ông Luông bắt bà tôi ngồi trên cái ghế đẩu chơ vơ giữa gian buồng rộng. Còn ông, ông ngồi trước cái bàn sắt sơn xám, to rộng, oai vệ như ông quan tòa tra hỏi phạm nhân. Đã hơn nửa giờ đồng hồ rồi ông bắt bà tôi khai báo cặn kẽ tình hình mẹ tôi, cô tôi, từ tên tuổi, quan hệ đến nội dung sự biến. Rồi ông vặn vẹo hồi lâu về số tiền của một người vô danh nào đó hàng tháng từ phía Nam gửi ra cho bà tôi. Có thế nào, bà tôi cứ ngay thật trả lời thế. Do vậy, ông chủ tịch không thấy thỏa mãn. Cuối cùng, ông đập đánh xoảng chùm chìa khóa hăm mốt chiếc lên mặt bàn, chống tay đứng dậy, chĩa cái cằm nhọn như mũi cày về phía bà tôi, hùng hổ và đanh thép :
- Đó có thể là tiền của bọn gián điệp nó trá hình để trợ cấp cho cụ, cụ có hiểu không ? Tôi chưa kết luận rằng : họ Lã chồng bà, họ Đổng con dâu bà, nguồn gốc Tàu. Nhưng, tôi bỏ ngỏ khả năng bọn phản động quốc tế móc nối với các phần tử mà nó định gây dựng thành cơ sở chống đối.
Nghe dứt lời ông chủ tịch, bà tôi mới khoan thai : - Trình ông, trẻ thì bé dại thơ ngây. Già thì lẫn lộn biết ngày nào khôn !
ông nói vậy, giờ tôi mới biết. Tôi cũng không ngờ thằng gián điệp nó biết cái câu tốt lễ thì dễ van. Con người thì bé mà cái mắt thì to. Ra quân nó đểu cáng quá.
- Đúng thế !
- Nếu vậy thưa ông, tôi xin góp ý để phường ta làm thử xem. Tương kế tựu kế. Ta cho toàn dân giả vờ móc nối với bọn gián điệp, bọn phản động quốc tế, để moi tiền của nó, moi mãi nó sẽ kiệt quệ. Thế là ta chẳng cần đánh nó cũng tan. Thôi, xin phép ông tôi về...
- › kìa !
Thấy bà tôi đứng dậy, phủi đít, quay đi, biết là bị bà tôi lỡm, ông Luông vội đập tay liên tiếp xuống bàn, luống cuống :
- Tôi chưa nói hết. Tôi chưa cho phép cụ về.
Bà tôi ngồi lại :
- Vậy còn tội gì xin ông hạch nốt đi cho !
- Cụ ăn nói lăng loàn vừa vừa chứ !
- Dây thẳng mất lòng cây gỗ queo là vậy, ông ạ !
- Chém tre phải dè đầu mặt. Bà nên nhớ trước mắt là chính quyền chuyên chính vô sản. Còn bà, con bà... tôi nói thẳng cho bà biết, chúng tôi đã ghi vào sổ đen.
- Hồi xưa chỉ có nói lỡ một câu phở không người lái ông còn trị người ta đến ngã gục, ngất đi. Huống hồ thời buổi này, loại bố cu mẹ đĩ nhảy lên bàn độc như cóc tháng bẩy...
- Pình ! Tôi cấm cụ ăn nói bậy bạ vô tổ chức như thế. Nếu như tôi không chiếu cố đến thành tích hoạt động cách mạng cũ của cụ thì tôi đã yêu cầu công an họ trừng trị cụ thẳng tay rồi.
Thốc tháo trấn áp một thôi một hồi tính ngang ngạnh của bà tôi, xem chừng đã mệt, ông Luông mới ngồi xuống ghế, nhấm nước bọt vào đầu ngón tay giở loạt soạt cuốn sổ tay ông vẫn đặt trước mặt mình. ông quyết không dung tha bà tôi. Bà tôi đã ăn miếng trả miếng với ông, đã làm bẽ mặt ông nhiều phen, đó cũng là một cái cớ nữa. Theo cái kinh nghiệm xử thế mà ông đã truyền đạt cho Hứng : lợn lành trói chặt, ông phải ra tay diệt trừ tận gốc cái tính không chịu khuất thân của bà tôi vì rất có thể bà tôi sẽ tố cáo ông ta thông đồng, che đỡ cho lăo Hứng chấp chiếm nhà tôi.
ấn cái kính lão mắt tròn vào sát mày, chõ xuống trang sổ tay, ông chủ tịch phường tiếp tục giọng bề trên :
- Cụ về kiểm điểm trước tổ hưu về những điều ăn nói xằng bậy sau đây : Ngày hai tháng ba, cụ nói : "Cháu ơi cháu sinh ra vào cái thời buổi khốn khó, lắm nỗi nhiễu nhương này làm gì cho khổ cháu, khổ bà, cháu ơi !". Ngày hai tháng tư, ngày bốn tháng tám, cụ lại lặp lại câu nói đả kích chế độ đó. Thường xuyên cụ kêu ca đói khổ, bất công. Cụ ca ngợi thời đế quốc, thợ sung sướng, được ăn cả ý dĩ, hạt sen, thịt vịt. Ngoài ra, còn hai điều quan trọng nữa : một là, hãy dè chừng các
cuộc tụ họp để bàn việc lật đổ chính quyền ; hai nữa, thực chất chuyện con gái cụ và đứa con hoang là cái gì ? Tôi hiện đang theo dõi con gái cụ đây...
ông chủ tịch ập cuốn sổ lại như che giấu một điều gì mờ ám. ông đã tiết lộ rằng ông có nắm được thông tin về cô Quỳnh tôi. Nhưng, lúc đó bà tôi chẳng còn tâm sức nào mà tỉnh táo để dõi theo câu chuyện nữa. Sau tiếng gọi khiếp đảm của tôi, bà tôi mặc ông chủ tịch ngồi đó, đẩy cái ghế đẩu đổ, vượt ra cửa phòng, rồi vừa chạy về vừa mếu máo : "Cháu ơi là cháu ơi, bao giờ mới qua cơn bĩ cực này, cháu ơi !".
*
* *
Chính là tại cái gã y sĩ đã cho em tôi mấy viên thuốc pi-ra-mi-đông khi nó bị sốt xuất huyết và may mà có cô Đại Bàng, không thì nó đã xanh cỏ rồi. Cái gã ấy trông nho nhã, cao lểu đểu, uể oải đặt cuốn Tây du ký đang xem dở xuống bàn, ngáp dài một cái : "Có phải chuyện Đặng Tiểu Bình đi Mỹ đếch đâu mà cái lão Luông...", rồi như chợt tỉnh, ngậm miệng giữa câu, hất hàm vào bà tôi. Sau khi bà tôi lập bập trình bày tình trạng hiểm nghèo của tính mệnh em Thảm, y vẫn ngậm mồm, chỉ tay ra hiệu bảo bà tôi đặt em tôi xuống cái giường con trải một chiếc chiếu rách vẫn để bệnh nhân nằm.
Y là gã người câm.
Y câm tiếng nói, câm các giác quan xúc động. Em Thảm tôi hôn mê bằn bặt, mặt nhợt không còn hạt máu, đối với y, cũng chỉ như một thể xác sinh vật vô nghĩa nào đó thôi. Mặt y vô cảm, lạnh như tiền. Y vạch mắt em. Y đặt ống nghe vào ngực em. Rồi y lặng lẽ tháo ống nghe, xịt một tia nước bọt và trượt ra khỏi vành môi một thứ tiếng nói vô hồn lạnh lẽo :
- Hai trăm !
Đúng chỉ có hai từ. Hai trăm ! Cái gì là hai trăm ? Bà tôi thoạt đầu chẳng hiểu ý nghĩa gì chứa đựng trong cái số từ nọ. Số đo áp huyết, mạch, nhịp, hay liều lượng thuốc ống, thuốc tiêm ?
Bà tôi cúi gập người xuống, dò đón :
- Thưa bác sĩ... hai trăm...
- Hai trăm !
Lần này hai từ nọ bắn từ miệng y với âm lượng to gấp bội. Và cặp mắt trợn trạc của y nhìn bà tôi đã giúp bà tôi hiểu ra nội dung sự đòi hỏi của y ẩn ở trong hai số từ cô đọng nọ.
Hai trăm đồng một ống thuốc trợ tim, trợ sức cho em gái tôi.
Hai trăm đồng một sinh mạng con trẻ. Thật là quá rẻ (!) Giá một ống thuốc loại này mua ở hiệu thuốc chưa đầy chục bạc.
May mà trong túi bà tôi có xấp tiền cô Quyên cho vay. Hai trăm đồng, nếu không, biết bán cái gì cho đủ số tiền to thế. Cái gì có thể bán được thì bán cả rồi. Có lẽ chỉ còn cái quạt trần là đáng giá - cái quạt vẫn mắc trên trần, mấy năm nhà Hứng cắt điện, không quay, bụi bám đầy.
*
* *
- A, em dậy rồi đấy à ? Anh Duy ơi, vào chơi với em nào. ấy là một buổi sớm trong mát, tiết thu mới lập, cuộc sống như sang trang. Tiếng bà tôi reo lanh lảnh như tiếng nhạc. Tôi từ chỗ tập thể dục, dưới sự hướng dẫn của ông Vinh pháo, chạy vào thì em Thảm đã ở trên đôi tay rung rinh, sung sướng của bà. Em vừa dậy. Như tất cả những trẻ con nhà nghèo, không hề xụng xịu vòi vĩnh, lè nhè đòi hỏi. Em ngáp một hơi, đưa nắm tay xinh xinh giụi mắt, rồi ngơ ngác nhìn ra khung cửa tràn một màu xanh dịu dàng.
Đã có những ngày xám xịt các cảm giác u ám. Đã có những đêm bóng ma kinh dị len lỏi trong giấc ngủ chập chờn. Đã bao lần thất hồn khiếp đảm. Trong ý nghĩ thầm nhiều lúc cộm lên cơn hoảng sợ về một cơn tai biến hiểm nghèo. Nỗi kinh hoàng nhiều phen đã chẹn ngang ngực, đè nặng trái tim tôi.
Muôn đời tạc dạ ghi lòng công ơn bà nội tôi. Bà nội tôi quả cảm chèo lái, bế ẵm, ru dín em, cùng em, giúp em chống chọi lại cái chết ác độc bủa vây trùng trùng. Bà nội là nữ thần hộ mệnh, là Phật bà lòng đầy ân ưu, bênh vực, phù trợ tới cùng sự sống của hạt máu ruột thịt, kẻ không may rơi vào cảnh hẩm hiu, khốn cùng.
Sự sống đã chiến thắng. Em Thảm đã sống nhờ cái nội lực tiềm tàng, nhờ cái nghị lực chống trả phi thường và nhất là nhờ nỗi lòng khát khao muốn cho đời hiểu rằng : sự sống của kẻ bị vùi dập là bất diệt chăng ?
Khổ, trận ốm dài dằng dặc nghĩ mà kinh !
Trận ốm vắt qua các giai đoạn tuổi ấu nhi. Em thiếu hẳn một đoạn đời nho nhỏ. Em không biết phun mưa, không biết làm mặt xấu, không biết đánh tay đi chợ. Bà bảo em trốn lẫy, trốn ngồi, trốn cả bò. Vào tuổi thứ ba của cuộc đời em mới tập đi và bập bẹ nói những tiếng nói đầu tiên.
Em nói ti tức là uống. Em nói tô tức là ăn. Nhưng chỉ mấy hôm sau em đã nói được bà, anh, Duy. Lại có lúc em hét tướng lên, như là hát vậy. Em mon men theo thành giường tập đi. Bà đứng khom lưng đón em ở ngoài cửa. Mắt bà nheo nheo đón đợi. Em phải vượt một chặng đường xa xôi. Công việc thật vất vả. Vì đôi chân bấy bớt của em. Nhưng em hăm hở một ý chí quyết vươn tới. Em nghiến răng, rời bỏ cái thành giường. Tay em huơ huơ. Người em đảo trái, đảo phải. Cái váy đỏ bập bùng. Em ngã đánh ạch. Bà nâng em dậy. Bà đánh cái đất : cha bố mày làm ngã cháu tao. Em lại mím môi mím lợi điều khiển đôi chân. Con Jăng bỗng gầu lên một tiếng. Em quay lại, trẹo chân, ngã ạch cái nữa. Nhưng em không khóc, em đảo mắt nhìn quanh.
- Anh Duy ơi, xem em đeo nơ đẹp không, này !
Bà gài cái nơ lụa đỏ hồng lên tóc em. Tóc em lơ xơ, đen óng. Hai mắt em tròn xoe, mỗi ngày một thêm lay láy.
Cô Đại Bàng ngó vào, nắc nỏm : - Chóng lại người quá, cháu tôi. Hai mắt thao láo như cáo trông giăng thế kia kìa. Bà nhỉ, nói dại, cái hôm thấy cháu nằm vắt trên vai bà, ruồi đậu mép không buồn đuổi, đã tưởng khó nên người. Giờ, sắp đi học được rồi !
Bà cầm hai tay em rung rung : - Cháu còn ăn bảy bồ cám tám bồ bèo nữa thì đi học được, bác ạ.
Cô Đại Bàng gạt tóc mai, xịt mũi :
- Có nuôi con mới biết công cha mẹ. Bao nhiêu công sức là thế mà lớn lên nó chửi giả mình, thật lắm lúc con nghĩ mà nản quá.
- Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, cô ạ.
Hai người phụ nữ thốt im lặng, theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Lão Hứng từ trong nhà khật khưỡng đi ra. Mắt lão đứt kẽ, đỏ ngầu. Lăo vừa cãi nhau với người phụ nữ mặt cú trong buồng, gặp câu bà tôi nói, vận luôn vào : - Sách có chữ : Trước dạy vợ, sau sẽ trị nước. Nhưng, thế là sai. Vợ, không dạy được đâu, cụ ạ.
Cô Đại Bàng vẫn căm Hứng, không muốn nhìn cái mặt ngựa gớm guốc của lão, bỏ ra về. Trong buồng, chợt cất lên tiếng nói léo nhéo của người phụ nữ mặt cú : - Này, đừng có cả vú nhé. Định ăn rồi quệt mỏ, hở ? Được, đã thế thì bài ngửa với nhau đi. Rồi của anh anh mang, của nàng nàng xách. Thiết đ. gì mà phải đèo bòng. Đấy ăn chả thì đây cũng ăn nem, sợ quái gì !
Hứng quay ngoắt lại, đứng cạnh con Jăng, vặc : - Này, loài chó nó cũng còn không biết phản chủ...
- Mày bảo ai là chó ?
- Có còn nhớ cái thời đứng cột điện không ? Hay là thích trở lại cái thời liếm lá ở chợ, hả ?
- Đồ ba que !
Tôi vội xốc nách em Thảm tôi đứng dậy. Tôi bế em lên quá đầu tôi. Tôi hát váng, hát lăng nhăng vì muốn át đi những tiếng chửi bới thô tục của lăo Hứng và nhân tình của lão, để em Thảm khỏi sợ.
Thảm tồ, Thảm tẹt Thảm tẹt, Thảm tồ Thảm tồ đi lái xích-lô
Bỏ quên cái nón ở ạ Chợ Dừa...
Bà hét :
- Khéo ngã em !
Tôi bế em lại. Bà đỡ em, đặt em ngồi trên giường. Bà vuốt sống mũi em :
- Mũi tao đẹp thế này mà bảo tao là tẹt à ? Tao tồ khối ra đấy. à, để bà xoa tai cháu bà cho khỏi hăm nhé !
Em Thảm so vai, rụt cổ, cười sằng sặc. Nó có máu buồn. Cười một lúc
em bỗng hét tướng lên. Em cũng muốn bày tỏ niềm vui ứ đầy trong lòng. Em cất tiếng nói. Em ca hát đấy.
- Em hát đấy, anh Duy ạ, - bà nói. - Lớn lên, em sẽ hát hay, học giỏi hơn anh Duy cơ.
- Anh sẽ dạy em học, dạy em hát nhé !
- ừ,- bà nói thay em. - Em học giỏi, em còn đi Liên Xô học cơ.
Em Thảm thích chí vớ cái gối ôm vào bụng, lắc la lắc lư. Bà cười gật gật : - Em đi máy bay sang Liên Xô học đấy.
Hạnh phúc tràn ngập mắt bà. Bà hỗm em lên lòng. Hai tay bà nắm hai tay em. Vừa làm động tác kéo cưa lừa xẻ, bà vừa hát theo nhịp đón đẩy :
Chút cha chút chít Bán mít chợ đông Bán hồng chợ tây Bán mây chợ huyện Bán quyến chợ đào Bán được chú nào Thì chịt cho chặt.
Trong nhà Hứng đang lộn xộn bỗng im bặt. Có lẽ họ tưởng bài hát đồng dao bà hát ấy cạnh khóe họ. Mặc, bà cứ hát. Ba mẹ con con mèo Mí thấy vui nhảy lên quẩn quanh bà và em.
Tây Ninh, ngày...
Bà kính mến và hai cháu thân thương.
Con là Quyên viết thư cho bà đây. Thưa bà, thấm thoắt thế là con đã xa bà gần hai năm trời rồi. Thật không ngờ thời gian xa cách lại dài như thế. Bởi vì hôm chia tay bà, con nghĩ công việc vào trong này săn sóc rồi đón nhà con ra, quá lắm cũng chỉ mất vài ba tháng là cùng. Thế mà cuối cùng, việc nọ lại đẻ ra việc kia, thời gian cứ trôi đi cho đến hôm nay, con vẫn chưa thể biết ngày nào mọi việc mới xong xuôi để con trở ra đất Bắc, về lại phường Ngọc Sinh sớm hôm bên bà.
Bây giờ là tháng giêng. Trong này vẫn nóng ran và bụi lầm đất đỏ. Ngoài ấy, cữ này mưa phùn giăng mờ trời đất ; mỗi sáng mở cửa nhìn ra, trắng lóa hơi sương, con nhớ mãi cái hơi ấm chiếc áo bông bà chần cho con mặc nhà hồi ấy, nhớ cả hơi mưa và mỗi khung cảnh sống bên bà. Bây giờ, mỗi sáng chắc bà vẫn khoác cái mảnh ni-lông đi lên khu đồi hoang chăm nom mấy luống ngải. Và chiều chiều bà lại cặm cụi tưới bón mấy luống rau trước nhà. Cùng công việc triền miên cực nhọc là nuôi nấng, dạy dỗ hai đứa cháu nhỏ gặp cảnh không may, trong nghèo túng, đơn chiếc. Con cầu chúc bà mạnh khỏe mãi mãi. Con cầu chúc bà gặp muôn sự thuận lợi may mắn, qua khỏi mọi hoạn nạn, rủi ro.
Bà ơi, ở xa bà nhưng hình ảnh bà luôn luôn sống động trong tâm khảm con, như một động viên, an ủi, khích lệ con. Bà là tấm gương soi mà qua đó con thấy hình bóng mình. Nghĩ đến bà, con lại thấy mình thêm sức mạnh để vượt qua mọi khổ ải, đớn đau. Bà ạ,
không hiểu con kiếp trước có tội lỗi gì mà trời hành con mãi thế. Cái số con sao mà khổ thế, bà ơi. Đã tưởng là thôi thì dẫu có không còn nguyên vẹn thì nhà con cũng vẫn sẽ được trở về với mái ấm gia đình, và con sẽ bằng tình yêu thương vợ chồng chung thủy san bằng những thiệt thòi mất mát của nhà con. Nào ngờ, tai nạn này chưa qua, tai họa kia lại tiếp nối. Con nhận được điện của nhà con nói rằng : con phải vào ngay để săn sóc nhà con trong lần mổ lại, nhưng vào tới nơi con mới biết là nhà con nói dối.
Cái chân của anh đã cắt. Vết thương ấy coi như đã xong. Nhưng, anh lại mắc một bệnh hiểm nghèo khác. Và các bác sĩ tây y đã khám nghiệm đi khám nghiệm lại, đã tìm hết cách chữa chạy, cuối cùng đành phải bó tay. Nhà con cũng biết vậy. Anh muốn con và cháu Lễ có mặt bên anh trong những ngày cuối cùng của anh ở cõi đời này. ôi ! Con đã khóc bao đêm cho số phận chua xót của con. Sao con, nhà con, cũng như anh Nguyên và những người khác nữa, phải chịu bao hy sinh, thiệt thòi, trong khi lại có những kẻ chuyên sống phởn phơ, vị kỷ trong bao điều ưu đãi cực kỳ vô lý. Đành rằng bao giờ thì cũng phải có một số người chịu thiệt. Bao giờ thì cũng vẫn phải có những người lặn lội xông pha nơi trận mạc, ngày đêm tính mệnh như ngàn cân treo trên sợi tóc, hoặc chí ít là sống giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn - lịch sử xã hội xưa nay bao giờ cũng có một lớp người cao cả như vậy. Nhưng, như thế thì những kẻ được số phận dành cho sự may mắn hơn họ phải biết điều và xứng đáng với ân huệ được hưởng chứ !
Chẳng có lẽ ai đã bị thiệt thòi thì cứ mãi mãi chịu thiệt thòi ? Chẳng có lẽ xương máu của sự hy sinh lại để nuôi dưỡng một bọn người đặc quyền - bọn cường hào, bóc lột mới nảy nòi từ các thói tật tham ô, cửa quyền, bóp nặn của cải của nhân dân ! Bà ơi, con đã khóc hết nước mắt. Con chẳng thiết sống nữa. Nhưng có lẽ con còn chưa chết được vì còn những điều kỳ diệu níu giữ con, vì con còn có bà. Bà cho con sức mạnh, niềm tin. Từ cuộc đời bình dị tháng ngày của bà, bà nói với con rằng : dẫu có thế nào thì cũng cứ phải cứng cỏi gánh vác, chống trả, vì đã có một chân lý được đúc thành vàng thoi : hết cơn bĩ cực sẽ đến tuần thái lai. Trong vận động của đời sống, điều vô lý sẽ bị chính ngay đời sống xóa bỏ. ừ thì chẳng bao giờ có thể đạt tới sự công bằng hoàn toàn, nhưng không thể có chuyện cứ mãi mãi bất công, lộn xộn, bê bãi như bây giờ.
Bởi vì, bà ơi, vẫn còn muôn vàn điều bí ẩn ở cái cuộc đời hàng ngày phô bày tưởng đã cũ mòn này. Y như trong cổ tích con vẫn dạy học trò của con, cuộc sống hôm nay vẫn có bụt, có phật, có tiên, bà ạ. Phật, bụt, tiên chính là bà đó, bà ơi ! Hỏi rằng số phận cháu Duy, cháu Thảm sẽ ra sao nếu các cháu ấy vừa mới chào đời đã vắng bà ? Chính con, con cũng đã gặp bụt, gặp phật, bà ạ. May mắn cho con, vào lúc các bác sĩ tây y buông tay -sau này con biết thì ra không phải là do căn bệnh nan y mà là vì một nguyên cớ tầm thường hơn nhiều - tính mạng nhà con bị bỏ mặc thì con gặp một vị lang y vốn là sư bà, trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ ở vùng cực nam Trung Bộ. Người nghe con kể bệnh tình của nhà con. Người bảo con phải đưa nhà con đến trị bệnh tại ngôi chùa của Người. Kỳ lạ ! Tiên dược hay sao mà nhà con mới uống có ba thang thuốc do chính tay Người sắc, cơn sốt vào các buổi chiều nấu nung cơ thể đã thuyên giảm hẳn. Con hồi hộp, nghẹn ngào quá. Khi con viết thư này cho bà, nhà con đã điều trị bằng thuốc của Người được hơn ba tháng. Nhà con đã dứt cơn sốt và mỗi bữa ăn được ba lưng, thấy ngon miệng. ôi trời, thì ra có lẽ không phải là như người ta chẩn đoán rồi bỏ mặc. Bệnh có thể là hiểm đấy, nhưng không phải là vô phương. Chao ôi, như thế thì trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, trên những cảnh đời thô thiển, cục súc, lỗ mãng, còn có sự huyền diệu cao cả, phi thường - nó là tính chất cuộc sống, là chất men của cuộc sống, chính chúng nâng đỡ, cứu vớt những hẩm hiu, thua thiệt, ro rủi của chúng ta. Và do đó, dẫu có thế nào thì niềm hy vọng, bông hoa tâm tưởng đẹp nhất, cũng vẫn tồn tại với con người, bà ạ.
Con hy vọng sớm trở về đất Bắc với bà. Con cũng đang dò tìm manh mối tin tức về anh Nguyên. Nhà con nói cách đây hai năm còn gặp anh. Con có nghe nói có một anh trung úy lái xe bị thương nằm ở bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, con sẽ tìm đến, bà nhé.
Phường ta giờ ra sao rồi hở bà ? Chủ tịch phường là ai ? Chẳng lẽ vẫn là ông Luông ? Các cụ trong tổ hưu còn cả chứ bà ? Cụ Hồn Nhiên, ông Vinh pháo vẫn bình thường ? Bao giờ thì lão Hứng mới bị vạch mặt là kẻ chiếm đoạt căn nhà của bà, và thời buổi điên đảo, thô lỗ này chấm hết ? Cháu Duy của cô lên lớp bốn rồi chứ ? Cháu lớn từng nào rồi ? Cố học giỏi để đền ơn bà, cháu nhé. Cô rất nhớ, rất thương em Thảm. Cô thơm hai má em Thảm hai cái rõ kêu. Bạn Lễ rất nhớ và gửi lời thăm hai bạn đấy.
Con Lê Ngọc Quyên
*
* *
Nghe xong lá thư của cô Quyên, cái Thảm ngẩng lên hỏi bà tôi : - Bà ơi, cô Quyên là cô nào hở bà ?
Bà tôi giải thích. Nó lại hỏi về thằng Lễ, con cô Quyên. Hỏi về ông Luông, hỏi : chủ tịch phường là cái gì ? Rồi nó hỏi :
"Anh Nguyên là anh nào mà cô ấy đi dò hỏi tin tức ?". Bà vội nắn :
- Bác Nguyên chứ. Bác Nguyên là bố anh Duy, là anh mẹ Quỳnh, là bác cái Thảm. Hiểu chưa ?
Nó gật đầu rồi leo lên cái ghế đẩu, chỉ hình bố tôi ở những tấm ảnh dán trong khung kính treo trên tường. Con bé có tính ham hiểu biết. Đã hỏi cái gì là hỏi đến kỳ cùng. Hỏi hết bố tôi nó lại hỏi sang mẹ tôi. Thế là mẹ tôi đã bỏ tôi đi được hơn ba năm rồi. Thời gian khơi sâu vết thương vì càng lớn tôi càng hiểu, càng cảm được độ buồn đau của câu chuyện.
Bà tôi cũng vậy. Bà vốn là người rất có ý thức về dòng họ, con cái mình. Thành ra, việc mẹ tôi bỏ đi theo người lái xe và chuyện cô Quỳnh đưa đứa con ngoài giá thú về, là hai nỗi đau ê ẩm của đời bà, mặc dầu bà không bao giờ có ý hắt hủi cái Thảm, mà trái lại là khác. Những ngày qua, nỗi lo về tật bệnh của em gái tôi là nỗi lo sinh tử đã tạm thời đẩy ép nỗi đau ê ẩm đời người kia vào một góc kín tâm tư. Giờ đây, có những đêm tôi thấy bà nằm vắt tay lên trán, mắt chong chong cả đêm không ngủ. Có những lúc tôi thấy bà lặng đi trong thẫn thờ. Bà đã sáu mươi tám tuổi. Đã gầy bà càng gầy. Tóc bà đã bạc hết và ngày nào còn một dải rậm dày, mỗi khi gội bồ kết xong bà quay vun vút như đuôi ngựa múa nay đã rụng, chỉ còn một lọn tóc nhỏ, ngắn ngủn. Chân tay bà chỉ còn là những lóng xương khô khỏng. Cắp rổ rau ngải từ khu đồi hoang về, bà phải nghỉ chân dọc đường, chứ không đi được một mạch như trước.
Một hôm, bà bảo tôi lấy giấy bút, theo bà đọc, viết cho chú Dũng tôi một lá thư, mở đầu bà đọc : Nay mẹ thấy trong người không còn được khỏe như trước nữa, con ạ. Tôi viết mà ngòi bút run rẩy.
Trong khi ấy, cái Thảm đã là một bé gái trắng hồng, mũm mà mũm mĩm. Không ai có thể tin được mới một năm trước nó còn còm nhom như con mèo ốm, thở chẳng ra hơi, suốt ngày nằm ập trên vai bà. Đến cô Đại Bàng hàng ngày qua lại, một hôm cũng kinh ngạc : Hôm qua, nghe cái Thảm nó nói chuyện với bà, con cứ tưởng là đứa bé lên năm lên sáu nào cơ.
Bà cười bảo : ông Trời, bà mụ đền bù cho nó đấy.
Tất nhiên, bà tôi đã dành cho nó sự chăm sóc ưu tiên nhất. Nhưng, như thế cũng chẳng thấm vào đâu, nếu so với các nhà khác. Thành ra có thể nói, không kể phần nội tâm, tính tình, hiểu biết nó mang đậm dấu ấn của bà, còn sức vóc nó thì thật là sức vóc của tự nhiên ban tặng. Nó rất dễ nuôi. Cũng hơi khác đứa trẻ cùng lứa, nó chẳng đòi hỏi gì cả. Sáng nó ăn cơm nguội, rưới magi đỏ lòm. Trưa, chiều nó ăn cơm với dưa cà. Kẹo, bánh nó chẳng màng. Thịt, trứng nó kêu kinh lắm. Dưa cà mà hai má nó phinh phính, cổ tay, cổ chân có ngấn. Nó lớn từng ngày. Mà càng lớn trông càng hay.
Nó mập mạp, nhưng chắc lẳn và không lùn. Chân tay nó cân đối, những ngón tay búp măng rất xinh. Tóc nó cắt ngắn, đen tuyền, dày, như cái mũ len khuôn lấy gương mặt tròn căng có đôi mắt lay láy và cái mũi dọc dừa rất cao sang. Răng nó đều, trắng tinh như đường, trong khi bọn trẻ con cùng tuổi đều sún cả. Đặc biệt, chiếc răng cửa bên khóe miệng trái của nó hơi thụt vào một tí, trông như mọc lẫy. Đó là cái nét riêng của mẹ nó. Cũng không phải nó chỉ giống mẹ ở cái răng cửa ấy. Bóng hình mẹ nó phảng phất ở khuôn mặt, cái chớp mắt, ánh cười, thần thái trong mỗi cử chỉ của nó. Đến nỗi một hôm bà tôi lụi hụi lục từ ngăn kéo bàn ra một tấm ảnh mẹ nó hồi trạc tuổi nó, rồi gọi tôi lại, tặc lưỡi : "Thật y hệt hai chị em chưa !". Cái Thảm giống mẹ nó như đúc. Đó là điều an ủi vô cùng lớn lao mà thiên nhiên đã ban tặng bà tôi và cô Quỳnh ; điều này, lớn lên hơn, tôi mới thật hiểu.
Có lẽ cái Thảm còn giống mẹ nó cả cái tính lí láu luôn miệng và nhanh nhảu trong các công việc. Nó nhập tâm rất nhanh những câu ca dao, tục ngữ bà tôi hay nói. Hay hỏi, lắm lý sự và rất hăng hái tham gia công việc nội trợ gia đình. Dần dần nó trở thành trợ thủ đắc lực của bà tôi. Nó nhặt rau tanh tách, rất gọn. Biết vo gạo nữa, lại tinh mắt nhìn được cả hạt sạn trắng. Bị cua cắp lần đầu nó sợ, nhưng nó không khóc.
Nó thích chơi trò chơi lắm. Nối những chiếc ghế con lại khi thì nó gọi là tàu hỏa chạy xình xịch, khi thì coi đó là cầu trượt. Chơi đồ hàng, nó bắt tôi đóng vai khách mua, khách ăn phở và gọi tôi là bác. Chơi tam cúc với nó, nó cứ luôn mồm hỏi : tượng điều được sĩ đen hay sĩ đen được tượng điều. Tôi chán, nó nịnh : anh được em, em cho anh đét tay em nào. Hoặc : Em không ăn gian đâu anh Duy, anh Việt. Việt rất chiều nó, hay chơi bài với nó. Nó rủ bà tôi chơi bắt dây. Nó bắt rất khéo, được cả hình chim, hình cá.
Nó thích nhất chơi trò đi trốn. Buổi tối, nhà lão Hứng có ti-vi, lão bật lên xem một mình, vì người đàn bà mặt cú đã bỏ lão. Nhà có mỗi cái loa, tôi tắt đi để học bài. Trên giường, bà tung cái chăn. Cái Thảm rúc vào trong khăn, kêu ngàn ngạt : "Bà ơi bà bảo : ơ cái Thảm nó đâu rồi ý nhỉ, đi bà !". Hai bà cháu đùa vui, một lúc rồi nó ngồi dậy duỗi chân song song với chân bà, chơi nu na nu nống, hoặc gõ khẽ vào đầu chơi túng mủng tùng xèng. Lát sau, ngáp dài một cái là nó tụt xuống giường, đi tiểu. Chẳng bao giờ nó đái dầm cả, kể cả những khi nó ốm đau. Bà bảo : "Con cháu nhà này đứa nào cũng quen sạch sẽ từ nhỏ".
Nó với bà như hình với bóng. Nó lón chón theo bà đi dự các cuộc họp dân phố, tổ hưu. Nó ngồi nhặt sạn gạo với bà. Xỏ kim cho bà. Bắt chấy, nhổ tóc sâu cho bà. Nhất là trò chuyện với bà. Có bao nhiêu chuyện bà kể lại cho nó nghe hết. Bà kể ngày bà lấy ông, bà mới hai mươi tuổi, thách cưới tám mươi đồng. Lấy nhau rồi, ông đã là chiến sĩ cộng sản, ông mới dạy bà hai mươi tư chữ cái. Rồi bà mượn sách truyện Tống Trân-Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều về, cứ vừa đọc vừa tập đánh vần, nhận mặt chữ. Bà kể có lần bà vào chùa xóc thẻ đưa ông thầy số đoán. ông thầy số xem thẻ, nói :
"Cô là cô tiên ở trên thiên đình đánh vỡ cái ly ngọc quý nên bị vua cha đầy xuống trần gian". Nó giương mắt :
- Lúc ấy cháu ở đâu, hở bà ?
- Đến mẹ mày còn chưa có nữa là mày.
- Thế là thế nào, hở bà ?
- à, là bởi vì bà với ông còn bận phải tranh đấu với bọn đế quốc, nên chưa đẻ được mẹ cháu.
Nó cười hì, kêu : Thế sao bà không đẻ sớm để cháu giúp bà.
Nó hay chuyện lắm. Đắp chăn đi ngủ rồi nó còn lục xục chán.
- Bà ơi, bạn cháu chúng nó bảo : cháu toàn ăn cơm nguội bà ạ. Trưa chiều cháu ăn cơm nóng chứ, bà nhỉ ?
- ừ.
- Bà ơi, nhà mình ăn cơm không giàu, bà nhỉ !
- Sao mà không giàu ?
- Bạn cháu bảo : nhà đằng ấy bữa nào cũng chỉ cà.
- Cơm cà là nhà có phúc, cháu ạ.
Bà thiu thiu. Nó lại lay tay bà : - Bà ơi, cháu đố bà, tại sao hai mắt, hai tai mà lại chỉ có một mồm ?
- Bà không biết.
- Tại vì hai mồm thì chóng đói lắm, bà ạ.
Tôi đang làm toán, đang say mê mà cũng phải dừng lại, bật cười vì cách giải thích rất ngộ nghĩnh và thông minh của nó. Thấy tôi cười, nó nghển lên :
- Có đúng không, anh Duy ?
- Đúng rồi, nhất là cái Thảm mà hai mồm thì nó nói suốt đêm mất.
Nó cười, quay lại với bà :
- Bà ơi, tại sao ngáp lại chảy nước mắt, hả bà ?
- Bà không biết.
- Bà này, bà có biết : nhà kẻ cắp nó ở đâu không ?
Câu hỏi của nó làm tôi giật mình. Ai có thể có nổi một câu thắc mắc như thế, ngoài nó. Tôi còn chưa biết trả lời nó thế nào vì bà bảo nó hỏi tôi, thì lão Hứng ở buồng trong nẹt to một tiếng :
- Cứ như bà cụ non. Ngủ đi !
Lão trạnh lòng hay giật mình ? Tôi bấm chân cái Thảm. Nó biết ý, nằm im. Lát sau, đã tưởng nó ngủ. Con mèo Mí lò dò bước vào dèm chăn cạnh nó, tìm chỗ ấm. Nó mở chăn cho con mèo chui vào. Con mèo Mí mấy hôm nay nhớ con nó vì bà đem hai con nó tặng ông Vinh một, cụ Hồn Nhiên một. Cái Thảm thương con mèo Mí lắm.
- Bà ơi, cá ăn giun, mèo lại ăn cá, bà ạ ? Tại sao nó lại thích ăn cá thế bà ?
- Bà không biết.
- Bà ạ, hôm qua con mèo Mí nhà mình có khạc một con gì be bé ở dưới gầm giường, bà ạ.
- Con cóc đấy.
- à, con cóc là cậu ông giời, bà nhỉ. Cháu kể chuyện Cóc kiện trời cho bà nghe nhé.
- Thôi, để bà ngủ, Thảm ! - Tôi nhắc nó. Nó giụi mặt vào má bà, rồi ngủ.
*
* *
Cái Thảm lớn khôn từng ngày. Nó nhớ rất dai. Nó làu làu những chuyện Cóc kiện trời, Tấm Cám, Thạch Sanh, Chàng Sọ Dừa... Nó thích nhất chuyện Chàng Sọ Dừa. Nhưng thắc mắc : anh Sọ Dừa tròn lông lốc thế làm sao ngồi lên lưng trâu được, mà đàn trâu đông những ba mươi vạn con. Nó thích nhất đoạn : công chúa ba, tức là vợ anh Sọ Dừa, bị hai chị ghen ghét đẩy xuống biển, lọt vào bụng cá, nhớ lời chồng lấy dao rạch bụng cá, lên hoang đảo, hai quả trứng nở thành hai con gà, cất tiếng gáy : "O ó o... phải thuyền quan Trạng đón cô tôi về". Mấy hôm nó làm tôi ngạc nhiên vì bỗng dưng nó bảo : bố anh Duy là chàng Sọ Dừa đấy. Bố anh đang lái xe ô-tô pim pim thì nghe tiếng gà gáy, thế là tìm được lối về nhà.
Nó theo tôi mỗi sớm tập thể dục, rồi theo bà lên khu đồi hoang trồng ngải cứu, lúc về chẳng những không bắt cõng, lại còn hăm hở đeo thêm bó củi khô trên lưng nữa. Da thịt nó mỗi ngày một nình nịch.
Một hôm, cái Thảm ở nhà một mình. Nhà trong, lão Hứng cũng đi làm nên nó khóa cửa, ở ngoài sân thái rau cho gà ăn xong, nó chơi lò cò một mình. Chơi lò cò chán nó lại chơi ô ăn quan, cũng một mình. Mấy đứa bạn đến rủ đi ra hồ bắt cá, nó nhất định không đi. vì : "Tớ đã hứa với bà tớ là ở nhà trông nhà rồi".
Lát sau có bà lão ăn mày đến ăn xin. Vét được bát cơm nguội, nó bưng ra cho bà lão, lại hỏi : - Cụ có ăn ma-gi không, cháu rưới cho.
Con Vành Khuyên đứng ở sân nhà mình, nhìn sang, trề môi :
- Rõ... sĩ quá đi mất !
Bà lão đổ bát cơm vào bị, nói : - Cám ơn cháu.
Nó đáp :
- Mai bà đến cháu rang cho bà. Bát cơm rang sàng cơm thổi, bà ạ. Bà cháu bảo thế.
Con Vành Khuyên càng như bị chọc tức, thưỡi mặt :
- Ra cái điều ta đây lắm, đồ chíp hôi !
Bà lão ăn mày lọ dọ sang nhà cái Vành Khuyên. Con này đóng sập cổng sắt, dậm dọa :
- Cụ không đi, tôi thả chó ra bây giờ.
Cái Thảm leo bờ rào, gọi bà lão : - Bà ơi, ứ thèm xin nhà nó. Nhà nó giàu nhưng ki bo lắm, bà ạ !
Bà lão ăn mày đi. Con Vành Khuyên khoằm khoằm cái mặt bước sang nhà tôi, đứng lại giữa sân, hất hàm vào cái Thảm vừa ở cạnh cái chậu rửa bát đứng lên : - Thế nào, mày vừa nói cái gì đấy, con đĩ non ?
Cái Thảm đứng thế thủ, tay phải nắm lại. Nhưng nghe con kia hoạnh một lần nữa, nó liền đối lại ngay :
- Chị lớn hơn tôi, chị không được nói thế !
Con Vành Khuyên tức khí, sấn lại :
- Được rồi, thế mày muốn tao gọi mày là gì ? Con bà cô nhé !
Nói đoạn, con này bước nhanh tới, giơ tay định túm tóc em tôi. Nhưng, thật bất ngờ, đứa con gái lớn cậy sức tưởng có thể ăn hiếp đứa trẻ nhỏ, vừa định giở trò lấy thịt đè người thì bỗng nảy bật người lên như điện giật, rồi cuống cuồng quay đầu, đưa tay ôm mặt cút thẳng về nhà với tiếng kêu thảm thiết :
ối giời ơi, nó làm mù mắt tôi rồi !
Hôm đó bán được ngải, lại mới lĩnh lương hưu và tiền lãi tiết kiệm, bà đổi bún, mua thịt nướng chả. Thịt ba chỉ thái ngâm nước hàng, ướp hành, nướng thơm ngạt mũi. Khi ăn bà chia cho mỗi người một gắp. Lại mỗi người một bát nước chấm bà pha rất vừa. Cái Thảm thích lắm. ăn một hồi no căng bụng nó mới thỏ thẻ :
- Bà ạ, hôm nay cái Vành Khuyên suýt bị cháu làm cho mù mắt.
Bà lo lắng hỏi. Nó kể lại. Thì ra trong tay nó lúc đó là cái giẻ rửa bát sũng nước, nó đã bóp và vẩy vào mặt con Vành Khuyên khi con nọ định xông tới và hành hung nó. Bị bất ngờ, con Vành Khuyên thần hồn nát thần tính, tưởng là a-xít cũng nên.
Bà cười hà hà.
- Ngộ nhỡ nó biết là nước lã, nó quay lại nó đánh thì làm sao ?
- Cháu có cái gậy ở trong bếp rồi.
- Ra vậy ! Mẹ mày xưa cũng thế.
Chẳng ai bắt nạt được.
- Bà cũng thế !
Bà nhướng hai vệt mày, lạ lẫm và sung sướng :
- Mày chưa đẻ biết gì mà bảo : bà cũng thế !
Cái Thảm im. Bà sẻ thêm chả cho nó. Bảo nó ăn kèm với rau sống. Nó phồng miệng nhai rồi phán :
- Bà nấu ăn ngon nhất !
Bà cười :
- Như con mẹ hoẹt chưa ! Thế nào mà bảo là ngon nhất ?
Nó vừa nhai vừa giải thích. Bà rất khéo bày. Không phải chỉ là bữa nay đâu. Bữa thường ngày nào cũng vài ba món. Tí tép khô. ít muối vừng. Đĩa dưa. Vài quả cà. Bát rau xào. Lại vài ngọn kinh giới. ăn món này chán, lại có món kia, nên ngon miệng.
Tôi chịu nó là tinh. Nó chẳng để ý đến lời khen của tôi, nói sang mấy món bà nấu nó thích nhất. Rồi bỗng đặt bát xuống, nó phụng phịu :
- Nhưng mà ở đây, chán bỏ xừ đi ấy.
- Sao ? Lại sợ cái Vành Khuyên, hả ?
Tôi ướm. Nó lắc đầu :
- Ngày nào cũng dẫn chó đến ! Em ghét lắm !
*
* *
Chúng tôi sống chẳng thoải mái chút nào. Lão Hứng, kẻ công nhiên chiếm đoạt gần hết căn nhà của tôi, được phe cánh hùn hạp và ông Luông bảo trợ ngày càng nhâng nháo giở đủ các trò bỉ tiện ; tôi và bà tôi đã nấu nung bao ấm ức, giờ lại đến nỗi căm ghét của em gái tôi.
Nghề kinh doanh chó giống thô bỉ của lão, tư cách lão, lời ăn tiếng nói và các quan hệ mờ ám, bẩn thỉu của lão đã khiến nhiều lúc bà tôi không chịu nổi, phải lên tiếng phản kháng thẳng thừng hoặc bóng gió xa xôi. Nhưng, đâu phải chỉ có thế. Cái con người mặt ngựa, tự xưng là người có học, con ông đồ này, liên tục giở các trò bần tiện với người hàng xóm gần kề của mình. Lão cắt điện của nhà tôi, để tôi không có ánh sáng học bài. Lão buộc chó Jăng ngay sát giường tôi nằm. Lão để đồ đạc lấn cả ra buồng nhà tôi. Chó khách đến, lão để chúng lông nhông ở trước cửa nhà tôi, khiến nhiều hôm em Thảm tôi sợ phải bỏ ra đường. Bạn bè lão cùng một giuộc như lão. Có bận họ còn chơi xóc đĩa, chơi bài ăn tiền. Tiền tiêu như rác nhưng bọn này tham vặt. Nhà tôi mất cắp luôn, khi cái khăn mặt, lúc bánh xà phòng.
Trong sự xô bồ hỗn độn ấy, ông Luông có vẻ là một nhân vật nghiêm chỉnh. Nhưng, ông đến là cùng Hứng thầm thầm thì thì, mắt la mày lét, khiến chúng tôi có cảm giác mình là đối tượng để họ bàn bạc hãm hại.
Hứng có âm mưu hại chúng tôi ? Có. Nhưng lão mặt ngựa này gian hiểm, nên lão có cả một kế hoạch tỉ mỉ. Và lão đã từng bước thực hiện. Lão sẽ làm chúng tôi, cả đến cái Thảm, bực tức và chán nản. Chỉ khi ấy lão mới xuất hiện và đưa chúng tôi vào tròng.
Hôm ấy, chỉ có bà tôi và cái Thảm ở nhà. Đang giờ đi làm, bỗng dưng lão từ xí nghiệp đi xe máy về. Bước vào nhà, lão nhe hàm răng mái hiên, cười bắt chuyện rất thân thiện với bà tôi :
- Thế nào, hai bà cháu có chuyện gì mà vui vẻ thế ?
Bà tôi đang chải đầu, tết tóc cho cái Thảm, bình thản :
- Bà cháu tôi lúc nào mà chẳng vậy.
- à, tôi thấy cụ và cháu cười nên...
- Ra ông cũng biết đo lòng người đấy. Nhưng mà dò sông dò biển, dò nguồn. Biết sao được bụng lái buôn mà dò...
Hứng lên giọng :
- Sách có nói : Vui là từ tâm. Mà không vui cũng là từ tâm. Đem cái ác buộc cho người khác, đem cái lo buộc vào mình làm gì cho nó khổ !
- Thì đêm đêm rủ rỉ rù rì ; tiếng nặng bằng bấc, tiếng thì bằng bông, tôi sợ người ta bàn mưu tính kế với nhau, rồi không chừng sau khi bị kiểm điểm ở tổ hưu, lại chường mặt với bà con dân phố không biết chừng.
Hứng ngả người, cười đầy vẻ chủ động :
- Làm gì có chuyện như hồi xưa nữa, hả cụ ! Thời ấy ta còn mao ít lắm. Chứ bây giờ bung ra, hoàn toàn khác xưa rồi. Bây giờ tự do ! Cả kinh tế, cũng tự do. Ai làm giàu được đến đâu, mặc sức. Đấy, xưa thì cấm chợ, ngăn sông. Giờ thì phường ta cũng lập chợ. Cụ vẫn đi chợ phường ta đấy chứ.
Chẳng đợi bà tôi mời ngồi, lão ngồi thụp ngay xuống, trên thế ngồi xổm, kềnh kệnh cái cặp bên sườn, nói tiếp :
- Như cháu bây giờ, ngoài công việc ở xí nghiệp ra, có thể kinh doanh đủ các thứ. Ví dụ, nếu có vốn, cháu có thể mở một xưởng nấu xà phòng. Việc này, phường sẽ tham gia đầu tư. Đấy, cái mà cụ gọi là đêm qua rủ rỉ rù rì thực chất nó là vậy. Sách có chữ : quân tử đãi thời mà cụ. Còn về cụ, cháu và anh Luông bàn kỹ rồi. Gia đình ta là gia đình cách mạng. Xã hội phải có trách nhiệm với cụ và các cháu nhỏ. Để nhếch nhác quá là không có được ! Cho nên anh Luông cháu định là... sẽ cấp cho cụ một cái đăng ký kinh doanh, một chỗ ngồi ở khu chợ phường mới thành lập. Buôn bán ở đâu, ở ăn luôn ở đó, cũng là một sự tiện lợi, cụ ạ.
- à ra là vậy !
- Anh Luông rất có thiện ý, cụ ạ !
- Nghĩa là chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi !
Hứng nhấp nhổm, nhăn nhăn trán :
- Cụ nói thế nghĩa là thế nào ?
- Nghĩa là rằng : ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai, còn cái thủ, cái tai thì đem biếu chú. Để chú, khi vui nước nước non non. Khi buồn thì giở quân son bài ngà, chứ gì.
Thôi thế là bà tôi đã biết tỏng mưu mô của lão rồi. Biết là ngón bịp lộ tẩy. Hứng đứng dậy, chờm môi qua hàm răng vổ, chíp chíp mấy tiếng rồi giở mặt :
- Cụ đã già lừa ưa nặng thế thì tôi nói thẳng nhé. Cụ ở cùng căn hộ với tôi dứt khoát là không được. Tục ngữ đã từng có câu : sống mỗi người mỗi nhà.
- ô hay ! ông nói thế mà nghe được. Nhà là nhà của tôi. Bỗng dưng ông ở đâu đến chấp chiếm. Rồi rủ rê người này người nọ đến ở chung đụng, làm đủ chuyện xấu xa, dầm dề...
Biết là ở thế bất lợi và sợ bà tôi tố cáo, Hứng lại vội đổi nét mặt, ngắt lời bà tôi : - Thôi, thôi cụ ơi. Chuyện gì đã qua rồi thì thôi, không bới lại nữa. Cháu đề nghị với cụ một giải pháp có lợi cho cả đôi bên đây.
Bà tôi im lặng. Hứng liếm môi : - Thế này, cháu sẽ chịu thiệt, cháu bỏ tiền mua cho cụ một căn nhà ở khu chợ. Cụ và hai cháu ra đấy vừa là có chỗ ở riêng biệt, vừa có chỗ mở cửa hàng để có thêm đồng ra đồng vào.
Cái Thảm đứng dậy, tự chải lấy đầu.
Bà tôi cũng đứng dậy, nhìn cái mặt đuồn đuỗn vừa gian xảo, vừa đê tiện của Hứng, nhẹ nhàng :
- ông Hứng ạ, ông hay nói văn sách. Vậy ông có biết câu này không :
Hưởng lộc như ôm cọp ngủ ? Tôi sợ là có đứa nó xui dại ông, rồi có ngày bợm già mắc bẫy cò ke đấy. Tôi còn hai thằng con trai một đứa con gái, rồi dâu, rồi rể nữa. Trước sau rồi thế nào chúng cũng trở về. Tan rồi hợp. Loạn rồi yên. Cái lẽ đời xưa nay vẫn vậy, ông ạ.