thì tự nhiên thấy cảm ngay, hình như thần trí mình cùng với đồ vật ấy có cái thanh khí thiên nhiên
[4] . Buổi sớm xem ở sở
Trocadéro, dẫu nhiều hình đẹp kiểu lạ thật, nhưng đứng đấy vẫn như bỡ ngỡ, phải gắng sức mới gọi là thưởng thức được ít nhiều; nay vào đến sở
Guimet này, thời như vào chỗ quen thuộc vậy; những cái quý cái đẹp ở đây, mình thật biết, thật cho là đẹp là quý, không có chút miễn cưỡng gì. Không nói về văn chương; nói về âm nhạc, về mỹ thuật, tôi tưởng rằng người Nam mình cũng ít ai nghe khúc nhạc tây, ngắm bức họa tây, mà thật có cái “mĩ cảm” như người Tây. Có lẽ là người mình không có cái “mĩ thuật giáo dục” (
éducation artistique) như người Tây, sự giáo dục ấy nó khiến cho biết thưởng thức những hình sắc thanh âm khác lạ với tai mắt mình. Song ở đời đã không có cái gì là “tuyệt mĩ”, và sự xấu sự đẹp chẳng qua là một sự tập quán, thì ngoài những kẻ hí tân
[5] hiếu kỳ, cố ý lấy cái mới cái lạ làm đẹp, còn phần nhiều người ta quan sát về mĩ thuật không thể dời bỏ hẳn cái thiên kiến riêng của giống mình được. Tỉ như một điều sau này: người Tây bình phẩm đàn bà An Nam có thói nhuộm răng đen thường nói rằng: trông miệng người đàn bà An Nam tối om như cái hố sâu. - Người Tây có lẽ lấy thế làm xấu thật, nhưng ta lại cho thế là đẹp, cô con gái nào nhuộm răng khéo, đen lánh như hạt huyền, thì tựa hồ như có duyên thêm lên. Tôi xin thú thật rằng tôi không thể trông được một người đàn bà An Nam để răng trắng, dẫu đẹp mười mươi mà coi bộ răng đủ chán ngắt rồi! Vì người đẹp là người thế nào? Là một người hệt với hình ảnh một kẻ “ý trung nhân” của mình. Kẻ “ý trung nhân” của người An Nam ta là một người đàn bà da trắng tóc dài, hình dung yểu điệu… mà phải có bộ răng đen nhay nháy mới được. Nếu răng trắng thời hỏng toẹt, không hệt với người trong mộng nữa! – Có lẽ đó cũng là một cái thiên kiến, và không khỏi có kẻ chê là hủ lậu. Nhưng cái sự đẹp xấu nhiều khi chỉ quan hệ ở một cái thói quen trần hủ
[6] mà thôi…
Nhưng lấy cái phương diện học vấn mà xét, thời người ta ai cũng nên biết thưởng thức mĩ thuật các nước; xem đồ ngoại quốc dẫu không có cảm mà cũng phải biết hiểu mới được, hiểu cái đẹp của người ta ở đâu và sở dĩ làm sao người ta cho là đẹp.
Người Tây thật là có cái trí thông hiểu như thế; xem như cách sưu tập và xếp đặt những đồ á Đông ở trong nhà bảo tàng Guimet này thì đủ biết.
Nhà bảo tàng này nguyên là của một ông phú hào tên là Emile Guimet, ông thường đi du lịch ở các nước Đông á mua được nhiều đồ cổ đem về bày ở nhà, sau dần dần mở rộng ra làm một sở bảo tàng, trước còn ở Lyon, rồi đến năm 1888 ông biếu nhà nước chuyển đem lên Paris, ở đường
Iéna bây giờ. Ông mới mất được mấy năm nay; hồi sinh thời ông ham khảo cứu về các tôn giáo á Đông đến nỗi rước những sư Tây Tạng, sư Nhật Bản về nhà mà lập đàn tràng làm các lễ để mời những nhà bác học đến xem.
Viện bảo tàng
Guimet đã có ảnh hưởng to về khoa Đông phương học ở nước Pháp. Ngoài các bộ đồ trần liệt, lại có một cái thư viện nhiều những sách về á Đông. Lại xuất bản những sách nghiên cứu nhiều lắm, gọi tổng danh là “
Guimet Bảo tàng viện Tùng thư” (
Publications du Musée Guimet). Mỗi năm trong mấy tháng, cứ mỗi tuần lễ có một phiên diễn thuyết công về văn chương mỹ thuật, tôn giáo, triết học các nước á Đông, do những tay bác học có tiếng đến diễn và thiên hạ đến nghe đông lắm.
Hội “Đông phương ái hữu” (
Société franỗaise des Amis de l Orient) cũng có hội sở ở đấy. Nhân vào xem nhà bảo tàng, có lại thăm chánh thư ký Hội là cô K. và phó thư ký là ông B. Cô K. cũng là một tay bác học, chuyên trị về ấn Độ, lại có tài họa. Ngồi nói chuyện giờ lâu về cái lẽ tương thân của người Đông phương với người Tây phương. Hội này đặt ra chính là để giúp cho sự tương thân đó. Hội họp những người Pháp có cảm tình với Đông phương và tiếp những người Đông phương sang qua chơi bên Pháp. Hội mới rồi có nghênh tiếp nhà đại văn hào ấn Độ Rabindranath Tagore. Ông B. và cô K. có ngỏ lời muốn mời mình diễn thuyết cho người trong Hội nghe; mình cũng hứa nhận, nhưng chưa định bao giờ. Hiện còn đương phải soạn một bài cho trường Thuộc địa, nếu lại phải làm bài nữa cho Hội Đông phương ái hữu này, thì thành ra bận quá: sang đây để tiêu dao xem xét mà thành ra cứ phải viết hoài!…
*Chủ nhật, 28 tháng 5 Hôm nay ở trọ, viết nốt bài diễn thuyết cho trường Thuộc địa. Bài này nghĩ đã mấy tuần nay, thảo cũng được khá rồi. Muốn nói rõ về cái tình cảnh nước Nam ta về đường tinh thần thế nào. Đề là “Sự tiến hoá của dân An Nam từ khi đặt Bảo hộ Pháp”. Trị cái đề này cho cứng và cho ổn cũng khó thật; khó là muốn cho vừa cứng mà vừa ổn. Nếu ổn quá thì thành ra nịnh rồi, mà nịnh thì mình không mặt mũi nào; mà nếu cứng quá tất sẵng, mà sẵng cũng không xong. Thật là một sự khổ tâm. Phải xoay làm sao cho êm thấm mà không hại đến cái chí bình sinh của mình. Khó, khó quá!…
*Thứ hai, 29 tháng 5 Hôm nay cũng ở nhà, làm cho xong bài diễn thuyết, vì chiều thứ tư này đã phải diễn đây.
Có ông bạn giới thiệu cho một người thiếu phụ, coi cũng hữu tình. Lấy chén nước chè, làm đầu câu chuyện, chuyện vắn chuyện dài, tối ngày không biết…
*Thứ ba, 30 tháng 5 Buổi sáng đến thăm quan Nguyên soái P., ngài đưa đi xem nhà “Câu lạc bộ” của các quan võ (
Cercle des officiers), lại đưa đến “Phòng khảo sát về việc Thuộc địa” của mấy ông nghị viên lập ra, và giới thiệu cho biết ông nghị viên G., là đại biểu một thuộc địa ở Hạ nghị viện. Ông này người lanh lợi hoạt bát, tiện đây ông có mời đi ăn cơm trưa với ông để nói chuyện cho tiện. Ông hỏi han nhiều điều về việc chính trị bên ta.
*Thứ tư, 31 tháng 5 Chiều hôm nay là ngày diễn thuyết đây. Nghe đâu trường Thuộc địa có gửi giấy mời nhiều người.
11 giờ đến thăm quan cai trị C. Ở Kinh tế cục. Ngài đọc cho nghe lời ngài giới thiệu mình chiều hôm nay; có nhiều câu quá khen.
3 giờ chiều ở trường Đại học
Sorbonne có khai hội nghị các nghị viên các nước về thương nghiệp (
Conférence internationale parlementaire du Commerce), ông nghị viên Pháp Chaumet làm chủ toạ. Trong đại diễn đàn nhà
Sorbonne có tới 3 nghìn người đến xem, mình cũng nhờ người quen cho vé được vào xem. Ông Chaumet diễn thuyết trước, đại khái nói thương nghiệp ngày nay là một việc rất quan hệ đến quốc tế, nghị viện các nước nên hiệp lực nhau mà nghiên cứu các vấn đề về việc giao thông buôn bán trong vạn quốc. Rồi kế đến đại biểu nghị viện các nước Anh, Mỹ, Ý, Nhật, Tỉ, v.v…, mỗi người tiếp nhau diễn thuyết một hồi, có người nói bằng tiếng Anh, mình nghe chẳng hiểu gì cả, mà xem chừng những người ngồi quanh mình cũng thế.
Xem xong, về trọ nghỉ một lát, rồi đi ăn cơm để sửa soạn diễn thuyết buổi tối. Tối hôm nay quyết ăn mặc quần áo An Nam, lấy quốc phục làm lễ phục, cho nó thêm trịnh trọng. Nghiễm nhiên ra một anh “đồ” An Nam mà ngồi diễn thuyết bằng tiếng Pháp, chắc người nghe phải chú ý vào những lời mình nói. Cái bộ áo “anh đồ” này, ở bên mình khinh thường, chứ ở đây có giá trị lắm…
12 giờ. - Được lắm. Diễn thuyết được lắm. Bắt đầu từ 8 giờ 3/4; người đến nghe ngồi chật cả các ghế trong phòng diễn thuyết trường Thuộc địa, ước tới 300 người. Trên diễn đàn, mình ngồi giữa, quan đốc Outrey ngồi bên tay phải, quan cai trị Chatel ngồi bên tay trái. Quan Chatel đọc mấy lời giới thiệu mình cho thính giả, rồi mình diễn thuyết luôn từ 9 giờ đến 10 giờ rưỡi, kể cũng lâu, nhưng xem ra người nghe không chán, lại hoan nghênh lắm, vỗ tay luôn. Diễn xong nhiều người đến nói là: - Được lắm! Được lắm! Sau cuộc diễn thuyết có chớp ảnh
[7] về Đông Pháp, mãi quá 11 giờ mới tan.
*Thứ năm, 1 tháng 6 Được tin chiều hôm nay quan Thủ tướng Poincaré sẽ diễn thuyết ở Hạ nghị viện. Mỗi lần quan Thủ tướng diễn thuyết, xin được vé vào nghe là khó lắm. Mà mình thì lâu nay mong mỏi được nghe quan Poincaré, không có lẽ để lỡ mất dịp này. Nhưng làm thế nào xin được vé bây giờ? Có mấy ông nghị quen thì hỏi không ông nào có thừa vé cả. Chỉ còn một cách là đến thăm quan Thuộc địa bộ Thượng thư Sarraut mà cố xin, họa may được chăng.
Vậy sớm hôm nay đến bộ Thuộc địa. Lần này mới biết cái cảnh chầu chực cửa quan là một. Thường thấy chữ tây có câu
faire antichambre, bây giờ mới biết là thế nào.
Faire antichambre là đứng chực ở phòng đợi cho đến lượt mình vào, vì lúc ấy đã có sáu bảy người đến trước mình chực vào thăm quan Thượng thư rồi. Ấy là ít, chứ nghe đâu có ngày đến mấy chục người, ai đến sau phải đợi mất cả ngày cả buổi. Nhưng hôm nay quan Thượng thư lại vừa đi hội đồng vắng, chỉ có quan Chánh văn phòng tiếp khách thay ngài mà thôi. Quan Chánh văn phòng đây chính là quan Touzet, năm xưa mình đã được biết ở Hà Nội. Vậy không được tiếp mặt quan Thượng thư thì xin vào thăm quan văn phòng vậy. Song cũng phải đợi, vì những người đến trước mình họ cũng xin vào thăm quan Chánh văn phòng cả. Ngồi trong phòng đợi đọc không biết mấy chục tờ nhật trình nữa mà chưa đến lượt mình. Đã thấy mấy tờ nói qua đến cuộc diễn thuyết của mình tối hôm qua. Đến từ 9 giờ đợi đến 11 giờ mới được tiếp chuyện, nhưng chậm thế mà lại may, vì nhân đó mà tình cờ được gặp quan Thượng thư.
Quan Touzet tiếp một cách ân cần vui vẻ, hỏi han mọi việc bên ta. Sau mình mới ngỏ ý muốn xin một cái carte để vào nghị viện chiều hôm nay, ngài có ý ngần ngại nói rằng: “Quan Thượng thư chỉ còn có hai cái cartes để dành cho người quen. Không biết ngài có cần dùng đến không; nay ngài đi hội đồng vắng, tôi không dám tự tiện”. Nghe thấy thế, mình đã lấy làm thất vọng rồi: đến xin tận đây mà không được thì không còn mong gì nữa. Đương lúc ấy thì nghe tiếng còi ô tô ở ngoài xa về, quan Chánh văn phòng nói: “Quan Thượng thư đã về kia. Ông có muốn vào chào ngài mấy phút, để tôi cho người bẩm. Buồng giấy ngài ở cạnh đây”. Chưa nói xong thì đã thấy quan Thượng thư tay cắp cặp ở ngoài vào. Ngài trông thấy, có ý vồn vã hỏi han. Bấy giờ quan văn phòng mới tỏ ý tôi muốn xin
carte vào nghị viện cho ngài biết. Ngài cũng hơi lưỡng lự, hỏi quan văn phòng: “Có phải chỉ còn hai cái cartes không?…” Quan văn phòng nói phải; ngài nghĩ một lúc rồi nói rằng: “Chính chiều hôm nay quan Poincaré sẽ diễn thuyết đây. Tôi đã hứa lấy hai cái
cartes cho người quen… Nhưng mà thôi, để tôi bảo lại người ta, lần khác người ta đi cũng được…” Rồi ngài ngoảnh lại quan văn phòng mà bảo: “Ông cứ đưa một cái cho ông Phạm Quỳnh.” - Bấy giờ tôi thật mừng như được hòn ngọc báu vậy. Cám ơn quan Thượng thư, quan văn phòng, rồi lui về. Hai ngài đều ân cần dặn rằng còn ở chơi Paris nên năng lại thăm hai ngài, và có chuyện gì cứ đến mà hỏi, không ngại gì.
Nghị viện đúng 3 giờ khai hội đồng. Ba giờ kém một khắc, mình đã ở đó rồi: thật là chăm lắm! Tới cửa đã thấy người đông cả: Các ông nghị thì đứng tụm lại chỗ năm người chỗ ba người, nói cãi ồn ào, nhiều ông trông ra dáng hăng hái. Người đến xem, hoặc là bà con thân thuộc của các ông nghị viên hay các quan Thượng thư, hoặc người các nước do các toà sứ xin giấy cho vào, ai nấy tấp nập như muốn đi mau để lấy chỗ. Tự cửa ngoài vào có mấy chặng canh, toàn là những chân “thừa phái” (
huissiers) của nghị viện. Chặng thứ nhất hỏi vé, rồi xướng lên cho chặng thứ nhì biết; tôi nghe thấy xướng: "
Ministres", nghĩa là có vé của quan Thượng thư cho, chắc là có chỗ ngồi riêng; chặng nọ xướng cho chặng kia, lên mấy từng gác, rồi mới đến một chỗ có người “thừa phái” cầm lấy vé, mở cửa chỉ cho vào, mũ gậy phải để ở ngoài cả. Vào đến nơi đã thấy người ngồi đông, trên mình, dưới mình, quanh mình rặt những người đến xem đông nghìn nghịt. Nhà nghị viện tựa như kiểu Nhà Hát Tây, nhưng rộng lắm. Chỗ sân khấu là chỗ các ông chánh phó nghị trưởng, chánh phó thư ký và những người có phần việc ngồi. Còn sàn giữa bày ghế vòng quanh là chỗ các ông nghị ngồi, có đâu hơn 600 ghế, ông nào đã có ghế nhất định; những người đến xem quen, người ta đã thuộc cả những chỗ ngồi, thấy chỉ trỏ: “Chỗ này là chỗ ông Daudet, chỗ kia là chỗ ông Cachin”, v.v. Ở giữa, vào hàng thứ nhất là dẫy ghế các quan Nội các, tức là các quan Thượng thư. Còn diễn đàn thì đặt ngay chính giữa, dưới chỗ ông nghị trưởng ngồi. Người xem thì ngồi các từng trên, vòng chung quanh như các “lô” Nhà hát. Nghe đâu có chia ra từng nào là từng khách của các quan Nội các, từng nào là từng khách của các ông nghị viên, lại khu nào là khu để riêng cho các sứ thần ngoại quốc, v.v… Coi cũng có cái vẻ nghiêm trang và uy vệ lắm. Chỗ này là chỗ bàn bạc những quốc sự của Đại Pháp đây. Một nước dân chủ thời Nghị viện tức là vua: cái chủ quyền nước Pháp là chung đúc ở chốn này, mà vận mệnh của nước Pháp cũng ký thác ở chốn này đây. Gặp những cơ hội quan trọng, thời sự chiến, sự hoà, việc quân cơ, việc quốc phòng là quyết định ở đây cả. Cái đêm ngày mồng 4 tháng 8 năm 1914, cả nghị viện đồng thanh quyết khai chiến với Đức, không biết cái cảnh tượng ở chốn này thế nào nhỉ?
Đúng 3 giờ thấy lính đầu rồng đứng hai bên cửa sân khấu, giơ gươm, hô: “Ngài nghị trưởng” (
M. le Président!), rồi ông nghị trưởng Raoul Péret đội mũ đi vào, bước lên thượng toạ. Bấy giờ các ông nghị ở các nơi mới kéo vào giải toạ cả. Các ông ngồi chật ních, không sót một chỗ nào. Nghe đâu những buổi thường thời không mấy khi nghị viên đến đông đủ, nhưng buổi nay có bàn về việc ngoại giao của chính phủ, quan Thủ tướng Poincaré phải đáp lại lời chất vấn của đảng phản đối, nên không ông nghị nào vắng mặt cả.
Quan Poincaré nói luôn trong 3 giờ đồng hồ, từ 3 giờ rưỡi đến 6 giờ rưỡi mới thôi. Trong khi nói, kẻ thì vỗ tay, kẻ thì huýt còi, chốn nghị trường thành một nơi rất náo nhiệt. Sau bỏ vé quyết nghị thì phần nhiều nghị viên biểu đồng tình với chính phủ…
Buổi tối cùng ông V. ăn cơm ở nhà quan nguyên soái P., mãi đến khuya mới về trọ. Quan nguyên soái và quý phu nhân người phúc đức lắm, con cháu đầy nhà; bữa tiệc rất vui vẻ.
XI. Thứ sáu, 2 tháng 6.1922 Hôm qua là tình cờ mà được gặp riêng quan Thượng thư. Hôm nay cả anh em phái viên Bắc kỳ rủ nhau công nhiên vào chào ngài, một là cái lễ phải thế, hai là cái tình đối với ngài là Toàn quyền cũ bên mình. Cũng phải chờ, không được vào ngay, vì quan Thượng thư còn dở tiếp khách, và trong buồng đợi cũng còn mấy người nữa đã đến trước mình. Đợi đến nửa giờ đồng hồ thì có người thừa phái ra mời vào quan Chánh văn phòng tiếp trước. Chuyện trò một lát rồi quan văn phòng đưa vào quan Thượng thư. Ngài tiếp ân cần vồn vã, hỏi chuyện từng người, rồi nói về cuộc Đấu xảo của Đông Pháp ta thật đã được thập phần hoàn hảo, ngài lấy làm bằng lòng lắm; sau hỏi đến anh em phái viên sang chơi bên Đại Pháp này như thế có lấy làm vui vẻ thoả thích không; chắc ai cũng đồng thanh trả lời rằng thực được vui thích, bấy lâu ao ước được xem cái cảnh tượng văn minh của quý quốc, nay được mục kích, thật là thoả lòng. Ngài khuyên nên đi du lịch quan sát cho nhiều, những nơi thắng cảnh thắng tích ở kinh đô và các vùng phụ cận nên dạo chơi cho khắp, và nếu lại có thể đi chơi được các tỉnh lớn khác nữa thì lại càng hay lắm. Ngài lại nói rằng hoặc có cần đến ngài giúp cho trong khi du lịch các nơi được tiện lợi thời ngài sẽ sẵn lòng. Anh em cũng cảm cái tấm lòng ân cần của ngài, nhưng nghĩ bụng rằng ở đất văn minh này có thú thật, nhưng đi mỗi bước là mất tiền, giá quan Thượng thư giúp ngay cho mỗi người dăm bảy nghìn quan để thêm vào phí du lịch thì hay biết dường nào! Song nghĩ lại một quan tiền tây bên này cũng trọng bằng đồng bạc bên ta, và quan Thượng thư tuy vậy chứ sử dụng đồng phật lăng của công khố Đại Pháp có lẽ không được ung dung bằng quan Toàn quyền sử dụng đồng hoa viên của công khố bên ta, nên biết rằng cái câu ước nguyện anh “keo” đó, chắc hẳn không đắt nào…
Lâu nay vẫn nghe tiếng xóm Bình khang ở đây có lắm thú lạ lùng, nhà nho định đi “khảo sát” một hôm xem thế nào. Không có lẽ sang đến Ba lê mà không biết cái phong vị ấy. Cơm tối rồi anh em bèn rủ nhau đi “Mông mạc”. Đi xe điện ngầm métro đến Place Pigalle, đây chính là giữa xóm ăn chơi đây. “Mông mạc” là gồm cả cái khu ở trong khoảng mấy đường
Pigalle, Blanche, Clichy, Rochechouart, Clignancourt, san sát những tửu lâu trà quán, đèn điện sáng choang, thật là một nơi “bất dạ thành
[8] ”; tuy không nghe thấy những tiếng
cắc! tòm! tòm! cắc! như ở Hàng Giấy hay Tân ấp Hà Nội ta, nhưng trong không khí văng vẳng những tiếng đàn tiếng hát, đủ biết là chỗ ăn chơi. Trong bấy nhiêu nhà, chửa biết vào nhà nào. Khách tỉnh xa mới về Hà Nội muốn đi hát một chầu đến Hàng Giấy hay Tân ấp chắc cũng bỡ ngỡ như thế. Chợt trông thấy hình cái cối xay đỏ sáng loè ở đàng xa, mới nhớ ra quán “Cối xay đỏ” là nơi có tiếng ở xóm này, có tiếng là chỗ chơi bời phóng túng mà lại có phong vị hào hoa, những tao nhân mặc khách cũng không nề đến đây ngâm thơ uống rượu. Nhưng nghe đâu quán này đã bị cháy từ năm 1916, có lẽ mới dựng lại. Anh em định vào đây. Đến nơi thấy những kẻ ra người vào tấp nập. Vào cửa phải mất tiền. Trong rộng như cái chợ, đèn thắp rực rỡ, bàn ghế la liệt, dưới sàn toàn rải thảm đỏ cả, mà trong không khí thời như đầy những sương mù, tức là khói thuốc lá vậy. Chỗ này uống rượu, chỗ kia đàn ca; thôi, thiếu gì là những “ả mày ngài” cùng với “khách làng chơi”. Nghe đâu các “tiên” ở đây nhũng lắm, nên anh em đã dặn nhau vào đến nơi cứ làm mặt “mán xá”, nói toàn tiếng An Nam, ấm ê như không biết câu tiếng tây nào, họ muốn cho mình là Ngô Lào gì mặc ý. Vừa kéo ghế ngồi, bảo hầu sáng dọn các thứ rượu ngọt như nước ngọt và nước đá, thời “tiên” ở đâu kéo đến từng lũ, thoáng mắt một cái bác nào bác ấy có đôi cả. Chào mời đón hỏi tươi cười, lũ “mán xá” cứ ngây ngô nhìn nhau, họ cũng tức cười. Họ tưởng mình là người Tàu hay người Nhật, họ nói tiếng Anh, mình lại càng ngẩn nữa. Bấy giờ một người mới bập bẹ làm thông ngôn, nói nhiều câu chuyện tầm phơ cũng lý thú. Rượu chuyện đã vãn, đêm cũng đã khuya, bác nào cao hứng thời theo “tiên”… lên mây; còn rủ nhau ra về cả, tính ra ngồi nói chuyện “chay” như thế mà mỗi người cũng mất năm sáu chục quan về tiền nước chanh, nước cam, nước đá, ấy là không ai nghiện “sâm banh” cả, chứ nếu lại đụng cốc chúc thọ nữa thì chửa biết đến mấy trăm quan.
Thôi, thế cũng là đủ, gọi là trải qua xem dạng cho biết cái mùi phồn hoa chốn danh đô một chút.
Xét ra xóm “Mông mạc” này ngày xưa có tiếng lắm. Kẻ thi nhân đến đây để trợ hứng, nhà họa giả đến đây để tìm kiểu. Bậc đạo đức chắc không dám bước chân đến, nhưng khách phong lưu thường không nề tới lui. Vì chỗ này cũng có một cái tinh thần riêng, tiêu biểu một cái trạng thái đặc biệt của chốn danh đô. Thành Paris không phải là chỉ ở những hội hàn lâm, trường đại học, thành Paris ở cả những nơi hoa liễu, xóm ăn chơi nữa. Người Paris dẫu khi chơi bời lơi lả cũng biết điểm thêm một cái vẻ phong thú khác người: những thi ca ngâm vịnh ở xóm Mông mạc này biết bao nhiêu mà kể, mà bài nào cũng có cái giọng “tự nhiên” như thơ Xuân Hương vậy. Ai bảo thơ Xuân Hương không phải là biểu hiệu một cái tinh thần riêng của người An Nam ta?… Nhưng nghe đâu tự mươi lăm năm nay, xóm Bình khang đây đã giảm giá đi nhiều. Bây giờ cũng thành chỗ ăn chơi như các nơi ăn chơi khác, không có cái tính cách đặc biệt gì nữa, nghĩa là thô bỉ không đủ nói vậy.
Trong sách
Les Curiosités de Paris của Henri Boutet, đoạn nói về Mông mạc có câu rằng: “Mông mạc bây giờ là Paris của khách ngoại quốc. Nếu tra tính danh quốc tịch của những người đến chơi chốn này, sẽ thấy phần nhiều người là người ngoại quốc, người các tỉnh, chứ không phải là người Paris… Chính người Paris có bước chân đến đây cũng phải rầu lòng mà tránh cho xa cái phong vị Paris hủ lạn
[9] này… (
Le vrai Parisien s évade mélancoliquement de ce parisianisme faisandé)” – Có lẽ bởi khách tạp các nước và khách tứ chiếng đến đây quần tập huyên náo quá, người Paris không đến nữa, nên chốn này mới mất cái phong vị cũ đi như thế.
Còn nhớ trước có đọc một bài
[10] kịch của Pierre Frondaie đề là
Montmartre diễn ở Paris năm 1910. Bài này là chuyện một chàng thiếu niên tài tử, có tính hào hiệp, phải lòng một ả Mông mạc, âu yếm rất mực. ả cũng thực tình với chàng và xem ra cũng là con người có thiên lương, chứ không phải cái căn tính xấu. Sau chàng làm nên, ra tay tế độ vớt người trầm luân, muốn lấy nàng làm vợ. Không ngờ nàng tuy bụng dạ khá thật, nhưng cái thói cũ trăng hoa không thể nào gột rửa cho hết. Ở với nhau ít lâu, rồi gia đình tan nát, sau phải quyết liệt
[11] nàng lại về xóm cũ như xưa. Tác giả kết luận rằng gái giang hồ không bao giờ làm vợ chính chuyên được, và cái hoa giữa đường dẫu có cúi xuống nhặt lên bao giờ cũng không khỏi lấm bụi. Lời kết luận ấy nói cho bên Tây, chứ tưởng nói về bên ta cũng đúng vậy.
*Thứ bảy, mồng 3 tháng 6
Buổi sớm đi dạo xem các hàng sách, mua được một mớ sách tốt lắm.
Những hàng sách có tiếng như
Hachette, Delagrave, Armand Colin, v.v…, ở bên mình tưởng tượng cho là những cửa hàng lớn, sách gì cũng có, khách đi lại đông như chợ. Sang đây mới biết phân biệt hiệu bán sách (
librairies) với hãng xuất bản (
maisons d éditions):
Armand Colin, Hachette, là những hãng xuất bản, chỉ bán buôn những sách của nhà mình xuất bản mà thôi, cho nên nhiều khi không bày cửa hàng, đi ngoài phố không có ý nhận thì không biết. Như ngày nào cũng đi qua đường
Saint Michel đến mấy lượt mà không trông thấy hàng
Armand Colin ở đâu; sau tra số nhà tìm đến tận nơi thì thấy bên ngoài cũng giống như các nhà khác, vào tận trong nhà mới biết là hàng sách. Những hãng này chỉ bán buôn cho các cửa hàng thôi, không bán lẻ cho khách. Muốn mua lẻ thì phải vào các hiệu bán sách. Những hiệu bán sách ở đây không phố nào là không có, mỗi ngày xem qua ngoài cửa hàng cũng thấy năm sáu chục quyển mới xuất bản, không kể các nhật báo và tạp chí. Mình có tính mê sách, trông thấy sách gì hay cũng muốn mua. Tháng trước ở Marseille cũng đã mua để đầy một hòm, phải gửi lại nhà trọ, không đem theo lên đây được, nay lại mua mãi để la liệt cả trong buồng thế này thì không biết lúc về làm thế nào đây?…
Chiều xem chớp bóng ở
Salle Marivaux, đường
Italiens. Đường này là một đường phố lớn, nhiều người đi lại, mà nhà chớp bóng này cũng là nơi lịch sự, nên khách đến xem coi ra những bậc sang trọng cả.
*Chủ nhật, mồng 4 tháng 6 Hôm nay đi Versailles.
Versailles cách Paris chừng 20 cây-lô-mét, muốn đi bằng xe lửa hay xe điện cũng được. Lượt đi định đi xe điện, lượt về đi xe lửa. Mãi 11 giờ mới đi, đến nơi vừa trưa, ăn cơm trưa ở đấy. Ngày chủ nhật này thiên hạ đi xem đông lắm, và chỉ có một buổi chiều không tài nào xem hết được. Vậy hôm nay hẵng gọi là thiệp liệp một lượt, rồi lần sau sẽ đi từ sáng sớm mà xem cho kỹ từng nơi từng sở một.
Versailles tuy là một tỉnh lị cũng khá lớn (6 vạn người), nhưng thiên hạ đến xem là chỉ xem cung vua Louis thứ 14 và vườn Ngự uyển, là hai nơi thắng tích đệ nhất của nước Pháp. Chính thể quân chủ trong thiên hạ, đến đời vua Louis thứ 14 là cực thịnh, cổ kim Đông Tây không có đâu, không bao giờ bằng; nay đã thành lịch sử rồi, còn di tích lại đó, là nơi hoàng cung và chốn ngự uyển này, kể cái công kinh doanh kiến trúc của người ta đến như thế là cực kỳ trang nghiêm tráng lệ vậy.
Xét ra cung
Versailles là tự vua Louis thứ 14 dựng ra, kiểu mẫu là do hai nhà kiến trúc Le Vau và Mansart. Vườn ngự uyển thì do Le Nôtre vẽ kiểu, công trình đào đắp phải dùng đến 3 vạn 6 nghìn người và 6 nghìn con ngựa, kinh phí xây cung và làm vườn tới một ngàn triệu
livres (tiền phật lăng ngày xưa). Hiện nay Nhà nước Pháp cũng phải tiêu mỗi năm tới 62 vạn quan làm tiền phí bảo tồn và tu bổ hoàng cung và ngự uyển. Vua Louis thứ 14 thiên triều đình và chính phủ ở Paris ra Versailles năm 1682. Bấy giờ Versailles thành nơi trung tâm chính trị của nước Pháp. Nhà vua được toàn thịnh và bắt đầu suy dần cũng từ đấy. Năm 1789, phong trào Cách mệnh nhóm lên, ngày mồng 5 tháng 5, Tam đẳng quốc dân họp đại hội đồng ở thành Versailles; ngày 20 tháng 6 những đại biểu của thứ dân họp ở trường đánh quần (
Jeu de Paume, ngày nay làm bảo tàng viện về đời Cách mệnh), thề rằng đặt hiến pháp được cho nước rồi mới giải tán. Ngày mồng 5 tháng 10, công chúng kéo nhau vào trong cung, bắt vua Louis thứ 16, hoàng hậu và các hoàng tử công chúa đem về Paris. Cung Versailles bỏ tự bấy giờ và chính thể quân chủ cũng suy tự bấy giờ.
Hồi thịnh thời, nghĩa là hồi vua Louis thứ 14 mới về ở, sách chép rằng cung sửa sang rộng có thể dung được hơn một vạn người. Mặt ngoảnh ra vườn dài tới 580 thước và trổ tới 400 cái cửa và cửa sổ. Đến hồi nhà vua suy, Dân quốc lập, thời cung suýt bị đem bán, sau bỏ hư hỏng mãi đến đời vua Louis Philippe. Từ năm 1833 đến năm 1837 vua mới tu bổ lại, đặt làm viện bảo tàng. Hồi trận Pháp Phổ, vua Guillaume thứ I nước Phổ đóng bản doanh ở đấy từ ngày 5 tháng 10 năm 1870 đến ngày 6 tháng 3 năm 1871, và làm lễ xưng hoàng đế nước Đức cũng ở đấy. Hồi Dân quân khởi loạn sau khi thua Đức (
la Commune), Lâm thời Chính phủ đóng ở đấy từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871, quốc hội họp hội đồng và bàn bạc ở trong “phòng hát bội” (
salle de l Opéra). Ngày 25 tháng 2 năm 1875, tuyên bố Dân quốc, mãi đến ngày 18 tháng 6 năm 1879 hai nghị viện mới quyết nghị thiên về Paris. Ngày nay cứ mỗi bảy năm bầu quan Giám quốc, hai nghị viện họp thành quốc hội ở Versailles để bầu. Tháng 5 năm 1919, sau cuộc thế giới đại chiến, đại biểu của các nước Đồng minh cùng với đại biểu nước Đức họp ở Versailles để nghị hoà. Hoà ước ký ở “Lầu trăm gương” (
Galerie des glaces) ngày 26 tháng 6.
Ấy lịch sử cung Versailles như thế. Trước khi vào xem phải mua một quyển chỉ nam về Versailles, trong kể tường tất cả. Xem như thế thì cung Versailles này trong khoảng ngót ba trăm năm thật đã có mật thiết quan hệ với quốc sử nước Pháp vậy. Xem một nơi cổ tích cũng phải biết qua lịch sử một chút thời mới có bổ ích. Không biết nhà làm sách nào đã nói rằng những chốn cung điện lăng tẩm của đế vương cùng những nơi đã xẩy ra các việc lớn trong lịch sử, đời đời có một cái khí vị riêng, như còn phảng phất cái tàn hồn của các thời đại đã qua vậy, khiến cho khách du quan không thể cầm lòng điếu cổ
[12] . Tôi còn nhớ năm trước xem các tôn lăng ở Huế đã cảm giác như thế, ngày nay đi thơ thẩn dưới bóng cây trong vườn ngự uyển này cũng thấy như vậy.
Xem
Versailles này phải đến hai ngày, suốt từ sáng đến chiều, mới gọi là hơi kỹ được. Hôm nay chỉ có mấy giờ đồng hồ, xem sao cho khắp? Vậy chỉ dạo chơi vườn ở chung quanh cung để xem các tượng phun nước (chỉ ngày chủ nhật mới mở máy), không dám đi xa ra ngoài lắm, sợ về không kịp. Xong rồi đi lần lượt xem các cung các sở qua loa cho biết đại thế, không chỗ nào dám đứng lâu. Trước xem cung
Versailles, trong có hai cái lầu: một cái gọi là “lầu trăm gương” (
Galerie des glaces), trông ra vườn ngự uyển, dài 72 thước, rộng 10 thước rưỡi, cao 19 thước, hai bên toàn những gương đứng cao bằng một đầu một với, nạm bằng đồng sáng choang cả, còn tường và trần thì toàn những tay danh họa đời xưa vẽ những bức chiến đồ (phần nhiều là của nhà hội họa Lebrun), đứng trên lầu này mà nhìn ra ngoài vườn, thu quát được cả cái đại thế, thật không cảnh gì trang nghiêm bằng; một cái gọi là “lầu trăm trận” (
Galerie des batailles), cái này là sửa lại sau (năm 1836), chứ không phải có tự đời vua Louis thứ 14, kiểu cách và trang sức không được đẹp bằng cái trên, nhưng dài và rộng lắm (120 thước và 13 thước), hai bên treo toàn những bức họa về các trận của nước Pháp từ xưa đến nay, và bày tượng các bậc danh tướng, kể có mấy trăm bức và mấy trăm pho. Lại xem những phòng ngủ của vua Louis thứ 14, phòng hội đồng, v.v… ở trong cung chính. Còn những cung nhỏ như Grand Trianon, Petit Trianon, thì chỉ xem bên ngoài, không kịp vào. Sau cùng xem đến “kho xe” (
musée des voitures) là một sở bảo tàng những xe cộ của các đời vua.
Mãi 6 giờ chiều đóng cửa mới ra về. Đi xe lửa về Paris, trong xe chật những khách đi xem ngày chủ nhật. Lúc nãy ở trong vườn rộng, không biết số người xem đông đến thế.
Cơm tối rồi đi xem hát ở rạp hát
Théâtre des Capucines, đường
Capucines. Tối hôm nay diễn bài hài kịch:
Ce qu on dit aux femmes (Nói chuyện gì với các bà) của Tristan Bernard, chuyện hoạt kê, buồn cười lắm. Lối kịch của Tristan Bernard là lối có cái “Paris phong vị” hơn cả (
très parisien). Thế nào là cái “Paris phong vị”? Cũng khó mà giải cho được. “Paris phong vị” là cái phong vị hào hoa, thanh lịch, phong nhã, tài tình, có cái dư vị hoạt kê, có cái tinh thần trào phúng, nhẹ nhàng họat bát, phóng túng tự do, tựa hồ như sỗ sàng mà lịch sự; tựa hồ như dâm đãng mà vẫn kín đáo; nói tóm lại là một cái phong vị đặc biệt, duy ở Paris mới có, mà không phải ở khắp cả Paris, chỉ ở một cái xã hội riêng của Paris mà thôi. Xã hội này là xã hội những bọn “tài tử” về văn chương mỹ thuật, những tay ăn chơi lịch sự, những bậc phu nhân phú quý mà có cái tính hiếu kỳ. Cái đặc tính của xã hội ấy là cái trí dĩnh ngộ: các tài tử giai nhân này là những người đã văn minh lọc lõi lắm rồi, sành sỏi sự đời lắm rồi, không còn có kém cái cạnh cái khoé gì nữa, lấy trò đời làm một cuộc mua vui, nhưng chuyện đời lâu rồi cũng không có cái thú gì mới lạ nữa, nên phải bày đặt ra những chuyện oái oăm rắc rối để làm cái món khiển hứng tiêu sầu. Cho nên phần nhiều những tiểu thuyết kịch bản gọi là có cái “phong vị Paris" ấy, toàn là những chuyện như thế cả. Người không quen, không tinh, hay là có tính thật thà, thời đọc những sách ấy, xem những kịch ấy, không khỏi có hại. Người biết ra thời cũng có một cái phong thú đặc biệt vậy.
Bài kịch như bài này mà nói ra tiếng ta, dịch cho người mình nghe, thì ít ai hiểu được. Cái tinh thần nó có từng tiếng, từng chữ, từng câu lộng ngữ, từng cách đối đáp, từng chỗ nói ngầm nói bóng, nói xa nói xôi, thật là “ý tại ngôn ngoại”, nói một nửa để cho người ta đoán ra một nửa, nếu cố cắt nghĩa cho ra thì thật không có nghĩa gì. Văn chương này mà muốn dịch ra tiếng ta thì đành chịu thôi. Vả ta cũng chưa cần đến cái lối văn “yêu quái” ấy vội. Nếu trình độ chưa tới mà đã vội thâu thái những cái món thượng phẩm văn minh đó thì có hại chứ không có lợi. Người nào biết thưởng thức hẵng cứ nên thưởng thức một mình, không nên mong truyền bá ra làm gì. Có muốn truyền bá, còn lắm cái cần hơn nhiều.
*Thứ hai, mồng 5 tháng 6.1922 Ở Paris có một cái cảnh lạ, là cảnh các hàng bán sách cũ ở bờ sông Seine. Trong Anatole France đã có tả cái cảnh ấy một cách rất lý thú, vì cụ thân sinh ra tiên sinh khi xưa có làm nghề bán sách ấy. Nói hàng sách chớ tưởng là những cửa hàng lồng mặt kính, thắp đèn điện đâu. Số là trên bờ sông Seine có xây dẫy tường thâm thấp như dẫy bao lơn. Về bên tả ngạn sông, suốt một dọc chạy dài từ cầu Saint Michel cho đến Cộng hoà trường (
la Concorde), những người buôn sách cũ bày la liệt những sách cùng tranh vào trong những cái tủ dèm dẹp như hình cái hòm hay cái tráp đóng liền ở trên bao lơn, sáng mở ra, tối lại khoá lại. Sách bán đây toàn là sách cổ hoặc sách cũ cả, khác nào như ở ngõ Hàng Quạt Hà Nội ta mấy năm xưa. Người mua là những học trò, những ông lão nho, ông đồ cổ, những người ham mê các đồ thư cổ bản. Ở đời tàu bay ôtô này mà trông thấy giữa nơi đô thành phồn hoa náo nhiệt những ông cụ già giương nhỡn kính lên đứng hàng giờ dở những chồng sách cũ kỹ rách nát, lấy làm khoái lạc đến quên cả ngày giờ không muốn dứt ra đi nữa, đó là một cái cảnh rất nên thơ cho con nhà hiếu cổ. Chắc lấy con mắt vô tình của người nông nổi mà xem thời những chồng sách rách nát ấy không phải là một cái vẻ mĩ lệ gì cho chốn danh đô và không khỏi làm bề bộn phố phường. Nên nghe đâu hội đồng thành phố Paris có hồi đã bàn nên cấm không cho hàng sách bày ở bờ sông nữa, bắt phải đem ra ngoại ô. Nhưng bấy giờ những nhà hiếu cổ, muốn bảo tồn lấy một cái cảnh tượng của Paris cổ thời, hết sức phản đối, nên lời bàn ấy thôi không thi hành nữa. Ngày nay khách du quan đến Paris, muốn nghỉ cái cảnh huyên náo những nơi đường phố đông người, đi dạo qua dẫy bờ sông này mà xem mớ sách cũ, cũng có một cái thú đặc biệt vậy
[13] .
Cả buổi sáng sớm hôm nay mình thơ thẩn ở chỗ này, đi hết dẫy sách ấy sang dẫy sách khác, đồng hồ đã điểm mười hai giờ mới sực nhớ đi ăn cơm. Mua được mấy quyển hay, có một quyển đề là
La Guerre du Tonkin (Trận Bắc kỳ), đã rách nát mất cả bìa, không biết của ai làm, sách thuật tường về việc nước Pháp can thiệp sang Bắc kỳ ta, đánh với quân nhà vua ta và quân Cờ Đen, trong có hình vẽ nhiều lắm, như hình Đức Dực Tôn (vua Tự Đức), hình quan Phụ chính Nguyễn Hữu Độ, v.v…, xem ra thì có lẽ là sách của một viên quan võ Pháp nào đã tòng quân về trận Bắc kỳ.
Tối đi xem nhà hát
Folies Bergère, ở đường
Richer. Nhà này là thuộc về hạng
music halls (nhạc quán), có tiếng lắm, người ngoại quốc đến xem rất đông. Có ca nhạc, nhảy múa, trò vè và bày cảnh rất là trang hoàng. Trong nhà chia ra từng khu một, mỗi khu một trò, vào cửa mất tiền, rồi xem trò gì lại mất tiền riêng về trò ấy. Người xem trò cũng đông mà người vào chơi để kiếm chuyện trăng hoa lại nhiều hơn, vì ở đây cũng không khác gì như ở Mông mạc vậy. Cũng những ả mày ngài, cũng những khách làng chơi, và cũng một cái không khí khói thuốc lá như vậy. Trò thời ngoài những cuộc đờn ca, là những trò khoả thân khiêu vũ, các hoạt kịch chia ra từng cảnh, v.v… Tối hôm nay diễn bản hoạt kịch đề là
Folies sur folies (Hết cái cuồng ấy đến cái cuồng khác) của Louis Marchand, có hai hồi, 40 cảnh, bản này dài lắm, nhưng chỉ diễn có một mục về
Les Folies du jour (Những cái cuồng hiện đương lưu hành), là: cái cuồng để cổ trần (
la folies des décolletés), cái cuồng thể thao (
la folies des sports), cái cuồng đeo trân châu (
la folies des perles), cái cuồng khiêu vũ (
la folies des danses), mỗi cảnh đến mấy chục con trai con gái tuyệt đẹp ra nhẩy múa, thật là choáng mắt. Lại diễn một bản hoạt kịch nữa ngắn hơn, đề là “Các cách hôn nhau”: cái hôn vô tình, cái hôn của vợ chồng, cái hôn của mẹ con, cái hôn của gái kỹ nữ, cái hôn phong tình, cái hôn dâm dục, cái hôn vũ phu, cái hôn ma quái; toàn bày cảnh hoạt động, không có lời nói. Đại khái những trò này là chỉ chủ ý làm cho người xem vui mắt, choáng mắt, chứ không có thú vị văn chương gì, không hiểu tiếng Pháp cũng xem được, nên người ngoại quốc đến đông lắm. Song vui thì vui thật, choáng thì choáng thật, mà nó vẫn có cái khí vị tục tằn, không thú gì.
*Thứ ba, mồng 6 tháng 6 Các ông phái viên Nam kỳ mới đến Paris, hẹn cùng với phái viên Bắc Kỳ sáng hôm nay vào chào quan Thượng thư. Bọn mình đã đi rồi, nhưng các ông ấy rủ lại đi nữa cũng bất phương
[14] . Tính các ông hay trọng sự thể, như đi chào quan Thượng thư thời phải đi cùng một quan cai trị Tây, tựa hồ như phải có người bề trên dắt tay chỉ đường thời mới yên tâm. Nghe nói các ngài trong Nam - Trung hay có khí khái, nhưng xét cách các ngài đây cử động thời không thấy lộ cái tính ấy chút nào cả.
Buổi tối cùng các ông phái viên Nam kỳ đi xem hát ở Odéon, diễn bài
Le Songe d une nuit d été (Giấc mộng một đêm mùa hè) của Shakespeare dịch ra tiếng Pháp. Diễn khéo, cảnh đẹp. Rạp
Odéon này là rạp hát của Nhà nước cũng như rạp
Comédie Française, mở từ năm 1782, trong rộng lắm, ngồi được một nghìn ba trăm người, ngoài làm theo kiểu đền Hi Lạp, có hành lang và cửa cuốn chung quanh. Dải hành lang này có các hàng sách bán, nhất là hiệu
Flammarion. Mặt trước, bên ngoài có tượng Emile Augier là một nhà soạn kịch trứ danh về cận đại, bên trong có tượng Molière lúc lâm chung của Allouard chạm, có tiếng là pho tượng đẹp.
[1]talawas: Trong tác phẩm đã in, chúng tôi không thấy có phần IX, chưa rõ là do đây là phần không được sử dụng đến trong bản in lần này hay do có sự nhầm lẫn hoặc sơ suất nào đó.
[2]Bày đặt.
[3]Sau đó.
[4]Chỉ sự đồng điệu trong tâm hồn, nó được hình thành một cách tự nhiên.
[5]Chơi cái mới.
[6]Cổ hủ, không kịp thời.
[7]Chiếu phim.
[8]Khu thành không có đêm.
[9]Mục nát, ôi thiu.
[10]Vở (kịch).
[11]Nghĩa cổ: chia xẻ hẳn ra.
[12]Cảm việc quá khứ.
[13]Bỏ một chú thích bằng tiếng Pháp trong đó trích ra một đoạn văn nói về các cửa hàng sách cũ.
[14]Có thể chấp nhận, không phản đối.