Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Giấc Mơ Tan

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 514 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giấc Mơ Tan
Lê Thị Nhị

Đang "thanh tra" cái kho để mang bớt một ít thực phẩm lên nhà bếp dùng dần thì Loan nghe tiếng Tuấn gọi ơi ới:
- Mẹ ơi! Lên xem máy truyền hình viễn kiến này, con mới mua về đây rồi!
Nghe con nói, Loan giật mình vì đây là loại máy mới được phát minh mấy tháng nay, giá còn rất đắt, chỉ những nhà giầu lắm mới dám đặt mua vậy mà Tuấn cũng ráng "rinh" về cho bằng được một cái.
Loan bỏ dở công việc, đi lên nhà trên. Tuấn đang loay hoay với mấy cái nút của máy truyền hình và quyển sách nhỏ hướng dẫn cách dùng. Cái máy kiểu mới này thật lạ lùng! Nó là một tờ giấy lớn màu tím nhạt, mỏng dính, dán sát vào tường và choán hết cả bề mặt bức tường trong phòng khách. Nếu không có những cái nút xanh, đỏ, tím, vàng ở phía bên trái thì có lẽ ai cũng tưởng đó chỉ là một loại giấy dán tường thông thường như bao loại giấy dán tường khác. Loan nói với con:
- Loại máy truyền hình viễn kiến này hãy còn đắt lắm, con mua làm gì cho tốn tiền?
Mắt vẫn không rời quyển sách nhỏ, Tuấn đáp:
- Con mua để cho mẹ ngắm cảnh và người Việt Nam của mẹ mà.
Bỗng Tuấn bực bội la lên:
- Xui quá! Một số các nước ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam của mẹ, chưa thể trực tiếp truyền hình được. Có lẽ phải chờ một vài tháng nữa. Họ có chú thích hàng chữ nhỏ xíu ở cuối quyển sách này mà từ nãy con không để ý.
Tuấn bấm nút màu xanh cho máy bật lên rồi đến ngồi bên mẹ:
- Thôi, mình xem những phần đất khác trên thế giới mẹ nhé.
Màn ảnh hiện lên những cảnh trí thật gần và thật rõ khiến nhiều lúc Loan có cảm tưởng như nàng đang ngồi trong rừng dưới những hàng cây rậm lá hay bên bờ biển mênh mông xanh biếc. Có lúc Loan tưởng như nàng đang ngồi trên hè phố, trước cửa quán cà phê, ngắm người qua, kẻ lại tại thành phố Paris cổ kính, hay đang truyện trò với những em bé thông minh lanh lợi của một nước thuộc Phi Châu nào đó. Qua máy truyền hình viễn kiến, Loan thấy mọi phần đất trên thế giới hình như tươi đẹp hơn xưa: cỏ cây xanh ngát, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm, chim muông hót ca tưng bừng, những con thiên nga trắng ngần và những con vịt trời xam xám lướt nhẹ trên giòng sông lăn tăn gợn sóng... Loan thấy mọi giống dân trên thế giới đều sống trong cảnh thanh bình, ấm no, và hạnh phúc. Ngay cả những Quốc gia bị xếp vào hàng những nước nghèo đói nhất trên thế giới trước đây, Loan cũng thấy một sự đổi thay vô cùng kỳ lạ. Loan thắc mắc hỏi Tuấn:
-Tại sao lạ thế nhỉ? Mới năm ngoái mẹ còn thấy trẻ em ở nước này gầy nhom, chỉ có da bọc xương, mà nay đứa nào cũng mập mạp và khỏe mạnh cả thế này? Không lẽ họ có phép tiên à?
Tuấn cười ngất, đáp lời mẹ:
- Phép Tiên thì không có, nhưng có thuốc siêu sinh tố do một anh chàng Bác sĩ người Đức sáng chế ra và Liên hiệp quốc đã cho các trẻ em thiếu dinh dưỡng ở các nước nghèo đói dùng nên bây giờ đứa nào đứa nấy mập cùi cụi như vậy đó mẹ.
- Thế họ có cho các trẻ em Việt Nam dùng thứ thuốc ấy không con?
- Con cũng không biết, vì con bận quá nên không theo dõi tin tức thường xuyên. Thời buổi này, cứ vài ngày không nghe tin tức trên truyền hình viễn kiến là mình đã trở nên quê mùa rồi đó mẹ!
- Ôi! Mẹ nóng lòng muốn biết tin tức về Việt Nam quá! Không biết nước mình có được may mắn thay đổi một cách tốt đẹp như các nước trên thế giới không?
- Mẹ yên tâm, "sau cơn mưa, trời lại sáng" mà! mấy chục năm vừa qua, có dân tộc nào phải hứng chịu nhiều sự khổ đau như dân Việt Nam mình đâu? Cũng có ngày Trời sẽ thương mà người cũng phải động lòng trắc ẩn, giúp mình chứ!
- Nhưng mà những người lãnh đạo nước mình có chịu để cho Trời thương và cho người ta giúp không cơ chứ?
- Mẹ đừng có lo. Giới lãnh đạo mới gồm những người trẻ ở trong nước và ở hải ngoại về, toàn những người có học, có tinh thần và thông minh lắm. Thế nào nước mình cũng khá mà!
- Nếu mà như vậy thì ông Quân xem tướng đúng đấy nhé! Hồi đó, ông ta bảo, khi về Việt Nam, ông ấy thấy những đứa trẻ dù lam lũ nhưng vẫn toát ra cái tướng rất tốt, rất sáng nên ông tin rằng tương lai Việt Nam sẽ sáng sủa. Nghe ông ta nói, mẹ cười ngất hỏi rằng: "đám trẻ ở hải ngoại thì mất gốc, đám trẻ ở Việt Nam thì không được học hành, làm sao tương lai Việt Nam khá cho được? họa chăng có phép Tiên."
Tuấn đáp lời mẹ:
- Mẹ “Vơ đũa cả nắm “ đấy nhé. Ở hải ngoại cũng vẫn có những người trẻ nhớ nguồn, nhớ gốc và ở trong nước cũng vẫn có những người có học và có tinh thần yêu nước chứ mẹ. Con tin là dân mình cũng đang tiến bộ.
- Nhưng mà nếu mẹ không được nhìn tận mắt sự đổi thay của đất nước thì mẹ vẫn không tin con ạ.
- Thì mẹ ráng chờ vài tháng nữa thôi, khi máy truyền hình viễn kiến này có thể trực tiếp truyền hình nước Việt Nam của mẹ.
- Lâu quá! Mẹ ước gì mẹ được biết tin ngay bây giờ.
Hai mẹ con Loan đang xem truyền hình và nói chuyện thì Thúy đẩy cửa bước vào, nói cười tíu tít:
- Mẹ ơi! ngày mai mẹ về Việt Nam với con nhé, con được sở cho hai vé máy bay siêu phản lực đây này.
Tuấn hét lên:
- Sao mà Thúy hên thế! Bao nhiêu người có tiền cũng không mua được vé mà khi không Thúy lại được sở cho. Mẹ cũng đang ao ước được về Việt Nam đấy, em đưa mẹ về Việt Nam thật là đúng lúc quá!
Thúy đáp lời anh:
- Kể ra em cũng hên thật đấy, cả sở có sáu vé mà em bốc thăm được hai. Sở lại còn cho nghỉ năm ngày ăn lương nữa chứ!
Loan ngỡ ngàng trước cái tin bất ngờ của Thúy. Nàng hỏi lại:
- Có thật không con?
Thúy rút hai cái vé máy bay từ trong ví ra đưa cho mẹ:
- Vé đây này mẹ! Mẹ với con phải ăn cơm lẹ lẹ rồi còn đi phố mua thêm ít thứ lặt vặt, ngày mai đi sớm.
Loan bảo Tuấn:
- Con đi dọn cơm, mẹ và em sửa soạn một chút rồi ra ăn ngay để còn đi phố kẻo trễ.
Sáng sớm hôm sau, Tuấn lái xe đưa mẹ và em ra phi trường Reagan để về Việt Nam. Khi xe vào ngã rẽ 14 và chạy trên đường George Washington Park way, Thúy reo lên:
- A, con đường thơ mộng của mẹ đây rồi!
Loan mơ màng nhìn màn sương mỏng ôm ấp hàng cây trơ lá hai bên đường và là là bay bay trên giòng sông Potomac. Loan thấy kỷ niệm lãng đãng trong sương. Loan thấy kỷ niệm thơ thẩn trong hồn. Nàng nhớ một mùa Thu rực rỡ lá vàng, lá đỏ. Nàng thương một mùa Xuân lá non xanh mướt. Nàng tiếc một mùa Hè nắng lụa trải chan hòa trên cành cây, ngọn cỏ và một mùa Đông tuyết trắng mênh mông...
- Mẹ đang làm thơ đấy à?
Tiếng Thúy khiến Loan giật mình, trở về với hiện tại:
- Mẹ đang nhìn những cành khô khẳng khiu kia và tự hỏi tại sao chỉ vài tuần nữa, mầm non có thể nhú ra, rồi xòe tung thành một rừng cây rậm lá?
Tuấn đáp lời mẹ:
- Cũng như tình hình đen tối của thế giới những năm về trước, có ai ngờ hôm nay mọi dân tộc đều được sống trong cảnh thanh bình, ấm no và hạnh phúc, mẹ nhỉ?
Thúy cười khúc khích:
- Và có ai ngờ, mới năm ngoái, em rách như cái mền mà năm nay có tiền tiêu rủng rỉnh, lại còn được về thăm Việt Nam bằng máy bay siêu phản lực nữa chứ!
Tuấn thêm:
- Đúng là "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ."
Thúy cãi:
- Em đâu có khờ! Bán cái khờ của em đi, anh cũng đủ ăn, khỏi cần phải đi làm.
Nghĩ đến lúc được gặp họ hàng bà con, Loan bỗng than:
- Giá hai đứa để mẹ mang cái va li lớn đựng những thứ lặt vặt về làm quà thì hay biết mấy. Ai đời ở Mỹ về gặp họ hàng mà trơ cái mặt ra, ngượng quá đi thôi!
Tuấn cười ngặt nghẽo:
- Mẹ quê vừa thôi mẹ ơi! Việt Nam bây giờ văn minh lắm, mẹ mà mang mấy thứ lảm nhảm đó về, người ta cười cho vỡ bụng đó !
Loan không tin lời con:
- Đời sống dân mình những năm trước đói khổ lắm. Bây giờ có may mắn thì cũng chỉ khá hơn một chút thôi chứ làm sao mà so được với đời sống ở Mỹ. Vả lại những thứ mẹ định mang về, đâu có đến nỗi tệ.
Tuấn vẫn cười:
- Mẹ cứ về đi rồi biết.
Thúy bàn:
- Mẹ với con về, ở Hà nội một ngày để đi thăm ba mươi sáu phố phường của mẹ rồi hãy về quê. Nếu thấy cần, gọi điện thoại nói anh Tuấn gửi cấp tốc cái va li ấy về, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau là mình nhận được ngay ấy mà.
Loan có vẻ yên tâm với lời bàn của Thúy:
- Ừ, như thế cũng được, nhưng lại tốn tiền gửi.
Tuấn quả quyết:
- Con bảo đảm với mẹ là mẹ sẽ không cần ba cái của nợ đó đâu.
Ba mẹ con Loan còn đang ríu rít chuyện trò thì xe đã ngừng ở nhà xe của phi trường Reagan, một phi trường tối tân của nước Mỹ với những chiếc máy bay khổng lồ, đậu san sát trên sân bay.
Sau khi từ giã Tuấn, Loan và con gái lên chiếc máy bay siêu phản lực để về thăm lại quê hương. Lòng máy bay thật rộng, chứa được cả ngàn hành khách. Loan nhận thấy trong đám hành khách, có rất nhiều người Việt Nam, nét mặt ai nấy đều hân hoan vui vẻ.
Loan ngồi vào một cái ghế nệm bọc nhung màu đỏ đậm, bên cửa sổ. Năm phút sau, máy bay cất cánh thật êm, nếu không chú ý thì ai cũng tưởng máy bay vẫn đứng nguyên ở vị trí cũ. Chỉ một thoáng thôi, Loan đã thấy cảnh vật hiện ra thật gần và thật rõ qua khung cửa kính. Ô kìa! Những đám mây trắng thật lớn với muôn hình muôn dạng trôi bềnh bồng khắp không gian. Ô kìa! Một vùng biển mênh mông với từng đàn cá voi nhô lên, lặn xuống, đuổi nhau trong làn nước xanh thẳm. Những cánh rừng xanh bát ngát. Những con sông ngoằn ngoèo. Những khu nhà vuông vắn với những con đường nhỏ chạy dọc, chạy ngang.
Năm tiếng đồng hồ sau, máy bay ngừng lại tại phi trường Nội Bài, Hà nội. Loan cùng Thúy chui ra khỏi thân máy bay. Mắt nàng hoa lên vì sự đổi thay của nơi này. Mới mấy năm trước, khi nàng về thăm quê hương lần đầu, phi trường này nhỏ hẹp, cũ kỹ và bẩn thỉu, thế mà hôm nay cảnh tượng ở đây đẹp đẽ, khang trang hẳn ra. Nàng tưởng như mình đang ngủ mơ, nàng hỏi con gái:
- Có thật đây là phi trường Nội Bài không con?
Thúy cười giòn tan:
- Mẹ không trông thấy chữ "Phi trường Nội Bài" to tướng trên tòa nhà cao ngất kia hay sao?
Loan nhìn theo hướng tay Thúy chỉ. Quả thật, nàng thấy hàng chữ "Phi trường Nội Bài" thật lớn chạy dọc theo chiều cao của tòa nhà.
Khi vào trong phòng để lấy hành lý, Loan ngạc nhiên không thấy bóng dáng một anh công an áo vàng nào cả. Nàng tò mò hỏi một nhân viên phi trường, ông ta cười lớn:
- Trời ơi! Bà ở đâu về mà ngố thế? Từ ngày giới trẻ lên cầm quyền, nước mình được tự do, thịnh vượng mà đâu cần có quân đội và công an đâu!
Loan vẫn không tin, nàng hỏi lại:
- Bác nói thật hay nói đùa vậy? Làm gì mà có chuyện lạ lùng thế được nhỉ?
Người đàn ông cười hỏi Loan:
- Thế bà ở đâu mà lại không biết tin tức gì về sự thay đổi ở Việt Nam vậy?
- Tôi ở Mỹ.
Người đàn ông ngắm mẹ con Loan rồi lại cười ha hả:
- Trời ơi! Bà ở Mỹ về mà sao ăn mặc quê thế này?
Loan mở to đôi mắt nhìn người đàn ông. Nàng nghĩ thầm: "Ông này lộng ngôn hết chỗ nói! Quần áo mẹ con nàng mặc đều là của những hãng nổi tiếng ở Mỹ cả, vậy mà ông ta dám chê là quê"
Như đọc được ý nghĩ của Loan ông ta nói:
- Bà không tin tôi thì thôi. Bà cứ thử đi một vòng Hà Nội đi thì biết ngay ấy mà. Nhưng tôi cũng
nói trước cho bà biết là không phải chỉ có dân Hà Nội mới văn minh đâu đấy nhé, kể cả những vùng quê hẻo lánh cũng như thế hết đấy bà ạ!
Từ giã người đàn ông làm ở phi trường, mẹ con Loan nhận hành lý rồi theo đoàn người rảo bước ra ngoài, lên xe điện để vào thành phố. Chiếc xe điện dài lê thê màu bạc chạy vù vù giữa những con đường hẹp, tráng nhựa đen bóng, được ôm ấp bởi những hàng sấu, hàng bàng hai bên. Xe chạy nhanh đến nỗi Loan chưa kịp nhìn những thửa ruộng hai bên đường thì hồ Hoàn Kiếm đã hiện ra trước mặt. Tiếng xe điện kêu leng keng, quen thuộc như đưa Loan trở về với vùng trời ấu thơ với kem máy Bình Minh, lạc rang bờ hồ, bánh mì pâté, xúc xích, kẹo kéo vừa dẻo vừa dai...
Theo đúng như chương trình đã định, mẹ con Loan vào khách sạn Huy Hoàng ở phố Cửa Bắc lấy phòng ở một ngày rồi mới về quê. Một ngày dạo chơi Hà nội, mẹ con Loan như lạc vào một thế giới Thần tiên: Những ngôi nhà cũ đã được tu sửa lại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính xưa. Hàng liễu vẫn mơ màng soi bóng bên Hồ Gươm, cầu Thê húc vẫn đo đỏ, cong cong. Đền Ngọc sơn vẫn ẩn hiện sau rặng cây. Văn Miếu vẫn còn đó, chùa Một Cột vẫn còn kia. Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Đường vẫn đông vui tấp nập...
Đi một vòng Hà nội, dạo quanh phố xá, vào chợ Đồng Xuân, ghé vào các hiệu ăn... Loan mới thấy lời của người đàn ông làm ở phi trường nói với nàng là sự thật.
Tất cả những người dân ở đây mà Loan có dịp gặp gỡ, họ đều vui vẻ, hiền hòa và ăn mặc rất đẹp. Điều làm Loan vui nhất có lẽ là khi nghe dân Hà nội nói. Vì giọng nói của họ, đúng là giọng nói Hà nội thuở xưa. Không phải là giọng nói the thé mà nàng đã nghe trong lần về thăm quê hương mấy năm về trước.
Sau một ngày hai mẹ con Loan lang thang khắp thành phố Hà Nội, buổi tối về lại khách sạn, hai mẹ con Loan mệt nhoài. Trước khi chìm vào giấc ngủ êm đềm với nhiều mộng đẹp, Thúy vừa ngáp vừa nói:
- Mẹ ơi! Con mê Hà nội của mẹ quá!
Loan thức dậy thật sớm, đến bên cửa sổ, đưa mắt nhìn ra đường phố. Vạn vật còn ngủ say, những ngọn đèn đường tỏa ra một thứ ánh sáng vàng mờ huyền ảo, đủ để cho nàng thấy màn mưa bụi bay nghiêng nghiêng trong không gian.
Khi Loan thấy trên hè phố, lác đác những người đàn bà ấm áp trong những chiếc áo bông ngắn, kĩu kịt gánh hàng ra chợ, nàng cũng khoác vội chiếc áo vét nhung màu rượu chát, rời khách sạn, tản bộ dưới mưa. Những sợi mưa mỏng manh, quấn quít đuổi nhau rồi hôn lên tóc, lên áo, lên má nàng. Mưa không ướt áo. Mưa không ướt mặt. Mưa như hơi sương, mưa ve vuốt như người tình cũ cho nàng cảm giác mát dịu, êm ái...
Loan cứ tiếp tục đi trong mưa, lòng lâng lâng vui sướng. Loan đi qua phố Quan Thánh, vườn hoa Hàng Đậu, Chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào... Đến bờ hồ thì trời đã sáng rõ và chân Loan đã mỏi. Nàng ngồi bệt xuống gốc một cây liễu, cành lá xum xuê rủ bóng xuống mặt hồ. Loan ngắm mặt nước phẳng lặng như tờ, thả hồn vào cõi mộng mơ.
Bỗng gió nổi lên ào ào làm cho cây cối ngả nghiêng. Rồi những cành cây gãy đổ, nằm ngổn ngang khắp nơi, khắp chốn. Mặt nước hồ Gươm gợn sóng, rồi một con rùa như một tảng đá khổng lồ trồi lên, khiến cho mực nước dâng cao, dâng cao, dâng cao mãi lên đến tận chỗ Loan đang ngồi...
Hốt hoảng, Loan đứng lên, cắm đầu, cắm cổ mà chạy. Vừa chạy Loan vừa la vừa hét...
Loan bừng tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn căn phòng quạnh hiu: bức ảnh hồ Hoàn Kiếm của nhiếp ảnh gia Phạm văn Mùi, phóng lớn, treo trên tường, những tờ báo nằm la liệt trên giường với tràn ngập hình ảnh về trận lũ lụt miền Trung. Loan đưa tay bóc tờ lịch đầu tiên. Lại một năm mới bắt đầu. Ngoài kia, tuyết trắng bao phủ khắp không gian, sáng như ban ngày!



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 911

Return to top