Sóng Thời Gian
Lê Thị Nhị
Xuống xe buýt, Minh đội cái khăn len màu tím lên đầu rồi vắt chéo hai đầu khăn, quàng cổ cho ấm. Cô đi nhanh về phía trước, vì theo lời chỉ dẫn của người em bà con thì căn nhà mà cô sẽ tới để xin việc cách trạm xe hai dãy phố.
Đến Mỹ đã được hơn hai tháng, nhưng hôm nay là lần đầu tiên ra khỏi nhà một mình nên cô vô cùng hồi hộp và bỡ ngỡ.
Cô cắm đầu đi thật nhanh như để tránh cơn gió lạnh. Hàng cây cao rậm lá, những ngôi nhà với thảm cỏ xanh mướt như nhung và con đường nhựa thẳng tắp chỉ lướt qua trong mắt nhưng cô cũng vẫn nhận thấy đây là một thành phố thật là thơ mộng.
Sáng nay, nhìn trời, thấy có nắng đẹp nên cô tưởng là ấm, không mặc áo khoác dày mà chỉ "diện" cái áo len, cùng bộ với chiếc khăn quàng mà cô đã mua được với giá rất rẻ ở một cửa hiệu bán quần áo cũ tuần trước. Vừa đi, cô vừa mỉm cười, thầm nghĩ: "Mình già rồi mà còn điệu! Ai bảo muốn khoe cái áo len tím làm chi để bây giờ phải chịu lạnh!"
Cô luôn luôn nghĩ là mình già vì cô đã trải qua nhiều nỗi khổ đau, thăng trầm trong cuộc sống. Sóng gió thời gian đã làm cho thể xác và tâm hồn cô cằn cỗi mỏi mòn, chứ thực ra tuổi cô chưa tới bốn mươi. Nhan sắc cô cũng còn mặn mà lắm. Mỗi khi ra đường, cô vẫn nhận được những đôi mắt ngắm nhìn và những lời khen tặng của những người mà cô gặp gỡ. Những lúc soi bóng mình trong gương, cô vẫn hài lòng vì khuôn mặt phúc hậu với nước da trắng hồng, chiếc mũi thẳng và đôi mắt sáng long lanh. Mái tóc của cô đen mượt, dài tới ngang lưng, nhưng thường thì cô chải hất lên ở phía trước và búi gọn ghẽ ở phía sau.
Ngày xưa, có một cụ già đã khen cô đẹp như Nam Phương Hoàng Hậu. Cô chẳng biết Nam Phương Hoàng Hậu đẹp như thế nào, nhưng cô rất vui và nhớ mãi lời khen đó vì lời khen của một cụ già thì chắc chắn phải trung thực hơn lời khen của những chàng trai tán tỉnh cô. Đôi khi, cô nghĩ, câu thơ của cụ Nguyễn Du "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã ứng nghiệm vào cuộc đời của cô nên suốt đời, cô gặp toàn những chuyện bất hạnh. Những khoảnh khắc hạnh phúc đến trong cuộc đời cô chỉ như một thoáng mây bay, một cơn gió thoảng.
Cái thuở lên năm lên sáu sống êm ấm bên bố mẹ đã nhạt nhòa trong hồn cô. Cô chỉ nhớ mang máng là căn nhà tuổi thơ cô, ở Nhà Bè với sông nước mênh mông. "Nhà Bè nước chẩy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về..." đó là những câu hát mà mẹ cô thường hát cho cô nghe.
Sau khi bố cô tử trận trong một cuộc giao tranh với Việt Cộng ở Củ Chi thì cô cùng mẹ về Mỹ Tho sống với bà nội và gia đình người chú ruột.
Ngoài mẹ ra, cô được bà và chú thương yêu che chở nhưng lại bị bà thím độc ác hành hạ không chút xót thương.
Hàng ngày, sau khi ở trường về, trong khi các em con của chú thím được thoải mái vui chơi thì cô phải làm đủ mọi việc ở trong nhà thành ra cô học rất kém, bị thầy cô quở phạt luôn. Những chiếc roi mây quất vào đít đến chảy máu, những cái tát nảy đom đóm của bà thím đã theo cô suốt cuộc đời.
Chú thím giao cho mẹ cô nhiệm vụ mang trái cây lên Sài gòn bán, có khi hai ba ngày bà mới về. Mỗi khi mẹ cô ở nhà, thì bà thím xơn xớt nói cười , tỏ vẻ thương quý cô lắm nên bà rất yên tâm và làm việc tận lực cho chú thím.
Căn nhà của bà nội nằm bên một dòng sông nhỏ. Dòng sông êm đềm ấy đã vỗ về, an ủi cô những khi cô cảm thấy cô đơn, tủi nhục.
Mỗi chiều, sau khi làm hết các công việc, cô thường nhẩy xuống sông, bơi lội tung tăng như một con cá nhỏ. Làn nước mát rượi thấm vào da thịt khiến cô cảm thấy thoải mái dễ chịu. Có lúc, cô đã ao ước mình là con cá để luôn luôn được trầm mình trong làn nước trong xanh, bầu bạn với rong rêu, để chẳng bao giờ phải thấy bộ mặt ác độc của bà thím cùng những cô em họ đanh đá, chua ngoa.
Những đứa trẻ hàng xóm thường cũng về hùa với mấy đứa em, trêu chọc và chẳng bao giờ thèm chơi với cô. Có một đứa duy nhất, thỉnh thoảng lén gặp để hỏi han chuyện trò với cô, đó là thằng Hào con bà Năm bán xôi ở cuối xóm. Lâu lâu, nó cũng lén mẹ mang cho cô một gói xôi hoặc cái bắp luộc. Có lần, cô bơi ra khá xa, một chút nữa thì chết đuối, thằng Hào đã nhẩy xuống sông vớt cô lên.
Sự hành hạ của bà thím ngày một tăng dần theo với sự lớn khôn của cô. Nhưng cô sợ mẹ buồn nên chỉ cắn răng chịu đựng, không dám thở than. Trong cái đầu óc non nớt của cô, cô lo sợ rằng nếu không nhịn đắng nuốt cay mà ở đây thì mẹ con cô chẳng còn nơi nào để mà nương thân.
Cho đến một ngày, mẹ cô từ Sài gòn trở về Mỹ Tho sớm hơn dự định thì bà mới được chứng kiến tận mắt cô đang bị bà thím đánh sưng cả mắt! Mặc cho bà thím phân trần, bà nội và chú can ngăn, ngày hôm sau, mẹ cô vội vã mang cô lên Sàigon.
Ở Sài Gòn, mẹ con cô sống rất chật vật, thiếu thốn trong một căn nhà ọp ẹp ven con sông Trương Minh Giảng nước đục ngầu và hôi thối. Buổi sáng, mẹ cô ngồi bán bún riêu ở đầu chợ. Buổi tối, mẹ cô gánh một gánh chè đậu đen đi bán ở khắp các hang cùng ngõ hẻm.
Một thời gian sau, có người bà con rủ mẹ con cô lên Pleiku làm ăn và tìm cho mẹ cô việc làm trong PX của một căn cứ Mỹ.
Thời gian này, có lẽ cũng là thời gian thần tiên nhất trong đời sống của cô. Cô được mẹ cưng chiều rất mực, được đi học, có thầy, có bạn, có quần áo đẹp. Thức ăn thì chẳng thiếu thứ gì. Những hộp đùi gà, lườn gà, những thùng táo, thùng nho...mẹ cô mang từ sở về, ăn không hết, phải mang bán hoặc mang cho bà con lối xóm.
Nhưng ngày vui qua mau, khổ đau lại tới! Mẹ cô bị lòa mắt nên phải nghỉ việc. Rồi bà lại đau ốm liên miên.
Trong lúc túng quẫn, định mệnh lại run rủi khiến cô gặp bà Hằng, một người đàn bà gian manh xảo quyệt. Bà Hằng thấy cô cũng đã mười sáu tuổi, lại xinh đẹp nên bà dùng mọi lời lẽ ngọt ngào dụ dỗ để cô nhận lời ngồi thu tiền cho bà trong một cái bar đông khách.
Cô bắt đầu làm quen với cái không khí ồn ào, náo nhiệt của quán Mây Trắng với tiếng nhạc xập xình, với bóng tối mờ ảo và những người lính Mỹ ngồi lì uống bia cả buổi. Cô bắt đầu kết bạn với những cô gái điếm, tuổi đời còn non nhưng đã dạn dầy trong nghề nghiệp! Cô nào cũng có một quá khứ đáng thương, một lý do chính đáng để các cô lỡ bước, sa chân.
Rồi một ngày, chính cô cũng bị bà Hằng đánh lừa, cho uống rượu say, ép cô ngủ với một người lính Mỹ đã trả cho bà một số tiền khá lớn.
Sau khi nghỉ làm ở quán Mây Trắng với một tâm trạng tủi nhục, chán chường, cô vẫn phải gượng đứng lên để kiếm sống. Mỗi buổi chiều, cô đứng ở khu Diệp Kính, mua hàng hóa của lính Mỹ hoặc những người làm sở Mỹ, mang bán lại cho các cửa hiệu trên phố hoặc ngoài chợ. Cuộc sống tạm yên thì một biến cố khác lại tới, làm thay đổi hẳn cuộc đời của cô. Biến cố ấy, xảy ra cách nay gần hai mươi năm rồi mà cô vẫn còn nhớ như in trong tâm, trong trí...
Đêm đã khuya. Tiếng súng ngớt dần rồi ngưng hẳn. Cô lay mẹ dậy và dìu bà ra khỏi hầm trú ẩn. Cái hầm nhỏ, được tạo ngay trong góc của căn nhà rộng ba mét dài mười mét bằng những bao cát chất chồng nên nhau. Tuy không kiên cố như những căn hầm của những người lối xóm nhưng cũng khiến mẹ con cô cảm thấy an tâm phần nào khi tiếng đạn bom đì đùng ngay trong thành phố.
Mẹ cô thường an ủi:
- Ối dào! Trời Phật tránh cho thì được chứ hầm có kiên cố cách mấy cũng chẳng ích gì!
Trong chiến tranh, mẹ cô cũng như bao nhiêu người dân Việt khác, chỉ biết tin tưởng và cầu xin các đấng linh thiêng che chở cho thoát khỏi lằn tên mũi đạn. Nhưng mà, hình như, các đấng linh thiêng ở xa quá hoặc các ngài đã quên hẳn trên trái đất này còn có một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam đang đắm chìm trong khổ đau, tàn phá.
Sau khi đưa mẹ ngồi vào chiếc giường tre, Minh cầm đèn pin đi về phía bàn thờ, bật que diêm đốt nến, thắp nhang trên bàn thờ Phật và bàn thờ Bố. Bàn thờ, đối với cô vô cùng thiêng liêng và ấm cúng. Lúc nào cô cũng tưởng như được Trời Phật phù hộ cho mẹ con cô được bình an vô sự trong những lúc hiểm nguy và bố cô lẩn quất đâu đây để cùng chia sẻ với mẹ con cô những vui buồn trong cuộc sống.
Đêm nay, Việt Cộng pháo kích vào thành phố từ chập tối, chưa kịp ăn gì đã phải vào nằm trong hầm nên bây giờ hai mẹ con cô bụng đói meo. Cô mở chạn lấy cho mẹ và mình mỗi người một bát cơm với thịt kho và vài miếng dưa chua. Dưới ánh nến leo lét, hai mẹ con yên lặng và từng miếng cơm, ăn vội vã.
Bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Hai mẹ con cô nín thở, vẻ mặt đầy sợ hãi. Cô cúi xuống gầm giường, lôi ra một cái cây thật lớn, cầm lăm lăm trong tay. Cô bỗng nghe thấy tiếng rên rỉ từ ngoài vọng vào:
- Tôi bị thương, cứu tôi với!
Đang băn khoăn không biết phải làm thế nào thì cô đã nghe mẹ nói:
- Ra mở cửa cho người ta đi con, tội nghiệp! Mình ở hiền gặp lành, con đừng sợ!
Cô nghe lời mẹ, nâng cái then cài và mở cửa. Một bóng người ngồi bệt xuống đất ôm lấy đùi, máu thấm ướt đẫm cả cái quần màu xanh lá cây đậm, đang rên lên vì đau đớn. Nhìn bộ y phục của người lạ, cô hoàn hồn vì biết đây là một anh lính quốc gia chứ không phải là người của "Giải phóng". Cô nhanh nhẹn lôi anh ta vào nhà và khép cửa lại. Ánh sáng của cây nến soi rõ khuôn mặt của người lính. Cô chau mày nghĩ ngợi một giây rồi bỗng kinh ngạc kêu lên:
- Anh Hào ở Mỹ Tho phải không? Minh đây, anh còn nhớ không?
Người lính ngẩng đầu lên, đưa đôi mắt lờ đờ nhìn cô và khe khẽ gật đầu rồi lại ngất đi.
Minh vội vã lấy khăn lau vết thương và băng bó tạm cho Hào chờ tới khi trời sáng rõ cô mới gọi xe đưa vào bệnh viện.
Hào bị cưa một chân vì vết thương quá nặng!
Sau khi ở nhà thương ra, mẹ cô cho Hào ở lại luôn trong nhà vì nghĩ tình đồng hương, lối xóm.
Thế là từ đấy, cô phải vất vả kiếm sống, săn sóc mẹ mù lòa và người bạn tàn tật.
Cô đối với Hào thân tình như một người em gái. Nhưng tình cảm Hào dành cho cô thì khác. Anh âm thầm yêu cô và càng ngày anh càng trở nên lặng lẽ, tránh chuyện trò với cô. Một hôm, nhân lúc mẹ cô vắng nhà, Hào đã khóc tỏ tình với cô. Chàng biết đó là một tình yêu vô vọng nên có ý định từ giã để trở về Mỹ Tho sống với gia đình. Nhìn vẻ đau khổ và cái chân cụt của Hào, cô bỗng động lòng thương hại và cô đã đáp lại tình của Hào trong màn nước mắt.
Cuộc sống chồng vợ đã đem lại cho Hào niềm tin yêu và sự vui sống, Nhưng ngược lại, cô cảm thấy đời mình buồn tẻ, xót xa. Làm sao cô có thể hạnh phúc bên một người chồng tàn tật? Lòng thương hại của cô đối với người bạn cũ sẽ chẳng bao giờ đổi sang tình yêu! Tuổi xuân của cô nặng nề trôi qua. Cô đè nén những khát khao của tâm hồn và thể xác của chính mình để đem lại niềm an ủi cho người chồng kém may mắn. Đêm đêm cô trằn trọc, ngày ngày cô thẫn thờ tự hỏi lòng về sự thủy chung, gắn bó cùng chồng có được đến mãn đời, mãn kiếp?
Câu hỏi của cô, đã được trả lời khi cô gặp Jack, một sĩ quan Mỹ có đôi mắt xanh như hòn bi ve và nụ cười hồn nhiên như trẻ nhỏ. Ban đầu, cô cố gắng vùng vẫy trốn chạy tình yêu. Nhưng càng trốn chạy bao nhiêu thì tình cảm của cô và Jack càng tăng bấy nhiêu. Cho tới một ngày, cô lao vào biển tình như một con thiêu thân. Tất nhiên là mẹ và chồng cô chẳng hề hay biết! Kết quả của tình yêu nóng bỏng ấy là một mầm sống hình thành trong cô, đúng lúc Jack mãn nhiệm kỳ ở Việt Nam và trở về Mỹ. Cô dấu không cho Jack biết mình mang thai vì cô nghĩ, Jack biết, sự kiện cũng chẳng thay đổi được gì vì cả hai cùng đã có vợ, có chồng. Jack không thể ở lại Việt Nam cũng như cô không thể bỏ mẹ, chồng và quê hương xứ sở để đi Mỹ!
Mấy tháng gần ngày sinh nở, cô nói với mẹ và chồng là cô hùn hạp với một người bạn làm ăn ở Vũng Tàu, cô cần vắng nhà vài tháng. Cô sẽ mướn bà hàng xóm trông nom cơm nước cho mẹ và chồng trong thời gian cô vắng nhà. Ban đầu nghe con nói, mẹ cô la hoảng lên không chịu cho cô đi. Nhưng khi cô giải thích là công việc làm ăn khá lắm và sau khi thu xếp công việc xong thì chỉ ở nhà cũng được chia lời thì mẹ cô bằng lòng ngay. Chồng cô thì không có ý kiến, vì anh biết, anh là gánh nặng của cô, anh phải để cô tự lo liệu, tính toán thiệt hơn.
Cô được một bà sơ ở Vũng Tàu cho làm việc trong một cô nhi viện để chờ ngày sinh đẻ.
Sinh con xong, đợi cho thằng Lai cứng cáp, cô gửi nó lại cho bà sơ và trở lại Pleiku sống với mẹ và chồng như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Nhờ số tiền Jack để lại nên gia đình cô sống cũng thoải mái. Do đó, mẹ và chồng cô vẫn tin rằng cô có lợi tức hàng tháng từ sự hùn hạp làm ăn ở Vũng Tàu.
Khi thằng Lai được bốn tháng, do sự sắp đặt của cô, bà sơ mang thằng Lai đến nhà cô, ngỏ ý muốn tìm cha mẹ nuôi cho nó vì có người bỏ nó ở cửa nhà thờ.
Nhìn thằng bé kháu khỉnh, mẹ cô mừng lắm. Bà khuyên vợ chồng cô hãy nhận nuôi thằng bé làm phước và cho vui cửa, vui nhà vì vợ chồng cô cũng hiếm muộn.
Thế là từ đó, tiếng cười trẻ thơ của thằng Lai đã đem lại niềm vui tràn ngập cho gia đình cô.
Khi thằng Lai được sáu tuổi, biến cố 1975 ập tới. Việt cộng tràn vào thành phố Pleiku và người dân bồng bế, dắt díu nhau mà chạy trong sự hỗn loạn, trong tiếng đạn bom vang rền. Mẹ và chồng cô bị thất lạc trong lúc chạy loạn. Cô và thằng Lai thoát được về Vũng Tàu và sau đó, sống nương nhờ ở cô nhi viện của bà sơ đã giúp cô khi xưa. Cuộc sống dưới chế độ mới đối với cô vô cùng gian nan, vất vả. Những đứa con hai dòng máu như thằng Lai thì bị xã hội ruồng bỏ, khinh khi; mặc dù thằng Lai càng lớn càng xinh và ngoan nhưng bà con lối xóm cũng chẳng ai ưa. Đám trẻ con lối xóm thường trêu ghẹo thằng Lai khiến nó không muốn gặp ai. Nó thủi thủi chơi một mình, rất tội nghiệp.
Khi có chương trình đi Mỹ theo diện con lai, cô cố gắng lo chạy chọt giấy tờ để mang con đi Mỹ. Qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng thì mẹ con cô cũng được toại nguyện. Bỏ quê hương xứ sở mà đi đến một nơi xa lạ, trong lòng, cô cũng hoang mang và buồn lắm! Mặc dù cô cũng biết, rất nhiều người thèm thuồng cái hoàn cảnh của mẹ con cô.
Cô đến định cư ở vùng Virginia này vì có người em bà con ở đây đứng ra bảo trợ. Gia đình người em cho mẹ con cô ở nhờ lúc đầu trong khi chờ đợi được lãnh tiền trợ cấp thì sẽ ra ở riêng.
Thằng Lai đã mười tám tuổi nên được vào học trường Đại Học Cộng Đồng, chương trình ESOL. Nó có vẻ vui lắm, vì ở đây nó không còn cảm thấy bị mọi người xung quanh khinh bỉ và chế nhạo như khi còn ở Việt Nam. Cô ở nhà đi ra đi vào mới có hai tháng mà đã chán ngấy! Hôm qua, đọc báo, thấy có người cần người làm việc vặt trong nhà, em cô bảo cô có muốn thì đi xin việc thử xem sao nên bây giờ cô mới có mặt ở đây, trên con đường này để đến cái địa chỉ mà cô đã nắn nót ghi vào tờ giấy đang cầm trong lòng bàn tay.
Nhìn căn nhà đồ sộ và nhìn lại số nhà một lần nữa, cô ngập ngừng đưa tay lên bấm chuông. Chỉ một lát sau, cánh cửa hé mở. Một bà Mỹ có dáng người cao cao và mái tóc vàng hoe, nhìn cô tươi cười nói:
-Bà Minh phải không? Mời bà vào! Tôi là bà Anderson, chúng tôi đang chờ bà đây. Bà tìm nhà có khó không?
Cô chào người đàn bà, ấp úng đáp:
- Cũng dễ thôi! Từ trạm xe buýt đến đây, tôi chỉ phải đi qua hai dãy phố.
- Ba mới sang đây mà nói tiếng Mỹ giỏi nhỉ, phát âm đúng lắm!
- Cám ơn bà quá khen! Tôi chỉ biết nói một ít câu thông thường thôi.
Người đàn bà chỉ vào cái ghế sa lông , mời cô ngồi rồi bà ngồi vào cái ghế đối diện:
- Chồng tôi đang bận nói chuyện điện thoại ở trên nhà, một chút nữa ông ấy sẽ xuống.
À, bà nói bà là người Việt Nam phải không? Hồi chiến tranh, chồng tôi còn ở trong quân đội và cũng chiến đấu ở Việt Nam một năm cơ đấy!
-Thế ạ! Thế hồi đó ông nhà ở đâu ạ?
- Mới đầu thì nhà tôi ở Đà Nẵng, sau thì ở Pleiku. Nhà tôi thích Việt Nam và người Việt Nam lắm. Trên lầu, nhà tôi để riêng một phòng treo tranh ảnh và giữ những kỷ vật mà ông ấy mang từ Việt Nam về. Ông ấy bảo, đó là một phần đời của ông ấy đấy! Thế ở Việt Nam, bà ở đâu?
- Tôi ở nhiều nơi lắm! Nhưng tôi cũng có ở Pleiku một thời gian.
- Ồ, đúng là thế giới này nhỏ thật bà nhỉ?
Người đàn bà vừa dứt lời thì có tiếng nói vọng xuống từ phía cầu thang:
-Người xin việc đã tới đó hả em?
Người đàn bà reo lên:
- Anh xuống mà gặp một người trước đây cũng ở Pleiku này! Em đang bảo thế giới này nhỏ thật đấy!
Cô bối rối khi người đàn ông bước vào phòng, ông ta nhìn cô , thản nhiên:
- À, thì ra trước đây bà cũng ở Pleiku. Pleiku có Biển hồ đẹp lắm!
Nghe nhắc đến Pleiku, đến Biển hồ, cô hơi lúng túng:
- Vâng, Biển hồ đẹp lắm, và đẹp nhất vào những buổi hoàng hôn.
Câu chuyện về Pleiku không được tiếp nối trong câu chuyện vì ông Anderson đã bắt đầu cuộc phỏng vấn và cho cô biết những công việc mà cô cần phải làm trong thời gian từ sáng đến chiều, mỗi ngày. Cô được biết, bà Anderson ở nhà nhưng vì bà mắc bệnh đau tim nên cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Cô sẽ phải làm tất cả mọi công việc của một người nội trợ và chuyện trò với bà Anderson để cho bà vui. Cô cũng được biết, vợ chồng ông Anderson không có con và ông hiện làm Giám đốc một hãng điện toán trong vùng nên khá bận rộn. Bà vợ than rằng, ông chẳng có thời giờ dành cho bà nên hàng ngày bà thường chơi với hai con mèo và ba con chó. Bà mong rằng cô sẽ trở thành bạn của bà trong tương lai.
Sau khi phỏng vấn, hai vợ chồng ông Anderson ngỏ ý hài lòng nhận cô vào làm việc ngay từ ngày hôm sau, nhưng cô nhỏ nhẹ đáp:
- Xin ông bà để tôi suy nghĩ lại và sẽ gọi điện thoại trả lời ông bà sau.
Ánh mắt của bà Anderson thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ, bà tưởng cô sẽ mừng rỡ nhận lời ngay vì công việc nhẹ nhàng và số lương lại quá hậu hĩnh đối với một người tỵ nạn như cô.
Từ giã ông bà Anderson, cô lại đi như chạy trở về con đường cũ, hướng trạm xe buýt.
Trời vẫn nắng. Gió vẫn thổi mạnh. Xuyên qua cành cây, kẽ lá, hoa nắng lung linh nhẩy múa đón bước chân cô. Cô bỗng nhớ tới Pleiku với khu rừng thoai thoải xuống Biển hồ. Cô nhớ những buổi chiều nắng vàng chiếu xuống mặt hồ, làn nước trong xanh lấp lánh như thảm kim cương. Tiếng gió xào xạc qua rừng cây như tiếng ru êm đưa cô vào một cuộc tình ngắn ngủi nhưng đầy thơ mộng. Nếu không có cuộc tình đó, chẳng bao giờ cô được biết đến hương vị ngọt ngào và sự tuyệt vời của tình yêu.
Cô vừa đứng thu mình trong cái lồng kính để tránh gió, chờ chuyến xe sắp tới và thả hồn về quá khứ thì một cái xe hơi sang trọng ngừng lại trước mặt cô. Cô mở lớn đôi mắt nhìn ông Anderson, hay là Jack năm xưa của cô mở cửa xe bước xuống và chạy lại ôm chầm lấy cô. Người cô mềm nhũn trong vòng tay ấm áp của người xưa. Nước mắt cô trào ra.
Jack ghì chặt cô, thầm thì:
- Cảm ơn Thượng Đế đã cho chúng mình gặp lại nhau!
Rồi chàng giải thích:
- Vợ anh ghen ghê lắm! Nếu bà ấy biết em là người yêu của anh hồi đó, bà ấy có thể trở bệnh đau tim mà chết được nên hồi nãy anh phải làm ngơ!
Chỉ một câu nói của Jack, bao nhiêu nỗi giận hờn, buồn tủi, từ lúc gặp lại Jack tan nhanh. Nước mắt cô trào ra và trái tim cô như reo vui trở lại sau một thời gian dài đắm chìm trong cô đơn, buồn tủi.
Jack dìu cô ra xe, chiếc xe vút nhanh trên con đường thẳng tắp, chan hòa anh nắng. Hàng cây hai bên đường vẫn ngả nghiêng theo chiều gió. Jack nắm bàn tay mềm mại của cô và hai người say sưa kể cho nhau nghe chuyện về đời mình của khoảng thời gian mười tám năm qua. Duy có một điều mà cô không kể, đó là thằng Lai chính là con của Jack. Cô muốn dành cho chàng một sự ngạc nhiên, một niềm vui tột cùng khi gặp mặt con, đứa con được kết hợp bởi tình yêu. Một tình yêu đã mang lại cho cô những nụ cười hạnh phúc nhỏ nhoi cũng như những giọt nước mắt khổ đau triền miên qua năm tháng. Một tình yêu được ươm mơ, dệt mộng bằng nắng gió cao nguyên, bằng mặt nước Biển hồ lấp lánh như thảm kim cương dưới ánh sáng mặt trời mùa hạ...