Ông Lão Dê Xồm
Nguyên Đỗ
Ngày xưa ở xóm tôi ở có một ông lão, tuổi chắc cũng gần sáu mươi, tóc đã bạc phơ phơ cả dù trông còn tráng kiện lắm. Vợ ông năm ấy có lẽ cũng trên bốn mươi, miệng lúc nào cũng nhai trầu đỏ choét.
Ông bà già đã có năm người con, đứa con út cũng cỡ tuổi tôi lúc bấy giờ là mười tuổị Ông bà già nhưng tình tứ lắm, đi đâu cũng cầm tay, âu yếm nhau, chẳng khác gì các thanh niên trai trẻ. Đa số người trong xóm tôi ở hình như khó chịu vì thấy ông bà thương nhau ra mặt kiểu đó. Nhưng họ chỉ thì thầm với nhau là ông bà già mà còn tình như thanh niên thôi chứ không dám nói thẳng.
Mãi đến một hôm, không biết ông bà tọ tẹ thế nào mà bác gái cái bụng mỗi ngày một lớn và thế là trái bom tai tiếng bùng nổ vang cả xóm. Người ta công nhiên gọi ông lão là ông già dê xồm. Kể cũng tội ông bà, ở một xã hội khép kín như ở Việt Nam ngày xưa mà văn minh đi trước cả bao nhiêu năm chẳng khác gì ở các nước Tây Phương bây giờ còn công khai khoe dùng Viagra chẳng ngại ngùng gì!
Ông bà chẳng xấu hổ, mà có gì đâu để xấu hổ chứ! Mỗi khi người ta gọi ông là ông dê xồm, thì ông cười hề hề nói, "Tôi có dê gì mấy bà vợ của các ông hay dê các bà đâu mà lôi thôi rắc rối! Tôi dê vợ tôi thì mắc mớ gì mấy người! Rõ thật là lắm chuyện!"
Ông nói, "Con trời cho vào tuổi này là trời thương đó! Đâu có phải bình thường đâu! Tôi chẳng thuốc bắc, thuốc nam! Có con tuổi này cũng ấm áp tuổi già!"
Mà đúng là con trời cho thật. Bác gái tuổi trên bốn mươi mà khi lâm bồn sinh cái rụp ở nhà, chẳng phải đi nhà thương nhà thác gì hết. Chỉ có bà mụ trong xóm tới phụ đỡ đẻ tí thôi.
Thằng bé lớn như thổi, có lẽ được các anh các chị nó ẵm bồng cưng chiềụ Khi hai ông bà đưa con đi lễ, hay đi chơi thì mỗi người cầm một tay của thằng bé thay vì cầm tay nhau như hồi trước trông thật là đầm ấm.
Người lạ không biết cứ hỏi, "Bố mẹ thằng bé kháu khỉnh này đâu mà ngày nào ông bà cũng đưa đi chơi hết?"
Ông lão tủm tỉm cười, "Nó là con chúng tôi đấy!"
Những người lạ lắc đầu nghĩ rằng đó là con nuôi của ông bà, chứ không phải là con trời cho lúc đã cao tuổi.
Hôm nay sắp sang năm dê, tôi lại thấy nhớ ông già dê chi lạ! Thằng bé giờ chắc lớn rồi, không chừng cũng tình tứ như ông bố ngày xưa! Năm nay nó cũng mười sáu mười bảy, chẳng biết ông già dê giờ còn sống hay mất nữa.
Nguyên Đỗ