Huyền thoại về con cọp trắng
Hồ Tĩnh Tâm
Hôm lên Sài Gòn thăm người chị ruột, tình cờ tôi gặp anh Dần, bạn học với chị tôi năm lớp tám ở Thanh Chương. Anh sinh năm Dần nên cha mẹ đặt tên Dần. Anh có vẻ đã say từ trước, nên mới uống thêm với tôi nửa chai Nếp Hương, anh đã bắt đầu hay chuyện.
- Chú em này (anh nói với tôi)! Hội Thanh Chương tụi anh ở Sài Gòn, có tới hơn ba chục đứa. Tiên sư nó! Đứa nào cũng giàu sụ mới đểu chứ! Còn bao nhiêu đứa Thanh Chương nữa, ở Sài Gòn này, chắc tụi nó cũng giàu. Thế chó nào mà không giàu được cơ chứ! Là anh nói cái hội tuổi dần tụi anh. Cọp cả mà chú em. Cọp thì ăn tươi nuốt sống. Người ta sợ cọp, chứ cọp có biết sợ ai bao giờ. Hì hì… Dân Thanh Chương tuổi dần. Hì hì… Chó thật! Uống chú em!
Tôi vừa khoái cái kiểu say của anh, lại vừa ngán cái kiểu lè nhè say của anh. Với tôi, tuổi dần có là cái quái gì. Chị tôi tuổi dần. Một con. Góa chồng. Cô bạn nhà thơ của tôi cũng tuổi dần. Tài hoa đến độ mấy mươi bài thơ đã phổ nhạc, hát ì xèo trên đài, vậy mà thơ in ra bán không được. Còn tôi tuổi rồng, vợ tôi tuổi chó, con tôi đứa tuổi gà, đứa núp tuổi mẹ. Chẳng lẽ mấy thứ tuổi đó không thấm tháp vào đâu so với tuổi của Ông Ba Mươi.
À, phải rồi! Hồi ở Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, tôi từng trọ học ở nhà anh Cu Dần. Anh Cu Dần nghèo rớt ra. Nhà không có cửa, chỉ có tấm liếp chắn nắng mùa hè, chắn gió mùa đông. A, anh Cu Dần tuổi cọp cũng nghèo đó thôi! Nhưng đó là hồi Mỹ còn ném bom miền Bắc. Anh Cu Dần là thương binh giải ngũ về làng, sống bằng nghề nổ mìn phá đá nung vôi cho hợp tác xã. Bây giờ biết đâu anh cũng giàu rồi.
Anh Dần bảo tôi rót thêm mỗi người một ly nữa.
Cụng ly với tôi đánh cộp một tiếng, anh lại thao thao bất tuyệt.
- Thời buổi này, đứa nào nghèo mới là kỳ khôi. Óc heo như thằng bạn anh, cũng ngoi lên được chức giám đốc, cũng nhà lầu, xe hơi như ai. Không có dù, phải có tiền. Không có hai thứ đó phải có nịnh, có khom lưng, có xảo trá, khôn ngoan, lừa lọc. Như kiểu xin nhà thuốc lá. Hả? Nhà thuốc lá là sao hả? Nhà thuốc lá là nhà dùng thuốc lá ba số đi xin ông nhà đất. Tất nhiên là phải có chút tước, chút tiền, chú em à. Ha!.. Nhà thuốc lá! Bao nhiêu đứa Thanh Chương tuổi dần tụi anh có nhà thuốc lá nhỉ? Một. Hai. Ba. Bốn… Chà, nhiều đó chú em! Thế hệ Thanh Chương tuổi dần tụi anh, đi qua cuộc chiến tranh, biết bao nhiêu đứa chết, còn bao nhiêu đứa sống, đếm sao xuể. Đứa chết thì toi rồi. Đứa sống thì giàu thế. Đểu thật! Mà giàu là cái đếch gì! Nhà lầu cũng chỉ để trú mưa, trú nắng, như nhà lá chứ hơn gì. Xe hơi à? Không có xe hơi, đi xe đò cũng được. Hồi đó đi bằng chân mà tụi anh cũng xẻ dọc Trường Sơn, đạp gãy cây rừng, dẫm mòn đá núi. Đứa bị biệt kích vồ. Đứa bị cọp vồ. Đứa bị sốt rét vồ. Đứa nào không bị vồ, sống sót tới hôm nay, đứa đó hóa cọp vồ tiền. Là anh nói hội Thanh Chương tuổi dần tụi anh. Ha!.. Tụi nó vồ tiền làm gì nhỉ? Hồi đó có cần tiền lắm đâu. Không có tiền cũng vào đại học, cũng phó tiến sĩ, tiến sĩ như ai. Giờ không có tiền thì có mà treo mõm. Hồi anh gả con gái, anh phải cúng cho con hơn mười mươi cây. Muời mươi cây để không bị người ta khinh, người ta chửi. Còn hồi anh lấy vợ ấy à! Mấy cân kẹo, mấy tút thuốc lá, bí thư chi đoàn đọc diễn văn, thế là A Lê Hấp. Chẳng tốn kém gì sất sần sật. Thêm ly nữa, được không chú mầy?
Tôi dè dặt nhìn bà chị ruột. Có lẽ phải sai con cháu gái rinh về thêm chai Nếp Hương nữa. Nếp Hương Hà Nội chính hiệu uống cũng được đấy. Nó say vào tận máu rồi mới thấm ra da thịt. Chỉ tội hơi nhức đầu tí tỉnh.
Anh Dần dốc ngược chai, nói với chị tôi:
- Nhà bà nghèo kiết ra rồi hả? Ai bảo ngu làm thuê cho tụi nước ngoài. Tiền đô sao bằng tiền Việt. Tôi cứ ăn tiền Việt mà rượu có cạn bao giờ. Xứ mình thời nay, rượu cứ là chảy như nước, bia cứ là tràn như biển. Đủ cả. Mai Quế Lộ. Mao Đài. Trúc Diệp Thanh. Bồ Đào. Nhẹ thì có Champane, Sherry, Madelra, Port… Mạnh thì có Whisky, Cognac, Rum, Vodka, Gin, Hennesssy, Martell, Remi Martin… Cực ngon thì có Johnni Walker… Lại còn Tiger, Bigi, Heiniken, Sanmiguel, Larua… Mua bằng tiền Việt cả đấy. Nhưng thua đứt đuôi Làng Vân, Gò Đen, Bàu Đá, Xuân Thạnh. Tối nay bà tới dự họp mặt với cánh Thanh Chương tuổi dần tụi tôi, bà sẽ hiểu thế nào là sức mạnh bia, rượu mua bằng tiền Việt. Hoa ơi! Mua cho bác chai nữa ( Hoa là con gái chị tôi, nó vừa học xong đại học)!
Cháu tôi lôi trong tủ ra chai rượu.
Anh Dần nhìn nó, cười:
- Thanh niên bây giờ giỏi lắm! Đứa nào vào đời cũng có ít nhất vài tấm bằng. Mà nói thật, thời nay bằng đại học có là cái đếch gì. Cứ phải có thêm ngoại ngữ với vi tính. Nhất tiếng Nhật, nhì tiếng Hoa, thứ ba tiếng Pháp. Cả tiếng Nga nữa. A dua hết theo tiếng anh thì rồi có mà ăn cám, con ạ! Vi tính là chúa tể. Nhưng nghề mới là hoàng đế! Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Có điều học gì cũng phải học cho giỏi. Chủ quan là chết, Hoa ơi (đứa cháu tôi đã rút ra ban công ngồi đọc sách nãy giờ)! Hồi đó bác đọc mấy câu thơ này của ông Nguyễn Duy mà mắc tức cười cho cái thời của bác.
Anh Dần nốc cạn ly Nếp Hương đánh ực một tiếng, hắng giọng đọc khào khào.
Thế hệ chúng tôi những đứa trẻ chăn trâu
Đầu tóc vặn củ khoai, củ sắn
Thầy giáo dạy nước mình giàu lắm
Lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài.
Chợt nhận ra đứa cháu tôi không còn đứng đó nữa, anh Dần lại xoay qua tôi.
- Chú em là ông giáo à? Tốt! Nghề giáo là nghề quang vinh nhất. Hả? Nghề giáo nghèo nhất hả? Chú em lầm to! Nghề giáo là nghề đếm chữ tính tiền, gõ đầu con người ta tính tiền. Tới dạy mẫu giáo, Trung thu không có vài hộp bánh, Tết nhất không có vài gói quà, coi chừng con mình ho hen với người ta. Thằng bạn anh dạy đại học, bán cái công trình phó tiến sĩ của nó cho người ta, cất được nhà ba tầng. Mỗi chữ hai ngàn, mỗi số ba ngàn, cứ thế đếm chữ, đếm số mà tính. Ngày nay thi chính quy cũng tiền, thi bổ túc cũng tiền. Thi vào cũng tiền, thi ra cũng tiền, thi lửng tửng chứng chỉ cũng tiền. Thi ì xèo quanh năm, rộn còn hơn hội họp. Tiền nào bằng cấp ý mà lị. Con gái anh không thạo toán topo, đếch biết thế nào là mặt phẳng một phía, ấy thế mà bỏ bằng thạc sĩ toán trong túi mấy năm nay rồi. Thằng chồng nó đang xoay xở kiếm tiền, giúp nó lấy bằng tiến sĩ. Ha!.. Tiến sĩ! Hoan hô bài “Tiến sĩ giấy”! Hả? Chú em cũng biết bài ấy à? “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai; cũng gọi ông Nghè có kém ai”. Chà, tài thật! Mẹ kiếp, mấy tiếng “cũng” cứ văng ra chan chát, cứ như chửi thẳng vào mặt người ta. Thơ chửi um lên như thế mà vẫn cứ là thơ, thế mới ác chiến!”. Nào, ta làm ly nữa về “Tiến sĩ giấy”!
Tự tôi, tôi cũng biết mình đã ngấm thứ nước có lửa, đã bắt đầu thấy ngứa miệng. Nhưng chị ruột tôi vẫn còn ngồi đấy. Hôm nay mình không phải là rồng mà là chó, là heo cũng được. Tránh cọp không sợ hỗ mặt người. Mà cọp là con quái gì không biết! Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp coi cọp trong sở thú. Chao ôi, buồn thúi ruột! Con cọp nằm xoãi ra nhẻo nhèo như nùi giẻ, hom hem một bộ xương ốm yếu. Ngữ ấy thì hù dọa được ai. Nghe đâu cọp trong sở thú đã một lần xổng ra, đi lững thững như mộng du trong bách thảo. Bàn dân thiên hạ chạy tán loạn. Nghe đâu có cặp tình nhân đang mùi mẩm dưới gốc cây, thấy cọp, chàng trai hoảng hồn leo tuốt lên cành cành cao, còn nàng mang giày cao gót, đành nằm lăn ra chịu trận. May mà con cọp chỉ hít hít mông cô ta một hồi rồi bỏ đi. Nghe đâu người ta nói con cọp ấy yếu qúa, không đủ sức ăn thịt người. Lại nghe đâu người ta nói, con cọp ấy bị người ta ăn hết phần thịt của nó, lâu ngày không biết mùi thịt nên nó đâm ra ghét thịt. Toàn là nghe đâu thế thôi, bởi cái thời bao cấp, chuyện “nghe đâu” cứ bấn xà nùi cả lên, chẳng biết đúng, sai, phải, trái thế nào.
A, phải rồi! Tôi có chuyện cọp để hỏi anh Dần đây. Hỏi chuyện người đáng tuổi anh thì có sao đâu.
Câu chuyện của tôi thế này.
Hồi đó tôi từ thành Vinh sơ tán ra Nghi Hồng, Nghi Lộc. Ngày nào tôi cũng nhìn thấy dãy núi Cấm chạy lừng lững từ trên rừng xuống biển. Dãy núi uy nghi như cái đòn gánh khổng lồ, gánh bổng biển và rừng trên đôi vai hùng tráng của Diễn Châu - Nghi Lộc. Bấy giờ tôi còn đang tuổi học trò, tuổi ăn chưa no, tuổi lo chưa tới, tuổi thích hóng hớt đủ thứ chuyện trên đời. Nghe ai kể chuyện gì tôi cũng chăm chú lắng nghe và lấy làm thích thú. Huyền thoại về con cọp trắng là câu chuyện tôi được cái Hiền kể cho nghe, trong một đêm trăng sáng, ngay bên miệng giếng làng.
Ngày xưa núi Cấm nhiều cọp lắm!
Ngày xưa dân Nghi Hồng vẫn thường đi củi trên núi Cấm. Phải đi thành đoàn, đông người mới không lo cọp. Một lần cô Mùi đẹp nhất làng đi củi rồi không thấy về. Cả làng đốt đuốc đi tìm mấy đêm liền không gặp. Ai cũng lắc đầu ngao ngán, coi như cô đã bị cọp vồ, đã bị cọp ăn mất xác. Bố mẹ cô khóc chán rồi cũng thôi. Họ coi như con mình đã chết. Dân làng cũng vậy. Theo thời gian, người ta quên khuấy những người chết vì già, chết vì đói, chết vì rét, chết vì beo tha, cọp vồ… Nói chung là người ta xưa nay vẫn có thói quen quên đi tất cả những gì mà người ta đã mất, dẫu cái đó có đẹp, có quý đến mấy đi nữa.
Nhưng lạ một điều là, từ ngày cô Mùi mất tích, dân phía nam núi Cấm thường bị mất trộm lợn gà, ngô khoai, lúa gạo. Dần dần, nguời ta bị mất trộm cả quần áo, cả nồi niêu, mắm muối. Điều gì đã xảy ra? Không lẽ có tên trộm khỏe tới mức có thể vác được cả con bò đi mất biệt? Mà tên trộm đó là ai mà có thể trộm cắp trên suốt cả một vùng rộng lớn phía nam núi Cấm? Mà tại sao cả vùng phía nam núi Cấm này, nhà nào cũng nuôi chó, có nhà nuôi chó cả đàn, ấy vậy mà không bao giờ nghe chó sủa trộm trong đêm? Hay là cọp? Nhưng cọp thì trộm cắp quần áo, kim chỉ, nồi niêu để làm gì? Chắc là có hồn ma tác quái?
Dân làng bắt đầu xầm xì về hồn ma cô Mùi. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Gia đình cô Mùi đến là khốn khổ vì những lời đồn đại. Làm việc gì cũng không ai dám giúp đỡ gia đình cô. Có việc gì cũng không ai dám nhờ vả gia đình cô. Gia đình cô như không còn tồn tại ở trong làng, trong xã. Sự xa lánh lạnh lùng khiến gia đình cô mỗi ngày mỗi thêm sa sút, càng ngày càng lún sâu vào lụn bại, đói nghèo.
Gần giáp năm, kể từ ngày cô Mùi mất tích, đêm nọ, vào lúc giá rét căm căm, bố cô Mùi chột bụng đi ngoài, bỗng nghe sau lũy tre có tiếng rên rỉ như cầu xin thê thiết. Nghĩ là có kẻ ăn mày lạc bước đêm sương, ông bước vòng qua lũy tre, thốt nhìn thấy một bóng trắng mơ mờ. Bóng trắng nhìn thấy ông thì nhảy lùi trở lại. Nhìn kỹ, ông lão thấy bóng trắng như bóng cọp. Ngỡ là cọp, ông cuống quýt chạy trở vô nhà, hối cả nhà thức giấc đề phòng.
Rồi đêm sau, đêm sau nữa, và các đêm sau nữa, bố cô Mùi đêm nào cũng nghe tiếng rên thê thiết ấy, vẳng lên vào lúc nửa đêm sương giá căm căm. Nghĩ có tà ma về ám hại, bố cô Mùi biện lễ xôi gà cúng thần hoàng, vái thần hoàng và dân làng ra tay cứu giúp.
Những tráng đinh hăng hái nhất, mài nhọn lưỡi mác, mài sắc dao quắm và rựa, ra phục sau lũy tre. Quả nhiên vào lúc sương giăng mờ mịt, giá rét tê người, bóng trắng lại xuất hiện cùng với tiếng rên thê thiết như cầu xin cứu vớt. Khi đoàn tráng đinh nổi lửa hò reo xông tới, bóng trắng thoắt giật lùi, vụt biến vào màn sương muối căm căm dày đặc.
Hai ba đêm liền như vậy, đoàn tráng đinh không làm sao có thể xáp lại gần bóng trắng. Đêm thứ tư, họ quyết định dùng cung nỏ để bắn từ xa. Khi bóng trắng vừa hiện ra, nhất loạt cung nỏ giương tên bắn ra tua tủa. Một tiếng rống rợn người. Đoàn tráng đinh giơ cao đuốc lửa, huơ cao giáo mác, ào ào xông lên trong tiếng hò reo vang dậy cả làng. nhà nhà nổi lên gõ mâm thau, gõ nồi đồng ầm ĩ. Những người dũng cảm nhất, sát cánh bên nhau hò hét, đuổi theo bóng trắng. Nhưng họ đuổi tới gần chân núi Cấm thì bị dòng sông sâu chận lại.
Sáng ngày, dân làng kết bè chuối vượt sông, lần theo vết máu leo dần lên ngọn núi. Gần tới đỉnh núi cao lộng gió, họ tìm được một miệng hang bị chận lại bởi một tảng đá lớn. Tảng đá to và nặng đến mức dân làng không thể nào đẩy ra được. Họ đành phải cử người về làng đem tới dây dợ và đòn bẩy mới bẩy được tảng đá qua một bên.
Trời ơi! Trước mắt họ là một con cọp trắng đã hoàn toàn lã ra vì kiệt sức. Trong lòng nó là cô Mùi xanh xao như tàu lá chuối. Còn trong vòng tay cô Mùi là một đứa trẻ đỏ hon hỏn đang oe oe khóc sữa. Xung quanh con cọp và cô Mùi là nồi niêu vứt lỏng chỏng, quần áo vắt tứ tung. Khi nhìn thấy đoàn người, con cọp trắng cúi xuống, thè lưỡi liếm vào vầng trán đứa bé, rồi hực lên một tiếng nghẹn ngào, rồi đổ vật sang một bên. Một bàn chân trước của nó vẫn còn gác trên người đứa bé.
Anh Dần đã có vẻ tỉnh rượu, nheo mắt nói với tôi:
- Chú em nói con cọp đó là người ngậm ngãi tìm trầm hóa cọp à? Chắc chú em nhiễm chuyện của ông Thanh Tịnh rồi. Huyền thoại tất tần tật chú em ơi! Cọp mà biết thương người thì cũng là chuyện thường thôi. Người mà biết thương cọp mới hiếm. Còn chuyện người hóa cọp… Chà, cũng phải xem sao đã. Người ta gán cho cọp tội ăn thịt người. Bởi vậy người ta ghét cọp, tìm cách giết cọp. Nhưng người ta cũng lại sợ cọp, xoay sang thờ cọp, gọi cọp là Ông Ba Mươi. Xứ Thanh Chương của anh là xứ rừng, ngày xưa thiếu gì cọp. Ngày xưa ấy mà, rừng rậm mênh mông, muông thú từng đàn, tha hồ mồi cho cọp, cọp chẳng hại ai bao giờ. Thời nay người ta chặt phá hết rừng, cọp không còn gì mà ăn, đói quá mới sinh bẳn tính, rình chụp cả người mà nhai nghiến ngấu. Người tham tiền có cớ đổ vấy mọi tội cho cọp, gài bẫy bắt cọp, lột da cọp đem bán, nấu xương cọp thành cao đem bán; còn thịt cọp thì họ xào nấu, cùng nhau đánh chén li bì. Ấy đấy, người hại cọp thì cọp hại lại người hại nó. Có vay có trả, quy luật của trời đất, chú mày ơi! Nghe cũng lý thuyết ra phết đấy chứ! Nhưng lý thuyết thì xám màu, còn cây đời thì cứ bị chặt tới tới, còn cọp thì cứ bị giết tới tới. Thi nhau đốn rừng, chặt rừng, cũng là còn may đấy. Người ta chặt đẹp lẫn nhau mới khiếp chứ! Kinh doanh lãi một trên một đã là cái thá gì! Một trên hai, trên ba, trên bốn, trên mười. Ai cũng nhắm tới lời lãi. Một lời mười, chứ lời trăm lại càng vỗ tay. Bởi vậy mới buôn người, buôn thuốc phiện. Này, tới tình cảm, chức vụ, học hàm, học vị… cũng có người đem ra buôn tuốt! Thứ hàng ấy lãi một trên mấy nghìn ấy chứ! Còn chú em nói, cô Mùi trót lỡ làng với ai đó, sợ bị cạo đầu bôi vôi, phải trốn lên rừng, may được cọp đem về cưu mang?.. Chà, vẫn nghe sặc mùi huyền thoại! Văn chương huyền thoại, muốn vẽ vời ra thứ gì mà không được! Nhưng sự thật hồi xưa, con gái lỡ làng với người ta là khổ lắm! Còn bây giờ thì sao, hả? Chú em dạy học dưới quê, có biết thế nào là một sao, hai sao, ba sao, bốn sao, năm sao không? Cung điện ái tình của vua chúa và trộm cướp. Hà hà… Không có sao nào có khi lại còn thú hơn, cực lạc hơn. Nó mới đích thị là khách sạn ngàn sao, chú em ạ! Anh nói thế là nói theo kiểu dân mình ru nhau. Tấm thành hoàng hậu. Thạch Sanh cưới công chúa. Tối nay chú mày theo anh vào sao thì được nếm mùi đế vương ngay ấy mà. Cứ tự nhiên vui vẻ cho biết. Biết đàn ông, đàn bà vào đấy mà không có anh chàng OK bảo vệ, cứ là tha hồ rinh hàng đống các thứ bệnh quái đản về nhà. Còn gái tơ mới lớn, lớ mớ bị thằng nào nó dụ sa vào trong đó, nốc rượu mạnh Brandy, nhảy Disco, Lambada với nhau tới tóe lửa, tóe luôn hàng đống bào thai sanh non trong Từ Dũ. Cứ thử vào phòng 121, phòng sản phụ non một lần thì biết. Thời nay sướng thế! Phá cái thai nhi năm tháng, sáu tháng, chỉ trong chớp mắt, chỉ tốn lệ phí có ba trăm ngàn. Chứ hồi phong kiến cổ hủ, con gái lỡ dại với người ta, bụng ễnh ra rồi thì chỉ còn có nước lên núi với ra biển mới trốn được miệng tiếng thế gian. Mà hồi xưa, có ai biết thế quái nào là bệnh nhân cô vắc. Bây giờ nạo thai, trục thai dễ quá. Ấy vậy mà mỗi năm thế giới cũng có tới bảy mươi lăm ngàn sản phụ chết vì nạo thai. Làm như đàn bà sinh ra là để chịu khổ ấy chú em ạ! Cứ nghĩ tới giang mai với sida, nhân loại không còn đủ nghị lực để mà lãng mạn nữa. Phải không chú em? Nhưng mà… huyền thoại về con cọp trắng, nghe còn lãng mạn hơn cả chai Nếp Hương này đấy! Nào, anh với chú mày cạn ly nữa nhé!
Cái thế mẹ góa con côi của chị tôi là không thể giữ anh Dần ở lại được, bởi vì tối nay tôi còn phải tranh thủ đi thăm mấy thằng bạn tuổi rồng của tôi. Mà tôi thì không thể không đi. Tụi bạn đồng đội cũ cùng tuổi tôi, đứa nào cũng cầm tinh con rồng, nhưng là rồng bay lạc đường. Không đến thăm, chúng nó lại chẳng chửi cho, rằng mình chê chúng nó nghèo. Đành phải tiễn anh Dần xuống đường, để mặc anh tự về bằng sức cọp của mình.
Anh Dần bước đi loạng choạng, nhưng vẫn nói:
- Đừng lo! Đừng lo! Tuổi chúa sơn lâm tụi anh, đâu có thứ rượu nào hạ gục.
Nhưng khi thấy anh dẫn chiếc Honda 125 thì tôi hoảng thật sự. Chấp chới, quặt quẹo, lảo đảo. Nó mà đè thì tới cọp cũng què chân chứ đừng nói là người.
Nghĩ vậy, tôi liền chạy tới.
- Hay là anh để em chở cho?
Anh Dần nhìn tôi trân trân bằng đôi mắt đục lờ đã mất hết thần khí dũng mãnh của chúa rừng, do ba chai rượu nội đã cướp đi hết. Ánh mắt tuồng như muốn nói: chú mày ở nhà quê, như Tư Ếch mới lên thành, chạy thế quái nào được trên đường phố Sài Gòn đầy những trăm phân khối trở lên, lạng lách bạt mạng như điên như cuồng.
Ấy vậy mà ngược với ánh nhìn của đôi mắt đỏ như mắt cọp, anh Dần lại nói với tôi:
- Phải đấy! Thế này nhé! Chú em cứ lấy xe của anh mà vi vu mấy ngày trên này. Xe cộ có là cái quái gì! Chỉ tổ làm hại đôi chân! Uống bia, ngồi xe, ngồi phòng lạnh liền tù tì ngày này qua ngày khác, bụng cứ õng ra như thùng nước lèo, chướng mắt. Giấy tờ xe đây!
Anh Dần móc bóp, lôi thẻ chủ quyền xe đưa cho tôi. Tôi chưa kịp từ chối, anh đã đút tọt vào túi áo tôi. Anh buông chiếc xe nhanh đến mức, nếu tôi không chụp kịp thì nó đã kềnh ra, đè nghiến lên thằng bé đang cầm chim tè vọt cần câu vào gốc cây bên đường.
Tôi biết là anh Dần đã say lắm. Anh đứng vịn vào gốc cây, rút cái điện thoại di động trong túi ra, bấm số gọi tắc xi.
- Thế đấy, chú em cũng phải học lấy cách làm ra thật nhiều tiền để làm thượng đế với người ta. À, mà con cọp trắng ấy, nó chết thật à?