Còn Có Một Ngày Mai
Hoàng Vi Kha
Ông Hào dừng tay, tắt chiếc máy hút bụi rồi tò mò bước đến bên cạnh chiếc bàn bề bộn các thứ giấy tờ và bản vẽ.
- David Tran ! Project Engineer ! Ông lẩm bẩm đọc hàng chữ mạ vàng trên chiếc bảng tên bằng loại gỗ quí rồi trầm trồ: Là người Việt Nam à ? um... giỏi thật !
Xoay sang kệ sách, ông Hào rướn chiếc mục kính dày, chăm chú nhìn vào những khung hình bày trên đó. Bên cạnh những văn bằng, những chứng chỉ khen ngợi là một bức hình chụp một người thanh niên Á Châu trong bộ âu phục đắt tiền đứng bên cạnh một đôi vợ chồng già người Mỹ. Ông Hào biết ngay người thanh niên đó chính là kỹ sư David Tran.
- Mong sao mai này thằng Toản của mình cũng được nên người như thế
Ông Hào lẩm bẩm ao ước, rồi trở lại nhìn chăm chăm vào những bản vẽ kỹ thuật bày lộn xộn trên bàn. Mớ vốn liếng tiếng Anh của ông không đủ để giúp cho ông hiểu trọn tất cả, nhưng những công thức, những con số, những đường vẽ trên từng trang giấy, lại có sức lôi cuốn ông vô cùng. Bất chợt, ông lắc đầu, nhíu mày khi trông thấy một phép tính trong quyển sổ con đặt bên cạnh
- Ừm... không thể như thế được !
Ông Hào bèn ngồi vào chiếc ghế bành bọc da êm ái, với tay lấy cây bút chì và mẫu giấy vụn trên bàn hí hoáy viết nhanh những suy nghĩ trong đầu.
- Hey, hey ! What are you doing herẻ Cửa phòng bật mở, một thanh niên bước vào quát lớn. Ông Hào giật mình ngẩng mặt nhìn lên thì ra đó chính là cậu kỹ sư David Tran. Ông vội vàng đứng dậy, nở một nụ cười thân thiện, nhưng ông còn chưa kịp lên tiếng chào hỏi, thì David đã gắt gỏng bằng tiếng Anh.
- Ông già ! Ông nghĩ ông là ai và ông đang làm gì hả ? Tất cả những cái gì mà ông đang thấy ở đây, nếu như ông chỉ sơ suất một tí thôi thì cả đời này của ông, ông cũng không đền nỗi. Hiểu chứ ?
Ông Hào bị bất ngờ trước lời nói và thái độ của cậu David nên đâm ra ấp úng, bập bẹ, vài câu xin lỗi không thành lời. David đưa cặp mắt nhìn ông xoi xét, rồi buông mình ngồi phịt vào chiếc ghế bành to, lớn giọng của kẻ ca?
- Thôi, ông đi ra ngoài đi, để tôi làm việc, bao giờ cần tôi sẽ gọi ông vào
David nói xẳng giọng. Vẫn là bằng thứ tiếng Anh lạnh lùng, hời hợt khiến cho ông Hào chợt cảm thấy chán nản. Ông Hào cố nén tiếng thở dài rồi trả lời bằng tiếng Anh với David
- Vâng thưa ông, tôi xin lỗi, tôi sẽ không làm phiền ông.
Nói đoạn ông Hào đặt trả trở lại bàn của David mẫu giấy và cây bút chì ban nãy, rồi lom khom thu dọn các thứ bước ra dãy hành lang bên ngoài sau khi mệt mỏi khép cánh cửa văn phòng của David lại sau lưng.
Nhìn dãy hành lang và những căn phòng đang chờ ông quét dọn trước mắt, ông buông một tiếng thở dài, tự an ủi
- thôi, đi làm việc của mình, kẻo không lại bị con Savanha quơ?
Nhưng ông vừa chạm tay tới núm cửa của căn phòng kế bên thì cậu kỹ sư David từ trong phòng đã hấp tấp chạy ra
- Hey, excuse me !
- hum... vẫn lại là cái giọng tiếng Anh cà chớn đó, Ông Hào nghĩ thầm trong bụng rồi gắng nở một nụ cười xoay lại
- yes, sir ?
David bước đến bên ông, trên tay cầm mẫu giấy nhỏ mà ông viết lúc nãy
- is it yours ?
Ông Hào gật đầu, rồi e dè, ráng gặn từng chữ tiếng Anh trả lời
- xin lỗi ông, tôi không cố ý. Mong ông không trách.
David không nói gì, chỉ nheo mắt nhìn ông chăm chú, rồi bất chợt reo lên khi trông thấy tấm thẻ căn cước nhân viên vệ sinh của ông đang đeo trên túi áo
- Yoúre Vietnamese?
- thưa ông, đúng vậy ! Ông Hào trả lời bằng tiếng Anh, trong lòng thì mệt mỏi la.
- Sorrỵ. um... xin lôi ong ! Toi xin loi ong ! David chìa bàn tay về phía ông Hào với nụ cười ngập ngừng sau khi ráng thốt ra vài chữ tiếng Việt. Ông Hào ngạc nhiên trước thái độ của David. Còn đang phân vân thì David đã nắm lấy tay ông nói tiếp
- Ong khon giận toi chứ ! xin vui lòng đi theo toi
David choàng vai ông Hào thân thiện rồi đưa ông Hào trở về văn phòng của mình.
- mời ong ngồi, on dùng 1 tí nước nha, ong uông gi?
Ông Hào phì cười trước lối phát âm tiếng Việt của David Tran.
- Soda, please !
Đón lấy ly soda từ tay David, ông Hào phần nào cảm thấy vơi đi cơn bực dọc ban nãy.
- Ong tên Hao?
- yes !
- Tên Việt nam cua toi la Tran Sinh
- nice to meet you sir ! Ông Hào toan nhóm người đứng dậy, nghiêng mình chào thì David đã vội vàng ngăn lại.
- Ong khong càn noi tiếng Anh với toi, ong noi tiếng Việt nam đi, I want to học thêm tiếng Việt Nam đó mà, và hay goi toi là Sinh được rồi.
Ông Hào mỉm cười. Cả Sinh cũng thế. Anh chàng gãi đầu giải thích:
- Sinh sang My khi Sinh mới co 10 tuôi. Sinh ở vơi Mom and Dad người My, cho nên Sinh noi tiếng Việt Nam dỡ lắm. Ong đừng cười Sinh nha
- Ồ không ! không có đâu
- Trong công ty nay, đây la lần đâu tiên Sinh gặp một ngươi Việt nam. Sinh hope ong sẽ chỉ Sinh tiêng Việt Nam
Ông Hào nhìn ánh mắt thành thật của Sinh và nhất là khi nghe nói Sinh rời Việt nam khi chỉ mới 10 tuổi thì trong lòng ông, bao nhiêu điều phật ý về Sinh ban nãy tan biến đi cả. Ông gật gù cười bảo:
- Được rồi, tôi sẽ dạy cho cậu thêm về tiếng Việt.
- Great ! và ong Hao chỉ cho Sinh về văn hoa của Việt Nam luôn, OK ?
- Dĩ nhiên là được ! Nhưng trước tiên để cho thân thiện, tôi nghĩ mình nên thay đổi cách xưng hô nha
- Xưng hô là gì ? what does it mean ? Sinh lúng túng.
- Ồ, là cách gọi nhau đó... tôi xem tuổi cậu cũng cỡ tuổi con cháu tôi thôi, vậy hãy gọi tôi là chú, và xưng là cháu nhé
- Ok, chú and cháu ! Sinh gật đầu tán thành
- chú và cháu ! Ông Hào hóm hỉnh nhắc nhơ?
- vâng, chú và cháu ! Sinh vui vẻ sửa lại.
Truyện trò một lát thì ông Hào được biết ba mẹ Sinh gởi Sinh đi vượt biển từ độ Sinh còn 9 tuổi cùng với một người chị. Sau đó, một đôi vợ chồng người Mỹ nhận hai chị em đem về nuôi. Nơi họ Ở không có người Việt. Sinh lớn lên, sinh hoạt cùng người Mỹ, cho nên dần dần quên mất đi tiếng Việt rất nhiều.
- Cháu viết thư cho ba me ở VN bằng tiếng Anh ?
- Đúng, most of the time là chi cháu viết, cháu chỉ viết vài dòng thôi. Chi cháu chỉ chau tiêng Viêt !
- Chị cháu đâu?
- Married rồi, lấy chông rồi. Chau ở 1 minh, nên tiêng Viêt dở lam. Ba me cháu gọi cháu là " Thằng Mất Gốc "
Ông Hào phì cười. Đôi mắt của ông đảo quanh gian phòng một vòng rồi dừng lại nơi khuôn hình của Sinh và ông bà cha mẹ nuôi người Mỹ
- Sao không thấy hình ba mẹ của cháu?
- Um... that s really a long story ! Sinh xoay mặt đi hướng khác, cố lánh né cái nhìn từ ông Hào.
- Cháu có chuyện không vui với ba mẹ à ? Ông Hào tỏ vẻ quan tâm. Sinh im lặng một lúc rồi nói nhanh:
- Ba me không thương chau ! Tư nho ba me hay đánh cháu và mắng chau đu điều. Chau nghĩ ba me cho chau đi vượt biên cũng vì không muốn nuôi chau ma thôi.
Rồi không đợi ông Hào lên tiếng, Sinh hỏi luôn:
- Chú sang My lâu chưa?
Ông Hào biết Sinh không muốn nói về vấn đề này nên vui vẻ trả lời:
- Chỉ khoảng 6, 7 tháng thôi !
- Ơ Việt Nam, cái job của chú giống cái của cháu à ?
Ông Sinh phì cười, nhấp một ngụm nước rồi chậm rãi trả lời:
- Chú là kỹ sư thiết kế trước năm 1975. Sau đó thì chú đi dạy !
- Oh, that s why ! Sinh gật gù, rồi chìa mẫu giấy của ông Hào viết lúc nãy ra Sinh nói tiếp: no wonder tai sao chú lại có thể làm mấy cái này. Cam ơn chú nhiều vì nhờ chú sửa giùm cái mistake cua cháu
- Không có gì, cháu không trách chú nhiều chuyện là chú an tâm ồi.
- No no... khong đâu ! cháu cung xin lôi chú về thái đô không đung cua cháu khi nãy.
- À ma chú Hào, tại sao chu không xin viêc làm như chau.
Ông Hào nghe hỏi thế liền cười buồn giải thích:
- Chú mới sang Mỹ. Đành rằng ngày xưa có từng đi du học tại Hoa Kỳ, nhưng để có thể làm việc được như cháu hoặc đi dạy học thì chú cần thời gian để học thêm tiếng Anh và thi lấy lại cái bằng. Hiện giờ, để lo cho hai đứa con của chú đi học, chú với bà xã ráng cố gắng trong thời gian đầu, làm được việc gì thì làm việc đó. Chứ hưởng tiền trợ cấp của chính phủ chú thấy nhục quá cháu à.
Sinh gật gù rồi hỏi:
- Chú với um... your wife làm clean up à ?
- Phải đó, Clean up văn phòng là cái nghề buổi tối của chú và bà xã. Còn buổi sáng thì chú đi làm cái job full time ở một cái hãng cũng gần đây. Công việc chỉ là hàn mấy cái bảng điện mà thôi.
- wow, chú lam hai job một ngày ! mệt chết !
Ông Hào định lên tiếng thì giọng của con nhỏ Savanha, kẻ quản lý đám thợ làm vệ sinh đã vang vang ngoài dãy hành lang. Ông vội vã đứng dậy cáo từ
- Thôi chú phải đi làm việc tiếp. Dịp khác mình nói chuyện nhiều hơn nha.
Sinh liền đứng dậy tiễn ông Hào ra cửa. Nhìn theo cái dáng hấp tấp với mớ đồ làm vệ sinh lỉnh kỉnh trên lắc lư trên tấm thân của ông Hào, Sinh chợt nở một nụ cười vui vẻ cho một ý nghĩ vừa thoáng đến.
o0o
Không hiểu sao hôm nay ông Hào lại nôn nóng hơn mọi khi. Bà Nhã, vợ của ông, phì cười bảo:
- Làm cái gì mà cái tướng của ông hôm nay trông có vẽ bồn chồn vậy?
- À, không có chi ! Ông Hào vội chối, thôi bà mau đi làm đi, kẻo không con Savanha lại tru tréo lên nữa
- Ừ, ông cũng lo phần việc cho ông đi. Dạo này job diết cũng khó tìm, mà thằng con ông lại cho nó đi học ở tiểu bang khác tốn kém quá
- Trời, đã bao lần tôi nói với bà, cái thằng Toản và con Hương chúng nó học giỏi lắm. Vợ chồng mình hôm nay ráng nay lưng ra cày cho chúng nó vào các trường giỏi học thì sau này, tương lai chắc chắn tốt đẹp đấy mà
- Biết rồi, Bà Nhã cau mày lắc đầu, hễ đụng đến cậu Toản của ông, thì ông lại bênh ngay. Này, lo mà đi làm việc đi nhá, con Savanha không ưa gì ông cho lắm đấy.
Nói đoạn bà Nhã quày quả đi trước với chiếc xe đẩy chứa toàn những đồ dùng để làm vệ sinh.
- Ráng đi bà, năm sau, tôi sẽ xin thi lấy bằng và đi dạy lại được thì tôi không để cho bà cực thế này đâu.
Ông Hào nhìn theo dáng vợ lẩm bẩm trong lòng. Chợt bà Nhã quay lại nhìn ông cười:
- Này nhé, tôi biết hôm nay ông có chuyện chi dấu tôi đấy. Nhất định tan việc rồi tôi phải moi ra cho bằng được
- Được rồi, được rồi ! đi làm việc của bà đi, rồi tối nay tôi sẽ thuật lại cho bà hay !
Ông nở một nụ cười cảm thông với vợ rồi quày quả kéo chiếc máy hút bụi đi về phía phạm vi làm việc của mình. Trong lòng ông chợt dấy lên những bùi ngùi mà từ lâu ông đã cố chôn dấu. Đó chính là sự ngỡ ngàng, buồn lặng trước cảnh đời thay đổi của gia đình ông.
Ông Hào không bao giờ có thể tưởng tượng được đời lắm cảnh đổi thay như thế.
Ngày trước, với cương vị là một kỹ sư trụ cột của một công ty lớn tại miền Nam Việt nam, gia đình ông tuy không giàu sang, nhưng cũng thuộc vào hạng trung lưu, danh tiếng của xã hội. Sau năm 1975, " cách mạng đổi đời", kinh tế gia đình suy sụp. Vất vả lắm, ông mới xin giữ được một chức giảng dạy trong một đại học của thành phố với
mức lương èo uột, không đủ nuôi cả gia đình. Ông đổi đời, bà Nhã cũng thế. Hiệu thuốc tây do bà làm chủ trước năm 1975 đã bị nhà nước tịch thu và tống khứ bà ra ngoài.. chợ trời, để cho bà Nhã, từ địa vị của một bà dược sĩ đổi đời thành một con buôn lam lũ kiếm sống qua viên thuốc một.
Tuy là gia cảnh sa sút nhưng mọi người xung quanh vẫn kính nể ông vì ông là một giáo sư. Mọi người vẫn gọi ông là ông Giáo, và gọi bà Nhã là bà Dược Sĩ. Thế mà có ai ngờ, ngày hôm nay, định cư tại xứ sở mà hầu hết mọi người dân ở Việt Nam đều mong muốn sang, ông Giáo Hào và bà vợ dược sĩ của ông lại đổi đời một lần nữa để đi làm cái nghề mà dân ta gọi là culi.
- Sang đây bắt đầu từ hai bàn tay trắng và một con số không to tướng. - Bọn già lỡ cỡ như tụi mình, sang đây bây giờ là muộn màng rồi ông anh ạ. Thôi thì ráng còn sức, cày được lúc nào hay lúc đó mà lo cho đám con nó ăn học. Chỉ cần thấy tụi nó học hành được là mình vui rồi. Có lẽ đó là cái " có " duy nhất mà mình tìm được
nơi xứ sở này đó ông.
Một ông bạn già sang Mỹ diện H.O đã buồn rầu tâm sự với ông Hào nhiều lần như thế, và ông nghĩ ông bạn của mình nói rất đúng. Niềm vui duy nhất của ông hiện giờ chỉ là gia đình. Chứ còn người Việt ở quanh đây, nói về cái tình đồng bào thì ông càng thêm ngao ngán.
Dăm ba đứa học trò củ của ông hiện đang sống tại Hoa Kỳ thì đứa nào cũng đã mang bằng này cấp nọ. Nhưng ngán ngẩm thay, bọn chúng thay đổi tất cả. Đôi khi chợt nhớ, gọi điện thoại sang thăm, chúng lại nghĩ ông cầu cạnh giúp đỡ, cho nên luôn viện cớ mà im hơi, lặng tiếng. Có lúc ông buồn, tham gia vào cộng đồng người Việt với ý định tìm một vài việc gì làm cho nó khuây khỏa nỗi lòng
mà lại ích lợi cho người Việt mình. Nhưng thật sớm, ông lại đâm ra chán nản, thất vọng. Những tranh chấp, bè phái, dẫn đến những màn chửi mắng nhau loạn cào cào giữa phe ông này với phái ông nọ, giữa tờ báo này, với tờ báo kia đã làm tan nát mọi hy vọng, mong chờ trong ông.
Phải nói rằng, những tháng đầu đặt chân đến đây, ông Hào đã bị sốc khá mạnh. Nếu như không có bà Nhã hết lòng khuyên giải, và tận tình chia sẻ cùng ông mọi điều, thì chắc ông đã hóa điên, hóa dại.
Chiếc đồng hồ điện tử rẻ tiền trên tay ông kêu lên hai tiếng tíc tíc.
- Không biết mọi chuyện có êm xuôi không ! Ông lẩm bẩm, rồi ngó quanh dáo dác. Một thoáng chần chừ, ông quyết định bỏ ngang công việc, quày quả bước đi.
Ngang qua phòng của Sinh. Cánh cửa chỉ khép hờ, không khóa. Ông ngần ngại rồi mạnh dạn đưa tay gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Ông Hào nhìn quanh. Dãy hành lang vắng vẻ, yên lặng, chỉ có tiếng sè sè đều đặn phát ra từ chiếc máy điều hoà không khí.
Đẩy cánh cửa ra, ông Hào lách người bước vào. Ngọn đèn trên chiếc bàn làm việc của Sinh vẫn còn mở sáng. Ông rón rén đi lại gần, rồi bất chợt mỉm cười khi nhìn thấy trên bàn làm việc của Sinh có hai tấm ảnh được đặt trong khung một cách trang trọng. Một là hình chụp ba mẹ của Sinh tại Việt nam, và hình kia là Sinh và người chị của mình. Ông Hào gật gù tỏ vẻ hài lòng:
- Phải vậy chứ ! Vinh hoa rồi phải nhớ đến nguồn gốc ông bà, tổ tiên.
Ông Hào sắp lại mớ giấy tờ trên bàn cho gọn gàng, ngăn nắp hơn rồi trở bước quay ra. Một ý nghĩ chợt thoáng lên trong đầu, khiến cho ông Hào đổi hướng, bước nhanh về phía hội trường của công ty.
Tại hội trường, nơi đang diễn ra buổi tường trình đề án của Sinh, ông Hào len vào phía sau cánh cửa Emergency, lén nhìn ra bên ngoài. Trên bục cao, Sinh đang thao thao nói về đề án của anh. Bên cạnh, một chiếc bàn dài, phủ khăn trắng toát là vài vị có chức sắc cao trong công ty.
Ông Hào lặng im nhìn ngắm Sinh. Ông không chú ý đến những gì mà Sinh đang nói. Bản đề án đó đối với ông đã quá quen thuộc vì trong suốt thời gian hai tháng qua, ông đã cùng Sinh làm cái đề án này. Ông chỉ vui khi nhìn thấy sự thay đổi ở Sinh. Từ một anh chàng kỹ sư người Mỹ gốc Việt, vốn hoàn toàn không biết gì về quê cha đất tổ, về những phong tục, văn hóa của ông bà, ngày hôm nay, Sinh đã hoàn toàn thay đổi. Tiếng Việt đã nói trôi chảy hơn. Phép tắc nền nếp của Đông Phương đã thấm nhuần vào tâm hồn của anh chàng kỹ sư đó nhiều hơn. Không chỉ thế, Sinh còn biết thảo luận cùng ông những gì mà anh cho là quá bảo thủ trong tập tục nước nhà. Sinh biết dung hòa hai luồng tư tưởng để mang đến cho ông Hào một sự ngạc nhiên thích thú.
- Chú à, cháu tuy bị Mỹ hóa nhưng cháu vẫn còn biết cháu là người Việt Nam. Và chính nhờ ở chú, cháu đã biết tự hào là người Việt nam.
Chỉ với mỗi câu nói ấy của Sinh thôi cũng đã đủ làm cho ông Hào mừng vui, xúc động. Ông không cần đòi hỏi Sinh phải nói ra những từ ngữ hào nhoáng, lộng lẫy để phô trương tình yêu quê hương như ông thường đọc thấy trên các báo chí Việt tại hải ngoại. Ông chỉ cần biết trong Sinh là nỗi tự hào được làm một người dân Việt. Đó đã là quá đủ, và đó cũng đã gieo vào lòng ông một
niềm tin chắc chắn rằng, Sinh sẽ góp tay quang phục quê nhà, nếu như Sinh có cơ hội. Chính vì thế, tình cảm giữa ông và Sinh càng lúc càng gắn bó nhau hơn.
Tràng pháo tay kéo dài của đám cử toa. làm cho ông Hào giật mình. Sinh đã chấm dứt tường trình bản đề án. Những vị chức sắc trong công ty lần lượt bắt tay Sinh và đánh giá cao bản đề án của Sinh. Họ cũng đã quyết định áp dụng bản đề án này vào những công trình tới của xí nghiệp. Ông Hào chỉ cần biết có thế. Ông vui lắm. Trơ?
bước rón rén quay ra mà trong lòng cứ dấy lên bao cảm xúc khó tả. Có lẽ ông đã thương yêu Sinh như một đứa cháu ruột trong nhà.
- Hey, who are yoủ Giọng hỏi xấc xược của tên an ninh làm ông Hào giật mình.
- Ím working here ! Ông Hào trả lời.
- Give me your ỊD. ! Tên an ninh cao lớn bước đến cạnh ông, hất hàm ra lệnh. Ông Hào liền chìa ra chiếc thẻ có hình chứng nhận là nhân viên vệ sinh dưới quyền của Savanha. Tên an ninh lướt mắt nhìn qua, rồi lại chăm chăm nhìn vào ông.
- Mr Hao, tell me, what are you doing here?
Ông Hào còn đang lúng túng chưa biết giải thích ra làm sao thì từ trong, giọng nói oang oang vủa Sinh vang ra rõ mồn một bằng Anh ngữ:
- Thưa quí vị, sở dĩ bản đề án của tôi thành công được như ngày hôm nay cũng là nhờ có sự giúp đỡ tận tình và quí báu của ông Hào, một người đang làm tạm vai trò nhân viên vệ sinh tại công ty. Tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội để được giới thiệu ông Hào cùng quí vị, và cũng mong quí vị sẽ tạo cơ hội cho ông Hào có thể đem khả năng của ông đóng góp cho công ty.
Vừa nghe thế, tên an ninh đã trố mắt ngạc nhiên trao trả thẻ ỊD. lại cho ông Hào bằng một câu hỏi:
- no kiđing ? is it you?
Ông Hào lẳng lặng lắc đầu trả lời:
- it may be
Ông bỏ ngang câu nói khi chợt nghĩ đến cơn la hét của Savanha nên vội vàng cất bước, bỏ mặc cho tên an ninh nhìn theo ngơ ngác.
Trở về với chiếc giẻ lau của mình, tự dưng từ khóe mắt nhăn nheo của ông, hai giọt nước mắt lăn dài len qua đôi môi vừa nở ra một nụ cười hạnh phúc. Lần đầu tiên, tại xứ sở này, ông cảm thấy cuộc sống của ông vẫn còn có giá trị. Trong ông, cái tình người từ bấy lâu bị sự chán nản phủ kín nay bừng bừng sống dậy.
Ông vừa mạnh tay lau chùi sàn nhà vệ sinh vừa mỉm cười lẩm bẩm một mình.
- Bà nó ơi, tối nay tôi sẽ kể cho bà nghe về chuyện một thằng mất gốc đã tìm ra được cội nguồn.
Hết