Vài tuần lễ trôi đi. Cuộc sống của tiểu thư Rudeska biến thành một cuộc vật lộn giằng co giữa những thứ tình cảm khác nhau, mâu thuẫn nhau. Việc Edmun có mặt khiến nàng lo ngại, đẩy nàng vào tâm trạng bất an. Xtefchia thành thật giãi bày với phu nhân Elzonovska về Edmun, nàng nói thật với bà rằng việc gặp mặt gã khiến nàng rất khó chịu, nàng xin bà cho nàng thôi việc. Phu nhân Iđalia bày tỏ với nàng sự đồng cảm bằng tất cả chiến thuật khôn khéo của một bà lớn, nhưng không đồng ý để nàng ra đi. Vì lẽ Proninsky rất hợp ý bà, bà không nói lại nhưng lời đề nghị của Xtefchia với cha và Valdemar. Bà đoán được rằng cụ Machây sẽ tìm cách tránh cho Xtefchia khỏi bị đau khổ, và nếu chuyện này đến được tai Valdemar, anh chàng Edmun kia sẽ không thể tồn tại ở Xuodkovse được nữa. Mà phu nhân Iđalia thì không muốn gã phải ra đi. Với bà, chàng thực tập sinh trẻ, xinh trai, vui tính là một người bạn dễ thương trong các bữa ăn trưa và tối. Gã biết cách khéo léo ca ngợi bà, mơn trớn lòng tự tôn của bà, ngoài ra, là kẻ khéo mồm và nhanh trí, gã biết cách làm cho mọi người vui vẻ. Gã luôn môm ca ngợi Luxia và cảm thấy phu nhân Iđalia là người bạn và đồng minh duy nhất của gã nơi đây. Valdemar không thích gã và để lộ điều ấy quá rõ, cụ Machây cũng thế. Đối với Xtefchia, gã trở thành người dưng hoàn toàn. Gã nói năng lịch thiệp với Luxia, biết tỏng rằng bà mẹ cô thích thế. Còn chính bản thân Luxia thì thực ra gã không quan gi lắm. Gã không ngờ rằng những hành động nịnh hót của mình có thể gây ra ở cô bé một ấn tượng mà gã hoàn toàn không mong muốn. Như đã có lần nói trước, Luxia mê gã ngay từ đầu. Vẻ đẹp quả là hoàn hảo của gã cuốn hút cô, phần còn lại là những lời tán tụng và lòng sùng mộ gã dành cho cô - những điều mà cô chưa từng biết. Cũng vì vậy, quan hệ giữa cô với Xtefchia bị thay đổi. Vẻ tự nhiên của cô gái biến mất. Cô luôn luôn nhớ rằng Xtefchia yêu Edmun. Cô cảm thấy oán Xtefchia và lo cô giáo sẽ nhận ra tình cảm của mình. Xtefchia đoán được tất cả. Nàng lo cho sự yên ổn của Luxia, nhưng không thể nói thẳng với cô về điều đó, mà nói với phu nhân Iđalia thì nàng không dám. Chỉ còn lại mỗi cụ Machây, nhưng cô cũng không muốn cụ bị dày vò vì chuyện này. Chiến thuật và tính gian ngoan của Edmun khiến nàng phẫn nộ. Tất cả những chuyện ấy hợp lại khiến cho cuộc sống của nàng đầy lo phiền. Những chuyến viếng thăm của Valdemar mang lại cho nàng chút dễ chịu. Nàng đón chàng với niềm thích thú, khác hẳn mối ác cảm trước kia. Trước kia chàng châm chọc nàng, còn giờ đây chàng lại là người bảo vệ cho nàng chống lại Proninsky. Có mặt Valdemar, bầu không khí thật là thoải mái. Chàng đùa vui với tất cả mọi người trừ mỗi mình Edmun - kẻ mà trước mặt chàng đại công tử dường như bị thụt lưỡi, gã không còn dám ca ngợi Luxia, bởi biết rằng ông chủ trẻ không thích thế. Proninsky thở dài khoan khoái khi Valdemar đi, Xtefchia khoan khoái thở ra khi chàng tới, bên chàng nàng cảm thấy tự do hơn, ít cay đắng hơn. Những cuộc tranh cãi của họ vẫn tiếp diễn, nhưng cũng đã đổi khác, mang giọng đùa cợt chung nhiều hơn, giàu chất hài hơn, thậm chí tiếu lâm nữa, nhưng không còn pha lẫn sự cay độc trước kia. Có mặt Edmun, họ không bao giờ tranh cãi, điều mà Xtefchia phải hàm ơn Valdemar. Họ thường trò chuyện rất nhiều và say sưa cùng nhau. Trí thông minh và học thức của công tử khiến cô giáo trẻ thán phục. Nhưng để rồi sau mỗi lần chàng ra đi nàng lại phải chịu khổ gấp đôi. Edmun trả thù nàng bằng những lời đùa cợt khả ố để trả đũa lại việc nàng trò chuyện với Valdemar và việc hắn không được tham gia vào những câu chuyện đó, bởi họ thường đề cập đến những lĩnh vực và hắn ít hiểu biết. Vả lại, hễ có mặt đại công tử là gã thực tập sinh lại tịt mất khả năng đùa bỡn, đến nỗi phu nhân Iđalia cũng ít trò chuyện với hắn khi có mặt người cháu trai, mặc dù thường khi Valdemar cũng không được bà yêu mến lắm. Một hôm, sau bữa ăn trưa, Xtefchia đang chơi đàn trong phòng khách Luxia ngồi lọt thỏm trong ghế bành đọc họa báo thì Valdemar đột nhiên bước vào, mang theo một gói lớn. Luxia reo lên, bật dậy trước tiên: - Anh đến đấy à? … Hay thật là hay … Anh mang gì đến thế? Đại công tử chào Xtefchia. - Tôi mang đến cho cô nhưng quyển sách đã hứa. Cả Korynna và Đelphina của bà Đơ Xten (1), cả mấy tập thơ Bairơn nguyên bản, . Không rõ tiểu thý có vững tiếng Anh để đọc thõ không, chứ nói thì tiểu thý rất sõi .... - Tôi cũng nghe hiểu đýợc hết. Quả thực chýa bao giờ tôi đýợc đọc nguyên bản, nhưng xin thử xem sao, - Xtefchia cảm ơn chàng và đáp. - Lần khác tôi sẽ mang Hôraxy. Cô có muốn đọc tác giả nào thuộc nền văn học nước ta chăng? - Vâng, xin ông cho mượn Lam và Môkhnaski, nếu có. - Tất nhiên rồi, tôi sẽ mang đến cho tiểu thư cả Xkarga, Rei, cả Kôlôntai và bất cứ tác giả nào tiểu thư muốn đọc. Thư viện của tôi sẵn sàng tuân lệnh tiểu thư. - Hẳn thư viện của ông lớn lắm? - Tôi rất tự hào vì đó là một trong những thư viện lớn nhất trong nước. Nhưng xin lỗi, tôi làm dở dang bản nhạc của tiểu thư rồi. Chàng đứng bên đàn, lật giở vài trang vở nhạc và dừng lại ở bản Xônát thứ mười hai cung la giáng trường của Bethôven. - Xin tiểu thư làm ơn đàn bản này. Tiểu thư chơi xkeczô và hành khúc tang lễ tuyệt vời lắm. - Sao ông biết? - Tôi đã có lần được nghe, tuy tiểu thư không thấy tôi. - Ồ! Vậy thì tôi phải cẩn thận mới được! - Xtefchia cười, ngồi vào đàn. Valdemar đứng sau lưng nàng, nhưng đưa mắt nhìn sang bên cạnh và khi thấy Luxia đang mải mê đọc, chàng vỗ tay kêu lên: - Hô la! Cô bé, đó chưa phải là sách để cho cô đọc đâu! Luxia gập sách lại: - Anh với cô Xtefchia chán lắm! Em đã đọc cả Zôla (2) từ lâu rồi, thế mà bây giờ lại chẳng được đọc gì cả. Valdemar bật cười. - Cô học trò của tiểu thư đòi giải phóng đấy, phải không? - chàng nói với Xtefchia. - Hẳn rồi, sau khi đọc Zôla thì Miskiêvich (3) nhợt nhạt hẳn, chẳng khác chi một màn rối dạy luân lý sau khi đã xem một vở operet màu mè. - Anh nói thật đáng ghét! - Luxia phụng phịu đáp. - Kìa, Luxia, khẽ nào! Công tử chỉ đùa thôi mà! Valdemar hôn cô em họ. Cô bé giật tay chàng ra, chạy khỏi phòng. Xtefchia bắt đầu chơi đàn theo trí nhớ. Đại công tử ngồi xuống ghế. Chàng nhìn người thiếu nữ đang đàn hồi lâu, rồi tỳ trán vào lòng bàn tay, người thụt sâu vào chiếc ghế bành, bất động. Khúc andante mở đầu Xtefchia chơi không thật tập trung. Sự có mặt của Valdemar khiến nàng e ngại. Hai chân chàng đang gác chéo nhau. Nàng nhìn thấy đôi giày lịch sự có đeo cựa gót thúc ngựa của chàng bao bọc quanh đôi bàn chân thật sự quý phái, và không hiểu sao những thứ đó khiến nàng thấy khó chịu. Nàng chơi khúc biến tấu thứ nhất rất kém. Valdemar cựa người, bỏ tay khỏi trán, những ngón tay lướt nhẹ hàng ria theo cách rất đặc thù của chàng, môi hếch lên, nhìn nàng như dò hỏi. Cô gái trông thấy cử chỉ của chàng, cảm thấy ánh mắt của chàng và hiểu rằng chàng đã nhận thấy sự lơ đễnh của mình. Khúc biến tấu tiếp theo nàng chơi tốt, khúc thứ ba và thứ tư nàng chơi say mê với kỹ thuật điêu luyện, khúc thứ năm được biểu diễn với phong cách hết sức nghệ sĩ, chan chứa tình cảm, dường như nàng vừa đánh vừa nói lên thành lời… Tựa trán vào lòng bàn tay, Valdemar nghe mê mải. Xtefchia biến điệu khúc thứ năm, dường như nàng dùng những phím đàn thêu dệt những ngà ngọc gấm vóc. Những nốt nhạc dịu dàng êm ái như tuôn chảy với niềm nhung nhớ, đắm say, âu yếm vuốt ve nâng người lên chốn thảm xanh. Những hoà âm cuối cùng rên rỉ tuyệt vọng rồi đột ngột oà ra mau mắn như những hạt mưa vang bản xkeczô Tất cả các nốt trên bàn phím đều nhảy múa lên, như tiếng đập muôn cánh chim, như rào rạt những hạt mưa rắc bạc, tuôn ào ạt để chuyển thành khúc trio yên ả hơn. Những nốt nhạc lóng lánh cuối cùng ngân vang, rồi dần tắt. Một giây yên lặng rối bắt đầu cất lên bản nhạc tang lễ bi thương nhưng trang trọng. Vẻ trang nghiêm, sự đe doạ và sự hùng mạnh toả ra từ những phím đàn đang rung ngân. Mặt Xtefchia đỏ bừng, mắt nàng long lanh sáng, đặt vào từng nốt nhạc sức mạnh và năng lượng tinh thần, cùng toàn bộ năng lực bi thương của mình. Bản hành khúc tang lễ thôi thúc, khuấy động thần kinh. Và khi ở phần thứ hai nghe tiếng trống vang lên, sự đe doạ ghê gớm càng tăng, khiến máu dường như chảy trong huyết mạch. Mạch máu ở thái dương Xtefchia đạp như trống, nàng vừa đánh đàn vừa thở gấp gáp, xúc động đến tận đáy lòng. Valdemar đứng dậy, bước lên một bước, tựa người vào bện lò sưởi, huyết mạch chàng như rung động bừng bừng, ánh mắt chàng như thiêu đốt Xtefchia. - Nhiệt tình lớn lao sao, khí chất bừng bừng sao! - chàng nghĩ thầm khi nhìn cử động của những ngón tay nàng và màu đỏ hiện trên mặt nàng. Một thứ sức mạnh lớn lao của niềm si mê mà từ lâu nay chàng không còn biết đến chợt đẩy chàng lại phía nàng. Chàng cảm thấy thèm muốn người thiếu nữ này, cảm thấy nàng đang thiêu cạn máu chàng, làm rung chuyển toàn bộ thần kinh của chàng. - Lửa, lửa! - chàng thì thào qua hàm răng nghiến chặt. Cơn co giật của một làn sóng mê đắm điên cuồng khiến hàng lông mày của chàng nhíu lại, đôi cánh mũi phập phồng, môi run rẩy. Nom chàng hệt như một con đại bàng đang sẵn sàng lao xuống, chàng điên cuồng thì thào thành tiếng: - Nàng phải là của ta… Một người đàn bà có thể khiến đàn ông kích động nhường kia nhất định sẽ phải vâng chịu. Ta đã từng chinh phục nhiều phụ nữ ít hấp dẫn, ít gợi hứng hơn, nhất định ta sẽ chiếm được nàng… Đây quả là ngọn lửa!. Là núi lửa… Nhưng hai ngọn lửa đâu thể bỏng vì nhau… Và biết bao khoái lạc!… Một sức mạnh đột ngột đẩy chàng bước lên. Xtefchia cúi xuống bàn phím gõ những hoà âm cuối cùng của bản hành khúc. Đại công tử lòng bừng bừng dục tình đã đứng ngay sau lưng nàng, đang cúi xuống. Bằng chút sức mạnh ý chí cuối cùng chàng đang cố kìm mình để không ôm choàng lấy nàng. Chàng cảm thấy rất rõ niềm lạc thú cận kề, nhưng cũng lại cảm thấy tính bất khả thi của hành động ấy. Quỷ vương của niềm say đắm thôi thúc chàng, nhưng vị thiên thần trắng trong lại đang vẫy vẫy một bức màn trong che chở cho Xtefchia, bức màn mà con quỷ của chàng cũng không dám xé rách. Valdemar giằng co… Lửa bừng cháy rực trên mặt chàng, đôi mắt chàng hừng hực hoả ngục khát khao. Chàng không thể nào đứng yên mãi, đầu chàng cúi xuống mỗi lúc một thấp, hơi thở nóng bỏng thiêu đốt bởi ngọn lửa nội tâm làm nóng rực cả cổ Xtefchia, đôi cánh tay chàng chỉ còn cách bờ vai nàng một khe hở mảnh mai như sợi tóc nữa thôi. Thiếu nữ rùng mình, quay phắt đầu lại, đôi mắt mở to đắm đuối của nàng nhìn Valdemar kinh ngạc. Họ nhìn nhau. Xtefchia tái mặt, rùng mình hoảng hốt, đứng bật dậy. Những chàng đã giữ nàng ngồi xuống. - Xin tiểu thư chơi nữa đi… Tôi van tiểu thư đấy!… Bị chế ngự bởi sức mạnh của giọng chàng, nàng lại ngồi xuống ghế. Chàng đưa tay gạt trán, bước lui. Xtefchia đàn khúc biến tấu thứ năm rất nhẹ nhàng, khẽ hơn cả tiếng cánh bướm chạm vào nụ hoa. Như bàng hoàng, nàng chỉ chơi khúc biến tấu ấy đến dở chừng, rồi nhanh nhẹ đứng lên đóng nắp dàn dương cầm, chạy mau ra cửa. Đại công tử đang đứng bên cửa sổ như choàng tỉnh, lịch thiệp cúi mình cảm ơn nàng. - Tiểu thư kết thúc thật tuyệt vời. Toàn bộ bản nhạc thật hoàn hảo. Cảm ơn tiểu thư. Cô gái chạy vụt ra ngoài. Valdemar nhìn theo nàng, nói to thành tiếng: - Ngọn lửa chứa trong một đài hoa huệ trắng. Bữa chiều được dọn ngoài hiên. Đã bình tĩnh lại, Valdemar rất vui vẻ ca ngợi tài đàn của Xtefchia, đùa với Luxia, thậm chí với cả Proninsky chàng cũng ân cần trò chuyện hơn thường lệ. Chính chàng đề nghị mọi người đi thuyền dạo một vòng hồ. Xtefchia thấy vui hơn. Cả bốn người xuống thuyền. Valdemar chèo, Proninsky bất giác cầm lái, Xtefchia và Luxia ngồi xuống ghế giữa lòng thuyền, hướng về phía Valdemar. Nhưng Luxia xê dịch để có thể nhìn thẳng mặt Edmun. Thuyền rời bờ. Hoàng hôn tháng sáu rải những tia lửa ấm xuống làn nước xanh thẳm, những con thiên nha dang rộng cánh bơi theo sau thuyền. Xtefchia té nước vào chúng, thích thú nhìn lũ chim bị trêu tức. Valdemar ngó theo tay nàng, những bàn tay nhúng vào nước mang sắc ngọc trai, chàng lắng nghe tiếng nàng cười và thầm nghĩ: "Khuấy động tất cả những điều kia thật dễ biết bao… Chỉ cần bế thốc nàng lên tay xiết chặt, hay gọi quỷ sa tăng hiện hình và gắn chặt môi ta vào môi nàng, khi ấy sự thanh thản kia, nụ cười trong sáng kia sẽ tắt, sẽ héo úa như cánh thu hải đường gặp tiết giá băng… Cô gái này là ai?… Nàng không phải là tiên nữ mà sao trong trắng như thiên thần… Không phải quỷ sứ mà sao có nhiệt tình và ngọn lửa của quỷ vương. Thật là kỳ diệu! Phải chăng để có thể chiếm được nàng ta phải hoá thành thiên sứ?… Không, ta không thể làm việc ấy. Vả chăng ta đâu có khao khát thiên sứ của nàng. Ngược lại, ta muốn nàng dâng hiến cho ta tất cả những gì là quỷ dữ trong nàng, còn phần thiên thần hãy dành lại cho người chồng mai hậu". Bất giác chàng đưa mắt ngó Proninsky. "Thế nếu như kẻ này sẽ là chồng nàng?… Không, thật là một sự ghép đôi quái đản". Chàng nhìn Xtefchia trầm ngâm. "Nàng được tạo ra cho ai? Kẻ nào có được nàng? Thật là một cô gái tuyệt diệu, xứng đáng được hưởng một số phận huy hoàng! Không rõ việc ngả vào vòng tay ta đã đủ cho nàng chưa?… Nàng quá trong trắng để có thể làm thế! Ta đã từng vặt cánh những đoá hoa phong lan khả ái nhất, nhưng đối với một cánh lưu ly bao giờ ta cũng tôn trọng. Nàng là một cánh hoa lưu lu và xứng đáng để ta phải nhọc công. Phải nhẫn nại, và rồi nhất định ta sẽ có được nàng!" Xtefchia cảm thấy ánh mắt chàng đang nhìn mình, nhưng nàng vẫn thản nhiên té nước nghịch với lũ thiên nga. Rốt cuộc, muốn xua tan sự im lặng, nàng cất tiếng: - Ông đã du hành trên biển khá nhiều. Xin ông hãy kể cho nghe những ấn tượng của riêng ông.Chắc đó phải là những ấn tượng kì diệu lắm nhỉ! - Thế tiểu thư chưa biết biển sao? - Có ạ, tôi cũng biết biển Ban tích chút đỉnh, nhưng chưa bao giờ đuợc đi những chuyến biển xa. - Đối với tôi, dễ chịu nhất là nước biển Ađriatic và nước Đại Tây Dương, hai thái cực tương phản nhau, giống như một vũ nữ ba lệ mặc voan xanh thắm bên cạnh chàng lực sĩ vậy. Trên biển Ađriatic tôi thường thích đi thuyền buồm một mình hoặc chỉ mang theo người cầm lái. Còn ngoài đại dương, tôi lại muốn được trang bị bởi một chiếc tàu cực khoẻ, có thể khinh thường những làn sóng gớm ghê. Đó chẳng phải chỉ xuất phát từ tính thận trọng bắt nguồn từ nỗi nhát sợ, mà còn do nhiều ham muốn dược dùng sức mạnh tri thức của con người chinh phục gã khổng lồ kia. Tôi đã trải qua hai trận bão biển và một cơn cuồng phong khủng khiếp giữa đại dương, thậm chí đã có lần tôi phải xuống xuồng cứu sinh giữa tiếng gầm gớm ghê của những ngọn sóng bạc đầu. - Chắc chuyện đó phải để lại những ấn tượng kinh hoàng lắm, - Xtefchia nói chen lời chàng. - Những ấn tượng hào hùng! Đó là loại ấn tượng độc nhất vô nhị… Như thể con người đanh đánh vật với đại dương xem ai sẽ thắng ai. Nỗi sợ chết nhường chỗ không phải cho sự rã chí rời tay mà là cho sự cay cú. Trong cuộc đấu với thần Tytan khổng lồ, chính con người vụt thành khổng lồ. Ngó ra khoảng trời nước mênh mông những làn sóng điên cuồng, trông thấy những núi nước nghe tiếng gào rống cuồng nộ mà người sống trên đất liền không sao tưởng tượng nổi, con người tự nhiên cảm thấy kính phục chính mình, bởi lẽ vẫn sống được trong những cơn trời rung đất chuyển ấy, thậm chí còn biết suy nghĩ sâu xa về sự điên cuồng vô vọng của đại dương. Đó thật là một cảm giác hết sức lạ lùng và đầy phấn khích. Xtefchia nhìn chàng kinh ngạc. - Không phải ai cũng được trải qua những cảm giác ấy - nàng lắc đầu thốt lên. - Cần phải mang trong mình ý chí sắt đá và biết quên mình mới có được những ấn tượng như thế. Valdemar mỉm cười. - Vâng, sắt đá thì tôi không thiếu, còn tiếc ham cuộc sống cũng chẳng ích gì. Vào lúc ấy thứ triết lý đơn giản này mạnh hơn cả: "Chết thì chết!" - đồng thời nghị lực và sự cay cú thì thầm vào tai người ta: "Ta sẽ chết, nếu ta cam chịu thua". Đôi khi đại dương thắng cuộc, vùi thây hàng ngàn sinh mạng, nhưng bao giờ nó cũng để cho sống sót, chí ít là một người, dường như để sỉ nhục người ấy, và tự ca tụng sức mạnh lớn lao cường bạo của mình. Không gì có thể lớn lao hơn niềm tự hào khải hoàn của những người đã bảo vệ con tàu, không để cho bão tố đánh đắm. Không muốn làm kẻ ăn không ngồi rồi trong cơn bão tố, tôi đã cùng làm việc với thủy thủ, sát cánh với họ bên những sợi dây chão, bên la bàn, hoặc cùng với thuyền trưởng chỉ huy việc sửa chữa những chỗ bị hư hại. - Ông không mệt sao? - Việc đó khiến tôi hài lòng. Tôi cũng xoay trần ra cùng thuỷ thủ đoàn đánh vật với con quái vật. Trên đường hàng hải xuyên Đại Tây Dương mọi người đều biết rõ điểm yếu của tôi. Tôi thích có mặt trên boong tàu khi cơn bão tố ắng đi, khi đại dương ngầu bọt trắng thở những hơi cuồng nộ rơi rớt lại, như thể buồng phổi mênh mông của nó bị hụt hơi. Khi ấy, con tàu căng buồm, toả ra một cột khói chiến thắng, chân vịt cào cào tấm thân đang sủi bọt của đại dương, đẩy về phía trước, con tàu tiến lên đầy tự hào như đang ca khúc khải hoàn. Nếu chuyện đó lại xảy ra đúng vào lúc mặt trời mọc thì ấn tượng được vẻ đẹp của những dòng điện lan tỏa trong thần kinh ta, như những cơn rùng mình đầy khoái cảm. Dường như trời cao cũng là bạn hiền của những người vừa thoát nạn, là kẻ thù của tên kẻ cướp vừa bị chinh phục kia. Tôi coi bão biển là một trong những cảnh tượng huy hoàng nhất. - Ông thích những hiểm nguy sao? - Nguy hiểm khiến tôi phấn khích. Trên tàu thủy, khó chịu nhất là phụ nữ: chỉ cần một cơn lốc là đã ngất xỉu, khóc lóc, lên cơn. Tôi không hiểu tiểu thư sẽ xử sự ra sao trong những trường hợp ấy? Valdemar mỉm cười nhìn nàng. - Xin ai lý giải cho tôi, tại sao phụ nữ lại hay hoảng sợ hơn so với đàn ông, ấy thế mà trong những trường hợp khác họ lại tỏ ra can đảm hơn chúng tôi nhiều… - Thí dụ trong trường hợp nào? - Trường hợp nào?… Trong cuộc đấu tranh với chúng tôi chẳng hạn. Phụ nữ các cô là những kẻ khủng bố giới đàn ông, là đại diện của nỗi hiểm nguy gớm ghê, tuy kín đáo… những chiếc vuốt sắc nhọn ẩn trong găng tay êm dịu bằng nhung. - Chẳng lẽ ông lại e sợ những chiếc vuốt ấy sao? - Tiểu thư nghi ngờ ư? - Hơi nghi. - Tiểu thư nói phải, - Valdemar bật cười. Chàng rút mái chèo khỏi giá cọc, đặt ngang đầu gối. Thuyền họ trôi lặng lẽ trên mặt nước tĩnh, những con sóng nhỏ đuổi theo nhau lấp lánh như mica, thuyền trôi như một chiếc lá súng, không một tiếng động. Edmun trò chuyện với Luxia về các điệu nhảy, hắn nói rất to và táo tợn. Valdemar lại nghiêng người sang phía Xtefchia, cất tiếng: - Thế nghĩa là tiểu thư tiên cảm rằng tôi sẽ không biết sợ ngay cả trong trường hợp ấy? Tôi không chối! Mặc dù trận chiến với một người phụ nữ nhiều khi là một sự bất cẩn hơn cả việc kéo tai sư tử nữa, bởi không bao giờ có thể biết trước sẽ nảy sinh điều bất ngờ gì. Nhà cách tân Nitsơ đã từng nói: "Đàn ông chân chính khao khát hai thứ: hiểm nguy và trò chơi, vì vậy mà anh ta đòi hỏi đàn bà, như một trò chơi nguy hiểm nhất". - Thật là một lý thuyết hay ho! Thế ra các ông coi phụ nữ chỉ là một thứ đồ chơi ít nhiều xinh đẹp hoặc như một con vật đã thuần nhưng có thể biết cắn người? - À, đôi khi phải bắt đầu tính đến chuyện thuần dưỡng loài thú đó. Chính đó là điều nguy hiểm của sự nghiệp này. Những con thú đã được hưởng ân huệ thường đễ đưa chân cho người ta hơn. - Ông là một kẻ đa nghi vô sỉ! - Ôi! Ôi! Thật là một cái tát ra tát! Xin lỗi tiểu thư nếu tôi xúc phạm đến cô, nhưng thực ra tôi chỉ bổ xung thêm cho sự so sánh do chính cô đưa ra đấy thôi. Chúng ta có thể thảo luận vấn đề này một cách thẳng thừng hơn. Vậy phụ nữ là đối tượng mà đàn ông phải chiến đấu, phụ nữ càng nhiều móng vuốt, càng đòi hỏi cuộc chiến phải gay go hơn. Không phải mọi cuộc chiến đấu đều dẫn tới kết quả mong muốn, nhưng gần như cuộc nào đàn ông cũng thắng nếu quyết chí, dĩ nhiên nếu anh ta biết quyết chí. Đó là một khả năng đặc biệt. Chính Nitsơ cũng từng nói: "Khi đến gần đàn bà, đừng quên mang theo roi". Câu đó có ý nghĩa hết sức sâu sắc, nó chứng mình rằng chỉ ngọn roi biểu tượng của năng lực và ý chí mạnh mẽ mới có thể biến phụ nữ thành một con chiên ngoan ngoãn. Mọi sự nhún nhường cầu xin đều là những chiếc cầu trải xuống dưới chân đàn bà để họ tàn nhẫn đạp lên mà thôi. - Nhưng ông nói đến loại đàn bà nào đã chứ? - Đối với tiểu thư tôi đâu thể nói tới loại nào khác ngoài loại cao nhất. - Ông nói khó hiểu lắm. - Không, thưa tiểu thư. Tôi chỉ nói nguyên tắc của tôi trong việc này thôi. Tôi có thể đến với một người đàn bà ở thang phẩm hạnh cao nhất, đưa tay cho người đó mà dắt đến những bước tiếp theo, nhưng bao giờ tôi cũng phải nhìn ngang thẳng vào mắt người ấy hoặc hơi nhìn từ trên xuống, chứ không bao giờ chịu ngước mắt lên, không bao giờ chịu quỳ gối cả. Cuộc đời chưa dạy tôi làm như thế. Tiểu thư có muốn ý trung nhân của mình tiến thẳng tới mục đích với ngọn roi của Nitsơ, hay muốn anh ta quỳ gối và ngước mắt lên cầu xin ân huệ của tiểu thư? - Tôi muốn cách đầu tiên hơn, nhưng với điều kiện người đó không dùng sức như dùng rìu, người đó phải đối xử với tôi như một người ngang hàng với mình. Lòng tự trọng của tôi đòi hỏi một ánh mắt nhìn thẳng, chứ không nhìn xuống. - Tiểu thư nói điều đó thực táo gan, - đại công tử thốt lên, hàng lông mày nhíu lại giãn. - Táo gan?… Theo nghĩa nào vậy? - Tiểu thư còn quá ít kinh nghiệm sống để cả quyết khẳng định điều ấy. - Tuy thế tôi vẫn vững tin rằng cuộc đời không làm thay đổi khẳng định của tôi. - Áy, xin tiểu thư chớ vội cam đoan! - Ông cho là tôi thuộc loại đạo đức không cao ư? Valdemar hơi bực. - Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi không hiểu liệu đạo đức ấy có đứng vững được trên cái chân đế mà lòng tự tôn của tiểu thư đã dựng nên chăng. - Điều gì có thể khiến nó chao đảo? - nàng hỏi táo tợn. Chàng nhìn xoáy vào mắt nàng giây lâu rồi dằn giọng: - Nhiệt huyết, tính nhạy cảm, tuổi thanh xuân của tiểu thư cộng với một sức mạnh hùng hậu nào đó của người đàn ông. Đó là những con át chủ bài không những chỉ đủ sức làm chao đảo mà thậm chí còn lật nhào tiểu thư khỏi chân đế, một khi chúng át được cái điều mà tiểu thư coi là quyết định. Xtefchia nhìn thấy trong đôi đồng tử của người đang nói một sức mạnh dã man và một sự táo tợn, chàng đã áp đảo được nàng. Nàng khỏa những ngón tay xuống nước, nghịch ngợm vung cho bắn tung những giọt nước li ti lên, rồi thong thả nói như tự nhủ với chính mình: - Quá nhiều lòng tin vào sức mạnh đàn ông, mà lại quá ít niềm tin vào sức mạnh của chúng tôi. - Đó chẳng qua là kinh nghiệm mách bảo mà thôi, kinh nghiệm cho thấy rằng một bộ giáp phục dù vững chắc nhất cũng không thể đứng vững được trước một người khao khát chiến đấu và biết cách tìm được ở ngay cả bộ giáp phục kín vững nhất cái gót chân của Asin. - Thế nếu như cái chỗ yếu kia hoàn toàn không tồn tại? - Với ý chí và năng lực thì bao giờ nó cũng tồn tại, chỉ có điều nó thay đổi tuỳ theo trí thông minh của người phụ nữ. Tìm cho đúng điểm yếu là điều khó khăn hơn cả. Điều đó tuỳ thuộc vào sự tinh nhạy của đàn ông. Xtefchia trầm ngâm. - Không hiểu tôi có thuyết phục được tiểu thư chưa? - chàng mỉm cười hỏi. - Ông đã soi sáng cho tôi rõ giả đề của ông, tôi không phản đối, nhưng… - Xin tiểu thư nói nốt đi, tôi xin đấy! - Nhưng ông nói ra điều đó chủ yếu trên cơ sở những thắng lợi của chính mình, những thắng lợi mà cả tôi cũng được nghe. Những lời ông nói toát lên sự vững tin ở mình. Có điều không hiểu ý kiến của riêng ông có thể đại diện cho cái chung không? - Cái chung của phụ nữ thì chắc chắn là được, bởi tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều người phụ nữ khác nhau, còn những người đàn ông giống tôi chắc là không ít. Có điều có những phụ nữ được bọc trong những thứ giáp phục kì lạ quá khiến người ta khó thấy rõ, họ được bao bọc trong một vầng hào quang rực rỡ, chính điều đó kìm hãm kẻ muốn tấn công, đồng thời lại mê hoặc nữa. Có thể chiến thắng họ, nhưng với họ sự tàn bạo không thể sử dụng được, mà đó lại là yếu tố tạo nên sức mạnh của những kẻ tấn công. - Thế nghĩa là ông vẫn tìm được trường hợp ngoại lệ! - Xtefchia kêu lên. - Hiếm lắm. Đó chỉ là những đoá hoa ít ỏi bị héo tàn trong dòng thác những đoá hoa khác. Vả lại, tôi xin nói một lần nữa: ngay cả những người phụ nữ đó vẫn bị đàn ông chinh phục, chỉ có điều bằng cách khác mà thôi. Xtefchia không đáp. Nàng nhìn mặt nước và những đài hoa súng trắng ngần đang nghiêng đầu ló ra khỏi những chiếc lá dày hình đĩa. Nàng với một bông, nhưng nó lại trôi ra xa. Valdemar im lặng lấy mái chèo ngoặc lại, đầy nó vào tay nàng. Nàng hái hoa, mỉm cười cảm ơn chàng. Công tử nhìn nàng, ngắm đôi má hồng, ngắm bóng râm mà hàng lông mi dài mượt mà rải lên mặt nàng, thầm nghĩ: "Có phải em là đoá hoa bọc hào quang giữa muôn loài hoa khác? Sự tàn bạo của ta chết rụm trước ma lực đôi mắt nhung của em… Nhưng nhất định ra sẽ chiến đấu với lần áo giáp của em và ta sẽ xuyên thủng nó." Chàng trông thấy một khóm hoa súng và hướng thuyền tới đó. Chàng dùng chèo kéo lại, Xtefchia ngắt hoa, ném cho Luxia. Nhưng cô bé đang mải chuyện trò với Proninsky. Hắn đang kể cho cô nghe một tiểu thuyết vừa mới đọc. Nghe loáng thoáng đôi câu, Xtefchia ý tứ ngó Valdemar. - Ta về thôi, - nàng khẽ nói. - Sao thế? Bây giờ, sau khi mặt trời lặn, mới là lúc dễ chịu nhất. - Nhưng trời gần tối hẳn rồi. - Một tí nữa thôi… Đột nhiên một lời nó hơi to của Edmun khiến chàng để ý. Chàng đưa mắt nhìn Luxia, rồi lại nhìn Xtefchia. Nàng thì thầm: - Ta về thôi. Công tử gật đầu, bắt đầu quay thuyền lại, nhưng Proninsky vẫn giữ nguyên lái. - Thưa đại công tử, chúng ta về ạ? - Về thôi! - Về ngay bây giờ sao? - Phải. Xtefchia mỉm cười vì giọng nói của hai người. - Buổi chiều đẹp dường này mà, - Luxia phản đối. - Muộn rồi, - Xtefchia lên tiếng, - mẹ em sẽ cho cho em đấy. - Chính cô muốn về thì có! Ta có thể bơi thêm lúc nữa. - Tiểu thư Xtefchia có quyền quyết định, - Valdemar nói khô khốc. Luxia nín lặng, nhưng Proninsky thốt lên đầy mỉa mai: - Chắc tiểu thư Xtefchia thấy lạnh. Thật tiếc tiểu thư không mang theo khăn ấm. Valdemar chằm chằm nhìn gã, môi chàng run run giận dữ, nhưng Xtefchia đưa mắt van xin chàng. Vì thế chàng chỉ thốt lên: - Thay vì nhận xét, tốt hơn hết ông nên lái thuyền đi, thuyền bị lệch hướng hoài kia kìa. Proninsky đỏ mặt. Họ im lặng bơi thuyền vào bờ, nơi phu nhân Iđalia và ông Kxavery đang đứng đợi. Vầng trăng chiếu sáng những góc vườn sâu, rải trên mặt nước một tấm lưới bạc linh động và thay đổi. Những đoá hồng ngát hương, những con đom đóm lập loè trong đám cỏ lùm cây. Hoàng hôn tràn ngập làn sóng ấm áp khiến người ta dễ mơ màng. Dàn đồng ca của lũ ếch nhái bắt đầu cất lên trên mặt hồ. Những đoá huệ trắng vươn cao trên thảm cỏ, những đoá diên vĩ vàng nom như các cô gái mặc áo tunica của La Mã đang dạo gót giữa những khóm trắc bá và những cây trắc bách diệp nom từa tựa như trắc bá trong bóng chiều đang đổ. Toà dinh thự sáng đèn hấp háy những khung cửa sổ ánh phản quang rọi trên những phiến nền hiên thành vệt đỏ, dát bạc những đoá hồng nở xoè, rung rinh lay động trên lá kim ngân, rắc những chùm tia lửa vào sâu trong những đường cây tối thẫm, như gọi mời những người đang đi trở về. Những vệt sáng lóng lánh phủ lên chiếc áo dài màu sáng của Xtefchia, những sợi vàng đùa nghịch trên tóc nàng. Valdemar đi sau cùng, bóp trong tay một đoá hồng vàng, nhìn mãi hình dáng sáng mờ của cô gái ẩn chứa câu đố bí ẩn trong tâm linh bướng bỉnh của cô. - Sao cô gái ấy lại khiến lòng ta xao động thế? Đó chính là ngọn lửa ẩn giấu trong một đoá huệ trắng, - chàng thầm nhắc lại trong óc sự so sánh vừa nãy. Sau bữa tối, mọi người đã tản đi, Valdemar đi dạo trong vườn có lũ chó vây quanh, chúng vừa cố xán lại gần chàng vừa vui vẻ cất tiếng sủa. Đại công tử đi một vòng qua các vườn cây, lạc bước đến hồ, rồi quay trở về lâu đài, chăm chăm nhìn vào ánh đèn bên trong cửa sổ phòng Xtefchia đã bị rèm cửa khiến cho bớt sáng. "Nàng đang làm gì nhỉ? - chàng nghĩ, - có phải đang kiểm điểm trước lương tâm, đang cầu xin chúa giữ cho nàng phẩm tiết … hay đang ngẫm nghĩ lại cuộc trò chuyện với ta hồi nãy. Và nói chung không hiểu nàng có cảm thấy mối nguy hiểm đang đe dọa? Nàng có linh cảm nỗi khao khát của ta chăng?…" Đại công tử nhún vai bước tiếp. Khói xì gà vây bọc chàng trong một đám mây mỏng manh. Trong ánh trăng, hình dáng thanh thoát của Valdemar thấp thoáng trên nền những thảm cỏ thành một cái bóng rất mảnh mai và dài. Sỏi dưới chân chàng sào sạo, thỉnh thoảng đại công tử lại tặc lưỡi gọi chó hoặc vuốt ve một đôi con. Đến tòa biệt trang trong vườn, chàng dừng bước khi thấy một khung cửa đang mở rộng, tỏa ra ngoài làn ánh sáng rực rỡ và thoảng có tiếng trò chuyện thì thầm. Chàng nhìn qua đầu những bụi cây râu dê vào phòng. Proninsky đang ngồi với viên quản gia Klet bên một chiếc bàn nhỏ. Họ đang chơi bài. Proninsky không mặc áo xurddut, gilê phanh cúc, ngồi dựa ngửa trên ghế bành, đang nói gì đó rất hùng hồn. Nom hắn giống một sinh viên. Valdemar bước tiếp lẩm bẩm: - Đồ khốn! Hắn làm ta bực mình! Cả những quân bài kia nữa! Hắn mang một phong tục mới đến nhà này! Trước mặt công tử, Proninsky thường kém vui. Hắn đoán được là cả hai ông cháu Mikhorovsky không ưa hắn, hắn không thể khoác lác gì nhiều, không thể nói gì nhiều bởi cảm thấy điều đó làm họ bực mình. Hắn đánh bạn với quản gia Klet, bởi hắn hiểu rằng ông ta phục mình. Điều đó khiến hắn khoái chí. Một hôm, vào cuối tháng sáu, Proninsky và Klet đang ở trên đồng cỏ, nơi công nhân đang cắt cỏ. Hai gã ngồi trên chiếc xe độc mã ở cạnh rừng trò chuyện với nhau, thỉnh thoảng lại phá lên cười. Edmun hút thuốc, thọc hai tay vào túi, hướng về phía gã Klet nói với vẻ hăng hái, mặt nhăn nhó làm điệu bộ. Hắn nói về Xtefchia: - Đúng thế ông ạ! Trên đời khối đàn bà, nhưng phải biết chọn cho được những ả vừa có mùi vị thơm tho lại vừa có đủ dấm ớt. Đó là cái chính! Xtefchia khá thơm ngon, tôi không phản đối, bây giờ tuy có hơi phai màu chút đỉnh, nhưng đó quả là một cô ả hấp dẫn! … Nhưng được cái gì nào? Cô ả chỉ vọc vạch mỗi hai chục thiên. Thứ đó mà dành cho tôi ư? Lạy chúa lòng lành! Chỉ đủ vỏn vẹn cho tôi tiêu hai chuyến đi nước ngoài. - Thế nếu cô ấy có chừng một trăm nghìn thì sao? Ha! Chắc ông không bỏ cô ấy chứ? - Klet cười thô lỗ. Edmun bĩu môi khinh thường. - Phải, dĩ nhiên rồi, nhưng tôi cũng xin nói thực với ông nhé, cô ả hơi kinh, phẩm hạnh lắm đấy. Suốt mấy tháng liền tôi gần như là đã đính hôn, vậy mà chưa lần nào được hôn thử mặc dầu tôi cũng biết cách đòi hỏi lắm chứ. Không và không … Cô ả không có máu nóng. - Tôi lại nghĩ khác. Tiểu thư Xtefchia có vẻ mặt rất sinh động, nom cô ấy có vẻ máu lắm đấy. Có thể ông chưa biết cách tấn công đấy thôi, với đàn bà ấy mà, ông ạ, cũng như với loại ngựa chứng ấy, phải biết cách kia. Hai gã phá lên cười. - Thì cô ả cuồng lên là vì tôi mà lị, - gã thực tập sinh nói tiếp. - Tôi biết cách nhen lửa chứ, chuyên môn của tôi mà. Rồi ông xem, cô ả sẽ chẳng lấy chông sớm được đâu, nếu giả dụ có lấy chồng. Trừ phi có một ông thánh nào đó chịu lấy cô ả, hay một anh chàng mà số tiền hồi môn của ả được coi là đáng giá. Mặc dù xinh thật đấy, nhưng cô ả không biết làm cho người ta bốc lửa đâu. Nói thật với ông chứ cô ả phẩm hạnh đến kinh. Mà đó là khuyết tật đáng kể ở người đàn bà. Chẳng ai có thể đạt nổi sự gì ở cô ả đâu. Klet mỉm cười tinh quái. - Ê! Không đến nỗi thế đâu. Ông không thành công nhưng đại công tử của chúng ta sẽ may mắn hơn đấy… Proninsky mở tròn mắt. - Sao? Ông nghĩ thế thật à? Công tử sẽ cưới cô ấy á? Làm gì có chuyện! Klet bật cười. - Cưới!… Ông nghĩ vớ vẩn gì thế? Đại công tử lại lấy cô gia sư! Vớ vẩn! Ông ta là người mà ngay cả vị công chúa cũng phải muốn vời … Nhưng tán tỉnh chút đỉnh thì ông ấy cũng có thể biết chứ. Với ông ấy thì cô ta không chống đỡ nổi đâu, dù ông có bảo là cô ấy lạnh lùng chăng nữa. Gã thực tập sinh trầm ngâm. - Này, ông biết không? - lát sau gã nói, - Tôi cũng đã chú ý đến chuyện đó. Không hiểu sao ông ấy lại quá tử tế với cô ả, lúc nào cũng bênh vực cho cô ả. - Bênh vực?… - Chứ sao. Đôi khi tôi cũng nói đùa với cô ta chút đỉnh. Đã mấy lần công tử bênh cô ta, thậm chí khá chỏng lỏn, không tế nhị chút nào. Klet nhìn Edmun lẩm bẩm: "Chắc ông ấy dạy cho mày một bài học chứ gì…" - Ông bảo gì? - À không. Tôi bảo ông ấy có thể làm được chuyện đó đấy. Proninsky lắc đầu. - Nào! Nếu cái cô Xtefchia đức hạnh và khiêm tốn kia mà trở thành tình nhân của ngài công tử, thì tôi sẽ dám… - Ông sẽ mừng chứ? - Sẽ mừng thật sự. Thậm chí tôi sẽ không lấy làm tiếc là không được hưởng niềm ân huệ ấy. "Thằng đốn mạt!" - Người quản gia lẩm bẩm. Một tiếng tương tự cũng được thốt ra qua đôi môi giận dữ của Valdemar trên một lối mòn nhỏ hẹp trong rừng. Chàng dừng ngựa tại đó lắng nghe câu chuyện đã vài phút. Đang đi trên con đường rừng phủ cát giữa những bụi phỉ tử rậm rạp và những cây thông non, chàng chợt nghe tiếng cười hô hố. Qua đám cây cành chàng trông thấy đường viền của chiếc xe ngựa và đầu con ngựa đang gặm cỏ. Đột nhiên vang tới tai chàng cái tên của Xtefchia mà Proninsky vừa cười vừa thốt ra cùng một tiếng đệm bỉ báng nào đó nữa. Chàng bèn dừng ngựa, và vì chung quanh hoàn toàn yên tĩnh, những tiếng ồn ào ngoài đồng cỏ vọng vào đây rất mơ hồ, nên mỗi lời nói của gã thực tập sinh, lọc qua lá cây, trong vòm cộng âm của rừng vang lên rất rõ. Đại công tử đứng nghe mà răng nghiến chặt, tay bóp mạnh chiếc roi ngựa như thể muôn vụt đến gãy vụn trên đầu Proninsky. Khi Edmun nói về những điều hắn đã cố thử nhưng không đạt được với Xtefchia, Valdemar đã giục ngựa đinh cắt ngang câu chuyện, nhưng chợt nghe hắn nhắc đến tên mình nên chàng dừng lại. Nom chàng lúc này thật dữ tợn với đôi lông mày nhíu lại, mắt lạnh như thép. Hai cánh mũi chàng phồng ra giận dữ. Những lời cuối cùng của Edmun khiến chang hết sức phẫn nộ. Thúc ngựa vào hông, chàng quyết định sẽ trị cho Proninsky và Klet tại chỗ về những lời lẽ hằn học của chúng, nhưng chàng chợt sững lại. Một giọng nói bên trong nào đó giữ chàng lại: "Chúng nói đúng, ngươi đang định làm gì thế…" Công tử kéo hàm thiếc đến nỗi con Apôlông phải khuỵu chân sau, chồm cả hai chân trước lên trời. Chàng quay ngựa tại chỗ rồi thong thả bỏ vào rừng sâu, người giận run lên, miệng thốt ra những câu nguyền rủa. Chàng không thể dứt bỏ ý nghĩ là Klet đã đoán được dự định của chàng. Điều đó khiến chàng điên giận. Lòng tự hào đại quý tộc làm máu chàng sôi sục. Chính gã quản lý của chàng hiểu chàng rất rõ, đã cả quyết rằng Xtefchia sẽ không cưỡng lại chàng… Người thiếu nữ tươi tắn và trong sạch như nước nguồn… Chàng không bỏ qua dịp này, chàng muốn tận hưởng nhan sắc của Xtefchia chăng?… Đại công tử cắn môi. "Hắn đoán đúng. Đúng là ta muốn có nàng. Proninsky đã nói không đúng về việc nàng không có nhiệt tình. Thiếu nữ nồng nàn như một tia lửa, nàng lại hấp dẫn biết bao! Quả thực nàng giàu tự hào và tự tôn, nhưng điều đó không làm giảm bớt vẻ hấp dẫn của nàng, ngược lại, nó làm tăng gấp đôi…" Mặc dù đang cơn tức giận, nhưng Valdemar cảm thấy vui khi nghe Edmun bảo Xtefchia là người đức hạnh đến "kinh". Nếu khác, hẳn Proninsky đã không giấu giếm gì, ngược lại, hắn sẽ khoe khoang khoác lác ngay. "Nàng không thật sự yêu hắn - Valdemar thầm nghĩ - nếu không…nàng quả là một thiếu nữ tinh khiết, chuyện ấy thì Proninsky nói đúng… Nhưng nếu ta có nhiều cơ hội hơn?… " Chàng chợt rùng mình. Điều đó thì chính mồm Klet đã nói ra. "Mình là đồ tồi " - Valdemar tự nhủ, chàng giục ngựa đi nước đại. Rừng đã hết, giữa những thân cây thông sáng lên sắc đồng cỏ. Đây đó những cây thông rải rác mọc giữa những lùm đỗ tùng, nhưng rồi rốt cuộc cả thông cũng hết. Trước mặt đại công tử trải ra một thảm cỏ ẩm ướt và tươi tốt. Từ phía xa nổi bật một hàng người cắt cỏ mặc áo trắng, những lưỡi hái vung lên vàng chói trong ánh mặt trời. Con ngựa chậm bước cúi đầu muốn dứt những cuộng cỏ mọng nước, nhưng chiếc hàm thiếc giữ nó lại, buộc phải duy trì tư thế của một con ngựa hay. Valdemar trầm ngâm. Đột nhiên chàng dướn lông mày, vụt roi ngựa vào ống ủng, tươi cười hẳn lên, trong óc chàng bắt đầu những lời độc thoại: "Mình có quyền có những ý định này khác mà mình thích đối với nàng. Nàng làm sao có thể bó buộc ta được. Trên đường đời ta vừa gặp thêm một người nữa, người cũng đáng cho ta chinh phục, thế thôi! Còn chuyện ta có thành công hay không…đó mới là vấn đề! Tất cả đều tuỳ thuộc vào mức nhiệt tình của nàng. Ta là một kẻ lông bông… Ừ, thì ta là đồ đểu, nhưng Proninsky mới là thằng khốn nạn cỡ lớn. Hắn lại sung sướng khi thấy người khác tán tỉnh con người mà hắn đã từng yêu - đó thật là một sự khốn nạn, một sự đốn mạt đến cùng cực, một điều chỉ xứng với loại người đểu cáng như Proninsky mà thôi! Thôi, dẫu sao ta cũng phải từ giã hắn thôi. Hắn làm máu ta sôi sùng sục cả lên…Lại còn đánh bạn đánh bè với lão Klet nữa chứ… " "Nhưng nếu Xtefchia vẫn còn yêu thương hắn thì sao? " - một tiếng nói nào chợt thì thầm vào tai chàng. Valdemar nhún vai. "Nếu vậy cứ để cho cô nàng điên lên cũng được. Can chi đến ta? Điều đó chỉ chứng minh rằng nàng không đáng để ta phải nhọc công". Chàng thúc cựa gót vào bụng ngựa, phóng đi như cơn lốc băng qua đồng cỏ, như một con chim hùng mạnh đang lao theo mồi. Chàng vòng quanh khu rừng nhỏ, muốn gặp mặt Klet và Edmun. Chàng thấy lòng vui vui. Chàng tin chắc là khi có chàng, Proninsky sẽ biến khỏi mắt Xtefchia, chàng tin mình đã gây cho nàng ấn tượng tốt, và ví thế chàng đang có nàng trong tay, hàng nghìn viễn cảnh mà gã kia không có được. Chàng vượt qua chỗ quanh của khu rừng nhỏ và trông thấy cỗ xe đọc mã trước mặt. Chàng quay mặt đi vờ như không trông thấy ai, phi một nước kiệu nhanh thẳng tới chỗ những người công nhân. "Bọn chúng còn chuyện trò những gì nữa? Ta muốn biết quá - chàng cáu kỉnh thầm nghĩ - Biết đâu con lừa ngu ngốc ấy chẳng nghĩ lại và thấy rằng nên giữ Xtefchia lai cho hắn. Ha! Ta sẽ không thèm tranh giành với thằng ngu xuẩn ấy. Chuyện đó còn tệ hơn một chuyện nực cười". Đến gần chỗ những người công nhân, chàng kìm ngựa chậm lại và nhìn chiếc xe độc mã đang phóng từ bìa rừng ra với tốc độ gần như nước đại, chàng thấy lòng vui như một chú học trò. "Bọn chúng sẽ biện bạch là đang ở phía bên kia rừng " - chàng mỉa mai lẩm bẩm và vui sướng tưởng tượng ra vẻ mặt đần độn của hai gã khi chàng bảo cho chúng biết là chàng vừa ở bên rừng quay lại đây. Chú thích: - (1) Bà Đô Xten - văn sĩ trữ tình Pháp - Baiơn ( 1788- 1824) - thi hào Anh. Horaxy ( 65-8 t.c.n)- nhà thơ trữ tình La Mã . Jan Lam ( 1838 - 1886) - văn sĩ, ngừời sáng tác thể tiểu thuyết hoạt kê Ba Lan. Moryxy Mokhnaxki ( 1803 - 1884) - nhà phê bình văn học và âm nhạc, nhà hoạt động chính trị Ba Lan ... Piotr Xkarga ( 1536 - 1612) - nhà văn và nhà thần học Ba Lan Mikooai Rei ( 1505 - 1569) - văn hào kiệt xuất đầu tiên của Ba Lan. thừờng đựợc gọi là cha đẻ của văn học viết Ba Lan. Hugô Kôlôntai ( 1750 - 1812) - triết gia , nhà văn, chính trị gia Ba Lan. - (2) Emil Zôla ( 1804 - 1902) - nhà văn Pháp. - (3) Ađam Mixkiêvich ( 1798 - 1855 - thi hào nổi tiếng Ba Lan