Chuyện Internet Quê Tôi
Trần Hoài Văn
Trước hết, xin lưu ý một điều: khi nghe cái tựa đề này bạn đừng nhầm với những quán Cafe Internet mọc lên nhan nhản ở Hà nội, Sài gòn hoặc các thành phố lớn với lượng khách hàng chủ yếu là các cô cậu choai choai tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng, vừa bỏm bẻm nhai kẹo cao su vừa thoăn thoắt gõ bàn phím để chat, chứ không mấy khi dành sự quan tâm thích đáng cho những thông tin, sự kiện đang diễn ra trên trái đất này. Nếu thế thì chuyện đã chẳng có gì để nói.
Mọi chuyện bắt đầu từ một bữa cỗ.
* * *
Hôm ấy, tôi về quê theo lệnh của ông chú, người mà tôi vừa khoái vừa sợ. Sau hơn sáu tiếng đồng hồ bị quăng quật trên chiếc xe khách " chất lượng cao" cùng gã tài xế có bộ ria lún phún như mấy cái rễ bèo tây trông vừa du côn vừa hài hước, thì tôi đồ rằng ông Alêcxây Tôlxtôi đã viết nên tác phẩm bất hủ " Con đường đau khổ" sau khi đã trải qua một cuộc hành trình tương tự.
Quê tôi là một xã nhỏ nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cũng như bao làng quê Việt nam khác, nó đã đổi thay khá nhiều so với trước. Bạn có tìm cả ngày cũng không bói ra một cánh cò trên biển lúa dập dờn như trong câu ca dao. Bạn cũng sẽ thấy đằng sau những luỹ tre làng không còn mấy những nếp nhà ba gian hai trái theo kiểu truyền thống, thay vào đó là những ngôi nhà xây hai, ba tầng. Điều đáng nói là không cần phải mất nhiều thời gian lắm, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những đường nét, phong cách kiến trúc của cả thế giới thu nhỏ lại với đủ loại hình hài, với đủ nét kiến trúc Âu, Á, trung đại, cận đại, hiện đại trong những ngôi nhà ấy. Này nhé, cái chỏm tròn vo nhô lên phía bên trái kia trông như củ hành tây lộn ngược màu sắc sặc sỡ đích thị là điện Kremli rồi còn gì nữa; ở bên phải, cũng tròn tròn nhưng lại có một thanh đồng cao chót vót ngạo nghễ vươn lên với trời xanh, ấy là tôi đồ rằng bạn sẽ có cảm giác đứng trước một thánh đường Hồi giáo; ngay mặt tiền và hai bên hông nhà là những chú rồng hùng hổ trợn mắt nhìn trừng trừng như muốn đuổi khách đi. Ấy là còn chưa nói chuyện cách bài trí nội thất bên trong đâu nhé. Xin hẹn bạn vào dịp khác chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ càng hơn về đề tài này.
Thế nhưng, có những cái không hề đổi thay, mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Thì đây, trên con đường làng mà tôi đương đi vẫn nằm chình ình những bãi phân trâu, trên có cắm một cọng rơm bay lất phất - dấu hiệu của sự sợ hữu tư nhân, nghĩa là bãi phân này đã có chủ xí phần. Hai bên đường, hàng phi lao bốn mùa vi vút reo vui cùng nắng gió, trên mỗi cây được gắn ngay ngắn tấm bảng gỗ sơn đỏ với những hàng chữ vàng choé trông rất vui mắt kẻ những câu khẩu hiệu mà bạn có thể bắt gặp ở mọi nơi mọi chỗ trên mảnh đất hình chữ S vô cùng yêu quí này, đại loại: " nhiệt liệt chào mừng" , " quang vinh, vĩ đại" , " muôn năm"... v..v. Lẫn trong cái đám khẩu hiệu hết sức trang nghiêm ấy, thi thoảng bạn cũng sẽ bắt gặp một câu khẩu hiệu thể hiện đến mức cao độ tính trào lộng trong ngôn ngữ Việt nam: " Thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch hoá dân số, mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con" . Bạn chớ vội bực mình vặn tôi: có gì mà không ổn trong câu khẩu hiệu này? Rằng đất nước ta đang có kế hoạch xoá đói giảm nghèo, tạm thời kinh tế chưa mấy phát triển, thì cách hữu hiệu nhất chẳng là phải giảm sinh đẻ hay sao? Nhưng bạn ơi, cái cụm từ " có từ một đến hai con" liệu có ổn không nhỉ? Bạn đã thấy ai đẻ một phảy năm (1,5), hoặc một phảy bảy (1,7) con bao giờ chưa? Chẳng hiểu mấy ông cử nhân, tiến sĩ giấy ở Ban dân số Trung ương làm ăn thế nào mà lại nghĩ ra được cái câu khẩu hiệu kinh người ấy?
Còn nếu như bạn là người có tâm hồn lai láng văn thơ, thì đây: một câu khẩu hiệu đọc lên rất thánh thót, mượt mà, réo rắt mà Truyện Kiều cũng phải nghiêng mình kính cẩn. Ấy là tôi muốn nói đến những hàng chữ được viết ngay ngắn ở hai bên cổng làng, nơi mà mấy chú bê non đang ghếch mõm ngắm trời ngắm đất:
Ở đây tai vách mạch rừng
Những điều bí mật xin đừng nói ra
Nghe đài đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch ba hoa nói càn
Cũng chính vì câu khẩu hiệu bất hủ này mà tôi đã mất điểm một cách ghê gớm với thằng con. Nó loay hoay đánh vần một lúc rồi hỏi: " đài ta, đài địch là cái gì hở bố" . Thú thực là tôi chịu nghĩ mãi không ra. Ở cái thời buổi dân chủ, tự do ngôn luận đầy tươi đẹp này, khi mà đài báo trong nước kêu gọi rất thống thiết: " Việt nam muốn làm bạn với tất cả các nước" , đến cái thằng vốn là kẻ thù truyền kiếp đã được ghi một cách rõ ràng trong hiến pháp một dạo, nay đã là bạn lớn, thì biết ai là địch bây giờ?
Cũng chính thằng con này đã gây cho tôi một sự phiền toái ghê gớm, suýt nữa thì mất mạng. Đó là lúc hai cha con tôi đương dắt nhau đi trên con đường nhỏ qua mấy cái ao, thì từ đằng xa, một con trâu đi lại. Bạn biết đấy, đường làng vốn nhỏ, chỉ hai cái xe đạp đi ngược chiều nhau là đã khó lắm rồi. Đằng này lại là một con trâu và hai cha con tôi. Định giở chiêu " hai con dê qua cầu" ra, nghĩa là nhường quách thằng trâu này đi trước cho xong chuyện – tránh... trâu chả xấu mặt nào. Chợt thằng con ngước mắt nhìn tôi bằng một cái nhìn rất khó tả, tràn đầy tin tưởng và cả sự kính trọng vô biên. Rồi nó hỏi: " Bố ơi, bố có thể đẩy ngã con trâu này được không?" . Vốn trước đó ít phút đã mất điểm với con khi không giải thích được cái vụ " đài ta, đài địch" kia, tôi thấy không thể lùi được nữa, vì nếu thế thì nhục quá. Bèn nghiến răng mà rằng: " Khó gì chuyện ấy!" , đoạn bảo nó đứng đợi, rồi run run tiến về phía gã trâu tội nghiệp. Đến đoạn giữa hai cái ao thì chúng tôi chạm trán nhau. Thằng trâu giương cặp mắt hiền lành có phần ngạc nhiên nhìn thằng người rồi đứng dẹp sang bên nhường đường. Thằng người chỉ chờ có thế, tiến thêm hai bước, rún người xuống theo thế chảo mã tấn, tì vai vào bụng thằng trâu rồi bật lên, đồng thời hai tay ẩy mạnh. Thằng trâu loạng choạng mất đà bị bắn ra khỏi vệ đường rồi rơi tòm xuống ao.
Tôi phấn khởi nhìn thằng con trai, và hiểu rằng mình đã thực sự trở thành một Héc Quyn trong mắt nó. Hai cha con tôi lại dung dăng dung dẻ trên con đường làng rất đỗi thân yêu. Thằng con nắm chặt tay tôi đầy tự hào. Đi được một quãng, chợt nghe có tiếng lịch kịch như tiếng ngựa phi từ đằng sau vọng lại, tôi ngoái đầu nhìn. Giời ạ, chính là hắn, cái thằng trâu bị tôi đẩy ngã xuống ao lúc nãy. Sau một hồi lóp ngóp dưới ao hắn đã leo được lên bờ và bây giờ đang phóng đi tìm tôi để nói chuyện phải quấy. Ba hồn bảy vía thăng đâu sạch, tôi chỉ kịp bế thốc thằng con lên, cắm đầu chạy. Vừa chạy vừa hình dung những việc cần làm ngay với khúc ruột sắp bị lòi ra đến nơi, thì vừa may gặp một cây sung. Không hiểu lúc đó lấy đâu ra sức lực, tôi vừa ôm thằng con vừa trèo nhanh thoăn thoắt. Đến khi gã trâu đuổi kịp thì hai cha con tôi đã vắt vẻo tít trên cao, run lập cập. Gã trâu giương mắt nhìn tôi trừng trừng, má giật giật vì giận dữ, bọt mép phì ra trắng xoá. Đợi một lát thấy tôi vẫn ngồi thu lu không dám thở mạnh, gã quay đít lại, nhấc đuôi lên làm một bãi rõ to rồi cười khẩy, bỏ đi.
Nếu đã nói chuyện về quê mà không nhắc vài lời đến ông chú của tôi thì thật là một thiếu sót. Ông bà tôi đã mất, nên ở quê tôi chỉ còn mỗi ông là chỗ đi về. Hình như trong một truyện ngắn nào đó tôi đã đề cập đến ông chú này. Song để cho liền mạch bài viết, tôi xin phép được nhắc lại đôi nét về ông.
Nhân vật này hết sức đặc biệt. Y đặc biệt ở cả nội dung lẫn hình thức. Những người trong họ nhà tôi vẫn tiếc rẻ: " Giá như Nam Cao không chết quá sớm, thì chắc chắn nền văn học nước nhà đã không chịu thiệt thòi là bị mất đi một nhân vật kiệt xuất.” Bởi nếu so sánh với y, thì chắc chắn Chí Phèo phải khóc nức nở bằng tiếng Mán và cung kính dâng hai tay nhường lại bát cháo hành Thị Nở ngay tắp lự. Y cũng có một khuôn mặt hết sức khó đoán tuổi, vì nó nhằng nhịt sẹo và bị biến dạng bởi bom napan. Y nguyên là đặc công loại thứ dữ , đã từng tung hoành Khe sanh, Đường 9 nam Lào, thành cổ Quảng trị, vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Bom đạn không quật ngã được y mà chỉ làm biến dạng khuôn mặt vốn được coi là đẹp trai nhất vùng, niềm mơ ước một thời của các cô thôn nữ.
Như phần lớn các thương binh, y giải ngũ về địa phương sinh sống. Có chút chữ nghĩa thánh hiền, đã một thời ôm mộng văn chương (từng là sinh viên năm thứ 3 Tổng Hợp văn) nên chẳng có việc gì trong làng xã qua được mắt ỵ Bao nhiêu vụ các " cụ lí, cụ chánh" tham ô, nhập nhèm, ăn chặn của đám dân đen đều bị y phát giác, lôi ra bằng sạch. Nhưng nhờ có ô dù tận trên tỉnh, trên huyện, các " cụ" vẫn nhơn nhơn, vững như bàn thạch, lại còn bắn tiếng khiêu khích khiến y đâm thất vọng, chán nản. Mất niềm tin vào cuộc đời, y tìm đến rượu như một sự giải thoát. Đôi khi hứng lên vì men rượu, y cắp hai chiếc mâm vào nách bay vèo lên nóc trụ sở UBND xã rồi vận khí công chạy mấy vòng không làm vỡ một viên ngói, hoặc bám vào tường, bò theo chiều thẳng đứng như một con thạch sùng lên tận nóc nhà kho HTX, doa. cho các ông quan xã sợ xanh mặt.
Chán đời, y lấy vợ, đẻ ra một đống con, cảnh nhà nheo nhóc , cơ cực. Y xoay như chong chóng, làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai: sửa xe đạp, cắt tóc, hoạn lợn... mà vẫn không đủ ăn. Với tài võ nghệ siêu việt của mình, y được bọn trai em bảy xã miền duyên hải vô cùng trọng vọng, kính nể. Nhiều bọn sửa lễ đến bái y làm sư phụ xin thọ giáo, nhưng y chỉ lắc đầu: " Dạy võ để tụi mày đi làm bậy à?”
Nghe nói có một bọn lục lâm thảo khấu ở mạn ngược về tận nhà để rước y lên sơn trại, phong làm giáo đầu, chịu trách nhiệm huấn luyện võ nghệ cho quân sĩ. Để ra mắt, chúng đãi y một nén vàng mười. Y cầm thỏi vàng, mân mê, đăm chiêu giây lát, cười nhạt rồi bất ngờ tung vút nó lên cao, nhảy lên quay người đá một cú nhanh như chớp. Thỏi vàng bay xẹt như một mũi tên rơi tuột vào bể phân sau vườn. Mấy thằng cướp há mồm, mặt xanh lét như chàm, tiếc của , hì hục mò cả buổi không thấy, nhưng sợ vía y, đành đứng chửi bậy một lúc rồi lục tục kéo nhau ra về. Bọn cướp vừa đi khỏi, y gọi vợ và đứa con lớn, rỉ tai dặn dò. Cả hai mẹ con tất tả chạy như baỵ Một lúc sau, nhà y đông nghịt, toàn thương binh; Kẻ chống nạng, người ngồi xe đẩy, ai cũng cầm theo súng và lựu đạn. Đợi mọi người tập trung đông đủ, y móc thỏi vàng lận trong lưng quần ra, sai người lên phố huyện bán được một bao tải tiền. Chia cho mỗi thằng bạn một món tiền, y ngả con chó mực làm bữa chén rồi ai về nhà nấy. Với số tiền có được, y sửa sang qua cái nhà cho vợ con có chỗ trú chân. Từ đó nhà của y khang trang hơn, nó không còn là túp lều nữa, mà đã ra dáng một cái lò gạch...
... Ông chú tôi có một vật bảo bối bất li thân, là chiếc điếu cày dài gần một mét làm bằng tre già đã lên nước bóng nhoáng. Hồi nhỏ vốn là thằng bất trị, nên mỗi lần về quê tôi hay đầu têu ra lắm trò nghịch ngợm tai quái nên đã hơn một lần được ông cho thưởng thức cái " chân giá trị" thứ hai của chiếc điếu. Của này mà vụt vào ống đồng thì đau nhớ đời. Kể cả sau này, khi đã có vợ con, nhưng nỗi ám ảnh về sức mạnh của chiếc điếu vẫn không buông tha tôi, đến mức có lần không hiểu vì chuyện gì, tôi đã làm ông nổi giận. Ông quơ tay lấy chiếc điếu, tôi lập tức co giò cắm đầu chạy một mạch. Được một đoạn mới dám quay đầu lại, hí mắt ra nhìn xem ông chú có cắp mâm vào nách bay đuổi theo hay không? Hoá ra ông đang rung đùi ngồi hút thuốc lào và khoan khoái thả ra từng quầng khói như rồng bay phượng múa.
* * *
Hôm đầu tiên ở quê, tôi đương nằm ườn vươn vai khoan khoái với cái không khí trong lành của một buổi sáng nông thôn thì chợt nghe thấy tiếng kêu khiếp đảm của mấy mụ gà mái. Tưởng cáo vào bắt gà, tôi ngẩng đầu dậy nhìn qua song cửa sổ thì thấy một cảnh tượng hết sức khác lạ. Chắc bạn đã hơn một lần nhìn thấy cảnh con gà trống rượt gà mái. Bình thường thì gà trống là một con vật hiền lành, nhút nhát, thế nhưng khi rượi đuổi bạn tình thì nó đâu sá gì khó khăn nguy hiểm, và dĩ nhiên, lúc đó nó không coi ai ra gì. Ấy cũng là do lỗi của mấy mụ gà mái mà thôi. Mồm kêu quang quác la làng, giả vờ chạy nhưng thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu nhìn lại bụng thầm nhủ: " Không hiểu mình chạy thế này có nhanh quá không nhỉ?" . Còn chàng gà đực kia thì vừa thở dốc vừa tự động viên: " Được thì tốt, mà không được thì coi như tập thể dục."
Đằng này thì những gì mà tôi được chứng kiến trong buổi sáng hôm ấy hoàn toàn khác lạ. Mấy mụ gà mái mồm kêu những tiếng khiếp đảm nhưng không chạy đi đâu mà đứng im, rúm ró như ếch gặp rắn. Một gã gà trống cồ to dễ gần bằng cái thùng đựng nước, mỏ như quả chuối, hai chân vâm cỡ bắp tay người lớn, thong thả đĩnh đạc tiến tới " trảm" từng chị một. Tội nghiệp mấy chị gà mái, khi gã kia vừa leo lên lưng thì không chị nào đững vững được, mà đều xoải chân rồi nằm ẹp xuống đất. Chắc do nặng quá!
Trong khi gã kia rất tự tin và cần mẫn thực thi công chuyện, thì mấy chị gà mái kêu thất thanh (tạm dịch từ tiếng Gà ra tiếng Việt): " Vừa đau vừa rát! Tổ sư thằng ác! Vừa đau vừa rát! Tổ sư thằng ác!" . Bọn gà nhép cũng líu ríu quanh mẹ, liên mồm kêu than: " Khiếp! Khiếp!" . Chú chó vện sợ tái mặt chạy biến ra nấp sau hàng rào nhưng vẫn to mồm: " Đâu đâu, thằng ác đâu?".
Ném một cái nhìn đầy khinh bỉ cho cả đám thần dân trong cái khoảnh sân nhà, sau khi đã xong việc gã hung thần vỗ cánh phành phạch tạo ra những luồng gió thổi bạt cả lá cây, bay lên đậu trên cây rơm, ngửa cổ kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt giời, gào lên vang cả xóm như thách thức: " Cuộc đời này chỉ có thế mà thô... Ô... Ô... i" . Bạn biết không, lúc đó trong tôi dâng lên một cảm giác ghen tị và kính phục ghê gớm đối với gã gà trống côn đồ nhưng hết sức oai vệ kia
Buổi tối, ông chú tôi làm giỗ bố vợ, mời mấy ông bạn cùng cánh thương binh sang uống rượu. Hồi nhỏ, cũng trong một đám giỗ tôi đã có lần chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa của mấy ông già ở quệ Sau hồi dạo đầu với những lời lẽ rất mực lịch sự, kiểu như: " Ối giời, quí hoá quá được cụ lại nhà chơi" ," Mời cụ xơi tạm bữa cơm rau dưa với gia đình" ," Rước cụ xơi cơm" .. Bữa cỗ ấy lẽ ra kết thúc một cách thắm tình hữu nghị nếu sau dăm tuần rượu các ông già không dở chứng xoay sang nói chuyện thời sự quốc tế. Có ông khăng khăng bảo Mĩ giàu mạnh hơn cả Liên xô và Trung Quốc cộng lại vì có nhiều đô lạ Lập tức mấy ông kia thì dứt khoát bảo ông này là ngu, vì Liên xô có bom khinh khí, và Trung Quốc thì có hẳn tám trăm triệu dân. Đích thị là phải mạnh hơn chứ lị. Lời qua tiếng lại, hai ông suýt nhảy vào vặt râu nhau nếu như không có người can. Thấy bảo sau đó không thèm sang nhà nhau ăn khoai lang, uống nước chè xanh, hút thuốc lào và nói chuyện thời sự quốc tế nữa. Vốn đã được may mắn chứng kiến tấn bi hài kịch ấy, nên tôi thường có cảm giác ngài ngại mỗi lần ăn cỗ quê mà lại phải ngồi cùng mâm với mấy ông già chỉ quanh quẩn sau luỹ tre làng với con trâu, cái cày mà toàn nói những chuyện ở tận châu Phi với châu Mĩ.
Lần này cũng vậy, vừa liếc qua đám bạn trông không giống ai của ông chú với đống nạng gỗ, chân tay giả vứt ngổn ngang giữa nhà, tôi đã cúi rập đầu chào rất lễ phép và tính nước nhảy xuống mâm dưới ăn chung với đám đàn bà, trẻ nít. Ông chú nhanh như chớp, tóm vai ấn tôi ngồi xuống rồi giới thiệu:
- Đây là thằng cháu làm nhà báo ở nước ngoài mới về.
- Ối giời, quí hoá quá. Mời anh ngồi xơi bữa cơm rau với chúng tôi.
Thấy đoạn mở đầu nghe có vẻ quen thuộc, tôi bắt đầu chờn chợn. Tính nước ăn ù mấy miếng rồi kiếm cớ để chuồn. Chợt một ông thò cánh tay duy nhất cầm cái đùi gà bỏ vào bát tôi:
- Mời anh ăn thịt thằng Xát đam Hút xên này.
Thấy tôi đương mắt tròn mắt dẹt vì không hiểu sự thể ra sao, thì một ông khác kéo ống quần lép kẹp lên lau miệng rồi rung đùi giải thích:
- Ấy, chúng tớ gọi con gà đực này là " Xát Đam Hút Xên" vì nó là một thằng độc tài, ác ôn hơn cả cái " anh" Xát đam ở " i dắc" kia đấy. Cậu không biết bọn gà trong nhà này khổ với nó thế nào đâu. Gà mái thì con nào cũng bị trốc hết da đầu, thậm chí chảy cả máu. Lũ gà trống còn khổ hơn vì bị nó đánh cho lên bờ xuống ruộng, thằng gẫy chân, thằng chột mắt, cứ như đám thương binh bọn tớ đây này. Khổ thân các chàng, không dám bén mảng đến chỗ mấy chị gà mái, chỉ khi nào thằng ác ôn đi ngủ thì may ra các chị kia thương tình có cho làm được cái nào thì được. Còn không toàn phải sang bên hàng xóm đánh dậm hết đấy. Đến con chó vện còn bị nó đá cho ngã dúi dụi nữa là! Hà hà!
- Hừ, lẽ ra phải gọi là Kim Châng In thì mới đúng. Vì cái " anh Xát đam" kia chưa ăn nhằm gì so với bố con tay Kim Nhật Thành đâu. Cả mấy chục triệu dân bắc Tiều tiên bị bố con nó o ép sống dở chết dở đến mức không có cả cỏ để mà ăn nữa cợ Một bác đeo kính đen kít vừa rờ rẫm tìm chén rượu vừa đủng đỉnh.
Tôi hốt hoảng nhìn quanh theo một thói quen cố hữu. Không có ai cả ngoài mấy bác cụt giò bể gáo bạn chú tôi. Chà, mấy ông này mạnh mồm quá, nói toàn những chuyện mà không mấy báo chí trong nước dám đưa tin, vì thuộc loại đề tài " tế nhị" , " cấm kị" . Chả là hai cái ông vừa nêu trên thuộc loại " những người bạn lớn của nhân dân ta" . Mà lạ thực, mấy cha này lấy đâu ra những thông tin chính xác như thế nhỉ? Rõ ràng là các bố ấy có đi nam về bắc gì đâu. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trên chiếc xe lăn, lọc cọc đôi nạng gỗ, thỉnh thoảng thiếu tiền uống rượu lại hè nhau vác lựu đạn ra đường quốc lộ chặn xe xin đểu thôi mà...
Thấy tôi ngơ ngác như quạ vào chuồng lợn, một bác hỏi bằng cái giọng nghe đã lộ rõ vẻ chán chường:
- Thế cậu ở nước ngoài mà không biết gì ư? Sao mặt cứ đực ra như ngỗng ỉa thế? Không xài in te nét (Internet) à?
- Dạ có.
Tôi đờ đẫn trả lời bằng một thứ giọng không mấy tự tin, vì bắt đầu thấy câu chuyện mang đầy màu sắc kì bí.
-Vẫn cập nhật thường xuyên đấy chứ? À, mà cậu dùng loại còm piu tờ thế hệ gì, " pen ti um" ba hay bốn?
Một bác hất hàm với tôi sau khi đã cúi khom người dùng chân kẹp chiếc thìa húp một cách rất điệu nghệ thìa nước sáo.
Tôi choáng váng và cảm thấy sắp ngã, bèn xoải hai tay ra theo kiểu cóc ngồi cho vững. Mẹ kiếp, không lẽ mình say rượu? Mà đã uống được mấy đâu? Rõ ràng là tửu lượng của tôi dạo này cũng lên... mồm lắm rồi kia mà?
- Thế cậu nghĩ sao về tình hình Idắc hậu Xát đam. Liệu hai phái " sai a" (shia) và " su ni" (sunni) có oánh lẫn nhau không?
Đến đây thì tôi thực sự choáng và nghĩ có lẽ là mình say mất rồi. Giả sử câu chuyện này được nói ra từ một nhóm người Việt hải ngoại hoặc là đám trí thức mạnh mồm nào đó trong nước thì chẳng có gì đặc biệt lắm. Đằng này nó lại được phát ngôn từ mấy ông chân đi chấm phảy, cụt tay, chột mắt suốt ngày bất mãn ngồi chửi đời. Tôi vẫn thường tự hào về cái vốn hiểu biết chính trị uyên bác của mình. Ở bên kia ngày nào cũng ngồi mọc rễ trước máy tính, mỗi tháng trả tiền nối mạng qua modem cả trăm đô muốn oải luôn. Vậy mà nghe chừng không khá hơn mấy ông bác này là bao. Bỗng nhiên tôi cảm thấy tự ti quá đỗi.
Thấy tôi lúng búng như ngậm hột thị, mấy ông thương binh cười khẩy, không giấu nổi vẻ coi thường cái thằng mang tiếng là dân báo chí từ nước ngoài về mà chả biết đếch gì. Để gỡ thế bí cho thằng cháu, chú tôi chuyển đề tài:
- Tình hình thị trường chứng khoán hôm nay có gì mới không các cụ?
- Có đấy! Giá đô tăng, dầu giảm. Về chỉ số chứng khoán thì thằng " Đao Giôn" (Dow Jones) tăng 2,5%, còn thằng Nét xì đắc (Nasdaq) tăng 2,78%.
Một bác cụt cả chân lẫn tay ngồi gọn lỏn trên chiếc xe lăn cướp lời rồi há to mồm cho ông bạn còn một tay nhét hộ vào miếng thịt.
Thế này thì quá lắm rồi! Tôi đút ngón tay vào mồm cắn một phát rõ mạnh. Đau điếng! Rõ ràng là mình đương thức chứ đâu có ngủ mệ Tôi căng mắt nhìn kĩ lại một lần nữa xem mình đang ở đâu. Đúng là tôi đương ngồi với mấy ông trông không giống ai, ông thì thiếu tay, ông thì không thèm có chân ở một cái làng nhỏ bên đê sông Hồng. Tại sao các ông bác này nói toàn những tin mới thế nhỉ. Mồ hôi vã ra như tắm, tôi nhai nuốt trệu trạo như trâu nhai rơm, nhìn mọi vật như nhoà đi. Lấy hết can đảm, tôi ghé tai ông chú hỏi nhỏ:
- Chú sắm máy tính bao giờ vậy?
- À, cũng lâu lâu rồi.
Ông chú đáp gọn lỏn, nhìn tôi cười bí hiểm.
Tôi lại đảo mắt một vòng như rang lạc. Không, tuyệt đối không một vật gì trong căn nhà ọp ẹp này có hình dạng gợi cho ta liên tưởng đến computer. Hay cha này xài laptop nên mình không nhìn thấy? Tôi phân vân. Không lẽ? Nhưng ông chú tôi làm gì có tiền mà chơi sang như vậy? Vẫn phải chạy ăn từng bữa kia mà.
Như đoán được ý tôi, ông chú hỉ mũi một cái rồi rung đùi:
- Lát nữa chú bật máy tính cho anh xem. Tha hồ mà truy cập tin tức.
Đoạn nhìn mấy ông chiến hữu nháy mắt một cái đầy ý nghĩa. Mấy ông kia, trừ ông đeo kính đen, cũng đáp lại bằng một cái nhìn tinh quái.
Kém miếng khó chịu, tôi lao vào tranh luận và lại thêm một phen giật mình. Quả thật mấy ông cụt giò bể gáo này có vốn hiểu biết chính trị, thời sự thế giới trong và ngoài nước khá cơ bản. Điều đáng nói nhất là có rất nhiều chuyện đài báo trong nước không thấy nói hoặc cố tình dấu nhẹm mà các bố ấy cũng rất rành cả... sáu câu vọng cổ. Đến lúc người tôi nóng ran như có kiến bò vì cái sự thắc mắc đã lên đến cao độ, thì vừa may, ông chú liếc nhìn đồng hồ rồi vỗ vai tôi:
- Thôi, cho anh xem in te net của chú nhé. Cái in te nét của chú nó không hề tốn kém như của anh nhưng lại cực kì hữu hiệu. Nhờ có nó mà những thằng vừa tàn tật vừa nghèo kiết xác ở cái xứ quê kệch như bọn chú vẫn biết những gì đang xảy ra trên thế giới từng ngày, từng giờ, và điều quan trọng nhất là vẫn biết mình đang còn sống. Nó đây!
Nói đoạn, ông nhoài người cúi xuống gậm giường lôi lên một cái vật vuông vuông buộc lạt chằng chịt như một chiếc bánh chưng. Ở một đầu của nó thò ra sợi dây đồng vắt lên tận trần nhà. Ông thành kính đặt cái vật ấy lên giữa bàn rồi thò tay ấn một cái, đoạn đập nhè nhẹ vào nó mấy phát. Ồ, hoá ra là một cái radio cũ rích đã bị nứt cả vỏ. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì một giọng quen thuộc vang lên:
- Đây là đài BBC Luân đôn. Nguyễn Giang và toàn thể ban Việt ngữ xin kính chào quí vị thính giả.
Warsaw lễ Phục Sinh năm 2003
P.S. Đoạn cuối của truyện đã phát trên BBC Vietnamese.com , tác giả tự đọc trước máy. Mời các bạn nghe theo địa chỉ :
http://www.bbc.cọuk/vietnamese/rams/globalpot.ram
Hết