Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Em bé và ông lão bán bóng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1358 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Em bé và ông lão bán bóng
Hồ Tĩnh Tâm

     Thằng bé lạ hoắc. Chắc nó là đứa bé ăn mày, mới ở đâu tìm tới để xin ăn. Gương mặt thằng bé đườm đượm buồn, nhưng đôi mắt lại ánh lên niềm khát khao thèm muốn. Không hiểu sao ông lão lại cảm thấy thương thương thằng bé.
Ông lão bán bong bóng trước cổng Trung tâm triển lãm đã lâu lắm rồi. Phải tới gần năm năm trời chứ không ít. Mỗi ngày, cứ vào lúc chạng vạng, ông lão lại chạy chiếc mô bi lét tới, cắm vào chiếc xe một cây cọc bằng tầm vông có rất nhiều cành nhánh vót bằng những thanh tre; trên các cành nhánh ấy, ông thổi và treo những chiếc bong bóng hình các con thú đủ sắc màu, trông rất vui mắt.
Các cặp vợ chồng trẻ chở con đi chơi thường ghé mua cho con những con thú bong bóng ấy. Hai ngàn, ba ngàn, năm ngàn… đắt nhất cũng chỉ mười lăm ngàn. Món quà tuy rẻ tiền, nhưng trẻ con bao giờ cũng mừng húm. Chúng cầm lấy thanh tre vót nhẵn, quơ quơ con thú sặc sỡ sắc màu mà chúng đã chọn; mắt ngời lên lóng lánh niềm vui, miệng nở nụ cười thích thú. Cả cha mẹ chúng cũng tỏ ra vui mừng hớn hở; họ cám ơn ông lão kèm theo lời hẹn sẽ có dịp trở lại. Ông lão cũng vui. Một tay cầm mấy ngàn bạc, một tay xoa đầu đứa bé, ông lão hồn hậu nói với nó: “Lỡ con làm nó bị lủng, bị xì hơi, con đem đến ông dán lại, ông thổi lại cho. Biết giữ, con thỏ ngọc này sống được hàng năm trời đấy”.
Từ hai tuần nay, Trung tâm triển lãm rộn rịp hẳn lên bởi không khí Tết. Bên ngoài dày đặc các xe bán cà rem, bán bánh, bán nước ngọt, nước mía, bán khô mực, bán cóc, bán ổi ngâm đường. Xa chút nữa là các dãy bán hoa, bán kiểng, bán chim và bán đủ thứ hàng họ thường bày bán vào các dịp Tết. Bên trong, hội chợ ngồn ngộn hàng hóa, vô khối các trò chơi hấp dẫn; lại cả sân khấu ca nhạc ngoài trời, rạp mô tô bay, rạp diễn trò ảo thuật… Người các nơi đổ về nghìn nghịt. Đông nhất là trẻ con. Ông lão bán không nghỉ tay. Hết đứa này tới đứa khác, chúng hết chọn con thú này lại xin đổi con thú khác; ông lão phải đứng liên tục hàng giờ, bơm bong bóng liên tục hàng giờ. Hai chân mỏi nhừ. Nhất là cái chân trái bị cụt của ông.
Vào một đêm đang bị quây chặt giữa những đứa trẻ mập mạp, hồng hào, ông lão thốt có cảm giác có ai đó đang nhìn mình. Thì ra có một đứa bé thật. Nó là một đứa bé trai, chừng sáu tuổi, đầu tóc cắt cụt ngủn. Đứa bé vận quần xà lỏn, chân đi một đôi dép mủ cáu bẩn; trên người mặc một tấm áo rộng thùng của người lớn mà nó phải buộc túm hai chéo áo lại cho vừa với tầm thước của nó.
Thằng bé lạ hoắc. Chắc nó là đứa bé ăn mày, mới ở đâu tìm tới để xin ăn. Gương mặt thằng bé đườm đượm buồn, nhưng đôi mắt lại ánh lên niềm khát khao thèm muốn. Không hiểu sao ông lão lại cảm thấy thương thương thằng bé.
- Con muốn mua bong bóng phải không? Con ngựa vằn hay con đại bàng?
Thằng bé nghe ông lão hỏi thì len lén lủi đi mất.
Tội nghiệp. Nó làm gì có tiền mà mua. Thuở cơ hàn, ông lão cũng từng phải ngược xuôi đi làm thuê làm mướn. Lặn lội tứ xứ, cuối cùng ông lão mới lạc về đây vác cá mướn đêm đêm ngoài chợ cá. Một lần cõng cả một cần xé lớn cá bạc má từ dưới ghe lên, đêm hôm khuya khoắt, trời lại lắc rắc mưa, cầu trơn làm ông lão bị trượt chân, té gãy ống quyển. Do không đủ tiền chạy thầy chạy thuốc, chân trái ông lão bị tháo khớp tới đầu gối. Khi khỏe mạnh trở lại, phải gom góp mấy năm trời ông lão mới sắm được cái chân giả. Cái chân giả bằng nhựa ấy, theo ông mãi cho tới tận bây giờ; nhựa đã ngã màu nâu xin xỉn.
Đêm ấy, khi dọn dẹp chuẩn bị ra về, không hiểu vì sao ông lão lại thấy buồn kỳ lạ. Nỗi buồn day dứt đeo đẳng đã xui khiến ông lão ghé chiếc xe cà tàng vào một quán cà phê. Ông lão ngồi nhấm nháp từng giọt đắng, nhưng trong lòng không hề cảm thấy khuây khỏa; trái lại, một thứ tình cảm mơ hồ cứ càng lúc càng trỗi lên trống vắng.
Đúng lúc ông lão định gọi chủ quán trả tiền, bất chợt ông lão nhìn thấy đứa bé mà ông đã hỏi nó có mua bong bóng không. Chắc nó tìm tới đây kiếm chỗ tá túc qua đêm. Thằng bé có vẻ đói và mệt. Lang thang vạ vật cả ngày ngoài phố, chắc gì nó đã kiếm đủ miếng ăn.
- Con ơi (ông lão gọi)! Tới ông biểu nè!
Thằng bé rụt rè bước lại một cách thận trọng.
- Con tên gì?
- Tên thằng Đực (Đứa bé trả lời).
- À, đúng, đúng. Con là thằng Đực đây mà. Vậy chớ ba má con tên gì?
- Con hổng nhớ nữa. Con đi bụi từ nhỏ lận.
- Ừa, đúng. Năm nay con lên sáu chứ gì. Con tên là Huỳnh Văn Đức. Tại con nhớ lộn là thằng Đực. Ông nội con tên là Huỳnh Văn Quang. Nhà con ở xóm Bún phường hai. Con bị lạc ông nội con từ nhỏ.
Thằng bé ngước cặp mắt đen láy nhìn ông lão, hỏi một cách đầy tin tưởng:
- Làm sao ông biết con tên Huỳnh Văn Đức, sáu tuổi, nhà ở xóm Bún?
Ông lão kéo đứa bé vào lòng, xoa đầu nó mà nói một cách âu yếm:
- Biết chứ! Vì ông chính là ông nội của con. Ông đến đây bán bong bóng là để tìm con.
Thằng bé nhủi cái đầu khét nắng vào ngực ông, hỏi:
- Ông nội, ông là nội của con thiệt à?
- Thiệt chứ! Con là cháu nội yêu quý nhất của ông. Ba con là thầy giáo, tên là Huỳnh Văn Rạng. Má con cũng là cô giáo, tên là Nguyễn Ngọc Tú. Ngày mai ba má và ông nội sẽ đưa con đi sắm quần áo Tết.
Đứa bé nghe nói tới đó thì oà ra khóc mùi mẫn.
- Hức hức… Nội ơi! Vậy mà tụi nó biểu con là đồ không cha không mẹ. Tụi nó biểu con là đồ con hoang.
Ông lão thấy cay xè nơi sống mũi, nơi hai đuôi mắt. Ông ấp cả hai bàn tay thô ráp lên lưng của nó mà vỗ vỗ.
- Tụi nó không biết nên nói bậy đó con. Con là Huỳnh Văn Đức, là cháu nội của ông. Bây giờ ông cháu mình về nhà ăn cơm. Sáng mai cả nhà mình cùng đi chợ Tết, tụi nó sẽ biết con là cháu nội của ông.
Ông lão đứng dậy, biểu đứa bé leo lên ngồi sau yên chiếc xe mô bi lét, rồi ra sức đạp máy. Khi chiếc xe phát nổ phành phạch, xịt khói mù mịt, ông lão mới sực nhớ là mình chưa trả tiền cà phê. Ngoái lại, ông lão thấy bà chủ quán đang nhìn mình. Ông lão đang định xuống xe để trả tiền, nhưng bà chủ quán cứ đưa cả hai bàn tay mà khoát khoát ra ngoài. Ông lão hiểu là bà ta muốn nói, lúc nào trả tiền sau cũng được.
Khi chiếc xe chạy ra đường bờ sông, gần tới công viên Sông Tiền, ông lão nói với đứa bé:
- Còn mấy hôm nữa là tới giao thừa. Tết năm nay là Tết con chuột. Chuột Mickey, khôn lắm đó con! Năm nay ông cháu mình hên lắm con ạ!
Thằng bé vòng tay ôm chặt lấy tấm lưng gầy guộc của ông lão, nói một cách hồn nhiên:
- Hèn chi hồi chiều con cứ hắt hơi hoài hà! Hổng biết ba má có nhận ra con không nữa?
- Nhận ra chứ!
Ông lão nói một cách khẳng định. Nhưng trong bụng ông lão lại nghĩ: phải làm sao cho tụi nó biết được tên thằng nhỏ bây giờ. Tụi nó không biết, lỡ tụi nó hỏi thằng nhỏ tên gì, con ai thì ông biết đối đoái làm sao. Nhưng không sao, tụi nó là giáo viên tiểu học, tụi nó sẽ hiểu, sẽ biết ngay mọi chuyện thôi mà. Về tới nhà mà nhìn thấy tụi nó, ông sẽ nói to lên mừng rỡ: “Tía mới tìm được thằng Đức đi lạc mấy năm đem về rồi nè! Mau ra mừng con tụi bây trở về rồi nè!”. Vậy là tụi nó hiểu chớ gì.
Một ngọn gió mát rượi trỗi lên từ dòng sông dào dạt sóng. Mùa xuân phả nhẹ hương đêm dìu dịu trên đường phố. Tiếng máy xe nổ phành phạch như tiếng hát.
Bài hát ấy, chỉ ông lão bán bong bóng và đứa bé mới hiểu được giai điệu sâu lắng của nó mà thôi.

Vĩnh Long, 20/1/08



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 165

Return to top