Liệu có những giới hạn cho sự giải thích hay không?
Giải thích được tất cả, thậm chí theo nghĩa hạn chế là hiểu được tất cả mọi phương diện của các lực và các thành phần sơ cấp của vũ trụ, là một trong số những thách thức vĩ đại nhất mà khoa học đã từng phải đối mặt. Và lý thuyết dây là lý thuyết đầu tiên cho chúng ta một khuôn khổ dường như đủ cơ bản để đáp ứng thách thức đó. Nhưng liệu chúng ta có thực hiện được trọn vẹn lời hứa hẹn của lý thuyết và chẳng hạn như tính được khối lượng của các quark hoặc cường độ của lực điện từ - những con số có ảnh hưởng quyết định đến vũ trụ chúng ta hay không? Như đã nói trong các mục trước, trên con đường tiến tới mục tiêu đó, chúng ta còn phải vượt qua nhiều trở ngại về mặt lý thuyết mà nổi bật nhất hiện nay là việc xây dựng hoàn chỉnh một lý thuyết dây/lý thuyết - M phi nhiễu loạn.
Nhưng ngay cả khi chúng ta đã có được sự hiểu biết chính xác về lý thuyết dây /lý thuyết - M dựa trên một khuôn khổ mới và trong sáng hơn rất nhiều của cơ học lượng tử đi nữa, thì phải chăng chúng ta vẫn không thể tính được khối lượng các hạt và cường độ của các lực? Nghĩa là chúng ta vẫn phải lấy giá trị của chúng từ các phép đo thực nghiệm, chứ không tính được bằng lý thuyết? Và sự thất bại này có nghĩa là chúng ta không phải tìm kiếm một lý thuyết cơ bản hơn, mà đơn giản nó chỉ phản ánh một thực tế là không có sự giải thích nào hết cho những tính chất quan sát được đó của thực tại?
Câu trả lời ngay lập tức cho các câu hỏi đó là có thể. Như Einstein đã có lần nói: "Điều khó hiểu nhất về vũ trụ là khả năng hiểu được nó của chúng ta". Sự kinh ngạc trước khả năng hiểu được vũ trụ của chúng ta dễ bị mai một trong thời đại những tiến bộ nhanh chóng và đầy ấn tượng như ngày nay. Tuy nhiên, có lẽ, có một giới hạn đối với khả năng hiểu biết của chúng ta. Có thể, chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng sau khi đạt tới một trình độ hiểu biết sâu nhất có thể đạt được, vẫn còn có những khía cạnh của vũ trụ không thể giải thích được. Cũng có thể, chúng ta sẽ còn phải chấp nhận rằng, một số đặc điểm của vũ trụ như nó vốn có là một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ hay một sự lựa chọn thần thánh gì đó. Thành công của phương pháp khoa học trong quá khứ đã khích lệ chúng ta nghĩ rằng với đủ thời gian và nỗ lực, chúng ta có thể làm sáng tỏ mọi bí ẩn của tự nhiên. Nhưng việc vấp phải giới hạn tuyệt đối của sự giải thích khoa học - chứ không phải những trở ngại về mặt công nghệ hay biên giới hiện nay (đang tiến về phía trước) của trí thức loài người - là một sự kiện đặc biệt vì kinh nghiệm quá khứ của chúng ta chưa có sự chuẩn bị cho điều đó.
Mặc dù điều này có liên quan rất nhiều với cuộc tìm kiếm lý thuyết tối hậu thư của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết được và thực tế, khả năng có một giới hạn cho sự giải thích khoa học, theo nghĩa rộng lớn mà ta nói ở trên, là một vấn đề có thể vĩnh viễn không giải đáp nổi. Ví dụ, chúng ta thấy rằng, ngay cả khái niệm tư biện về đa vũ trụ, mà thoạt nhìn tưởng là một giới hạn cuối cùng đối với sự giải thích khoa học, hóa ra vẫn có thể thích nghi với nó bằng cách tưởng tượng ra những lý thuyết cũng tư biện không kém, nhưng những lý thuyết này có thể, ít nhất là về nguyên tắc, phục hồi lại được khả năng tiên đoán.
Một điểm nổi bật từ những điều nói trên, đó là vai trò của vũ trụ học trong việc xác định những hệ quả của một lý thuyết tối hậu. Như chúng ta đã biết, vũ trụ học siêu dây là một lĩnh vực còn non trẻ, ngay cả so với lý thuyết dây. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một lĩnh vực hàng đầu được tập trung nghiên cứu trong những năm tới và rất có thể sẽ là một lĩnh vực phát triển chủ yếu trong vũ trụ học. Khi chúng ta tiếp tục nhận được những phát hiện mới về các tính chất của lý thuyết dây /lý thuyết - M, thì khả năng phỏng đoán những hệ quả vũ trụ học của ứng viên sáng giá nhất cho lý thuyết tối hậu này sẽ ngày càng trở nên sắc bén hơn. Dĩ nhiên, cũng có thể những nghiên cứu ấy một ngày nào đó, sẽ khẳng định với chúng ta rằng, thực tế, đúng là có một giới hạn cho những giải thích khoa học. Nhưng trái lại, cũng có thể, những nghiên cứu đó sẽ mở đầu cho một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên trong đó chúng ta có thể tuyên bố: cuối cùng chúng ta cũng đã tìm ra sự giải thích cơ bản của vũ trụ.