Từ lúc mặt trời lấp ló sau rặng dừa phía cuối vườn, Việt vẫn ngồi tựa mình bên gốc ổi, yên lặng nhìn những cụm mây trắng lờ lững trôi trên nền trời.
Sau 1 năm chăm chỉ học, Việt tạm biệt Sài Gòn về quê nghỉ hè. Không khí ở đây trong lành thoáng mát, nhưng cảnh vật buồn tẻ không hợp mấy với cái tuổi hoạt động, sôi nổi của Việt. Gió thoảng nơi đồng quê làm Việt thấy chóng đói, ăn khoẻ gấp đôi khi còn ở Sài Gòn. Nhưng ăn rồi sinh lực dồn cả ra chân tay, muốn chạy nhảy hò hét vui đùa mà không có bạn. Việt đành ngồi buồn mở sách ra đọc. Đọc mãi cũng chán, nhất là trong ngày nghỉ hè. Chán, Việt ngồi nhìn mây bay, nhìn hàng dừa soi bóng nước. Nhưng Việt không có tâm hồn thi sĩ mấy, nên chỉ mơ mộng một lát đã thấy chân tay ngứa ngáy bực bội. Việt đâm ra nhớ Sài Gòn, nhớ Khôi. Việt nghĩ: giá lúc này có Khôi ở bên cạnh thì vui biết mấy.
Khôi và Việt là đôi bạn thân cùng học một trường, cùng ở một khu phố. Mỗi lần đi học đôi bạn thường rủ nhau cùng đi, hoặc ngồi chung trên chiếc xe gắn máy của Việt, hoặc kéo nhau đi bộ nhởn nhơ trên vỉa hè thành phố. Bây giờ nghỉ hè đôi bạn tạm chia tay, Việt được ba má gởi về đổi gió tại nhà dì Hạnh, em của má Việt, có vườn cây ở miền quê.
Mấy ngày đầu, Việt còn thấy vui. Dì Hạnh không có con nên thấy cháu về chơi lấy làm mừng rỡ. Tuy được dì chiều chuộng và được tự do leo trèo, chạy nhảy khắp một khu vườn đầy trái, Việt vẫn thấy buồn.
Nhưng sáng nay, sau khi được dì cho ăn một đĩa xôi gà, no đến cứng bụng, Việt ra ngồi bên gốc cây, và thấy cả chân tay như thừa thải nặng nề không biết dùng để làm gì. Việt đứng lên, uể oải bước ra cổng, ước mong có 1 người bạn để cùng chơi, thì chợt gặp 1 con chó.
Con chó không lớn lắm, nhỏ thó, hơi bẩn nhưng có vẻ nhanh nhẹn dễ thương. Nó đứng nghiêng đầu nhìn Việt, lưỡi thè dài, như có ý bảo:"Anh làm gì đấy, có đi chơi không!"
Việt đang muốn chạy nhảy một lát, thấy con chó hay hay liền mỉm cười, ngoắt ngón tay ra hiệu rồi cắm cổ chạy. Con chó ve vẩy đuôi tỏ ý mừng rỡ, rồi đuổi theo, bám sát chân Việt. Ra quãng đồng trống, Việt nhặt hòn đất ném cho nó bắt. Nó đón bắt rất tài, chỉ vài bước nhảy vọt nó đã đem trả hòn đất cho Việt. Trò chơi ấy làm Việt khoái vô cùng. Từ hôm về nghỉ ở nhà dì, chưa bao giờ Việt được vui như vậy. Mới đầu Việt còn ném gần, thấy con chó bắt dễ dàng Việt quẳng hòn đất thật xa.
Chẳng may hòn đất rơi trúng vào 1 khu trồng rau. Con chó phóng mình theo, rồi sục sạo vào giữa những luống rau cải, sà lách, làm dập nát hư hại khá nhiều. Nhận thấy thế, Việt hoảng hốt đuổi theo, và tuy không biết tên nó là gì, cậu cũng theo màu lông của nó mà cuống quýt gọi:
- Ê, Vện! Vện lại đây mau!
Nhưng cũng giữa lúc ấy, giữa lúc Việt đang luống cuống trong các luống rau thì chợt thấy 1 người đàn bà, hai tay xách hai bình tưới ở dưới lạch đi lên. Đó là thím Hai Hòa, người hàng xóm cạnh nhà dì Việt. Thím Hai đặt bình tưới xuống đất, giơ hai tay lên trời kêu:
- Trời đất quỷ thần ơi! Ai cho tụi bây vô đây phá hoại vậy nè!
Nghe tiếng la hoảng của thím Hai, con Vện cúp đuôi lủi mất. Việt cũng muốn bỏ chạy vì thấy thím Hai giận dữ tiến đến, nhưng lại sợ giẫm hư các luống rau nên đành đứng lại phân trần:
- Cháu có làm hại gì đâu, thím Hai!
Lời biện bạch của Việt càng làm thím Hai phật ý. Thím nắn chặt hai tay Việt mà lắc.
- Mày đem con chó tới phá phách vườn rau của tao còn bảo không làm hại gì sao, thằng khốn kiếp này!
Tự nhiên Việt nổi xung. Thím Hai đã nặng lời với Việt, đã phá mất giây phút vui đùa của Việt, làm con chó chạy biệt dạng lại còn nắm Việt mà lắc mạnh nữa.
Không nghĩ ngợi, Việt gỡ khỏi tay thím Hai, húc đầu vào bụng thím, bồi thêm 1 cú đá vào bắp chân rồi bỏ chạy.
***
Về nhà, Việt nơm nớp chờ đợi sự quở trách của dì Hạnh. Việt ân hận đã xua con Vện vào vườn rau của thím Hai, và điều đáng trách hơn nữa là Việt đã đá vào chân thím.
Nhưng trái với điều Việt e ngại, dì Hạnh không giận dữ quở trách Việt. Dì chỉ tỏ vẻ buồn rầu và sau bữa cơm chiều, dì nhẹ nhàng bảo:
- Việt, cháu hư quá! Dì không ngờ 1 học sinh như cháu mà lại có hành động hỗn láo với thím Hai như thế.
Việt bối rối đáp:
- Tại con chó chứ không phải tại cháu!
Dì Hạnh ngắt lời:
- Dì không nói đến con chó làm hư hại luống rau của thím Hai. Dì chỉ trách cháu sao dám húc đầu vào người thím và đá vào chân thím như 1 tên côn đồ vậy!
Việt không dám cãi lời dì song Việt cũng nghĩ rằng: Việt cần phải chống trả khi bị người ta uy hiếp. Tuy nhiên nhớ lại hành động thiếu suy xét của mình, Việt cũng thấy xấu hổ. Việt định bụng sẽ xin lỗi thím Hai khi nào có dịp.
Nhưng cũng từ đó, Việt ít khi ra ngoài, chí loanh quanh trong khu vườn của dì Hạnh, hết đọc sách lại ngồi mơ mộng.
Thấy cháu có vẻ buồn, một hôm dì Hạnh bảo Việt:
- Về đây nghỉ hè với dì, chắc cháu buồn lắm nhỉ!
Việt chưa biết trả lời thế nào, thì dì Hạnh đã tiếp:
- Buồn là phải vì ở đây cháu không có bạn. cho nên dì tính nấu 1 nồi chè, làm ít bánh ngọt rồi kêu mấy đứa quanh đây tới chơi với cháu cho vui, cháu bằng lòng không?
Việt cảm động nhìn dì nói:
- Cháu không buồn lắm đâu dì à. Dì đừng bày vẽ chi cho mệt.
- Ờ, mà sao cháu không rủ người bạn nào về đây nghỉ hè với cháu cho vui?
- Dạ cháu có 1 người bạn thân mà tại nóng về đây với dì, nên khi đi cháu quên mất. Giá có hắn ở đây thì cháu vui lắm.
Việt lại nghĩ đến Khôi. Nếu có nó ở bên cạnh, hai anh em chắc sẽ tìm ra nhiều trò chơi thú vị, và những ngày nghỉ hè cũng đỡ tẻ nhạt.
Một buổi, Việt đang ngồi buồn nhìn mây bay trong vườn, chợt nghe tiếng chân ngoài hàng rào dâm bụt, nhịp với tiếng gậy chống trên mặt đường mỗi lúc mỗi gần. Một chiếc đầu vượt qua hàng rào, rồi bỗng có giọng nói quen thuộc gọi vào:
- Ê, Việt! Ngồi làm gì buồn thiu ra thế, hở bồ?