Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chuyện thằng Chanh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6688 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện thằng Chanh
Trần Hoài Văn

Cơn mưa rào đầu hạ sầm sập đến thật nhanh. Phút chốc khu chợ sân vận động ngập chìm trong biển nước trắng xoá. Gió rít lên ầm ầm, bật tung cả loạt dãy ô che trên những tấm giường bạt xiêu vẹo phủ đầy hàng hoá. Một vài chiếc áo váy treo mẫu chưa kịp thu dọn bị gió cuốn phăng lên cao rồi rơi phịch xuống dòng nước đen ngòm đang cuồn cuộn chảy về miệng cống.
Ngán ngẩm nhìn dòng nước xiết lềnh bềnh rác rưởi, Chanh đứng thu mình trú mưa dưới mái nhà tôn. Đói rồi đây, mưa gió thế này thì còn ai bán gì được để cho hắn còn tranh thủ làm vài cuốc “tắc-xi”(#1) lấy tiền ăn, tiền nhà hôm nay. Suốt từ đầu tuần trời đất sụt sùi, chợ đã kém lại càng kém. Mặt ai cũng dài ra, đanh lại. Các "soái"(#2) nẫu người nhìn những kho hàng ngổn ngang, nhiều thứ nằm “đắp chiếu” từ năm ngoái, năm kia đã mốc lên, mục ra. Bán như cho mà không ai thèm mua, để thì chết tiền kho, tiền bảo vệ, tiền hối lộ cảnh sát, phòng thuế mỗi đợt kiểm tra. Trăm thứ bà rằn, bỏ thì thương, vương thì tội.
Dưới các soái, tình cảnh của những người bán hàng cũng trăm phần bi đát. Đã từ lâu, nụ cười thu hoạch mỗi khi trúng quả không còn chỗ để nở trên gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió, bão tuyết của họ. Không còn cái cảnh ngày ngày tan buổi chợ, vợ tíu tít giục chồng mau mau đi đến hãng Thổ, hãng Tàu tranh “quả hàng” ngon về nạp đầy kiốt cho buổi chợ sau, còn mình thì tất tả ra chợ kiếm cân thịt ngon, con gà béo, hoặc tạt qua cửa hàng Châu á mua ít đồ biển, rau thơm, tối đến cả nhà xì xụp quanh nồi lẩu thơm lừng, nóng sốt. Riêng phần “bố cháu”, các bà cũng chẳng quên mua cho dăm đồng rượu Vốt-ca về đổ vào bình ngâm với mấy đôi cá ngựa đã co quắp ôm nhau nằm chờ sẵn. Cái của này thế mà tốt đáo để, bố cháu thêm chân cứng đá mềm, tối tối lại gảy khúc “tích tịch tình tang” làm vui lòng bu cháu. Bây giờ sáng sáng họ ra mở kiốt ngồi đến mười hai giờ trưa, đóng cửa kiốt rồi ai về nhà nấy, như một nghĩa vụ. Bởi ngồi nhà chẳng biết làm gì, chỉ ăn thâm vào vốn. Cứ ra chợ, biết đâu... Vả, ở nhà cũng buồn, bật vô tuyến thì toàn tiếng tây, xem một lúc chả hiểu gì, chán. Ra đường thì sợ cảnh sát vồ, có bao nhiêu tiền nó lột sạch. Lơ mơ nó còn đấm cho hộc máu mồm, chả dại! Cảnh chợ buồn như đám ma, hình như không bán được hàng, các bà cũng chẳng còn khoái cãi nhau như trước. Mấy mụ hàng quà rong đẩy xe đi lại như điên, rao khản cổ họng mà chỉ nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm. Mới hôm trước, cả đội tắc-xi cửu vạn của hắn được chén chùa một bữa no nê xôi chè. Hàng ế mà. Không bán được thì vứt bố nó đi chứ hi đâu mà lại tốn tiền tắc-xi chở về. Thôi, các chú ăn đi, chị không lấy tiền đâu. Tội nghiệp, toàn thanh niên sức dài vai rộng, ra sân từ mờ sáng, chắc đến giờ chưa được miếng nào vào bụng. Đói run lên rồi còn gì, chị bán xôi nhìn bọn hắn thương hại.
Mà đói thật. Đã nhiều hôm, hết đứng vêu mõm, lại nằm khèo trên chiếc xe kéo mà chẳng có ma nào thuê chở hàng. Cái dạ dày bất trị của tuổi 25 lại hăng hái réo lên làm khổ hắn. Hút bao nhiêu thuốc, nuốt bao nhiêu nước bọt mà nó chẳng chịu im cho. Mẹ kiếp, giá mà túm cổ được cái dạ dày nện cho nó mấy cái thì hả quá, hắn ước thế. Cực chẳng đã, mấy lần thò tay vào túi định lôi tám đồng bạc sà vào hàng phở, làm một bát thật nhiều bánh, nhiều nước, ít thịt thôi cũng được. Tần ngần một lúc, đến cửa quán rồi hắn lại quay ra. Tám đồng bạc, chỗ tiền này mua được mấy lít sữa tươi, chục trứng, cái bánh mì to tướng và gần chục cân khoai tây, có mà ăn được mấy ngày, vừa đủ chất, vừa no cái dạ dày. Chứ bát phở, ngon thì ngon thật, nhưng với cái sức trai đang tuổi ăn tuổi lớn như hắn thì thấm tháp gì, chỉ đái một cái là đâu vào đấy.
Nhân nói chuyện đái, hắn cũng khổ với nó không kém như khổ với cái đói. Nhiều lần hắn phải nót bụng chạy như bay từ khu PKS lên tận đường tàu(#3) để trút bầu tâm sự. Bởi ở PKS, giá một phát đái là một đồng, trên đường tàu chỉ có năm hào thôi. Ra chợ từ mờ sáng, nhiều hôm đứng đến tận 2, 3 giờ chiều, đi không dưới 3 lần. Bỏ rẻ một tháng cũng mất tới gần bốn chục bạc cho cái sự bài tiết. Chúa ơi, bốn chục bạc đổi ra tiền Việt là một trăm bốn mươi ngàn đồng. Số tiền này đủ cho mẹ và hai em gái hắn mua thức ăn cả tháng ở cái xứ đồng quê chiêm trũng xa xôi ấy. Phải tiết kiệm, hắn tự nhủ. Về sau, thấy dân Ba Lan rất khoái úp mặt vào gốc cây hay bờ tường, dân ta cũng hưởng ứng theo nhiệt liệt, thế là cái sự giữ gìn thể diện dân tộc trôi vèo theo dòng nước nóng hổi năm mươi xu. Để ý thấy trong đội quân “tưới đường” đấy cả những vị “lão tướng”, đi xe đẹp, tiền nong rủng rỉnh, luôn nói chuyện bằng một thứ giọng rất sang, hắn tặc lưỡi: Đến cái thằng giàu có ức triệu mà vẫn tiếc một đồng, thì cái thứ dân đen trên răng dưới củ cải như hắn quyết không được hoang phí! Nghĩ vậy, hắn thấy người nhẹ nhõm quá, thanh thản quá và đái một cách rất phấn khởi, tự tin vào cái gốc cây tội nghiệp.
Ôi, giá như ở quê hắn, người ta biết được cuộc sống thật của những thằng như hắn ở bên này cực khổ làm sao, thì họ đã không bán trâu bán bò, thế chấp nhà cửa để sang làm trâu ngựa ở cái xứ xa lạ này. Hồi còn ở nhà, cái tên nước Ba Lan hắn thỉnh thoảng cũng nghe đài báo nhắc đến. Qua những tiết học địa lý thế giới hồi phổ thông của thầy Hùng (ông thầy hay bắt hắn lấy lông gà thông sạch nõ điều để thầy rít thuốc lào cho thật kêu, thầy bảo thế mới khoái), hắn cũng biết Ba Lan ở Châu Âu, cạnh Liên Xô và Đức. Mấy lần đến nhà thờ xứ, hắn được biết cái ông già tây trong ảnh mắt nhìn xa xăm, đầu đội mũ vải bèn bẹt như chóp quả dưa hấu đó chính là Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ nhị, người Ba Lan. Kiến thức của hắn về Ba Lan chỉ đến thế. Hắn có bao giờ dám nghĩ đến chuyện có một ngày, hắn -cái thằng Chanh quê mùa sẽ từ giã con trâu, cái cày, luỹ tre xanh mướt suốt ngày soi bóng thướt tha bên dòng sông Châu hiền hoà để sang cái xứ xa lạ ấy...
Cho đến một ngày, cả cái làng đạo bình yên của hắn xôn xao, tấp nập hẳn lên khi thằng Trương con ông Tuần từ Ba Lan về. Người làng rỉ tai nhau, các bà tụm năm tụm ba thì thào to nhỏ, các ông nhắc đến Ba Lan nhiều hơn trong phần “Thời sự quốc tế” bên ấm chè xanh, mơ màng trong làn khói thuốc lào. Hắn nghe họ đồn đại nhiều lắm, dững là thằng Trương mang về bao nhiêu đô la cho bố nó xây nhà mái bằng, mua cửa hàng ở tận ngoài thị trấn cho chị và em gái bán hàng, dẫn ông bà Tuần lên tận phố huyện, may cho ông hai bộ complê rất đẹp ở hiệu may “ánh sáng thế kỷ” của hai vợ chồng đi lao động xuất khẩu ở Liên xô về, cho bà mấy bộ áo dài gấm, khăn nhung the đội đầu, vòng vàng, xà tích để bà đi lễ nhà thờ; rằng anh em họ hàng xa gần, cháu chắt... ai cũng có quà hết. Người nhiều trăm nghìn, kẻ ít cũng được vài chục. Trẻ con lối xóm mỗi đứa được mấy quả bóng xanh đỏ, thi nhau phồng mồm lên thổi đến rách cả môi, vài cái kẹo ngậm từ sáng đến trưa mà vẫn không tan.
Chưa hết, thằng Trương bỏ tiền ra thuê người gánh đất, đắp lại mấy chục mét đường trước cửa trụ sở UBND xã, hai bên đường trồng dăm ba cây phi lao, bạch đàn. Trên cây có treo một cái bảng gỗ to tướng kẻ màu sắc sặc sỡ, trông rất vui mắt, ở giữa nắn nót đề mấy câu thơ ca ngợi nhà hảo tâm Phí Văn Trương. Đình chùa, miếu mạo tên của Trương đều được ghi rất to, rõ ràng trong danh sách bia công đức. Có lẽ chiêu kinh dị, độc đáo nhất là việc Trương mò lên tận nhà văn hoá nhân dân huyện mời đám chèo về diễn hai đêm cho dân toàn xã xem không mất tiền. Nào là Xúy Vân gỉa dại, Thị Mầu lên chùa, Nhị độ mai, Chiêu quân cống hồ,... , thôi thì đủ cả. Dân làng sướng mê đi. Các bà, các cô thổn thức khóc như điên, ngất lên ngất xuống cùng cảnh đời cơ cực, nỗi oan trái cay nghiệt của các nàng Xúy Vân, Thị Kính... Các ông háo hức nhìn như nuốt lấy cái miệng xinh xinh đang tuôn ra những lời châu ngọc, đôi mắt huyền có hàng lông mi giả tuyệt đẹp đang chớp lấy chớp để cho nước mắt kịp chui ra của các cô diễn viên phố huyện; lòng thầm buồn tê tái khi đánh mắt nhìn sang, bắt gặp ngay cái hàm răng vẩu đen sì của mẹ đĩ đang khóc nấc lên theo nhịp trống chèo. Lũ trai làng đầu dấp nước lã bóng nhoáng, có anh còn hơ liềm vào bếp lửa sấy cho quăn tóc, diện những chiếc áo trắng nhất, những chiếc quần xanh công nhân mới nhất, miệng phì phèo thuốc lá, tay cầm đèn pin đi lại loanh quanh, lăng xăng chỗ đám con gái non đang đứng tụm năm tụm ba; thỉnh thoảng lại cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp mỗi khi bị các gã trai trêu ghẹo. Chỉ có đám trẻ con là vô tư lự nhất. Chúng chẳng khóc nấc như bu, chẳng mơ màng, nuối tiếc như thầy, chạy nhảy một lúc, chúng nằm ngủ ngon lành trên bãi cỏ êm dưới bầu trời đầy sao mùa hạ, bỏ ngoài tai tiếng la, tiếng khóc, tiếng sáo, nhị, tiếng trống chèo inh ỏi.
Trước hôm lên đường, Trương làm đến dăm mâm rượu thịt chó liên hoan với lũ trai làng. Dĩ nhiên là có mặt Chanh, bởi trước kia Trương là bạn học cùng với Quất, anh trai hắn. Vả lại thuở Trương còn ở Việt Nam, Chanh nhiều lần đi theo phụ hắn chở gà chở chó bán khắp các chợ trong tỉnh.
Những cái đầu dấp nước lã bóng nhoáng đến đầy đủ và rất đúng giờ. Chẳng khách sáo gì sất, Trương sai người trải chiếu ra sân gạch cho các gã trai ngồi, hắn bảo:
- Mấy hôm nữa tao đi rồi, lâu lắm mới gặp lại chúng mày. Hôm nay gọi là có chén rượu nhạt, anh em mình chia tay. Chén đi!
Những cái áo trắng nốc rượu ừng ực như chó uống nước gạo, tiếng nhai thịt chó nghe rào rào, nghe rõ cả tiếng xương sụn giòn tan. Sau dăm tuần rượu nếp thượng hạng, khi cái dạ dày cũng đã lưng lửng, lũ trai em bắt đầu hỏi Trương đủ điều. Trương kể: “Sang Nga lao động được mấy năm. Đói quá, tao theo bọn bạn chạy sang Ba Lan bán quần áo. Sáng ngủ bảnh mắt đến tám giờ, dậy uống một cốc sữa nóng, ăn mấy lát bánh mì bơ và phó mát, vài lát thịt hun khói. Sau đó xuống nổ máy quả Mẹc-xê- đì phóng ra trước cửa nhà thờ, bật đít xe lên, chờ sẵn. Một lúc sau dân Ba Lan từ nhà thờ đi ra xúm vào mua như tranh, như cướp, tao chỉ việc đứng thu tiền. Loáng một cái, hàng để trong cốp xe hết vèo. Bỏ rẻ mỗi hôm cũng kiếm được vài trăm đô lạ” Nghe đến đây, lũ trai làng ồ lên kinh ngạc. Trời ơi, mấy trăm đô la, nghĩa là mấy triệu tiền Việt mà nó kiếm trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ở cái xứ chiêm khê mùa thối này thì có làm quần quật cả đời cũng chưa chắc dành dụm được chừng ấy. Chả trách nó giàu là phải. Trương còn kể nhiều lắm. Lũ trai tròn mắt há miệng ra nghe như nuốt từng lời. Trí tò mò của chúng bị kích thích lên đến đỉnh điểm, khi Trương chuyển đề tài sang chuyện gáI Tây. Hắn bảo:
- Bọn gái Tây đẹp lắm. Tóc vàng như rơm. Da trắng mịn, sờ vào mát như lụa, người mập mạp, đẫy đà, thơm phức. Trông chỉ muốn cắn cho một miếng. Háng rộng, mông nở, vú to rắn chắc như cái bánh mật ấy.
Các gã trai sướng run lên, nuốt nước bọt ừng ực, không ai bảo ai, anh nào anh nấy đều lén đút một tay vào túi quần. Thấy các chú nhóc ba hồn bảy vía đã trên tít chín tầng mây. Trương càng được thể uốn ba tấc lưỡi, thỉnh thoảng lại nói một vài câu tiếng tây, ngứa cổ lên trời cười như máy nổ, các gã trai chả hiểu mẹ gì nhưng cũng nhất loạt khầng khậc cười theo.
Tiệc rượu tàn trong không khí vô cùng bùi ngùi lưu luyến. Bọn trai em ai về nhà nấy, trong đầu luôn lởn vởn những bộ ngực bốc lửa, cặp đùi dài, trắng nõn, đôi môi mọng chín và chợt đau như xé lòng khi nghĩ đến con trâu cái cày đang chờ đón các gã ngày mai...
Rồi mọi việc lại trở về nếp cũ ở cái làng quê nghèo ấy. Các bà các cô sớm sớm ra đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, lầm lũi, nhẫn nại cấy lúa dưới cái nắng hè sôi cả nước để làm ra hạt gạo cho đời. Các ông vẫn rít thuốc lào tanh tách, phả khói inh lên, thỉnh thoảng lại chiêu một ngụm chè xanh đặc quách, đùi rung tít nói chuyện “Thời sự quốc tế”. Bọn trai em thằng ở lại làng bám ruộng chiến đấu ngày ngày, thằng đi làm phu hồ ngoài tỉnh, thằng mò lên tận Narì đào vàng, thằng đứng lang thang ngoài chợ người trên Hà Nội, bán sức lực kiếm miếng nuôi thân. Mỗi khi gặp nhau ở làng, chúng vẫn tụ tập rượu chè giải sầu. Mỗi lần nhắc đến thằng Trương, mắt chúng lại sáng lên, chúng mơ màng về cái xứ trời Âu rất xa ấy, nơi mà vườn địa đàng cũng không thể sánh được, nơi có những nàng tiên da trắng, tóc vàng, tóc nâu, đẹp như thiên thần, rừng rực như lửa địa ngục, thơm ngon như trái táo mà đã hơn một lần chúng gặp trong giấc mơ đầy nhục dục...
Đến một hôm, vừa ngoài đồng về, Chanh bị Ông anh triệu tập khẩn cấp sang nhà ông trưởng họ, đồng thời cũng là bác ruột của hắn. Sau vài tuần trà, bác trưởng nhìn hắn trìu mến: “Chanh ạ, bác đã bàn với cả họ rồi. Thầy cháu phận mỏng, chết sớm, để lại bu cháu và mấy đứa chúng mày nheo nhóc. Cả họ sẽ góp tiền cho cháu sang Ba Lan chỗ thằng Trương. Cháu sang chịu khó phấn đấu cho bằng anh bằng em, mau chóng kiếm tiền giả nợ cho họ, nuôi bu và các em. Được như vậy, thày mày ở nơi chín suối chắc cũng hởi lòng hởi dạ”. Bất ngờ quá Chanh chẳng hiểu mô tê gì. Khi hiểu ra, hắn mừng vui khôn xiết, lắp bắp mãi mới nói nên lời cảm ơn ông bác nhân hậu và dòng họ đầy tình nghĩa của hắn.
Sau hơn nửa năm trời, như đèn cù từ quê ra Hà Nội, từ Hà Nội về quê với 1001 lời hứa hẹn, người ta cũng lo xong cho hắn được tấm hộ chiếu đi CHLB Nga. “Đừng lo, chú em sang Nga sẽ có người đưa đón, chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng.Từ bên ấy sẽ làm thủ tục xin vida cho các chú vào Ba Lan. Sướng nhé, biết mấy nước một lúc. Bọn anh có mơ cũng không được”, gã đưa người cười ngoác đến tận mang tai, nháy mắt với Chanh một cách bí hiểm sau khi đã nhét xấp tiền vào trong túi.
Trước hôm lên đường, Chanh ra mộ thắp hương cho thầy. Mộ thầy hắn nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Đó chỉ là một đống đất lùm lùm bằng cái thúng đựng gạo, trên mọc đầy cỏ hoang, lẫn vài bông hoa vàng. Run run cắm ba nén nhang lên mộ, hắn nghẹn ngào qua dòng nước mắt: “Thầy ơi, con là thằng Chanh đây, thầy có nhận ra con không? Mai con đi rồi, đi đến một nơi xa lắm. Nơi ấy cuộc sống sung sướng, kiếm tiền dễ dàng chứ không vất vả như ở ta đâu, thầy ạ! Con đi dăm bảy năm, con sẽ về với thầy. Thầy nằm lại đây, giữa cánh đồng này, dưới bầu trời này. Xin thầy hãy yên nghỉ. Con về sẽ xây cho thầy một cái lăng mộ thật to, thật đẹp ở một nơi cao ráo, thầy sẽ không phải ở cái nơi bùn lầy nhão nhoét này mãi đâu... ”. Hắn khóc nấc lên, phủ phục xuống đống đất. Trời hôm ấy rất trong, rất xanh, không một gợn mây, bỗng đâu vang lên một tiếng sấm.
* * *
Cuối cùng, Chanh cũng sang được Ba Lan sau một cuộc hành trình lận đận, gian truân có đầy đủ cả: đói, rét, nước mắt, mồ hôi, đánh đập, hãm hiếp, lội sông,vượt biên giới... kéo dài ngót ba tháng trời.
Hôm thằng Trương lên đón, hắn mừng ứa nước mắt, tưởng mình đang mơ. Hai thằng đưa nhau về tỉnh, nơi Trương sinh sống. Trương bàn: “Mày về đi bán hàng với tao một thời gian cho quen tiếng, quen việc và kiếm ít tiền làm vốn. Sau đó sẽ tính tiếp”. Hắn bảo: “Vâng, trăm sự nhờ anh. Em ở nhà chỉ biết đi cày, một dạo cùng anh buôn chó buôn gà thôi, chứ chẳng biết làm gì nữa”. Trương cười: “Thì cái này cũng như buôn chó buôn gà thôi. Nghĩa là mua ở chổ bán rẻ, và bán ở chỗ có thể bán đắt. Có điều đây là quần áo, giày dép. Đi vài buổi sẽ biết”. Chanh nghe hơi yên dạ, song vẫn phấp phỏng lắm.
Hắn ở cùng với Trương. Thì ra Trương đã có vợ. Vợ Trương là một cô Tây to béo, phốp pháp, má lúc nào cũng đỏ hây hây, hút thuốc liên mồm. Hàng ngày, hắn và Trương đi chợ, vợ Trương ở nhà trong đứa con một tuổi. Hắn đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Làm gì có cái cảnh sáng ngủ bảnh mắt đến 8 giờ, phóng xe Mẹc-xê- đì ra trước cửa nhà thờ, bán hàng cho dân Ba Lan như phát chẩn mà Trương kể hồi về Việt Nam. Hôm nào hai thằng cũng dậy sớm tinh mơ, những hôm chợ phiên thì phải dậy từ nửa đêm, đi xa cả trăm cây số mới đến. Trải giường bạt tranh chỗ với dân Ba Lan, cãi nhau ỏm tỏi. Chợ bán hôm được, hôm không. Ăn cắp nhiều như rươi. Hầu như buổi nào cũng có mấy bà chạy ngược chạy xuôi mếu máo tìm báo cảnh sát. Đi chợ rõ sớm, thế mà có hôm đến tối mịt mới về. Tịnh hàng xong, mệt lử. Những hôm lãi được một chút, hai thằng còn vui vui. Có nhiều hôm, trừ tiền xăng xe, vé chợ, ăn uống trong ngày thì vừa hoà, gặp hôm trời mưa đứng vêu mãi chẳng bán được gì thì âm nặng. Hai thằng nhìn nhau chán ngán. Uống vài chai bia, lăn ra ngủ như chết, để ngày sau có sức dậy sớm.
Mấy hôm đầu, Chanh để ý, hắn thấy Trương về nhà uống bia xong là lăn ra ngủ, chẳng thấy đi ra khỏi nhà. Ngăn không được tò mò, một hôm hắn hỏi: “Anh nuôi ngựa kiểu nào mà chẳng thấy cho nó ăn uống gì. Mà khẩu súng săn hai nòng của anh đâu, cho em xem với?” Trương ngớ ra: “Súng nào, ngựa nào?”. Sao hồi về phép anh bảo cứ chủ nhật hàng tuần anh lại cưỡi ngựa vào rừng săn bắn? Mà ngay cả chuyện bán hàng cũng vậy, sao anh em mình không ra trước nhà thờ mà bán cho nhàn. Đi xa vất vả quá mà không được mấy”. Trương cười phá lên: “Bịa, bịa tuốt. Tao nói phét mà chúng mày cũng tin à. Từ hồi sang đất Ba Lan này, cứ sáng sớm dậy đi bán hàng, tối mịt mới về. Tuần, hai tuần lên Vác lấy hàng một lần. Không có ngày nghỉ, không xem phim, không ca nhạc, không đi đâu cả. Bởi có hiểu mẹ gì đâu mà xem với xét. Chỉ thỉnh thoảng mấy thằng cộng tụ tập nhau lại bia rượu, say bét nhè rồi gọi điện đến hãng tìm gái thôi. Ngay cả cái con vợ tao đây này, tao quen nó mới được hai năm. Tao đi bán hàng ở chợ xa, nó cứ đi qua đi lại, sau đến làm quen. Tao biết tỏng là con nhà nghèo xơ nghèo xác, tưởng mình có tiền định tìm chốn nương thân vậy thôi, chứ yêu đưng mẹ gì. Mà không phải chỉ mình tao đâu. Phần lớn dân cộng mình bên này lấy tây đều vậy. Chỉ trừ một số ít các ông sinh viên thuộc thế hệ trước lấy vợ là xuất phát từ tình yêu. Hồi đó các ông ấy nghèo lắm, sang đây học chỉ có nhẵn một bộ quần áo của “chú Bửu”(#4) phát cho, tiền không một xu dính đít, ăn còn bữa đói bữa no thì làm gì có tiền bao gái. Nhưng họ vẫn được các cô gái Ba Lan đem lòng yêu thương, dâng hiến và tự nguyện gắn bó số phận mình. Vì sao? Trước hết họ là những tinh hoa, chất xám của đất nước, họ thực sự có đầu óc, có khả năng. Vả lại thời đó đang có chiến tranh, người ta dễ thông cảm với mình hơn. Còn bây giờ, nước nhà đã độc lập, nhưng người Việt vẫn phải bỏ nước ra đi ầm ầm. Nghèo thì đi đôi với hèn. Con dân của một nước nghèo rớt mồng tơi thì bị khinh thường là phải. Tao đây, một thằng ở nhà chỉ biết đi cày, khá lắm là thêm nghề buôn chó buôn gà nhưng biết bao nhiêu lần đã uất nổ con ngươi khi bị phân biệt, đối xử. Mày sang đây hơi muộn. Cuộc sống bên này bây giờ phức tạp lắm. Tây nó nhìn mình không ra sao, lý do khách quan tao vừa nói, còn chủ quan thì cũng có phần lỗi do người mình gây ra. Người Việt Nam mình đa phần chịu thưng chịu khó, đoàn kết, gắn bó. Song không thiếu những con sâu làm rầu nồi canh. Mày sẽ thấy tận mắt những điều tao nói hôm nay”. Đang thao thao bất tuyệt, giọng Trương trầm hẳn xuống, vẻ mặt hắn lộ rõ một nỗi buồn khôn tả. Chanh tròn mắt, há mồm nghe. Hắn thán phục thằng bạn lắm lắm. Không ngờ Trương ăn nói, nhận định đâu vào đấy. Nhìn kỹ thằng bạn, hắn thấy Trương già hơn, chín chắn hơn lần về Việt Nam ba năm trước nhiều.
Lẽ ra thì Chanh vẫn cứ ở dưới tỉnh bán hàng với Trương, bởi hắn cũng quen và hơi thinh thích cái việc bán hàng. Tuy phải dậy sớm thức khuya, đi ngày cả trăm cây số, nhưng so với việc đồng áng ở quê hắn thì chẳng thấm tháp gì. Hơn nữa, nhờ giời, hắn là thằng có sức lực. Những bịch hàng nặng mấy người lễ mễ khiêng, hắn vác băng băng. Những việc nặng, hắn giành làm tất. Từ ngày có hắn, Trương cũng đỡ vất vả mà lại vui, có người chuyện trò, tâm sự. Mỗi tháng, trừ phần tiền ăn, tiền nhà, hắn cũng để giành ra được ba bốn trăm đô. Tháng đầu tiên, khi nhận được tiền, hắn ngây người ra ngắm tờ bạc màu xanh mới coong, mân mê chán, hắn áp vào mặt, vào mũi, gại gại vào bộ râu mấy ngày chưa cạo. Hắn chợt nhớ ngày xưa khi thầy hắn còn sống, vào dịp tết khi mừng tuổi cho anh em hắn mỗi đứa một tờ “năm hào con lợn”, ông cũng cầm tờ bạc gại sồn sột vào râu. Hắn ước có được thật nhiều những tờ bạc ấy. Hắn sẽ dựng lại cho bu hắn một nếp nhà khang trang hơn, sẽ mua cho hai đứa em gái thật nhiều quần áo mới, sẽ xây cho thầy hắn một ngôi mộ thật to, thật đẹp. Còn phần hắn, hắn sẽ mua một nếp nhà nhỏ ngoài phố huyện. Hắn sẽ lấy vợ, một người vợ hiền thục, đẻ cho hắn một đàn con khoẻ mạnh. Ngày hắn sẽ đi làm (làm gì thì hắn chưa biết, nhưng chắc chắn không đi cày), vợ hắn ở nhà mở cửa hàng bán chè thuốc và trông con. Mỗi buổi chiều sau giờ làm, hắn sẽ không la cà với chúng bạn ở đâu, mà đi thẳng về nhà với đàn con, với vợ... Tối tối, những ước mơ này lại theo hắn vào giấc ngủ. Thường là hắn đánh thẳng một giấc đến khi nghe chuông báo thức mới vùng dậy...
Thế rồi một hôm, hắn và Trương sang ăn cơm bên nhà một người quen. Anh này làm giỗ bố, mời hơn hai chục người.Cả hội xúm vào đánh chén. Khi đống xương đã cao lùm lùm trên mâm và đám vỏ chai bia lăn lóc khắp nhà, sự ăn uống xem ra có chiều uể oải, cỗ bài được lôi ra và cuộc đỏ đen bắt đầu. Vốn không mặn mà gì với những trò này, Chanh về trước, vì hắn đã buồn ngủ díp mắt vào rồi. Trương ở lại sát phạt cùng đám bạc. Nhà Chanh ở cách đấy vài con phố nhỏ nên hắn quyết định đi bộ.
Đêm mùa hạ, trời đầy sao. Thong thả trải bộ dưới hàng cây sẫm tối, hắn hít căng lồng ngực cái không khí mát dịu, trong lành thơm phức mùi hoa mận, mắt dõi nhìn trời đêm. Chả khó khăn gì lắm, hắn nhận ngay ra chòm sao Thần nông như cái gàu sòng đang múc đầy ánh trăng vàng đổ vào đám ruộng sao nhấp nháy trên bầu trời đêm xanh thẳm. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà cuộn lên trong hắn. Hắn nhớ da diết cái làng quê nghèo yên ả , nhớ dòng sông Châu trong vắt hiền hoà; nhớ những đêm mùa hạ đầy sao như đêm nay, hắn và đám bạn nán lại ngoài sân kho sau buổi họp chi đoàn, ngồi nói chuyện dông dài, mơ ước về tương lai. Hắn thèm được vuốt ve suối tóc dài óng , đẫm hương sả, hương chanh của Nụ, cô bạn cùng xóm, thèm được gục đầu vào vai nàng; thèm khát cái mùi da thịt con gái quê trinh trắng... Lan man trong suy tưởng, hắn về đến nhà lúc nào không hay. Rón rén mở cửa để khỏi làm mất giấc ngủ vợ con Trương, hắn về phòng mình, trút bỏ hết bộ quần áo và đôi giày, ngã người xuống giường thiếp đi trong nỗi thèm khát da thịt đàn bà... Hắn mơ thấy Nụ. Nàng vồn vã, tình tứ quá. Đáp lại cơn thèm khát của hắn, nàng dâng hiến tất cả, đôi môi của hắn ghì chặt môi nàng, đôi bàn tay của hắn mặc sức tung hoành trên tấm thân nóng rực,lả đi, mềm oặt của cô gái quê. Hắn say sưa ngụp lặn trong bể dục. Những cơn sóng tình tuôn trào hết đợt này đến đợt khác trong cái cơ thể cường tráng của gã trai quê. Trong vòng tay hắn, Nụ Oằn oại, rên la kêu lên những tiếng gì không rõ, hình như là gọi tên hắn thì phải. Lên đến đỉnh điểm, khi cảm nhận được dòng phún thạch tràn đầy sinh lực, người đàn bà hét lên, mười ngón tay cào cấu lên tấm lưng trần ướt đẫm mồi hôi của Chanh...
Tiếng rên la và tấm lưng trần bị cào đến toạc máu làm Chanh tỉnh giấc. Hắn mở mắt, Chúa ơi, tấm thân trắng phau, đẫy đà đang đê mê trong vòng tay hắn không phải Nụ, mà là vợ Trương. Ả rũ rượi, đôi mắt xanh màu nước biển nửa nhắm nửa mở, mồm kêu lên những tiếng gì không rõ, say sưa liếm những giọt mồ hôi của Chanh đang nhỏ xuống mặt.
Qúa bất ngờ và sợ hãi, Chanh nhảy phắt xuống giường, luống cuống vơ chiếc chăn quấn ngang qua bụng. Người đàn bà khát tình nhào theo. Vừa lập cập chống đỡ, đẩy người đàn bà ra hắn vừa nghĩ đến Trương. Lúc này hắn chợt nhớ ra là Trương ở lại nhà thằng bạn uống rượu và đánh bạc. Chúa ơi, hắn có tội với Trương. Thu hết chút sức lực và lí trí trong cơn chống cự yếu ớt, hắn đẩy vợ Trương ngã xuống giường,rồi chạy ra đóng sập cửa nhà tắm lại. Mở hết cỡ vòi hoa sen, những tia nước phun xối xả, quất ràn rạt lên tấm thân trần truồng, nhơ nhớp, tội lỗi của hắn. Chanh khóc rưng rức, khóc như chưa bao giờ được khóc…
Những ngày hôm sau, Trương ngạc nhiên thấy thằng bạn mình thay đổi tính nết. Chanh lầm lì, ủ rũ, không còn đâu cái gã trai quê yêu đời, nhanh nhảu, hồn nhiên. Tưởng hắn ốm, Trương giành phần việc nặng, lại bảo hắn nghỉ chợ, ở nhà mấy hôm cho khoẻ. Hắn giãy nảy lên, không chịu. Hắn đang sám hối. Những lo lắng, ân cần của Trương càng làm cho hắn đau đớn, day dứt hơn. Mỗi lần bắt gặp cái nhìn thèm khát của vợ Trương liếc xéo vào hắn, hắn càng đau khổ. Phải đi thôi, hắn quyết định. Thế rồi trong một buổi chợ, hắn nói với Trương: “Anh ạ, em sang đây đã gần một năm. Được anh cưu mang giúp đỡ. Anh rất tốt với em. Nhưng em không thể làm gánh nặng cho anh mãi. Xin anh cho em lên Vác tìm kế sinh nhai. Em nghĩ kĩ rồi”. Trương gàn hắn, cố níu hắn ở lại. Song thấy không thể lay chuyển được thằng bạn, đành để hắn ra đi. Hai thằng chia tay nhau bịn rịn, bùi ngùi. Hắn ra ngay ga đáp tàu đi Vác.
Lên Vác, hắn mới thấy cuộc sống của dân mình khác hẳn dưới tỉnh lẻ. Mọi người đều bị cuốn vào guồng, lúc nào cũng chỉ tiền, hàng, làm quên cả sống. Với đồng vốn ít ỏi, Chanh hiểu rằng chỉ có bán sức làm trâu ngựa chứ chẳng còn đường nào khác. Hắn tậu một cái xe kéo, nhập hội cửu vạn với mấy anh đồng hương. Hơn chục thằng chen chúc nhau trong một căn hộ chật hẹp cho đỡ tốn tiền nhà. Bọn hắn nghèo, có thể nói là nghèo nhất trong cáI xã hội người Việt ở đây. Nhưng bù lại, anh em hắn sống vô tư. Bởi có gì để mà lo nghĩ, có gì mà sợ mất. Dậy từ nửa đêm, với câu thần chú “Uwaga”(#5), bọn hắn đi khắp chợ trong tư thế của một con trâu kéo cày. Đằng sau là chiếc xe với những thùng hàng ngất ngưởng. Vốn tính hiền lành, Chanh không cãi, chửi nhau với ai bao giờ. Thật thà, chân chất nên vào vụ hàng chạy, hắn làm không hết việc vì nhiều chủ hàng, khách hàng quí hắn, tin hắn.
Nhưng hỡi ôi, cái thời tươi đẹp ấy qua mất rồi, bây giờ chỉ còn lại những chuỗi ngày ế ẩm, chán chường, ăn cả vào vốn. Đến bao giờ, đến bao giờ hắn mới có ngày về đây?
Ê! Dậy đi mày, định nằm lì ở đây đến bao giờ nữa?
Chanh giật mình tỉnh giấc vì tiếng quát cộc lốc của gã Ba lan bảo vệ chợ đang đi kiểm tra ổ khoá các kiốt. Trời đã tạnh mưa. Mặt trời hiện ra chói lọi. Chanh lầm lũi kéo chiếc xe trong tiếng chim hót ríu rít và tiếng réo òng ọc của chiếc dạ dày gào lên vì đói.
Chú thích:
(1-) Ám chỉ những người làm nghề kéo xe chở hàng thuê ngoài chơ.
(2-) Ám chỉ những chủ hàng người Việt
(3-) Tên những khu chợ của người Việt tại Vac sa va
(4-) Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học thời đó
(5-) Chú ý, cẩn thận ( tiếng Ba lan)

Warszawa 8/2000

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 885

Return to top