Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chết giữa dòng sông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 673 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chết giữa dòng sông
Hồ Tĩnh Tâm

“Quê hương chìm sau ngọn khói đốt đồng
Chiều bãng lãng thời nồng hương cỏ cháy”
H.T.T


 

Nó dừng lại trước dòng sông.
Lúc ấy, trời đã hựng sáng. Những đám mây đùn lên, chất ngất như núi non trùng điệp. Ánh sáng viền ưng ửng những chóp mây, trông đẹp như một bức sơn dầu mà nó đã nhìn thấy ở thành phố. Cái bức sơn dầu ấy, sao mà buồn thế! Đôi mắt của người bạn như ánh lên những tia nhìn ảm đạm.

    Nó nghĩ, cũng có thể bạn nó bị người ta bắt đưa ra thành, bắt sống thời thanh nhàn, vô công rỗi việc giữa những bức tường lòe loẹt tranh màu khỏa thân của đủ hạng đàn bà, với đủ các thế nằm, thế ngồi đầy thách đố.

    Nó vục đầu xuống dòng sông uống một ngụm nước. Nước sông ngọt lịm. Nó liếm láp đôi môi, rồi ngước nhìn lên những đụn mây đang mỗi lúc mỗi hồng lên. Bức sơn dầu lại hiện lên mồn một. Bạn nó ngồi trên một chiếc ghế bọc nhung đỏ, kê trước cửa sổ. Đằng sau cửa sổ là những dãy núi chất ngất, mơ mờ sương tím. Ngục tù và cuộc sống. Không hiểu sao ý nghĩ ấy lại vụt lóe lên ngay từ phút đầu tiên nó nhìn thấy bức tranh. Bức tranh buồn đến lịm người. Bấy giờ, nó ngồi phủ phục ở một góc kín, lặng ngắm người bạn. Và ... nó khóc. Khóc âm thầm, cay đắng. Khóc không ra nước mắt. Khóc quặn đau một nỗi nhớ quê nhà.

    Giờ thì nó đã tới được dòng sông. Bên kia là quê hương. Nó nhận ra điều đó nhờ mùi hương cỏ thơm ngai ngái và mùi hương dìu dịu của rừng tràm. Còn gì hơn được quê hương. Một vùng đất thay màu như cổ tích. Mùa nước nổi, đồng nước lênh lang, trắng xóa một màu. Nó ngồi xuồng cùng ngoại đi giăng câu, đặt lờ. Đặt xong mấy chục chiếc lờ, giăng xong mấy chục thước dây câu, ngoại bơi xuồng tấp vô bờ bao. Ngoại ngồi chỏi chân trên mặt đất, móc bịch thuốc rê ra vấn. Ngọn khói xanh ngoằn ngoèo, tỏa thơm mùi hăng hăng quen thuộc. Hút xong điếu thuốc, ngoại đứng lên rung tổ kiến vàng trên cây tràm, hốt lên một vụm trứng. Thứ trứng trắng ngà, béo ngậy, làm mồi câu cá rô là số dách. Trong khi ngoại ngồi câu, nó chạy lăng xăng, lùng sục các gốc chuối, tìm bắt rắn mối. Nó biết, ngoại rất thích ăn thịt rắn mối nướng lèo, chấm với muối ớt. Đôi khi, nó thấy ngoại ăn cặp thịt rắn mối với lá đinh lăng. Ngoại vừa nhâm nhi ly rượu vừa lẩy đờn kìm ca Kim Tiền Bản, ca Khúc Hoàng Thiên. Những bài bản nó nghe riết đã thuộc nằm lòng. Giờ đây, tai nó vẫn còn văng vẳng tiếng hát chen tiếng đờn, lẫn với tiếng be xuồng rướn nước lách chách... Còn mùa khô. Ơi những mùa khô chan chứa nắng vàng thơm nức. Cả một vùng đồng nước mênh mông khô chan chứa, nắng vàng thơm nức. Cả một vùng đồng nước mênh mông thốt khô rang, nứt nẻ tự lúc nào. Đêm đêm, lửa đốt đồng sáng rực. Gió bưng biền quần thảo, đưa về mùi cỏ cháy. Thơm thơm. Ngòn ngọt. Sớm sớm, nó theo ngoại đi hốt rùa. Giữa ngan ngát tàn tro trắng xám, hễ nơi nào có vụm tro đùn lên đen đen, ướt ướt, thì cầm chắc nơi đó có con rùa chậm chân chạy lửa bị thui chết. Thích nhất là những lần được theo ngoại đi dậm cù bắt chuột. Những con chuột đồng béo múp, ngoại trụng nước sôi, lột sạch lông rồi đem ướp lá chanh và ép cho kiệt nước. Thịt ấy nướng lên, thịt chim cũng không bằng. Lại còn đi đào mà lương, đi xôm rắn hổ. Những con lươn cả ký, vàng lườm; ngoại để nguyên con hấp với lá bầu non. Những con rắn hổ dài cả thước làm vảy xong, đem chặt khúc hầm sả.

    Ôi, quê hương!

    Nó ngồi xuống và đau đáu nhìn vọng sang bờ bên kia. Bên ấy là quê hương. Giờ này chắc ngoại đã thức rồi. Tánh ngoại vẫn ưa dậy sớm trước hừng đông, châm một bình trà quạu, phì phà vài hơi thuốc. Nó nhớ. Hồi đó chị Hai còn là cô gái bưng biền, ưa buộc tóc đuôi gà và vận bộ đồ bà ba đen. Chị Hai vẫn thường thức sớm với ông, nổi lửa nấu cơm. Vừa cời lửa chị vừa ca những bài ca nghe ngồ ngộ. “Mèo nằm giàn bếp vinh râu, thấy con chuột chạy lắc đầu kêu ngoao”, “Thò tay vô giỏ cá trê, anh ở bọt nước anh về xứ xa”... Chị nó hát tràn lan cả mấy mươi bài không biết; ánh lửa rực trên mái tóc, rực trên đôi má căng mịn nắng gió bưng biền. Nhưng... giờ thì...

    Nó chạnh lòng nhớ lại những ngày ở thành.

    Cái gì cũng sạch bong, bóng lộn. Từ chiếc giường hộp, từ cái tủ ly, tới cả cái chạn bếp, cả cái nhà cầu lát gạch tráng men. Cái gì cũng nhắc nhở nó không được đụng vào, sợ làm dơ, làm bể. Cả đống tiền chứ đâu phải như cái chòi lá canh dưa của ngoại, cái xuồng ba lá mỏng mảnh của ngoại.

    Nó không muốn ra thành, nhưng chị Hai biểu nó đi theo để chị bớt bơ vơ khi một mình – như con sáo sang sông, khản tiếng khóc theo chồng. Nhưng nó, nó lại thấy bơ vơ, lạc lõng. Suốt ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường lòe loẹt tranh ảnh, nó cứ thấy thiếu thiếu một cái gì. Tiếng cọc cọc của những con tắc kè khi ngoại thọc cây móc sắt vào hốc những cây me keo chăng? Hay là tiếng thì thào của đồng bưng? Hay là tiếng ồn ã của những đàn cò cãi nhau quà quà oang oác nơi lùm cây điên điển, lúc chiều về? Hay là mùi cỏ cháy thơm nồng? Hay là hương tràm thoang thoảng?... Có lẽ là tất cả những thứ đó.

    Nó nhớ lại một hôm cùng chị Hai đi ngắt cải trời, cải đất ngoài gò mối. Lúc đó đã về chiều. Bỗng nó nghe tiếng chị Hai kêu thất thanh. Quay lại, nó thấy một con hổ đất to bằng cườm tay đang ngóc đầu, bành mang phun nọc phè phè. Chị Hai quíu cả chân tay, mặt mày xanh lét. Không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, nó nhảy xô vào từ phía sau, chộp ngang cổ con rắn, vật xuống. Phần thân con rắn quấn xiết lấy nó, riết nó tới nghẹt thở. Nhưng nó không thấy sợ. Nó biết con rắn không thể quay đầu mổ nó được. Bấy giờ chỉ còn là chuyện thi gan xem ai chết trước. Máu rắn sặc vào mồm nó mằn mặn, nóng hổi ; càng lúc càng sặc sụa, chỉ muốn thở hắt ra ngoài. Nhưng buông ra là chết. Con rắn còn khỏe, nó sẽ mổ dội từ trên xuống, hoặc sẽ phun nọc vào mắt của mình. Cần phải nhai nát, nhai đứt lìa cần cổ con rắn mới giết được nó. Gồng sức toàn thân, nó ráng nghiến ngấu tới kỳ con rắn phải chết vì hết máu, vì kiệt sức. Chừng đó nó mới nằm vật ra, thở hào hển.

    Sau lần đó, chị Hai và ngoại chiều nó không thiếu thức gì. Ngay cả khi ra thành cũng vậy, chị Hai lúc nào cũng chăm bẳm nó đủ điều. Nhưng nó hiểu rằng, nó không thể sống thiếu cánh đồng lộng gió. Với nữa, nó không thể nào quen được với lối sống thành thị. Ban ngày, vợ chồng chị Hai đi bán ngoài chợ, nó bị nhốt trong cơ ngơi riêng của nó và vuông sân xi măng lèo tèo vài chậu kiểng. Bốn bề xi măng và cổng thép vây bủa nó, giam cầm nó. Con vẹt Amazôn bị xích chân vào gốc cây treo dưới mái hiên khèng khẹc trêu chọc nó. Cơm nước chị Hai đã để sẵn trong nhà. “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, nó không thể nào nuốt trôi. Mỗi ngày nó mỗi rạc ra. Người dài thòn như nỗi nhớ đồng đưng chảy xiết trong lòng.

    Làm như anh rể không ưa nó cho lắm. Chẳng qua vì cưng chiều chị Hai mà anh phải chấp nhận. Nó biết là chị Hai nó đẹp. Đẹp hơn hẳn những bà, những cô vẫn chạy xe tới nhà anh chị nó bàn công chuyện làm ăn. Nhưng nó thì cần gì. Tất cả chỉ vì nó thương chị Hai, chấp nhận lên thành vì chị Hai. Giờ thì nỗi nhớ đồng quê hun đốt nó tới quay quắt, mỏi mòn.

    Suốt ba tháng ròng, nó chỉ có một lần được an ủi duy nhất, là lần chị Hai đưa nó đi hốt hụi. Phố xá ban đêm thấy mà hoa mắt. Đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng chớp tắt. Nhạc nọ nhạc kia ì xèo như cãi nhau. Được cái người dạo phố ai cũng đẹp, ai cũng tỏ ra thư thả, thanh nhàn. Nhiều người còn ngoái nhìn nó một cách âu yếm, khen nó đẹp. Nhưng liền lập tức niềm an ủi của nó vụt tắt, khi nó thấy bức tranh vẽ người bạn ngồi trên chiếc ghế bọc nhung đỏ. Đôi mắt thẳm sâu một nỗi buồn rười rượi, thẳm sâu một nỗi đau da diết. Đôi mắt ấy nhìn xoáy vào nó, đốt bùng lên trong nó nỗi nhớ cố hương cồn cào, thổn thức.

    Ôi là mùi cỏ cháy! Ôi là vàng rực mùa bông điên điển! Cả tiếng mái dầm khua nước xóc xách. Cả tiếng gió quần thảo ngoài bưng.

    Quê hương ơi, biết bao giờ gặp lại!

    Giờ thì nó đã đến được dòng sông. Bên kia là quê hương, là ngoại. Bên kia là mùa hốt rùa, mùa dậm cù bắt chuột, mùa thổi tu huýt bắt gà nước ngoài đồng. Bên kia là mùa giăng câu, đặt lờ, mùa ăn ong trong rừng tràm thoảng hương hoa dìu dịu. Chỉ cần vượt qua dòng sông là tới. Nó thấy thương chị Hai. Không có nó, chắc chị Hai buồn lắm! Tánh chị Hai hay nước mắt. Thấy nó biếng ăn, chị Hai khóc. Thấy nó ủ ê, chị Hai khóc. Khi lẻn được ra ngoài, nó đứng lặng trong màn đêm suy nghĩ. Bỏ chị Hai ư? Chị Hai thương nó như vậy! Ở lại ư? Bốn bức tường và cổng sắt vây bủa, giam cầm! Lại còn con vẹt láo liên, cứ khèng khẹc trêu ngươi. Đành phải phụ lòng mà ra đi. Dứt áo mà ra đi. Tiếng gọi miền cố hương thôi thúc. Nó lủi thủi chạy nép theo hè phố. Nó đi ngược theo mạn gió, nơi có mùi cỏ cháy thổi tới. Nó đi suốt mấy ngày, mấy đêm. Không có gì ăn, nó chỉ uống nước cầm hơi. Cứ men theo con lộ mà đi. Đi mãi.

    Giờ thì nó đã tới được dòng sông. Bên kia là quê hương, là ngoại. Nó rướn người lên, hít một hơi dài làn không khí ban mai trong sạch, rồi nhoài người xuống dòng sông, nhắm bờ bên kia mà bơi tới.

    Nhưng càng lúc dòng sông càng rộng ra. Rộng ra. Rộng ra mãi.

    Hình như mặt trời đã lên khỏi đường chân trời. Nó đoán vậy, vì thấy những ngọn sóng đã sóng sánh ánh vàng. Và gió. Gió mỗi lúc mỗi mạnh hơn. Gió táp những ngọn sóng vào mặt nó. Mắt nó mờ đi vì nước. Nó không còn nhìn thấy được giăng cây mơ mờ bên kia dòng sông. Xung quanh, chỉ thấy lấp lóa những con sóng. Sóng trùng trùng vây hãm nó giữa những vòng tay của nước. Nó cố hết sức trườn mình vượt qua những con sóng. Nhưng sức nó mỗi lúc một thêm đuối. Mà bờ bên kia, mà cố hương vẫn còn xa quá! Mà sóng càng lúc càng cồn lên dữ dội! Nó hiểu rằng nó sẽ không tới được bờ bên kia, không thể về được miền cố hương thương nhớ.

    Nó quật sức ngoi lên...



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 459

Return to top