Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Pháp du hành trình nhật ký

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13177 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Pháp du hành trình nhật ký
Phạm Quỳnh

Phần 4
V.
Marseille, thứ bảy, 6.5.1922
Chiều hôm nay quan Giám quốc Millerand đi kinh lược ở Bắc Phi châu về, đến Marseille, dân thành Marseille đón long trọng lắm. Người ta thường nói nước Pháp là nước dân chủ mà vẫn còn cái nghi vệ di truyền tự đời quân chủ, thật thế! Cứ xem cách nghênh tiếp ông quốc trưởng như nghênh tiếp một ông vua thì đủ biết. Song xét ra chỉ có cái nghi vệ trang nghiêm để cho tráng quan chiêm [1] và trọng sự thể mà thôi, chớ trong dân gian không có cái lòng sùng bái ông quốc trưởng như người Đông phương ta mê tín ông vua vậy. Tối hôm nay các phố phường trưng đèn đẹp lắm, trưng để đón mừng ông Giám quốc thì ít mà nhân tiện để cáo bạch chiêu hàng thì nhiều. Các tòa, các sở, các nhà buôn được nghỉ cả, nên người đi chơi đi xem đông lắm. Mình cũng đi lẫn với bọn họ xem cái thái độ họ thế nào và họ bình phẩm làm sao. Phần nhiều người thời cũng có cái tính háo hức như người mình, thấy người ta đi xem cũng đi, mà vị tất đã xem thấy gì, chẳng qua là “người xem người” mà thôi. Mà xem thấy nữa, thì bất quá thấy một ông mũ cao áo dài, ngồi xe tứ mã, cũng không có gì lạ hơn. Thế mà nhiều người nô nức, chen nhau cho cố xem lấy được. Cho hay cái tính “ngơ ngáo” (tiếng Tây gọi là badaud [2] ) thật là một cái thông tính của kẻ bình dân, nước nào cũng vậy. Như bên mình, mà bên này cũng thế, có đám đánh nhau, đám to tiếng, bao nhiêu đàn ông, đàn bà, trẻ con, người lớn, chạy lại đông như kiến cỏ; để làm gì? để xem; xem cái gì? nhiều khi không biết! Đám đánh lộn còn vậy, huống chi là quan Giám quốc. Nghe những người đi xem họ nghị luận với nhau mới biết rằng tuy có nô nức hiếu kỳ như thế mà người ta không có cái lòng sùng bái kẻ quan quyền như người mình. Thường nghe thấy người nói: “Quan Giám quốc là gì? Quan Giám quốc cũng là người như mình, cũng là một kẻ công dân như mình, chớ gì?”.
Quan Giám quốc đi đến đâu, có quân đội và cảnh binh hộ vệ đến đấy, để phòng sự bất kỳ, vì người bên này họ tự do lắm, không biết sự xẩy ra thế nào. Vả quan Giám quốc chẳng qua là người một đảng, dẫu đảng ấy số nhiều mà đắc thế, còn đảng khác số ít mà thất thế, ở một nước tự do bình đẳng, sự đảng tranh nhiều khi kịch liệt lắm. Không những ông Giám quốc cần phải phòng bị cẩn mật, mà ông thủ tướng, ông thượng thư, cùng các yếu nhân trong chính giới, quân giới, v.v... đều như thế cả. Ở các xã hội Tây phương, sự mạo hiểm cũng như sự hoạt động, là cái tư cách người ta ai cũng phải có.

*

Chủ nhật, 7.5.1922
Bốn giờ chiều hôm nay quan Giám quốc vào trường Đấu xảo xem. Bọn mình cũng phải mặc áo đẹp ra đóng vai mất ít lâu; nhưng không khó nhọc gì, chỉ phải đứng dưới thềm trước cái sân lớn sở Angkor, khi quan đến thời cúi đầu chào, thế mà thôi.
Quan Giám quốc đi cùng với quan Thượng thư Sarraut. Khi đến trước bọn mình thời quan Thượng thư giới thiệu: “Đây là các thân hào Việt Nam”, quan Giám quốc bắt tay vài ba người, bọn mình cúi chào, rồi các quan tiến lên, bọn mình lui về, thế là xong chuyện. Nhưng khi về nước nhà, thuật lại với bà con, cũng được cái hãnh diện rằng đã được bắt tay quan Giám quốc!
Chín giờ tối, trong trường Đấu xảo làm hội đêm để mừng quan Giám quốc. Trưng đèn điện thật nhiều, rất là rực rỡ. Người đến xem có tới mấy vạn con người, trường Đấu xảo đã rộng như thế mà chỗ nào cũng đông nghìn nghịt.
Hội mở ở trước sở Angkor; hai bên bắc đèn chiếu thật mạnh, chiếu sáng vào nơi sở chính, lộng lẫy như một cái cung thủy tinh. Chung quanh những cây cao bóng tối, đèn điện lấp lánh như sao điểm, người xem chật ních như nêm cối, tiếng người nói, tiếng kèn thổi, ồn ào rộn rịp, giữa đột lên một đám sáng rực như thế, thật cũng là một cảnh li kỳ, như cái cung điện trong mộng đem đến giữa chốn phồn hoa vậy.
Trên cái sân lớn, hai bên có đặt ghế cho người xem ngồi, chỉ người nào có giấy mời riêng mới được vào. Đúng 9 giờ, xong tiệc ở trong “Sở máy”, quan Giám quốc, các quan văn võ cùng các khách mời đến giải tọa ở đấy. Đèn chiếu mở sáng thêm, cảnh tượng lại rực rỡ hơn. Sân cao hơn mặt đất, đứng trên trông xuống, cực mục như một cái bể người, nhấp nhô như những làn sóng.
Được một lát, thấy im phăng phắc, lặng như tờ, như ai nấy đều ngưng thần chú ý để đợi một sự gì lạ, mà sự lạ ấy sẽ ở đâu trong đám tối sau cái cung thủy tinh kia mà ra. ĐÃ nhận phàm cảnh gì xuất hiện ban đêm cũng có cái vẻ li kỳ huyền bí; dẫu cảnh rất tầm thường cũng vậy. Không trách đời cổ sơ cho đêm là cái đại bí mật, là cái phần thời gian thuộc về những giống khác giống người, những giống lị vị võng lưỡng [3] gì, cho nên sự gì xẩy ra ban đêm cũng khiến cho người ta rùng mình chột dạ. Như tiếng gió thổi trên ngọn cây, tiếng sếu kêu giữa khoảng trời, ban ngày mấy ai để tai nghe, để ý nhận, mà đêm đến thời thành những tiếng phong thanh hạc lệ [4] , làm cho người ta lạnh lẽo trong lòng…
Chợt nghe thấy một hồi quân nhạc, rồi đến thứ kèn thổi giục, nghe thật lạ tai, không biết là hiệu kèn gì. Hỏi ra mới biết là kèn Ả-rập. Ai ai cũng ngóng trông về phía tiếng kèn, mà chưa thấy gì cả. Bấy giờ lại lặng lẽ hơn lúc trước nữa. Được một lát thời mới thấy những đèn những đuốc tự đàng xa ngổn ngang kéo lại, đi tự dưới chân sở Angkor mà tiến lên, trước còn mập mờ chưa nhận rõ là gì, sau lên đến trên sân, trước ánh đèn chiếu, mới biết là một đám rước kiểu mới. Có lẽ người đứng đàng xa, tận bên dưới mà trông, còn đẹp hơn nhiều. Đám rước này là rước các thuộc địa diễn chào trước mặt quan Giám quốc. Nào là da đen, da vàng, hung hung, nhuôm nhuôm, đủ các sắc người, đủ các giống người, người Arabes, người Marocains, người Malgaches, người Sénégalais, người Annamites mình đi sau cùng cả, giống nào có cái trò gì lạ thì phô ra hết. Trông thật cũng vui mắt, và vào địa vị người quí quốc, vào địa vị quan Giám quốc ngồi chủ cuộc diễn kịch này, tưởng ngoài cái cảnh vui con mắt, lại còn có một cái tư tưởng rất tự hào ở trong lòng, tự hào mình là một cường quốc, dưới chân biết bao nhiêu dân tộc phải thần phục. Nhưng vào cái địa vị mình đứng đấy thời cái quan cảm nó phiền phức lắm, khó nói ra được. Trong người các giống kia trẩy trước mắt, quên đi cũng lấy làm vui, nhưng gần đến lượt người giống mình, thời trong lòng như có ý nơm nớp sợ… sợ không biết người mình sẽ bày cái trò gì cho người quí quốc xem, mà sợ nhất là trông thấy những ông mặc áo rộng vái huyên thiên, thì đến chết mất! Bấy giờ trống ngực đánh thòm thòm, như nghẹn đến cổ. May sao! Đến lượt người mình thời chỉ có rước một cái kiệu thần không, với mấy cái tàn quạt và trống chiêng, còn theo sau thời có… phường hát bội của ông Lương Khắc Ninh!...

*

Thứ hai, mồng 8 tháng 5, 1922
Gặp ông K., cùng với bà vợ mới ở Montpellier lại.
Ông là người Nam kỳ, sang học luật khoa ở bên này, lại có đem cả bà theo. Người có tư tưởng lắm, tôi quen biết từ năm xưa, hồi về chơi Nam kỳ hơn một tháng. Trong anh em cho ông là người có chí. Bà lần này tôi mới biết, coi cũng ra người thông tuệ. Cùng ông bà ăn cơm An Nam ở “Pháp-Việt phạn điếm” trong trường Đấu xảo, nói chuyện giờ lâu. Trong bọn đồng bào mình ở bên này, ít gặp ai có thể nói chuyện được như với ông, vì ông cũng có cái tư tưởng về việc đời vậy. Không những ít gặp người đồng chí, mà trong bọn nghe đâu lại có mấy kẻ rất khả ố, là cái giống trành [5] . Thật nhiều khi riêng giận một mình mà không thể không than rằng người Việt Nam mình hèn thật: chỗ nào có đến mười người An Nam là ở trong có một người thuộc về cái giống đê mạt ấy. Nhưng họ làm cái nghề ấy, mà thường dốt nát, có biết gì đâu.

*

Thứ ba, mồng 9.5.1922
Mình ở Marseille đã lâu rồi, nóng ruột muốn lên Paris. Sau cuộc nghênh tiếp quan Giám quốc, định lên ngay, nhưng nghe nói có quan Toàn quyền Long ở bên Đông Dương sắp sang, nên đình lại mấy ngày nữa, đợi cùng anh em đón ngài rồi mới đi. Nhưng ở Marseille đã thấy chán rồi. Người ở đây những kẻ trí thức xem ra ít, phần nhiều là những hạng doanh nghiệp cả, ít quen biết được người hay. Còn cái xã hội An Nam mình ở trong Đấu xảo, kể số người cũng khá đông, nhưng mà bác tạp lắm, vả tính cách cũng như bên mình, cũng những cách vận động, cũng những lối úp mở như thế, dẫu đi xa, vẫn giữ cố thái [6] ; giao du thật không có thú gì.
Hôm nay đi chơi Château d If, là một cái thành cổ, ở trên cái đảo nhỏ, ngoài bể, cách Marseille mấy dặm. Ra bến Canebière đã có sà-lúp sẵn, chạy chừng nửa giờ thời đến nơi. Ra đến bể, trông vào trong bến lố nhố những thuyền tàu, trong phố chồng chất những nhà cửa, thật là vui mắt.
Tra trong sách, đảo If này có 290 thước dài, 168 thước ngang, và 850 thước quanh. Tàu đỗ trước một con đường nhỏ sẻ vào trong đá. Đường gồ ghề khúc khuỷu, trèo lên thời tới thành, đấy có mấy cái nhà trước dùng làm trại lính, sở pháo binh và kho thuốc đạn; bây giờ có một hàng cơm cho khách du lịch nghỉ ngơi ăn uống.
Lạ nhất là cái lâu thành (le donjon), ngoài có một cái cầu cất (pont-levis), có khắc chữ năm 1592, là năm dựng ra thành này. Trông địa thế thời hình vuông, nhưng bốn góc có bốn cái tháp tròn, ba cái bằng nhau, còn một cái về phía tây vừa cao vừa tròn hơn.
Thành này dựng ra chủ ý để dùng làm ngục giam của Nhà nước; khác nào như thành Bastille (Tàu dịch là Ba-ti-đích) ở phương Nam vậy. Chính tay vua François thứ I đặt viên đá thứ nhất ngày 20 tháng 12 năm 1524, dưới viên đá ấy có đặt một lọ dầu, một lọ rượu và một hộp sắt đựng lúa mì và một mảnh da đề ngày tháng khởi công. Năm ấy vua François thứ I ngự du Nam phương để cám ơn dân Marseille đã có công giúp đánh được kẻ thù của vua là quận công Bourbon. Dân mở hội mừng vua, đặt ra một cuộc hải chiến, giả lấy quả cam làm đạn ném; vua chơi đùa vui vẻ lắm, sau về Paris vẫn còn nhớ buổi hôm ấy, trong sử còn ghi chép.
Ngày nay thành If không còn dùng gì về việc quân phòng nữa, thiên hạ ai ai muốn vào xem cũng được, ngày thường phải một quan, chủ nhật và ngày lễ 0f.25. Có người lĩnh trưng phát vé thu tiền ở đấy, mỗi năm phải nộp vào công quĩ Nhà nước 30.075 quan, như thế thì hơn bù kém số người đến xem mỗi năm trung bình cũng được từ 5 đến 6 vạn người.
Ở trong lâu thành coi cũng buồn rứt như các nhà ngục khác; ở giữa có một cái sân vuông cũng khá rộng, chung quanh có 14 cái ngục tối, bây giờ mở rộng ra hơi có chút khí trời và ánh sáng, chớ xưa kia thời có lẽ không khác gì cái hầm chôn người sống vậy.
Năm cái ngục ở từng dưới, vào xem đấy trước. Có hai cái tương truyền là Edmond Dantès và cố Faria trong bộ tiểu thuyết trứ danh đề là Bá tước Monte Cristo của ông Alexandre Dumas, bị giam ở đấy, một người 14 năm, một người 18 năm.
Cứ xem tường dầy như thế, ngục sâu như thế, thời biết những người phải giam ở đấy khổ biết chừng nào! Những người nào đã đọc bộ tiểu thuyết của ông Dumas rồi mà đến xem đấy, thật không khỏi rùng mình.
Người ta có kể chuyện chính ông Dumas một hôm cao hứng muốn đi xem lại mấy cái ngục ông đã tả trong bộ tiểu thuyết. Bấy giờ coi ở đấy và dẫn khách đi xem có một lão già tên là lão Grosson. LÃo đưa ông đi xem khắp các ngục, đến cái ngục cố Faria, lão chỉ cho ông xem cái lỗ hổng của cố đục qua tường bằng một cái xương cá để thông với ngục Bá tước, thuật y như lời trong tiểu thuyết của ông, rồi nói rằng: “Ông cứ về mua lấy bộ tiểu thuyết của ông Dumas mà xem thì biết hết chuyện.” - Ông Dumas bèn nói: - Chà! Ông Dumas ấy giỏi nhỉ! Thế lão có biết ông không? - Có, tôi biết lắm, ông là bạn thân của tôi. - Ông Dumas nắm lấy tay lão, đưa cho hai đồng tiền vàng, cười mà rằng: - Thế thì ông ấy cám ơn lão nhé! - Lão ngẩn người ra, không hiểu ra làm sao.
Ở cửa ra, về bên tay trái, có một quyển sổ để cho khách du lịch ai muốn biên gì làm kỷ niệm thì biên. Xem những lời biên trong ấy, nhiều câu lạ lắm. Có một câu như sau này của ông nghị viên Clovis Hughes biên ngày mồng 4 tháng 9 năm 1894, tưởng đủ diễn được cái cảm giác chung của khách du lịch đến xem đây; lời rằng:
“Thành này từ xưa đến giờ vẫn dùng làm chốn lao lung cho quyền áp chế. Ước gì về sau này chỉ trông thấy cái cảnh tượng lòng bác ái chứa chan trong thiên hạ, cũng như ánh mặt trời chói lọi mặt bể khơi!”.
Ai đến xem đây, khi trở về chắc trong lòng cũng ước ao như vậy.

*

Thứ tư, mồng 10 tháng 5, 1922
Ăn cơm trưa ở nhà quan cai trị X… Quan ở bên Đông Dương là một tay hách dịch có tiếng, nay hạ cố mời chúng mình thế này cũng đã là nhũn lắm. Nhưng cái không khí đây không giống cái không khí bên mình, đây là thuộc về ôn đới, nên cũng mát mẻ dễ chịu hơn ở nhiệt đới nhiều.
Quan đây có tiếng là người thâm lắm, nhất là đối với bọn quan lại ta. Thấy nhiều ông quan người mình nhu nhược và đê tiện quá, ông cũng tức thay, và thường làm lắm cái thủ đoạn “chơi khăm”, kể cũng “điếng” cho bọn kia, mà bọn kia vẫn không hiểu, vẫn không biết phấn chấn tự cường lên chút nào.
Người Tây thường có tính “hiếu thắng”, nghĩa là mạnh bạo tự cường, muốn cho kẻ khác đối đãi với mình cũng có cái tính ấy; nhưng người Việt Nam ta đối lại, - nhất là trong bọn quan liêu, - thời lại nhu nhược rút rát quá, nói không dám nói lời thẳng, đứng không dám trông ngay mặt, tựa hồ như kính sợ mà kỳ thực là siểm mị [7] một cách đê tiện; người ngoài người ta trông thấy vô nhân cách như thế cũng phải tức thay, tức mà sinh ghét, ghét mà muốn nhục đãi cho xấu hổ để chừa đi, nhưng không biết rằng những kẻ ấy nhiều khi không còn biết xấu hổ là gì vậy.
Nói ra thời mất lòng người mình, nhưng tưởng trong xã hội ta có nhiều thứ người đãi đến thế nào cũng đáng.

*

Thứ năm, 11 tháng 5, 1922
Sáng sớm hôm nay, 6 giờ 30, tàu Amboise ở Đông Dương sang vừa đến bến. Quan Toàn quyền Long và quan chánh Văn phòng Châtel đi chuyến tàu này. Vậy cùng anh em dậy sớm ra bến Pinède đón. Lên tàu chào các ngài, các ngài tiếp chuyện ân cần vui vẻ. Quan Toàn quyền nói ngài chỉ ở Marseille vài bữa, rồi lên Paris ngay để thương thuyết với quan Thuộc địa Thượng thư nhiều việc.
Đón quan Toàn quyền rồi, về trọ sửa soạn hành lý để sớm ngày thứ bảy đi Paris. Trong bọn phái viên có ba ông cùng đi với mình. Mấy người bàn nếu đi thẳng lên Paris luôn một ngày thì nhọc lắm, và không được xem thành phố Lyon, là nơi đô hội thứ nhì của nước Pháp, vậy định hẵng đi từ Marseille lên Lyon, ở đấy mấy bữa, rồi sẽ lên Paris.
Về phần riêng mình thì từ hôm tới Marseille đến giờ nhận được mấy cái giấy ở Paris giục lên diễn thuyết, vậy thể nào cuối tháng này cũng phải có ở Paris, và nếu ở chơi Lyon cũng không thể ở lâu được. Nói đến diễn thuyết, lại càng sốt ruột quá. Mình đã chọn mấy cái đầu bài, định soạn trước từ hôm mới đến đây, vậy mà đã một tháng nay chưa viết được dòng nào cả! Song sang bên này, sao mà thấy thì giờ nó mau thế: ngày nào cũng đi ăn hai bữa, dạo chơi mấy vòng, thế là tối ngày. Tối đến cũng phải tiêu dao phố phường, cho nó biết cái phong vị bên Tây, thành ra không có mấy thì giờ mà nghĩ mà viết cả. Nhưng mình sang đây là để quan sát, phải đi đây đi đó, xem thấy cho nhiều, nếu đến đây mà cũng đóng cửa buồng ngồi làm văn như ở nhà thì còn có ích lợi gì. Thôi, diễn thuyết mặc diễn thuyết bao giờ đến kỳ sẽ hay.

*

Thứ sáu, 12 tháng 5 1922
11 giờ sáng hôm nay, quan Toàn quyền Long vào xem Đấu xảo. Bọn phái viên ta cũng phải vào đón ngài ở trước sân đình trong phố Hà Nội.
Thôi, lần nghênh tiếp này có lẽ là lần cuối cùng, vì sớm mai mình sẽ dời thành Marseille mà lên Paris, đoạn tuyệt quan hệ với sở Đấu xảo vậy. Mình ở Đấu xảo trong bấy lâu, cũng đã cùng anh em “đấu xảo” được nhiều lần rồi, và có lẽ hình ảnh mấy bác “thân hào Việt Nam” ta cũng đã thu trong kính ảnh, in vào “phim” bóng rồi, một ngày kia sẽ được truyền đi khắp các nước. Bao giờ ảnh chúng mình đem ra chớp bóng ở mấy rạp bóng Hà Nội hay Sài Gòn, cho bà con nước nhà xem, biết mình đi Tây có công cán như thế, bấy giờ mới thật là vẻ vang!
Buổi chiều đi từ biệt mọi người để sáng mai đi sớm.

VI.
Thứ bảy 13 tháng 5 năm 1922 (ở khách sạn Terminus, Lyon)
Sáng hôm nay dậy sớm để đi chuyến xe lửa 8 giờ 30 lên Lyon. Tối hôm qua đã thức khuya sửa soạn hành lý. Hồi ở nhà đi đem một cái hòm (cái rương) lớn đựng quần áo với một cái vali to đựng đồ vặt. Khi lên tàu xuống tàu mới biết rằng lịch kịch bất tiện quá: đi xa không nên đem hòm lớn, nếu có nhiều đồ thời để san ra làm mấy cái vali tiện hơn. Vả cũng không nên đem nhiều đồ quá. Ai cũng tưởng rằng đi xa phải phòng bị cho đủ thứ, nhất là đồ ăn mặc; nhưng mà giá đi những phương xa lạ đâu đâu, chắc rằng không có đủ những thức mình cần dùng, thời phòng bị như thế là phải; chứ đi sang Tây thời cần gì? Chỉ sợ không có nhiều tiền mà sắm đồ thôi, không lo thiếu đồ dùng. Càng kỹ bao nhiêu thời lại càng phiền bấy nhiêu. Như cả ngày hôm qua lo về đồ đạc hòm đũng thời đủ biết. Đành là không thể đem cái hòm lên Paris được, phải gửi lại nhà trọ ở Marseille và mua thêm một cái vali nữa để đựng những đồ cần dùng. Vả những đồ quần áo trong hòm cũng không dùng đến, vì phần nhiều là quần áo An Nam cả, khi ở nhà đi, tưởng sang bên này cứ giữ quốc phục, sang đến đây mới biết rằng không tiện. Mình sang đây là để xem người, không phải cho người xem mình; như vậy mà cứ thướt tha như anh lễ sinh, đi nghênh ngang ngoài đường phố, thời khác nào như làm một cái vật “đấu xảo” giong đường cho người quý quốc xem, nghĩ nó cũng dơ dáng dạng hình quá! Bởi thế nên từ ngày tới Pháp đến giờ, phải bận Âu phục luôn, trừ những khi dự các hội tiệc thời mặc quốc phục cho trọng thể. Còn nhớ mấy ngày đầu mới ăn mặc Tây, rõ phiền quá. Tôi bắt đầu thử mặc tây tự Sài Gòn đi, để tiện xuống chơi các bến tàu đỗ. Hôm xuống Tân Gia Ba là ngày mặc Âu phục lần thứ nhất: hôm ấy trời lại nóng nực, mình quen mặc rộng rãi thênh thang, bây giờ bó buộc như thằng hình nhân, lấy làm khổ quá; nào là quần trong, quần ngoài, nào là áo “sổ mi”, nào là “bờ-lơ-ten” [8] ; khổ nhất là đeo cái “phô-côn” [9] cho ngay ngắn, thắt cái “cà-vạt” cho dễ coi. “Cà vạt” có thứ đã thắt sẵn, chỉ việc cài vào mà thôi; có thứ mình phải thắt lấy. Trước khi mua đã phải hỏi ý các ông sành mặc tây, ông nào cũng bảo rằng thứ thắt sẵn chỉ để cho các ông già dùng, còn người trẻ phải thắt lấy mới là lịch sự. Nhưng khốn quá, mình tập thắt mãi mà nó vẫn cứ nghiêng vẹo, lệch lạc, xô xếch, răn reo, không thấy “lịch sự” một chút nào cả! Cực nhất là lúc tàu đã đến bến rồi, anh em đợi để lên ăn cơm ở cao lâu trên phố, mà mình ở trong buồng cứ loay hoay thắt với buộc mãi không xong, bấy giờ đỏ mặt tía tai lên, muốn quăng cả đi, nghĩ bụng rằng: “Thôi, chẳng tây thì đừng tây, mỗi lần thế này khổ quá”. Sau cũng phải nhờ có tay giúp mới buộc xong. Nhưng mà cho hay muôn sự tại thói quen cả, hôm đầu khó nhọc như thế, đến ngày thứ nhì thứ ba đã thấy dễ rồi; cách một tuần lễ thời buộc cái “cà-vạt”, thấy dung dị như thường, và soi gương coi đã ra vẻ lắm rồi! Khi đến Marseille thời nghiễm nhiên như ông Tây “đặc”, tưởng hình như mình vẫn mặc tây đã mấy mươi năm rồi; không những cách ăn mặc mà dáng bộ cũng hệt: tay bỏ túi quần, tay cầm gậy “can”, không còn ngượng ngập gì nữa. Nghĩ bụng giá bấy giờ cứ thế mà hiện hình về giữa phố Hàng Đào Hàng Ngang Hà Nội thời chắc ai cũng phải cho là một cậu “công tử bột” chân chủng! Lại nghĩ rằng nếu văn mình mà chỉ có thế thôi, thời cũng dễ quá: chỉ mất sáu trăm quan là được cái lốt văn minh như hệt, và theo “mốt” tối tân, các “công tử” nước nhà không sao theo kịp: áo thắt ngang lưng, quần nếp thẳng băng, cổ là bóng nhoáng, giầy sơn đen nháy, lại phủ một miếng da trắng ở trên cho khỏi bụi (thế mới hợp “mốt” năm nay)… Nhưng mà mình vẫn biết đã lâu rằng văn minh không phải ở cái lốt ngoài đó. Chẳng qua là đến đâu phải theo tục đó mà thôi. Nhưng mà có một điều nên biết, là người mình có tính mềm mại, uyển chuyển, không bắt chước người thì chớ đã bắt chước thì cũng chẳng kém gì ai, nhất là về cách ăn mặc, có khi người mình ăn mặc tây lại còn óng ả riêm rúa hơn nhiều người quí quốc…
Vậy bao nhiêu hành lý để cả Marseille và chỉ đem hai cái vali đựng quần áo tây với mấy bộ quần áo An Nam để phòng khi dùng đến; còn thiếu cái gì, lên Paris sẽ mua.
Tự Marseille lên Paris, nếu đi luôn thì tự 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm tới nơi, hai bữa ăn ở trên xe lửa cả. Nhưng đi thế nhọc, vả cũng không vội gì mà phải đi như thế. Bèn định đi làm hai độ: hẵng tự Marseille lên Lyon trước, ở chơi đấy vài ngày, rồi sẽ đi lên Paris sau. Vậy mấy bữa trước đã lấy vé xe lửa lên Lyon rồi, vì ở đây định đi chuyến xe nào về ngày nào phải lấy vé mấy ngày trước và dặn người ta giữ chỗ cho, nếu chính ngày giờ ấy mới đến lấy vé ở ga thì không kịp và nhiều khi không còn chỗ. Trong thành phố có đặt ra nhiều sở phát vé trước như thế, người nào đến lấy vé trước, mất một vài quan tiền hoa hồng, thời tuỳ ý trong hạng mình muốn chọn ngồi chỗ nào cũng được, vì thường thường ngồi vào chỗ góc về mặt trông ra ngoài đường thời vừa dựa được và vừa tiện xem phong cảnh hơn là ngồi về bên lối đi (xe lửa bên này có ba hạng và chỗ ngồi sắp đặt cũng như hạng nhất hạng nhì xe lửa bên ta, nghĩa là ngồi một bên và một bên có lối đi, chỉ khác hạng nhất hạng nhì có đệm êm và hạng ba thì không, cũng như bên ta).
Đi tự Marseille lên Lyon, vào hạng nhì, giá chừng 60 quan. Muốn ăn cơm ở trên xe thì sau khi lên xe phải lấy một cái vé giữ chỗ ngồi ăn, giá ăn chừng 10 quan một bữa. Trong xe lửa đã có hai ba cái toa đặt làm buồng ăn, và có bếp nước đủ cả.
Đường xe lửa tự Marseille lên Paris qua Lyon gọi là đường Paris-Lyon-Méditerranée, viết tắt là đường P-L-M) là đường dài nhất và quan trọng nhất ở Pháp, do một công ty lớn kinh doanh. Những chuyến xe chính, nghĩa là đi qua các tỉnh lớn, không đỗ những ga nhỏ, như chuyến 8 giờ sáng chạy Lyon và Paris thì chạy mau lắm, đến 80 cây một giờ, đó gọi là những chuyến xe “thường tốc” (express); lại còn những chuyến chạy thật mau, gọi là “thượng tốc” (rapides), thường chạy ban đêm. Ngoài những đường chính đó, chà chạnh [10] ra hai bên, chằng chịt như mạng nhện, có vô số những đường nhỏ, nối các tỉnh lỵ bé, các huyện, các tổng, các làng với nhau; hạng xe lửa này gọi là xe lửa nhà quê (trains omnibus), chạy chừng 20 đến 30 cây một giờ, đến ga nào cũng đỗ, cũng giống như các xe lửa bên ta.
Tự Marseille lên Lyon đỗ có mấy tỉnh lớn là: Arles, Tarascon, Avignon, Orange, Montélimar, Valence, Vienne, nhưng mỗi chỗ đỗ có mấy phút, không đủ xem gì cả. Duy nhận kỹ cái phong cảnh hai bên đường, thời khi đi chừng được non nửa đường thấy khí vị khác hẳn. Tự Montélimar trở xuống thời khí hậu ấm áp, phong cảnh sáng sủa, đó là thuộc về Nam phương, có cái cảnh sắc riêng của xứ Provence, cũng còn phảng phất như ở Marseille. Nhưng càng đi lên thì càng thấy dịu dần, sắc trời bớt sáng, khí trời bớt ấm, phong cảnh đã hơi có ý đìu hiu; người đãng trí đến đâu cũng nhận biết ngay rằng đã dời đất nam phương mà chuyển lên bắc phương vậy.
Đến Lyon vừa đúng 2 giờ rưỡi chiều. Ngay cạnh nhà ga “Lyon-Perrache” có một cái khách sạn lớn gọi là Hôtel Terminus của công ty xe lửa P-L-M đặt cho hành khách trọ. Mấy anh em đều xuống nghỉ cả đấy. Nhà khách sạn này lịch sự lắm và chỉ nhận những khách đi xe lửa mà thôi.
Nghỉ ngơi một lát, chừng 4 giờ đi chơi phố. Mới ở Marseille lên, thấy cảnh tượng phố phường ở đây lạ hẳn. Lyon là thành phố thứ ba của nước Pháp, dưới Paris và Marseille, thế mà không có cái vẻ sầm uất như ở Marseille. Không phải là thành phố không to lớn, buôn bán không thịnh vượng - đây chính là nơi tổ nghề tơ lụa ở nước Pháp, bao nhiêu những đồ tơ lụa có tiếng của nước Pháp đem bán ở các nước là chế tạo tự đây, xuất cảng tự đây cả, - không phải là dân số ít, - vì dân đây cũng hơn 50 vạn người chẳng kém gì Marseille, - thế mà đến đây có cái vẻ bình tĩnh nghiêm trang, không có phiền náo rộn rịp như ở Marseille. Là bởi cái cảnh tượng bề ngoài với cái tư cách người ta, ở Nam phương với ở đây cách xa nhau lắm. Lyon tuy chưa hẳn là Bắc phương, nhưng đã có cái khí vị Bắc phương rồi. Người Marseille hay nói hay cười, hay ba hoa bả lả, hay ngao du ngoài phường phố, hay tụ tập chỗ đông người, lại hay đùa nhau, bỡn nhau, chửi nhau, đánh nhau, nên trong thành phố lúc nào cũng ồn ào những tiếng người, rộn rịp những xe chạy. Lại thêm trời thường sáng sủa, nắng ráo, ấm áp, bảnh bao, cho nên đầy trong không khí như có cái vẻ vui vẻ tươi cười. Ở Lyon thời thật là khác: người đây trầm tĩnh, điềm đạm, ít nói, ít cười; coi bộ những người đi ngoài phố như ai cũng có việc gì mới đi, chứ ít người đi chơi phiếm. Còn cảnh sắc thời thường u ám, hay có sương mù ở sườn núi mặt sông. Cảnh ấy người ấy làm cho thành phố Lyon có một cái khí vị nghiêm và buồn.
Địa thế thành Lyon đẹp lắm; ở giữa nơi hợp lưu hai con sông RhôneSaône, chung quanh những núi non xanh rì, nhà lầu chồng chất, trông thật là kỳ tú. Không cảnh gì đẹp bằng đứng trên bờ sông mà ngắm dải trường giang xanh ngắt, trên có hơn chục cái cầu bắc song song. Một bên sông Rhône, một bên sông Saône, bao bọc thành phố như hai con trường xà; những phố phường ở giữa hai sông là nơi đông đúc, đẹp đẽ nhất.
Mấy anh em cùng đi chơi phố, đi bộ từ 4 giờ đến 7 giờ, kể cũng đã nhiều đường đất. Mình từ khi sang Tây đến giờ, được cái đi bộ giỏi. Ở nước nhà, bước bước lên xe, sang đây ra đến cửa phải cuốc bộ, nó cũng quen đi. Nhưng phải biết rằng đi bộ bên này có cái thú riêng, không khổ như bên mình: đường phố rộng rãi sạch sẽ, hai bên hè rộng bằng đường bên ta, cả năm không bao giờ có cát bụi, nắng không có nắng to vỡ đầu, mưa không có mưa dầm lầy lội, như thế mà thủng thẳng cắp cái “can” sau lưng đi dạo các phố phường, khi dừng lại xem các cửa hàng, lúc vui chân theo khách qua lại, lại lúc ngửng mặt nhìn bức phong cảnh, ung dung thơ thẩn, không vội vàng gì, như thế chẳng thú lắm dư? Chẳng bù với bên mình, đường phố đã chật hẹp, lại bẩn thỉu, hai bên đường thời những nước cống chảy đen xì, mùi hôi tanh, cả năm trừ mùa mưa dầm với mùa nắng hạ bước chân ra đường là cái tội, duy có mùa tạnh ráo thời lại là mùa hanh, đi ngoài đường gặp cái xe ô tô chạy qua thời mồm, mũi, tai, mắt như hứng lấy một rổ bụi ném vào; như thế phỏng còn sướng gì? ở đời không có cái thú gì giản dị và rẻ tiền bằng cái thú đi thơ thẩn ngoài đường, ngắm người ngắm cảnh. Cái thú ấy ở nước ta cũng ít khi được hưởng. Ở đây thời sự đi tản bộ ngoài đường phố không những là một cái thú vui, mà lại là một bài học cho khách du lịch nữa, vì trong khi đi thơ thẩn như thế, xem xét được nhiều điều hay, và khác nào như hô hấp sâu được cái không khí riêng của cái nơi mình ở. Rồi sau về nhà hồi tưởng lại, nhớ đến một cái góc phố kia, một cái cửa hàng nọ, một cái nét mặt người, một cái giọng cười nói, cũng đủ hình dung được cái cảnh tượng, cảm giác được cái linh hồn những nơi mình đã qua. Tôi cho là thật người du lịch phải đi bộ, và nói ra thì có người cho là hủ lậu, nhưng cách du lịch không gì bằng đi võng đi cáng như các cụ ta đời xa. Đến xem xét một xứ nào mà chạy cái xe hơi vùn vụt, như muốn cho chóng xong để đi nơi khác, như thế còn có thú vị gì, và còn xem được gì?
Buổi chiều hôm nay đi tự nhà ga Perrache đến nơi công trường Bellecour, rồi lên xe điện ra nơi công viên Tête d or, vào trong vườn chơi mãi đến tối mới về. Công trường Bellecour và công viên Tête d or là hai nơi thắng cảnh đệ nhất thành Lyon. Công trường Bellecour là một cái sân lớn rộng thênh thang, hình chữ nhật, bề dài 310 thước, bề ngang 200 thước, trong có những vườn cây, máy nước, và ở chính giữa có một cái tượng lớn vua Louis thứ 14 cưỡi ngựa. Chỗ này là chỗ họp tập những người sang trọng ở thành Lyon, chiều chiều ra chơi mát, uống rượu nghe kèn. Người ta nói nội các công trường [11] (places publiques) trong thế giới, nơi này có lẽ vào bậc nhất nhì, kiểu cách với bề thế cũng chẳng kém gì nơi Cộng hoà trường (Place de la Concorde) ở Paris. Còn công viên Tête d or thời tuy gọi là cái vườn nhưng thực là một cái rừng nhỏ, có cây rậm, có hồ trong, có trại động vật, có trại thực vật, cũng là một chỗ đi chơi thanh thú.
Bẩy giờ rưỡi về khách sạn ăn cơm tối. Chỗ này ăn uống lịch sự, người hầu hạ rất mực phép tắc, khách ăn cũng toàn người sang cả.
Ăn cơm xong lại đi dạo chơi phố một hồi, cho biết cái cảnh tượng Lyon ban đêm. Sánh với Marseille vào giờ này thì thật buồn rứt; trừ mấy chỗ có nhà cà-phê còn có người ngồi, đến các nơi khác từ 9 giờ trở đi là vắng tanh. Về trọ ngủ cũng yên lặng và im phăng phắc, không có tiếng người tiếng xe như ở Marseille.

VII.
Lyon, thứ hai 15 tháng 5.1922
Hai ngày hôm nay đi chơi khắp trong thành phố, toàn đi chân cả, trừ chỗ nào có xe điện không kể.
Hôm qua chủ nhật lại vừa ngày hội Bà thánh Jeanne d Arc, ngày hội này bắt đầu từ năm nay đặt thành một ngày quốc hội. Tám giờ sáng có điểm binh ở công trường Bellecour. Cả binh lính, cả người xem, kể có vạn con người, thế mà đứng vừa cả, đủ biết nơi công trường này rộng là dường nào.
Xem điểm binh xong, lên xem nhà thờ lớn Fourvières. Nhà thờ này cũng là một cái kỳ công rất vĩ đại. Xây ở trên cao nguyên Fourvières là nơi phát tích thành Lyon, khởi công tự năm 1872 đến năm 1896 mới xong; bề dài 86 thước, bề ngang 35 thước; có bốn cái cột bát giác cao 50 thước. Nhà thờ xây bằng đá cả, còn kiểu là thuộc về kiểu tạp, vừa có kiểu Hi Lạp, vừa có kiểu byzantin, vừa có kiểu hình trám (ogival). Cửa tiền có bốn cái cột làm bằng phiến đá một, cao hơn tám thước, cánh cửa bằng đồng coi lực lưỡng lắm.
Trên đỉnh một cái cột bát giác có đặt nơi gọi là “quan sát đài” (observatoire), đứng đấy có thể trông được khắp cả các vùng chung quanh, những buổi tạnh trời trông tới 150 cây-lô-mét xa. Lên đến đấy phải trèo 316 bậc, đã thấy chồn chân. Ở trên có để một cái “phương hướng biểu” (table d orientation), biên rõ cả các nơi có thể chiếu ống kính trông thấy được; về phía Đông, những buổi sáng trời, trông thấy cả núi Bạch Sơn [12] . Nhưng bữa mình lên thời trời lại u ám, chẳng thấy gì; đứng trên trông xuống chỉ thấy một đám sương mù toả che cả nơi thành phố, vì thành Lyon này chung quanh những núi cả, khác nào như ở trong lòng chảo, ngày nào cũng sương mù trên núi dồn xuống, có khi cả ngày không tan hết.
Vùng này là chỗ phát tích thành Lyon đời xưa. Năm 43 trước Gia-tô giáng sinh, người La Mã đến di dân ở đây lập ở trên núi Fourvières một cái trại đặt tên là Lugdunum. Đến đời vua Auguste nước La Mã đặt đây làm thủ phủ đất Gaule Celtique về thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Gia-tô. Tỉnh thành hồi bấy giờ hai ba lần bị cháy, dữ nhất là năm 59 và năm 197 sau Gia-tô. Nhưng sau khôi phục dần lại và mỗi ngày một bành trướng ra. Nhưng gốc tích là ở trên chỗ cao nguyên này; ngày nay những di tích còn đầy cả, nào là mảnh bia, mảnh tượng, mảnh tường, nhiều chỗ còn có từng dòng chữ cổ chưa phai. Đằng sau nhà thờ, có một con đường dốc hẹp đi len lỏi trên sườn núi, hai bên đường đầy những mảnh đá cổ, khác nào như một cái vườn bác cổ vậy, tuy bỏ tự nhiên như thế, nhưng cũng có kẻ hữu ti coi việc bảo tồn cả, vì đất này là một đất có quan hệ đến lịch sử nước Pháp.
Ở đấy ra đi lên nơi gọi là đồn Saint Irénée, đó là một cái đồn binh cũ nay dùng làm nhà Pháp - Hoa Đại học (Institut franco-chinois). Trường này có hơn một trăm học sinh Tàu trọ học ở đấy. Nhân hồi chiến tranh xong, ông nguyên thủ tướng Painlevé nước Pháp có sang Tàu cổ động cái chủ nghĩa Pháp - Hoa đề huề, tự đấy học sinh Tàu trước vẫn sang học Đức và Mỹ bèn kéo sang Pháp nhiều lắm. Chính phủ Pháp hiệp ý với chính phủ Tàu định đặt ra ở Lyon một trường dự bị cho học sinh Tàu học ở đấy cho đủ biết tiếng Pháp rồi mới phân phát đi các trường đại học và trường chuyên môn khác. Vậy trường Pháp - Hoa Đại học này là của hai chính phủ Pháp - Hoa đặt ra, nên có hai ông đốc quản trị, một ông người Tàu, một ông người Pháp. Vào xem trường này mà nghĩ đến học sinh An Nam mình không có một nơi nào như thế cả; có lẽ là quý quốc nghĩ rằng đối với người Tàu là dân một hữu bang [13] thời phải nên biệt đãi một cách ân cần, còn như đối với người Nam là dân thuộc quốc, nghĩa là con cái nhà, thì thế nào cũng được, ý thế chăng?…
Trường này đã phải một hồi đa sự, là hồi bên Tàu các hội học đồng thanh với chính phủ ra công cổ động về sự du học Pháp nhiều quá, lại nói rằng học sinh sang bên Pháp có thể vừa đi học vừa đi làm công để lấy tiền ăn học được, nên bọn học sinh đua nhau mà sang Pháp, phần nhiều là con nhà nghèo không có vốn liếng gì, mong đến nơi vừa làm vừa học, nên tự xưng là “cần công kiệm học”. Nhưng số học sinh sang đông quá, lại không dè rằng khi tới nơi rồi muốn vào làm công các xưởng, bị bọn thợ Pháp phản đối và ngăn trở, sợ tranh mất việc làm, thành ra nhiều người bơ vơ làm không có chỗ làm và học cũng không thể học được. Hồi ấy trường Pháp - Hoa Đại học này đã có rồi, và theo quy tắc chỉ nhận học sinh do chính phủ Tàu theo chính thức gửi sang và có hội Trung Hoa giáo dục ở Paris đảm nhận. Còn bọn “cần công kiệm học” kia, phần nhiều là tự ý sang lấy, thành ra vô thừa nhận. Bọn đó, kể mấy trăm con người, cùng túng quá, dùng cách ôn hoà xin vào không được, bèn họp nhau lại áp đảo nhà trường, rồi nghiễm nhiên chiếm cứ, đuổi không đi nữa. Việc này lôi thôi mãi, sau hai chính phủ Pháp - Hoa hết sức điều đình mới khuyên được bọn đó về nước, và từ bấy giờ không cho sang thêm nữa.
Cạnh nhà trường có một nhà hàng cơm Tàu, nhân tiện vào ăn cơm đấy. Lâu nay mới được ăn cơm, lấy làm sướng quá; ăn cơm đây thuần là học sinh Tàu cả, họ trông thấy mình họ cũng tưởng là người Tàu, nhưng cho là người một tỉnh khác họ không biết tiếng.
Hôm nay đi chơi nốt các phố phường và vào xem nhà bảo tàng các đồ dệt (Musée des Tissus), có đủ các kiểu đồ dệt bằng vải cùng bằng tơ lụa của các nước từ đời xưa đến đời nay.
Tiếp chuyện một ông thanh niên văn sĩ, lại chính là ông diễn thuyết ở Marseille mấy tuần trước. Ông đã đỗ cử nhân, vừa học trường đại học (để thi Agrégation [14] ), vừa làm thơ vừa làm văn, xem ra ông sính thơ văn lắm, và cũng tự đắc lắm, bình phẩm các danh sĩ đương thời không cho ai ra gì cả. Cho hay những hạng văn sĩ nỏi ở nước nào cũng như nước nào.
Xem thành Lyon thế này cũng gọi là tiềm tiệm đủ rồi, vậy anh em định sớm mai lên Paris chuyến xe lửa thứ nhất. Chiều hôm nay đã lấy vé sẵn cả rồi.

*

Thứ ba, 16 tháng 5.1922
Ngày hôm nay đi xe lửa đã nhọc, đến Paris lại đi dạo phố phường 3, 4 giờ đồng hồ luôn để nhận phương hướng, tối mệt quá, nhưng lạ chỗ cũng không ngủ được, bèn đem tập nhật ký ra biên. Song cầm bút mà không có hứng viết một chút nào. Vậy cái cảm giác ngày thứ nhất ở Paris, phải để hôm nào tinh thần thư thái hơn sẽ thuật, bữa nay gọi là ghi chép cái ngày giờ đến đây cho nhớ về sau mà thôi.
Sáng đi chuyến xe lửa 6 giờ 30 tự Lyon lên, chuyến này cũng là chuyến “thường tốc” (express) như ở Marseille lên Lyon. Đi hạng nhì giá 71 quan. Trong mấy anh em, có ông Nguyễn, ông Trần và mình đi bữa nay, còn ông Vi và hai cậu con thời còn ở lại Lyon để lên chơi Macon có người quen, rồi sau này mới lên Paris. Bữa trước ở Marseille lên Lyon, càng lên phía bắc càng thấy trời hiu hắt, có khi lạnh; bữa nay ở Lyon lên Paris thời càng lên lại càng thấy nắng và nóng, cái đó cũng lạ. Là bởi năm nay nghe chừng mùa hạ ở Paris nóng khác thường; bây giờ mới là tháng 5, kể còn là xuân, thế mà khí nóng đã như hạ rồi. Mình vốn yếu chịu lạnh, đến mùa lạnh ở Bắc kỳ chịu cũng đã khó thay, nên khi đi vẫn sợ sang bên này gặp lạnh thời đến phát đau mất. Nhưng mà may sao đến đây giữa vào cuối xuân sang hạ, mà hạ năm nay lại có ý nóng hơn mọi năm như thế này, thật là trời tựa [15] một anh con xứ nhiệt đới.
Đúng 3 giờ trưa xe lửa đến Paris đỗ ở nhà ga gọi là Gare de Lyon.
Ngồi trên xe lửa mình đã đọc kỹ cái sổ kê những nhà khách sạn ở Paris, in trong các sách “Paris chỉ nam”, anh em đã bàn nhau định vào trọ một nhà ở đường Vaugirard, vì trong sách nói rằng nhà ấy trông ra vườn Luxembourg, cảnh trí đẹp lắm. Nhưng khi đến nơi, bảo xe ôtô đưa đến đường ấy số ấy thì chẳng thấy nhà khách sạn đâu cả, không biết là sách in lầm hay là nhà đã dọn đi nơi khác rồi. Thế là mình rắp định một điều hỏng cả một điều, mà sự không trông hòng thời lại tới. Số là ông Ng. H. C. là con một vị hưu quan ở Bắc kỳ ta, được tin anh em đến có ra ga đón, khi tìm trọ ở đường Vaugirard không xong, ông bèn dắt về chỗ trọ ông, nơi gọi là “Thế giới khách sạn” (Hôtel du Monde), ở đường Berthollet số 15. Thế là sang đất lạ lại được ở cùng người đồng quận, cũng là một sự không ngờ.
Thôi đêm đã khuya, cố đi ngủ, để mai đi chơi sớm.



[1]Nhìn cho sướng mắt.
[2]Các từ điển dịch là hiếu kỳ.
[3]Ma quỷ.
[4]Gió thổi, hạc kêu, ý chỉ khung cảnh vắng vẻ.
[5]Chưa rõ nghĩa là gì. Có nhiều từ điển không có chữ trành. Riêng cuốn Tiếng nói nôm na ghi trành là một loại quỷ ma độc ác, chuyên đi bắt người. Vậy đây có phải là một thứ tiếng lóng, chỉ mật thám?
[6]Thái ở đây là thói quen; cố thái tức thói cũ.
[7]Siểm mị: nịnh hót và lừa bịp.
[8]Dây đeo.
[9]Cổ cồn.
[10]Theo Đại Nam quốc âm tự vị, chà có nghĩa là nhánh, có nhánh. Có thể hiểu chà chành: tỏa nhánh.
[11]Tức quảng trường.
[12]Tức Mont Blanc.
[13]Một nước bạn bè.
[14]Thạc sĩ.
[15]Chiều lòng.

<< Phần 3 | Phần 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 762

Return to top